áo Văn nghệ đưa tin: nhà văn, nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ấn, vừa tìm thấy bốn chương đầu tiểu thuyết “Quý Phái”, của nhà văn Vũ Trọng Phụng, và in giới thiệu với bạn đọc một số trang… Vũ Trọng Phụng mở đầu tiểu thuyết bằng đám tang viên quan Án sát, có tên là Đường. Quan Án Đường. Người viết bài này là kẻ hậu sinh, chẳng biết cái chức quan thời cổ ấy to nhỏ ra sao, bèn hỏi cái anh Google máy tính. Rất sốt sắng, chưa ghi hết câu hỏi, máy đã trả lời: Thời vua Minh Mạng nhà Nguyễn, cải tổ bộ máy hành chính, đã đặt ra mỗi tỉnh có hai ty. Ty Bố chánh và ty Án sát. Ty Bố chánh chịu trách nhiệm về thuế má, đinh điền, lính tráng, và truyền đạt các chủ trương, chính sách của triều đình. Ty Án sát chịu trách nhiêm về hình luật và trạm dịch. Đứng đầu ty Bố chánh là quan Bố chánh sứ (trật tam phẩm). Đứng đầu ty Án sát là quan Án sát sứ (trật nhị phẩm). Án sát sứ đứng trên, và giám sát Bố chánh sứ. Án sát sứ cũng chính là quan Tuần phủ, đứng đầu một tỉnh. Như Chủ tịch tỉnh của ta bây giờ. Lúc tại nhiệm, quan Án Đường được tiêu chuẩn sử dụng bốn lọng che, mỗi khi quan đi công cán. Rồi ngay cả lúc đã nghỉ hưu, và đi sang thế giới bên kia, quan lớn cũng vẫn “đi” dưới cái bong râm của những chiếc lọng ấy. Và rồi khi lễ tang xong, bốn cái lọng lại được cắm vào giá lộ bộ, để ở hai bên bàn thờ quan Án. Là nhân vật “tai to mặt lớn”, cho nên đám ma cụ Án rất to. Có quan Phó sứ ở tỉnh về chia buồn với gia đinh, và tiễn đưa cụ Án về nơi an nghỉ cuối cùng. Người đi đưa và người đi xem đông nghịt, chen chân nhau, dài dằng dặc hàng cây số. Kiệu bát cống, minh tinh, nhà táng, cờ, phướn và các bức trướng, đối, chữ đen, vải trắng, vải vàng gió bay phấp phới. Trống đánh thùng thùng. Kèn bát âm ò e liên khúc tấu lên, vừa bi ai, vừa náo nhiệt. Đặc biệt là có tám chú lính khố xanh, đứng bồng súng chào, trong lúc bọn phu khiêng ròng dây đưa chiếc quan tài xuỗng huyệt. Đắp mộ xong, người ta cuốc một vầng đất tròn như cái rế, chọn chỗ cỏ mọc xanh tốt, đặt lên trên làm cái rốn mộ, để cỏ từ đó mau chóng mọc lan ra như những ngôi mộ cũ. (Cỏ mọc xanh trên mộ là biểu tượng cho nỗi đau li biệt đã đi vào quá vãng). Rồi người ta để bát cơm lồng, cắm đôi đũa bông và quả trứng luộc lên trên nấm cỏ. Kèn trống và những tiếng khóc lúc này đã im bặt, để nghe quan Phó sứ nói mấy lời chia buồn cùng tang quyến. Rồi mọi người giải tán. Quan lớn. Đám ma to. Nhưng lễ vật phúng viếng lại rất nhỏ, chẳng đáng là bao, nếu so với thời bây giờ… Cho nên đêm hôm ấy, bà ấm Minh, con dâu cả của cụ Án Đường mới cau có nói với chồng: - Cấu đối, vứt đi không kể, còn chè thì tính ra được ngót hai trăm bao, rượu vang còn thừa chỉ độ hai ba chục chai, rượu ta thừa độ trên năm chục chai. Âm Minh bảo vợ: - Tiền cả đấy. Có trữ thì ta trữ lấy rượu vang thôi. Còn rượu ta bán đi! Chè, bán đi! Mợ cứ hạ xuỗng mỗi bao vài xu, mỗi chai vài xu, tôi tin rằng tất cả chỗ ấy cũng có ít nhất là sáu, bẩy chục bạc… - Vẫn biết thế nhưng thấm thía gì! - Hẵng cứ biết thế đã. Còn chỗ thiếu thì rồi ta đòi nợ cũ, vay nợ mới vậy, chứ nói sao! Tiền lợn với tiền gạo thì lo gì, có phải trả ngay đâu mà sợ!... Tiếc thay cho ấm Minh, sinh bất phùng thời. Ở cái thời đại cổ lỗ sĩ ấy, nước Nam ta chưa tiến đến cái sự văn minh của nền văn hoá phong bì, cho nên vợ chồng hắn mới phải lo lắng như vậy. Chứ như ở thời ta bây giờ, thì tiền viếng của đám nhà quan, mà lại là quan to như vậy, thì con cháu tiêu cứ gọi là “mệt nghỉ” cũng chẳng hết! Và, cũng vì thế cho nên bây giờ, rất nhiều vị quan chức có nguồn gốc từ nông thôn, chẳng ai bảo ai, nhưng họ đã cùng sử dụng một bài toán: “Nhất cử lưỡng…lợi”. Khi các vị thân sinh của họ có một người qua đời, quan sếp liền vận động người còn lại bán nhà ở quê đi, ra tỉnh ở với con. Để con cháu tiện việc trông nom, phụng dưỡng cha mẹ khi tuổi già sức yếu. Khi trái gió trở trời, ở thành phố tiện thầy, tiện thuốc hơn ở thôn quê… Thu xếp như vậy, sếp được cái tiếng là người con hiếu thảo. Đó là cái lợi thứ nhất. Còn cái lợi thứ hai, tuy có phần xa hơn, nhưng tất nhiên chẳng chóng thì chầy, rồi sữ đến. Vì quy luật sinh tồn của tạo hoá, rồi cụ sẽ đi sang thế giới bên kia. Thế là cái lợi thứ hai đã đến. Dù vui, dù buồn, dù muốn, dù không sếp cũng thu được bạc tỷ, tiền phúng viếng của các cơ quan, đoàn thể, các ban ngành, công ty xí nghiệp, của họ hàng và bè bạn gần xa. Có sếp, không đưa được ông, hoặc bà thân sinh ra phố ở với mình, vì ở quê cụ còn đông con nhiều cháu. Thì khi cụ về coĩ hạc, sếp chỉ báo tang trong phạm vi hẹp, chủ yếu là cơ quan sếp đang làm việc. Rồi sau khi xong đám tang ở quê, trở về thành phố sếp lại tổ chức lễ viếng. Gọi là “viếng vọng”. Chẳng cần phải rượu thịt, cỗ bàn gì. Chỉ cần phóng tấm ảnh của người quá cố, với dải băng đen bắt chéo góc, để lên mặt tủ, bày mâm ngũ quả, hương, nến, và một cái đĩa to, hoặc khay, để khách viếng đặt phong bì. Lễ viếng vọng không có vòng hoa, Thế là thêm một lần nữa sếp lại được nhận những chiếc phong bì. Chiếc mỏng, chiếc dầy, có chiếc rất dầy, tuỳ theo mối quan hệ của những cơ quan, đơn vị mà vài ba hôm trước vì ngại xa, sếp không tiện báo tang. Mà cũng chẳng cứ gì đám tang của các gia đình ông to, bà lớn ở nơi đô thị. Quê tôi có đám tang một ông cụ trăm phần trăm là nông dân, mà tiền viếng cũng được hơn sáu trăm triệu đồng. Hơn hai trăm vòng hoa. Nhiều hơn cả đám tang Trung tướng Trần Độ năm nào đến bảy tám vòng. Nói thế, chắc chẳng ai tin. Song đó hoàn toàn là sự thật. Vì ông nông dân ấy có tám người con. Sáu trai, hai gái. Bốn người con trai đi bộ đội. Trong đó, một người bị thương nặng, được nhà nước nuôi dưỡng suốt đời. Một người hết nghĩa vụ, xuất ngũ về làm Phó bí thư đảng uỷ xã. Hai người là sĩ quan chuyên nghiệp, một trung tá, một thiếu tá. Cô gái út là Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông. Chồng cô là Phó chủ tịch huyện, sắp sửa lên thế chân ông Chủ tịch, khi ông này về nghỉ hưu. Cho nên tất cả các cơ quan quân, dân, chính, đảng của huyện, các cơ quan, ban ngành, các công ty, xí nghiệp của tỉnh đứng chân trên địa bàn huyện, và hơn ba mươi xã trong toàn huyện, xã nào, cơ quan, đơn vị nào cũng cử đoàn đem vòng hoa và phong bì đến viếng bố vợ ông Phó chủ tịch huyện. Cái chết bây gìơ hình như đa nghĩa hơn ngày xưa. Ngày xưa chết là mất đi, là hết. Còn bây giờ chết không chỉ là mất đi, mà còn có nghĩa là còn, là được. Và rất nhiều người được, nhiều phía, nhiều chiều được. Được tiền, được tình, được nhờ cậy, theo phương thức “Hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại”. Cho nên đám tang một ông nông dân mới “hoành tráng” đến như vậy! Xin được trở lại với tiểu thuyết “Quý Phái”. Vũ Trọng Phụng miêu tả nỗi lo âu của vợ ấm Minh: “Bố chồng chết đi, vẫn hay là một sự đau đớn lắm, nhưng còn sự đau đớn này nữa mới thật hệ trọng: là ông cụ chết rồi, thì cả nhà này từ nay không biết trông cậy vào đâu mà ăn! Cụ chết, cái số lương hưu trí mỗi tháng chục bạc thế là cũng…chết theo, cảnh gia đình này, từ nay trở đi, hẳn là bước vào đường sống gió. …Xưa kia, cụ án Đường đã là một ông quan thanh liêm. Một cách tương đối thôi, cái đó đã đành. Cho nên cái tuổi già của cụ chẳng lấy gì làm rực rỡ cho lắm, vả sự hưởng thụ của con cháu cụ cũng chỉ vừa phải. Suốt một đời làm quan, cụ chỉ tậu được độ hai chục mẫu ruộng, làm nổi toà nhà ngói ba gian ở làng, thế thôi…”. Một quan chức đứng đầu hàng tỉnh, ở cái thời đế quốc – phong kiến, đã bị lịch sử lên án là áp bức bóc lột nhân dân, mà tài sản chỉ có thế. Có thể có nhiều người không tin. Vì ai cũng biết rằng tiểu thuyết là truyện hư cấu, do nhà văn bịa ra. Nhà văn muốn bịa thế nào mà chả được. Vâng! Đúng, tiểu thuyết là truyện bịa, nhưng là bịa y như thật, bịa đúng như những gì đã xẩy ra ở ngoài xã hội. Thí dụ như Truyện Kiều. Những cô gái ở ngoài xã hội, có thân phận lạc loài, trôi dạt, nổi chìm…và cô Kiều ở trong sách của cụ Nguyễn Du có khác gì nhau đâu? Tất nhiên thời phong kiến, bon quan tham, lại nhũng chẳng thiếu gì kẻ giầu có hơn quan án Đường. Nhưng bọn đó không phải là số đông, không phải là tiêu biểu, là điển hình. Vũ Trọng Phụng nhằm vào bọn quan “tương đối thanh liêm”. Tức là bọn cũng có tham, nhưng không đáng kể. Vì đó là số đông, tiêu biểu cho giới quan lại thời bấy giờ, và nhân vật quan án Đường là người đại diện cho số đông đó. Vậy nên người viết tin rằng, về tài sản của quan án Đương, tác giả đã “bịa” đúng sự thật, không cắt xén, rút bớt đi, và cũng không “tố điêu” như trong Cải cách ruộng đất người ta đã làm. “…Xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá có năm trăm cán bộ cấp xã, thôn. Đạt danh hiệu nhiều cán bộ xã nhất cả nước. Số hộ nghèo trong xã còn 30,6%. Nhưng ông Chủ tịch xã vẫn xây được nhà to như biệt phủ, cao ba tầng, có hàng rào bao bọc…” (Bài “Cán bộ: danh và lợi”, của Nguyễn Văn Toàn, Văn nghệ số 40, ngày 6/10/2012). Đó là ở nông thôn. Còn ở thành phố?... Ông Chủ tịch phường của thành phố chúng tôi cũng vậy. Toà nhà của ông ta tuy khộng cao tầng lắm, cũng chỉ ba tầng thôi, nhưng to và rộng mênh mông, lại nằm ở giữa khu trung tâm thương mại, có giá hơn chục tỷ đồng. Vợ con ông chẳng cần phái kinh doanh buôn bán gì, chỉ cho thuê tầng dưới cùng, cũng thừa tiền sinh sống. Và mới đây, mặc dù kinh tế cả nước đang gặp khó khăn, suy thoái, hàng chục nghìn công ty. xí nghiệp phá sản, đồi sống của số đông người dân còn gặp kho khăn, thiếu thốn…Vậy mà ông Chủ tịch phường vẫn tậu được xe hơi Mercedes, giá hơn một tỷ đồng! Ấy vậy mà trong đợt học tập nghị quyết Trung ương bón vừa qua, ông Chủ tịch phường vẫn nguyên vị là một cán bộ, đảng viên gương mẫu. Vì chẳng có Đoàn thanh. kiểm tra nào phát hiện thấy ông có hành vi tham nhũng, thoái hoá biến chất. Quyền đi liền với lợi. Đó là những “ông quan” ở phường, ở xã, cấp thấp nhất trong bộ máy hành chính, mà tải sản của họ đã như vậy. Còn tài sản của “các quan” ở cấp cao hơn thì sao?... Về mặt hưởng thụ, ta thử đem ông quan thời xưa đứng đầu một tỉnh, đi bốn lọng, và ông quan thòi bây giờ (không cần phải đồng cấp). chỉ đứng đầu một phường thôi, mà đi ô tô Mercedes xem, có phải họ hơn kém nhau một trời một vực không?!./. TP Uông Bí, ngày 29/10/2012 Tạ Hữu Đỉnh