TS: Tác giả Nguyễn văn Lục tốt nghiệp cử nhân Triết Đà Lạt năm 1963, dạy tại nhiều trường trước 75: Võ Tánh Nha Trang, Ngô Quyền, Khiết Tâm Biên Hòa, Cứu Thế, Trường Sơn, Văn Hóa và trung tâm Cao Bá Nhạ ở Sàigòn. Văn học dịch kể như không có trong mắt một số nhà văn, nhất là một số người làm công tác phê bình văn học nghệ thuật. Nhà văn Võ Phiến có bộ sách dày gần 2.000 trang về Văn học miền Nam nhưng đối với mảng Văn học dịch thì ông hà tiện lắm: vỏn vẹn có hai trang. Trong hai trang đó, ông lại dành để nói lên cái nỗi lo sợ của một số người làm văn hóa lúc bấy giờ vì sự tràn ngập sách dịch ở miền Nam vào cuối những thập niên 60 và đầu 70. Võ Phiến đã có công lập một danh sách những người làm văn nghệ trong Nam như các nhà thơ, các nhà văn... ngay cả những người viết về Triết, về Sử, các người làm nghiên cứu về ngôn ngữ học, những người viết về chính trị như ông Vũ Tài Lục hay Nguyễn Bảo Trị cũng có tên nhưng lại không lập danh sách các dịch giả. Vì trong tập mở đầu Văn học miền Nam tổng quan, Võ Phiến đã có lời hứa: “Các tập kế tiếp sẽ được dành cho từng bộ môn sáng tác”. Thế là rõ ràng rồi, phải sáng tác mới được. Thật cũng chẳng muốn làm khó Võ Phiến, nội cái việc chọn người này, không chọn người kia cũng đủ làm ông mệt rồi. Riêng những người làm công việc dịch thuật thì kém may mắn thật. Tên họ đã không có. Chẳng hạn như chị em Phùng Thăng, Phùng Khánh rồi Vũ Đình Lưu, Hải Triều, Ngọc Thứ Lang, Nguyễn văn Sơn, Trần Thiện Đạo, Bửu Ý, Phạm Kim Khôi, Nguyễn Hữu Hiệu, Đinh Bá Kha hay các dịch giả dịch tiểu thuyết Tàu như Hàn Giang Nhạn, Liêu Quốc Nhĩ và hằng trăm người khác. Họ không có mặt. Điều đó chúng ta phải nghĩ thế nào? Phải chăng sách dịch là thứ văn hóa ngoại lai không đáng được nói tới? Vậy mà cái thị phần sách dịch theo Võ Phiến đã có một thời vào năm 1970 chiếm đến 60% và đến năm 1972 đã lên đến 80% toàn bộ đầu sách xuất bản ở miền Nam. Trần Trọng Đăng Đàn, trong Văn Hóa, Văn Nghệ Nam Việt Nam 1954-1975 cũng đưa ra con số chính xác như Võ Phiến. Cũng theo Trần Trọng Đăng Đàn, sau kết quả điều tra, tiến hành vào tháng 7-1976, số sách dịch của miền Nam trong 20 năm bao gồm: Đức 57 đầu sách, Ý 58, Nhật 71, Anh 97, Mỹ 273, Pháp 499, Đài Loan và Hương Cảng 358, Nga 120, còn lại các nước khác 38 [1]. Những con số vừa nêu trên đáng để ta suy nghĩ lắm chứ? Trong những năm đầu, từ 1955 đến 1960 số đầu sách dịch kể ra còn thưa thớt. Không phải chính quyền không lưu ý đến điều đó, bên cạnh công tác dịch thuật của các cơ quan văn hóa như Cơ quan viện trợ Á Châu (Asian Foundation), Phòng thông tin Hoa Kỳ, Hội Việt Mỹ, Phù Luân Hội và nhất là Hội Văn hóa Á Châu (Asian culture association), ngay từ cuối 1955 Bộ Thông tin dưới thời Tổng thống Ngô đình Diệm đã ban hành nghị định về: Thủ tục kiểm duyệt ấn phẩm nước ngoài nhập cảng - ấn định thủ tục duyệt các sách dịch - về tiền thù lao dịch thuật và các loại sách được nhập cảng vào VN. Đến thời tổng thống Nguyễn văn Thiệu, đã thành lập Ủy ban dịch thuật do ông Mai Thọ Truyền làm chủ tịch. Năm 1970 đã thiết lập Hội đồng chấm giải dịch thuật. Năm 1971, Tổng thống Thiệu đã xuất quỹ một triệu bốn trăm ngàn đồng cho các giải về dịch thuật. Nhưng tất cả những nỗ lực từ phía chính quyền và các cơ quan Văn Hóa thật sự chẳng có ảnh hưởng là bao nhiêu đến sinh hoạt dịch thuật ở miền Nam, đôi khi còn gây phản tác dụng có hại. Khung cảnh lúc bấy giờ ở miền Nam, nhất là sau khi Sáng Tạo ra đời vào tháng 10-1956, có một không khí nở rộ, tưng bừng. Mọi sinh hoạt văn học như bừng trỗi dậy: thơ văn, sách báo tiểu thuyết, hội họa. Báo có Ngôn Luận, Tự Do thu hút được nhiều cây viết có tài. Nhạc có Phạm Duy. Hội họa có Tạ Tỵ, Thái Tuấn, Duy Thanh. Triết Tây có Nguyễn văn Trung và Nguyễn Nam Châu với hai cuốn: Những nhà văn hóa mới (1958) và Sứ mệnh Văn Nghệ (1958) [2]. Hai cuốn sách này đã gây thích thú cho nhiều độc giả thời kỳ đó. Chỉ tiếc rằng, sau đó Nguyễn Nam Châu đi du học rồi làm giáo sư ở Bỉ không thấy xuất hiện nữa. Báo tuần có Sáng Tạo khua động, phất trống mở cờ với lời tuyên bố của Mai Thảo trong Sáng Tạo, số 1, 1956: “Sàigòn thay thế cho Hà Nội, từ một đô thị miền Nam trở thành thủ đô tinh thần của toàn thể đất nước. Sàigòn sáng tạo và suy tưởng”. Tiếp theo là Văn Hóa Ngày Nay, Bách Khoa, Hiện Đại, Thế Kỷ 20, v.v.. Sự có mặt của Sáng Tạo vô tình đã đẩy lui một số khuôn mặt những nhà văn, nhà thơ cũ vào im lặng, tệ hơn nữa vào bóng tối. Họ là những Đông Hồ, Vũ Bằng, Quách Tấn, Thiên Giang, Thẩm Thệ Hà, Tam Lang, Vi Huyền Đắc và đặc biệt là Nhất Linh với tờ Văn Hóa Ngày Nay. Khi số báo đầu tiên của Văn Hóa Ngày Nay ra ngày 27-06-1958 đã bán được 10.000 số. Sự tò mò háo hức tìm lại Tự Lực Văn Đoàn nhanh chóng trở thành nỗi thất vọng: Vẫn thế... Không ai ngờ sau đó độc giả bỏ rơi Nhất Linh. Nghĩ lại cái thời từ 1930-1945, Nhất Linh huy hoàng quá, không ai hơn ông đuợc. Làm sao ông không buồn? Nói cho cùng cũng chẳng phải tại Sáng Tạo. Cuộc di cư của người Bắc vào Nam đã bỏ lại sau lưng gần như toàn bộ quá khứ một cách không tương nhượng, cả một truyền thống văn học, một nếp sống, nếp nghĩ vào đến trong Nam theo quy trình hội nhập đã tự động cởi rũ để hội nhập. Sáng Tạo có mặt vì đem lại một cái gì mới, chặt cầu với cái cũ, giới thiệu cái ngày hôm nay, dù ngày hôm nay chưa định hình và chưa biết hôm nay là cái gì... Văn Hóa Ngày Nay muốn làm sống lại thời 45, điều đó đi ngược lại tiến trình hội nhập xã hội khiến bị loại là điều khó tránh được. Riêng Sáng Tạo, mặc dầu được tài trợ của chính quyền cũng chỉ có mặt vỏn vẹn có 31 tháng. Mặc dù vậy, đó là những giai đọan đem lại nhiều thay đổi, nhiều triển vọng sau này cho các lớp nhà văn trẻ nam và nữ của thập niên 60. Trước tình hình như thế, sinh hoạt dịch ra sao? Thật ra miền Nam lúc đó không thiếu những người có đầy đủ uy tín và trình độ để dịch thuật. Họ có vốn liếng tiếng ngoại quốc Anh và Pháp ngữ, đi du học về. Chẳng hạn, tờ Sáng Tạo cứ mang tiếng là cửa ngõ đem chủ nghĩa Hiện Sinh vào VN. Nào đã có ai dịch cái gì đâu? Chỉ có rải rác một vài bài sau đây: Văn chương và Siêu Hình Học, Nguyễn văn Trung, số 10 tháng 7-1957; Nhận định đại cương về triết học Hiện Hữu, Nguyên Sa, số 14 tháng 11-1957; Khái niệm về chủ nghĩa Hiện Sinh, Quang Minh, số 28-29 tháng 1 và 2-1959; Trình bầy và phê bình hai quan điểm nổi loạn của Camus, Thạch Chương, số tháng 9-1960. Dịch và giới thiệu: Người đàn bà ngoại tình của Camus, Nguyễn văn Trung, số tháng 12-1960. Hình như chỉ có vậy. Trong khi đó, trên tờ Bách Khoa, có tất cả 21 bài viết liên quan đến triết học Hiện Sinh. Phần lớn do Trần Hương Tử, tức Trần Thái Đỉnh viết từ Kierkergaard, Heidegger đến Husserl, Sartre, Camus [3]. Thật sự triết học Hiện Sinh được giới thiệu và được nói tới nhiều từ tạp chí Đại Học Huế, có 23 bài viết về triết học Hiện Sinh [4]. Nhưng số sách dịch và biên khảo về chủ nghĩa này chỉ ảnh hưởng nơi một số sinh viên, nhất là những sinh viên Văn Khoa. Sách dịch Jean Paul Sartre Phần lớn sách dịch về Sartre là ở phần văn chương Hiện Sinh, phần tiểu thuyết của Sartre. Những tác phẩm về triết lý Hiện Sinh như L’Etre et le Néant (1943), Critique de la raison dialectique (1960) đã không được dịch. Có muốn dịch cũng không phải dễ. Về Sartre có những dịch phẩm sau: Cuộc tranh luận về văn nghệ giữa Sartre, Y.Berger, Simon {Trần Thiện Đạo}, báo Văn số đặc biệt về J.P Sartre. Sartre tỏ rõ thêm về quyển Les Mots, bài của J. Platier {Trần Thiện Đạo}. Tiền Phong là gì? {Lê Huy Oanh}. Sartre nói về Sartre {Trần Thiện Đạo}. A. Camus, J.P. Sartre {Trần Thiện Đạo}. Guồng máy L’engrenage {Trần Phong Giao}. Ả giang hồ La pute respectueuse {Nguyễn Minh Hoàng}. Không một nấm mồ Morts sans sépultures rồi Les séquestrés d’Alton và Sự đã rồi Les jeux sont faits {Trần Phong Giao}. Những ruồi Les Mouches và Buồn nôn La nausée {Phùng Thăng}, nxb AnTiêm. Bức tường Le mur {Lê Thanh Hoàng Dân} [5]. Sự nghiệp của Sartre đồ sộ như thế, không lạ gì mà đám ma ông vào năm 1980 được xem như một sự tiễn biệt một trí thức hàng đầu, một nhà văn cuối cùng của nước Pháp, đã nhắc nhở người ta nghĩ tới đám ma của Victor Hugo một thế kỷ trước. Nhưng những ảnh hưởng về triết học từ tác giả này đối với người đọc Việt Nam phải kể là nhỏ nhoi. Trừ những sinh viên theo ban Triết. Sách dịch Albert Camus Camus đã được dịch khá nhiều. Giữa Sartre và Camus, độc giả Việt Nam chọn đọc Camus nhiều hơn. Vũ Đình Lưu dịch Người đàn bà ngoại tình. Trần Thiện Đạo dịch Gió về Djémila. Nguyễn Minh Hoàng dịch Cắt nghĩa cuốn Người xa lạ, J.P. Sartre. Bên cạnh đó còn Ngộ nhận, Bạo chúa Caligula, Con người phản kháng, Mùa hè-sa mạc cũng đã được dịch. Riêng cuốn L’étranger, theo dịch giả Trần Thiện Đạo đã được các tác giả sau đây chuyển ra tiếng Việt: Người xa lạ, A. Camus {Võ Lang}, nxb Thời Mới 1965. Kẻ xa lạ {Dương Kiền và Bùi ngọc Dung}, nxb Ngày Nay 1965. Kẻ xa lạ {Lê Thanh Hoàng Dân và Mai Vi Phúc}, nxb Trẻ 1973. Người dưng {Dương Tường}, nxb Văn Học, Hà Nội 1995. Và mới đây nhất Kẻ xa lạ {Nguyễn văn Dân}, nxb Văn Hóa, Hà Nội 2002. Tại sao có sự dịch trùng lập đến lạ lùng như vậy? Vì tác giả nổi tiếng quá? vì cuốn L’étranger hay quá? Vì những người đi trước dịch dở quá? Vì nhu cầu độc giả mê đọc? Hay dịch lại từ bản dịch trước thì đỡ tốn công sức? Khoảng cách thời gian giữa bản dịch đầu đến bản dịch cuối cách nhau 35 năm có nói lên điều gì hay không? Trên báo Văn, số tưởng niệm A.Camus 1-1-1965 có những bài sau đây: Trần Phong Giao dịch ‘La Peste’ Dịch hạch. Vũ Đình Lưu dịch Nền tảng Đạo Đức luận của Camus. Trần Phong Giao dịch Sứ mệnh văn nghệ hôm nay. Nhưng thật sự mà nói, chủ nghĩa Hiện Sinh giới hạn vào một số thành phần sinh viên, trí thức rất chọn lọc. Nghe thì ai cũng nghe, biết loáng thoáng thì có, nhưng biết khá một chút thì không dễ. Vì thế, triết lý này chỉ ảnh hưởng rõ nét trên cái mốt sống Hiện Sinh, hay cái phong thái Hiện Sinh. Cái đó thì có rất nhiều và có tràn lan. Miền Nam lúc bấy giờ, bất cứ cái xì căng đan nào cũng đều đổ oan lên đầu triết lý Hiện Sinh. Một vụ tự tử, một chuyện tình ái lăng nhăng, người ta vội nói: do ảnh hưởng chủ nghĩa Hiện Sinh. Cái “thương hiệu” đó sau này, những người Cộng Sản khi vào tiếp thu cũng cứ nhắm mắt kết án liều một cách hồ đồ. Mấy ai trong họ đủ điều kiện, đủ hiểu biết để phê phán? Phê phán những bèo bọt, bên lề với dụng ý chính trị mà cứ lầm tưởng rằng mình đang làm một cuộc phê phán văn học, triết học? Sách dịch Francoise Sagan Thời trang Hiện Sinh khi đó có người đại diện là Francoise Sagan. “Đứa con hoang của chủ nghĩa Hiện Sinh”. Cuốn sách của Nguyễn Nam Châu, Những Nhà Văn Hóa Mới đã mở cửa chào đón Sagan vào VN, từ đó mà Sagan nổi tiếng. Cái mốt Hiện Sinh cũng còn được trực tiếp giới thiệu trên Bách Khoa, năm 1958 với bài: Sứ mệnh văn chương của Francoise Sagan của Cô Liêu, tức Vũ Đình Lưu, một dịch giả tài ba. Sagan Francoise Quoiriez sinh năm 1935, viết cuốn Bonjour Tristesse vào năm 1954 lúc 18 tuổi. Đó là câu chuyện của Cécile đã đẩy người tình của cha mình đến chỗ phải tự tử. Dân chúng Pháp nhìn Cécile như một mẫu sản phẩm điển hình của thế hệ trẻ “produit-type”. Trong vài tuần, hàng triệu ấn bản đã được bán ra. Với đám đông độc giả Pháp, họ đồng hóa tác giả Sagan vào mẫu người của Cécile, lớp thanh thiếu niên Hippie hay “nouvelle vague”. Điều đó thật là lạ. Tác giả và nhân vật truyện trở thành một người. Trong tiểu thuyết có Sagan, trong điện ảnh thì có James Dean. Đó là những lớp người trẻ, thuộc gia đình giàu có, nhưng chán không biết làm gì sau chiến tranh. Họ làm tình lúc họ muốn, uống rượu “sec”, vào hộp đêm, đua xe thể thao, sống bất cần... Bên Việt Nam, vào năm 1959, Nguyễn Vĩ đã dịch cuốn Bonjour Tristesse là Buồn ơi chào mi. Sau đó, Lê Huy Oanh, một giáo sư Anh văn cũng nhảy vào dịch lại Bonjour Tristesse thành: Buồn ơi, xin chào. Nguyễn văn Trung tiếp nối với bài: Trường hợp Sagan hay vấn đề luân lý trong tiểu thuyết [6]. Và sau đó, Nguyễn Minh Hoàng dịch ‘Un certain sourire’ Có một nụ cười (sau này, Nguyễn Minh Hoàng dịch chung với Võ Phiến các cuốn: Truyện hay các nước 1 và 2). Rồi bẵng đi một thời gian dài, mãi đến năm 1973, Bửu Ý mới dịch: Dans un mois, dans un an Một tháng nữa, một năm nữa. Nhan đề cuốn sách của Sagan có thể đã được rút ra từ hai câu thơ của Jean Racine trong Bérénice: Combien ce mot cruel est affreux quand on aime? Dans un mois, dans un an, comment souffrirons-nous? Cũng năm 1973 Đinh Bá Kha dịch Les merveilles nuages Những đám mây huyền diệu. Francoise Sagan là một hiện tượng trong văn học dịch của miền Nam thời bấy giờ. Lối viết thật ngắn, lối sống, lối nghĩ thẳng băng đến thản nhiên, đến vô tình. Quan hệ tình dục ngang trái, khác đời thường của một nữ sinh còn trên ghế nhà trường trực tiếp tác động trên đời sống thanh thiếu niên thành thị miền Nam. Nó quyến rũ lạ thường, vì nó mới quá, điều mà trước đây không ai nghĩ tới, mà nghĩ tới được thì cũng cho là những liên hệ ngang trái hay bất thường. Các nhà văn trong nhóm Sáng Tạo, Bách Khoa, Hiện Đại, Thế kỷ 20 cộng lại cũng không có được một ảnh hưởng đậm nét như thế. Những nhân vật truyện của Sagan như Dominique, nữ sinh còn trẻ, Luc, người đàn ông đã 40 tuổi là những nhân vật sống động, quyến rũ giới trẻ... Các nhà văn nữ vào những thập niên 60 như Nguyễn thị Hoàng, Túy Hồng, Lệ Hằng, Nguyễn thị Thụy Vũ có nét gì trùng hợp với Sagan? Có phải là những đứa con hoang của chủ nghĩa Hiện Sinh qua Sagan không? Chẳng ai dám nói họ bắt chước. Nhưng phảng phất không khí Sagan. Vòng tay học trò là một tỉ dụ. Sống ngoài vòng, sống buông thả, liên lạc tình dục đậm đặc sống sượng, thô bạo. Cái cảm giác khi đọc các nhà văn này (trừ Nguyễn thị Hoàng) là họ còn đi xa hơn các nhà văn nam giới và đi xa hơn cả Sagan trong những mô tả tính dục [7]. Chẳng hạn, Sagan tả những liên hệ tính dục một cách phơn phớt, không đào sâu, không đậm đặc, “không mặn”, không sống sượng như Túy Hồng hay Nguyễn thị Thụy Vũ. Đọc những nhà văn viết mặn này xong là khát nước. Lối văn của Sagan cụt, hụt hẫng, hững hờ, không màu mè, diêm dúa. Mục đích của Sagan không phải là mô tả những scènes tình dục cho bằng muốn nhắn gửi: cuộc đời chẳng có gì quan trọng, ngay như chuyện làm tình... Luân lý cũng vậy vậy, đạo đức vậy vậy. Cuộc đời trong một ngày, một tháng, một năm, có gì là lạ. Thản nhiên, vô cảm. Cái điều mà bà muốn nhắn gửi là cuộc đời này chẳng có ý nghĩa gì, cuộc sống chẳng ra làm sao. Có sao cũng chẳng làm sao? Trong khi đó, các nhà văn nữ kể trên dừng lại ở những điều mà đáng nhẽ chỉ là phương tiện mà nhà văn phải vượt qua, bởi vì nếu không vượt qua được thì chỉ là những cuốn tiểu thuyết mô tả tình dục. Vấn đề là chiều kích của tác phẩm, dự phóng và sứ điệp muốn nhắn gửi. Nhà văn lớn hay nhỏ là ở chỗ ấy. Ngay cả đến truyện của Chu Tử, có cái gì hao hao giống với những nhân vật truyện của Sagan. Tiểu thuyết đầu tiên của ông: Yêu với chú Đạt và cô “cháu gái” tên Diễm đã hứa lấy chú Đạt ngay từ hồi 9 tuổi. Điều đó bắt người ta liên tưởng đến những Luc và Dominique. Nhân vật của Chu Tử táo bạo, ngang ngược, liều lĩnh, ẩu, bất chấp... nhưng để làm gì mới được? Chu Tử cũng chỉ dừng ở chỗ mô tả nhân vật, chưa kích lên được, chưa đặt thành vấn đề? Vẫn lại là vấn đề chiều kích của tác phẩm. Sách dịch Pearl Buck, St Exupéry, Hemingway Tiếp theo đó, có một số nhà văn như St Exupéry (1900-1944), Pearl Buck cũng được nhiều độc giả Việt Nam ái mộ. St Exupéry từng viết: Pour moi, voler ou écrire, c’est tout un Với tôi, bay hay viết, chính là một. Vì thế, hai cuốn sách Vol de nuit Chuyến bay đêm (1935) và Terre des hommes Cõi người ta (1939) được coi là toàn hảo nhất của ông. Với lối văn nhẹ, đầy tính chất thơ và triết lý, thứ triết lý nhắc nhớ ta đến một André Malraux, băn khoăn đi tìm một thể tuyệt đối. Gần kề với cái chết, những cảm nghiệm siêu hình về tôn giáo, về cái linh thiêng ám ảnh St Exupéry, với hai sứ mạng: Sứ mạng mang trọng trách của người phi công và sứ mạng mang trách nhiệm nhà văn. Bùi Giáng đã dịch Hoàng Tử Bé Le petit Prince, nxb An Tiêm và Cõi người Terre des hommes, nxb Quế Sơn. Dịch cõi người thì hết chỗ để nói. Tài hoa lắm. Trần Thiện Đạo dịch là Cậu Hoàng Con, nxb Khai Trí. Nhã Điển dịch Chuyến thư miền Nam. Chẳng biết nhà văn Toàn Phong đã có cảm hứng từ Chuyến bay đêm để viết Đời phi công, 1958 hay không? Đời phi công ghi lại những kỷ niệm vui, buồn trong những phi vụ. Chẳng biết qua đó Toàn Phong có nhắn gửi gì thêm không? Lại vấn đề chiều kích của tác phẩm. Phần nhà văn Pháp, Chuyến bay đêm ghi lại những cảm nghĩ của người phi công phải ráng chu toàn trách nhiệm, vì nghĩ tới đồng đội đang hy vọng, đang trông chờ ông phải trở về. Ông phải đối đầu với những trận bão cát sa mạc, đối đầu với thiên nhiên, từ đó có những xao xuyến siêu hình về phận người. Chiều kích tác phẩm Chuyến bay đêm là ở đó. Cũng một lẽ ấy, Ernest Hemingway viết Ngư ông và biển cả. Chuyện chẳng có gì, chỉ là chuyện độc thoại của lão già đánh cá, bằng mọi cách phải mang được con cá câu về. Cuộc chiến đấu giữa người và thiên nhiên, bất kể thắng hay bại, lão đã mang được cá về, mặc dầu chỉ là một bộ xương. Người ta trao giải thưởng Nobel cho ông hẳn là ở chỗ chiều kích tác phẩm muốn nói lên một điều gì? Những chuyện khác của Hemingway được dịch như: A farewell to Arms Giã từ vũ khí. For Whom the bells Tolls Chuông gọi hồn ai. Các sách dịch từ nay có khuynh hướng chuyển sang các nhà văn viết bằng tiếng Anh, như phần lớn sách của Pearl Buck, Henry Miller hay của Hermann Hesse. Hoặc như các Chuyện tình người {Võ Sơn Thanh}, Phía Đông vườn địa đàng của John Ernst Steinbeck {Đinh Hoàng Sa}. Chùm nho phẫn nộ The grapes of wrath, Chuột và người Of Mice and Men vẫn của John Steinbeck {Võ Lang}. Tuyết Sinh dịch Những ngày tranh đấu. Toàn Cường dịch Hoàng Ngọc Topaze. Vũ Đang dịch The narrow corner Khung trời nhỏ hẹp. Đỗ Khánh Hoan dịch Lưỡi dao cạo. Nguyễn Hiến Lê dịch Of human Bondage Kiếp người. Đỗ Khánh Hoan dịch Kim Các Tự và Tiếng Sóng của Yukio Mishima. Sách của bà Pearl Buck mô tả đời sống xã hội Trung Hoa phong kiến cũng đã được nhiều tác giả dịch ra tiếng Việt như Trần An với Tà áo xanh. Văn Hòa với Ba người con gái của Cao Phu Nhân. Nguyên Hùng dịch Bà mẹ xưa. Vũ Kim Thư dịch Người yêu nước. Và nhiều tác phẩm khác Gió Đông gió Tây, Đường về Trùng Khánh, v.v.. ° Giai đoạn 55-60, với sự ổn định chính trị và đời sống tương đối an bình, đủ ăn, đủ mặc đã tạo nên một sắc thái văn học nghệ thuật phong phú và đồng bộ về nhiều mặt. Nhưng kể từ sau hiện tượng văn học Sagan, văn học dịch bùng lên và chiếm đa số thị phần người đọc sách về đủ các lãnh vực: Từ triết học, văn học, sử học, sách chưởng và sách chuyện đủ loại. Độc giả thanh niên, sinh viên, trí thức tìm đến sách dịch như một nhu cầu để học hỏi, để giải trí và nhất là để có dịp suy nghĩ về những vấn đề lớn của con người như tương giao nhân loại, thân phận con người, vấn đề chiến tranh và hòa bình, ý nghĩ cuộc đời qua cái sống cái chết, vấn đề tha nhân. Từ đó đưa tới một lối nhìn, lối nghĩ, lối sống. Chưa bao giờ, sách dịch có tầm ảnh hưởng trực tiếp trên đời sống văn hóa và tinh thần của lớp trẻ như thế... Điều mà các nhà văn Việt Nam đã không thể đáp ứng được. Phải nhận rằng phần lớn các dịch giả miền Nam đã làm tròn nhiệm vụ một người dịch thuật với trách nhiệm và sự cẩn trọng trong việc chọn tác giả, chọn tác phẩm. Xin nêu danh một số dịch giả đã đóng góp đặc biệt vào hai mươi năm Văn học dịch này: Phùng Khánh, Vũ Đình Lưu tức Cô Liêu (bị thảm sát năm 1980 tại Vũng Tầu), Trần Thiện Đạo ở Pháp, Ngọc Thứ Lang, Vũ Minh Thiều, Nguyễn Hiến Lê và Bùi Giáng. Và cuối cùng: Hàn Giang Nhạn và Liêu Quốc Nhĩ. Tại sao không? Cũng có một vài đóm lửa sau này như Tô Thùy Yên dịch La condition humaine của A.Malraux. L’éternel mari, Dostoevsky, bản dịch của Đỗ Kim Bảng. Mạnh Tường dịch Kierkegaard: Những chứng nhân của chân lý của Georges Gurdorf. Tôn Thất Hoàng dịch Phương pháp luận của Descartes, Ý thức luận và Vật chất và ký ức của Henry Bergson. Cho mãi đến năm 1974, Triết học nhập môn của K.Jasper mới được gs Lê Tôn Nghiêm dịch và đối chiếu. Sách dịch về lịch sử và triết học Trung Hoa Có lẽ cuốn sách dịch triết học Đông Phương khá sớm là cuốn Kinh dịch của Ngô Tất Tố. Nhưng khi mà trường Văn Khoa có bộ môn Triết Đông thì có sự thiếu vắng trầm trọng các sách về lịch sử và Lịch sử triết học Đông Phương. Cụ Nguyễn Đăng Thục đã viết bộ Lịch sử triết học Đông Phương gồm 4 cuốn. Sách không dễ đọc gì, không dễ nắm bắt nội dung vì nó có vẻ bề bộn, thiếu hệ thống. Bước đầu được vậy cũng kể là tốt. Trung tâm học liệu, thuộc bộ Giáo Dục đã đứng ra xuất bản Khổng Tử san định, gồm 3 tập, dày gần 2.000 trang, của dịch giả Tạ Quang Phát. Ngay từ năm 1956, Thu Giang Nguyễn Duy Cần đã dịch Trang Tử tinh hoa. 1962 dịch Lão Tử đạo đức kinh, rồi Lão Tử tinh hoa. Cứ thế tiếp tục, năm 1963 ông dịch và bình chú Nam Hoa kinh. Công trình của Nguyễn Duy Cần chỉ có tính cách giới thiệu, tóm lược nhưng ở vào thời này, sinh viên đều tận dụng những cuốn sách của ông trong việc học tập Triết Đông. Thượng Thư (tức Kinh Thư), Khổng Tử san định và Nhượng Tống dịch. Đồ Nam dịch Thiền và Lão Trang của Ngô Di, 1973. Huỳnh Minh Đức dịch Trung Quốc Triết học sử của Hồ Thích với sự giới thiệu của cụ Nguyễn Đăng Thục. Người có công đầu trong vấn đề giới thiệu Văn học Trung Hoa phải kể đến là Nguyễn Hiến Lê. Ông cũng chỉ là người tự học như nhiều người khác. Nhưng do công chịu khó, bước đầu, ông đã đặt một viên gạch cho việc dịch thuật lịch sử và triết học Đông Phương. Ông viết nhiều, viết đủ loại, tham bác đủ thứ. Loại sách Học làm người của ông đã giúp giới trẻ không nhỏ trong việc vào đời. Ông đã dịch và san định Cổ văn Trung Quốc. Nguyễn Hiến Lê đã tuyển dịch và chú thích hơn 100 bài thơ của Mạnh Tử, Khổng Tử, Bạch Cư Dị, Đại cương văn học sử Trung Quốc, Chiến quốc sách, Đại cương Triết học Trung Quốc, Nhân sinh quan và thơ văn Trung Hoa của Lâm Ngữ Đường, Sử ký của Tư Mã Thiên, Tô Đông Pha, v.v.. Không có những tác phẩm dịch này của một số dịch giả, hẳn sự hiểu biết về văn học, lịch sử, triết học Trung Hoa sẽ thật nghèo nàn. Sau này, có những vị như Lương Kim Định đã có những góc nhìn mới về Triết học Trung Hoa như Chữ Thời, Cửa Khổng sân Trình, v.v.. Việc dịch triết học Trung Hoa là một điều tự nhiên và bình thường, bởi vì nó có trong giáo trình ở đại học. Nhưng, dịch giả và độc giả Việt Nam trong thời 60-70 có khuynh hướng tìm về Thiền. Đây là một hiện tượng khá đặc biệt để ta bàn đến ở đây. Chiến tranh ở miền Nam càng đi vào chỗ ác liệt, cái giờ thứ hai mươi lăm càng gần kề, những phản ứng, những chọn lựa, những ứng xử trước chiến tranh đó càng nhiều. Có người tìm quên vào chuyện ăn chơi, chuyện tình vớ vẩn, chuyện Chưởng. Có người trong cuộc phản kháng thành phản chiến. Có người đi tìm một nơi trú ngụ tâm linh. Thiền trở thành nơi trú ẩn đem lại an bình cho tâm hồn. Ngoài các sách Thiền Suzuki do Thích Nhất Hạnh phổ biến, còn có nhiều dịch giả đã dịch Krishnamurti. Chẳng hạn như: Dưới chân Thầy At the Feet of the Master {Bạch Liên}. Tự do đầu tiên và cuối cùng The First and last Freedom {Phạm Công Thiện}. Đường vào Hiện Sinh Commentaries of living {Trúc Thiên}. Giải trừ Kiến thức Freedom from the Known {Nguyễn Minh Tâm và Đào Hữu Nghĩa}, Cách mạng con người The only Revolution {Nguyễn Minh Tâm và Đào Hữu Nghĩa}, Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống Education and Significance of life {Nguyễn Minh Tâm và Đào Hữu Nghĩa}, Giáp mặt cuộc đời Life ahead {Nguyễn Minh Tâm}, Ý nghĩa về sự chết, đau khổ và thời gian {Nguyễn Minh Tâm và Đào Hữu Nghĩa}, Tự Do và Hòa Bình Liberté et Paix {Nguyễn Minh Tâm và Đào Hữu Nghĩa}, Krisnamurti, Cuộc đời và tư tưởng Krishnamurti, the Man and his Teachings của Ren Fouère {Võ văn Quế}, Hiện tượng Krishnamurti Phénomène de Krishnamurti của Carlo Suarès {Trúc Thiên} [8]. Sách dịch của Hermann Hesse Tính ra có khoảng 10 năm ngự trị của triết học Hiện Sinh trên sinh hoạt văn học miền Nam. Bóng dáng quá lớn của chủ thuyết này lan rộng ở miền Nam chỉ vì một lý do rất đơn giản: Có một số trí thức lúc đầu, xuất thân từ ảnh hưởng văn hóa Pháp, đã gieo cấy cho cây Hiện Sinh nẩy mầm và mọc lan tràn, tạo cái không khí Hiện Sinh nơi đám trẻ. Mở mồm ra là “phi lý”, là “buồn nôn”, là cái thừa, cái de trop. Trong những năm đó, không phải là không có người lên tiếng phản bác, nhất là nơi một vài người công giáo như Phạm Đình Tân, Nhóm Tin Văn và sau này nơi một số môn sinh của họ [9]. Nhưng ngoài nước Pháp còn những chân trời khác. Bên Mỹ chắc hẳn đã không có cái rầm rộ, náo nhiệt của không khí Hiện Sinh. Phùng Khánh do có dịp du học sống trên đất Mỹ, đã làm công việc mà đàn anh của bà đã làm cách đây gần 10 năm, tuy không kèn không trống, trong thầm lặng bà đã giới thiệu nghiêm chỉnh một khuôn mặt mới cho văn học dịch miền Nam: Nhà văn Đức Hermann Hesse. Đây là một trong những tác giả Tây Phương được dịch nhiều và ảnh hưởng khá rộng, khá sâu trên những thành phần sinh viên, trí thức thành thị. Người ta đã bắt đầu ngấy triết Hiện Sinh với những ngõ cụt: đời phi lý, buồn nôn, thừa thãi, ý thức chán chường. Văn chương của nhà văn Đức đem lại một luồng sinh khí mới về những nét đẹp của con người, trở về nguồn của triết lý Đông Phương, đượm chất thơ, chất ngườiù. Cái triết lý, tôn giáo và ngay cả đạo học này nữa xem ra gần gũi, quen thuộc như một tìm về. Đọc tác giả, cảm được sự an vi, sự thư thái tâm hồn, lắng đọng chiều sâu. Có một cái gì đó không nói ra được, nhưng có những cảm thông sâu đậm giữa tác giả và người đọc. Cái đó cũng vẫn là chiều kích, là cái sứ điệp nhà văn muốn nhắn gửi. Những người dịch đều có chân tài như chị em Phùng Thăng, Phùng Khánh, Vũ Đình Lưu, tức Cô Liêu và Hoài Khanh. Một nhận xét là càng ngày cái xu hướng dịch các tác giả viết bằng tiếng Anh càng gia tăng về số lượng tác giả cũng như tác phẩm. Điều đó có thể hiểu và cắt nghĩa được. Sự có mặt của người Mỹ đã là một chuyện, những người trẻ về từ Mỹ là chuyện thứ hai, cái mới lạ đem về từ Mỹ là thứ ba và cái cuối cùng vẫn là vấn đề tiền. Vũ Đình Lưu đã dịch Tuổi trẻ và cô đơn và nhất là cuốn Đôi bạn chân tình, nxb Ca Dao. Phải nói đây là một cuốn sách hay mà bỏ qua không đọc thì thật uổng. Vũ Đình Lưu, tài hoa, đã dịch một tác phẩm có tầm thước như vậy, rất thoát, đến độ tưởng chừng như đang đọc một nhà văn Việt Nam. Cái khó của dịch là ở chỗ đó. Chỗ thoát. Có một nhận xét đến lý thú là ông là người đầu tiên đưa Francoise Sagan vào Việt Nam, nay một lần nữa giới thiệu Hermann Hesse. Ông cũng còn dịch Chopin, nhà thơ âm nhạc và nghiên cứu phân tâm học. Phần này, không có gì đáng nói. Ngoài ra cũng có hai tác phẩm là Đời nghệ sĩ và Vinh danh và quyền lực, nhưng tôi không nhớ tên người dịch. Hoài Khanh dịch Tuổi trẻ băn khoăn. Ông cũng dịch Nghệ thuật truyền thống và chân lý của Kaufmann, rồi dịch Tchaikowsky với cuộc đời và nghệ thuật, Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống Krishnamurti. (Sau này có thêm nhiều người dịch triết gia Ấn Độ này) Sách hay có người dịch đã đành. Nhưng nếu không có ai đứng ra xuất bản thì cũng xếp ở một xó nào đó. Sách được xuất bản là nhờ vào một số nhà xuất bản rất có lòng với văn học như Lá Bối, An Tiêm, Trí Đăng, Ca Dao, Trình Bày, Sống Mới, Nguyễn Đình Vượng, Nam Chi, Đại Ngã, Cảo Thơm, Trí Dũng, Diên Hồng, Sáng Tạo và cuối cùng là Văn Hữu Á Châu. Nhà xuất bản Ca Dao cũng do Hoài Khanh, một thi sĩ đứng chủ trương. Ông đã cho xuất bản một số sách dịch đáng nể sau đây: Triết lý là gì? của Heidegger, Phạm Công Thiện dịch, Nhân sinh quan và thơ văn Trung Hoa của Lâm Ngữ Đường, Thế giới ngày nay và tương lai nhân loại của Bertrand Russell và Chinh phục hạnh phúc đều do Nguyễn Hiến Lê dịch [10]. Chơn Hạnh và Phùng Thăng dịch Sói Đồng hoang. Đây cũng là một tác phẩm dịch khá hay. Phùng Thăng cũng là người dịch La nausée của J.P Sartre sau này. Trong phần đầu cuốn truyện của Sartre, bà đã dành ra ít trang để sơ lược nội dung của tác phẩm, và tư tưởng của tác giả, giúp người đọc nắm được những điểm then chốt về tư tưởng của J.P Sartre. Phùng Thăng cũng đã dịch chung với Phùng Khánh chuyện Bắt trẻ Đồng Xanh của Salinger. Đây cũng là một truyện dịch rất hay, không thể nào bỏ qua được. Phùng Khánh là nữ dịch giả tài tuấn trong giới dịch giả nữ. Bà đã dịch Câu chuyện của dòng sông. Theo ý kiến riêng của tôi ở vào thời đó, hai cuốn Đôi Bạn chân tình và Câu chuyện của dòng sông là những cuốn sách hay nhất của Hermann Hesse. Tài dịch thuật của Phùng Khánh thì không còn gì để nghi ngờ. Tôi được biết và kính trọng bà chỉ vì cuốn truyện dịch này. Sau này, năm 90, bà cùng với Vĩnh Bách và Loan Nhã dịch lại cuốn Đôi bạn chân tình do Vũ Đình Lưu đã dịch. Tôi đã đọc cả hai bản dịch. Thật khó nói ai dịch hay hơn ai. Phùng Khánh dịch với nhan đề tên tác phẩm là Nhà khổ hạnh và gã lang thang. Cả hai nhan đề tên tác phẩm của Vũ Đình Lưu và Phùng Khánh đều diễn tả đúng nội dung tác phẩm của nhà văn Đức. Sau biến cố Phật giáo, bà đi tu, pháp danh Trí Hải và đã để lại rất nhiều công trình dịch thuật như sau: E. Herringel. The method of Zen. The story of my expériments with Truth. Tạng thư Sống Chết, The Tibétian book of lying and dying của Soyal Rinpoche, Tự Truyện của Gandhi xuất bản 1971, Tâm phân học và tôn giáo của Eric Fromn. Bên cạnh dó, còn nhiều tác phẩm về Phật giáo sau này tôi chỉ được nghe nói tới mà thôi. Cả hai chị em bà nay đều đã ra người thiên cổ, nhưng những đóng góp của hai người, nhất là Phùng Khánh, sau này là Trí Hải đã đánh dấu một thời văn học dịch thuật thật trong sáng, thật ý nghĩa, khác hẳn cái không khí của những năm 54-60. Những nhà phê bình, lý luận văn học có đao thớt của Hà Nội như Trần Trọng Đăng Đàn đã cố tình không đụng chạm đến một số nhà dịch thuật miền Nam như Nguyễn Hiến Lê, Phùng Khánh, Phùng Thăng. Một chữ cũng không. Những gì không đụng chạm, không nói tới, phải được hiểu là hay, là có giá trị đấy. Sách dịch Gheorghiu Chiến tranh leo thang và bắt đầu lan rộng. Chiến tranh hai phía, hai kẻ thù, hai bộ mặt người Việt đối mặt. Việc dịch các tác phẩm của các nhà văn trên có ý nghĩa gì? Có sự tài trợ, thúc đẩy của chính quyền không? Phải nhận rằng, có những sách báo, truyện xuất phát từ những cơ sở như Việt Tấn Xã hay các cơ quan ngôn luận như báo Tự Do, báo Ngôn Luận. Rất có thể đã được chính quyền ngấm ngầm tài trợ. Nhưng những sách báo này thường bị chìm trong quên lãng. Chẳng hạn như cuốn Nước đã đến chân của Suzane Labin, nxb Tự Do. Bí Danh của Lâm Ngữ Đường, nxb Ngôn Luận. Thoát ly hỏa ngục của bác sĩ Thomas Dooley, nxb Diên Hồng 1961 và ngay cả cuốn Giai cấp mới của nhà văn Nam Tư Milovan Djilas, nxb Anh Việt 1958. Một cuốn sách chính trị chống Cộng xuất hiện sớm nhất mà không mấy dễ đọc, phải nói là khô khan và cao quá. Hoặc giả một vài cuốn sách như Chiến lược ý thức hệ của Oyvind Skard, Võ Như Vong dịch năm 1968. Bạn có thể tin được người Cộng Sản? của Fred Schawars, Đinh Hoàn và Hoài Châu dịch 1969. Mấy ai đọc những sách đó? Trong khi đó, những cuốn truyện của các nhà văn vừa nêu trên đôi khi được dịch đi dịch lại bởi hai ba dịch giả. So với những nhà văn mà phía Cộng Sản xếp loại là đặc công văn hóa chống Cộng hàng đầu của VNCH như Võ Phiến [11], Mai Thảo, Nguyễn Mạnh Côn và sau này Nhã Ca thì xem ra tính chất chống Cộng ở những nhà văn ta chưa đủ đậm đặc. Vốn sống chưa đủ độ cay nghiệt, khổ đau chưa tới để có thể làm nên những tác phẩm lớn. Mấy ai còn nhớ Mưa đêm cuối năm, nxb Tự Do 1958 (Đây có thể là tác phẩm đầu tay của Võ Phiến. Tôi đã đọc ở thời điểm đó, thấy hay như một khám phá vì những phân tích tâm lý về nội tâm của viên cán bộ rất chi li và rạch ròi. Khá thích thú. Nhưng cũng thời điểm đó có cơ duyên đọc Georghiu bằng tiếng Pháp, thấy xót xa, dư âm đọng lại mới thật ngậm ngùi khó quên). Mấy ai còn biết đến là Nguyễn Mạnh Côn viết Kỳ Hoa Tử? Cùng lắm còn nhớ được cuốn Đem tâm tình viết lịch sử với biệt hiệu là Nguyễn Kiên Trung. Moi lục trí nhớ cũng chẳng còn ai nhớ tới: Chữ Tình, Người Tù hay Về một xóm quê của Võ Phiến, Đêm giã từ Hà Nội, Căn nhà vùng nước mặn nxb An Tiêm 1966 hay Tháng giêng cỏ non 1956 của Mai Thảo và Mùa ảo ảnh của Đỗ Thúc Vịnh. Cùng lắm nhớ đâu đây Dòng sông định mệnh của Doãn Quốc Sĩ? Vậy mà người ta không thể quên được Giờ thứ 25 của C.V. Georghiu. Bản dịch truyện Giờ thứ hai mươi lăm được Lê Ngọc Trụ và Lê thị Hay dịch vào năm 1963, nxb Thời Nay. Đúng thời điểm. Đến 1973, Mặc Đỗ dịch lại Giờ thứ 25. Ông còn dịch Ả Q. Bên cạnh đó là những truyện dịch Độc hành, Lê thị Duyên Người Sông Kiên dịch, nxb Sông Kiên 1972. Người lữ hành cô đơn, Tầm Nguyên dịch. Kẻ ăn mày phép lạ, Chiếc roi ngựa, Lối thoát cuối cùng, Hoàng Sa và Bích Ty dịch, nxb Lá Bối 1968. Nửa đời du đãng, Nam Chinh dịch, nxb Sống Mới. Trong số truyện của Georghiu, có hai tác phẩm đáng kể và hay nhất là Lối thoát cuối cùng và Giờ thứ hai mươi lăm. Tác giả nói lên những đau khổ, những hệ lụy của con người, kéo lê thân phận vì chế độ tàn bạo, vì những guồng máy chính quyền. Tác giả thất vọng vì giờ thứ hai mươi lăm là cái giờ đã quá muộn để có thể làm gì, để có thể cứu gỡ, cũng quá muộn để sống và để chết. Bên cạnh đó, còn có tác giả như André Gide với Bọn làm bạc giả, nxb An Tiêm. Bửu Ý dịch Kẻ vô luân, nxb Võ Tánh. Bùi Giáng dịch Khung cửa hẹp, nxb An Tiêm. Văn Mồng dịch Tagore với thơ Tâm hồn hiến dâng. Rồi một lô các nhà văn Nga như Tolstoi với Chiến Tranh và Hòa Bình, nxb Lá Bối, Nguyễn Hiến Lê dịch. Maxime Gorky với Mưu Sinh, nxb Đại Nam. Nhất là Dostoevsky với những tác phẩm: Tội ác và hình phạt, Lũ người quỷ ám, Anh em nhà Karamazov, Con bạc do Trương Đình Cử dịch. Hai cuốn Tội ác và hình phạt và Anh em nhà Karamazov được nhiều độc giả thanh niên, trí thức lúc bấy giờ ham đọc. Nhà văn và sứ điệp đã được gửi đến cho nhân loại, cho người đọc. Sách đã được mọi tầng lớp thanh niên say mê đọc. Phần các “nhà văn một phía” của miền Nam, sứ điệp nhà văn gửi đi yếu quá, nhỏ quá, bởi vì nó vẫn bó chặt vào một cá nhân, một cảnh đời, một tên cán bộ, vào những phân tích tâm lý của một viên bộ đội. Nó chẳng gửi đến được một sứ điệp gì thì nó phải bằng lòng nhận lấy cái phần nhỏ nhoi mà người đọc dành cho nó. Họa chăng có những người như nhà văn Thảo Trường mà trong từng truyện của ông muốn nhắn gửi một cái gì? Như trong Thử Lửa hay Người đàn bà mang thai trên Kinh Đồng Tháp. Docteur Jivago của Boris Pasternak B. Pasternark chính ra là một thi sĩ với tác phẩm: Ma soeur, la vie, 1922. La seconde naissance, 1931. B. Pasternak đã lén gửi bản thảo tiểu thuyết Bác sĩ Jivago ra nước ngoài xuất bản vào năm 1957. Cuốn sách đã được giải thưởng Nobel một năm sau đó, 1958. Nhưng trước áp lực của nhà cầm quyền Liên Xô lúc bấy giờ, ông đã phải từ chối nhận giải thưởng cao quý này. Bản dịch cuốn truyện này do Nguyễn Hữu Hiệu, lấy tên là Vĩnh biệt tình em. Theo thiển ý, giữ nguyên tựa đề của tác giả là hay nhất. Cuốn tiểu thuyết còn được dịch từ bản tiếng Ý với nhan đề: Bác sĩ Zivago, nxb Mặt trận bảo vệ tự do, do Văn Tự và Mậu Hải dịch. Sau này, nó lại được dịch với khuôn khổ sách nhỏ, chia ra 3 tập do Hoàng Ngọc Biên, Nguyễn Đức Dương và Lê Khánh Trường, nxb TP HCM. Nếu Bác sĩ Jivago được cho in lại thì tất cả những sách của Võ Phiến, Mai Thảo, Nguyễn Mạnh Côn, Nhã Ca, hà cớ gì lại không có mặt? Bác sĩ Jivago nặng về số trang (hơn 800 trang) cũng như về nội dung không dễ đối với nhiều người. Bác sĩ Jivago nhằm tố cáo chế độ thiếu nhân tính, thiếu tình người. Một chế độ đã nghiền nát, đè bẹp con người, nhất là người trí thức như ông. Phải chăng cuốn truyện là một bản án rà xét lại tất cả những cái được gọi là lý tưởng, cái làm nên chế độ đó? Trải dài trong suốt cuốn truyện, ông đã dành nhiều trang để đề cao tình người của Iouri Andréiévitch Jivago, Marina Markelovna.. những con người bình thường biết thương yêu, biết hờn giận, yếu hèn nhưng trung thực, biết khát vọng tự do khác hẳn những mẫu người Cộng Sản sắt đá và lạnh lùng. Đồng thời ông cũng đề cao tình yêu thiên nhiên, yêu đất nước xứ sở của con người. Cuốn truyện cũng cho thấy câu chuyện tình cảm động và say đắm giữa Jivago và Tonia Alexandrovna Groméko. Càng có những nghịch cảnh và trắc trở, tình yêu giữa hai người thêm say đắm và thiết tha. Cuốn truyện dịch khác của Pasternak là Thời nhỏ trong gia đình Luwers ít được người đọc biết đến. Mặc dầu cuốn Bác sĩ Jivago được nói tới nhiều, nhưng độc giả của Pasternak có phần chọn lọc và giới hạn. Soljénitsyne và quần đảo Goulag Có thể, đối với văn học thế giới, mặc dầu cùng thời với Pasternak nhưng Soljénitsyne được nhắc nhở, được nói tới nhiều hơn và cũng được chuyển ngữ sang tiếng Việt một cách khá muộn màng. Tôi không cắt nghĩa được điều này và cũng không hiểu tại sao nó lại như vậy. Khởi đầu là Một ngày trong đời của Ivan Denissovitch do Thạch Chương và Trần Lương Ngọc dịch năm 1970, nxb Nguồn Sống. Tiếp theo Khu ung thư, Vũ Minh Thiều dịch, nxb Ngàn Khơi 1971. Tại nhà ga Krechetovka, Lê Vũ dịch, nxb Hành Trình 1973. Rồi Tầng đầu địa ngục do Hải Triều dịch từ bản tiếng Anh The first circle của Thomas. P. Whitney, nxb Đất Mới. Ngoài bản dịch của Hải Triều, Vũ Minh Thiều dịch là Vòng Đầu. Thạch Chương và Thanh Tâm Tuyền dịch là Vòng đầu địa ngục từ bản tiếng Pháp Le 1er Cercle. Đã hẳn, một cuốn truyện mà đến ba tác giả dịch phải có cái gì? Đừng quên sự có mặt của thi sĩ Thanh Tâm Tuyền của nhóm Sáng Tạo. Cũng vì chuyện ba tác giả dịch một tác phẩm trong cùng một thời điểm nên đã bị nhà phê bình văn học Cộng Sản Trần Trọng Đăng Đàn gọi là “Chợ trời Văn Nghệ”! Nhưng cuốn sách gây sóng gió nhất hẳn phải là cuốn Quần đảo Ngục Tù The Gulag Archipelago được đăng trên tờ Sóng Thần của Chu Tử, do Ngọc Thứ Lang dịch và in thành sách, 2 tập vào 1974, nxb Trí Dũng. Đến nỗi, bất cứ cái gì liên quan đến trói buộc, đến đau khổ, người đọc miền Nam gán cho cái chữ Gulag. Bên cạnh mấy tác giả trên, có một số sách dịch cũng được xếp vào cùng một loại như Le Dieu des ténèbres, dịch giả Đinh Bá Kha. Le zéro et l’infini của Arthur Koestler, do Thạch Trung Giả dịch. Có hai cuốn khác của Koestler cũng được dịch là Nội chiến bi thảm và tội không thành, Thượng đế đã chết trong thành phố, Nguyễn quốc Trụ dịch. Đây là những tác giả bị người Cộng Sản xếp vào lọai sách phản động chống Cộng. Giữa hai tác giả Georghiu và Soljénitsyne, tôi vẫn thích nhà văn của Giờ thứ hai mươi lăm, vì sứ điệp nhà văn gửi đi có phần kín đáo, điều mà bất cứ người đọc nào cũng muốn góp phần tham dự vào sứ điệp đó. Còn nhà văn của Quần đảo ngục tù, sứ điệp gửi đi lộ liễu quá, nói hết, nói cả, nói đến trần trụi. Nói xong là hết. Còn có chỗ nào cho độc giả dự phần? Rơi vào giữa những sách dịch trên, sau thời kỳ ông Diệm bị lật đổ có cuốn sách của Chu Việt dịch: Ông Đại sứ của Morris. L.West được kể là đặc biệt và hay. Nhiều người đọc cuốn này liên tưởng đến cá nhân ông Diệm được trình bầy trong sách. Kể từ 1963 trở đi, xáo trộn đã nhiều. Chiến tranh gần kề. Ban đêm giấc ngủ không yên vì sự đánh thức dậy của bom đạn. Thời kỳ Đêm nghe tiếng đại bác của Nhã Ca và để trả lời cho tiếng bom đạn, Trịnh Công Sơn sáng tác Hát trên những xác người rồi Bài ca dành cho những xác người: “Xác nào là em tôi dưới hố hầm này, trên những đồng lúa cháy bên những vồng ngô khoai...” Chiến tranh vốn đã tàn bạo, lại thêm có sàng lọc: Trẻ chết trước già. Người nghèo, người dân quê, người dốt nát chết thay cho người giàu, người dân thành phố, kẻ trí thức. Kẻ hiền lành, đạo đức chết trước bọn bất lương. Cuối cùng chỉ còn sót lại những kẻ làm chính trị, kể cả chính trị sa lông, nếu cần thì lo chạy trước và những nhà quân sự không thể chết, vì nếu họ chết thì còn làm gì còn chiến tranh nữa. Thế rồi. Cứ như thế, rượu gọi rượu “le vin appelle le vin”, thi ca phản chiến, nhạc phản chiến, báo phản chiến, hết Thái Độ, Hành Trình đến Đất Nước. Báo chí đủ loại đến 40 tờ. Đêm ngủ không yên, thiếu thuốc an thần. Truyện dịch ra đời đủ loại thay cho thuốc ngủ: giải trí có, vui có, nhảm nhí có, bất cần có, truyện tình nhan nhản chẳng thiếu, truyện kiếm hiệp, truyện chưởng. Đó là cái không khí hỗn tạp của một thành phố, một đất nước có chiến tranh. Phần những nhà văn “một phía” 54-60 thì tắt tiếng. Họ không có gì để nói và lúng túng trưóc một tình thế khó xử: tiếp tục ủng hộ cuộc chiến hay còn có con đường nào khác cho đất nước? Người ta đành lòng phải mượn tiếng nói của dịch thuật. Sách dịch Eric Maria Remarque Sách của Remarque mà nội dung chủ yếu là phản chiến, sự thăng hoa của tình bạn trong và sau chiến tranh, những tình bạn lưu vong vô tổ quốc, của những con người lạc loài không đất nước nào chấp nhận, đã được dịch ra rất nhiều: Bia mộ đen Obélisque noir, Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh A l’Ouest rien de nouveau, nxb Kinh Thi, Tầm Nguyên dịch. Đài tưởng niệm đen của bầy diều hâu gẫy cánh Obélisque noir, nxb Đất Sống, Chiến hữu Les Camarades, Bản du ca cuối cùng của loài người không còn đất sống Les Exilés, Vũ Kim Thư dịch. Đến lượt Phạm Kim Khôi cũng dịch lại cuốn Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh. Các tiểu thuyết Remarque Một thời để yêu một thời để chết, Đảo hy vọng, Đêm ở Lisbonne, Lửa thương yêu lửa ngục tù, Khải hoàn môn được đông đảo giới thanh niên, sinh viên học sinh say mê, hâm mộ và được đón nhận một cách trân quý, đáp ứng đúng tình thế chiến tranh ở miền Nam lúc bấy giờ. Dĩ nhiên, chiến tranh của Remarque không phải là thứ chiến tranh đang diễn ra ở Củ Chi, An Lộc, Quảng Trị nhưng ở đâu thì cũng có người chết, có bia mộ, tình đồng đội, có tình yêu thời chiến, có phản bội, mơ ước và có mất mát. Eric Maria Remarque là tác giả của thân phận con người trong chiến tranh và không chấp nhận chiến tranh, một thân phận mà độc giả miền Nam thấu hiểu dễ dàng. Sách dịch Mario Puzo Sách dịch về Mario Puzo thật đáng nể. Sách của ông đã làm người đọc thích thú và say mê. Cho mãi đến sau này ở hải ngoại người đọc vẫn không quên. Cũng không thể quên dịch giả Ngọc Thứ Lang, vì nhờ Ngọc Thứ Lang mà Bố Già nổi tiếng. Cái tên Bố già đặt cho nhan đề cuốn tiểu thuyết sau này trở thành ngôn ngữ thời thượng. Sách gồm The God-father Bố già, nxb Thứ Tư, tái bản 3, 4 lần. Rồi Hồi ký của Bố già, Đứa con của Bố Già, Đấu trường đen, Đất tiền đất bạc, nxb Xuân Thu, Sicilly lãnh địa Mafia, nxb Việt Nam, Đặng Thiền Mẫn dịch. Tất cả đều được in trong năm 1974 lúc mà miền Nam sắp sụp đổ. Mario Puzo là viên thuốc an thần cuối cùng. Hiện tượng sách dịch Kim Dung Kim Dung tên thật là Trà Lương Dung. Truyện võ hiệp đầu tay là Thư kiếm ân cừu, xuất bản ở Hương Cảng, từ đó có bút danh Kim Dung. Năm 1957 ra bộ Anh Hùng Xạ Điêu, 1969 ra Lộc Đỉnh Ký. Cho mãi đến 1978 Đài Loan mới rút lệnh cấm tác phẩm Kim Dung và 1986, sau khi tiến lên 4 Hiện đại hóa ở Trung Quốc mới xuất hiện Kim Dung. Theo Vũ Đức Sao Biển [12], nhà Kim Dung học Việt Nam hiện thời, trong những năm 1960 có các dịch giả: Phan Cảnh Trung, Lão Sơn Nhân, Từ Khánh Văn và đặc biệt Từ Khánh Phụng và Hàn Giang Nhạn. Tôi xin bổ túc thêm Thương Lan (đã dịch ít nhất 10 bộ truyện của Kim Dung), Nhất Quỳnh Mai, Nguyễn Kháng, Trần Thanh Vân, Đà Giang Tử dịch chung với Phan Cảnh Trung. Truyện chưởng Kim Dung “độc bá quần hùng” trong sinh hoạt văn học ở miền Nam thời ấy. Vào năm 1968, khi xuất hiện Tiếu Ngạo Giang Hồ trên tờ Minh Báo thì có đến 44 nhật báo ở Sàigòn đều tranh nhau dịch và đăng lại. Tình trạng mê Kim Dung đến như thế, và kéo dài cho đến 1972-1974 khi bộ Lộc Đỉnh Ký ra đời. Và đây là lời Vũ Đức Sao Biển, tốt nghiệp Đại học Văn Khoa, Sàigòn, ban Hán Văn: “Tôi học cách làm người, cách đối xử nhân thế, đắc thủ được những kiến thức hoàn toàn không có trong giáo trình đại học từ các tác phẩm của một nhà văn nước ngoài chưa hề biết mặt”. Với lượng tác phẩm đồ sộ như thế, với số người đọc đông như thế, không thể không tìm hiểu văn học miền Nam nhất là văn học dịch mà bỏ qua tác giả Kim Dung. Người ta có thể bàn về bất cứ vấn đề nào của con người, của xã hội, từ tình yêu, bạo lực, đạo đức, tâm lý hay sự đánh tụt giá của chủ nghĩa Bạo lực trong truyện Kim Dung. Từ vấn đề nghệ thuật, cách xây dựng nhân vật tiểu thuyết, chất thơ, chất hài... đến chứng cứ kiếm pháp, Võ và Hiệp, cho đến những vấn đề có thể trở thành tranh luận văn học như hư cấu nhân vật, hư cấu lịch sử. Kim Dung đã hư cấu lịch sử Trung Hoa cách đấy ba thế kỷ mà vẫn hay với cấu trúc tiểu thuyết liên hoàn. Vương Sóc, nhà văn-nhà phê bình Trung Hoa (mà nghĩ đến ông tôi bắt nghĩ đến Trần Trọng Đăng Đàn của Việt Nam), đã gọi tiểu thuyết Kim Dung là một trong “tứ đại tục” bởi đã hư cấu méo mó hình tượng người Trung Hoa. Từ đó đã gây thành những tranh luận lớn khắp Hoa Lục. Lại còn vấn đề tôn giáo, giáo phái trong tiểu thuyết. Luận về anh hùng và những nhân vật biểu tượng như Kiều Phong, một đại trí, đại dũng lại rất giầu tình cảm và lòng nhân ái vời vợi? Trương Vô Kỵ, Lệnh Hồ Xung, tài trí hơn người, hành xử quang minh lỗi lạc, tốt bụng hơn người? Dương Quá, Địch Vân, Hồ Phỉ... Rồi còn nhân vật nữ, những mỹ nhân như Hân Tố Tố, Nhậm Doanh Doanh, Triệu Minh, Tiểu Siêu, Song Nhi, v.v.. mỗi người mỗi vẻ, mỗi người một thông điệp. Không có những nhân vật nữ đó, tiểu thuyết Kim Dung còn gì? Vấn đề tâm đắc đối với tôi: Vấn đề chính hay tà, vấn đề thị phi trong cuộc đời, giữa Hiệp nghĩa và xã hội đen, giữa danh môn chính phái và ma giáo. Ai chính, ai tà. Tà chính khác nhau chỗ nào? Đọc Kim Dung sẽ thấy sự phân biệt Chính và Tà là vô thực [13]. Trong Kim Dung, có một cố gắng đánh tụt giá những người tự nhận là Chính Nghĩa, và qua họ, những giá trị mà họ tượng trưng. Sự sa đọa xuống tới sự bất nhân, sự dâm loạn, sự ngu xuẩn của những đệ tử phái Toàn Chân thì còn ai tin gì ở Chính Nghĩa? Chuyện đã hay, cơ man nào nhân vật, cơ man nào tình tiết chòng chéo lôi kéo người đọc. Kim Dung phải là người kiến thức rộng, đọc nhiều, dùng Quan Thoại, một thứ ngôn ngữ trong sáng, lại kế thừa truyền thống của những nhà văn như Lâm Ngữ Đường, Tào Ngu, Lỗ Tấn... đã biến những chuyện võ hiệp tầm thường thành những tác phẩm để đời. Đã vậy, có những dịch giả như Hàn Giang Nhạn chuyển ngữ tài tình làm say mê độc giả VN. Hễ hay thì người đọc, dở thì bị người bỏ quên. Hiện tượng sách dịch Quỳnh Giao Truyện của Kim Dung thì không là người Tàu, tất không viết được. Nhưng đến truyện tình, chả lẽ Việt Nam không có ai viết nổi? Có nhiều nữa. Bà Tùng Long là một tay viết cự phách được rất nhiều phụ nữ bình dân mê chuộng. Theo Hồi ký Bà Tùng Long, nxb Trẻ 2003, bà đã in 32 cuốn, nếu kể cả chưa in thì có trên 60. Vậy mà bà có đến 2 cái thiệt thòi: Thứ nhất không được nhà văn Võ Phiến kể vào trong số những nhà văn trong Văn học miền Nam tổng quan. Thứ hai: Bà Tùng Long để cho Quỳnh Dao lấn lướt cái thị phần độc giả nữ, nhất là giới nữ học sinh. Tiểu thuyết đầu tiên của Quỳnh Dao xuất hiện tại Sàigòn là Song Ngoại. Câu chuyện tả mối tình giữa một nữ sinh Giang Nhạn Dung với một giáo sư tên Khang Nam. Đầy tình tiết éo le rồi bị dư luận khắt khe lên án. Mối tình tan vỡ... Không tìm được hạnh phúc với người chồng mới cưới, Giang Nhạn Dung quay trở lại với Khang Nam nay chán đời rượu chè be bét. Tất cả những câu chuyện của Quỳnh Dao là vậy. Chuyện tình xoay quanh các cô nữ sinh bậc cao trung, những nữ sinh trẻ, đẹp, mơ mộng ở thành phố. Đó là những thứ tình cảm lãng mạn đầu đời, những rung động bầy tỏ những khát vọng tuổi trẻ muốn yêu và muốn được đền đáp. Nhưng thường tình yêu đó gặp những nghịch cảnh, những ngang trái, những éo le, những chồng chéo, áp lực gia đình, xã hội, đạo đức, phong tục, tập quán đã xô đẩy những cảnh đời của những người trẻ đến tan vỡ, chia lìa và phản bội. Tình yêu như những tiếng réo gọi đầy nước mắt, nhớ thương và không khỏi tủi nhục, xót xa. Những truyện như Hải âu phi xứ có đến bốn dịch giả khác nhau. Có đến hơn 60 chục đầu sách Quỳnh Dao được dịch sang tiếng Việt, thậm chí có cả nhà xuất bản Quỳnh Dao chỉ để in sách dịch Quỳnh Dao. Cuốn Cánh hoa chùm gửi trong một năm được in đi in lại đến ba lần vào năm 1972. Nếu Kim Dung có dịch giả Hàn Giang Nhạn, thì Quỳnh Dao có Liêu Quốc Nhĩ. Anh vốn là một giáo sư Toán còn trẻ, dạy đại học Khoa Học, đến năm 1972 thì nghỉ dạy hẳn chuyên ngồi dịch sách Quỳnh Dao. Kể cũng là một trường hợp hi hữu lắm. Hình như chiến cuộc càng leo thang, chiến tranh mỗi ngày càng ác liệt, tiếng bom tiếng đại bác ban đêm dội về thành phố càng nhiều thì chuyện tình của Quỳnh Dao càng được chiếu cố tận tình. Phải chăng hiện tượng sách dịch Quỳnh Dao cũng là những liều thuốc ngủ qua đêm? Nhận xét chung về 20 năm sách dịch ở miền Nam Trong bài viết này, tôi đã không thể nói tới các sách dịch có tính cách giáo dục như sách Học Làm Người của Nguyễn Hiến Lê, cũng như những sách giáo khoa dùng trong trường học, sách dịch về khoa học thường thức, v.v. Ông Nguyễn Hiến Lê đã dịch hơn 20 đầu sách về Giáo dục làm người, đặc biệt là Dale Canergie và Dorothy Carnegie như Đắc nhân tâm, Quẳng gánh lo đi mà vui sống, Giúp chồng thành công, v.v.. Hay các sách dịch có tính cách thời sự về chính trị, quân sự hay nhân vật lịch sử một thời như Hitler chẳng hạn [14]. Kể từ sau tháng 11-63, khuôn mặt báo chí, sách truyện ở miền Nam có rất nhiều thay đổi. Có hiện tượng bùng lên về số báo xuất bản, về số truyện dài để lấp đầy trang báo và để lôi cuốn bạn đọc. Có vấn đề thị trường tiêu thụ, vấn đề thương mại, quảng cáo. Có vấn đề viết nhanh viết vội, viết thấp, viết dễ, viết để giải trí. Nhưng bấy nhiêu yếu tố cũng không đủ giải thích sự bùng lên của sách dịch. Không ai trong số các nhà văn đã đặt ra một cách tự vấn là viết cho ai? Viết cho loại độc giả nào? Có đáp ứng được đòi hỏi của người đọc không? Có tầm nhìn, tầm hiểu biết về trào lưu tư tưởng của thế giới không? Tôi nghĩ câu trả lời là Không, cùng lắm là chưa đủ và hạn hẹp. Không phải nhà văn Việt Nam thiếu khả năng sinh ngữ, yếu kém văn hoá, nhưng không có đủ thì giờ để đọc, để trau dồi. Vấn đề của các nhà văn Việt Nam là vấn đề thì giờ, vấn đề sinh nhai. Có nhà văn bận sinh kế, lớp lo làm báo, dạy tư chạy hết trường này sang trường khác. Càng dạy hay, càng nổi tiếng, càng bận. Rồi mở trường, chủ bút... thì giờ đâu cho việc đọc, việc nghiên cứu. Đọc mười chưa chắc viết được một. Câu người ta nói chẳng có thiên tài nào mà lại không có tiền bối vẫn đúng. Không đọc, không có vốn, làm sao viết sách cho có tầm cỡ được. Nếu nhà văn đã không bị sinh kế ràng buộc níu kéo, chuyện đã hẳn là khác. Nhiều nhà văn nhà báo khác cũng lao đao khốn khổ như thế vẫn không đủ ăn. Ngày viết 4, 5 truyện dài chỉ là chuyện viết vội, vá víu cho xong. Trường hợp như nhà văn Túy Hồng, Nguyễn thị Thụy Vũ phải lao đao đầu này, đầu kia mới có đủ ăn, nói ra đến tàn nhẫn. Viết hay sao được. Những cách viết vội, viết lấy được, viết cho có, thấy rõ nơi các ông Chu Tử, Hoàng Hải Thủy, Lê Xuyên. Vốn viết ít, vốn đọc ít ỏi, vốn sống cũng không luôn. Vốn sống của một số nhà văn Việt Nam là gặp bạn bè mỗi ngày, ngồi ăn nhậu, ngồi tán gẫu chuyện thế sự, chuyện người, chuyện tào lao, chuyện ăn chơi, chuyện trai gái... và để lấp tội, họ cho nhà văn là phải sống trác táng, ăn chơi mới là nhà văn. Y như cái thời xa xưa, nhà văn là phải cô đầu, hút thuốc phiện, bài bạc trai gái. Vốn sống ở đây là vốn đi, vốn giao tiếp trao đổi, vốn trải nghiệm với con người, với thiên nhiên. Thật khó mà đòi hỏi ở các nhà văn Việt Nam hơn thế được. Cho dù Văn học dịch đã chiếm phần lớn thị phần người đọc miền Nam trong 20 năm, vẫn chưa làm đủ chức năng mà người ta chờ đợi ở nền văn học dịch thuật này. Các trào lưu tư tưởng không được giới thiệu, hoặc dịch đồng bộ. Rất khập khiễng. Thời Triết hiện sinh, có mấy cuốn Triết kinh điển được dịch? Thời Phong trào “tiểu thuyết mới” sau đó không có quyển nào. Đã thế, nhiều cuốn lại dịch trùng lấp lên nhau. Một người dịch đã đành, đến hai có khi đến ba, lãng phí thì giờ và công sức. Nữa là đã không có dịch giả chuyên môn làm công việc dịch thuật, trừ trường hợp tiểu thuyết của Kim Dung và Quỳnh Dao. Mỗi người ghé qua một chút, rồi bỏ đi. Công việc dịch thuật trở thành công việc thêm vào, đọc cái gì thấy hay, thấy thích thì dịch chơi. Lại một thứ nghiệp dư. Nếu không nghiệp dư thì dịch là để kiếm tiền. Để kiếm tiền nên dịch vội, dịch ẩu, dịch truyện nào câu khách. Đã có nhiều nhà văn, nhà thơ có thế giá cũng đành lòng nhảy sang lĩnh vực dịch. Do thiếu tự tin? Hay chỉ vì lý do tài chính? Nhưng lý do chính đáng nhất là họ đọc được một tác phẩm hay muốn phổ biến cho mọi người cùng được thưởng thức. Chẳng hạn nhà văn Võ Phiến với Hai mươi bốn giờ trong đời một người đàn bà. Rồi Thế Uyên với bộ sách dịch về Tình Dục và Exodus, Về miền đất hứa. Thời đó, những loại sách về Do Thái rất được ưa chuộng. Cuốn Về miền đất hứa là một câu chuyện cảm động đến ứa nước mắt. Có những hình ảnh câu chuyện về tướng độc nhãn Moshe Dayan đeo kính den trở thành một cái mốt. Hầu như bất cứ tướng lãnh nào của Việt Nam khi lên tướng thì việc làm đầu tiên của họ là phải sắm một cặp kính đen. Tiếp đến là các nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, nhà thơ Tô Thùy Yên, Đinh Hùng với bút hiệu khác Hoài Điệp Thứ Lang, Lê Huy Oanh, Mặc Đỗ, Huỳnh Phan Anh, Hoàng Hải Thủy, Trần Phong Giao, Hoài Khanh, Bùi Giáng... Những người này phần lớn là công chức, giáo sư hoặc một thiểu số ở trong quân đội. Họ có lương bổng, đời sống tương đối ổn định. Dịch thêm như một nghề tay trái. Trong số những người trên, Trần Phong Giao đã để tâm dịch thuật khá nhiều về các tác giả Hiện Sinh. Công của ông không nhỏ. Người ta cũng nhận thấy, ít khi nào có sách dịch ngay từ khi cuốn sách mới được xuất bản ở nước ngoài. Nó mất cái thời tính, cái trào lưu và sự cập nhật thông tin. Nó là những sản phẩm quá date. Trong phạm vi dịch thuật, chúng ta tụt hậu từ 50 năm đến 100 năm. Chẳng hạn, cho đến bây giờ mà dịch giả uy tín của miền Bắc, Dương Tường còn mang Camus ra dịch lại. Dịch lại L’étranger mà trước đó 40 năm đã có ba dịch giả trong miền Nam dịch rồi. Nếu mục đích dịch là để cho người đương thời tìm hiểu một tác giả, một giai đoạn văn học thì còn tạm được, nhưng nếu dịch để cho độc giả bây giờ đọc để giải trí thì đúng là lỗi thời. Thế giới truyền thông, thế giới sách vở hiện đại mà thật khó có tác phẩm nào ngồi quá một năm trên kệ sách, việc dịch thuật sách cũ, dù là nổi tiếng cũng cần được xét lại. Lấy một tỉ dụ: Tôi ra thư viện mượn lại cuốn Bonjour Tristesse của Sagan, cuốn duy nhất còn sót lại trong ba thư viện để đọc lại. Năm 1999, ghi có hai người mượn đọc, năm 2000 có một người mượn vào ngày 11 tháng Giêng. Từ 4 năm nay, không ai đọc nữa. Có một số tác giả làm công việc dịch vì lợi nhuận, đã không chọn tác giả, đầu sách, mà nhắm vào thị hiếu khiến nhiều cuốn sách dịch đáng nhẽ không nên có mặt. Nhưng biết làm sao được, vì vẫn có một số người đọc. Dù gì đi nữa, sách dịch đóng góp không nhỏ vào thị trường sách vở miền Nam. Nó bù vào chỗ cái thiếu của nhà văn VN. Thiếu về sự đa dạng, thể loại, về tầm cỡ, về tư tưởng thời đại. Nếu về kinh tế, xuất cảng là đầu ra của sự thịnh vượng, thì về văn học, dịch thuật là đầu vào của một sinh hoạt văn học đa dạng và phong phú. Còn nếu cái sinh hoạt đó như thế nào, hay hay dở, phần quy trách vẫn là phía các người làm văn hoá, nghệ thuật, các nhà văn, nhà thi sĩ. Nếu họ viết không tới, không đáp ứng được tính đa dạng của nhu cầu người đọc, trách nhiệm về họ. Trong bất cứ trường hợp nào, người đọc bao giờ cũng có lý. Nhưng đừng quên rằng, trước 1954 cả trong Nam lẫn ngoài Bắc, chưa thể nói đến một nền văn học dịch. Nhóm Tự Lực Văn Đoàn của Nhất Linh chẳng hạn không chú trọng đến phần dịch thuật. Cuốn duy nhất của nhóm này đã dịch là cuốn Le Chemin du bonheur của Victor Pauchet. Trong Nam, trước 54, cái người có công lớn nhất trong việc dịch thuật là ông Phạm văn Tươi, tức nhà xuất bản Phạm văn Tươi, vào năm 1950 đã dịch và cho xuất bản lọai sách Học làm người (Culture humaine, hay Selt improvement) [15] Người ta biết rất ít về văn học thế giới. Có biết chăng nữa, sự hiểu biết đó gói ghém vào trong các nhà văn, nhà tư tưởng của thế kỷ 17 đến 19 của Pháp và thường chỉ có những học sinh xuất thân từ các trường Tây hoặc ban C, chương trình Việt mới có cơ hội được học hỏi. Lần đầu tiên ở miền Nam mà thôi, nhờ dịch thuật mà thế giới văn chương nước ngoài được du nhập vào VN. Nghĩ lại 20 năm miền Nam là cả một trời văn học dịch. Thật khó có một thời điểm nào phong phú và đa dạng hơn nó nữa. Sự phủ nhận nó là một điều tồi tệ. Nguyễn văn Lục Gia Nã Đại, 8-2004 Chú thích: [1] Trích dẫn TTĐĐ, Văn Hóa Văn Nghệ... trang 427. Nhà XB Văn Hóa, Thông Tin. [2] Trong một bài viết trên Hợp Lưu, tháng 10-11-2002 để giới thiệu cuốn Triết Học Hiện sinh của Trần Thái Đỉnh, Thụy Khuê đã xếp “tứ trụ” về Triết Tây thời đó là Trần văn Toàn, Lê tôn Nghiêm, Nguyễn văn Trung và Trần Bích Lan. Riêng trường hợp TBL, theo tôi, có thể thay thế bằng Trần Thái Đỉnh, mặc dầu xuất hiện sau, có lẽ công bằng hơn. Trần Thái Đỉnh có công giới thiệu Triết học Hiện Sinh một cách giáo khoa mạch lạc, hệ thống giản dị và dễ hiểu. [3] Trích lại trong Nhìn lại những chặng đường đã qua 1955-1995. Nguyễn văn Trung, Montréal 2000, trang 355 [4] Tạp chí Đại Học Huế có những bài sau đây: Vấn đề giải thoát con người trong Phật giáo và tư tưởng J.P Sartre.. Nguyễn văn Trung, số 2, tháng 5-1958; Thời gian Hiện sinh trong Đoạn Trường Tân Thanh, Lê Tuyên; Cái nhìn hay đám cưới với cuộc đời, Nguyễn văn Trung; Tưởng niệm Camus, số 14 tháng 3-1960; Vài cảm nghĩ về tình cảm phi lý của kẻ lưu đầy, Nguyễn văn Trung; Từ tri thức phản kháng đến tình liên đới nhân loại, Lê Tuyên; Le message interrompu d’Albert Camus, P.Rietsch; Dịch: Người khách trọ (Camus); Vấn đề trào lưu hiện sinh, 11-60; Vị trí trào lưu hiện sinh trong lịch sử Triết học, Trần văn Toàn; Giới thiệu Triết học Merleau Ponty, Trần Thái Đỉnh; G. Marcel hay con người là một huyền niệm, Thân văn Tường; Vấn đề con người trong tư tưởng Karl Jasper, Lê Tôn Nghiêm; M. Heidegger, triết gia của chân lý (dịch). R. Campbell; Cuộc đời như một tra hỏi, Nguyễn văn Trung; Karl Jaspers hay là thảm trạng của tri thức trong thân phận con người, M. Heidegger là triết gia của Hữu thể hay của Hư vô, Thân văn Tường; Thi ca và triết học, Nguyễn văn Trung; Yếu tính của tha nhân, Trần Thái Đỉnh; Tôi với người khác, Cung Giữ Nguyên; Tha nhân, thành phần của bản thân tôi, Trần văn Toàn; Heidegger và bản chất của thi ca, Trần Thái Đỉnh Trên Tập san Tư Tưởng của Viện Đại học Vạn Hạnh: Vị trí của Vô thể Heidegger trong tư tưởng Đại Thừa, Ngô Trọng Anh; Heideigger trước sự phá sản của tư tưởng Tây Phương, Từ Heideigger 1 đến Heideigger 2, Trần Công Tiến; Sự thất bại toàn diện của Heidegger và con đường tư tưởng VN, Phạm Công Thiện; Tư tưởng là gì?, Tuệ Sĩ.; Phật giáo và chủ nghĩa Hiện sinh, Quang Minh 1968; Camus giữa lòng thế kỷ 20, Nguyễn khắc Hoạch. Trích lại trong ° Nhìn lại những chặng đường đã qua, trang 351, 352. (1955-1995) của Nguyễn văn Trung, ấn bản Photocopie. [5] Trích lại trong Những chặng đường đã qua của Nguyễn văn Trung, trang 358. [6] Sau này in lại trong Nhận định 2, trang 30-47 [7] Trong các nhà văn nam giới, Thế Uyên là ngòi viết có ám ảnh tình dục trổi bật. Chỗ nào, bất cứ ở đâu trong một trang sách của ông cũng có vấn đề ấy. Có người đã cất công đi đếm trong một cuốn truyện của ông có bao nhiêu lần tả những xen làm tình. Đã vậy, ông còn dịch cả một bộ Tình dục 4 cuốn. Thế Uyên cũng còn dịch cuốn sách nổi tiếng Exodus, Về miền đất hứa, nội dung nói về dân Do Thái về lại Israel. [8] Trích trong Krisnamurti, Dòng sông Thanh Tẩy, Nguyễn Ước dịch. Trang 471. Nhà Nguồn sống. [9] Bắt đầu từ năm 1960 với những bài trên tờ Văn Đàn của Phạm Đình Khiêm: Nhân đọc bài luân lý và Văn Học của ô. NVT, từ thái độ cởi mở đến sự phủ nhận luân lý trong Văn Học. Bùi Tuân: Lại một trạng thái cuồng loạn phơi bầy trong tiểu thuyết. Nguyễn Đức Trọng: Chúng tôi tố cáo mầm phản lọan trong văn nghệ. Bút nhọn. Hay như Nguyễn Trọng Văn viết: Những con hoang của NVT. Bách Khoa số 264. Trích lại trong Những chặng đường đã qua... của Nguyễn văn Trung, trang 352 [10] Đặc biệt nhất là nhà Lá Bối do nguyên Đại đức Từ Mẫn, tên thật là Võ Thắng Tiết. Thầy là người có lòng, để việc phụng sự văn học nghệ thuật lên trên tiền bạc. Thầy Từ Mẫn đã giúp các nhà văn có nơi xuất bản những đầu sách có giá trị và người đọc có cơ hội đọc những cuốn sách trang nhã, chăm sóc từng chút trong việt trình bầy ấn loát và cả đến nội dung sách. Tất cả sách của Nhất Hạnh đều từ đây mà ra. Nếu không có Lá Bối, những Chiến tranh và Hòa Bình, Chiến Quốc Sách, Sử Ký Tư Mã Thiên, Kiếp người của Sommerset Maugham, Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay và Lối thoát cuối cùng của V. Georghiu sẽ nằm ở đâu? Nếu không có Lá Bối, nhiều sách chắc gì đã có cơ hội ra mắt bạn đọc. Nhất là bộ Chiến tranh và Hòa Bình của Léon Tolstoi. Sau này, ở Hải ngoại, ông tiếp tục làm công tác văn học với nhà xuất bản Văn Nghệ. Nếu cần một vinh danh gì cho 20 năm Văn học dịch nói riêng và Văn học nói chung, có cần nên nhắc đến Võ Thắng Tiết không? Kẻ lót đường cho Văn học miền Nam. [11] Mặc dầu là nhà văn chuyên nghiệp, Võ Phiến cũng đóng góp vào sinh hoạt dịch khá sớm 1963, lúc mà sinh hoạt dịch đang rộ với các cuốn: Hai mười bốn giờ trong đời một người đàn bà (Stéfan Zweig). Các trào lưu lớn của tư tưởng hiện đại (André Maurois). Truyện hay các nước 1 và 2, cùng dịch với Nguyễn Minh Hoàng. Ông chồng muôn thuở (Dostoevsky) [12] Trích Kim Dung giữa đời tôi, quyển thuợng, của Vũ đức Sao Biển trang 8, Nxb Trẻ. Vũ Đức Sao Biển, nay đuợc coi như nhà °Kim Dung Học° ở Việt Nam. Ông có cho xuất bản ba cuốn sách về Kim Dung: Kim Dung giữa đời tôi. Quyển thượng: Kiều Phong, khát vọng tự do. Quyển Trung: Thiên hạ đệ nhất Mỹ Nhân và quyển kết: Thanh Kiếm và cây đàn. Ngay từ trước 75, Đỗ Long Vân, một giáo sư Đại học văn khoa Sàigòn, và đại học Huế xuất thân Sorbonne, bạn học với Nguyên Sa đã viết một bài luận thuyết dài đặc sắc: Vô Kỵ giữa chúng ta hay Hiện tượng Kim Dung. Sau in lại trong cuốn Kim Dung: Tác phẩm và dư luận, Nxb Văn Học. [13] Lấy lại ý của Đỗ Long Vân, trong phần Nghi vấn đạo lý trong Kim Dung. Trích trong Kim Dung, tác phẩm và dư luận, trang 188. Nhà xuất bản Văn Học [14] Hitler và lò thiêu sống dân Do Thái. Dalton, trọn đời chinh chiến. Từ Hy Thái Hậu. Cuộc truy nã tên đồ tể Adolf Eichmann. Cuộc săn tìm vũ khí bí mật của Hitler. Bài học Israel. Tướng độc nhãn Moshe Dayan. Hitler, tội phạm chiến tranh hay là vụ án Nuremberg và cuối cùng đừng quên Nhật Ký của Anne Frank. [15] Trích lại trong 10 câu chuyện văn chương, Nguyễn Hiến Lê, tr 43, nxb Văn Nghệ.