ứng trước mặt anh Tiến đến mấy giây trôi qua mà Thảo vẫn chưa mở miệng nói được câu nào. Chiếc áo tu màu đen, cài chiếc thánh giá nhỏ bên ngực trái đã làm cho màu da anh sáng hẵn lên. Gương mặt với đường nét rắn rỏi hơn, đôi mắt vẫn thu hút (Thảo không biết phải dùng từ gì để diễn tả cặp mắt màu nâu thật sậm, thật ấm áp và như biết nói ấy). Ánh nhìn vẫn như xưa, có vẻ trầm nghiêm hơn một chút. Nhưng nhờ nụ cười rất cởi mở, thẳng thắn của anh đã làm cho người đối diện cảm thấy dễ gần.
Thảo thành thật nói:
- Áo tu rất hợp với anh.
Anh Tiến hơi đỏ mặt lên, nhưng điềm nhiên trả lời:
- Phải Thảo khen anh lúc trước như vậy anh đã không đi tu.
Thế là cả hai cùng cười vui vẻ. Anh và Thảo đều biết cho dù Thảo có khóc và tỏ bày tình cảm với anh lúc ấy, anh vẫn đi tu. Thảo tôn trọng sự chọn lựa của anh, vì anh là một người có lý trí và tình thương song hành.
- Vậy là mai mốt anh Tiến thành cha xứ và Thảo có thể đến xưng tội với anh được rồi.
- Thấy bề ngoài Thảo có vẻ chính chắn hơn mà sao vẫn nghịch tính.
Thảo xí xóa đổ thừa:
-Tại anh khác hẵn đi trong chiếc áo tu.
- Sao Thảo đến đây học thực tập lại không cho anh hay? May là anh gặp chị Tuyền trong một cuộc họp, chị cho anh số điện thoại của Thảo đó.
Thảo ấp úng:
-Thảo đâu biết là đi tu vẫn được ra ngoài gặp bạn bè, thân nhân đâu. Với lại muốn để cho anh Tiến yên tĩnh mà.
- Đâu phải dòng tu kín đâu mà không được đi ra ngoài Thảo.
- Vậy ra hiện giờ anh Tiến vẫn được quyền phạm tội phải không?
Câu hỏi nửa đùa, nửa thật của Thảo làm anh hơi đỏ mặt lên.
- Cô đừng có bày trò quỷ ra mà cám dỗ anh.
Anh Tiến bắt theo câu đùa của Thảo mà trả lời.
Lúc mới qua xứ lạ, quê người, Thảo rất dở tiếng Pháp, đọc một câu chỉ hiểu được lỏm bỏm vài từ. Điều này làm Thảo mặc cảm với bạn cùng lớp, nên giờ ra chơi thường là lúc nàng chui rúc vào một góc sân, ngồi thơ thẩn một mình nhớ nhà, nhớ bè bạn.Có lúc ấm ức đến nước mắt chảy như suối ngầm vậy. Trường cũng có người Việt nam đó chứ, nhưng họ lớn và qua đây trước Thảo những năm, sáu năm nên đâu ai thèm chơi với Thảo. Khi ra khỏi nơi chốn sinh thành thì bạn mới hiểu được thế nào là sự lạc lỏng giữa thế giới xa lạ, mới mẻ, không đồng ngôn ngữ.
Mít ướt một mình hoài cũng chán, Thảo nghe lời ba măn, đi học thêm sinh ngữ. Nàng tìm trên mục quảng cáo của trường, ghi danh.
Ngày đầu tiên đến lớp thảo chưng hững khi thấy một anh chàng mặt mũi là lạ, chừng như lai lai nhìn Thảo buông thỏng một câu:
- Chào đồng hương.
- Dạ, em chào thầy.
Câu trả lời máy móc của Thảo làm anh chàng phì cười, đưa tay vuốt vuốt chiếc cằm nhẵn thính:
- Chưa để râu mọc rậm rìa mà đã được gọi là thầy và dạ thưa rồi, tăng tuổi thọ cho tôi sớm vậy đồng hương.
Sau này, khi nhắc tới cảnh gặp gở lúc đầu ấy, anh Tiến và Thảo đều được dịp cười hả hê. Nhưng giai đoạn đi dến thân thiết nhau thì đầy chông gai. Anh Tiến đã không nhân nhượng tha thứ cho Thảo bất cứ một lỗi lầm nhỏ nào. Bài vở anh đưa ra toàn là thứ văn phạm khó nuốt, nhưng đoản văn mà Thảo đọc tới, đọc lui cả chục bận vẫn không sao hiểu được cái đẹp, cái hay của tác giả muốn diễn đạt. Thảo lần mò dịch từng chữ từ tự điển theo kiểu học mò. Anh Tiến đã thẳng tay bôi xóa, gạch đỏ và bắt Thảo làm lại bài thường xuyên.
Lúc đầu Thảo nãn và chán cái thứ văn chương kỳ cục ấy. Đọc lên chẳng thấy êm đẹp, chẳng gây nên xúc động tâm hồn như đọc truyện tiếng Việt, thế là nàng trốn học. Tưởng vậy là anh Tiến buông tha, đâu ngờ anh gọi điện thoại tới nhà cho ba măng hay Thảo đã vắng mặt hai buổi học liên tiếp.
Lần đó Thảo bị gia đình rầy la thê thảm. Lúc xách tập đi học lại thấy anh còn ‘chằng lửa’ hơn trăm lần. Hôm đó, Thảo chờ vài người bạn học để vào lớp cùng lúc, rón rén ôm cặp đến chổ ngồi quen thuộc. May quá, anh Tiến đang chăm chú đọc sách gì đó, không ngẫng lên nhìn đám học trò mới vào.
Thảo cúi xuống lấy bài ra ôn lại chút, để nếu có bị tra tấn khảo bài thì còn vớt vát chút gì.
Bỗng dưng Thảo nghe tiếng anh:
- Đồ cỏ lười!
Lúc đầu Thảo tưởng anh nói với ai nên ngó quanh lớp, đâu ngờ anh đi đến ngay bàn Thảo và:
- Anh nói cô đó chứ không ai khác đâu.
Thảo chết điếng, vừa tức vừa quê cho dù mấy bạn đồng môn không hiểu tiếng Việt. Nhưng tự ái dân tộc bừng bừng như lửa trong đầu Thảo. Nàng lẳng lặng bỏ tập viết vào cặp, định đẩy ghế đứng lên thì nghe giọng anh trầm trầm bên tai:
- Em thông minh, nhưng phải biết tận dụng nó với sự kiên nhẫn để đạt được thành công em biết không? Mà thôi, tùy ở em.
Như một chiếc bong bóng bị xì hơi, Thảo chỉ gật đầu như trả lời anh rồi lại lôi tập vở ra học tiếp.
Từ đó trở đi anh Tiến thường gọi Thảo tùy theo trường hợp, tình huống: lúc thì cỏ cháy (khi nàng bực mình và đanh đá vì chuyện gì đó), lúc thì cỏ buồn (khi Thảo kể anh nghe chuyện gây gổ với bạn bè, hoặc mết mết ai đó mà chưa dám chào), có hoang, cỏ dại, cỏ tiêu điều…. Anh không bao giờ thiếu kiểu ví von, để khi nàng nghe được là phì cười và kéo dài thêm tâm sự không đầu, không đuôi bắt anh nghe đến phát chán.
Lạ một điều là Thảo chỉ chấp nhận anh Tiến gọi Thảo là ‘cỏ’, mấy đứa bạn khác mà bắt chước anh gọi Thảo như vậy là Thảo sừng sộ cấm đoán, giận hờn ngay. Có đứa đôi lúc cáu tiết phán câu xanh rờn: "Trời, cỏ là loại mà người ta dẫm dưới chân không thương hại, chứ cao quý đẹp đẽ gì mà ham! ".
Vậy là Thảo đem cái tức về tìm dịp gây với anh Tiến:
- Anh Tiến coi thường Thảo nên mới gọi đặc danh tầm thường như vậy!
- Chuyện gì nữa đây?
- Còn chuyện gì chứ, người ta nói cỏ là thứ mọc dại lề đường, ông đi qua, bà đi lại tha hồ dẫm lên, vv và vv… Đâu có ai thèm lưu ý, nhìn ngắm như mấy cây bông tươi tắn, xinh đẹp!
Anh tỉnh như rụi giải thích:
-Nếu gọi là Thảo cháy thì có ý nghĩa gì? Cỏ cháy nghe đặc biệt hơn, giống như hiện giờ, cô em đang bốc lửa giận, muốn thiêu đốt cả anh nữa phải không?
- Xì, ai mà dám, Thảo hiền thí mồ, bị bạn bè và anh ăn hiếp hoài đó.
- Ừ, đôi khi anh thấy giống cỏ thiền thiệt. Nhưng có tịnh cách mấy, khi bị gió tơi bới là cỏ xôn xao ngay.
Những lý luận của anh thường làm Thảo như đi trong màn đêm.
Hai năm dài đủ để trình độ pháp văn của Thảo khá nhiều hơn. Cũng hai năm dài sự thân thiết đủ để anh Tiến gọi Thảo là ‘cô em lượm được giữa đường’ lại thương hơn hết. Mối quan hệ ấy đã làm cho bạn bè Thảo không ít lời bàn tán.
Đôi lần anh Tiến rủ Thảo đi lễ, Thảo từ chối vì gia đình Thảo không có đạo và Thảo kể anh nghe chuyện lúc nhỏ, mỗi lần ngồi trong chiếc xe hơi Simca của ba, chở đi ngang nhà thờ Đức Bà là mỗi lần Thảo tò mò hỏi:
-Ai ở trong đó vậy ba? Sao mình không vào coi có cái gì trong đó?
Ba luôn luôn trả lời:
- Chúa chết nằm trong đó. Ba cấm con đi vào những chổ đó nghe.
Nhưng rồi một ngày, Thảo lại lót tót theo anh đi lễ. Vào đó thấy người ta lúc quỳ, lúc ngồi, Thảo cũng bắt chước làm y chang. Đến lúc sắp hàng lên nhận Mình Thánh, Thảo lúng túng chưa biết phải làm thế nào thì anh Tiến nhỏ nhẹ:
- Thảo chưa rửa tội thì không thể nhận Mình Thánh được. Cầu nguyện là đủ rồi.
- Đạo gì mà rắc rối vậy? Ba em nói đúng đó …
Thảo chưa nói hết câu thì nghe anh Tiến tằng hắng:
- Hừ, đồ cỏ hoang!
Không lẽ lại cãi nhau ngay trong nhà thờ, Thảo giữ im lặng. Chấp hai tay lại, ý như cầu nguyện.
Nếu anh mà biết được trong những lời cầu nguyện của nàng, nó chen lẫn dự định kiếm chuyện gây hấn sau buổi lễ chắc anh sẽ hối tiếc đã dẫn Thảo đến đây.
Anh Tiến là con một của một cặp vợ Việt chồng Pháp, họ rất hạnh phúc với nhau, một gia đình sùng đạo. Bà mẹ hãnh diện về cậu con trai đẹp người, tốt nết, chẳng một tị kiêu căng, cho dù lắm cô nàng sẵn sàng ‘ nâng khăn, sửa túi cho chàng ‘.
Một hôm bà tâm sự với Thảo:
- Con biết không, thằng Tiến có ước nguyện không đơn giản và rất cao xa.
Lúc đó Thảo thấy mũi lòng muốn khóc, vì nàng nghĩ chắc bà muốn dặn dò Thảo là đừng có mơ tưởng đến con bà. Nàng chỉ nhỏ nhẹ trả lời:
- Bác ơi, con cũng mong ông anh hai làm vừa lòng bác mà thôi.
Nói xong câu đó thì Thảo biết mình đã không còn ở vị trí anh lớn, em nhỏ đối với anh Tiến nữa rồi.
Bà mẹ chỉ cười rất hiền từ:
- Bác cũng mong vậy Thảo à!
Thảo về đến nhà nằm ra giường khóc ngất lên, chỉ có vậy thôi sao? Chắc là anh nhờ mẹ mình làm trọng tài vì không đủ can đảm nói với Thảo là đừng quấy rầy anh nữa. Hai năm qua, nó như một làn khói mong manh mà Thảo đã vẽ vời nên giấc mơ lý tưởng của mình. Thảo đã coi anh như bạn, như anh lớn, như người Thảo có thể kể hết, nói hết những gì Thảo không thể nói với ai luôn cả đến người thân trong gia đình. Nước mắt rồi cũng cạn chi còn lại trong tiềm thức Thảo một điều là Thảo đã yêu anh. Tình yêu chưa nói ra đó đã bị tắt nghẹn thì thôi đành vậy. Thảo lợi dụng đang vào hè nên xin đi học xa. Không trả lời điện thoại cho dù anh gởi lời nhắn mấy lần.
Ba tháng hè rồi cũng đi qua nhanh chóng. Khi trở về Thảo nhìn thấy một vài bì thư được đặt ngay ngắn trên bàn học của mình. Trong đó có một bì thư màu xanh nhạt của anh. Đó là bì thư mà Thảo đắn đo cả tuần mới dám mở ra xem. Hai tờ thư với nét chữ lưu loát, bay bướm rất đẹp của anh … Thảo đọc đến trang cuối thì mặt mũi đã nhòe nhoẹt nước mắt.
Anh Tiến đã đi rồi, một chuyến đi xa và rất lâu. Khi anh trở về thì cũng sẽ không bao giờ thuộc về Thảo hay bất cứ ai. Anh đã đi theo Ơn gọi của Chúa…
Khi từ biệt anh Tiến và trên đường quay về ký túc xá, Thảo thấy lòng mình thanh thản, nhẹ nhàng đến lạ kỳ!
Bên tai Thảo còn nguyên tiếng nói của anh Tiến lúc nãy với câu nói của Chúa: ” Il y a plus de bonheur à donner qu’à recevoir « ( Act20, 33). Cho hạnh phúc hơn là nhận.
Từ đó Thảo thấy yêu tuyệt vời hơn được yêu…
Cho những ngày tháng không quên...
Ngày 13-10-2012
Nguyễn Mỹ Hạnh
 

Xem Tiếp: ----