rong văn học nghệ thuật, người ta đã viết rất nhiều về đề tài tình yêu, vê bi kịch của tình yêu. Và cả trong những cuôc trà dư tửu hậu, ngồi ở trước sân nhà vào những đêm trăng thanh gió mát, hay những đêm đông lạnh giá ở vùng rừng núi, ngồi bên bếp lửa hồng, người ta cũng kể cho nhau nghe về những bi kịch muôn thuở của tình yêu. Tỉ như chuyện tình yêu của Rômeô và Juliet chẳng hạn… Ở nước ta, có một thời người ta không công nhận cuộc sống của con người ở chế độ xã hội chủ nghĩa lại có bi kịch. Xã hội ta không có bi kịch. Họ nhầm. Hay là họ xu thời, cố tình bịa đặt, dối trá? Trai gái yêu nhau, vì lý do nào đó mà không lấy được nhau, chán đời xuống tóc đi tu, hay đưa nhau ra sông Hồng, sông Hương nhẩy cầu, hoặc vào rừng xanh hái lá ngón ăn rồi chết ở dưới gốc cây ngón. Đó chẳng phải là bi kịch thì là cái gì? Ở đây, tôi cũng xin kể hầu bạn đọc một mẩu chuyện tình vô cùng đau xót, đã xẩy ra với chính gia đình tôi. Tôi kể để mong rằng sự đau xót đó sẽ không bao giờ tái diễn nữa: Năm ấy, thằng em con chú tôi mười chín tuổi. Nó yêu cô lái đò xinh đẹp, mười bẩy tuổi, người cùng xóm. Ở nông thôn thời ấy, trai gái yêu nhau, sợ xấu hổ nên họ giữ rất kín. Nhưng rồi người đầu tiên biết chuyện là mẹ cô gái. Bà mắng con: “Chùng bay còn là anh em, yêu đương thế không sợ người ta cười cho à?”. Cô gái xấu hổ đỏ mặt, chỉ thốt lên một tiếng “Đâu!”, rồi chạy vội ra bến đò. Chữ “đâu” ở đây có thể có hai ý, ý thứ nhất là từ chối: đâu phải cô yêu. Ý thứ hai là cô và người cô yêu có họ hàng gì đâu. Chẳng rõ cô định dùng ý nào?... Bố cô gái là người họ Nguyễn (đã qua đời). Ông có hai bà vợ. Bà cả là người họ Tạ, cô họ của chàng trai. Cô gái là con bà hai, người họ Hoàng. Như vậy, về huyết thống thì chỉ những người con của bà cả mới có họ với chàng trai. Còn cô gái con bà hai thì hoàn toàn chẳng có dây mơ rễ má gì. Song vì tập quán ở thôn quê, vì cái tình xóm láng trong họ ngoài làng, cho nên cả hai bên vẫn quen nếp ăn ở, đối xử với nhau thân thiết như người trong gia đình. Chuyện ngày càng vỡ lở, rồi cả hai bà mẹ và hai ông chú của cô gái cũng cương quyết ngăn cấm, không cho hai đứa được yêu nhau. Và người phản đối quyết liệt nhất là người anh cả, con ông bác ruột cô gái. Ông bác đã qua đời. Anh cả được dùng cái quyền của người trưởng tộc: “Quyền huynh thế phụ” để ngăn cấm. Anh bảo: “Yêu đương như vậy là họ nhà tôm cứt lộn lên đầu”. Là “loạn luân”. Là “bôi gio trát trấu vào mặt cả họ”. Rồi để thể hiện vai trò quan trọng của người trưởng tộc có trách nhiệm với họ mạc. Đồng thời cũng để tỏ ra mình là người hiểu biết, phải giữ gìn và bảo vệ thuần phong mĩ tục của quê hương, làng xóm. Cho nên anh cả đã đem cái chuyện “tày đình” đó báo cáo lên Uỷ ban xã, và nhờ Uỷ ban ra lệnh ngăn cấm. Chuyện này xẩy ra trong bối cảnh vùng quê hương chúng tôi vừa trải qua cuộc Cải cách ruộng đất (CCRĐ) bị nhiều sai lầm nghiêm trọng. Tuy đã sửa sai, nhưng vết thương chưa kịp lành. Lòng người còn li tán, chưa yên. Các cán bộ cũ có năng lực và kinh nghiệm, đứng đầu tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể xã, thì đều bị xử lý trong CCRĐ. Vì thời gian ấy Đảng cho là họ hoạt động “hai mang”, vừa là đảng viên của đảng ta, vừa là đảng viên, hoặc cấp uỷ của bọn Quốc dân đảng phản động. Sau sửa sai họ đã được minh oan và phục hồi đảng tịch. Nhưng lớp cán bộ kì cựu này, một số đã được điều lên huyện, lên tỉnh. Số còn lại thì chưa tìm lại được “nhiệt tình công tác” (Thực ra, trong lòng họ còn ấm ức, bất mãn, chưa thông). Do vậy mà những người nắm quyền chủ chốt ở các cơ quan, đoàn thể ở xã chúng tôi thời gian ấy đều là bần cố nông, mới được Đội cải cách đề bạt, cất nhắc trong thời gian CCRĐ. Họ vừa kém văn hoá, ít hiểu biết, lại vừa chưa có kinh nghiệm trong công tác chính quyền và đoàn thể ở nông thôn. Khi tiếp ông cả, trưởng tộc Nguyễn đến Uỷ ban báo cáo chuyện tình yêu sai phạm của đôi trai gái, ông Chủ tịch xã rất hoan nghênh tinh thần trách nhiệm của ông cả, và tán thành rằng đó là yêu đương “bất chính”, “phi vô sản”, cần phải ngăn chặn ngay. Ông cho gọi bí thư Đoàn thanh niên đến, và giao cho thanh niên phải ngăn chặn, phê bình, kiểm điểm nghiêm khắc ngay đoàn viên sai phạm đó. Ông bảo: “Phải cạo cho thật nực vào, để chúng nó chừa cái thói hủ hoá ấy đi”. Bí thư chi đoàn đã đứng lên. định đi rồi, ông còn dăn tiếp: “Kiểm điểm xong, cũng chửa phải nà xong đâu. Đồng chí phải để mắt theo dõi. Nếu thấy chúng nó còn nén nút đi nại với nhau thì phải báo cáo ngay, để xã cho du kích bắt giải nên huyện”. Bí thư chi đoàn thanh niên xã, vốn là con một gia đình cố nông, đang học lớp ba thì phải bỏ dở vể đi ở trừ nợ cho nhà giầu. Ngày Đội CCRĐ về làng, anh ta được càn bộ Đội “bắt rễ” và bồi dưỡng trở thành “cốt cán” của Đội. Rồi do tích cực công tác, tích cực đấu tranh, tố cáo tội ác của bọn địa chủ, cường hào ác bá, nên chẳng bao lâu anh ta được kết nạp đảng, rồi được bầu làm bí thư chi Đoàn thanh niên xã. Nhận được “chỉ thị” của Chủ tịch xã hôm trước, ngay tối hôm sau, các đoàn viên thanh niên đã được triệu tập họp. Tuy là họp để phê bình, kiểm điểm người có khuyết điểm. Nhưng thực tế diễn ra đã chẳng khác là bao với cuộc đấu tố địa chủ. Sau mấy lời tuyên bố ly do (Một thủ tục quen thuộc để mở đầu, chứ lý do thì ai cũng biết cả rồi). Các đoàn viên lao nhao tranh nhau phát biểu ý kiến. Cuộc họp bỗng chốc đã biến thành một cuộc moi móc, thậm chí là bịa đặt, nói xấu đẻ thoả mãn sự tò mò, và thói ích kỷ của người đời. Họ thả sức cật vấn đôi trai gái, bắt hai đứa phải khai yêu nhau từ bao giờ? Đã bí mật gặp riêng nhau bao nhiêu lần? Vào giờ nào? Ở đâu? Đã hứa hẹn với nhau những gì? Định bao giờ cưới? Đã hôn nhau chưa? Và nhất là đã…ăn nằm với nhau chưa?... Cuối cùng, họ bắt hai đứa phải thừa nhận rằng chúng yêu nhau là “hủ hoá", là “loạn luân”, trái với đạo đức của người thanh niên cách mạng. Họ còn bắt hai đứa phải viết giấy cam đoan chấm dứt tình yêu sai phạm ngay từ hôm ấy. Rồi để kết thúc cuộc họp, bí thư Đoàn đã lấy biểu quyết thi hành kỷ luật, khai trừ đôi trai gái ra khỏi Đoàn. Hầu hết các đoàn viên đều nhất tri giơ tay. Tất cả những việc kể trên đã làm cho danh dự và lòng tự trọng của đôi trai gái bị xúc phạm hết sức nặng nề. Mà họ lại không được quyền nói năng để biện minh. Và sự thật họ cũng không có đủ khả năng để tự bảo vệ mình trước số đông, cho nên họ càng thêm bi phẫn… Rồi chẳng biết hai đứa đã bàn định với nhau vào lúc nào, mà chỉ chiều ngày hôm sau, họ đã chuẩn bị xong cho cuộc ra đi vĩnh viễn. Thằng em tôi lấy trộm con dao bầu của gia đình anh Hai tôi. Con dao này được thửa để hằng ngày băm rau lợn. Nhưng có mũi nhọn để chọc tiết lợn vào những dip lễ tết. Nó sang nhà cô gái. Hai đứa đưa nhau ra gốc mít ở sau hè trò chuyện. Rồi cô gái đã sẵn sàng đón nhận một mũi dao bầu của người yêu cắm vào trái tim đang đau đớn ê chề của mình. Khi thấy người yêu đã chết, em tôi cũng giành cho nó một múi dao y như vậy! Nhận được tin, tôi về đến nhà thì việc khâm liệm đã xong, em tôi đã nằm trong quan tài. Chú tôi giơ hai tay lên vừa ôm, vừa đổ gục vào tôi nức nở khóc. Rồi ông đưa cho tôi mảnh giấy, được xé ra từ một quyển vở học trò. Tôi lấy tay gạt nước mắt đọc. Chỉ có mấy chữ, nhưng nước mắt vẫn xối xả trào tuôn, mãi mới đọc hết: “Bố mẹ, Con biết con làm việc này là bất hiếu với bố mẹ, nhưng con không còn cách nào khác. Xin bố mẹ tha thứ cho con. Tạ Hữu Hành” ° ° ° Ngày xưa có nhà thơ đã viết; “…Tiên sư cái Tổ quốc dối lừa/ Chỉ phồn vinh những túi nhục nhuốc nhơ…” (Bài “Người thợ dệt miền Xiledi- Henrich-Hainơ- NXB Văn Học). Vâng! Chuyện tình yêu của em tôi cũng tương tự như vậy. Nếu Chính quyền và đoàn thể xã, cụ thể là ông Chủ tịch, anh Bí thư Chi đoàn thanh niên và ông Cả họ Nguyến, nếu có chút hiểu biết, họ không ngăn cấm, cưỡng bức, thì đâu đến nỗi các em tôi phải từ bỏ cha mẹ và quê hương, đất nước, đi tìm một thế giới khác (mà chắc lả không có) để được tự do yêu nhau và sống với nhau mãi mãi./. TP Uông Bí, ngày 13/5/2012 Tạ Hữu Đỉnh