HOMAS MANN (1875 - 1955) là văn hào Đức nổi tiếng đầu thế kỷ XX với bút pháp hiện thực sinh động, ẩn giấu nụ cười mỉa mai thâm thúy. Mùa hè năm 1911 Thomas Mann đến nghỉ mát ít ngày trên hòn đảo Lido thuộc Venice, và một loạt sự kiện cùng ấn tượng ở đó đã tạo cảm hứng cho nhà văn sáng tác truyện dài này. Đầu tiên chỉ là một ý tưởng hoàn toàn ngẫu húng, nhưng rồi câu chuyện tự nó có sức sống riêng, tự nó phát triển theo Logich của riêng mình để dẫn đến một kết cục tất yếu. Cũng như đa số các tác phẩm của Thomas Mann, Chết ở Venice không phải là một cốt truyện hoàn toàn hư cấu: gã lái đò gondola kỳ quái, cậu bé Tadzio và cả gia đình, chuyến đi không thành vì hành lý bị thất lạc, trận dịch tả, anh nhân viên văn phòng du lịch thật thà, tay nghệ sĩ hát rong hung ác -tất cả đều có thật ngoài đời, nhà văn chỉ cần đặt vào trong tác phẩm. Cả nhân vật chính Aschenbach cũng có hình mẫu thực, trong bài nói chuyện On Myself đọc trước sinh viên trường đại học Princeton ở Mỹ năm 1940 tác giả đã thú nhận, ban đầu ông dự định viết khác hẳn. Ông muốn viết về mối tình muộn màng Goethe (1749 -1832) dành cho cô Ulrike von Levetzow, khai thác đề tài một vĩ nhân khi về già sa ngã vì tình yêu với một cô gái trẻ. Nhưng rồi ông chưa dám đụng đến thần tượng Goethe vì sợ mình không đủ sức. Vậy nên ông đã dựng lên nhân vật chính là một nhà văn hiện đại, một nghệ sĩ nhạy cảm, tiêu biểu cho đạo đức và đạt đến vinh quang nhờ lao động. Tướng mạo bề ngoài của Gustav von Aschenbach ông mượn của Gustav Mahler (1860 -1911), một nhạc sĩ lớn người Áo khi ấy vừa từ chuyến lưu diễn Mỹ trở về và đang lâm bệnh nặng. Chủ đề chính của ông vẫn là sức công phá mãnh liệt của tình yêu, khi mù quáng lao theo dục vọng đã hủy diệt cả một cuộc đời nền nếp, một sự nghiệp tưởng chừng vững như bàn thạch. Câu chuyện được kể với nhiều ẩn dụ, giàu hình ảnh và tính nhạc, kết cấu rành mạch với năm chương sách như năm màn của một vở bi kịch cổ điển: chương một dẫn dắt vào đề, chương hai giới thiệu nhân vật chính; chương ba giới thiệu bối cảnh xảy ra sự việc, chương bốn diễn biến sự việc và chương năm đạt đến cao trào với kết cục bi thương. Tác giả cho ta làm quen với một Aschenbach đạo cao đức trọng, đã đạt tới tột đỉnh vinh quang, có những sáng tác "chính thống" và "mô phạm" được đưa vào sách giáo khoa để giáo dục thanh thiếu niên. Ngôn ngữ trang trọng với "phong cách bậc thầy" được nhấn mạnh một cách cố ý, để sau đó dần dần càng làm nổi bật từng bước sa ngã của Aschenbach, đánh mất phẩm giá, trở nên lố bịch và vô liêm sỉ. Chắc chắn tác giả có nhiều mối tương đồng với nhân vật chính, tiểu sử Thomas Mann có rất nhiều điểm trùng hợp với cuộc đời Aschenbach, nội dung tác phẩm cũng là mối ưu tư của tác giả, diễn giải nội tâm Aschenbach cũng là cách ông giải quyết xung đột giữa tư tưởng thị dân tiểu tư sản và nhân sinh quan nghệ thuật của chính mình. Nhưng Thomas mann không phải là Aschenbach. Có một điều khác biệt căn bản, mấu chốt của vấn đề, đó là sau mấy ngày nghỉ ngơi trên đảo Lido. Thomas Mannđã trở về với công việc sáng tác, với "cuộc vật lộn hằng ngày". Ông chỉ để trí tưởng tượng tiếp tục bay bổng tìm cách trả lời câu hỏi, nếu nhà văn buông thả theo cảm xúc, lơ là nghĩa vụ và trách nhiệm, thì kết cục sẽ ra sao? Ông nhìn thấy kết cục thảm hại của Aschenbach, ông biết cách giữ mình không để rơi vào kết cục như thế, nhưng lòng ông vẫn day dứt không yên vì ông biết mình đã phải đánhnh đổi những gì. Như vậy Chết ở Venice là sự tiếp nối những tác phẩm trước của Thomas Mann, cũng như Hanno trong Gia đình Buddenbrook (1901), Spinell trong Tristan (1903) và Tonio Kröger trong tác phẩm cùng tên (1903), nhân vật Aschenbach bị giằng xé trong mối xung đột nội tâm giữa nghệ thuật và cuộc sống. Bằng những hình tượng này, Thomas Mann đã đưa cuộc đời nghệ sĩ của mình ra mổ xẻ, cuộc đời "một thường dân lạc lối vào nghệ thuật, một lãng tử giang hồ luôn hoài vọng mái ấm gia đình, một nghệ sĩ không ngừng bị lương tâm cắn rức", như nhân vật Tonio Kröger của ông tự nhận. Bây giờ xin mời độc giả lần tìm vào những ngõ ngách nội tâm của nhà văn Aschenbach, ở nhiều khá cạnh cũng là của chính Thomas Mann... Hannover, tháng Giêng 2012 Nguyễn Hồng Vân