Thi hài ông lão Bạch Thắng Linh được chôn cất ở khu công mộ vùng Hương Sơn. Bạch Ngân Sương thì sau đó dọn vào một căn nhà nhỏ vùng Mao Nhi phía đông thành Bắc Kinh. Ngôi nhà nhỏ này do Tiểu Khấu Tử giới thiệu. Nó là của một người họ xa với Tiểu Khấu Tử, vì dư xài, bỏ trống đã lâu. Bây giờ muốn tăng thêm thu nhập nên mang ra cho thuê. Ngân Sương đến kịp lúc. Người đứng ra thuê nhà là Hạo Trinh. Ngôi nhà không rộng lắm, nhưng cũng có đủ ba gian. Phòng khách, phòng ngủ và phòng ăn. Với Hạo Trinh thì vậy là hẹp. Nhưng trong cái hoàn cảnh bức bách bấy giờ. Không thể chọn lựa? Còn với Ngân Sương? Thế này là quá, nào dám đòi hỏi gì hơn. Mọi chuyện tiến hành nhanh chóng. Từ chuyện tang ma đến dọn vào nhà mới diễn ra chỉ trong vòng ba ngày. Mọi chuyện tiến hành như vậy vì nhiều nguyên do. Trước nhất. Ông lão Bạch Thắng Linh chết đã lâu ngày, không thể để quàng lâu được. Chọn được ngày lành là chôn ngay. A Khắc Đan phụ trách chọn điểm đào huyệt xây mô. Còn Ngân Sương. Bây giờ đơn chiếc. Thân gái cũng không thể ở mãi lề đường. Mà con người có an cư rồi mới lạc nghiệp. Ngân Sương có chỗ cư ngụ vững vàng rồi muốn làm gì cũng dễ. Chính vì vậy, mà Hạo Trinh đã hối thúc A Khắc Đan và Tiểu Khấu Tử sắp xếp mọi thứ nhanh chóng. Thế là Ngân Sương đã có một mái nhà tươm tất. Nhưng có nhà rồi không lẽ lại ở một mình? Thế là Tiểu Khấu Tử lại có việc. Khấu Tử nhờ người thiếm thứ ba của mình đến ở chung với Ngân Sương. Sau đó chọn cho Ngân Sương một a đầu lanh lợi làm bạn. Thế là nhà đã có ba người ở chung. A đầu này tên là Hương Kỳ. Chuyện sắp xếp để Ngân Sương có một chỗ dung thân tuy là việc thiện. Nhưng A Khắc Đan vẫn cảm thấy bất an thế nào đấy. A Khắc Đan là người thầy cũng là một người tớ trung thành. Nên lúc nào cũng coi chuyện "an nguy" của chủ là của mình. Khắc Đan thấy quả là Hạo Trinh đang đùa với lửa. Vì Hạo Trinh vừa được vua "chỉ hôn" để sắp được làm phò mã. Chuyện chưa tới đâu mà Hạo Trinh lại vướng víu chuyện "cứu người đẹp" để rồi khó tránh khỏi "xây tổ uyên ương ở chốn tư riêng". Thế này quả là không ổn... Nên khi ở chỗ riêng rẽ, ông đã gọi Tiểu Khấu Tử ra mắng. - Mi là cái thằng lắm chuyện. Sao ưa bày vẽ thế? Bày đặt chỉ chỗ cho thuê nhà, rồi kéo thêm thím Ba mi vào cuộc. Bây giờ chuyện thế này rồi biết thu xếp ra sao? Lỡ thấu tai Vương Gia có phải là khó giải thích, chuyện lọt vô cung nữa thì... Mi và ta càng thêm đổ nợ. Tiểu Khấu Tử lắc đầu nói: - Biết làm sao bây giờ? Ông có trách thì tôi đành chịu. Chuyện này hoàn toàn do ông trời sắp đặt. Thử nghĩ xem. Chúng ta chỉ có một tháng vắng mặt ở Long Nguyên Lầu, thì gia đình của Bạch cô nương đã tan nát... Ông không thấy tình trạng của Bối Lạc Gia ư? Ông ấy bức rức khổ sở. Nếu mà chúng ta chỉ đứng khoanh tay ngồi nhìn, không phải là khéo vô tình ư? Bạch cô nương thân gái yếu đuối. Lại lâm vào tình cảnh khốn khổ. Ta không thể không cảm thông. Còn Bối Lạc Gia thì... Ông cũng phải thấy người đã thật sự động lòng... Mà chuyện các vương tôn công tử năm thê bảy thiếp là chuyện thường tình... Có ai ngăn được họ?... Nói chi là phò mã tương lai... Tôi nghĩ là nhà vua rồi cũng không trách vì ngay nhà vua cũng có những tam cung lục viện, 72 phi tần mỹ nữ nữa là... Vì vậy... Vì vậy... ông cũng không phải lo nhọc công. Cứ cư xử tốt với Bach cô nương để công tử hài lòng là được. Lời của Tiểu Khấu Tử có lý! Với cái đầu đơn giản của A Khắc Đan thì Tiểu Khấu Tử rõ là không sai. Lý luận, giải thích hoàn toàn đúng. Chỉ cần Bối Lạc Gia vui là được. Nhưng rồi ở chỗ riêng tư. A Khắc Đan cũng thấy nó làm sao đấy, vì trực giác cho ông thấy. Trong chuyện này có tiềm tàng một mối nguy, một sai lầm nào đó! Không phải chỉ có A Khắc Đan, mà cả Ngân Sương cũng nhận thấy như vậy. Sau khi chôn cất cha xong. Ngân Sương thấy chuyện "trả ơn" cho Hạo Trinh là chuyện phải làm. Nhưng mà trả ơn bằng cách nào? Mãi đến giờ này. Ngân Sương không rõ lý lịch của Hạo Trinh, ngay cái tên của chàng Ngân Sương cũng không biết. Có điều nhìn cái hành vi dũng cảm, có kiến thức của Hạo Trinh, rồi đi bên chàng lúc nào cũng có hai vệ sĩ. Ngân Sương cũng đoán được cái xuất thân cao quý của Hạo Trinh. Chắc là người của nhà cao cửa rộng, phải bậc Vương Gia công tử, ở những người này họ rất cần có nữ tỳ, A hoàn hầu hạ. Vậy thì... Một bữa, Ngân Sương đã quỳ trước mặt Hạo Trinh. - Công tử. Xin công tử hãy để tiện nữ này về dinh làm a đầu. Tiện nữ hứa là sẽ phục vụ hết lòng, hoàn thành nhiệm vụ mà công tử giao phó. A Khắc Đan đứng cạnh đó không đợi Hạo Trinh mở miệng, đã nói ngay: - Không được! Cô không thể vào Vương phủ được! Ngân Sương ngạc nhiên chưa biết lý do gì thì Hạo Trinh đã nói. - Chuyện xuất tiền để chôn cất cho cha cô chỉ là một chuyện giúp đỡ nhỏ trong lúc cô hoạn nạn, còn cái chuyện tôi cần trả ơn thì không có. Nếu cô nghĩ vậy thì cô đã quá xem thường tôi. Ngân Sương lúng túng. - Nhưng dù công tử không đòi hỏi, thì đó là bổn phận của tôi. Tôi đã viết điều đó minh bạch trên mảnh vải lúc ngồi trước chợ cơ mà "Muốn bán mình để chôn cha". Vì vậy, nếu công tử chê. Nghĩ tôi cũng không đủ tư cách để làm một đứa a đầu... thì tôi cũng sẵn sàng làm công việc khác thấp hơn. Chẳng hạn như bửa củi, gánh nước hay làm bất cứ một công việc nặng nề khác để hoàn trả lại... - Không phải! Không phải! Cô hoàn toàn hiểu sai rồi! Hạo Trinh vội vã giải thích. - Tôi làm sao dám coi nhẹ cô như vậy? Cô đừng để tôi phải khó xử... Chuyện trả ơn không cần thiết, còn lý lịch tôi ư? Tôi thuộc hàng hoàng thân quý tộc. Cha tôi chính là Thạc Thân Vương, riêng tôi là một vương hầu bậc Bối Lạc, tên là Hạo Trinh. Ngân Sương ngẩn ra nhìn Hạo Trinh. Nàng thật không ngờ. Dù đã nhiều lần Ngân Sương đoán, nhưng Ngân Sương đâu nghĩ Hạo Trinh lại ở vị trí quá cao như vậy? Ngân Sương chưa biết cư xử ra sao, thì Tiểu Khấu Tử đã nói. - Không phải chỉ có vậy thôi đâu. Bối Lạc Gia của ta, tháng trước còn được Hoàng Thượng chỉ hôn để gả Lan công chúa cho nên chẳng bao lâu nữa, người sẽ trở thành phò mã rồi đấy. Ngân Sương càng ngạc nhiên hơn nữa. Rồi chợt nhiên một nỗi buồn vô cớ xuất hiện. Thì ra... Vị công tử đẹp trai nầy không phải người thường. Ngân Sương thấy mình thấp hèn trước một danh gia chói sáng... Tiểu Khấu Tử lại tiếp. - Để cô biết rõ hơn, tôi nói cho mà biết. Cái thứ nhất là quy luật trong Vương phu rất là nghiêm ngặt không phải ai muốn vào muốn ra lúc nào thì rạ điều thứ hai. Chuyện Bối Lạc Gia nhà tôi trốn ra khỏi Vương Phủ đến Long Nguyên Lầu uống rượu rồi đánh lộn là một chuyện tối bí mật không được để vương gia biết. Điều thứ ba là bây giờ cô đang có tang cha. Mà người có tang đâu thể đến nhà người khác, đó là điều cấm kỵ thứ ba... Nên cô không thể vào Vương Phủ của chúng tôi được, hiểu chưa? Ngân Sương liếc nhanh về phía Hạo Trinh: - Nếu vậy thì... Vậy thì... Tôi phải làm sao bây giờ? Tôi chỉ là kẻ tứ cố vô thân không nhà, không cửa, tôi lại mang ơn công tử... Nếu mà công tử... Ồ không phải, nếu mà Bối Lạc Gia muốn tôi sống chết thế nào... Thì tôi cũng xin vâng lời để trả ơn nầy. Bằng không tôi không dám ở đây làm phiền thêm. Ngân Sương rưng rưng nước mắt nói. - Vậy thì mấy lạy nầy xin bái biệt... Tôi xin đi! Hạo Trinh chụp tay Ngân Sương giữ lại. - Cô định đi đâu chứ? - Dạ... Còn cây đàn tì bà, một cây đàn nguyệt, rồi cây hồ cầm của cha tôi để lại. Thì có đi bốn phương trời, chắc tôi cũng không đến nỗi đói. Hạo Trinh chận lại: - Không được! Cô không thể đi như vậy. Tôi không đành lòng để cô sống như thế, cô cứ tạm sống ở đây rồi tôi sẽ định liệu sau. Thế là Ngân Sương ở lại trong căn nhà nhỏ với thiếm ba của Tiểu Khấu Tử tên là Thường Má và cả Hương Kỳ. Bắt đầu từ đó... Cuộc đời Ngân Sương đã thay đổi. Không còn là cô gái hát rong mà là chủ của một cái nhà có kẻ hầu người ha. Ngân Sương cũng có bạn. Hạo Trinh cứ vài ba ngày là ghé thăm qua một lần, mỗi lần ghé, chàng thường hay đem chuyện ở Vương Phủ, từ Vương Gia, Phúc Tấn phu nhân, chuyện Hạo Tường rồi còn bàn luận cả thế sự, thiên hạ sự ra nói. Đáp lại Ngân Sương cũng đem chuyện mình kể lại cho Hạo Trinh nghe. Từ chuyện nhỏ xíu đã theo cha mẹ đi giang hồ... Những tháng ngày gian khổ lầm than... Năm mười tuổi mất mẹ chỉ còn dựa vào sự chăm sóc của cha. Chuyện của Ngân Sương hoàn toàn mới lạ với Hạo Trinh, nhưng không vì thế mà họ ngăn cách, trái lại hình như họ đã tìm thấy ở đó một sự cảm thông tương đắc, tri âm nhưng rồi Ngân Sương vẫn thấy bất an, vì cái thân phận mình. Ở đây chủ chẳng ra chủ, mà tớ cũng không ra tớ. Hạo Trinh tuy đối với nàng một mực thiết tha nhưng lúc nào cũng có một khoảng cách. Điều đó thế nào? Có ý hay vô tình? Cuộc sống tạm thời như an ổn, nhưng còn lâu dài? Dần dần Ngân Sương lại thấy. Khi Hạo Trinh không đến thì lòng như trống vắng, chờ đợi. Còn Hạo Trinh đến Ngân Sương vui tươi, nhưng cái vui rất mong manh. Chờ đợi cũng khổ, mà vui cũng không trọn vẹn. Cuộc sống cứ phân thân, như bềnh bồng, mộng mà không thực... Vì vậy, khi đàn, Ngân Sương thường hay hát cho Hạo Trinh nghe bản "Tây Giang Nguyệt" sau đây. "Đàn khảy lên, hãy khảy đàn lên, nguyệt cầm của ta. Và hát vang bản Tây Giang Nguyệt cho nàng. Vuốt tóc mai làm duyên Kẻ mắt nhạt cho tình Khói hồng, sương xanh phủ Tất cả bềnh bồng như trong mơ Gặp nhau như không gặp Hữu tình hay chỉ vô tình Tiếng tiêu tàn, cơn say tỉnh Đình viện trăng soi vẫn lặng yên Đàn khảy lên, có khảy lên tiếng đàn Nguyệt Rồi hát thêm khúc Tây Giang Nguyệt cho chàng. Mời chàng lắng nghe. Mỗi lần Ngân Sương hát bản đó. Hạo Trinh chỉ yên lặng lắng nghe chàng nhận ra cái thiết tha trong cuộc đời nầy chỉ có một Bạch Ngân Sương mới đem lại được cho chàng. Nhưng liệu nó có là của chàng chăng? Hạo Trinh với Bạch Ngân Sương được kết hợp nhau lại là nhờ cái con chồn lông trắng nhiều năm trước. Thế mới lạ kỳ! Hôm ấy, chợt nhiên Ngân Sương để ý đến chiếc ngọc bội cột ở thắt lưng của Hạo Trinh. Bên dưới chiếc ngọc bội là chuỗi sợi thắt bằng lông chồn Ngân Sương hiếu kỳ, từ nào đến giờ có ai lấy lông chồn làm chùm sợi trang trí cho ngọc bội đâu? Hạo Trinh thấy Ngân Sương chú ý, nên tháo chiếc ngọc bội kia ra, đưa cho Ngân Sương xem. Tiện thể chàng kể lại câu chuyện "Bắt chồn rồi thả chồn" cho nghe. Ngân Sương say mê theo dõi, đôi mắt chớp chớp một cánh cảm động. Nghe xong Ngân Sương lại ngồi suy nghĩ. Hạo Trinh cười. - Cô đang nghĩ ngợi gì đó? - Em đang nghĩ về con chồn lông trắng. Nhất là cái hình ảnh lúc nó được tha. Trước khi chạy nó còn quay đầu nhìn lại nhiều lần. Chứng tỏ là nó đã định cảm ơn công tử mà không nói được. Rồi nghĩ đến chuyện gì đó. Ngân Sương chợt đề nghị. - Công tử có thể chia một nửa lông chồn trắng kia cho thiếp được không? Hạo Trinh ngạc nhiên. - Cô thích chùm lông nầy à? Cô định dùng nó làm gì? Ngân Sương cầm chuỗi sợi trên tay, vừa cười vừa nói: - Xin công tử đừng hỏi. Có lẽ vì em cần có nó. Hạo Trinh cũng cười nói: - Thôi được! Để khỏi phải tháo ra tháo vô rắc rối, ta để cả chiếc ngọc bội này ở đây. Lần sau khi ta đến, trả lại cho ta cũng được! Lần sau, cách đấy mấy hôm, Hạo Trinh đến. Hôm ấy không biết có chuyện gì mà Hạo Trinh có vẻ không vui. Lúc hỏi ra thì mới biết, trong Vương Phủ vừa mới xảy ra một chuyện không vui chút nào. Lý do là cách đây ít lâu bên Nội vụ Phủ có gởi qua Vương Phủ một ca nhi trẻ tên là Tiểu Tần, để nhờ Phiên Phiên huấn luyện. Không biết vì lý do gì lại lọt vào mắt xanh của Hạo Tường. Mà Hạo Tường thì đã quen thói ngang ngược, thích chuyện nài hoa ép liễu. Cái cô bé Tiểu Tần lại thuộc loại tiết liệt, nên không chấp nhận chuyện đó. Vì vậy khi bị bức bách đã nhảy xuống hồ tự vẫn. Chuyện vỡ lở. Phiên Phiên thương con, bao che, nhận hết tội lỗi. Hạo Trinh tuy biết rõ chuyện, nhưng vì muốn êm đẹp lại không muốn chuyện xấu loan truyền ra ngoài bất lợi cho Vương Gia, nên đã giúp Phiên Phiên che giấu sự thật. Thế mà Hạo Tường không biết, còn lớn tiếng với Hạo Trinh. - Mi đừng tưởng là mi con của chính thất, rồi muốn xử ép ta thế nào cũng được. Lâu nay ta đã bực mi lắm rồi. Ta muốn phát điên lên vì cứ phải sống lu mờ dưới hào quang của ngươi. Tại sao mẹ mi là một chính danh hoàng tộc, còn mẹ ta chỉ là một cô gái dân tộc Hồi? Tại sao nhà vua gả công chúa Lan cho ngươi mà chẳng gả cho ta? Ta buồn quá! Thật buồn! Vì vậy mà ta mới tìm đến Tiểu Tần để giải khuây, ta cũng đâu có ngờ cái con nhỏ đó cứng cổ như vậy? Hừ... Mi đừng ham lên mặt dạy đời... Ta mà làm những chuyện đó cũng do học theo mi thôi. Sao nghĩ vậy? Hạo Tường quả là lầm lẫn con người khi sinh ra đời đâu có thể tự lựa chọn? Nếu thế thì làm gì có kẻ con bụi đời, người phú quý? Tất cả trời chỉ định, không thể đem nó ra làm cái cớ để oán trách, bực dọc... Dù biết là bất công, nhưng đó là bất công an bài sẵn. Hạo Tường cũng nào có khổ? Hắn sung sướng hơn chán vạn người khác nhưng ỷ lại vào cái giàu có của mình mà xem thường phẩm giá người khác để đưa đến cái chết của người ta thì không nên. Vì như vậy là càng bất công. Càng nghĩ Hạo Trinh càng buồn bực. Và chàng tìm đến Ngân Sương để khuây khỏa nỗi lòng. Không ngờ đến nơi, sân vườn vắng lặng. Thường má bước ra cho biết. - Bạch cô nương và Hương Kỳ ra phố rồi. - Đi đâu biết không? - Dạ không nghe nói nên không biết. - Đi được bao lâu rồi? - Sau khi dùng cơm chiều. Gần hai tiếng đồng hồ rồi, chắc sắp về đấy. Hạo Trinh nhăn mặt. Sao lại đi lâu thế? Hạo Trinh định bước vào phòng khách định chờ Ngân Sương về. Trong khi A Khắc Đan lại nôn nóng. - Nếu Bach cô nương không có ở nhà thì chúng ta cũng nên về thôi, mấy hôm rày ở Vương Phủ có nhiều chuyện không vui xảy ra. Công tử ở đây đợi, sợ Vương Gia có việc tìm công tử không gặp rồi rắc rối... Hạo Trinh đang bực, gắt. - Mi muốn về thì về trước đi. Ta ngồi đây chờ, bao giờ Ngân Sương về ta mới về. A Khắc Đan đành ngồi im cùng Tiểu Khấu Tử đứng phía sau như hai bức tượng. Và Hạo Trinh cứ thế chờ, cứ đợi thêm hai tiếng đồng hồ trôi qua... Hạo Trinh đã uống hết ba bình trà... Nóng nảy đi tới đi lui. Vậy mà cũng không thấy bóng Ngân Sương quay về. Trời bắt đầu tối. Đèn được khơi ngọn. Rồi bên ngoài mưa rớt hạt. Chưa bao giờ Hạo Trinh lại có cảm giác căng thẳng và bực dọc như vầy. Hay là Ngân Sương gặp chuyện gì không hay? Cái cô gái tứ cố vô thân nầy đã gặp quá nhiều trắc trở. Rất có thể bị trêu ghẹo giữa đường với những tay háo sắc cơ? Đa Long? Nghĩ đến chuyện đó Hạo Trinh càng đứng ngồi không yên... Sau cùng rồi Ngân Sương cũng trở về với Hương Kỳ, cả hai ướt như chuột nghe Thường Má nói lại là Hạo Trinh chờ đã khá lâu. Ngân Sương vội vã chạy ngay vào phòng khách. Trên tay còn ôm túi vải màu xanh. Vừa nhìn thấy cái bóng sũng ướt của Ngân Sương, Hạo Trinh bất bình, vỗ bàn nói. - Như vầy còn chưa hài lòng nữa à? Sao vậy? Ngân Sương giật mình, chưa biết chuyện gì xảy ra thì Hạo Trinh nói tiếp liền một hơi: - Ăn uống, đồ dùng trong nhà đều đầy đủ, chẳng thiếu một cái gì! Mà nếu có thiếu đi nữa, cũng có thể bảo Hương Kỳ hoặc Thường má ra ngoài mua cũng được mà? Cô cần gì phải đích thân ra ngoài chứ? Còn nếu có muốn ra ngoài thì cũng nên liệu mà về sớm chút. Bên ngoài thì trời tối đen lại mưa gió nữa. Rủi gặp phải kẻ xấu, có phải là gây chuyện rắc rối không? Lúc đó tính sao? Chưa hẳn là cô sẽ gặp được một Hạo Trinh thứ hai như lần trước đến kịp lúc cứu vãn tình thế! Cô có biết không? Có rõ không? Ngân Sương vội vã gật đầu, với ánh mắt hối lỗi: - Dạ... Dạ... Tôi biết mình sai rồi, lần sau sẽ không thế nầy nữa đâu. - Nếu cô nghĩ là ở nhà buồn quá, muốn đi ra ngoài, thì ít ra cô cũng nên chờ tôi. Có người đi với cô dù gì cũng hay hơn, phải không? Vã lại lúc này cô đang có tang mà, vui gì mà ra ngoài nên ở nhà chứ? Ra đường chỉ tổ gây sự chú ý của người khác. Có hay không có việc tốt nhất là nên ở nhà... Đi nhởn nhơ ngoài đường vô bổ. Cô cũng đâu như lúc trước phải hát rong... Ngân Sương nghe Hạo Trinh nói đến chuyện đó, bất giác hai dòng nước mắt chảy dài. Hương Kỳ đứng cạnh đấy, thấy Hạo Trinh trách như hơi bất mãn, nên bước tới đỡ lấy túi vải xanh trên tay Ngân Sương mở ra. Trước mặt Hạo Trinh là một bức gấm thêu hình tròn. Hương Kỳ đưa cho Hạo Trinh và nói. - Tiểu thơ với con đi ra tiệm bán tranh, nhờ họ đồ họa bức thêu nầy, nhưng vì ông chủ thấy phiền phức không chịu, nên tiểu thư phải năn nỉ rất lâu bên cạnh đó vì không dám bỏ hàng ở đấy sợ mất, nên hai cô cháu phải ngồi đợi, mới mất thì giờ, mới phải dầm mưa mãi đến bây giờ mới về được nhà đấy thiếu gia ạ. Hạo Trinh cầm lấy bức tranh thêu nhìn mới giật mình. Trên bức gấm, một con chồn lông trắng, đang ở tư thế chạy với chiếc đuôi vểnh cao, đầu đang ngoái nhìn lại. Con chồn có đôi mắt đen sống động. Tim Hạo Trinh đập mạnh trong lồng ngực. Con chồn lông trắng! Ký ức chuyến đi săn đầu tiên. Nét tranh rất sống động. Hạo Trinh nhìn lên chưa kịp nói gì, thì đã nghe Hương Kỳ nói tiếp. - Hôm trước khi Bối Lạc Gia để miếng bội ngọc nầy lại, tiểu thư nhà tôi đã bỏ công mấy đêm liền không ngủ, để thêu đêm thêu ngày cho được bức tranh nầy. Bối Lạc Gia không thấy tiểu thư gầy đi, mắt thâm quầng ư? Người cố gắng làm kịp bức thêu để tặng cho Bối Lạc Gia, chứ nào có ý định vui chơi gì đâu mà Bối Lạc Gia nghi oan cho như vậy? Hạo Trinh nghe nói quay qua nhìn Ngân Sương. Ngân Sương nhìn đáp lại. Hạo Trinh chợt cảm thấy hối hận. Đúng rồi cái dáng dấp bơ phờ, cái đôi mắt thâm quầng vì nhiều đêm mất ngủ kia. Tất cả chỉ vì để ta hài lòng, vậy mà ta lại không hiểu. Ta ích kỷ và nghĩ xấu cho người... khác. Hạo Trinh đặt cái bức gấm thêu ấy xuống không dằn được cảm xúc, bước tới dang đôi tay ra ôm lấy Ngân Sương vào lòng. - Ngân Sương! Ngân Sương! Chưa bao giờ như bây giờ! Anh ước chi mình không phải là người của hoàng tộc... Mà chỉ là một công dân bình thường... bình thường như bao nhiêu người khác, anh đã hạnh phúc hơn bao nhiêu người. Thế nầy là đã thiên đàng rồi. Ồ! Ngân Sương... Em có biết là em đã chiếm hữu hẳn trái tim của anh rồi không? Ngân Sương nép trong lòng Hạo Trinh. Không dằn được nước mắt tuôn trào. A đầu Hương Kỳ đã lặng lẽ rút lui ra ngoài. Còn Tiểu Khấu Tử va A Khắc Đan thì đưa mắt nhìn nhau. Rồi lại nhìn ra ngoài trời. Đêm đã khuya, thật vắng chỉ có tiếng mưa đập lên tàu lá chuối, thời gian qua như ngưng đọng... thế nầy thì chuyện gì rồi sẽ đến? Không biết nhưng nếu có, phải chấp nhận thôi... Đêm ấy, Hạo Trinh ở lại ngôi nhà nhỏ tại Mao Nhi. Trong phòng riêng của Ngân Sương. Màn buông rủ, chỉ có ánh đèn mờ với hai kẻ yêu nhau. Hạo Trinh ôm Ngân Sương trong vòng tay, mọi thứ như mơ chứ không thực. Hạnh phúc bất chợt và mong manh dễ mất. Chàng trân trọng cái đang có và không muốn nghĩ đến cái xa vời, Hạo Trinh hôn lên từng phần da thịt trên mặt Ngân Sương quên bẵng không gian và thời gian, quên bẵng cả chuyện bản thân mình là Bối Lạc Gia, quên cả chuyện công chúa, nhà vua, Vương Gia... Trước mặt chàng chỉ có một Ngân Sương. Một tình yêu thật sự và duy nhất và chàng đang có. Rồi Hạo Trinh từ tốn cởi nhẹ cúc áo trên người Ngân Sương. Cô gái nằm yên. Hạo Trinh cúi xuống hôn phần cổ nõn nà... Bất chợt Hạo Trinh dừng lại vì chàng vừa thấy cái vết sẹo trên bả vai mặt của Ngân Sương. Nó có hình tròn như một cánh hoa, Hạo Trinh hỏi. - Cái nầy là gì vậy? Ngân Sương đưa tay vết sẹo cười nói. - Mẹ bảo, lúc mới sinh ra, em đã mang sẵn dấu sẹo nầy. Hạo Trinh nói nhưng rồi lại thắc mắc: - À... vậy có nghĩa là một vết chàm! Nhưng tại sao lại có vết chàm lồi chứ? Để ta xem kỹ lại xem nào? Rồi Hạo Trinh kéo Ngân Sương đến trước đèn, dưới ánh đèn quan sát kỹ, Hạo Trinh nói. - Nó nằm ở vị trí nầy, em hẳn là nhìn không rõ, nhưng ta đã thấy, nó có dạng một đóa hoa mai. Ngân Sương thẹn thùng nói: - Vâng. Mẹ em trước đó cũng có cho em biết nó hình hoa mai. Hạo Trinh đặt đèn xuống rồi ôm lấy Ngân Sương: - À! Thế thì có nghĩa kiếp trước em hẳn là một cô tiên hoa mai sau đó đầu thai xuống trần. Vì vậy mới có ký hiệu nầy trên tay. Hèn gì nhìn em đã thấy cái cốt cách của một tiên nữ, thoát phàm! Đúng là như vậy! Hạo Trinh lại hôn lên cánh tay hoa mai đó. Chàng hôn nhiệt tình và chân thật. - Ngân Sương nầy! Anh chưa bao giờ lại thấy mình hạnh phúc thế nầy. Anh hứa với em! Từ đây về sau anh sẽ trung thành với em! Và Hạo Trinh bế Ngân Sương lên giường. Tạo hóa rõ là khéo bày. Như vậy là ta đã biết Ngân Sương chẳng phải ai khác hơn là đứa con gái của Tuyết Như mất tích 20 năm qua. Và thượng đế rõ cũng khéo xếp đặt. Con người có tính toán sắp xếp thế nào thì cũng không qua được ý trời. Ngân Sương có thả trôi theo suối cũng quay lại để gặp lại người trong Vương Phủ. Có điều cái lương duyên nầy có thành đạt có xuông sẻ không đó là chuyện khác. Chuyện xảy ra thế nào ta hãy chờ xem!