-“Nhìn kìa, thằng bé nhỏ xíu thọt chân chéo qua sườn xe để đạp trông vui hông! Tướng nhỏ chút như con khỉ ông Đặng Dưỡng bu trên chiếc xe đạp, giống như chiếc xe đạp tự động và không người lái mà biết chạy vây đó. Mà nó ở đâu mới xuất hiện đi bán bún trong xóm này vậy hổng biết, thấy lạ hoắc.” Người thiếu nữ nói xong đưa tay ngoắt đứa bé đang chạy xe ngoài đường: -“Nhỏ, nhỏ kia ơi, đem bún vô đây bán cho chị vài ký coi.” Tiếng kêu của người thiếu nữ vừa dứt thì chiếc xe đạp đòn dông chạy chậm lại rồi đứng hẳn giữa đường. Một đứa bé vận quần đùi, áo nâu sầm, đầu trần chân trần đẩy chiếc xe đạp, trên ba-ga có buột một thúng bún tươi, vào cái sân nơi người thiếu nữ đang đứng. Nó đưa mắt nhìn người thiếu nữ xinh đẹp, rồi nói: -“Chị à, bún này không bán cho chị đâu.” -“Sao lạ vậy, bộ khinh chị không tiền mua sao?” -“Không phải, bún này có người đặt rồi và em mang đi giao cho cái tiệm đằng kia nề. Sắp đến Tết rồi tiệm nào cũng đặt bún Mẹ em hết. Chị muốn mua mấy ký để một lát em mang lại bán cho chị.” -“Vậy hả, lát nữa mang lại cho chị hai ký để chị cúng Tết, mà nhớ bún phải tươi không thì chị không mua đâu nghen.” -“Mẹ em bán bún tươi không hà, chị khỏi lo, bún còn bốc hơi luôn đó.” -“Ừ, nhớ bún còn bốc hơi đá nghen, bún mà không bốc hơi là em bốc hơi đó.” Đứa bé nhe răng cười không hiễu người thiếu nữ kia nói gì rồi thọt một chân chéo qua chiếc xe đạp đạp đi. Tướng nó nhỏ và thấp chủn làm gì ngồi trên yên xe để đạp được! Trong căn nhà nhỏ nằm trên đường lên Chợ Chùa, Hùng đang lau chùi những võ đạn canh nông to bằng bắp chưn, xong cưa bỏ phần cổ làm thành một cái ống ngay thẳng. Ở phần đuôi, nơi hột nổ đã bị phá, Hùng khoan những lỗ nhỏ cách nhau đều đặng trên những vòng tròn. Thế là những võ đạn canh nông bây giờ biến thành ống ép bún! Những trái đạn từ bên này hay bên kia đã đốt cháy nhà cửa và giết chết người đâu đó trên quê hương làng mạc của Hùng, những trái đạn đã biến cuộc sống gia đình Hùng từ vinh quang xuống bùn lầy! Bây giờ trong những võ đạn trần trụi đó con người lại tìm thấy miếng ăn. Ngày này qua ngày nọ những giọt mồ hôi nhuể nhại rớt xuống thành từng hột trong những lần quết bột và ép bún, Hùng đã mệt mỏi và không muốn nhìn những võ đạn này nữa. Đôi bàn tay chai cứng do suốt ngày cầm chày quết và nhồi bột đã làm Hùng nổi quạo mỗi lần nghĩ đến cuộc sống thanh bình nơi quê xưa. Có nhiều lần Hùng không chịu nổi sự cực nhọc đã vức bỏ mọi thứ và òa khóc như một đứa bé. Nhưng cuộc đời đưa vào ngõ cụt nên Hùng chỉ biết thầm khóc trong thân thể rả rời vì miếng cơm manh áo. Giữa nổi buồn tận cùng đáy lòng Hùng, thì một đứa bé chạy vô nhà hồn nhiên vui vẽ nói: -“Tiền bán bún đây nề, anh thấy nhiều không.” Hùng cũng không buồn nhìn mớ tiền đứa em vừa bán bún mang về. -“Anh bỏ bún vô rổ đi, em mang đi bỏ mối nữa.” Đứa bé lại chéo chân qua chiếc xe đạp chạy đi bỏ mối bún. Trời vừa qua cơn mưa, đường sá nhiều chỗ ngập nước. Đứa bé đạp xe băng trên con đường nó đi mỗi ngày, đến nơi nước ngập đứa bé vấp phải ổ gà, và, ập một cái chiếc xe đạp ngã chênh vênh. Rỗ bún trên xe trút nhào xuống vũng nước trên đường. Đứa bé đứng nhìn những con bún ngập nước, nó bỗng thấy lo sợ, rồi không một chút phân vân nó cuối xuống hốt hết bỏ vào rổ, rửa sơ lớp bún trên mặt và tiếp tục đạp đi giao cho tiệm ăn nọ. Người chủ tiệm không có gì thắc mắc, lấy rổ bún mang vô nhà và trả tiền đầy đủ cho đứa bé. Nó chạy về mà mặt mày vẫn còn lo sợ! Nó nói: -“Tiền bán bún đây nề, em không đi giao bún nữa đâu.” -“Sao lại không đi giao bún nữa?” Hùng hỏi. -“Em sợ!” -“Sợ cái gì?” -“Không nói đâu.” -“Chứ bây giờ em làm gì ăn?” -“Em đi bán bánh mì.” Sau ngày đó mỗi buổi sáng đứa bé lên lò bánh mì Chí Thành lấy bánh đi bán. Cuộc đời non dại của nó thật sự chưa hiểu được giá trị đồng tiền thì chuyện buôn bán lời lỗ chỉ là một khái niệm mù mờ, mù mờ như tuổi thơ của nó. Những buổi sáng tinh sương nó cõng trên lưng một bao bố bánh mì nóng dòn đi rao bán. Trưa về nó vui mừng đem khoe với anh Hùng rằng nó bán bánh mì lời nhiều lắm. Hùng hỏi tiền đâu, nó móc hết tiền trong túi đêm bỏ trên bàn. Hùng đếm xong rồi nói: -“Hồi sáng anh đưa cho em 200 đồng đi lãnh bánh mì bán, bây giờ em bán hết bánh mì mà đêm về chỉ có 180 đồng, thì lời chỗ nào?” -“Em thấy tiền nhiều lắm mà, bỏ đầy túi mà.” -“Em bán bao nhiêu một ổ?” -“Ba đồng.” -“Ba đồng một ổ thì phải có 300 đồng chứ.” -“Em không biết, em nói ba đồng một ổ, người ta dí tiền vào tay em, em bỏ vào túi em. Vậy thôi. Hồi sáng anh đưa có hai tờ giấy bạc, bây giờ em đem về một đống mà sao không lời?” -“Thôi, nghỉ bán đi. Bỏ ra 200 đồng đi buôn mang về chỉ có 180 đồng mà nói lời quá chừng! Hai tờ hồi sáng là hai tờ 100 đồng, còn đống tiền đây là đống tiền lẽ. Ngu vừa thôi!” Hùng nói trong bực bội. Nhưng thôi, trách ai đây. Ba tháng trước em chỉ là một đứa bé rong chơi, hồn nhiên như chú nai con. Nhưng bây giờ em phải lo đi buôn bán kiếm cái ăn cái mặc, em chỉ nghĩ bán buôn như những lần em chơi trò bán buôn với chúng bạn trong làng, thì tiền bạc có nghĩa gì đâu, vì đó là những tờ giấy bạc bằng lá mít! Rồi cuộc đời thay đổi, một hôm đứa bé lên phi trường đưa cha vào Sài Gòn để lo cho mấy người anh phải bỏ học và lâm vào cuộc sống cực khổ. Ngày mua vé bà Khanh chỉ bán cho cha đứa bé một vé máy bay duy nhất. Đứa bé lủng đủng theo cha vào sân bay, và đi thẳng lên máy bay luôn mà không bị ai ngăn chặn. Đứa bé nghĩ mình được “đi chui máy bay” nên mừng hú vía. Khi vào Sài Gòn điều ngạc nhiên đầu tiên là cha đứa bé lắc đầu lia lịa, nói xứ sở gì đâu mà không thấy núi rừng, đi đâu cũng chỉ thấy ruộng đồng ngập đầy nước, và điều làm ông ái ngại nhất là những nấm mồ! Những nấm mồ nằm trong giữa ruộng đồng, những khi mưa lớn nước dâng cao tràn lên mồ mả. Nên ông nói chắc phải về quê thôi, về quê để khi chết khỏi bị chôn trong sình lầy! Nhưng trước mắt ông phải đi làm để sống. Ông chỉ là một người nông dân và nghề của ông là cày bừa ruộng lúa. Nhưng ở đây ông làm gì có ruộng để ông cày, ruộng của ông người ta đã cướp sạch rồi! Nên bắt đắc dĩ ông trở thành một lao công bến cảng, hằng ngày khuân vát những bao lúa mì từ dưới khoan ghe bầu để kiếm tiền nuôi vợ con. Nhưng không may trong khi lo khuân vác dưới hầm tàu ông bị những bao lúa mì đổ xuống đè gãy chân! Những ngày nằm bệnh viện người chăm sóc cho ông chính là đứa con nhỏ đi chui máy bay ngày nào. -“Du, con nằm ở đâu?” -“Dưới nầy nề cha, dưới chân gầm giường của cha nề.” -“Thôi được, để cha nói với nhân viên bệnh viện để con ngủ đây với cha.” -“Họ thấy con nằm đây mà có nói gì đâu?!” Rồi hằng ngày đứa bé lo cơm nước thuốc thang cho Cha. Thỉnh thoảng ông thấy đứa bé gặm bánh mì thịt, ông hỏi: -“Tiền đâu con mua bánh mì?” -“Người ta trả công cho con.” -“Con làm gì ở đây mà trả công? Hay là con xin ai. Con không được xin tiền ai nghe không.” -“Cha coi nề, con có cái lon ghi-gô (guigoz) nầy nề. Mỗi ngày con dùng lon ghi-gô đun nước sôi cho mấy chú bác nằm chỗ kia và họ cho con tiền. Con còn trong túi nhiều tiền lắm, cha muốn ăn gì hông con mua cho cha.” -“Mới đây con không biết đếm tiền, đi bán bánh mì lỗ hết vốn mà nay con biết làm ra tiền rồi sao! Ôi cũng chỉ vì chiến tranh mà ra!” Ông nói trong nghẹn ngào. -“Cha không biết đó chứ mỗi ngày con dọn dẹp, ném rác, đun nước sôi và chạy ra kia mua bánh mì thịt giùm cho mấy chú kia, mấy chú cho con tiền chứ con có xin ai đâu. Ngoài cửa bệnh viện có mấy xe bán bánh mì thịt ngon lắm, để con mua cho cha ăn.” -“Làm sao con đun được nước sôi?” -“Con đun dưới gốc cây ngoài vườn kia. Con dùng lon sữa ghi-gô, đặt ba cục gạch làm ông táo rồi con lượm cuổi khô trong vườn để đun nước. Ở đây không hiểu sao mà người ta cần nước sôi nhiều lắm cha.” -“Con của cha bây giờ giỏi rồi!” -“Thôi, con buồn ngủ rồi, sáng ngày con mua hột vịt lộn và bánh mì thịt cho cha ăn.” Ông kêu đứa con lại gần đầu giường rồi nói: -“Tội nghiệp cho con quá, mấy đứa kia vì việc này việc khác, chỉ có một mình con bỏ học lo cho cha thôi.” Xong ông nói nhỏ những gì trong tai đứa bé, những lời nguyện cầu và dặn dò nhở sau này ông không còn sống nữa. Rồi đứa bé cũng thiếp đi dưới chân giường của người cha. Có nhiều đêm nó biết cha nó thức giấc giữa đêm nói lẩm bẩm những điều bực bội và không ngủ được, vì chân ông bị ngứa muốn điên lên mà không gãi được! Những con rệp chun vào nơi bó bột của cái chân ông và sinh sôi nẫy nở trong đó. Chúng cắn và hút máu để sống, làm ông đau ngứa muốn điên lên nhưng không làm sao đụng tới chúng được. Ông chỉ biết nghiến răng chịu chết để đám rệp hoành hành nổi đau trên cơ thể! Một thời gian sau Bác Sĩ bệnh viện Saint Paul báo cho gia đình ông biết là căn bệnh của ông đã di căn và không còn cách chữa. Họ bảo mang ông về nhà với gia đình vì ông chỉ còn vài ba tháng. Trong những ngày cuối cuộc đời bổng nhiên ông thích ăn hột vịt lộn, thức ăn khó tiêu vậy mà ông cũng đòi cho bằng được. Lúc còn tỉnh táo ông nói với vợ con bằng cách nào cũng đem ông về quê để mất, ông sợ cảnh mồ mả nằm bên cạnh ruộng nước! Rồi ngày đó cũng đến, gia đình mua vé máy bay một chiều đưa ông về quê, nơi ông sinh ra, lớn lên và gắn bó gần cả cuộc đời. Ngày đưa ông lên phi trường có đầy đủ vợ con ông, nhưng người đưa ông về quê chỉ có vợ và đứa con gái út. Đứa bé ngày ngày nuôi ông trên bệnh biện theo ông vào phi trường, nhưng lần này nó không được “đi chui máy bay”. Nó mở lon ghi-gô lấy nước cho cha lần cuối. Nhìn cha âm thầm đi vào cõi chết mà nước mắt nó chảy dài trên gò má. Khi máy bay cất cánh đứa bé đưa mắt nhìn theo đến khi chiếc máy bay khuất bóng vào chân mây. Cái lon ghi-gô trong tay bây giờ trở thành vô dụng. Nó bước chân ra về trong tiếng kêu lẻng kẻng của chiếc lon ghi-gô lăn lóc trên mặt đường. Nó nhớ có lần ai đó kể câu chuyện “Chiến tranh và hòa bình” nghe bi thảm lắm. Nó cuối mặt bước đi, mắt u buồn và hiểu rằng, từ đây trên cõi đời này, sẽ không còn có Cha nữa! Đồng Sa Băng.