uảng trường nằm trong hơi nóng hầm hập mặc dù không thấy mặt trời. Những du khách vô tình chẳng biết gì ngồi trước các quán cà phê hoặc đứng cạnh nhà thờ, chim bồ câu bu kín xung quanh, chúng đập cánh loạn xa chen chúc nhau giành mổ những hạt bắp trong lòng bàn tay họ. Hồi hộp đến phát sốt, đắc thắng vì nắm được sự thật trong tay, đồng thời vừa cảm thấy một vị đắng nghét trong miệng và một nỗi hãi hùng tuyệt diệu trong tim, kẻ cô độc sải bước đi đi lại lại trên quảng trường thênh thang lát đá hoa. Ông cân nhắc một cử chỉ nghĩa hiệp giúp ông gột sạch vết nhơ. Tối nay sau khi dùng bữa, ông có thể lại gần bà mệnh phụ ngọc treo đầy người mà bảo bà ta - ông đã cân nhắc kỹ từng lời sẽ nói ra: "Thưa bà, xin bà cho phép kẻ lạ mặt này mạo muội đưa ra một lời khuyên, một lời cảnh báo về một tai họa mà người ta đã che giấu vì lòng vị kỷ. Bà hãy đưa Tadzio và các tiểu thư rời khỏi đây, ngay lập tức! Venice đã bị nhiễm dịch". Rối ông có thể xoa đầu từ biệt cậu bé, công cụ đắc lực trong tay vị thần ưa nhạo báng, quay mình bước đi và thoát khỏi vùng lầy nhơ nhớp này. Nhưng đồng thời ông lại cảm thấy dự định ấy và mong muốn thực sự của ông cách xa nhau một trời một vực. Hành động ấy có thể giúp ông phục hồi cuộc sống cũ, nhận lại bản thân mình ; nhưng ai đã thoát thai một lần thì không ghê sợ gì hơn là phải quay trở lại nhập vào thân xác cũ. Ông nhớ lại một công trình kiến trúc màu trắng, khắc chạm những dòng chữ rực lên trong ánh chiều tà, mà tư tưởng huyền bí của nó đã hút hồn ông, khi ấy bóng dáng người lữ hành kỳ dị kia đã thức tỉnh trong ông thú lãng du thời trai trẻ, mong tới những miền xa tìm điều mới lạ; và ý nghĩ quay về nhà, trở lại nếp sống cẩn trọng, khắc khổ, cực nhọc và tự tôn làm ông kinh tởm đền nỗi mặt ông nhăn nhúm như cảm thấy buồn nôn thực sự. "Phải giữ kín điều này!" Ông hổn hển thì thào.Và: "Mình sẽ im lặng!" Ý thức mình là kẻ đồng lõa, là người cùng có tội làm ông ngây ngất, như chút rượu cay làm bộ óc mệt mỏi chếnh choáng say. Hình ảnh thành phố lâm nạn điêu tàn hiu quạnh hiện lên trước mắt ông, nhen nhóm trong ông những hy vọng, âm thầm, phi lý, và hấp dẫn kinh hồn. Niềm hạnh phúc mỏng manh ông vừa mơ đến trong giây lát trước đó thì có nghĩa lý gì so với những kỳ vọng này? Nghệ thuật và phẩm hạnh thì có nghĩa lý gì so với những lợi thế của tình trạng hỗn loạn kia? Ông im lặng và ông ở lại. Đêm hôm ấy ông có một giấc mơ khủng khiếp -nếu có thể gọi đó là một giấc mơ, vì thực ra đó là một trải nghiệm của thể xác và tinh thần, mặc dù nó diễn ra trong lúc ông ngủ say, hoàn toàn độc lập và có sự tham gia đầy đủ của các giác quan, nhưng ông không thấy mình đi lại tham dự vào các sự kiện trong chiêm bao; mà hơn thế dường như chính linh hồn ông là không gian xảy ra các sự kiện ấy, sự hỗn loạn từ bên ngoài tràn vào nội tâm ông, dùng bạo lực đè bẹp sức kháng cự của ông -một sức kháng cự tinh thần sâu sắc -tàn phá và hủy diệt như cơn sóng thần, và sau khi nó đã rút đi, số phận ông, thành tựu văn hóa cả cuộc đời ông chỉ còn là một đống đổ nát tan hoang. Khởi đầu là nỗi sợ, sợ và thèm khát và tò mò kinh khủng muốn biết điều gì sắp xảy ra. Đêm đen mịt mùng, và các giác quan của ông căng lên nghe ngóng; vì từ xa vẳng tới tiếng ồn ào huyên náo đang tiến lại gần, pha trộn từ đủ thứ âm thanh hỗn tạp: tiếng lục lạc rổn rảng, tiếng sấm động ầm ì chát chua, tiếng reo hò lanh lảnh và một thứ tiếng hú với nguyên âm u kéo dài lê thê, nhưng bao trùm lên tất cả và giữ vai trò áp đảo, ngọt ngào một cách tàn bạo, là một tiếng sáo trầm ấm rủ rê, dai dẳng khêu gợi, trơ trẽn bám riết lấy lỗ tai làm gan ruột đê mê. Nhưng ông nhận biết một từ, tối nghĩa, loan báo điều đang tới: "Đấng ngoại thần!(3)" Lửa khói lập lòe xuất hiện: ông nhận ra một vùng đồi núi giống như quang cảnh quanh ngôi nhà nghỉ mùa hè của mình. Và trong ánh sáng bập bùng, ở vạt rừng mọc trên sườn núi, giữa những gốc cây và những tảng đá rêu phong, quay cuồng lăn lộn nào người ngợm, nào thú vật, một bầy một lũ nhảy nhót nhung nhúc đầy sườn dốc, thân thể hòa cùng ánh lửa, hỗn độn trong một vũ điệu đảo điên. Những người đàn bà, loạng choạng vấp vào vạt áo lông thú dài mà họ trật ra khỏi thân trên để rủ lòng thòng quanh thắt lưng, đưa những cái trống đính lục lạc lên quá đầu ngửa cổ vừa lắc vừa rên rỉ, vung vẩy những ngọn đuốc bắn tàn lửa tung tóe và những lưỡi dao nhọn tuốt trần, nắm ngang mình những con rắn vươn đầu le lưỡi, hay vừa cười rú lên vừa đưa hai tay nâng bộ ngực trần. Những người đàn ông, đầu đội sừng, áo lông thú vén cao để lộ ra làn da lông lá, ngửa cổ dang tay dạng chân, gõ vang rền vào đáy cồng và đập như điên lên mặt trống, trong khi tụi nhỏ da dẻ nhẵn nhụi cầm những chiếc que còn đầy lá chọc ghẹo mấy con dê đực, bám vào sừng để chúng kéo lê đi và reo hò vang dậy mỗi khi chúng nhảy dững lên. Và những kẻ tế thần hú vang tiếng gọi âm điệu êm ái kết thúc bằng chữ u kéo dài ra, vừa âu yếm vừa hoang dại chưa từng thấy: bên này cất tiếng hú lên không trung như huơu rống, và bên kia đồng thanh đáp lại hoan hỉ một cách man rợ, giục giã nhau vung chân vung tay nhảy múa và giữ cho tiếng hú không bao giờ tắt. Nhưng xuyên suốt và chế ngự lên tất cả là tiếng sáo sâu thẳm đầy quyến rũ. Có phải tiếng sáo ấy cũng đang trơ trẽn và dai dẳng dụ dỗ ông, nhân chứng miễn cưỡng, cùng tham dự cuộc vui và trò tế thần suồng sã đến cực độ? Ông thấy ghê tởm, ông hoảng sợ, thực lòng ông đã vận dụng hết ý chí để bảo toàn danh dự trước vị thần xa lạ kia, kẻ thù của tư cách và phẩm giá. Nhưng tiếng huyên náo, tiếng hú gọi được vách núi dội lại cứ rền vang lên gấp bội, trở nên áp đảo, nở bùng ra thành cơn cuồng nộ mê ly. Đủ thứ mùi xông lên bao bọc các giác quan, mùi dê đực hơi nồng, mùi những thân thể lõa lồ hổn hển, một thoáng khăn khẳn mùi nước tù hôi hám, và còn một thứ mùi khác, rất quen thuộc: mùi vết thương và dịch bệnh. Tim ông đập thình thình hòa cùng tiếng trống, đầu óc ông quay cuồng đảo lộn, một cơn điên giận mù quáng và dục vọng đắm say xâm chiếm thể xác ông, linh hồn ông thèm muốn khát khao gia nhập vũ điệu tế thần. Biểu tượng của nhục dục, to khổng lồ, làm bằng gỗ, được lột trần và giương cao lên: đám đông gào thét câu thần chú không gì kiềm giữ nổi. Miệng sùi bọt, họ lăn lộn, khêu gợi lẫn nhau bằng những cử chỉ dâm ô và vuốt ve mơn trớn, cười cợt và rên rỉ- dùng que nhọn châm vào da thịt nhau và liếm máu ứa ra. Nhưng kẻ chiêm bao đã nhập bọn với họ, cùng ở trong đám họ và cùng tuân phục vị ngoại thần. Đúng thế, họ cũng chính là ông, khi họ giằng xé nhau giết đám súc vật và ngốn ngấu những miếng thịt tươi còn bốc hơi nóng hổi, khi họ bắt đầu tự do giao hợp trên nền rêu xanh nhàu nát dưới gót chân, coi đó là lễ vật tế thần. Và linh hồn ông được nếm mùi sa ngã dâm loạn, điên cuồng. Tỉnh dậy sau cơn mê này ông hoàn toàn suy nhược, rã rời và không còn đâu sức lực để chống chỏi lại sức cám dỗ ma quỷ nữa. Ông chẳng cần né tránh những cái nhìn soi mói của người đời; họ có nghi kỵ gì ông cũng thây kệ. Nhưng bản thân họ cũng đang lo trốn chạy, rời khỏi nơi này; vô số những túp lều ngoài bãi tắm bị bỏ hoang, phòng ăn lớn ngày càng vắng thực khách, và trong thành phố hãn hữu lắm mới thấy bóng dáng một người ngoại quốc. Có vẻ như cái kim trong bọc đã lòi ra, mọi cố gắng bưng bít của những kẻ tham lam hòng thủ lợi không còn ngăn được sự hoang mang lo sợ bùng lên nữa. Nhưng người đàn bà ngọc đeo đầy người vẫn ở lại cùng cả gia đình, chẳng biết vì tin đồn chưa lọt tới tai bà hay vì quá kiêu hãnh và tự phụ mà bà không bỏ chạy: Tadzio ở lại; và đôi khi, trong cơn mê lú, ông cảm thấy sự trốn chạy và cái chết có thể loại trừ hết xung quanh họ những kẻ cản trở ông để chỉ còn có ông và cậu bé xinh đẹp có mặt trên hòn đảo này- đúng thế, khi những sớm mai bên bờ biển ánh mắt ông đục ngầu, vô liêm sỉ nhìn như dán chặt vào người yêu dấu, khi những chiều hôm ông lén lút bám đuôi cậu qua các ngõ phố mà cái chết ghê tởm giấu mặt hoành hành, những lúc ấy đối với ông điều khủng khiếp kia trở thành hy vọng, và mọi luân lý đạo đức bỗng tan thành mây khói. Như mọi kẻ đang yêu ông cũng mong muốn được yêu, nhưng lại cay đắng sợ rằng điều này khó lòng đạt được. Ông thêm vào trang phục của mình những chi tiết tươi tắn trẻ trung, ông đeo đá quý và xức nước hoa, nhiều lần trong ngày ông tốn thời gian chải chuốt sửa soạn và xuống phòng ăn trong trang phục cầu kỳ, tâm trạng hồi hộp đầy kích động. Vì say mê tuổi trẻ ngọt ngào mơn mởn, nên ông thấy kinh tởm tấm thân rệu rã của mình, mỗi khi nhìn mái tóc hoa râm, gương mặt đầy góc cạnh ông lại rơi vào hổ thẹn và tuyệt vọng. Tâm trạng ấy thúc đẩy ông tìm cách tân trang thân thể để vãn hồi nhan sắc; và ông thường xuyên tìm đến tay thợ cắt tóc của khách sạn. Ngồi trên ghế cắt tóc, khoác tấm vải choàng lên vai, để cho bàn tay điệu nghệ của gã thợ lắm lời tỉa tót, ông đau khổ ngắm hình ảnh mình trong gương. "Bạc trắng", ông nhếch mép bảo. "Mới muối tiêu thôi, thưa ngài", gã thợ trả lời. "Lỗi ở chỗ sao lãng, thiếu quan tâm chăm sóc hình thức bề ngoài. Khuyết điểm này có thể châm chước được đối với các vĩ nhân, nhưng hoàn toàn không phải là một điều đáng khen ngợi, nhất là khi các vị ấy mang những thành kiến lệch lạc về quan niệm tự nhiên hay giả tạo. Đáng lý ra phải đem quan điểm đao đức khắt khe của một số ít người đối với nghệ thuật trang điểm thẩm mỹ áp dụng cả vào lĩnh vực nha khoa, như vậy hẳn răng giả cũng sẽ khiến họ bất bình không ít. Rốt cuộc già hay trẻ là do ở tâm hồn, ở trái tim, và đôi khi tóc bạc lại phản ảnh sai sự thật hơn là một chút sửa sang vẫn bị người đời phỉ bảng. Trong trường hợp của ngài, thưa ngài, người ta có quyền phục hồi màu tóc tự nhiên của mình. Nếu ngài cho phép, tôi xin trổ chút tài mọn giúp ngài?". "Anh định làm thế nào?" Aschenbach hỏi. Kẻ ba hoa gội tóc ông khách bằng hai thứ nước, một thứ trong veo và một thứ sẫm màu, thế là đầu ông lại đen mướt như khi còn trẻ. Rồi gã dùng kẹp nóng uốn cho tóc bồng bềnh lượn sóng, và lùi lại ngắm nghía mái đầu vừa qua tay mình chỉnh đốn. "Bây giờ chỉ cần làm tươi da mặt lên một chút nữa thôi". Và như một kẻ sẵn đà không dừng lại được, gã luôn luôn tìm ra chỗ mới để sửa sang, áp dụng hết thủ thuật này đến thủ thuật khác. Aschenbach ngồi thoải mái trong ghế, không đủ sức phản đối, hơn thế nữa còn hồi hộp trông đợi kết quả, thấy trong gương cặp chân mày của mình uốn cong đều đặn và sắc nét hơn, đuôi mắt dài ra, ánh mắt long lanh hơn nhờ hàng mi tô nhẹ, dưới mắt, chỡ lớp da mọi khi nâu sạm giờ giờ được phủ một màu hồng phơn phớt, đôi môi ông mới rồi còn nhợt nhạt nay căng mọng màu quả mâm xôi, những nếp nhăn trên má, quanh miệng, nơi đuôi mắt biến mất nhờ kem và mỹ phẩm - ông nhìn chàng trai trẻ tươi rói trong gương mà trái tim nhảy lồng lên. Cuối cùng gã thợ sửa sang sắc đẹp lấy làm đắc ý và, với cung cách của kẻ tôi đòi, gã quỵ lụy cảm ơn người khách gã vừa phục vụ? "Chỉ là một chút tô điểm thêm không đáng kể mà thôi", gã nói trong khi đưa tay sửa thêm lần chót. " Giờ thì quý ngài có thể yêu một cách vô tư". Kẻ si mê đi ra, sướng như mơ, vừa bối rối vừa e ngại. Chiếc cravate ông thắt màu đỏ tươi, chiếc mũ rơm rộng vành ông đội được quàng thêm một dải băng sặc sở. Trời nổi một cơn lốc nóng hổi; mưa chỉ rơi lác đác vài hột, nhưng bầu không khí ẩm ướt oi nồng, đặc sệt mùi chướng khí. Người phát sốt dưới lớp phấn son trang điểm, ông nghe quanh mình đầy những tiếng phần phật, xành xạch, rào rào, ông thấy như thần gió dữ đang lảng vảng đâu đây, từng bầy chim biển hung ác đang vầy vọc và làm ô uế bữa ăn của kẻ tội đồ. Nóng nực làm tiêu tan cảm giác ngon miệng, thêm vào đó nỗi lo thức ăn có thể bị nhiểm dịch càng làm ông chẳng thiết ăn. Một buổi chiều Aschenbach theo gót cậu bé xinh đẹp lạc sâu vào những bùng binh trong lòng thành phố bệnh hoạn. Hoàn toàn mất phương hướng, vì những ngõ phố, khúc kênh, cây cầu và quảng trường của mê cung này cái nào cũng giống cái nào, chẳng còn biết đâu là đông tây nam bắc nữa, ông chỉ dồn hết tâm trí dõi theo bóng hình yêu dấu trước mắt, lại còn phải thận trọng một cách nhục nhã khi thì núp dưới mấy bức tường, khi thì lẫn trốn sau lưng khách bộ hành để khỏi bị bắt gặp, một lúc lâu ông không nhận thấy nỗi mệt nhọc, kiệt sức mà cảm xúc và sự hồi hộp thường xuyên gây ra cho tinh thần và thể xác mình. Tadzio đi sau cả bọn, cậu thường để cô gia sư và mấy cô chị nữ tu đi trước trong những con phố hẹp, và một mình thong thả đằng sau, thỉnh thoảng cậu quay đầu đưa cặp mắt xám sẫm lạ lùng nhìn qua vai xem người ái mộ mình có còn theo đuổi không. Cậu nhìn thấy ông, và cậu không tố cáo với mấy người kia. Say sưa vì nhận định này và để cho cặp mắt kia lôi cuốn về phía trước, bị cơn đam mê xỏ mũi dắt đi, kẻ tương tư lén lút lần theo hy vọng không chính đáng của mình - để rồi cuối cùng trơ khấc đứng đó với hai bàn tay trắng. Đám trẻ Ba Lan đi qua một chiếc cầu ngắn cong vồng, khuất bóng trước mắt kẻ theo dõi, và khi ông leo được lên tới đỉnh cầu thì đã chẳng còn thấy bóng dáng chúng đâu. Ông cố tìm chúng ở cả ba ngả đi theo đường thẳng rồi lộn lại rẽ sang hai bên dọc theo bờ kênh chật chội và dơ dáy, nhưng chẳng có kết quả gì. Cuối cùng tinh thần suy kiệt, người mệt lả, Ông đành bỏ cuộc. Đầu ông như bốc lửa, khắp người nhớp nháp mồ hôi, gáy run giật từng hồi, một cơn khát không thể chịu nổi hành hạ dữ dội khiến ông phải nhìn quanh tìm bất cứ thứ gì giải khát. Trước một cửa hàng rau nhỏ ông mua vài quả dâu tây, chín nẫu và mềm nhũn, rồi vừa đi vừa ăn. Một quảng trường nho nhỏ, quạnh hiu như bị bỏ bùa, mở ra trước mắt ông, ông nhận ra chốn này, ông đã có lần dừng chân ở đây, từ nhiều tuần trước khi ông quyết định cuộc chạy trốn không thành. Ông ngồi xuống mấy bậc thềm của cái giếng nước nằm giữa quảng trường và ngả đầu dựa vào thành giếng xây bằng đá. Không gian tịch mịch, cỏ mọc tua tủa giữa các kẽ đá lát đường. Rác rưởi nằm la liệt dưới đất. Giữa những tòa nhà nhấp nhô bạc phếch nắng mưa quanh đó có một ngôi mang dáng dấp lâu đài, với những khung cửa sổ gô -tích nhọn trống hoác trống huơ, và những ban công đắp hình sư tử. Ở tầng trệt ngôi nhà khác có một hiệu thuốc. Thỉnh thoảng một làn gió nóng thổi tạt sang bên này mùi thuốc khử trùng. Ông ngồi đó, bậc vĩ nhân, người nghệ sĩ khả kính, tác giả Người khốn khổ, từng gương mẫu dứt khoát cự tuyệt lối sống lang bạt và vực sâu tội lỗi, khước từ mọi cảm thông dành cho sự sa đọa và thẳng tay vứt bỏ những tư tưởng cần đào thải, người đã đạt đến đỉnh cao danh vọng, chế ngự được trí thức và vượt lên trên mọi mỉa mai, đã quen gánh vác trách nhiệm đối với lòng tín nhiệm của đông đảo quần chúng, con người mà danh thơm đã được chính thức công nhận, tên tuổi đã được phong lên hàng quý tộc, và bút pháp được đưa ra làm khuôn mẫu để giáo dục trẻ em - ông ngồi đó, mắt khép hờ, thỉnh thoảng mới lờ đờ hé mở, ném ra một tia liếc xéo nửa chế giễu nửa phân vân, từ làn môi mềm nhẽo nhờ thủ thuật thẩm mỹ làm cho căng mọng thốt ra những lời rời rạc do trí óc đã gần mê sảng chắp nhặt theo lôgích quái lạ của một giấc chiêm bao. "Vì cái đẹp, hỡi Phaidros - hãy ghi nhớ điều này!- chỉ có cái đẹp là vừa thần thánh vừa mục khả thị, và như thế cái đẹp là con đường cảm quan, Phaidros bé nhỏ của ta, là con đường đưa người nghệ sĩ tìm về tư tưởng. Bây giờ thì em tin ta rồi chứ, Phaidros thân yêu, rằng người nào thông qua nẻo cảm quan để đến cõi tinh thần cũng có thể trở nên thông thái và đạt tới chân giá trị của một con người? Hay ngược lại, em tin rằng (ta cho em tự do lựa chọn), đó là một con đường nguy hiểm đầy cám dỗ, có thể gọi không ngoa rằng đó là một con đường tội lỗi và lầm lạc, chắc chắn sẽ dẫn đến điều sai trái? Vì em phải biết rằng, chúng ta, những thi sĩ, không thể dấn bước trên con đường cảm thụ cái đẹp mà không có thần ái tình Eros đi theo trợ lực, dẫn lối đưa đường; đúng thế, dù cho chúng ta có là những anh hùng theo cách riêng mình và là những chiến binh đức độ, thì về bản chất chúng ta vẫn chẳng khác gì đám đàn bà, vì chính đam mê làm ta cao cả, và khát vọng của chúng ta chẳng thể nào khác tình yêu- đó là nguồn khoái cảm và nỗi đê nhục của chúng ta. Giờ hẳn em đã thấy, rằng thi sĩ chúng ta chẳng thể nào thông thái và cũng không có mảy may phẩm giá? Rằng chúng ta tất yếu sẽ lạc lối lầm đường, tất yếu sẽ trở nên buông thả và thành những kẻ phiêu lưu trong tình cảm? Bút pháp bậc thầy trong văn chương của chúng ta chỉ là giả dối và lừa phỉnh, danh tiếng và địa vị chỉ là một trò hề, lòng tin tưởng công chúng dành cho ta thật là lố bịch, dùng nghệ thuật để giáo dục dân đen và trẻ nhỏ là một hành vi nên cấm ngặt. Vì làm sao một kẻ bẩm sinh đã có thiên hướng sa ngã và cứ luôn luôn ngựa quen đường cũ tìm về vực thẳm lại có thể xứng với bổn phận người thầy được? Chúng ta muốn chối bỏ điều này để tỏ ra đạo mạo, nhưng dù có xoay trở cách nào mặc lòng, vực sâu tội lỗi vẫn thu hút chúng ta. vậy ta hãy khước từ tri thức mang tính hủy diệt đi, vì tri thức, hỡi Phaidros, chẳng có đạo đức và kỷ luật: tri thức là biết, là hiểu, là chấp nhận, không có quan điểm và hình thức; tri thức hàm chứa sự cảm thông với vực thẳm tội lỗi, nó chính là vực thẳm tội lỗi. Điều đó chúng ta cương quyết rũ bỏ, và từ nay trở đi chỉ còn tận tâm hướng tới cái đẹp, tức là hướng tới sự chân phương, tầm vóc mới và nguyên tắc mới, tái tạo tính hồn nhiên và hình thức. Nhưng hình thức và hồn nhiên, Phaidros ơi, lại dẫn đến mê say và thèm khát, khiến kẻ cao nhân đôi khi có những tình cảm xấu xa khủng khiếp mà theo quan điểm mỹ học bản thân vẫn coi là đê tiện, nó dẫn xuống vực thẳm, một vực thẳm tinh thần. Nó sẽ dẫn thi sĩ chúng ta tới đó, ta bảo thật, vì chúng ta không thể nào bay bổng được, chúng ta chỉ có thể sa ngã mà thôi. Giờ ta ra đi, Phaidros à, em ở lại đây; và khi nào không còn nhìn thấy ta nữa, thì em cũng ra đi". Sau đó mấy ngày, buổi sáng Gustav von Aschenbach rời khách sạn muộn hơn thường lệ, vì ông thấy trong người khó ở. Ông bị những cơn chóng mặt hành hạ, không chỉ mệt mỏi về thể xác mà còn kèm theo tâm trạng sợ hãi và bất lực, một cảm giác bế tắc và tuyệt vọng, và ông không chắc tâm trạng ấy phản ánh tình hình ngoại cảnh hay là quan hệ đến số phận của chính ông. Trong đại sảnh ông thấy một đống lớn hành lý chuẩn bị sẵn sàng đợi chuyên chở. hỏi người gác cửa xem ai ra đi, ông nhận được câu trả lời là cái tên gia đình quý tộc Ba Lan mà trong thâm tâm ông đã nghĩ tới. Ông nhận tin mà gương mặt tàn tạ không biến sắc, chỉ hơi hất nhẹ mái đầu như khi người ta tình cờ nghe được điều gì vô bổ, và hỏi thêm: "Chừng nào họ đi?" Người kia đáp: "Sau bữa ăn trưa". Ông gật đầu rồi xuống bãi tắm. Bãi biển không còn nhộn nhịp. Trên dải nước phẳng nông choèn chia cắt lưỡi cát dài đầu tiên ra khỏi bờ có những gợn sóng lăn tăn chạy đuổi nhau từ trước ra sau. Dường như cảnh thu hiu hắt, úa tàn đã phủ lên chốn ăn chơi ngày nào náo nhiệt sắc màu, nay gần như bị bỏ hoang, bãi cát cũng không còn được giữ cho sạch sẽ nữa. Một chiếc máy chụp hình, có lẽ vô chủ, đứng trên cái giá ba chân sát mép nước, và tấm khăn đen phủ bên trên bay phần phật trong gió lạnh. Tadzio đang chạy chơi với ba hay bốn đứa bạn còn sót lại phía bên phải túp lều của gia đình cậu, và Aschenbach ngả lưng trên chiếc ghế nằm kê ở khoảng giữa mí nước và dãy lều, một tấm chăn phủ lên đầu gối, một lần nữa ngắm nhìn cậu bé. Trò chơi thiếu sự giám sát của người lớn, vì đám phụ nữ chắc còn lo sửa soạn khởi hành, nên không theo một luật lệ nào và chẳng mấy chốc chuyển thành đánh lộn. Thằng bé mập mạp mặc bộ đồ đóng đai lưng, tóc đen vuốt dầu láng, được gọi là "Jaschu", nổi quạu vì bị ném một vốc cát vào mặt tối mắt tối mũi, xông vào vật lộn với Tadzio, và nhanh chóng quật ngã cậu bạn xinh đẹp yếu hơn. Nhưng hình như trong giờ giã biệt tình cảm tuân phục của kẻ dưới đã chuyển thành thô bạo nhẫn tâm và như để trả thù cho thời kỳ nô lệ kéo dài, kẻ thắng cuộc không buông tha cho người chiến bại mà tiếp tục tì gối giữ chặt lưng, ấn mặt Tadzio xuống cát khiến cậu kia, vốn đã hụt hơi vì vật lộn, có nguy cơ ngạt thở. Cậu bé giãy giụa tìm cách hất gánh nặng trên lưng xuống, nằm bất động giây lát, rồi chỉ còn co giật nhè nhẹ. Aschenbach hoảng hồn đã định nhảy đến cứu, thì kẻ cục súc cuối cùng cũng buông tha nạn nhân. Tadzio, mặt trắng bệch, gượng dậy nửa chừng và ngồi lặng đi nhiều phút đồng hồ, một tay chống xuống cát, tóc rối bời, mắt tối sầm. Rồi cậu đứng hẳn dậy, chậm chạp bỏ đi. bạn bè cất tiếng gọi, mới đầu còn vui vẻ, sau trở thành lo âu và khẩn khoản; cậu bỏ ngoài tai. Thằng bé tóc đen, có vẻ hối hận vì đã quá tay, đuổi theo cậu tìm cách làm lành. Tadzio hất vai xua đuổi. Cậu đi xéo qua bãi cát xuống biển. Hôm nay cậu để chân trần và mặc bộ đồ lanh (lin) kẻ sọc có chiếc nơ màu đỏ Bên mép nước cậu loanh quanh một hồi lâu, cúi đầu dí dí mũi chân vẽ hình lên cát ướt, rồi lội qua vũng nước nông, chỗ sâu nhất cũng chưa tới đầu gối, cậu thong thã ra tới tận lưỡi cát ngoài xa. Cậu dừng lại ở đó giây lát, mặt hướng ra khơi, rồi bắt đầu chầm chậm bước dọc theo dải cát hẹp nổi lên từ đáy nước đi sang bên trái. Bị làn nước rộng ngăn cách với đất liền, bị cơn hờn dỗi tự ái ngăn cách với bè bạn, cậu bước đi, một mình một bóng lẻ loi, mái tóc bay tung, ngoài biển, trong gió, trên nền sương mờ mịt vô biên. Rồi cậu dừng lại lần nữa nhìn quanh quất. Và bất chợt, như sực nhớ ra, như có điều gì thôi thúc, cậu quay nửa người, một tay chống bên hông, với vẻ duyên dáng cố hữu của mình ngoái đầu qua vai nhìn vào bờ. Người chiêm ngưỡng ngồi đó, như ông từng ngồi, khi lần đầu tiên ánh mắt xám sẫm hoàng hôn kia được trao gửi từ ngưỡng cửa phòng ăn tới gặp ánh mắt ông. Đầu ông đang ngả trên lưng ghế, từ từ quay theo cử động của người bước đi ngoài xa; lúc này mái đầu ấy ngẩng cao lên, như để đón nhận ánh mắt người kia, rồi gục xuống ngực, mắt trợn ngược, trong lúc nét mặt ông giãn ra, thanh thản như chìm vào giấc ngủ say. Ông cảm thấy như thần Psychagog (4) trắng toát và yêu kiều ngoài khơi đang mỉm cười với ông, vẫy gọi ông; hình như vị thần ấy vừa nhắc bàn tay đặt trên hông chỉ ra xa, rồi chấp chới bay lên dẫn đường vào khoảng không mênh mông đầy hứa hẹn. Và như bao lần trước, ông đứng dậy cất bước đi theo. Mất vài phút sau người ta mới hấp tấp chạy tới cấp cứu người ngã gục nằm còng queo trong chiếc ghế. Họ đưa ông lên phòng. Và cùng ngày hôm đó, thế giới bàng hoàng kính cẩn nhận tin ông đã từ trần. Chú thích: (1) Nhạc sĩ Đức Richard Wagner (1813 - 1883) và tác phẩm Tristan và Isolde ông sáng tác ở Venice (2) Bệnh viện trên quảng trường San Zanipolo ở San Marco. (3) Dionysus, vị thần của các lạc thú trần tục, linh vật để thờ là tượng dương vật. Tục thờ cúng Dionysus được coi là từ châu Á du nhập vào Hy Lạp nên ông còn có tên là đấng ngoại thần. (4) Vị thần đón linh hồn người chết đưa về thế giới bên kia.