nh cầm cái rựa bén nhìn quanh quất mảnh đất quanh ngôi nhà rồi thở dài lắc đầu ngao ngán. Chỉ có phần trước được người hàng xóm lâu lâu qua dòm ngó phát quang còn đằng sau thì um tùm quá. Điệu này chắc làm tới chiều mới xong. Vừa nghĩ ngợi ước lượng công việc mình phải làm anh vừa đeo khẩu trang bịt kín mặt.. Nếu không có dự án quy hoạch vùng này để xây những khu chung cư nhằm di dời bớt số dân sống trong những khu trung tâm đông đúc chật chội thì anh cũng chưa về lại ngôi nhà cũ này. Đây là khu đất của ba má anh, nó nằm ngay sát một bìa rừng. Ba má đã già. Cả nhà anh đã sống ở Sài-gòn hơn mười năm nay. Anh là con cả nên nhân dịp được nghỉ phép trở về đây dọn dẹp phát quang, rào lại khu đất cho đàng hoàng chờ công ty môi trường tới đo đạc hiện trạng nhà đất cho rõ ràng hợp pháp để được đền bù. Nếu xong xuôi đâu vào đấy thì cũng tốt, ba má sẽ không còn lo lắng một chốn đôi quê nhưng cũng thấy tiêng tiếc sao ấy. Anh tiến lại sát lùm cỏ um tùm ngất ngưỡng và bắt đầu những phát rựa đầu tiên. Mặc dù bây giờ nắng đã lên cao nhưng bị động đám muỗi không còn chỗ ẩn náu túa ra vo ve, bay tứ tán. Những thân cỏ mềm uột cao lều khều lần lượt ngã đổ. Cứ thế anh mãi miết hết vung lên, hạ xuống, lại quơ trái quơ phải, đám cỏ rậm rạp lùi dần. Mồ hôi nhỏ thành giọt trên trán chảy xuống mắt xon xót, anh bắt đầu thở gấp nhưng vẫn quyết tiến lên. Đang hăng say vung vít bỗng cái rựa khựng lại trên không như có một lực vô hình níu giữ không cho kết thúc đường phát dã man bạt mạng nữa. Anh từ từ buông thõng tay xuống. Cái rựa rơi nằm im lìm trên cỏ. Anh bỏ nón ra, tháo khẩu trang để nhìn cho rõ. Một cảnh tượng huy hoàng bày ra trước mắt. Những bông hoa dã quỳ vàng đua chen nở thành vạt dài bập bềnh trong nắng trong gió khiến cho cả không gian như xao động. Nhịp tim rộn rã như thể bất chợt nhận ra cái gì đó thật dấu yêu đã lâu không gặp. Mùi hương hoang dại của dã quỳ trải ra ngây ngây nồng nàn. Một cảm giác lâng lâng khó tả.. Anh ngước nhìn bầu trời cao xanh. Nóng nực mệt mỏi như dịu lại chỉ còn sắc vàng ngợp trời. Dã quỳ dập dềnh, dã quỳ quanh co mon men theo một lối nhỏ.. Lối này đã bao lần in dấu chân thời cắp sách đến trường, thời theo cha mẹ lên nương rẫy. Năm nào hoa quỳ nở nhiều thắm tươi năm ấy khoai bắp bội thu. Lòng bỗng phấn chấn. Anh vùi cái rựa xuống đám cỏ, xách cái bị vải trong đó có khẩu phần ăn sáng mua vội ở quán đầu xóm lửng thửng đi. Bốn bề vắng lặng, anh lần theo lối xưa, từng bước dò dẫm như để cảm nhận sự sống của muôn loài đang chuyển mình đón ánh mai.. Cứ thế anh tiến sâu vào rừng. Được một lúc anh ngừng lại ngước nhìn những cây thông sừng sững, ánh mắt dáo dác kiếm tìm. Rõ ràng anh vừa nhận ra một mùi hương thoang thoảng, quyến rũ..A! đây rồi, chót vót trên một vòm cây thấp thoáng trong nắng có nhánh lan rừng dịu dàng phất phơ phô bày những cánh hoa thanh thoát xinh xinh màu trắng điểm vàng. Đang say sưa ngắm vẻ đẹp huyền bí của lan rừng bỗng cành lá rung chuyển ào ào như mưa rào, cả vùng lao xao như cái chợ. Một bầy khỉ có đến hàng mấy chục con ở đâu ùa về nhảy nhót loạn xạ, chúng đuổi nhau, chuyền cành đu mình, xô đẩy, giành giựt những trái bắp, những củ khoai...Con không cướp thức ăn được để va vào mồm thì cấu xé la hét om sòm, nhéo tai bứt lông, thọc lét con đang ăn. Nhìn bầy khỉ đánh nhau mà anh choáng váng. Anh chả ưa gì khỉ. Chúng phá kinh khủng đặc biệt là khi chúng ở trên cao còn mình ở dưới. Điệu này chắc chúng vừa tàn hại nương rẫy của ai đây! Đang nghĩ ngợi bỗng thấy như có cái gì chạm vào vai mình anh mau mắn giữ chặt bị, quay nhìn thì ra một chú khỉ trông lớn hơn đồng bọn đang cúi xuống giơ cánh tay dài ngoằng vươn về phía anh định cướp túi vải. Anh lượm vội những viên đá ném về phía nó, rồi tiếp tục ném túi bụi lên những vòm cây. Bọn khỉ nhún nhảy trên cao cúi xuống nhe răng cười nhăn nhở, kêu khẹt khẹt một lúc, rồi lần lượt bỏ đi. Khi tất cả đã yên ả trở lại anh mở túi vải lấy gói xôi vừa ăn vừa ngắm nhánh lan rừng. Một tiếng kêu the thé từ trên vọng xuống. Anh giật mình ngước nhìn. Thì ra có hai mẹ con nhà khỉ vẫn chưa chịu đi, con mẹ đang ôm con, miệng nó không biết vì sao lại vêu ra một bên như người ta bị sưng răng. Còn chú khỉ con thì cứ háo hức muốn vạch cho được miệng khỉ mẹ. Thấy khỉ con quyết liệt quá, khỉ mẹ đành há miệng móc ra một mẩu bắp. Khỉ con hăm hở chộp lấy nhưng khỉ mẹ giữ chặt, nó cắn vài hạt nhai nhai rồi nhét vào miệng con, phần bắp còn lại nó khoan thai ngồi ăn. Nhìn thấy miệng khỉ mẹ hết sưng vếu tự nhiên anh bật cười. Hóa ra là con vật cũng khôn đáo để, nó giấu thức ăn trong khoang miệng để dành khi cần lấy ra ăn. Một lúc sau khỉ con dường như phát giác ra kẻ lạ, nó cúi xuống ré lên mấy tiếng rồi cứ giương cặp mắt thao láo nhìn anh. Thấy khỉ con hay hay anh moi trong túi vải trái chuối bóc vỏ giơ lên cao dụ dỗ. Khỉ con tụt khỏi vòng tay mẹ bò xuống được hai phần ba thân cây lập tức khỉ mẹ chạy theo túm lấy phát mấy cái vào mông rồi lại đưa con lên ngồi vắt vẻo trên cao. Khỉ con giãy giụa phản đối kêu léo nhéo, đập tay đập chân loạn xạ như con nít ăn vạ. Khỉ mẹ ôm sát con vào lòng, vỗ nhè nhẹ vào lưng đu đưa qua lại hệt như người mẹ đang dỗ dành con. Anh vừa ăn vừa theo dõi hai mẹ con. Trong khi cho con bú, khỉ mẹ cũng lặng lẽ nhìn xuống chỗ anh ngồi. Anh lại giơ trái chuối lên. Nó ngoẻo cổ qua một bên liếc nhìn một lúc vẻ thèm thuồng nhưng quay mặt đi, không xuống dù anh huýt gió tìm mọi cách dụ dỗ khuyến khích. Ngồi lâu không thấy khỉ mẹ xuống, đã quá trưa anh đứng dậy ra về để lại quả chuối dưới gốc cây. Đi được hơn chục thước ngoái nhìn anh đã thấy khỉ mẹ địu con lủng lẳng trước ngực miệng ngậm chặt trái chuối, nó đang đu mình trên không mau mắn chuyền cành, biến mất sau những lùm cây rậm rạp. Anh xoay người cuộn chăn quanh mình cố ngủ nướng thêm tí nữa mặc dù mọi vật trong căn phòng lờ mờ đang dần hiện rõ, ngoài kia tiếng chim hót líu lo và một vệt nắng đã lọt qua khe cửa đóng kín. Ở đây núi rừng hoang vắng không hề bị khuấy động bởi những âm thanh ồn ào của thành phố, đêm tối nằm trong nhà thỉnh thoảng chỉ nghe tiếng những quả bơ già rụng lăn trên nền đất ẩm và tiếng côn trùng kêu rỉ rả để rồi mau chóng chìm vào giấc ngủ bình yên thật sâu không mộng mị. Anh đã ở đây được hai tuần. Việc đo đạc đất đai đã xong. Giờ chỉ còn chờ vài ngày theo giấy hẹn đến nhận bản vẽ hiện trạng nhà đất, trả lệ phí, về lại Sài-gòn. Nghĩ tới đây bỗng anh đưa mắt nhìn về cái túi vải phình ra đã được túm lại cẩn thận. Anh mỉm cười. Trong đầu anh chập chờn hình ảnh bộ lông xám ôm ấp nâng niu bộ lông tơ nho nhỏ. Suốt hai tuần nay ngày nào anh cũng được nhìn thấy hai mẹ con. Anh đã phân biệt được khỉ mẹ trong đám khỉ có bộ lông xám y hệt nhau. Đó là vì lúc nào khỉ mẹ cũng bồng bế con. Ít khi thấy nó rời con lâu, một vài lần nó để con lại trên cành phóng vào rừng chừng một lát rồi quay trở lại ngay. Chân khỉ mẹ có một vết bỏng cháy xém trụi hết lông nên dù khỉ cái khỉ con trong bầy rất nhiều và giống nhau y hệt nhưng anh vẫn nhận ra hai mẹ con nhà nó. Khỉ mẹ lặng thầm nhất trong bầy. Nó thường ngồi ẩn khuất trên một cành cây nào đó, ôm con nhìn cả bầy nhốn nháo "làm trò khỉ", kiên nhẫn đợi cho bầy đàn đi hết nó mới bắt đầu thong thả thưởng thức "chiến lợi phẩm" của mình. Điệu bộ khỉ mẹ khác với đồng bọn, nó hay âu yếm, nựng nịu, có khi chu miệng ra hôn khỉ con hoặc phát vào mông khỉ con khi ương bướng. Nó không bao giờ nhe răng nhăn nhở chọc anh như những con khác, thỉnh thoảng thấy nó vừa đu đưa con trên tay vừa phát ra những tiếng nghe như hát ru anh quên rằng nó là khỉ mà cứ ngỡ đang ngắm một bức tranh về tình mẫu tử. Giờ hai mẹ con đã bắt đầu dạn dĩ quen quen rồi! Cứ buổi sáng khi bầy khỉ rút lui vào rừng sâu anh mở túi vải lấy chuối hay bánh ngọt ra để dụ hai mẹ con xuống chơi với mình. Lúc đầu khỉ mẹ ôm con tụt xuống đất nhưng không dám lại sát bên anh mà ngồi xa xa nhìn lại. Khi anh bước tới khỉ mẹ còn e dè thụt lùi nhưng có lẽ biết được ý anh nên mấy ngày sau nó ngồi yên để anh vuốt đầu khỉ con. Khỉ mẹ chừng mực khiêm cung không xấc láo hỗn xược như những con khỉ anh thường thấy. Nó không chụp giựt mà rón rén lấy thức ăn từ bàn tay anh, khi thì cái bánh ngọt khi thì quả chuối bỏ vào miệng thử trước rồi mới cắn ra đút cho khỉ con. Có hôm anh cho nó một chai nước ngọt, nó uống vài hớp có vẻ khoái chí nhưng rồi lại cầm chai đút vào miệng khỉ con, sung sướng nhìn con tu một hơi cạn sạch. Hôm nay anh cũng mang chuối, bánh bích quy và hai chai nước ngọt chia đều cho cả hai mẹ con. Chỉ còn vài ngày nữa anh sẽ rời nơi đây. Nhanh quá! Tự nhiên sao ngại về lại thành phố. Đang nghĩ lan man bỗng một loạt súng nổ chát chúa vang lên xé tan không gian tĩnh lặng, anh giật mình ngồi nhổm dậy. Tiếng súng quá gần. Bật cửa chạy ra ngoài nhìn dáo dác. Không gian lại yên ắng. Chưa kịp hiểu ra sự việc thì những chiếc xe máy xuất hiện từ con đường đất sau nhà ào ào gầm rú chạy hết tốc lực xẹt qua nhà, lao về phía con đường nhựa lớn. Anh chỉ kịp nhìn thấy những bao tải lùng bùng phía sau xe, và một cái lồng thép to như cái giỏ cần xé chứa đầy khỉ còn sống. Chiếc xe cuối cùng chạy ì ạch, hai tên mặt mày bặm trợn, một tên vừa điều khiển máy vừa chửi thề liên tục, tên kia ngồi phía sau trên vai khoác khẩu súng tự chế, tay xách một con chim lớn hay gà rừng gì đó, đầu con vật lòng thòng bê bết máu. Bắt gặp anh đứng trước thềm nhà ngó ra hắn ta trừng mắt như thể muốn ăn tươi nuốt sống anh. Anh quay đi vờ như không hay biết gì. Dáng điệu bọn này cùng với những tang vật đẫm máu và cái súng tự chế khiến anh biết ngay chúng là lâm tặc. Ở đây núi rừng xa xôi, nếu mình công khai phản ứng không chừng còn rước họa vào thân. Anh đã từng chứng kiến người ta bị hành hung ngay giữa thành phố Sài-gòn văn minh hoa lệ, bị móc mắt, bị đâm lòi ruột, bị rạch mặt chỉ vì dám tri hô khi bắt gặp hành động móc túi, cướp giật. Thậm chí còn chứng kiến cảnh nực cười cay đắng "vừa ăn cướp vừa la làng", nạn nhân sau khi bị giựt dây chuyền chưa kịp hoàn hồn đã bị bọn cướp hùng hổ quay lại tát tới tấp vào mặt chửi rủa "Ăn mặc đẹp đẽ như vậy mà đeo đồ giả hả con đĩ kia?".Thôi thì tạm giả đui giả điếc vậy!. Thế nhưng nhớ lại cái giỏ chứa đầy khỉ trên chiếc xe vừa chạy qua anh giật mình đứng ngẩn người ra lẩm bẩm "Ôi thôi chết rồi mẹ con nhà nó!". Anh quơ lấy cái bị vải phóng ra ngoài hối hả chạy về phía con đường mòn. Đến chỗ có giò phong lan đang tỏa hương, nhìn lên tìm kiếm trên các vòm cây nhưng tuyệt nhiên không thấy động tịnh gì. Giờ này lẽ ra bầy khỉ đã phải qua đây léo nhéo. Chắc chúng bị giăng lưới bắt hết rồi cũng nên. Khuôn mặt dịu hiền cam chịu của khỉ mẹ lại hiện ra trong đầu, người anh bỗng run lên, bứt rứt không chịu được. Anh chạy quanh những nơi hai mẹ con thường tha thẩn, gân cổ lên hú những tràng dài. Bốn bề lặng im. Tiếp tục đi sâu vào trong, đi được chừng dăm phút anh nghe như có tiếng khóc. Anh vạch bụi rậm tìm kiếm bắt gặp chú khỉ con đang quanh quẩn trong bụi trúc, cuống quýt tìm lối ra kêu la thảm thiết. Khỉ con hốt hoảng, ngơ ngác, bơ vơ. Anh linh cảm mẹ nó đã gặp nạn. Anh rút trong bị vải chai nước ngọt, chạy lại đút vào miệng nó. Phần vì đã quen anh, phần vì mãi mê nốc nước ngọt nó để cho anh bế. Đôi mắt khỉ mẹ cứ ám ảnh choáng ngợp lấy anh. Không kịp suy nghĩ thêm gì nữa anh ôm khỉ con chạy về nhà, buộc chân nó vào cái ghế, đặt dĩa bánh ngọt gần đó, rồi khóa cửa chạy thật nhanh về phía con đường nhựa. Anh hành động rất chóng vánh không một chút đắn đo, cứ thế chạy về phía trước không tự trả lời được tại sao mình lại gấp gáp như vậy, chỉ biết là không thể đứng yên một chỗ, phải ra đi, còn đi đâu thì anh cũng không rõ. Anh đưa tay vẫy vẫy. Xe trờ tới rồi ngừng. Anh vọt lên ngồi đại xuống một cái ghế đưa mắt nhìn ra ngoài. Khi xe đi ngang qua quốc lộ anh giơ tay ra hiệu cho chú tài ngừng. Anh tiếp tục vẫy một chiếc xe khác để đi về xuôi. Cuối cùng anh nhận ra mình đang đứng tại bến xe của một thị trấn. Chợ sát bến xe không đông lại nhỏ nên đứng ngoài vẫn quan sát được toàn cảnh. Anh bắt đầu để ý những hàng quán. Cảnh đời ở đây mọi người trông có vẻ lam lũ nghèo khổ, bọn lâm tặc chắc không kiếm chác gì được. Thịt rừng là đặc sản của giới thượng lưu có tiền, cho nên anh đoán bọn đó hẳn đang trên đường về thành phố. Những bao tải anh thoáng thấy hồi sáng có thể là khỉ đã bị thương, còn khỉ sống thì chen chúc trong cái lồng sắt. Chúng không thể chở thú rừng nhông nhông vào ban ngày để về đô thị được. Phải có trạm dừng tạm thời nào đó để chờ chuyển hàng vào ban đêm.. Đây là bến xe đầu tiên trên quốc lộ. Phải làm sao đây? Bọn lâm tặc ban sáng mang khỉ đi đâu nhỉ?. Anh len lỏi đi vào khu chợ lưa thưa người, đảo mắt thăm dò sự tình. Anh đi ngang qua các sập bán thịt. Những miếng thịt lông lá tua tủa hơi kỳ lạ. Anh dừng lại xăm xoi. Người đàn ông tay cầm con dao bén nhìn anh đon đả: "Có thịt heo rừng và nai ngon lắm, mua đi em! còn vài ký bán rẻ cho, trưa rồi!". Những tảng thịt rừng đập vào mắt khiến một ý nghĩ lóe lên. Anh đánh bạo hỏi: "Anh biết ở đây chỗ nào bán đặc sản nhậu không anh?". " Đặc sản thịt rừng hả? Ủa đi nhậu sao đi có một mình? ". Anh mau mắn:" Dạ tại chiều nay công ty có liên hoan nên em phải mò tới đây mua đặc sản sống.Vì đông người nên phải lùng mua số lượng nhiều tại gốc mang về rồi cả bọn xúm lại tự chế biến cho rẻ.". Như gãi đúng chỗ ngứa người đàn ông cười hềnh hệch để lộ hàm răng cáu vàng nham nhở: " Gớm nghiện thịt rừng sao không nói sớm cứ vòng vo tam quốc. Giờ anh chỉ thế này nhé. Em đi ra chỗ mấy ông xe ôm ở ngã ba đường kia kìa nói họ chở vào quán Hương rừng rồi muốn mua gì có tất." Anh hỏi dồn: "Thật vậy hả anh? mua gì cũng có hả anh?". "Chứ sao! Ở đó toàn phục vụ các quan chức đại gia từ khắp nơi đổ về để tìm vị lạ rừng xanh đấy nhé!". " Em tưởng chỉ có ở Sài-gòn mới đầy đủ đặc sản, bao nhiêu của ngon vật lạ đều được dành đem về thành phố chứ ở đây ai có tiền đâu mà ăn!". " Ấy thế là nhầm! Dân sành điệu biết thưởng thức đặc sản thì không ngại vượt núi băng rừng đâu nhé, ăn ngay tại chỗ nó mới tươi, ngon và nhất định không phải hàng giả. Khách thượng lưu người ta đòi hỏi cao lắm, ăn uống điệu nghệ lắm!. Nhiều khi hàng phải được trưng ra trước mặt, còn vui sống khỏe mạnh, kêu to, chạy khỏe kia để yên tâm nguồn thực phẩm sạch không bệnh hoạn hoặc thú bị bẫy trúng độc. À hay là em rủ bạn bè tới tận nơi đi chứ hơi đâu mà đi lùng thịt sống rồi mang về tự chế biến chi cho mất công hả em!. Để anh giới thiệu cho một món độc nhất vô nhị, loại này không phải lúc nào cũng có, khi có thì chủ nhà hàng ưu tiên cho khách quen đã từng hẹn trước để còn đưa xếp tới thưởng thức, nhưng hôm nay anh chắc chắn món này có "duyên" với em. Hồi sáng khi anh lấy thịt rừng ra đây bán thấy người ta chạy vào mang....". Anh sốt ruột cắt ngang: "Mang gì vậy anh?". Gã bán thịt nghiêm nét mặt giọng trịnh trọng: "Mang hàng có thể chế biến được món óc Hoàng gia". "Óc hoàng gia là sao?" "Thì đó là món óc khỉ, múc ăn sống tại chỗ chứ sao nữa! Món này của bà Từ Hi Thái Hậu đấy!". Cảm giác lờm lợm, cứ muốn ói mà không thể ói được, khó chịu nôn nao quá, mặt gã bán thịt bỗng chập chờn không rõ, anh vội đứng tựa vào thành quầy vừa vuốt ngực vừa trố mắt nhìn sững gã bán thịt. Vì mãi chăm chú dùng mỏ đốt để thui cháy đám lông tua tủa trên miếng thịt heo rừng đang bốc mùi khét lẹt nên ông ta không nhận ra vẻ khác thường hốt hoảng của anh. Ông ta tiếp tục cao giọng: "Anh khuyên chú mày nên đưa bạn nhậu tới đó, ăn thử món này xem, bảo đảm không đâu ngon bằng! Làm ở nhà không được đâu. Khách phải ngồi trên một cái bàn có đục lỗ sẵn để cho một phần sọ khỉ sống được luồn qua đó, có người phục vụ cầm con dao bén sớt ngọt một đường ngang như người ta cắt phần đầu trái dừa tươi lấy nước uống vậy, đơn giản gọn nhẹ lúc đó chỉ còn việc múc ăn tươi nguyên, ái chà chà bổ phải biết!" Khuôn mặt hiền từ nhẫn nhục của khỉ mẹ lại hiện ra, chịu không thấu anh rên rỉ: "Dạ dạ, em hiểu rồi!" Nói xong anh phóng ra khỏi khu chợ hấp tấp đi về phía ngã ba vẫy một chiếc xe ôm. "Đi đâu đây?". "Tới ngay quán "Hương Rừng dùm cái". Đứng trước quán Hương Rừng anh đưa mắt lia một vòng cái sân bằng đất nện rộng có đến mấy chục thước. Một cái lồng nhốt toàn chuột để dưới gốc cây. Mùi thức ăn xào nấu ập vào mũi. Anh liếc nhìn vào phía trong, quán nhậu vốn dĩ buổi sáng không đông lắm, chỉ có một bàn ba người đang ngồi quay lưng. Không có ai đứng sau quầy tính tiền, anh mạnh dạn đi vòng ra phía sau. Đang đi bỗng anh giật nẩy người lùi lại đưa tay lên chặn ngực nín thở hồi hộp mừng rỡ khi nhận ra đám lông giống con gà rừng đủ màu sắc hồi sáng bị bắn đang được phơi trên một cái phên tre. Trên mặt đất lốm đốm những vết máu. Tiếng khóc la gọi mẹ của khỉ con lúc nãy như còn văng vẳng bên tai. Một tia hy vong le lói. Phải bằng mọi cách tìm cho được khỉ mẹ dù sống hay chết. Ý nghĩ ấy khiến anh nôn nóng không muốn chần chừ. Anh quay trở lại phía trước, bước hẳn vào quán kêu lớn: "Chủ quán đâu rồi! Cho hỏi chút được không?". "Ơi ai hỏi đó?" Kèm theo tiếng hỏi một người đàn ông to mập râu ria xồm xoàm cặp mắt ti hí xênh xếch bước từ phía trong ra, cái tạp dề gã mặc dính đầy máu tươi, gã cau có gào lên:" Con Tí đâu rồi, bảo ngồi trông quầy tiếp khách mà cứ bỏ đi chơi là sao?." Quay lại phía anh, gã hất hàm hỏi:"Anh ăn gì? coi thực đơn buổi sáng đi rồi ngồi chờ chút nhé, giờ này ít khách nên tụi nó làm một loáng là xong ngay ấy mà!". Một sáng kiến lóe lên trong đầu, anh nghĩ thầm, quán nhậu thịt rừng thể nào cũng có bán rượu. Anh buột miệng: "Không anh ơi, em ăn sáng ngoài chợ rồi, em muốn hỏi quán có bán rượu thuốc không?." Gã lừ lừ nhìn anh từ đầu tới chân rồi hỏi lại:"Rượu thuốc thì có nhiều loại, phải nói tên rượu thuốc muốn mua chứ?.". "Thế chỗ anh có rượu gì bổ?". Gã nhún vai: "Bổ thì cũng tùy theo người sử dụng, cần bổ khí cường dương thì khác, cần chống đau khớp, khô khớp, ấm tì bổ phế lại khác nữa, chưa kể nhậu thì còn tùy theo món ăn, ôi nói chung phức tạp cầu kỳ lắm". Gã chỉ mấy hủ rượu để ngay trước quầy: "Rượu trứng hổ mang chúa đó, bổ lắm. Mua về uống không hiệu nghiệm mang lại đây trả, tôi trả tiền lại cho." Trên đường đi xe ôm vào đây anh đã chuẩn bị phương án trước. Để tránh bị nghi ngờ anh làm bộ eo xèo tỉ tê: " Anh biết không cách đây hai năm em bị mổ chân rồi thì bây giờ cái chân phải của em yếu hẳn, thời tiết hơi thay đổi là nó nhức chịu không nổi, có người mách cho em uống rượu ngâm rắn nhưng đắt quá em không kham nổi, em đành mua rượu tắc kè về uống nó rẻ hơn rất nhiều, khoảng hơn mười nghìn một xị thôi nhưng thấy không hiệu quả, em nghi là người ta bán cho em loại rượu ngâm nước thứ ba thứ tư gì đó chứ không phải nguyên cốt. Cho nên hôm nay theo lời người ta mách, em phải lặn lội vào đây hỏi mua cho chắc ăn.". Nghe vậy mặt người đàn ông không còn nặng trịch khó khăn mà vênh lên, gã nở một nụ cười đắc ý rồi trề môi "Thì có mười mấy ngàn lấy đâu ra của quý!, thôi vào đây, nói thiệt nhé với những ai đau ốm tôi bán theo cái kiểu lấy công làm lời thôi, tôi có nguồn lợi khác bù lại, nhưng hàng tôi thì nhất định là hàng thiệt." Anh hấp tấp theo gã vào một căn phòng tối. Đèn bật sáng. Gã đứng giữa căn phòng, chung quanh là những kệ đựng đầy những hủ, những bình rượu thuốc to nhỏ cao thấp đều có, trong chứa những con vật còn nguyên xi hình hài. Anh nổi gai ốc, nhưng vẫn làm bộ như đang chăm chú xem xét để lựa chọn. Gã đưa tay chỉ một bình rượu ngâm một cặp tắc kè còn trong tư thế giao cấu bắt đầu lên lớp huênh hoang. "Đấy anh thấy chưa, rượu tắc kè ngâm là phải ngâm đôi như thế này uống mới tốt." Rồi gã lại chỉ tay về phía bình rượu rắn: "Còn đây là rượu tam xà mổ lấy hết ruột ra rồi ngâm, con nằm dưới cùng là hổ mang, giữa là hổ thiết, trên cùng là Ráo, bình kia là ngũ xà đắt lắm bạc triệu đó vì có thêm hai loại nữa là cạp nong, cạp nia.". Anh thắc mắc: "Không biết em có nhìn lầm không chứ rõ ràng cái con màu lục xám là con rắn hổ chuối chứ có phải Ráo đâu? còn cái con khoanh vàng đen và khoanh đen trắng y chang con mai gầm vàng và bạc chứ nong nia gì hả anh"?. "Thì đó là tên dân dã của rắn Mai gầm và Ráo chứ còn sao nữa?. Chết thật! chắc hồi đi học dốt môn văn và sinh vật lắm phải không?." Anh trố mắt: " Sao anh lại nói vậy? Ừ thì cho là em dốt môn sinh vật đi nhưng văn thì mắc mớ gì ở đây?. Gã không nói gì cả đọc một lèo:" Chẳng phải "liu điu" vẫn giống nhà!, "Rắn đầu" biếng học quyết không tha, Thẹn đèn "hổ lửa" đau lòng mẹ, Nay thét "mai gầm" rát cổ cha."Ráo" mép chỉ quen tuồng lếu láo", Lằn" lưng chẳng khỏi vết roi da, Từ nay "Trâu" Lỗ xin siêng học, Kẻo "hổ mang" danh tiếng thế gia!".(1) Anh nhìn gã đăm đăm. Coi bộ gã cũng hiểu biết rõ về động vât đó chứ!. Gã là một "tên đồ tể" nhưng cũng đâu kém gì một nhà giải phẫu học vì gã cũng có năng khiếu trong việc mổ xẻ ngâm ướp xác. Đang nghĩ bỗng chân anh vấp phải một cái chậu, nhìn xuống thấy một cặp gà còn nguyên lông lá ngâm trong rượu anh kêu lên: " Ui trời! sao lại ngâm gà rừng còn lông lá trong rượu vậy anh?."." Gà rừng đâu mà gà rừng, bìm bịp đó, loại này ngâm rượu đại bổ, ngâm phải đủ cặp, ngâm rồi giá năm trăm ngàn đó ông nội à!. Ngâm mới được một tháng thôi nhưng khi ngâm nó còn sung lắm mấy tiếng đồng hồ vẫn còn giãy đành đạch, bị thương hay chết rồi thằng này không bỏ công ngâm rượu đâu, mất hiệu nghiệm". Anh hốt hoảng than thầm, ôi lẽ nào loài chim bìm bịp có tiếng kêu khắc khoải theo con nước lớn cùng với cảnh lục bình tim tím bập bềnh trôi mỗi khi chiều buông, đẹp đẽ lãng mạn trong thơ ca cũng nằm phơi xác ở đây?. Gã đồ tể hỏi:"Anh ở đâu tới đây?". "Em ở Sài-gòn nghỉ phép đi thăm thú vài ngày nhân dịp hỏi mua rượu thuốc uống cho chân cẳng vừa bị mổ được cứng cáp trở lại". Miệng đáp nhưng lòng bối rối hoang mang không biết rồi sẽ xoay xở sao đây. Gã đồ tể như nắm bắt được điều gì mắt sáng lên tiếp tục thao thao quảng cáo: "Anh xem đi rồi khi nào về thành phố mách cho ai đó có chứng liệt dương bất lực lên đây tôi bán cho một loại rượu thuốc hay vô cùng, uống xong có đụng phải hạng như Võ Tắc Thiên thì cũng vẫn còn dư sức để đối phó. " "Rượu gì mà hay dữ thần vậy?" "Rượu Xà pín". "Xà pín là gì?". "Ủa anh dân mua rượu thuốc hẳn phải biết nhậu rồi mà không biết pín là gì à?" "Em chỉ biết ngầu pín bò thôi à!"." Ừ thì thay vì dương vật bò là dương vật rắn thế thôi. Nhưng bò thì làm sao dai sức như rắn?" Gã giơ bàn tay xòe ra năm ngón "Một đợt mây mưa của nó kéo dài có khi cả hơn năm tiếng đồng hồ đó nghen". Nói tới đây gã tiến lại góc phòng có tấm rèm buông hững hờ, trịnh trọng vén lên, để lộ ra một cái kệ lớn trên có hủ rượu ngâm những vật gì loi ngoi như giun. Gã cười sằng sặc: "Đấy xà pín đấy! Loại này làm gỏi ăn cũng ngon lắm!". Thế nhưng ánh nhìn của anh lúc này lại dán chặt vào cái hủ thủy tinh khác lớn như một cái vại sành đựng nước. Quá ư ngạc nhiên, tay chân bủn rủn miệng há hốc rồi hai hàm răng va vào nhau lập cập. Trời đất, một con khỉ đang mang thai bụng đã chình ình bị ngâm rượu nguyên xi, mắt vẫn mở, miệng ngoác ra không khép được. Có lẽ hình ảnh con vật quá thương tâm kích thích mạnh mẽ mọi cảm xúc trong anh đến nỗi đầu óc bỗng trở thông suốt tỉnh táo lạ thường, anh hiểu rõ nếu muốn tìm khỉ mẹ thì mình "cần phải sống chung với lũ". Anh buộc phải diễn kịch nói ra điều không muốn chút nào:"Công nhận phục anh thiệt đó, hồi nhỏ em có vào một phòng thí nghiệm thấy có một lọ thủy tinh ngâm formol một thai nhi nhỏ cỡ bằng ngón tay thôi anh à nhưng nhìn kỹ thấy nó đã biết bú tay dùng để phục vụ cho công việc nghiên cứu của trường học, nhìn giông giống như cách anh ngâm rượu thuốc, tư thế con khỉ ngồi cứ như là đang còn sống vậy!" Gã đồ tể khoái chí kéo anh lại thì thào giọng ra vẻ bí mật" Thuốc trị bá bệnh đó năn nỉ chưa chắc bán đâu, nhìn vậy chứ cũng còn lâu mới thành thuốc, giờ chưa dùng được chứ không thì tôi rót cho tí ti để nhấm nháp". Nghĩ đến khỉ mẹ, lòng anh như đang bị xát muối. Không thể ngần ngừ được nữa, anh đánh bạo giả vờ hỏi: "Anh à, nhân đây em cũng muốn hỏi anh là nhà ta có bán khỉ sống không?, khi nào có cho em biết, lâu nay em muốn tìm mua một con tặng cho ông chú, hồi đó chú em làm nghề xiếc có con khỉ khôn lắm, nó ở với ổng cũng lâu, một hôm nó chạy qua đường bị xe cán chết, tội chú lắm! khóc ròng cả tháng trời, nó thuộc giống khỉ này nè." Gã đồ tể hơi khựng lại rồi hớn hở đáp, giọng gã đã trở nên thân tình:"Vậy là mày gặp may rồi đó nghen! Hồi sáng tao mới mua một lố khỉ, con nào bị thương tao sẽ gọi đại gia tới thưởng thức món óc khỉ, con nào lành lặn thì sẽ nuôi để giành lại bữa khác". Anh năn nỉ:" Vậy anh hãy mang em xuống coi có con nào bộ dạng khôn lanh thì anh để lại cho em một con đi!" "Mày làm cái gì mà rối tinh lên thế, vậy có mua rượu thuốc không đã nào?" "Nói thiệt với anh, em nhìn rượu thuốc của anh cũng thèm lắm nhưng không mang đủ tiền chắc chỉ mua nửa lít rượu tắc kè thôi, bây giờ biết giá cả rồi, khi khác túi rủng rỉnh em rủ thêm mấy thằng bạn lên thăm thú "giang sơn" của anh nhất định phải cụng ly một trăm phần trăm mới được." "Vậy thì hãy theo tao, mau mau lên, tao còn khối việc phải làm kia kìa, mụ vợ chằng tinh sắp đi chợ về tới nơi, mụ lại la quang quác lên bây giờ." Nhìn căn phòng rộng lớn ồn ào đầy những tiếng kêu la hốt hoảng nhốn nháo của thú rừng bị nhốt, anh đoán chỗ này trước đây phải là nơi nuôi gà công nghiệp vì nhận ra loại lồng bằng thép vuông vuông có phần cách biệt phía trước để trứng lọt qua nằm lại. Nhưng giờ lồng chứa toàn động vật hoang dã. Anh chạy quanh quanh đảo nhanh mắt tìm kiếm. Gã đồ tể chỉ một con khỉ xám mách nước:" Mày lấy con này nè! Nó là con đực chưa trưởng thành nhưng nhìn là biết nó khỏe và lanh, coi cái mặt nó kìa, đểu chưa? Mày mang nó về biết đâu nó thành diễn viên xiếc xuất sắc không biết chừng" Anh lắc đầu cố gắng đi một vòng để nhận dạng khỉ mẹ trong đám lông xám lố nhố. Có con không biết do quá sợ hãi hay vì muốn tự vệ khi anh tới gần nó ngoác mồm nhe răng kêu khẹt khẹt. Thế rồi nhịp tim anh thót lại như muốn ngừng đập, may mà anh kịp kìm lại không reo lên, khi nhận ra phía trong góc tối của cái chuồng rộng hơn một thước, con khỉ mẹ hai tay vịn vào thanh thép như một người tù bên song sắt, dáng vẻ u sầu lặng lẽ, khác biệt với sự nháo nhào của đồng bọn. Đôi mắt như biết nói ấy là duy nhất không thể nhầm lẫn được. Anh tiến lại nhìn kỹ và ơ kìa dường như nó đã nhận ra anh!. Đang bất động bỗng nó dựng hẳn người lên ngước nhìn anh phát ra những tiếng rên, ánh mắt tha thiết không rời như thể đang cầu cứu van lơn. Anh nhìn đám lông bị cháy xém trên chân con khỉ rồi reo lên:"Anh à! em mua con này nè! Anh bán nguyên con hay bán theo cân?". "Mày mua sống thì tao bán theo con". "Bao nhiêu vậy anh?". " Con này giết lấy thịt không tính nội tạng phải hơn bốn ký! Tao bán một ký là trăm rưỡi, thôi tao lấy mày ba trăm, lấy giá gốc chịu chưa? Nhưng mà tao thấy con này nó thụ động lại là con cái, lông nó đâu có mướt, nhìn không hay bằng con hồi nãy, coi kìa cái chân lại bị một vết thẹo mày lựa gì kỳ vậy?". Anh mừng quá luống cuống, cổ họng như nghẹn lại lắp bắp: "Nhưng..nhưng... mà... nó...nó...giống con khỉ đã mất của chú em, anh tính tiền xị rượu tắc kè luôn đi". "Mày mắc cười thiệt đó! Sao tao thấy con nào cũng giống con nào, đều lông xám chứ có khác gì đâu! Thôi kệ mày, còn xị tắc kè tao tặng để làm quen ban đầu được chưa?.". Anh lục túi móc tiền rất nhanh trao cho gã không kỳ kèo. Tên đồ tể nhét vội tiền vào túi quần rồi nhấc con khỉ mẹ ra khỏi chuồng tìm dây xích tròng qua cổ trao cho anh. nhắc nhở: " Mày coi chừng không nó xổng mất đó nghen. Nó mà nhe răng cắn càn, mày tát cho nó vài cái là nó sợ ngay!" Ra khỏi quán con khỉ mẹ hớn hở chạy lúp xúp theo anh, lâu lâu lại nhảy cà tưng cà tưng, kêu lên mấy tiếng. Anh hối hả cùng khỉ mẹ đón xe ôm trở lại bến. Khi xe buýt lăn bánh rời bến, anh thở phào nhẹ nhỏm. Anh nhấc khỉ mẹ lên ngồi ở cái ghế trống bên cạnh nói nho nhỏ: "Mày thoát rồi đó! Chịu khó chút đi rồi thì sẽ gặp con mày thôi mà!" Con khỉ có vẻ không để ý đến cái dây buộc quanh cổ, nó ngước nhìn anh, nét mặt linh động hẳn lên nhưng rồi ánh mắt mau chóng tối lại, nó cúi nhìn xuống phần bụng, hai tay vô tình vòng ra phía trước tư thế giống như lúc nó đang bế con trong lòng. Anh an ủi: "Phải mày nhớ con không? Mày cảm thấy thiếu hụt trống vắng vì không có bé yêu trong lòng phải không nào?". Vừa nói anh vừa đưa tay làm điệu bộ như đang ôm con vỗ về đu đưa. Khỉ mẹ lại ngước lên gật gù, mắt nó long lanh như ngấn nước. Ngồi im một lúc bỗng nó nhoài người cố thò đầu ra ngoài khung cửa xe nhìn đăm đăm cảnh rừng núi đang lướt qua rồi nó gục đầu vào hai bàn tay rên ư ử trông như một người quá ư đau xót tiếc nuối vì vừa đánh mất một thứ gì vô cùng quý giá vậy! Anh kéo sợi dây xích hướng khỉ mẹ đi vào ngõ nhà mình. Con khỉ mới đầu hình như đã nhận ra môi trường khác lạ nó trì lại, thế rồi nó dựng hẳn người lên, nghiêng tai nghe ngóng như đang nhận ra điều gì Tiếng khỉ con la hét từ trong nhà vọng ra. Khỉ mẹ rít lên mấy tiếng vội bám theo anh đến tận cửa quýnh quáng chờ anh mở khóa. Cửa vừa hé mở nó đã lách thật nhanh lao vào nhà. Khi anh bước vào phòng, một cảnh tượng làm mắt anh cay xè rưng rưng. Khỉ con nép vào lòng mẹ, đưa mũi hít hít thút thít tìm vú mẹ. Khỉ mẹ rít nhẹ lên mấy tiếng, cà cà mặt mình vào cái đầu be bé, một tay ôm chặt con, tay kia vuốt nhẹ lưng vỗ về. Anh đứng ngẩn người nhìn không chớp mắt cảnh hai mẹ con quấn quýt mừng mừng tủi tủi bên nhau. Có điều gì đó rất thiêng liêng ấm áp đang tỏa ra khắp căn phòng lạnh lẽo ẩm mốc bị bỏ hoang lâu ngày. Mải mê ngắm hai mẹ con không biết chán, lòng anh bình an vui sướng nhưng rồi ngậm ngùi nhận ra rằng mình không thể sở hữu hai "sinh linh" này. Mai đây anh sẽ trình báo cho hạt kiểm lâm biết, tìm cách cho hai mẹ con được an toàn trở về rừng xanh, chỉ có ở đó đặc tính thiên bẩm của chúng mới được bộc lộ trọn ven, tha hồ mà vẫy vùng. Chúng thuộc về cõi mênh mông thoáng đãng ngoài kia. HẾT Chú thích (1) Bài thơ "Rắn đầu biếng học của Lê Quý Đôn"