hư là lời tri ân kính gởi đến anh Tư Râu nhân ngày Lễ Tạ Ơn. Từ những ngày đầu tháng 3 / 75 tôi không có ở nhà, đúng ra là tôi không được về nhà vì chiến sự đã thật sự bùng nổ ác liệt, bắt đầu từ Ban Mê Thuột. Ba má tôi kể lại, đến gần cuối tháng này thì người dân Qui Nhơn đã nhốn nháo, hoảng hốt, thiếu điều đạp nhau mà chạy. Theo dòng người di tản đông đảo, ba má cùng anh chị và các em tôi gom góp đồ đạc cá nhân, đồ dùng gia đình với những gì thấy cần thiết nhất cho cuộc di tản này như hồi tản cư trước năm Năm-Tư. Để lại căn nhà là cái tổ ấm vững chắc nhất từ hai-mươi-mốt năm nay ở ngay phố chính của thị xã này với không biết bao nhiêu là hàng hóa - những thứ đã từng có lúc thịnh lúc suy để nuôi sống gia đình chúng tôi. Ba tôi thuê hai chiếc ca-nô để đưa gia đình mình hốt hoảng ra khơi mà chưa biết là sẽ tấp vào đâu trước đại dương mênh mông sóng cả. Hai chiếc ca-nô tấp vào Cù Lao Xanh – hòn đảo thân thương với nhiều kỷ niệm mà hồi còn đi học anh em tôi đã được đi du ngoạn với nhà trường, hoặc đi cắm trại Hướng Đạo. Vừa viết những dòng này vừa lục tìm trong xấp hình cũ, tôi mừng quá khi bắt gặp mấy tấm hình tôi đi cắm trại Hướng Đạo ở Cù Lao Xanh này, mà anh Phan Bình An - Đạo Trưởng Hướng Đạo Bình Định - thường gọi là Poulo Gambir. Cùng với ca-nô của vài gia đình khác, hai chiếc ca-nô gia đình tôi vừa tấp vào bãi cát thì dân làng, đa số là thanh thiếu niên mình trần trùng trục hiếu kỳ đổ ra xem. Trong bụng ba má tôi rất lo ngại, nhất là mấy đứa em gái tôi sợ lắm, chúng núp sau đống đồ đạc hoặc nằm sát xuống lòng ca-nô. Có lẽ chúng bị ám ảnh bởi những câu chuyện về hải đảo hoang vu với cư dân “không giống mình”, ám ảnh bởi những câu chuyện rợn người về cướp biển. Tuy có lo trong bụng nhưng ba tôi vẫn cố giữ bình tĩnh, luôn miệng trấn an gia đình: “Không sao đâu… Không sao đâu…!”. Chợt từ trên doi cát cao, bước xuống là một người đàn ông cao lớn lực lưỡng, đen điu đậm người với cặp mắt sâu và bộ râu quai nón xồm xoàm, trông chẳng có vẻ hiền lành chút nào. Đến cạnh mũi ca-nô, anh ta cười rộng miệng chào ba tôi: - Chào anh chị, anh chị có cần em giúp gì không? Ba má tôi thở phào nhẹ nhỏm: - Dạ, cám ơn anh. Chào chú đi mấy con – Mấy anh em tôi lên tiếng chào và cảm thấy yên tâm. - Em thứ Tư, anh chị kêu em là Tư được rồi. Bất ngờ gặp được ân nhân, như được mở cờ trong bụng, ba má tôi liền nhờ anh Tư giúp đem đồ đạc xuống bãi cát. Anh Tư ngoắc đám thanh thiếu niên kia đến khiêng vác đồ đạc giùm. Ba má tôi gởi chút ít tiền hậu tạ cho họ, rồi nhìn anh Tư - ân nhân của mình - ba má tôi ngập ngừng, ảnh hiểu ý, khoát tay, nói: - Cám ơn anh chị, tụi em giúp anh chị thôi vì anh chị đang chạy loạn lánh nạn mà! Má tôi cảm động đến chảy nước mắt. Ba tôi thì siết chặt đôi bờ vai vạm vỡ của anh Tư, rồi cầm tay các thanh thiếu niên kia mà cám ơn không ngớt lời: - Cám ơn chú Tư, cám ơn quý em… Cám ơn nhiều lắm…! Không những giúp đỡ gia đình tôi, anh Tư còn kêu gọi mọi người trong xóm giúp đỡ các gia đình di tản khác nữa. Thật là một việc làm đầy tình người mà chỉ người có lòng mới lo lắng cho người khác như thế. Liền sau đó, may mắn sao, anh Tư mua giùm được một căn nhà gần nhà anh với giá rẻ để gia đình ba má tôi tạm cư. Nói đúng ra đó chỉ là cái chòi nhỏ với mái và vách được lợp bằng lá do một ngư dân bán lại để chạy vô Cam Ranh. Có một chuyện không may là mấy ngày sau, vào một đêm khuya tối trời kẻ gian đã vạch vách lá lấy trộm một ít vật dụng trong nhà. Ba tôi báo, anh Tư nói yên chí ảnh sẽ tìm lại cho. Quả nhiên đêm hôm sau những vật dụng ấy được âm thầm trả lại cho gia đình tôi. Qua sự việc này chứng tỏ anh Tư rất có uy ở xóm chài này. Tạm cư ở đây một thời gian, Ba má tôi để ý thấy hình như mọi người trong xóm đều nhất nhất răm rắp nghe lời anh Tư trong mọi sinh hoạt hằng ngày. Nhà nào có cúng giỗ đều mời anh Tư đến cúng bái cầu an cầu siêu cho. Đặc biệt là anh Tư có tài nhổ răng, nhanh và không đau, ai trả tiền bao nhiêu cũng được. Khi đã quen thân và hiểu nhau, anh Tư kêu ba má tôi là anh chị Hai, ba má tôi kêu lại là chú Tư hoặc Tư Râu, mấy anh em trai tôi thì kêu anh Tư, còn mấy đứa em gái thì kêu là chú Tư. Đôi bên hình như có cơ duyên với nhau nên xem như quyến thuộc trong nhà. Khi tình hình Qui Nhơn đã ổn định thì mọi người dân di tản lại lục tục kéo nhau trở về. Anh Tư Râu cùng vài thanh niên trong xóm lo tìm thuê ca-nô cho các gia đình di tản trở vô đất liền. Khi tiễn gia đình ba má tôi xuống ca-nô, anh xin ba tôi địa chỉ để khi có dịp vô thị xã sẽ ghé thăm. Ba tôi nói buổi chia tay thật lưu luyến và cảm động. Các gia đình di tản không ngớt lời cám ơn anh Tư Râu và bà con xóm chài này. Thời gian sau, anh Tư Râu từ Cù Lao Xanh vô thị xã, đến thăm các gia đình di tản đã quen với mình. Anh dùng cơm thân mật thật tự nhiên với ba má và các anh em tôi. Ba má tôi mời anh Tư Râu lưu lại nhà mình vài hôm nhưng ảnh không nhận lời, nói là cần phải đi Tuy Hòa, Quảng Ngãi rồi Hội An nữa. Sau mới biết là ảnh đi nhổ răng dạo. Những lần sau ghé Qui Nhơn, ba má tôi mời mấy anh Tư Râu cũng không nhận lời dùng cơm với gia đình, nói là đã ăn cơm tại quán Bà Lâm Huế ở bến xe cũ, rồi ảnh giơ ra khoe vài hũ mắm cá thu xay vừa mua ở quán này. Ảnh cũng không nhận lời ba má tôi mời nghỉ đêm tại nhà với lý do là đã thuê phòng trọ ở bến xe cũ rồi để tiện việc sáng hôm sau đi tiếp nơi khác. Những lần kế tiếp ba má tôi khẩn khoản mời riết, anh Tư Râu mới nói: “Cám ơn anh chị, nhưng thưa thiệt, em nghĩ không tiện đâu vì các em gái trong nhà lớn hết rồi”. Thì ra anh Tư Râu đã giữ ý, một sự giữ ý thật hiếm hoi trong thời buổi khó khăn này, rất đáng nể phục. Năm năm sau, hay tin tôi được về, anh Tư Râu ghé thăm. Lần đầu gặp ảnh tôi nghĩ ngay anh Tư Râu là một người rất có bản lĩnh qua giọng nói, thái độ và cử chỉ. Trong câu chuyện giữa hai anh em, ảnh hỏi tôi hồi đi trận có khi nào bị thương không, tôi nói có chớ, rồi kéo ống quần cho ảnh coi những vết thẹo lấm tấm và những mối may trên hai ống quyển mình. Ảnh nói, còn mình nè, rồi cởi giày giơ cho tôi coi một đường may hình con rít vòng quanh gót chân. Tôi vụt chồm tới, siết chặt đôi vai vạm vỡ anh Tư Râu, nói lớn: “Anh Tư… Tư Râu… Tôi không quên anh…!”. “Anh Tư Râu ơi, hôm nay – ba-mươi-mốt năm sau – tôi viết mấy dòng này như là lời tri ân kính gởi đến anh nhân ngày Lễ Tạ Ơn tại Hoa Kỳ này”. Lê Huy (Los Angeles, Thanksgiving 2012)