ời tác giả: Chương trình Ra đi có Trật tự (Orderly Departure Program, viết tắt là ODP), là một chương trình cho phép người Việt Nam tỵ nạn nhập cảnh vào Hoa Kỳ sau khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc. Chương trình này được tiến hành từ năm 1979 dưới sự hỗ trợ của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn. Truyện ngắn này được viết trong khoảng thời gian diễn ra chương trình trên, dựa theo một câu chuyện có thật. Đời có nỗi đau không hả? Chắc là có. Tôi đang từng phút từng giờ bước vào nỗi đau đời đây. Nỗi đau đời của tôi có từ thuở nguyên sinh mà mãi đến bây giờ tôi mới ý thức được đầy đủ nhất. Mười sáu tuổi? Chưa đủ lớn để chững chạc bước vào cuộc đời nhưng cũng đủ hiểu biết để nhận diện đôi chút về nó, tức là về cuộc đời đó mà. Sáng nay tôi lại vừa mới soi gương. Cái mũi cao thanh tú, đôi mắt hơi biêng biếc màu xanh. Người ta nói đôi môi dày thường ẩn chứa bên trong nhiều dục vọng, điều này tôi chưa đủ lớn để kiểm chứng. Duy mái tóc quăn tít và màu da đen bóng của tôi là điều khác biệt khiến tôi không được bình thường hơn cả, nhất là vào lúc này. Giá như không có người đàn ông ấy… Người đàn ông nói chuyện với ba tôi rất lâu, tôi chỉ nghe được một số đối thoại sau cùng: Tiếng ba tôi: - Tôi cho rằng ít ra không được hai cây thì cũng phải cây bảy cây tám chớ anh? - Một cây rưỡi, dứt giá như vậy. Anh cứ suy nghĩ kỹ, tuần sau tôi trở lại - Tiếng người đàn ông. Có tiếng kéo ghế và bước chân đi ra ngoài ngõ. Tôi bước vội ra nhìn, ba tôi và người đàn ông còn nói thêm gì đó ở cổng nhà. Người đàn ông có dáng dấp sang trọng và giọng nói miền Nam nghe là lạ. Ba tôi quay vào, không nói gì, chỉ im lặng liếc nhìn tôi. Cái nhìn thật khác lạ. xxx Tôi có mặt ở gia đình này từ thuở mới lọt lòng. Người mẹ nào đã sinh ra tôi, tôi chẳng biết. Chỉ biết ba tôi là ông Tư xích lô và má tôi là bà Tư cháo lòng xóm Ga xe lửa. Vậy thôi. Lũ trẻ xóm tôi từ trước tới giờ vẫn gọi tôi là con Huệ Mỹ đen. Tôi không buồn, tôi đã quen được gọi như vậy từ nhỏ. Sau này nghe kể lại má tôi xin tôi ở cô nhi viện về nuôi vì bà có con khá muộn màng. Nuôi tôi rồi về sau bà mới sinh được bốn đứa, hai gái rồi hai trai. Tôi nghỉ học từ năm lớp sáu và bây giờ, mỗi ngày, sáng chiều tôi gánh nước mướn cho các hàng quán ở cửa ga để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Tôi có khá nhiều bạn bè cùng cảnh ngộ nên không thấy xấu hỗ hay buồn phiền gì mà ngược lại rất vui thích về việc đó. Khổ nỗi cuộc sống của gia đình tôi rất thất thường, phụ thuộc hoàn toàn vào cái thu nhập không cố định của ba má tôi. Tuy nhiên, cuộc đời đối với tôi vẫn đáng sống, và vậy là được rồi, tôi chẳng có gì phải phàn nàn. Nhưng mà… mấy hôm nay ba má tôi bỗng nhiên khác lạ quá. Ba tôi vẫn đạp xe mỗi ngày nhưng chiều thường hay về sớm và lúc nào mặt cũng “sần sần” vì rượu. Má tôi tạm dẹp nỗi niêu xoong quánh để làm công việc nhà. Tôi hầu như rảnh không. Đã vậy lại được may thêm quần áo mới. Sự đối xử chiều chuộng khác thường này làm tôi hết sức lo lắng… Rồi điều gì đến phải đến, buổi chiều tối sau lúc cho tiền lũ em tôi đi xi nê, ba má kêu tôi ra nói chuyện. Trời! Thì ra… Chua chát thật! Tôi dứt khoát: - Con không đi đâu hết. Cứ để con ở nhà với ba má và các em. Ba tôi to tiếng: - Mày ngu quá! Đây là tao muốn sự sung sướng cho mày, biết chưa? Thử hỏi mày ở lại đây thì sướng ích gì đâu, chỉ khổ cả nhà. Tôi cãi: - Mắc mớ gì khổ cả nhà. Con đã lớn, có thể làm việc giúp gia đình được. Không có con, ba má sẽ thiếu người phụ giúp. Má tôi ôn tồn: - Huệ, con nghe má nói nè. Thiệt ra nuôi con từ nhỏ tới giờ sao ba má lại không thương con cho được? Nhưng đây là điều vạn bất đắc dĩ cho tương lai của con. Con đi với gia đình người ta qua đó, sẽ có người lo cho con chu tất. Người ta sẽ lo cho con tiếp tục học hành, lo nghề nghiệp đàng hoàng. Có công ăn chuyện làm rồi… nói thiệt con đừng buồn, con ở lại Việt Nam làm sao lấy chồng? Qua đó con sẽ có chồng ngoại quốc. - Ma biểu con lấy chông Mỹ đen chớ gì? - Tôi hét lên và bật khóc tức tưởi. Ba tôi chắp tay sau lưng đi qua đi lại vẻ mặt bực tức. Ông lầm bầm: - Cái con kỳ lạ thiệt! Mình muốn chuyện sung sướng cho nó mà nó làm như mình đưa nó đi đày không bằng. Tôi bỏ vô gường nằm khóc rấm rứt. Tôi không oán trách gì ba má tôi, tôi chỉ trách người đã sinh tôi ra vô cớ. Tôi sống và đâu có đòi hỏi gì, tôi chỉ mong muốn được làm một con người bình thường, có anh em dòng họ, có bạn bè chòm xóm láng giềng. Dù rằng tôi có lai Mỹ đen Mỹ trắng gì đi nữa cũng cứ mặc xác tôi. Tôi chỉ cần yên ổn như trước giờ là được rồi. Chẳng lẽ cái bình yên nhỏ nhoi nhất tôi cũng không thể có được hay sao? Có tiếng dép lẹp xẹp. Má tôi bước vào ngồi xuống giường, đưa tay sờ vào vai tôi: - Huệ, con bình tĩnh lại đi. Ba má đã bằng lòng “nhường” con lại cho ông khách hôm qua rồi. Tuần sau ổng sẽ đưa con đi Sài Gòn để làm thủ tục xuất cảnh. Hiện nay “nhà nước” có chủ trương cho các gia đình có con lai được xuất cảnh qua Mỹ. Ba má thấy con đi với người ta qua đó sẽ có tương lai hơn nên đã đồng ý. Con thấy biết bao nhiêu người tốn tiền vượt biên mà có khi còn chết thê thảm trên biển đó. Nhà mình con đông, lại nghèo, thấy con cực khổ má cũng tội lắm. Tôi khóc òa lên. Má tôi nói cũng phần nào có lý, nhưng sao tôi vẫn có cảm giác phủ phàng. Tôi đưa tay sờ lên mái tóc quăn của mình. Trời ơi! Con người nào đã gieo cái mầm sống của mình một cách vung vãi để có tôi bây giờ khốn khổ? Còn cái người quằn quại đẻ tôi ra là ai? Sao lại đủ nhẫn tâm để vứt đi cái phần máu thịt xấu xí của mình? Tự nhiên tôi thấy mình như chai cứng lại. Ngồi dậy, lấy ống tay áo chùi nước mắt, tôi nói như hét: - Ba má đã bán con bao nhiêu? Má tôi tái mặt. Nhưng bà không tức giận. Hai mắt rưng rưng, bà nói như muốn khóc: - Nếu con chịu đi với người ta, ba má sẽ được trả một cây rưỡi vàng. Không phải má bán con, nhưng… con biết đó, một cây rưỡi vàng đối với nhà mình cũng không phải là ít. Làm lụng cả đời chắc ba má cũng không thể nào dành dụm được như vậy. Tôi lại mủi lòng. Cái xúc động của tôi có thêm chút phẩn nộ. Tôi cay đắng: - Không có cây rưỡi vàng trước giờ nhà mình cũng không chết đói. Ba má nghĩ lại đi. Nói thiệt, con không muốn đi Mỹ chút nào. Cứ để con ở nhà phụ giúp ba má chăm sóc các em. Có con má đở vất vả hơn. Con cũng có thể buôn bán được. - Má biết rồi - Má tôi ngắt lời - Không có con má sẽ cực nhọc hơn nhiều. Nhưng đây là mình tính chuyện lợi ích về sau. Con là Mỹ lai, qua bển người ta sẽ có “chế độ” cho con. Còn gia đình người kia mượn con chỉ là cái cớ thôi, không nhất nhất con phải lệ thuộc. Biết đâu sau này nếu còn nhớ tới ba má và các em con sẽ có nhiều điều kiện hơn để giúp đỡ. Tôi lại thấy cay cay ở sống mũi. Nghĩ tới chuyện phải đi xa tôi buồn quá: - Con không muốn là Mỹ lai đâu má. Đây là cái rủi ro của con và con không có tội tình gì cả. Ba má đã nuôi nấng con, cái ơn đó rất lớn và bổn phận con là phải nghe lời ba má, nhưng… con quen sống ở đây rồi. Qua bên đó, con không biết nói tiếng người ta, con không quen nhìn thấy và cũng không muốn sống chung với họ. Con thích hợp với gia đình mình hơn. Nếu ra đi, con thương nhớ các em lắm má ơi. Tội nghiệp con nghen má! Má tôi bỗng chảy nước mắt. Bà thẩn thờ đứng dậy đi ra ngoài. Tôi nghe ba má tôi to tiếng với nhau. Lòng tôi tê điếng đi vì buồn. Vậy là hết. Tôi sẽ lìa xa xứ sở này. Tôi phải lìa xa cái xóm Ga đã trở thành quen thuộc với tôi từ thuở bé. Rồi đây cái con Huệ Mỹ đen sẽ không còn gánh nước mướn cho các hàng quán nữa, chị em con Bum con Bướm chắc sẽ buồn vì thiếu bạn. Thằng Cườm tóc bét sẽ không còn đứng bên giếng kể lể chuyện buồn vui bán trà đá trên tàu lửa, vì sẽ không còn tôi chịu khó đứng nghe. Nhưng tội nghiệp nhất là mấy đứa nhỏ ở nhà này. Thằng Đất thằng Lửa sẽ không còn người lo tắm rửa mỗi chiều. Chị em con Bỉm con Bìm đi học bị ăn hiếp sẽ chẳng còn tôi binh vực… Tôi cứ lăn qua trở lại thao thức hoài. Những kỷ niệm tuổi ấu thơ lần lượt trở về trong trí tưởng. Nhớ lúc bắt đầu có trí khôn ra đường bị kêu là Huệ Mỹ đen tôi đã khóc lóc tức tưởi chạy về méc má. Má tôi tất tả xách chổi chạy ra đường đứng chưởi đổng gần nửa tiếng đồng hồ. Lớn hơn một chút, tôi lờ mờ đoán ra được thân phận của mình, nhưng cũng là lúc đã quen dần với cái xã hội thu nhỏ ở xóm Ga này. Tôi dần trở nên quen thuộc với làng xóm của mình vì ngay cả trong những lời chọc ghẹo cũng không có gì là ác ý. Tôi lớn lên là chiến tranh đã hết. Những chuyện trước đó chỉ nghe qua lời kể của người lớn. Có lần nghe ba tôi nói dù sao đạp xích lô cũng yên ổn hơn làm lính gác cầu, chẳng biết sống chết lúc nào… Chỉ có cái khổ nghèo là dai dẵng. Con người sinh ra chắc chỉ để vật lộn với cuộc sống hằng ngày. Buồn thật! Trời đã khuya lắm rồi. Các em tôi đi coi xi nê về đã ngủ cả. Ba má tôi chắc cũng đã ngủ từ lâu. Không còn cả tiếng xe qua lại ngoài đường. Tôi rón rén ngồi dậy xỏ dép mở cửa sau ra ngoài. Trời đêm yên tĩnh và xóm Ga vắng lặng. Các hàng quán đã ngủ yên. Đó đây ghế bàn lổn ngổn. Tôi băng qua bùng binh bước vào cái cổng ga quen thuộc. Cây đèn hiệu đỏ lù mù phía xa xa, người trực ban đang ngủ gà ngủ gật trong trạm gác. Bên trong nhà ga lác đác mấy dáng người nằm, chẳng biết khách lỡ đường hay mấy người ăn xin tạm trú qua đêm. Tôi vịn tay vào chấn song sắt nhìn vào sân ga. Các toa tàu cũng đang yên ngủ. Gió từ phía quốc lộ thổi qua hàng dây điện vi vu… Xin giã biệt nhà ga của tôi với những hồi còi quen thuộc, giã biệt những toa tàu đã từng chuyên chở dùm tôi biết bao nhiều nỗi niềm gởi gắm. Xin giã từ cái xóm nhỏ náo nhiệt nhưng thanh bình… xxx Tôi lấy chồng ở xa, lâu rồi mới về nhà thăm mẹ. Xóm Ga vẫn không có gì thay đổi lớn. Một con đường mới đang được phóng dọc ra hướng bắc. Hỏi han hồi lâu tôi sực nhớ: - À, con Huệ Mỹ đen đi Mỹ chưa má? - Nó bị xe cán chết rồi còn đâu! Tôi bàng hoàng. Má tôi chép miệng nói tiếp: - Tội nghiệp nó quá! Sắp sửa ra đi thì bị tai nạn. Nửa đêm chẳng hiểu nó đi đâu ra quốc lộ để bị xe tốc hành tung bể sọ. Bà Tư xỉu ngay tại chỗ. Bữa đi chôn nó cả xóm tới đông lắm, ai cũng rớt nước mắt. Tôi cũng thấy xốn xang. Hai mắt chợt cay sè như muốn khóc…