Quyển 1
Kiếm Khí Trường Giang
Kiếm Khí Trường Giang
Mở đầu

    
 ngoại ô phía tây Thành Đô, từ đầm Bách Hoa ngược dòng lên trên, cho tới nhà cỏ Đỗ Phủ, dọc đường cảnh sắc quanh co, mười phần xinh đẹp. Sông Cẩm Giang uốn lượn quanh Thành Đô, ở đoạn này được gọi là Hoán Hoa Khê.
Trăm ngàn năm qua, Hoán Hoa Khê Cẩm Giang đã dùng vẻ mỹ lệ của nó mời gọi biết bao thi nhân tới nương náu, ngâm vịnh. Tiết Đào, nữ thi sĩ trứ danh đời Đường từng sống tại đầm Bách Hoa, còn dùng nước sông tinh khiết của Hoán Hoa Khê để tạo nên những lá thi tiên 1 rực rỡ, xinh đẹp, được gọi là "Tiết Đào tiên". Đến nay, bên bờ phải Cẩm Giang vẫn còn nơi ở cũ của Tiết Đào, Sùng Lệ các và lầu ngâm thơ, tất cả đều thành thắng cảnh nổi tiếng ở Thành Đô. Ở ngoại ô phía nam, mộ của Gia Cát võ hầu cùng Lưu Bị cũng là cảnh đẹp mà du khách ưa chuộng. Đỗ Phủ có bài từ vịnh Gia Cát võ hầu.
Thừa tương từ đường hà xử tầm?
Cẩm quan thành ngoại bách sâm sâm.
Ánh giai bích thảo tự xuân sắc,
Cách hiệp hoàng bằng không hảo âm.
Tam cố tần phiền thiên hạ kế,
Lưỡng triêu khai tế lão thần tâm.
Xuất sư vị tiệp thân tiên tử,
Trường sử anh hùng lệ mãn khâm. 2
Bài thơ này, Đỗ Phủ sáng tác lúc đi chơi thuyền ở Hoán Hoa Khê. Gia Cát Lượng trước khi ra khỏi Long Trung từng dựng "lều cỏ" ẩn cư tại đồi Ngọa Long cách phía tây thành Tương Dương hai mươi dặm. Hậu thế vì muốn tôn kính ngài mà treo hai câu thơ của Đỗ Phủ lên trước phường Long Trung:
Tam cố tần phiền thiên hạ kế,
Lưỡng triêu khai tế lão thần tâm.
Người ngoài có lẽ sẽ không cảm thấy gì, nhưng Tiêu Thu Thủy, con trai thứ ba của Tiêu Tây Lâu, chưởng môn Hoàn Hoa kiếm phái, Thành Đô Tứ Xuyên, thì lại vì hai câu này, tả cảnh Cẩm Giang, khắc ở Long Trung mà đặc biệt dẫn ba người bạn tốt từ Tứ Xuyên chạy lên Hồ Bắc chỉ để được ngắm một lần thơ của đại thi nhân kinh tài tuyệt diễm, cùng nơi ở cũ của Gia Cát võ hầu danh động tám phương!
Chưởng môn Hoán Hoa kiếm phái Tiêu Tây Lâu có ba người con trai, một người con gái. Con trai trưởng Tiêu Dịch Nhân danh chấn giang hồ, trong lớp trẻ tuổi sợ rằng không có ai có trí tuệ, mưu lược bằng Tiêu Dịch Nhân. Con trai thứ hai Tiêu Khai Nhận trầm tĩnh lão luyện, được dự đoán là thần bảo hộ của Hoán Hoa kiếm phái. Con trai thứ ba Tiêu Thu Thủy, trong giang hồ còn chưa thành danh, trong võ lâm còn chưa có quyền thế, nhưng kẻ vì hai câu thơ mà bôn ba cả trăm dặm, trong nhà họ Tiêu cũng chỉ có một mình hắn mà thôi.
Không ngờ rằng, điều Tiêu Thu Thủy thấy được lần này, lại là một câu chuyện bi thương, mãnh liệt hùng hồn, đất trời chuyển rung, võ lâm biến sắc.
Chú thích

1

2
Tiên ở đây không phải "thần tiên" mà có nghĩa là một loại giấy khổ nhỏ, dài rộng vừa phải, có vẽ màu đẹp, tiện dùng để viết thơ, sau dần được dùng để viết thư.
Bài thơ "Thục Tướng" của Đỗ Phủ.
Nguyên văn tiếng Hán
丞相祠堂何處尋,
錦官城外柏森森。
映階碧草自春色,
隔葉黃鸝空好音。
三顧頻煩天下計,
兩朝開濟老臣心。
出師未捷身先死,
長使英雄淚滿襟。
Bản dịch của dịch giả Trần Trọng San
Hướng phía từ đường dạo gót qua,
Trắc tươi thành Cẩm cảnh bao la.
Rọi thềm, cỏ biếc ngời xuân thắm,
Cách lá, oanh vàng rộn tiếng ca.
Ba lượt đón bàn mời kế nước,
Hai triều giúp rập hết lòng già.
Ra quân chưa thắng thân đà thác,
Mãi khiến anh hùng lệ xót xa.