ày xong chưa Quý Báu? Jame Gumb tựa lưng thật thoải mái vào thành giường, con chó xù nhỏ cuốn tròn trên bụng hắn ta. Hắn vừa gội đầu xong nên quấn một khăn tắm quanh đầu. Hắn lục lạo dưới chiếc nệm, tìm thấy cái điều khiển từ xa của đầu mày video và bật cho máy chạy. Hắn đã tạo một băng hình từ hai đoạn phim chép ra từ nhiều nguồn khác nhau. Mỗi ngày hắn đều mở máy lên xem trước khi thực hiện các công việc quan trọng, và luôn trước mỗi lần lột da. Đầu đoạn phim đã trầy xước, lấy từ một đoạn thời sự trắng đen của Movietone năm 1948. Đó là vòng bán kết của cuộc thi Hoa hậu Scramento, một đoạn đường dài dẫn đến việc tuyển chọn Hoa Hậu Hoa Kỳ tại Atlantic City. Đây là lúc trình diễn áo tắm, và các cô gái từng người một bước lên sân khấu, tay cầm bó hoa. Khi nghe đến nhạc, con chó nhìn sang chủ nó, biết rằng hắn sẽ siết nó cho đến nghẹt thở. Nó đã trải qua thời đoạn này không biết là bao nhiêu lần rồi. Các thí sinh đều thuộc vào thời điểm của Thế Chiến Thứ Hai. Có vài khuôn mặt thật đẹp, vài người khác thì đôi chân tuyệt hảo, nhưng da thịt đều thiếu sự săn cứng còn đầu gối thì hơi run. Gumb ôm con chó trong đôi tay. - Quý Báu ơi, bà đó, bà đang đứng đó. Quả nhiên bà đang đứng tại chân cầu thang, trong bộ áo tắm trắng tinh, nở nụ cười thật tươi với người đàn ông trẻ đang giúp bà bước lên các bậc thang, bước đi trên đôi giày cao gót, ống kính đang quay cặp giò của bà. Mẹ đấy. Đó chính là mẹ. Gumb không cần điều chỉnh máy, hắn đã làm đủ mọi thứ cần thiết khi sang băng. Bà mẹ đi ngang sân khấu và ngược lại, bước xuống cầu thang, cười lại với người đàn ông trẻ, đi lên cầu thang lại và mọi thứ bắt đầu lại, đi đến phía trước rồi lui trở lại. Khi cô ta cười với người đàn ông trẻ, Gumb cũng cười theo. Sau đó người ta thấy cô trong một nhóm người, nhưng hình ảnh vẫn mờ và đứng im tại chỗ. Tốt hơn hết nên cho nó qua nhanh để chỉ nhìn thấy thoáng qua thôi. Mẹ và những cô gái khác đang chúc mừng người trúng tuyển. Đoạn sau là vụ sao chép lậu của đài truyền hình cáp trong một khách sạn dọc đường tại Chicago. Hắn phải hối hả đi mua một đầu máy và ở lại thêm một đêm nữa. Đây là đoạn phim kết thúc của một đài phát bằng cáp tồi, phát hình rất khuya, làm ảnh nền cho các quảng cáo khiêu dâm. Đậy là thứ hàng rẻ tiền, những loại phim “mát mắt” không có hại thuộc các thập niên bốn mươi cho đến năm mươi, cộng thêm một trận bóng chuyền trong một trại khỏa thân, và các cảnh ít nhiều rõ nét của các phim khiêu dâm của những năm ba mươi, lúc mà các người đóng phim còn mang mũi giả và vớ. Cuốn băng này gồm đủ thứ linh tinh. Gumb không thể làm gì với các quảng cáo và các hàng chữ chạy trên màn hình. Hắn đành phải chấp nhận thôi. Và đây là một hồ bơi ngoài trời, tại California, nếu căn cứ theo thảm thực vật. Nhiều đồ đạc trong một vườn tuyệt đẹp, thuộc kiểu các năm năm mươi. Nhiều cô gái trần truồng đang bơi lội, vài cô rất duyên dáng. Vài cô đúng ra phải thuộc sêri B mới phải. Tròn trĩnh và linh lợi, họ bước ra khỏi hồ bơi và chạy mau hơn nhạc rất nhiều, leo lên cầu thang của một rãnh trượt. Họ lướt đi trong tiếng cười, hai vú đưa thẳng ra, hai chân khép lại! Là mẹ đấy. Bà nhô ra khỏi mặt nước phía sau một cô gái tóc quăn. Mặt bà phần nào bị che khuất bởi phần quảng cáo của Sinderella, một tiệm bán đồ khiêu dâm, nhưng từ xa người ta vẫn có thể nhìn thấy bà leo lên cầu thang, mình bóng lưỡng vì nước, thật mềm mại, da thịt rắn chắc, với một vết thẹo nhỏ vì phải mổ khi sinh, bà ta lướt trên rãnh trượt. Rất đẹp và dù cho hắn không thấy rõ mặt, từ trong đáy lòng mình, Gumb biết đây là mẹ của hắn được quay phim sau khi hắn gặp bà lần cuối cùng. Dĩ nhiên là trong trí tưởng tượng của hắn thôi. Con chó xù liếc nhìn hắn một khắc trước khi bị siết lại thật mạnh trong đôi tay của hắn. - Này Quý Báu ơi, hãy vào trong vòng tay của mẹ đi. Mẹ sẽ rất đẹp cho mày coi. Có rất nhiều việc phải làm, quá nhiều việc phải làm nếu hắn muốn kịp cho ngày mai. Hắn không bao giờ nghe tiếng động từ nhà bếp dù cái vật đó có hét đến cỡ nào đi nữa. Xin cám ơn Trời, nhưng tại cầu thang của tầng hầm thì có thể nghe được đấy. Hắn chỉ còn biết hy vọng là vật đó đã ngủ rồi. Con chó xù mà hắn đang ôm trên người liền gầm gừ khi nghe những âm thanh phát ra từ cái giếng. - Mày được dạy dỗ tử tế hơn nó nhiều - hắn nói và úp mặt vào lông của nó. Bên trái, ở dưới vài bậc thang, có một cánh cửa ngăn cái giếng. Hắn không buồn nhìn về hướng đó và không thèm nghe những tiếng được phát ra từ miệng giếng. Đối với hắn, đó không phải là tiếng Anh. Gumb bước vào trong xưởng, bỏ con chó xuống đất và bật đèn sáng. Vài con bướm đêm bay phấp phới và cuối cùng đậu trên các lưới bao quanh các đèn trần. Trong xưởng, hắn rất tỉ mỉ. Hắn luôn pha các loại thuốc trong vật dụng bằng inox, không bao giờ sử dụng loại bằng nhôm. Hắn đã học cách pha chế mọi thứ từ trước. Trong lúc làm việc, hắn tự khích lệ. Phải có phương pháp, phải chính xác, mày phải khẩn trương lên bởi vì mày sẽ gặp rắc rối to đấy. Da người nặng lắm, từ mười sáu cho đến mười tám phần trăm trọng lượng cơ thể và nó tuột trong các ngón tay. Toàn bộ miếng da rất khó thao tác và dễ dàng tuột nếu còn ướt. Thời gian cũng là yếu tố quan trọng: da bắt đầu co lại ngay khi người ta đã lột nó ra khỏi cơ thể, nhất là đối với những người trung niên vì thớ da rất săn chắc. Thêm vào đó, nó không hoàn toàn co dãn, kể cả của một người trẻ. Nếu kéo nó căng quá, nó không bao giờ trở lại hình dáng cũ. Nếu mày đang may nó và kéo căng nó một chút, nó sẽ nhăn liền. Dù cho mày có khóc khô hết nước mắt đi nữa, nó cũng sẽ không bao giờ thẳng được. Vả lại còn vấn đề bộ ngực và mày nên biết chính xác cặp vú phải nằm chỗ nào. Da người không thể được kéo ra mọi phía, nếu không các chất collagen và sớ thịt sẽ bị rách, kéo không đúng hướng, nó sẽ rạn ngay. Không thể làm gì với một bộ da quá mới. Chắc hắn đã phải thử nghiệm rất nhiều lần trong sự hồi hộp, trước khi tìm được cái kỹ thuật đúng nhất. Cuối cùng, hắn phải nhìn nhận rằng không gì bằng các phương pháp cổ điển. Đây là cách mà hắn tiến hành: trước hết phải ngâm toàn bộ miếng da trong các bồn chứa đầy các loại thảo mộc do các thổ dân Châu Mỹ chế biến, các chất thiên nhiên không chứa đựng muối khoáng. Sau đó hắn áp dụng phương pháp cho phép hắn có được một miếng da đanh tuyệt hảo của vùng Tân Thế Giới, mềm mại như bơ, phương pháp thuộc da bằng óc người. Người thổ dân tin rằng trong mỗi con vật có một bộ não đủ để thuộc bộ da của người đó. Kinh nghiệm đã dạy cho hắn đièu này không đúng, ngay đối với các linh trưởng bậc cao. Hắn có nguyên cả một tủ đông lạnh óc bò, vì thế hắn không bao giờ thiếu nguyên liệu này. Thuộc da không có trở ngại nào vì thực hành đã biến hắn thành một chuyên gia. Còn lại các vấn đề khủng khiếp của việc tạo ra hình thể, nhưng về mặt này, hắn cũng có đủ khả năng để lý giải chúng. Xưởng này nhìn ra một hành lang dẫn đến một phòng tắm được cải tạo, nơi hắn cất cái ròng rọc và hệ thống đồng hồ, từ đó đến một nhà xưởng rộng rồi đến một mê cung tối đen trải dài thật xa. Hắn mở cánh cửa nhà xưởng có đèn sáng trưng, gồm cả đèn chiếu và đèn huỳnh quang “loại ánh sáng ngày”, được gắn trên các đà ngang. Nhiều hình nhân được đặt trên một bệ bằng gỗ sồi. Chúng có trên mình vài quần áo, có cái bằng da, vài cái khác bằng mousseline để làm mẫu. Có tất cả tám hình nhân được phản chiếu trong hai tấm gương thật lớn thật đẹp gắn trên tường. Một bàn trang điểm với đủ loại mỹ phẩm và nhiều bộ tóc giả với vài cái có hình nón. Đây là xưởng làm việc sáng nhất toàn màu trắng và gỗ sồi màu vàng nhạt. Các hình nhân mặc toàn những hàng hiệu đang trong thời kỳ thực hiện, nhất là hiệu Armani rất thịnh hành bằng da dê đen, với nhiều nếp gấp hình ống, các vai độn và mảnh vải ngực. Trên bức tường thứ ba có một bàn thợ, hai máy may, hai hình nhân của thợ may nữ và một của thợ may nam, đặt theo kích thước bộ ngực của Jame Gumb. Sát bức thứ tư và nhìn xuống cả gian phòng, có một tủ đen bằng sơn mài Trung Quốc, rất xưa, cao khoảng hai thước rưỡi gần đụng trần nhà. Hình trang trí đã phai mờ ngoại trừ vài cái vảy màu vàng, những gì còn lại của một con rồng với con mắt sáng linh lợi và cái lưỡi đỏ chót của một con thứ hai mà thân hình không còn chút gì. Dù bị rạn nứt, lớp sơn mài vẫn còn rất tốt. Cái tủ rộng lớn và sâu này không liên quan gì với công việc có thu lợi của hắn. Nó chứa đựng những Thứ Đặc Biệt, được máng trên các hình dạng và móc áo còn cửa thì lúc nào cũng được khóa. Con chó con uống nước trong cái tô nhỏ để trong góc nhà và nằm xuống chân các hình nhân, chăm chú nhìn hắn. Hắn đang làm một áo blouson bằng da. Đúng lý ra hắn phải hoàn tất nó rồi, nhưng hắn đang trong cơn sốt sắng tạo và cái mẫu bằng mousseline chưa làm cho hắn thật sự hài lòng. Gumb đã tiến bộ rất nhiều kể từ khi hắn thực tập tại trại cải tạo ở California, nhưng thứ này mới thật sự là một thách thức. Làm việc trên da dê đòi hỏi một tay nghề thật vững chắc. Tại đây có hai mẫu bằng mousseline, giống như kiểu áo gilê trắng, một theo kích cỡ của hắn còn cái kia hắn may theo vóc dáng của Catherine Baker Martin, được đo trong lúc cô ta bất tỉnh. Khi hắn đặt cái nhỏ lên cái áo của hắn, các vấn đề liền xuất hiện. Cô ta là một thiếu nữ to lớn và khỏe mạnh, rất cân đối, nhưng vai cô ta không rộng và da thịt chắc như của hắn. Lý tưởng nhất là một áo cánh không đường may, nhưng điều này không thể. Tuy nhiên hắn vẫn quyết định là thân trước sẽ không có và nó sẽ tuyệt vời. Tất cả mọi sửa đổi đều phải được thực hiện ở phía sau. Vô cùng khó đấy. Hắn đã vứt một mẫu rồi. Khi kéo dãn thật tấm da, hắn có thể giải quyết được vấn đề với hai phần xếp nếp dưới cánh tay, mấy miếng, hình tam giác với đầu hướng xuống dưới. Hai cái khác ở vùng hông ở phía sau lưng, khoảng ngang tầm của lưng. Hắn có thói quen chỉ chừa có vài ly cho đường may. Ngoài những gì nhìn thấy được, còn phải kể đến xúc giác; có thể một người nào đó sẽ ôm trong vòng tay của mình một người khêu gợi đến thế. Gumb rắc một ít phấn tan trong lòng bàn tay và ôm lấy cái hình nhân. - Hôn em một cái đi - hắn nói bằng một giọng bông lơn và nhìn ngay chỗ mà đúng ra là đầu của hắn. - Không phải mày đâu, con ngốc - Con chó liền vểnh tai lên. Gumb vuốt ve lưng của hình nhân. Sau đó hắn đi vòng qua để nhìn các dấu tay của hắn. Không một người nào lại thích vuốt ve một hình nhân cả. Khi ôm một người nào đó, người ta hay choàng hai tay ra ngay giữa lưng, hắn lý luận như thế. Không khó chịu lắm đâu khi có một cái gì đó không cân đối, nhưng các đường may trên vai như thế là không thể nào được cả. Một đường xếp ở ngay giữa trên là giải pháp, hơi trịt xuống dưới bả vai một chút. Hắn có thể sử dụng đường may để cố định vải lót. Mấy vạt can bằng lycra dưới các túi nhỏ ở hai bên, hắn không được quên mua vải lycra, và một băng dán velcro để đóng nắp túi bên phải. Hắn mơ tưởng đến những chiếc áo dạ hội lộng lẫy của Charles James, mà các đường chỉ được may theo chặng để cho có vẻ thẳng thớm. Nếp gấp ở sau lưng sẽ được giấu dưới bộ tóc của hắn, mà nói cho đúng, là bộ tóc hắn sẽ có sau này. Gumb tháo các miếng mẫu ra và bắt tay vào việc. Cái máy may này rất cũ nhưng được thiết kế thật hoàn hảo, là loại dùng bàn đạp được đổi qua sử dụng điện hồi bốn mươi năm về trước. Trên thân máy có một hàng chữ được viết bằng tay “Tôi là người đầy tớ không biết mệt mỏi”. Gumb dùng bàn đạp để cho máy hoạt động. Đối với một sản phẩm tinh xảo như thế này, hắn thích để đôi bàn chân trần để ấn thật nhẹ lên bàn đạp, các ngón chân để ngay bìa bàn đạp để tránh các cuộc tăng tốc không mong muốn. Trong một lúc lâu, người ta nghe ở dưới tầng hầm chỉ có tiếng máy may, tiếng gầm gừ của con chó nhỏ và tiếng rì rì của các ống nước sưởi ấm. Khi hắn gắn xong các gấp nếp vào trong áo mousseline, hắn mặc thử trước cái gương. Trong góc kẹt, con chó ngẩng đầu lên nhìn hắn. Phải cho những chỗ khoét nách rộng hơn nữa, và còn vấn đề vải trang trí và lớp lót. Ngoài các thứ đó ra, cái áo đẹp vô cùng. Mềm mại, không gãy, rất linh hoạt. Hắn đang mơ tưởng đến cảnh hắn trèo lên rãnh trượt, nhanh lên, nhanh lên. Gumb đùa nghịch với các đèn chiếu và các bộ tóc giả để tạo vài hiệu ứng thật ngoạn mục, xong hắn mang thử xâu chuỗi tuyệt đẹp bằng vỏ sò. Nó tạo một hiệu quả lạ kỳ với cái áo hở cổ hoặc với chiếc áo tiếp viên mà hắn sẽ mặc trên phần ngực mới của hắn. Hắn không thể cưỡng lại việc muốn làm cho hết công việc ngay bây giờ, một công việc hết sức nghiêm túc, nhưng mắt của hắn đã mỏi rồi. Vả lại tay của hắn không được run và hắn cũng chưa chuẩn bị tinh thần để đối đầu với sự huyên náo cái vật đó đang gây ra. Thật kiên nhẫn, hắn lượt trước các đường may và ghim các miếng vải vào. Một rập khuôn thật hoàn hảo mà người ta có thể bắt chước kiểu. - Quý Báu ơi, ngày mai mới được - hắn nói với con chó nhỏ, và để mấy bộ óc bò ra ngoài để xả đông - Đây là công việc mà chúng ta sẽ làm trước hết vào sáng mai. Mẹ sẽ đẹp lắm. 2 Clarice ngủ như chết suốt năm giờ liền và ngay giữa đêm, cô giật mình thức giấc vì cơn ác mộng. Cô cắn góc khăn trải giường và ép hai lồng bàn tay đẫm mồ hôi lên chiếc gối. Chưa tin chắc là mình đã thức dậy rồi và thoát khỏi cơn hoảng sợ. Sự im lặng, không có tiếng cừu kêu la. Đến chừng đó tim cô mới trấn tĩnh lại, nhưng chân cô không thể nào cứ để dưới cái mền nữa. Cô sắp sửa hăng máu lên đây. Thật nhẹ người, khi cô cảm nhận cơn giận bừng bừng chiếm lấy chỗ của nỗi sợ hãi. - Thật điên rồ - cô thốt lên và bỏ một chân ra khỏi giường. Trong suốt cả ngày qua, lúc thì cô bị Chilton ngăn cản lại; lúc thì bị bà Thượng nghị sĩ Martin chửi mắng, bị Krendler bỏ rơi và khiển trách, bị Bác sĩ Lecter loại bỏ và nản lòng vì sự đào thoát đẫm máu của ông ta, và để kết thúc được Crawford khuyên cứ tiếp tục. Mà điều làm cô tổn thương hơn mọi thứ trên đời: bị xem là một đứa ăn cắp. Bà Thượng nghị sĩ Martin là một bà mẹ bị một áp lực nặng nề và không muốn thấy cảnh sát sờ mó vào đồ dùng của con bà. Bà không thật sự phán đoán Clarice. Khi còn nhỏ, người ta đã dạy cô rằng ăn cắp là hành vi bỉ ổi nhất, ngay sau hiếp dâm và giết người vì tiền. Người ta còn cho vài cách giết người nào đó còn đáng ưa hơn. Là học sinh nội trú trong các trường học mà những ước muốn lại nhiều hơn cách thỏa mãn chúng, cô lần hồi đã học được cách thù ghét việc trộm cắp. Nằm trong bóng tối, cô phải nhìn nhận rằng nếu lời ám chỉ của bà Thượng nghị sĩ đã làm cho cô rối loạn đến thế thì đó là vì một lý do khác. Clarice biết ông Lecter quỷ quyệt sẽ nói gì và đúng là như thế; cô sợ bà Thượng nghị sĩ Martin nhận thấy ở cô một cái gì đó tầm thường, hẹp hòi, buộc bà phải nghi cô ăn cắp. Bác sĩ Lecter sẽ vui mừng khi nhận thấy mối hận thù giai cấp, sự phẫn nộ chôn kín được nuôi dưỡng cùng một lúc với sữa mẹ cũng phải được lưu ý đến. Clarice không hề thua kém gì Ruth Martin về học vấn, trí thông minh, sự năng động và chắc chắn là không về hình thể, nhưng cô biết rõ vẫn có một cái gì đó. Clarice thuộc một dòng dõi dữ dằn mà với chỉ cái phả hệ thôi cũng là một danh sách dài của huy chương quân đội và chính trị gia. Bị trục xuất khỏi xứ Scotland lên, đuổi khỏi Ireland vì đói khát, không ít người trong số họ buộc phải làm nhiều nghề nguy hiểm. Rất nhiều thành viên của dòng họ Starling đã biến thành như thế; người ta đã xui khiến, thúc đẩy họ đến bước đường cùng, người ta đã lôi kéo họ đến vinh quang trong tiếng quân nhạc điên cuồng, trong giá lạnh trong khi họ chỉ ước muốn có mỗi một điều là được về nhà thôi. Trong những đêm tại câu lạc bộ, nhiều sĩ quan đã nhắc đến vài người mà nước mắt rưng rưng, như một người say rượu nhớ đến một con chó săn giỏi vậy. Trong số đó không một người nào tỏ ra đặc biệt thông minh. Trong một chừng mực nào đó thì Clarice có thể nhớ được, ngoại trừ một bà cô là chủ một tờ báo nổi tiếng cho đến ngày bà chết vì chứng xuất huyết não. Nhưng họ tuyệt đối không bao giờ biết trộm cắp. Tại Hoa Kỳ, điều quan trọng nhất là trường học, có phải không, và dòng họ Starling đã thấu hiểu điều này. Một người cậu của Clarice còn cho khắc cái bằng cấp đại học duy nhất của mình trên bia mộ. Từ nhiều năm rồi, Clarice không hề sống ở đâu khác ngoài các trường học, không một vũ khí nào khác hơn là sự tranh đua trong học tập. Cô biết cô có thể thoát ra được. Cô vẫn sẽ là người từ ngày cô hiểu được cơ chế của nó: được công nhận đứng đầu lớp học, được thu nhận, được tuyển chọn chứ không phải bị loại trừ. Chỉ cần làm việc hết mình và chú ý một chút. Điểm của cô rất tốt. Người giáo viên thể dục sẽ không hạ được cô đâu. Tên cô sẽ được khắc trên tấm bảng vàng lớn trong hành lang vì những thành quả xuất chúng của cô tại trường bắn. Trong bốn tuần nữa, cô sẽ trở thành nhân viên đặc biệt của FBI. Có lẽ nào suốt đời mình, cô luôn phải dè chừng những người như tên khốn Krendler đó? Trước mặt bà Thượng nghị sĩ, ông ta không hề làm bất cứ điều gì để bênh vực cô. Mỗi lần Clarice nghĩ đến điều đó làm cô đau nhói. Ông ta không chắc tìm được bằng chứng trong cái bao thư đó. Thật quá đáng. Khi nghĩ đến Krendler, cô lại nghĩ đến ông thị trưởng, người sếp của cha cô, đến lấy lại cái thiết bị tại bệnh viện. Tệ hơn là sự tín nhiệm mà cô dành cho Jack Crawford đã giảm thiểu rất nhiều. Đành rằng người đàn ông này đã phải chịu một sức ép khủng khiếp, nhưng ông đã bắt cô đến điều tra chiếc xe hơi của Raspail mà không một sự hỗ trợ nào, không một chút uy quyền nào. Dĩ nhiên cô đã thi hành trong các điều kiện đó: vì đây là một cơ hội không thể tin được. Nhưng đúng ra Crawford phải tiên đoán cô sẽ gặp rắc rối khi bà Thượng nghị sĩ Martin nhìn thấy cô tại Memphis, cho dù cô không tìm được những tấm ảnh dâm ô đó. Catherine Baker Martin đang chìm trong bóng tối giống như thứ đang đè nặng trên vai cô. Vì quá lo nghĩ đến chính số phận của mình, cô đã phần nào quên mất cô gái này. Hình ảnh của những ngày sau cùng đã chê trách sự khiếm khuyết này, hiện lên trong đầu của Clarice trong các ánh màu rực rỡ, quá sáng chói, những ánh màu ghê tởm như những tia sáng lóe lên từ trong bóng đêm của một cơn bão tố bột phát lúc giữa đêm. Bây giờ chính Kimberly đang ám ảnh cô. Cái xác đẫy đà của Kimberly, từng xỏ lỗ tai để trở nên xinh đẹp hơn và dành dụm tiền để loại bỏ lông chân. Kimberly không còn tóc nữa. Kimberly người chị em của cô. Clarice nghĩ chắc Catherine không bỏ ra nhiều thời giờ như Kimberly. Một khi lột bỏ hết mọi thứ, họ là chị em. Kimberly, nằm dài trên cái bàn trong nhà tang lễ trước ánh mắt của vô số cảnh sát. Clarice không thể chịu đựng được những hình ảnh đó. Cô xoay mặt qua một bên như một người bơi lội đang cố thở vậy. Tất cả các nạn nhân của Buffalo Bill là phụ nữ, nỗi ám ảnh của hắn là phụ nữ, hắn chỉ sống để săn đuổi đàn bà. Và không người đàn bà nào lại chịu bỏ công ra truy bắt hắn. Không một điều tra viên nữ nào chịu bỏ thời giờ ra để nghiên cứu trường hợp của hắn. Clarice tự hỏi không biết Crawford có đủ can đảm yêu cầu sự trợ giúp của cô không, khi ông buộc phải lo vụ cái xác của Catherine. Bill sẽ làm chuyện đó trong ngày mai, ông ta đã tiên đoán như thế. Sẽ làm điều đó, sẽ làm điều đó. - Mẹ kiếp, không được làm điều đó - cô thốt lên và bỏ một chân xuống đất. - Mày đang làm biến chất một tên ngu xuẩn đáng thương. - Ardelia Mapp nói. - Mày đã lén đưa ông ta vào đây trong lúc tao đang ngủ và bây giờ mày ban chỉ thị, mày tưởng là tao không nghe được phải không? - Xin lỗi mày nghe, tao không muốn... - Mày phải minh bạch hơn với bọn họ mới được, Clarice. Cũng giống như các phóng viên vậy, phải nói với họ cái gì, khi nào, ở đâu và tại sao. Và tao nghĩ mày không cần giải thích tại sao một khi các sự kiện đã khởi sự. - Mày có quần áo giặt không? - Tao nghĩ đã nghe mày hỏi có quần áo giặt không. - Đúng vậy, bây giờ tao đi giặt đồ, mày nói đi có không? - Chỉ hai áo thun ở phía sau cánh cửa đó. - Được rồi, nhắm mắt lại đi, tao bật đèn đây. Clarice lấy các tờ ghi chép nhét vào trong giỏ quần áo để đi xuống hầm giặt đồ. Cô lấy hồ sơ của Buffalo Bill, một chồng những điều kinh hãi và đau khổ dày hơn mười phân trong một bìa da nai, được in bằng chữ đỏ như máu, cùng bản sao báo cáo của cô về con bướm đầu lâu. Cô buộc phải giao nộp nó vào sáng mai và nếu cô muốn cho bản này hoàn chỉnh, cô phải đính kèm thêm tập báo cáo của cô vào. Một khi trong không khí ấm áp của hầm giặt đồ, được vững lòng bởi tiếng rì rào của máy, cô tháo sợi dây thun bọc quanh hồ sơ. Cô trải hết các trang giấy trên tấm ván xếp quần áo và cố nhét tập báo cáo của cô vào mà không dám nhìn bất cứ một tấm hình nào hết, không nghĩ đến những cái sẽ được bổ sung vào trong đó. Tấm bản đồ nằm ngay ở trang đầu, như thế sẽ hay hơn, nhưng trên đó có được viết cái gì đó. Chữ viết thảo của Bác sĩ Lecter nằm ngang vị trí các hồ lớn. Này Clarice, có phải sự rải rác ngẫu nhiên của các nơi xảy ra trọng án không làm cho cô cảm thấy quá đáng hay sao? Có thể nào điều đó không thể gì khác hơn là ngẫu nhiên sao? Sự ngẫu nhiên này cuối cùng rồi có dẹp bỏ bất cứ mọi cân nhắc thực tiễn nào không? Điều này không làm cô nghĩ đến những dụng công của một tên nói láo vụng về à? Cảm ơn. Hannibal Lecter T.B. Không cần lật các trang sau đâu, không có gì khác hết Tuy nhiên Clarice vẫn lật các trang sau suốt hai mươi phút để cho chắc chắn là đúng như thế. Bằng máy trả tiền trong hành lang, cô gọi điện thoại trực tiếp và đọc tin nhắn này cho Burroughs. Cô tự hỏi không biết có khi nào ông này ngủ không nữa. - Starling ơi, tôi phải nói thật với cô rằng hiện giờ các thông tin của Lecter không còn chút giá trị nào cả. Thế Jack có gọi cho cô về Bill Rubin chưa? - Chưa. Cô tựa vào vách, mắt lại nhắm trong khi ông ta cắt nghĩa cho cô hiểu lời nói đùa của Bác sĩ Lecter. - Tôi không biết nữa - Ông kết luận. - Jack nói họ tiếp tục với các bệnh viện cho các tên chuyển đổi giới tính, nhưng ông ta còn tin nữa không? Nếu cô kiểm tra lại trong điện toán, nếu cô phân tích cách mà người ta nạp vào các dữ liệu được thảo thì cô sẽ nhận thấy tất cả các thông tin do Lecter cung cấp đều có những từ đặc biệt. Cô không được để ý đến những gì ông ta đã nói với cô tại Baltimore và cả những gì người ta đã thu thập được tại Memphis. Đó là điều mà Bộ Tư Pháp mong muốn. Tôi có tại đây một báo cáo đề nghị việc con côn trùng được tìm thấy trong cuống họng của Klaus, phải được coi như là “một vật trôi dạt”. - Nhưng dù sao ông cũng chuyển cái đó cho Crawford chứ? - Đương nhiên, tôi sẽ cho nó lên màn hình của ông ta, nhưng chúng tôi chưa gọi cho ông ta ngay. Cả cô cũng thế. Bella vừa qua đời. - Ồ - Clarice thốt lên. - Cô hãy nghe đây, điều chắc chắn là các nhân viên của chúng ta đã kiểm tra lại phòng giam Lecter. Anh chàng Barney có giúp họ. Họ đã tìm thấy dấu vết của đồng thau trên một con bù lon của chân giường, và ông ta đã chế tạo cái chìa khóa còng tại đây. Can đảm lên, cô em. Cô sẽ vượt qua tất cả chuyện này, trong trắng như con cừu mới sinh vậy. - Cảm ơn ông Burroughs, chúc ông ngủ ngon. Như con cừu... Mặt trời vừa mọc lần cuối cùng trong cuộc đời của Catherine Martin. Không biết ông Lecter muốn ám chỉ gì nữa? Người ta không biết những gì ông đang nghĩ trong đầu. Lần đầu tiên cô đưa hồ sơ cho ông ta, cô tưởng ông ta sẽ thích thú với các tấm ảnh và dùng các báo cáo để làm cơ sở cho những gì ông sẽ nói về Buffalo Bill. Có thể ông đã nói dối với cô ngay từ lúc đầu, như đối với bà Thượng nghị sĩ Martin. Có thể ông ta không biết một chút gì về Buffalo Bill và cũng không hiểu được hắn. Tuy nhiên ông ta thật sáng suốt, ông ta soi thấu tim gan mình một cách đáng nể. Thật không dễ dàng khi phải chấp nhận việc một người không muốn làm điều tốt với mình lại hiểu mình rõ như thế. Clarice còn trẻ và điều này không thường xảy đến với cô. Không thể nào khác hơn là ngẫu nhiên, Bác sĩ Lecter nói như thế. Clarice, Crawford và vài người nữa đã xem xét thật kỹ các điểm trên bản đồ, đánh dấu những nơi xảy ra các vụ bắt cóc và và những nơi mà người ta tìm thấy mấy cái xác. Dưới mắt của Clarice, nó giống như một chòm sao đen mà mỗi ngôi sao có mang ngày tháng; cô biết tại Khoa nghiên cứu thái độ người ta cũng đã nghĩ đến việc xếp chồng chúng lên các cung của Hoàng Đạo, nhưng vẫn không có kết quả nào. Nếu Bác sĩ Lecter đọc sách để tiêu khiển, thì tại sao ông lại bỏ phí thời giờ để xem tấm bản đồ kia chứ? Cô tưởng tượng cảnh ông ta lật từng trang hồ sơ rồi sẽ vui đùa với cách hành văn của những người viết được quá đi chứ. Những nơi bắt cóc và những chỗ bỏ xác không hình thành một cấu trúc không gian hoặc có một ý nghĩa tạm thời nào đó, bởi vì giữa những chỗ đó không hề có mối liên quan thuận tiện nào, không có bất kỳ một sự trùng hợp nào với các ngày được quy định của nghề nghiệp, với sự gia tăng các vụ trộm, vụ đánh cắp quần áo đang phơi hoặc những tội phạm khác liên quan đến sự bái vật. Máy ly tâm đang vắt khô quần áo, Clarice cho ngón tay di chuyển trên bản đồ. Vụ bắt cóc xảy ra tại đây và người ta tìm thấy cái xác tại đây. Vụ bắt cóc thứ nhì ở tại đây và cái xác thứ hai nằm ở đây. Ở đây là chỗ thứ ba và... nhưng các ngày tháng không tương ứng hoặc giả... không, cái xác thứ nhì được tìm thấy trước tiên. Sự kiện này đã được ghi chú bằng một tuồng chữ lem luốc ngay tại vị trí trên bản đồ. Người ta đã tìm thấy trước nhất cái xác của nạn nhân thứ nhì, trôi bồng bềnh trên sông Wabash, ở phía hạ lưu thành phố Lafayette, Indiana, ngay dưới quốc lộ 65. Người thiếu nữ đầu tiên bị mất tích tại thành phố Belvedere, bang Ohio, gần Colombus, và xác cô ta được tìm thấy cách rất xa nơi đó. Xác thứ hai được ném xuống sông Blackwater, Missouri, không xa Lone Jack. Người ta đem cân cái xác. Trong khi tất cả các xác khác không hề được cân. Xác thứ nhất được dằn đá trước khi được ném xuống sông tại một vùng hẻo lánh. Buffalo Bill đã ném cái xác thứ hai ở phía thượng lưu của một thành phố và dĩ nhiên người ta đã mau chóng tìm ra nó. Tại sao? Hắn đã giấu thật kỹ cái xác thứ nhất còn cái thứ hai thì không. Tại sao? Vậy “không thể nào khác hơn là ngẫu nhiên” mang ý nghĩa gì chứ? Cái trước tiên, “trước tiên”. Bác sĩ Lecter đã nói từ này. Trong bối cảnh nào chứ? Clarice đọc lại các ghi chép mà cô nguệch ngoạc lúc trên phi cơ đưa cô về Memphis. Bác sĩ Lecter nói có khá nhiều dấu vết trong hồ sơ để định vị tên giết người. “Sự dễ hiểu”, ông nói. Tôi cần “cái đầu tiên”, thế nó đang ở đâu? Tại đây này... “Các nguyên lý đâu tiên” rất quan trọng. “Các nguyên lý đầu tiên”, khi ông ta nói những từ này, người ta có thể nghĩ đây chỉ là một trong các lời khoác lác vô nghĩa khác nữa mà thôi. Hắn đã làm gì Clarice? Điều đầu tiên, điều chủ yếu mà hắn làm? Một nhu cầu thỏa mãn nào buộc hắn phải giết người? Hắn ham muốn. Thế sự ham muốn được khởi đầu bằng cái gì? Chúng ta bắt đầu ham muốn những gì chúng ta thấy hàng ngày. Thật dễ dàng khi nghĩ đến những lời nói của Bác sĩ Lecter khi cô không cảm nhận cái nhìn của ông trên da thịt cô. Quả rất dễ dàng tại đây, trong căn cứ rất an toàn ở Quantico này. Nếu chúng ta bắt đầu ham muốn những gì chúng ta thấy hàng ngày, có thể Buffalo Bill không nghĩ đến việc giết người, như hắn đã làm lần đầu? Có thể nào hắn đã làm việc này với một người hàng xóm láng giềng? Có thể nào vì thế mà hắn giấu thật kỹ cái xác đầu tiên và quá sơ sài cái thứ hai? Có thể hắn đã bắt cóc người thứ hai cách thật xa nhà hắn và vứt nó ở nơi mà người ta sẽ nhanh chóng tìm thấy nó, bởi vì ngay từ đầu, hắn muốn tạo ấn tượng là các vụ bắt cóc được thực hiện một cách ngẫu nhiên? Khi Clarice nghĩ đến các nạn nhân, chính Kimberly Emberg luôn là người cô nghĩ trước nhất, vì cô thấy xác cô ta, và trong một khía cạnh nào đó, cô có tham dự vào cái chết này. Xem nào, người đầu tiên là Fredrica Bimmel, hai mươi hai tuổi, từ Belvedere, Ohio, và có hai tấm hình của cô ta. Trên thẻ sinh viên, cô ta có vẻ là một thiếu nữ to con không nhan sắc nhưng nước da hồng hào và mái tóc thật dày. Trên bức thứ hai chụp tại nhà xác Kansas City, cô không còn gì là người cả. Clarice gọi điện lại cho Burroughs. Giọng ông ta hơi khàn nhưng ông vẫn lắng nghe. - Thế nào Starling, cô muốn nói gì với tôi đây? - Cô thể hắn sống tại Belvedere, Ohio, nơi cư trú của nạn nhân thứ nhất. Có thể hắn đã nhìn thấy cô ta hàng ngày và giết cô ta mà không dự tính. Có thể hắn chỉ muốn mời cô ta uống... một chai Coca và nói chuyện về Đội hợp xướng. Vì thế hắn mới giấu thật kỹ cái xác này, còn nạn nhân thứ hai bị hắn bắt cóc cách xa nhà của hắn để cho người ta tìm thấy trước để loại bỏ sự nghi ngờ về thành phố của hắn. Ông cũng biết người ta thường không quan tâm đến một lời khai mất tích và người ta chỉ bị lôi cuốn khi tìm thấy một cái xác. - Này Starling, các kết quả sẽ hiệu quả hơn các dấu vết còn mới, các nhân chứng còn nhớ được và... - Đó là điều tôi muốn nói. Hắn biết điều đó. - Thí dụ ngay lúc này đây, người ta không thể nhảy mũi trong thành phố quê hương của Kimberly Emberg mà cảnh sát không ập đến ngay. Người ta không còn quan tâm đến cô ta kể từ khi con bé Martin đã mất tích. Đột nhiên cảnh sát dồn hết lực lượng vào vụ án. Và đương nhiên tôi không hề nói gì với cô. - Thế ông có nói lại những gì tôi vừa nói với ông về cái thành phố đầu tiên cho ông Crawford không? - Có chứ. Tôi sẽ chuyển lại cho tất cả mọi người trên đường dây ưu tiên. Tôi nghĩ đó là một ý tưởng rất hay. Nhưng mà Clarice, thành phố đó đã được kiểm soát rất kỹ kể từ khi người thiếu nữ, mà cô ta tên gì nhỉ, hình như là Bimmel thì phải, đúng rồi, kể từ khi cô gái đó được nhận diện. Văn phòng tại Colombus đã thụ lý nội vụ cùng nhiều cảnh sát địa phương. Trong hồ sơ có đủ mọi chi tiết. Tôi e rằng Belvedere hay bất cứ giả thuyết nào của Lecter cũng không còn làm cho người ta quan tâm nữa hết. - Tất cả những... - Starling, nhân danh Bella, chúng tôi sẽ gởi một quà tặng cho Unicef. Nếu cô muốn chúng tôi sẽ điền tên cô vào trong danh sách. - Được chứ, cảm ơn ông Burroughs. Clarice lấy hết quần áo ra khỏi máy và ôm đống đồ còn nóng vào trong lòng. Mẹ cô với chồng khăn trải giường trên tay. Hôm nay là ngày cuối cùng của Catherine. Con quạ khoang đen trắng ăn cắp đồ đạc trên chiếc xe đẩy. Không thể nào có mặt cùng một lúc trong phòng và ở ngoài để đuổi nó. Hôm nay là ngày cuối cùng của Catherine. Thay vì sử dụng đèn chớp, cha cô lại đưa tay ra ngoài khi quẹo ra xa lộ. Mỗi khi cô chơi ngoài sân, cô cứ nghĩ với cánh tay to lớn đó, ông chỉ dùng để cho xe quẹo mà thôi. Khi Clarice đã quyết định, vài giọt nước mắt trào ra, cô chùi mặt trên đống quần áo nóng. 3 Crawford bước ra khỏi nhà tang lễ và đưa mắt tìm xe. Và ông nhìn thấy Clarice đang đứng chờ dưới mái hiên, mặc đồ màu đen, dáng vẻ rất thật trong ánh sáng ban ngày. - Xin ông để tôi tiếp tục - cô nói. Crawford vừa chọn quan tài cho vợ và xách trong một túi giấy đôi giày của Bella mà ông lấy nhầm. Ông phải trấn tĩnh lại mới được. - Xin ông thứ lỗi cho việc tôi đến đây vì tôi không còn cách nào khác để tiếp xúc được ông. Xin ông cứ để tôi tiếp tục. Crawford thọc hai tay vào túi và xoay cổ qua lại cho đến khi nó cao hẳn lên. Đôi mắt ông sáng rực, có vẻ nguy hiểm. - Tại sao? - Ông phái tôi đến Memphis để tìm hiểu thêm về Catherine Martin, bây giờ tôi xin ông để tôi điều tra thêm về những người kia nữa. Chúng ta phải tìm ra cách hắn săn gái. Cách hắn tìm ra, cách hắn bắt cóc họ. Tôi cũng không thua kém gì những nhân viên khác của ông, có khi còn giỏi hơn. Tất cả nạn nhân đều là phụ nữ và không một nhân viên nữ nào phụ trách công việc điều tra. Mỗi khi tôi bước vào phòng của một phụ nữ, tôi biết nhiều chuyện gấp ba lần một người đàn ông về vấn đề đó và ông cũng biết chuyện ấy đúng. Ông cho phép tôi tiếp tục đi. - Và cô chấp nhận một khóa đào tạo khác à? - Phải. - Nó có nghĩa là sẽ mất toi sáu tháng. Cô không trả lời. Crawford dậm chân lên một bụi cỏ. Ông ngước mắt nhìn cô, nhìn cái đồng cỏ xa xăm trong đôi mắt ấy. Cô có nghị lực, như Bella vậy. - Vậy cô muốn bắt đầu từ ai? - Người đầu tiên, Fredrica Bimmel, Belvedere Ohio. - Chứ không phải từ Kimberly Emberg, người mà cô đã thấy sao? - Hắn không bắt đầu từ cô ấy. Nêu Lecter ra à? Không, ông sẽ thấy việc đó trên màn hình ông ta. - Emberg là một sự lựa chọn vì cảm xúc, có phải không Starling? Chi phí công tác sẽ được hoàn trả cho cô. Cô có tiền trong người không? Ngân hàng chỉ mở cửa trong một giờ nữa. - Tôi còn một ít trong thẻ Visa của tôi. Crawford lục túi của mình, đưa cho cô ba trăm đôla giấy và một ngân phiếu đề tên cô. - Lên đường đi, Starling. Chỉ người đầu tiên thôi. Hãy báo cáo về cho tôi bằng đường dây ưu tiên. Nhớ gọi cho tôi đấy nhé! Cô đưa cánh tay lên, nhưng không bắt tay hoặc chạm vào mặt ông ta, ông có vẻ xa vời quá, rồi quay người lại, bỏ chạy về chiếc Pinto của mình. Crawford đứng đó nhìn cô nổ máy xe. Ông đã đưa hết cho cô tiền ông có trong người. - Em Bella bé bỏng của tôi cần một đôi giày mới, nhưng giờ đây em không cần nữa. - Ông đứng đó, ngay trên lề đường, nước mắt chảy ròng, ông, một trưởng phòng FBI... khóc như một thằng ngốc. Khi trở lại xe, Jeff thấy gò má ông bóng lưỡng nên lui vào trong một con đường nhỏ để Crawford không thấy anh ta. Anh đốt một điếu thuốc và kéo liên tiếp mấy hơi liền. Anh có thể làm điều này với ông ta, kéo dài thời gian để cho gò má ông khô lại, bực mình vì phải chờ đợi và có lý do để rầy la anh.