gày này sang ngày nọ túi bụi vì công việc, chỉ thỉnh thoảng có một ngày chủ nhật rảnh, gặp một vài người bạn quen nói chuyện bâng quơ, thế mà cũng đủ để Phương phải nghe một tin không chút gì lý thú: tin tận thế.
Tin phát ra từ cuối năm 1959 và được nhiều người biết là vào dịp Tết Canh Tý 1960. Tết là dịp người ta chúc nhau khỏe mạnh, giàu sang và sinh đẻ sai. Tiếp theo là uống rượu mùi, hút thuốc lá thơm và nhá hạt dưa. Nhưng nếu chỉ làm có bấy nhiêu việc đó thì phiền lắm, phiền cho chủ nhân cứ phải nhìn mãi ảnh mình treo trên vách, phiền cho khách cứ từng chặp lén ngó đồng hồ tay. Không, người ta phải kiếm chuyện nói cho đầy ít nhất là mười lăm phút xã giao. Mọi câu chuyện hợp thời được bới ra, trong đó có câu chuyện bức thư ở Pha-ti-ma (Fatima) tiên đoán vận mệnh của trái đất, của nhân loại. Người đầu tiên nói cho Phương nghe tin này là một ông bạn có tuổi:
- Không khéo chúng ta nguy cả.
Vốn không có tính tò mò nên Phương chỉ mở to mắt ngồi đợi ông bạn tự ý nói tiếp câu khai mào bỏ dở:
- Năm 1959 đúng là năm Giáo hội mở bức thư tiên tri ở Pha-ti-ma.
Phương nhìn lên tấm lịch treo tường.
- Chúng ta hiện ở vào tháng Giêng 1960 rồi. Chắc bức thư đã được mở rồi.
- Chắc đã mở rồi nhưng chưa thấy công bố nội dung. Chắc hẳn có những sự đáng lo ngại cho vận mệnh nhân loại.
- Chắc hẳn.
Phương đáp lại như một tiếng vang. Thấy chàng không có ý sốt sắng dự đoán và tưởng tượng, ông bạn già lặng lẽ nhấp nước trà và lặng lẽ hút thuốc.
Ấy thế mà sang ngày Tết lại chính Phương là người hay nhắc đến bức thư tiên tri này nhất. Chàng còn hăng hái lý luận dự đoán nữa. Sự phát triển nhanh chóng của khoa học nguyên tử, sự chạy đua vũ trang của thế giới, những cuộc biểu tình, những bản kiến nghị yêu cầu đình chỉ thí nghiệm nguyên tử của các nhà khoa học và của các dân tộc văn minh khiến Phương nghĩ đến vận mệnh của thế giới một cách bi quan và thế là chàng tự ý giải thích bức thư tiên tri theo quan điểm bi quan của chàng. Những người nghe đều gật đầu suy ngẫm. Ít có vấn đề nào lại khéo gây sự đồng ý bằng vấn đề này. Không ai phản đối hết. Vì tận thế là chết cả, người giàu kẻ nghèo, người sang kẻ hèn tất cả đều chết một cách bình đẳng. Không còn ai được quyền thương hại ai và lẽ tất nhiên là khỏi có ai phải bực mình vì bị người khác thương hại dùm. Thật là bình đẳng đến mức lý tưởng. Khi biết chắc không có ai được hưởng đặc quyền sống sót, mọi người cam chịu tận thế một cách bình tĩnh, bằng lòng. Nhưng... may thay, đó chỉ là những ức đoán vừa có vẻ thật, vừa có vẻ không, có điều là vừa đủ để vui câu chuyện trong ngày xuân. Chứng cớ là khi bắt tay giã từ, chủ và khách vẫn long trọng chúc nhau một lần nữa:
- Ngồi nói chuyện với bác thế mà đã lâu rồi, không dám quấy thì giờ bác nhiều hơn. Thôi thì lại xin kính chúc bác một năm đại phát tài, thăng quan tiến chức…
- Dạ, cảm ơn bác. Cũng xin kính chúc bác và quí quyến một năm mới thọ phúc khang an.
Quả thật vậy, câu chuyện tận thế, cuối cùng vẫn chỉ là câu chuyện.
Những ngày xuân êm đềm và thong thả qua đi, mang theo đi luôn những ước mong, những niềm tin dễ dãi. Cuộc sống bận rộn lại lôi kéo Phương vào một nhịp quay cuồng khiến chàng nhiều hôm quên cả bóc tờ lịch trên tường. Lặn hụp trong sự sống, quay cuồng theo sự sống, sống theo thói quen, nhiều lúc sống một cách vô ý thức khiến đôi khi ngồi bình tĩnh nghĩ lại chàng đau xót thấy rằng mình đã quên là mình đang sống. Và như thế là cái tin tận thế đã được đẩy lui vào dĩ vãng nếu một buổi chiều kia, chàng không tiện chân ghé vào nhà một chị bạn, chị Dung. Chính chị Dung ra mở cổng. Vừa bước trở vào phòng khách thì một mâm cơm ăn nửa chừng làm chàng hoảng hốt dừng lại. Dù là gia đình quen, quen đến cái độ coi như bà con, Phương cũng thấy ngượng vì mình đến thăm không nhằm lúc. Bữa cơm ăn dở dang trông hỗn độn như một bãi chiến trường, nhất là bãi chiến trường ấy lại diễn ra ở trên chiếu, giữa phòng khách. Thật vô tình mà đến ba, bốn tầng bất ổn đã kết hợp lại trong sự tổ chức cuộc ăn chiều này, ăn quá sớm so với thường lệ. Bà cụ má chị Dung giục chàng bước vào:
- Cậu Phương vào tự nhiên. Mời cậu ngồi ở xa-lông nói chuyện.
Chị Dung cũng tươi cười mời:
- Anh ngồi chơi. Bà con ở trong nhà mà. Trời nóng quá, bà má bày đặt ăn cơm trên chiếu.
Phương lật đật an ủi chị:
- Đó cũng là một cách trở bữa chị Dung ơi! Thay đổi chỗ ngồi cũng làm cho mình ngon miệng như là thay đổi món ăn vậy.
Bà cụ không muốn dài dòng, đâm ngang câu chuyện một cách thực tế:
- Lũ nhỏ này, - cụ chỉ sáu đứa cháu nội ngồi la liệt trên chiếu, - chúng nó ồn ào quá. Ngồi vào bàn ăn thì đứa kéo ghé, đứa giựt khăn bàn, đứa chồm lên, đứa làm đổ canh, đứa hụt chân ngã, phiền mình, khổ mình. Đem dọn “cha” nó xuống đất cho rảnh việc.
Phương cười to, cười ngon lành vì lối nói không kiểu cách của bà cụ. Lũ nhỏ lây cái không khí cởi mở tự nhiên, đã trở lại ồn ào, nhai cơm, húp nước canh gõ đũa vào chén, hít mũi, nói chuyện. Nhưng chị Dung thì hình như vẫn chưa tìm lại được sự tự nhiên. Chị và một miếng cơm quá nhỏ, nhai cơm mà không gắp thức ăn. Chị nhìn ra sân nheo nheo mắt. Một tay cầm đôi đũa chống hững hờ vào giữa bát cơm. Như chợt nghĩ ra một điều gì vừa ý, chị quay sang Phương:
- Lũ nhỏ này lộn xộn quá, anh thấy không? Thật là điềm tận thế mà.
Thằng cháu Thạnh chừng chín tuổi, lè nhè cướp lời:
- Cô giáo con cũng mới bảo là sắp tận thế đó, cô Năm ơi. Ghê lắm.
Chị của Thạnh, bé Điềm góp ý liền:
- Mấy đứa bạn của tao, con Gái, con Nga, thằng Ánh cũng nói sắp tận thế.
Bé Tuyết ngậm một miệng cơm đầy, lúng búng nói:
- Thầy giáo con…
Thằng Căn, đũa còn khuấy trong bát canh chưa quơ được một miếng thịt vừa ý, ngửng mặt lên:
- Bà nội à, anh xích-lô chở con đi học nói rằng tới ngày tận thế thì…
Bà cụ nạt lên một tiếng:
- Thôi im đi, tụi bay nhỏ.
Nghe tiếng nạt, lũ nhỏ gác bỏ thắc mắc cúi xuống lầm lũi ăn. Bà cụ quay lại phía Phương:
- Ai cũng nói đến ngày tận thế. Cậu Phương có sợ tận thế không?
Thật là khó trả lời vì chàng chưa hề cân nhắc kỹ xem bên sợ và bên không sợ bên nào nặng nhẹ hơn.
Chị Dung đỡ lời:
- Bà già hỏi ngộ quá. Sao lại không sợ?
Phương thấy rằng chị Dung có lý. Ừ, sợ chớ sao không sợ. Nói quách như chị Dung có phải tiện không và có phải thật thà hơn không? Sao lại tránh nói sợ khi ít nhiều mình cũng sợ thật?
Chị Dung tiếp:
- Kinh Thánh có dạy rằng khi Quỷ Vương ngự trị, khi dân Do Thái lập quốc, khi trên trời có những điềm lạ, đó là lúc tận thế.
- Tận thế nghĩa là hết sống. Chết thì càng khỏe chớ sao. Khỏi phải bận tìm kế sinh nhai.
- Nhưng chết đâu có êm ái như anh tưởng. Thiên tai xảy dồn dập. Nơi này núi lửa phun lên, nơi kia sóng thần cuồn cuộn tràn vào thành phố, nơi khác động đất…
Như được khơi nhằm mạch, óc Phương nghĩ ngay đến những thiên tai chàng đã thuộc lòng lúc đi học, những quang cảnh chàng đã từng tưởng tượng thấy: trái đất nứt ra, người vật nhà cửa đổ nhào xuống rồi đất khép lại…hỏa sơn phun khói phun tro đầy trời và tro rơi ngập cả thành phố làm chết ngạt người trong đó. Rồi sét đánh, rồi mưa lũ, gió to, nước dâng vân vân… Khắp nơi, tiếng người rú lên kinh khủng, tiếng kêu gào đau xót, tiếng khóc thảm thương trong khi Tạo hóa hoặc như vô tình, hoặc như phẫn nộ, lần lượt gieo các tai họa xuống. Các tai họa lúc thì diễn ra một mình, lúc thì đồng diễn phụ họa, lúc thì theo nhịp thong thả, lúc thì rộn rã tới tấp, nhân loại sẽ có cảm tưởng như đang dự một cuộc đại hợp tấu mà các mục trong chương trình được tuần tự trình bày.
Lúc giã từ chị Dung và bà cụ, Phương nhận những lời chào mời mà hơi thẫn thờ không để ý. Những tiếng thưa của lũ nhỏ “Thưa chú đi về…Dạ thưa chú…Chú đi về ạ…” ồn ào và có pha nghịch ngợm chỉ được chàng trả lời bằng giọng “ừ…ừ, chào mấy cháu” hết sức là hình thức. Vì ra đến ngoài đường mà những tiếng gào khóc, tiếng sét nổ, tiếng gió rít và tiếng nhà đổ, cây ngã, tiếng nước réo như vẫn quay cuồng trong óc chàng. Đến góc phố Nguyễn Hoàng - Lê quý Đôn, xe chàng suýt đâm vào hai chiếc xe đạp đi ngược chiều. Sắp sửa cáu vì mình đi đúng luật lệ, chàng chợt mỉm cười khi người đi xe đạp trái luật quay lại chào chàng. Đó là hai thiếu nữ lạ mặt nhưng đẹp. Hai màu áo đỏ giống nhau. Hai mái tóc ngắn giống nhau. Thế là từ đó trên đường về, chàng không còn nghe tiếng gào khóc, tiếng sấm sét nữa mà chỉ còn văng vẳng tiếng nũng nịu. “Xin lỗi ông, ông có làm sao không ạ”. Và thay vì những ánh sáng của chớp giật, ánh trăng đỏ máu hay bóng tối ngập trời, chàng thấy màu răng trắng giữa hai khuôn môi tươi và ánh mắt long lanh ướt.
Một lần nữa, câu chuyện tận thế vẫn chỉ là một câu chuyện.
Thì bỗng một buổi trưa nọ ngồi giở tờ báo hàng ngày, Phương đọc nhằm một tin vặt:
“Sáng 7-7 tại hẻm nhỏ ngang đường Mạnh Tử (Chợ Lớn) có bà lão bán guốc vì nghe người ở nhà đọc báo bàn luận về tin một nhóm thiên văn gia Ý đại lợi tiên đoán vào ngày 14-7 là ngày tận thế nên nghe xong bà lão bỗng tái mặt rồi té bất tỉnh tại chỗ”.
Chàng quay lại hỏi con:
- Hôm nay mấy tây rồi bay?
Thằng Đức nhanh nhẩu đáp:
- Mùng chín.
Bé Ngân tụt xuống ghế đi lên phòng khách. Rồi từ trên ấy tiếng Ngân vang lên:
- Mùng chín ba à, mùng chín.
Đức hỏi:
- Chi vậy ba? Ba hỏi chi vậy?
Phương quay lại nhìn con. Trên nét mặt con chàng thấy có một vẻ gì háo hức. Hình như chúng đợi một tin gì vui, chẳng hạn chúng sắp được dẫn đi xi-nê, chàng sắp đưa chúng đi mua áo hay mua dép, hoặc có tin ông bà chúng ở Lò Gốm sắp vào thăm. Chàng nhìn con giây lâu, so sánh cái tin dữ dội kia với những cặp mắt hiền lành, với tâm hồn tin tưởng ngây thơ của con. Chàng ấp úng:
- Ba hỏi cho biết vậy thôi.
- Không phải. Ba nói dối con. - Đức phụng phịu.
- Không, ba nói thật đấy.
Để tránh khỏi nói dối con nhiều nữa, chàng giục:
- Thôi, mấy đứa con học bài đi.
Chàng chăm chăm nhìn con, óc loay hoay với cái tin vừa rồi. Tận thế. Chàng lẩm nhẩm: Còn năm ngày nữa. Ừ, thật không ngờ cái tin kinh khủng này lại đến mau vậy. Từ hồi còn nhỏ đi học, chàng đã nghe người ta chuyền miệng cho nhau rằng năm 2000 sẽ tận thế. Có đại hồng thủy. Và trước sau không biết đến mấy lần chàng đã nhẩm tính xem đến năm 2000 mình được bao nhiêu tuổi. Thấy lúc ấy mình đã không còn trẻ nữa, chàng yên tâm không băn khoăn, không tiếc rẻ. Nay bỗng nhiên án tử hình được tuyên bố đột ngột. Đang làm ăn lương thiện, con người chợt được tin mình phải tội chết và chỉ trong năm ngày nữa là bị đem ra hành hình. May thay, tin đó có nhiều hi vọng là tin thất thiệt. Nhưng biết đâu? Ừ nhỉ, nhưng biết đâu? Trái đất chỉ là một hạt bụi bay lửng lơ trong vũ trụ cơ mà. Mà hạt bụi thì đâu có thể đòi hỏi cái quyền tự mình viết lịch sử cho mình? Huống chi là con người, quá nhỏ so với cái hạt bụi đó. Ồ, chúng ta thật y như là một bầy kiến cận thị, vui vẻ, ồ ạt, tin tưởng, lục cục mang những mẩu cơm, mẩu bánh, cánh dế, chân sâu để về cất trong tổ. Lũ kiến, chúng hẳn đã thảo luận cùng nhau những chương trình xây dựng tổ, chương trình tiết kiệm để qua mùa đông, chương trình phòng vệ. Chúng hẳn đang sung sướng vì nếm trước hạnh phúc ở đầu kia chương trình. Chúng đâu có ngờ đến cái bàn chân của một đứa bé tinh nghịch đứng gần đó sắp sửa giáng xuống, chà qua chà lại, biến chúng và cả họ hàng chúng thành một cục nhầy nhụa viên tròn, biến lịch sử của chúng - sao lại không gọi như thế được, - thành một chuyện huyền hoặc. Ôi! Lịch sử của con người sau ngày tận thế cũng vậy. Ai có thể tin rằng trái đất hoang vu kia đã từng là cái nôi và là ngôi mộ của hằng hà sa số con người? Rằng nơi đó con người đã xây dựng hạnh phúc và nuôi dưỡng thù hằn? Còn ai tranh giành nhau nữa không, một rẻo đất, một góc vườn? Đất rộng mênh mông đầy dẫy ra đó. Còn ai tự hào hay ganh tị vì sự chiếm hữu của mình hoặc của người khác nữa không? Xe cộ bỏ không đó, lâu đài hoang lạnh đó, vàng ngọc vung vãi ra đó bên cạnh đá sỏi. Những con gà, con vịt, nói chung là chim chóc, những con bò con cừu, nói chung là gia súc, sinh sôi nẩy nở không hạn chế đi lang thang tự do, không còn là đối tượng thèm muốn, tranh giành, cướp giấu của con người nữa. Và cây cối! Cây cối không bị hạn chế sức phát triển, sẽ khỏi phải tuân theo trật tự do ai định hết. Những cây cỏ dại được dịp để lấn áp những cây kiểng, những cây xưa nay được loài người chăm sóc nâng niu. À, nhưng rồi sẽ diễn ra một cuộc trả thù ghê gớm đây. Những con vật, những cây cối được loài người bảo vệ sẽ bị các con vật, cây cối mà loài người vốn thù ghét, hành hạ trở lại. Ồ! Những con gà, vịt, bồ câu… sẽ không được tự do sung sướng nữa đâu mà chúng bị mèo, chồn sát hại. Bụi tùng bụi cúc không bị cắt xén, uốn theo hình phượng hình lân nhưng sẽ không kịp hớn hở mà đâm chồi tự ý vì những bụi gai bụi cỏ tràn lên ăn hiếp. Phương không ngờ rằng sự lý luận, sự tưởng tượng lại mau dẫn chàng đến một ngõ kiệt như vậy. Té ra sau cuộc tận thế, thoát khỏi bàn tay và khối óc chinh phục của con người, các sinh vật vẫn không tìm thấy tự do, tự do triệt để. Chàng thất vọng. Như một chiếc phi tiễn muốn vượt không gian mà vẫn bị sức hút của trái đất kéo lại, trái đất to lớn luôn luôn có mặt để nhất định không buông thả một ý chí nào muốn vượt khỏi quyền hạn của nó, chàng thất vọng. Sự thất vọng to lớn và thành thật đến nỗi tới đây, chàng không còn biết rằng mình đã suy tư bắt đầu từ điểm nào. Khi nhớ lại rằng mình đang phải đối diện với cái Chết, cái Chết rùng rợn mặc dù là đại đồng, cái Chết sẻ đến đúng kỳ hạn, chàng tự trách là mình nghĩ vẩn vơ vô ích hết sức. Điều đáng cho chàng phải lo nghĩ là nên có thái độ như thế nào. Chàng vừa loay hoay tìm thái độ thì con chàng đã nhẹ nhàng nhắc:
- Một giờ rưỡi rồi đó ba. Sao ba chưa đi nghỉ?
Chàng vâng lời chức năng, bỏ tờ báo xuống bàn bước vào phòng riêng.
- “Còn năm ngày nữa - chàng vừa lê dép vừa tự nhủ - chưa gấp phải định thái độ”.
Những ngày sau, chàng hay lưu ý xem phản ứng của những người chung quanh đối với tin tận thế đã loan trên báo. Mặc dù bản tin chỉ chiếm nhu mì có mấy dòng và được xếp bằng chữ nhỏ nhưng chàng chắc chắn rằng nhiều người đã loan truyền đi rồi. Mấy khi tờ báo đăng một tin có liên quan đến nhiều người như vậy? Nhưng sao sự sinh hoạt hình như không có gì thay đổi. Người nào cũng chăm chăm đi về cái hướng của mình định đến, vượt lên những kẻ chậm chạp hơn họ. Các hiệu ăn vẫn đông khách hàng. Cả đến những hiệu uốn tóc. Xe đạp vẫn trôi cuồn cuộn trước các trường học. Những chiếc xe nhà binh vẫn gầm thét hiên ngang. Chàng không biết nên thương hại những người vô tư kia không? HoÏ có giống những con kiến mà mình đã lẩn thẩn nghĩ bữa trước không? Hay là họ khinh ngay cái nhóm tiên tri ngớ ngẩn của xứ Ý-đại-lợi mà không thèm tin? Thật là nát óc khi muốn tìm một câu trả lời thỏa đáng. Chàng đành chỉ xét đến trường hợp của riêng mình. Nếu có tận thế thật thì trước hết mình cũng không tiếc gì lắm. Cuộc đời sướng khổ đã nếm qua, chàng không thấy háo hức nữa. Có bốn ngàn bạc nợ bà Ngọc chàng chưa trả. Chết khỏi trả nợ không phải là điều mừng vì trước hay sau gì chàng cũng định trả đầy đủ cho người ta. Bạn chàng vay hai ngàn bạc đã hơn một năm nay, muốn vỗ nợ nên cố tránh mặt, lì không trả. Chàng đã mấy lần muốn viết thư mắng cho một trận rồi bỏ luôn nhưng may là rốt cuộc chàng đều nhịn không viết thư. May lắm, vì nếu viết thư mắng thì được gì? Có điều đáng để tiếc nhất là dành dụm được ba trăm ngàn đồng bạc mà bây giờ sắp không dùng đến được. Đó quả là một sự ân hận. Đáng lẽ mình đã tiêu pha cho hết, mắc nợ thêm vài trăm ngàn rồi hãy tận thế. Làm ăn chí thú và lương thiện quả không phải là thượng sách trong cuộc sống có hi vọng kết thúc bằng tận thế. Chàng muốn chuộc lại sự lầm lẫn của mình. Phải sống bất lương! Chàng có trước mặt hai ngày nữa. Thật chả bõ. Tuy vậy chàng cũng thử tìm xem mình có thể sống bất lương như thế nào. Lừa đảo? Nhưng lừa đảo để làm gì nữa trừ phi để muốn được chết cạnh một triệu bạc chẳng hạn như một thằng khùng. Ăn chơi phóng túng? Không chắc đã sung sướng khi óc mình không thoát sự ám ảnh của cái Chết. Nhưng xét cho kỹ, ăn chơi phóng túng có nghĩa là làm gì? Là cờ bạc, rượu chè, thuốc phiện và đĩ thõa. Bảo rằng phải vội vã đi đánh bạc cho thỏa thích để mà chết là một chuyện ngớ ngẩn không ai có thể nhịn cười được. Còn uống rượu thì được bao nhiêu? Tửu lượng của chàng không quá một chai bia mỗi lần, sự hoang phí không quá mười lăm đồng bạc thì nói đến rượu chè chỉ là một sự mỉa mai lớn. Thuốc phiện thì chàng chưa tập hút. Những món say sưa gây được bệnh ghiền mà chàng từng nếm như rượu, thuốc lá, cà-phê, lúc mới tập đều cho ta cảm giác khó chịu hơn là thích thú. Thuốc phiện chắc cũng thế. Vậy không điên rồ gì mà đi mua những cảm giác khó chịu khi không chắc sẽ được nếm những thích thú sẽ đến sau. Đĩ thõa có lẽ là cái thú dễ dàng hơn hết. Nhưng cũng chưa chắc. Tìm một người đẹp vừa ý mình mà lại bảo là dễ dàng? Tiền dễ tạo hơn là tình nhiều. Đồng tiền không hề chọn người tạo ra nó. Xấu hay đẹp, ngay hay gian, thông minh hay ngu xuẩn không phải là tiêu chuẩn mà đồng tiền nhắm. Chớ tình yêu có con mắt hơn, đòi hỏi nhiều điều kiện hơn. Ồ! Té ra muốn chơi bời phóng túng cũng không phải là một việc dễ dàng. Sống cuộc đời đạo hạnh ai cũng khen vì ai cũng cho là khó, nhưng sống trái lại, sống trụy lạc, sống bê tha, sống điêu xảo nào đã dễ chi?
Tóm lại, cứ theo cái đà lý luận này, Phương đã sống cuộc đời rất bình thường cho đến ngày mười ba tháng bảy. Trưa hôm đó, chàng nhìn lũ con ăn uống ngon lành mà thương hại. Có lẽ nên cho chúng biết rằng ngày mai là tận thế đi. Để chúng tùy nghi mà sửa soạn lấy. Có thể lắm chớ, trẻ con cũng có những băn khoăn riêng của chúng, những nếp tâm tư mà người lớn không hiểu được. Nhưng nên nói thế nào cho chúng đừng sợ hãi đây. Thằng Đức nhút nhát hơn cả, cứ mỗi lần nghe xe chữa lửa rú lên là nó cứ xanh mặt lại. Sét nổ cũng là một mối lo âu của nó. Cả chị Hai, chị bếp nữa. Cũng cần cho chị ấy biết kẻo lỡ cuộc tận thế kéo dài chị ấy có đủ thì giờ để trách mình sao không cho biết trước. Riêng đối với chị này thì phải cho biết khéo léo thế nào để chị đừng rối trí đến nỗi bỏ quên bếp núc, bỏ đói cha con chàng. Ý đã quyết, chàng đợi lúc chị Hai lại bàn xới thêm cơm, chàng lấy giọng điềm nhiên hết sức bảo con:
- Tụi bay biết không? Có ông tiên tri Ý-đại-lợi nói rằng ngày mai tận thế.
- Tận thế là sao hở ba?
- Nghĩa là mọi người đều chết hết.
Thằng Đức reo lên:
- Thế thì sướng, khỏi phải đi học.
Sợ rằng con còn hiểu lầm giá trị của sự “tận thế” nên mới có thái độ có vẻ đùa nghịch dễ dàng, chàng cẩn thận giảng tiếp:
- Tận thế nghĩa là chết hết cả đó, không còn ai sống nữa.
Bé Ngân đang ngậm miếng cơm, mở mắt nhìn chàng giây lâu, nhìn ra chuồng bồ câu ở ngoài sân rồi hỏi:
- Thế mấy con bồ câu cũng chết hết hở ba?
Chàng không trả lời để giữ vẻ nghiêm trọng của vấn đề. Chàng đợi phản ứng của Lý vì Lý lớn hơn cả. Chàng thấy Lý vừa nhai cơm vừa suy nghĩ. Cuối cùng, nó nhìn lên chàng, nói:
- Trưa nay ba có rảnh không? Ba giảng cho con bài ngữ pháp.
Chàng nhìn ba đứa con, thất vọng như một anh hề pha trò mà không ai cười. Chàng dự trù nghe những tiếng rú kinh ngạc và sợ sệt. Chàng đã chuẩn bị sẵn những lý để trấn tĩnh, để an ủi. Hão huyền cả. Tin tận thế rơi vào trống không, không ai phụ họa. Chị Hai thì lặng lẽ lại ngồi chùi nắp soong. Nếu chị tin rằng ngày mai tận thế thì chắc chắn chị không huy động cả hàng tá nắp soong ra mà chùi cẩn thận thế kia. Tâm hồn bơ vơ, chàng đành bắt chước mọi người mà trở lại cái nhịp sống hàng ngày. Chàng nhẫn nại ngồi giảng bài ngữ pháp cho con. Chừng mười phút sau, nguồn vui trở lại. Chàng thấy rằng thái độ vô tư của lũ con mình, bình tĩnh của chị Hai mới chính là thái độ mình muốn có.
Dầu vậy, chàng cũng không thể không bắt đầu ngày mười bốn tháng bảy một cách long trọng. Lúc cầm cái bàn chải răng, chàng nói:
- “Mười bốn tháng bảy là hôm nay đây”.
Và khi ngồi ở sở làm, chàng vẫn nghĩ phòng xa: Có thể có một tiếng nổ rầm rồi tất cả tối sầm lại. Hoặc nhanh hơn nữa, tiếng nổ chưa nghe mà bỗng nhiên không ai còn biết gì hết. Y như người bị sét đánh không kịp thấy chớp, không kịp nghe tiếng nổ, không kịp biết là mình như thế nào. Và thế là cáo chung lịch sử của nhân loại. Thật chưa bao giờ con người sắp dự một cuộc biến chuyển vĩ đại mà khỏi phải sắp đặt gì hết. Phương quay nhìn những người bạn ngồi cùng phòng với mình kia. Anh Sinh lách tách gõ máy chữ, chăm chỉ nghiêm trang coi như việc gõ máy là việc quan trọng nhất trong nhân loại. Chị Trang cộng một hàng số mà bôi đi xóa lại. Phải rồi, chị cứ mỉm cười thế kia còn tay trái thì cứ mân mê mái tóc: quả là chị mới uốn tóc chiều qua. Con người mâu thuẫn thật. Giá mà nổ ầm lên một tiếng rồi có ai la “Tận thế rồi, trời ơi!” thì anh Sinh sẽ không còn thấy đánh máy chữ là quan trọng nữa và chị Trang sẽ quên rằng mình mới vừa uốn tóc. Phương vừa buồn cười vừa thương hại cho con người nhỏ nhoi yếu đuối. Và chàng cũng cúi xuống trang sổ như những người bạn của mình. Nhờ công việc như vậy mà rồi giờ khắc qua như thế nào chàng cũng quên không để ý. Mãi cho đến chiều tối, lúc nằm ở ghế dài đặt trước hiên chàng mới đủ thì giờ mà nghĩ và nói:
- Có lẽ không có tận thế.
Nhưng chàng còn nghi rằng tận thế có thể để dành cho đêm nay. Ồ! Như vậy thì rùng rợn lắm. Thà để cho con người thấy rõ vận mệnh dành cho nó, giữa ban ngày. Tận thế xảy ra ban ngày sẽ có nhiều tiếng khóc, tiếng gào nhưng bớt được tiếng kêu gọi nhau, tìm kiếm nhau. Ban đêm!… Nhưng thành thật mà nghĩ, Phương thấy rằng mấy anh chàng tiên tri Ý-đại-lợi đã thua cuộc rồi. Ba phần tư thì giờ đã trôi qua, trái đất và mặt trời vẫn hòa thuận với nhau như hàng triệu triệu năm trước. Xung quanh, tiếng trẻ con đọc bài vang vang, tiếng đọc kinh tối ở nhà bên cạnh đều đều một giọng. Những bản nhạc vẫn trầm bổng phát từ chiếc máy thu thanh. Những giọng ca lả lướt yêu đương, những bức thông cáo trịnh trọng, những bản tin tức rộn ràng như nhắc chàng nhớ rằng trên mọi địa điểm của trái đất, con người đang sống, đang tiêu khiển, đang làm việc và đang hy vọng. Cái cảm giác về sự sống chung đụng này giữa mọi người trên thế giới không biết vì sao lại làm cho chàng thêm tin tưởng rằng loài người còn tồn tại. Sự tin tưởng làm chàng phấn khởi, nhất là khi nhìn bé Ngân nằm ngủ say sưa, đầu đặt trên gối, hơi thở nhịp nhàng. Nhìn một đứa bé ngủ, người ta quả có thêm sự yên tĩnh trong tâm hồn.
Lúc chàng lên giường thì những câu chuyện nhảm nhí ở một trang báo Nhi đồng choán khoảng thì giờ còn lại ngăn cách chàng với giấc ngủ. Và khi chàng chìa tay ra ngoài màn bấm vào cái nút của chiếc đèn giường, óc chàng trống rỗng, không có một ý nghĩ gì ám ảnh hết. Thật quả là không xứng với những giờ quyết liệt còn sót lại. Điều đó, lẽ tất nhiên sau này chàng mới nghiệm thấy.
Sáng hôm sau chàng chỗi dậy theo mặt trời. Chị Hai quét vườn, tiếng chổi lê sạt sạt. Hai con vịt hàng xóm lẻn chui rào tự lúc nào đã bắt đầu cuộc tảo thanh xung quanh vại nước. Gió thổi lao xao lay động tàu lá dừa, và cành lá na, lá mận. Màu lá xanh chứa sức sống dồi dào. Chàng ngẩng lên nhìn trời. Những vảy mây bạc viền màu hồng cũng tưng bừng sự sống. Tất cả mọi vật xung quanh chàng như cùng ca ngợi cuộc đời một cách mãnh liệt, vui say. Chàng nói lên như một lời giã từ:
- Thế là hết tận thế.

Xem Tiếp: ----