oàn là một bác sĩ trẻ. Chúng tôi quen và thân nhau từ khi còn học chung trường thuốc, nghĩa là cũng hai chục năm nay rồi.Ra trường, Toàn hành nghề ở một thị trấn nhỏ thuộc miền Đông nước Mỹ, tôi định cư ở miền Cali nắng ấm. Năm tháng trôi qua nhưng mổi lần có công việc đi ngang qua vùng của Toàn cư ngụ, tôi đều ghé đến nhà chàng và hỏi thăm về công chuyện làm ăn của người bạn cũ. Toàn kể lại cho tôi nghe những chuyện có liên quan đến hai chúng tôi, những chuyện đang xảy ra trong thành phố của anh và Toàn cũng kể lại cho tôi nghe câu chuyện của Phương và Hoài. Sau đây là câu chuyện Toàn đã kể cho tôi nghe vào mùa Hè năm nay. Hoài làm nghề nông. Anh là một người cao lớn, tuy ít học nhưng mạnh như một con sư tử. Từ ngày qua Mỹ, anh định cư cùng một nơi với Toàn, mượn vốn và lập nên một trang trại nhỏ để nuôi chừng 50 chú cừu non. Nhờ tánh cần kiệm và ý chí cương quyết, chỉ trong mười năm anh đã làm chủ được nhiều cánh đồng cỏ thật rộng và chừng hai ngàn con cừu non. Anh liền mua một nông trại ở ven thành phố và đem các chú cừu non về nuôi trong những đồng cỏ. Mới bốn mươi lăm tuổi, Hoài đã có một đời sống khá giả và lương thiện. Rồi anh cưới vợ. Phương và gia đình nàng đều cư ngụ trong thành phố có phòng mạch của Toàn. Nàng làm nghề bồi bàn trong một tiệm ăn của người bản xứ. Hoài lân la làm quen. Mỗi ngày,cứ vào lúc 10 giờ sáng, anh đều đến tiệm có Phương làm việc để uống cà phê. Gặp người đồng hương, Phương hân hoan dành đón tiếp và thường kể cho Hoài nghe những chuyện đang xảy ra trong thành phố, tin tức khí tượng, tin tức quê nhà mà nàng nhận được qua những lá thư của những người bạn cũ còn kẹt lại. Hoài lặng thinh ngồi nghe, không dám nhìn thẳng vào mắt nàng và miệng anh luôn luôn tươi cười như thưởng thức lối nói chuyện của Phương. Sau đó anh đứng lên và nói một câu không bao giờ thay đổi: - Tôi phải đi làm việc đây.Hẹn gặp cô ngày mai! Trong ba tháng,tình trạng giữa hai người không có gì thay đổi. Rồi một sáng đẹp trời, trên đường đến bệnh viện, Toàn ghé vào quán cà phê của Phương và nghe Hoài hỏi nàng: - Cô Phương, cô có muốn làm vợ tôi hay không? Phương giật mình suýt làm rơi cả khay nước đang cầm trên tay: - Ồ... có thể tôi sẽ làm vợ anh, anh Hoài ạ...Nhưng xin anh cho tôi một thời gian để suy nghĩ lại. Đám cưới được tổ chức mười lăm ngày sau đó. Sau tuần trăng mật ở Cali, Hoài và vợ trở về sống trong nông trại canh thành phố. Dưới sự điều khiển của Phương, căn nhà đã được sơn lại từ trong ra ngoài, thảm trải nhà cũng như những màn cửa đều được đổi mới. Hoài và Phương xây thêm một căn nhà bếp nhỏ và một cổng ra vào có dàn hoa hồng leo thật thơ mộng. Dù bề ngoài tốt đẹp như vậy nhưng sao tôi vẫn thấy như có chuyện gì không ổn giữa hai người. Đã hai lần, Hoài điện thoại cho tôi đến khám bệnh cho Phương. Nhìn nàng, tôi có cảm tưởng như nàng không được hạnh phúc. Phương hay than nàng thường bị những cơn nhức đầu hành hạ thật là đau đớn nhưng khi tôi khám bệnh thì chẳng tìm ra nguyên nhân nào gây nên những chuyện đó cả. Lần thứ hai, khi đến khám bệnh cho Phương, tôi hỏi nàng về cách đối xử của Hoài. Phương trả lời Hoài là một người chồng tốt nhất trên đời nhưng...sao chàng không thích nói chuyện trong khi người vợ nào cũng thèm được nghe những lời âu yếm của chồng. Sau lần khám bệnh đó, tình hình có vẻ khả quan hơn. Một thời gian sau, gặp Phương ở ngoài phố, nàng nói với tôi: - Có lẽ tôi tưởng tượng nhiều quá về bệnh tình của mình. Tôi phải tập cứng rắn và đầy ý chí như Hoài mới được. Tôi phải mạnh như anh ấy. Trong mười tám tháng, tôi không còn nghe nói gì về cặp vợ chồng này nữa. Nhưng rồi một hôm, vào lúc ba giờ sáng, Hoài đến đập cửa nhà tôi. Mặt chàng tái xanh, Hoài hấp tấp bảo tôi: - Thưa bác sĩ,vợ tôi đau nặng lắm. Phương đang nằm trong xe, nàng gần như ngất đi vì đau đớn. Hoài kể Phương cảm thấy đau từ lúc xẩm tối, nàng cố gắng đi ngủ để quên cơn đau cho đến lúc nàng không còn thể nào chịu đựng được sự hành hạ của nó nữa. Tôi đưa nàng vào ngay bệnh viện. Đây là một trường hợp đau ruột dư. Tôi liền thực hiện ngay cuộc giải phẫu. Vào lúc hừng đông, Phương có vẻ tỉnh lại. Tôi tưởng đâu tôi đã thắng được tử thần. Tôi liền nói với Hoài rằng tôi chưa có thể tuyên bố gì trước hai mươi bốn tiếng đồng hồ nhưng theo tôi, Phương đã thoát hiểm. Hoài bổng khóc lên như trẻ thơ: - Thưa bác sĩ, bằng mọi cách bác sĩ phải cứu vợ tôi. Nàng phải sống, nàng phải sống bác sĩ ơi! Nhưng đến buổi chiều, tình trạng bệnh nhân chợt trở nên trầm trọng. Tôi đã cho tiếp máu hai lần trong đêm nhưng Phương vẫn yếu dần... - Tôi không còn sức để sống nữa - nàng thì thào với tôi - - Cô nói gì kỳ vậy? - Tôi gay gắt trả lời nàng - Mới ngày nào đâythôi, cô đã hứa với tôi rằng cô sẽ đầy ý chí, sẽ mạnh như Hoài cơ mà! - Anh Hoài đã mạnh quá rồi - Phương trả lời với nụ cười héo hắt - Anh ấy đâu cần đến tôi, nếu không anh ấy đã nói cho tôi biết. - Cô Phương- tôi trả lời nàng bằng giọng quả quyết- có lẽ anh Hoài không nói với cô nhưng thật sự anh ấy rất cần cô. - Người nữ bệnh nhân chỉ nhẹ lắc đầu và nhắm mắt lại. Trở lại phòng làm việc, tôi nói với Hoài: - Hình như vợ anh không muốn lành bệnh! Hoài kêu lên: - Nhưng vợ tôi phải bình phục. Bác sĩ ơi, hay bác sĩ hãy tiếp máu cho nàng? Tôi cho Hoài biết rằng tôi đã tiếp máu cho vợ anh hai lần trong đêm rồi. Hoài ngắt lời: - Không, tôi muốn nói Bác sĩ hãy tiếp máu của tôi cho nàng cơ. Tôi đủ sức mạnh cho cả hai người. Tôi đẩy ghế đứng dậy và đưa Hoài ra ngoài hành lang. Tôi nhìn thẳng vào mắt anh và hỏi: - Anh Hoài, anh hãy thành thật trả lời tôi, anh có yêu vợ anh hay không? - Trời! Nếu không yêu Phương, sao tôi lại cưới nàng? - Có khi nào anh nói chuyện đó cho vợ anh hay không? Hoài có vẻ bối rối: - Tôi cho nàng tất cả những gì tôi có trên đời này. Một người đàn ông có thể làm gì thêm được cho người mình yêu nữa đây? - Nói chuyện với họ! tôi trả lời anh ta. - Tôi không thuộc loại người nói nhiều. Vợ tôi hiểu như vậy mà! Hãy sang máu của tôi cho nàng ngay đi! Hoài bướng bỉnh lập lại. Tôi lặng yên suy nghĩ một lúc xong đưa Hoài đến phòng thí nghiệm. Tôi rút một ít máu của anh ta xong đem đi phân tích. Tôi nói với Hoài: - Thật tốt dẹp anh Hoài ạ! Mười phút nữa tôi sẽ sang máu cho vợ anh. Tôi đi đến phòng của Phương và nói cho nàng hay rằng Hoài buộc tôi phải sang máu của chàng cho nàng. Phương tỏ vẻ chú ý. Tôi bắt mạch ở tay nàng và thấy nó không đều và rất yếu. Tôi nghĩ rằng tôi chỉ còn trông cậy vào một sự may mắn rất mong manh để có thể cứu sống nàng. Tôi vội kêu cô y tá ra một góc phòng và nói cho cô ấy hay dự định của tôi. Tôi nghiêm nghị nhìn cô ta và nói: - Vậy cô phải làm đủ mọi cách để hai người không thể nào trông thấy sự tiếp máu đó. Một lúc sau, tôi đưa Hoài vào phòng của Phương. Giờ trong phòng đã có hai chiếc giường đặt song song, ở giữa là chiếc bàn đựng những dụng cụ để tiếp máu, một chiếc màn buông xuống giũa hai cái giường. Khi Hoài đã nằm xuống, người y tá nhấc tấm màn lên. Người nông dân đưa bàn tay to lớn, thô kệch ra nắm lấy những ngón tay nhỏ nhắn của vợ và nói với nàng: - Và bây giờ, đến lượt anh chữa bệnh cho em Phương à! - Để làm gì đây? nàng thầm thì trã lời, mắt không nhìn chồng. Người y tá thả tấm màn xuống, tẩy trùng cánh tay của Hoài xong ấn kim vào. Hoài hãnh diện gồng cao những bắp thịt ở tay lên. Một lúc sau chàng hỏi: - Được chưa, thưa bác sĩ? Từ bên kia màn, một tay tôi ấn mủi kim vào cườm tay của Phương, tay kia tôi xoay vội một cái cán nhỏ. Tôi soát lại nhịp đập của mạch máu bên tay kia của Phương, xong trả lời Hoài: - Tất cả đều tốt đẹp anh Hoài ạ! - Em cảm thấy thế nào hở Phương? - Hoài hỏi tiếp. - Khỏe hơn...nàng yếu ớt trả lời chồng. - Chừng nào trong người em có được chừng một lít máu của anh, em sẽ khỏe mạnh như anh... Mạch của người bệnh hình như đều hơn... - Anh Hoài - nàng thầm thì - Em yêu anh. Một phút im lặng trôi qua xong Hoài lên tiếng: - Phương ơi, nhất định em phải lành bệnh! - Để làm gì? - nàng yếu ớt lập lại. - Em phải lành bệnh vì anh. Anh cần em... Xong với giọng nghẹn ngào, Hoài nói tiếp: - Anh yêu em! Bổng nhiên mạch của người bệnh mạnh lên bội phần. Phương thầm thì: - Chưa bao giờ anh nói với em như vậy cả. - Anh nghĩ rằng chuyện đó không cần thiết. Mạch của Phương đã trở nên đều hòa. - Anh Hoài - nàng tha thiết - anh hãy nói lại lần nữa đi... Hoài ngập ngừng xong lập lại: - Anh yêu em Phương ơi! anh yêu em hơn tất cả mọi thứ trên đời. Trời ơi, bằng mọi giá, nhất định em phải khỏe mạnh trở lại. Anh yêu em, anh cần em.... Tôi nhẹ nhàng rút kim ra khỏi cườm tay Phương, nhẹ lấy đi ống máu được giấu dưới một chiếc khăn và cất đi chổ khác. Xong tôi bắt mạch lại cho bệnh nhân. Chuyện thật khó tin nhưng nó đã xảy ra. Mạch của Phương đã trở lại bình thường và mạnh hơn. Sau khi con xúc động trôi qua, Hoài thầm thì hỏi vợ: - Bây giờ em cảm thấy thế nào? Nhưng Phương không trả lời. Nàng đang khóc ròng, những giọt lệ hạnh phúc lăn dài trên hai gò má xanh xao của nàng. - Vợ anh đã khỏe lại rồi -Tôi trả lời anh ta - Anh Hoài, anh đã thắng. Tôi ra dấu cho cô y tá rút kim ra khỏi tay Hoài. Rút kim khỏi tay Hoài xong, cô vội giấu ngay cái ống thí nghiệm đựng đầy máu xuống dưới bàn và kéo tấm màn chia đôi hai vợ chồng Hoài ra. Tôi và cô y tá cùng bước ra khỏi phòng. Vài phút sau, khi tôi trở lại, tôi thấy Hoài đang ngồi cạnh vợ, hai tay chàng nâng niu những ngón tay trắng xanh của Phương. Hình như Hoài đang nói gì với nàng.... Phương vẫn còn yếu lắm nhưng tôi tin chắc rằng nàng sẽ bình phục. Và nàng đã bình phục thật nhanh chóng. Toàn ngừng kể. Tôi thắc mắc hỏi chàng: - Có khi nào anh cho họ biết sự thật hay chưa? Người bác sĩ lắc đầu: - Chỉ cần phép lạ xảy ra mà thôi! Máu của Hoài không cùng một loại với máu của Phương. Nếu tôi nghe lời anh ta tiếp máu cho nàng, Phương đã chết rồi. Nàng thoát hiểm, vậy là đủ! Đâu cần cho nàng biết rằng tôi đã sang máu của người khác cho nàng, máu của Hoài đã được cô y tá rút vào ống thí nghiệm. Người đàn bà trẻ tuổi đó chỉ cần bằng chứng rằng chồng nàng yêu nàng và nàng đã có bằng chứng đó. Như vậy cũng đủ cho nàng yêu đời trở lại. Giờ đây hai người đang sống thật hạnh phúc với đứa con trai đầu lòng của họ. Hoài và tôi cùng nhìn ra ngoài cửa sổ. Đã tháng tám Tây nhưng miền Đông nước Mỹ vẫn còn nóng... Lại thêm một mùa Hè xa Quê Hương nữa trôi qua... Thanh Vân