iang ngồi gập người trên chiếc ghế gỗ, hai tay ôm gối. Trước mặt em, sông vẫn lững lờ trôi. Nước sông buổi chiều ngã màu xám đục. Cũng như trong tôi bây giờ, chút hy vọng đợi chờ còn gắng gượng đến chiều nay đang lịm dần theo mặt trời sắp tắt. -Anh sẽ đợi Giang đến bao giờ? -Đợi gì? -Cả trăm trang giấy, hàng ngàn câu thơ, mấy triệu chữ viết anh đã gửi. Chỉ cần Giang trả lời một tiếng thôi?-Biết nói gì, hở anh? -Thì viết thư trả lời, vắn tắt vài chữ thôi cũng được? -Bây giờ… hổng được đâu! Anh cứ đợi đi! Trời! Tôi than thầm và luôn tiện ném xuống nước viên phấn trắng đang nắm trong lòng bàn tay. Thật tình, tôi muốn gieo người xuống sông luôn cho đỡ tủi. Bỗng chốc, tôi cảm thấy cô đơn. Rất cô đơn như cách đây một năm, ngày đầu tiên tôi đặt chân lên bờ sông này… Ngày ấy, tôi có cảm giác mình giống như Rô-Bin-Sơn lạc trên hoang đảo, chứ không phải là thầy giáo. Tôi hối hận đã xin dạy bổ túc văn hóa ở cái địa phương xa xôi buồn tẻ này. Trường học gì mà nằm lẻ loi hiu quạnh, trước mặt là sông, hai bên hông là rạch, phía sau là đồng ruộng mênh mông. Có những buổi chiều thật buồn. Để giải khuây, tôi hí hoáy xẻ mẩu gỗ vụn làm chiếc thuyền máy nhỏ. Bánh lái, quạt nước bằng mảnh thiếc cắt từ lon sữa và lấy mô-tơ bé xíu của chiếc máy cát-sét bỏ túi bị hỏng làm động cơ. Nhân lúc nước đứng, tôi cho thuyền “hạ thủy”, không ngờ nó quẹo bánh lái băng tít qua bên kia sông. Và, cũng không ngờ, có cô bé từ bờ bên kia quay hộ mũi thuyền cho nó trở về với chủ, còn tặng kèm theo một đóa hoa lục bình. Ôi, màu tím tình cờ mới rực rỡ làm sao! Tôi và Giang quen nhau như thế. Từ hôm ấy, chiếc thuyền bé nhỏ có nhiệm vụ trao đổi quà tặng từ hai phía vào mỗi chiều đứng nước. Mà tôi có gì để tặng em cơ chứ? Một bài thơ ngắn ngắn, dở dở, ươn ươn. Nhưng mỗi bài thơ đưa qua sông, tôi đều được trả “nhuận bút” bằng một đóa lục bình. Tôi sẽ chết trong cùng cực cô đơn, nếu ngày nào đó dòng sông thiếu màu tím lục bình! Tôi sang chơi nhà Giang. Ba mẹ Giang đón tiếp với lòng hiếu khách, thân thiện và cởi mở, nét đặc trưng của người dân ở địa phương này. -Í, còn trẻ măng mà biết dạy học rồi! Thầy giỏi quá đó ngheo! -Dạ, cháu mới ra trường, tập sự thôi bác ạ! Bác đừng kêu “thầy”, cháu ngượng lắm! - Hà hà! Làm thầy thì kêu thầy chớ mắc cỡ gì? Nè, trưa mai thầy bơi qua bên này ăn đám giỗ nghe?Rồi dần dần, tôi cũng được ba mẹ Giang hạ chức “thầy” xuống, đổi là “cháu”. Và cũng dần hồi, bỗng dưng tôi không muốn em “trả nhuận bút” bằng những đóa lục bình. Tôi muốn: -Giang nè, anh tặng thơ thì Giang cũng phải tặng thơ chứ? -Thơ gì? -Gì cũng được! Viết vài chữ cho có vần cũng gọi là thơ được mà? -Bộ bông lục bình hổng đẹp sao? Tôi im lặng. Giang cũng im lặng. Hình như có những điều người ta không thể nói bằng lời! Hình như phải có khoảng thời gian nào đó, khi những trái táo trên cành trĩu nặng, rụng rơi mới hóa thành tình ngữ! Chiếc thuyền thơ bắt đầu trở thành thuyền đưa thư. Những lá thư mang lời lẽ xa xôi. Em, lục bình! Tôi nhích lại thật gần với ngôn từ giản đơn, mộc mạc. Em, vẫn lục bình! Không còn kiên nhẫn, tôi gào lên trong thư tiếng nói nguyên sơ của loài người: “Yêu”! nhưng em vẫn mãi mãi trả lời bằng những đóa hoa lục bình tím lạnh. Trời ơi, chưa bao giờ tôi cảm thấy ghét loài hoa này đến thế! Gió đêm bắt đầu hắt lên từ mặt sông. Lành lạnh. Giang vẫn ngồi thu người, dán mắt xuống dòng nuớc. Em tìm gì ở đó? Viên phấn tôi vừa ném, tình yêu của tôi, hay em định tìm vớt… những đóa lục bình? -Mai anh về thành phố rồi, phải hôn?-Ừ, anh hết hạn công tác ở đây rồi! -Ở đó, anh vẫn còn dạy học chứ? -Ừ, dạy ở một trường gần nhà! Giang có buồn không? -Có. Hổng ai chơi thả thuyền nữa! Chắc Giang sẽ để chiếc thuyền nhỏ của anh lên đầu tủ… -Đừng nói là để làm bình hoa cắm lục bình nghen!- Tôi cố gượng đùa. -Thôi. Giang về! Giang đứng lên đột ngột, quay lưng bước vội xuống chiếc xuồng còn cắm sát mé sông. Trong chút sáng chập choạng của nền trời đầu hôm, tôi thoáng thấy đôi mắt em ướt đẫm. Hình như em khóc? -Giang! Giang!… Tôi vội chạy đến, định níu em lại nhưng không kịp. Chiếc xuồng con đã tách khỏi bờ. Tiếng Giang hòa lẫn tiếng khua của nhịp cây dầm, đứt quãng, nghèn nghẹn: -Dìa thành phố… anh cũng mần thơ gởi Giang nhe?… Sẽ có một ngày… sẽ một ngày Giang diết thơ cho anh! Sáng tinh sương. Mọi người đến tiễn “thầy” xuống đò trở về thành phố. Giống như tiễn cô dâu về xứ lạ. Không, đúng hơn là “chú rể hụt” trở lại nhà mình. Trong số người ấy, không có em. Cũng không có ai đưa một bức thư hay chuyển một lời nào của em nhắn gửi. Nhưng lúc chiếc tắc ráng chở tôi vụt qua nhà em. Tôi thấy em đứng tựa lưng bên tấm cửa dõi theo tôi. Em không đưa tay vẫy, cũng không gọi vói lời nào, nhưng tôi thấy rất rõ ràng: mặt em nhạt nhòa nước mắt! Sáu tháng dài như hàng chục năm từ lúc trở về thành phố. Tôi viết thư liên tục và chờ đợi hồi âm đến mỏi mòn. Mãi tới khi tưởng chừng như tất cả chỉ là kỷ niệm, tôi nhận được thư em vào lúc trái đất xoay trọn một vòng quanh mặt trời. Mọi vật đang bước vào mùa xuân mới. Chữ em thật to, nét bút rung rung như mặt sông trong một chiều lộng gió: -Anh! Tội nghiệp anh đã chờ quá lâu như vậy! Tại Giang tưởng anh chỉ coi Giang như em gái. Ngày anh đi, Giang khóc sưng cả mắt. Suốt tuần qua, đọc đêm đọc ngày, đọc hết những gì anh viết cho Giang, mới hay anh đã yêu Giang từ dạo đó. Sáu tháng qua, Giang nhờ ba dạy học chữ. Ba rầy sao hồi đó Giang hổng chịu học? Làm sao Giang nói được là tại yêu anh nên Giang mắc cỡ. Hồi đầu, tính làm học trò anh nhưng thấy ngường ngượng nên chưa dám nói. Kế đến anh lại đưa thơ cho Giang, làm Giang phải nín luôn. Cũng tại anh hết! Sao anh lại nghĩ là Giang biết chữ, để rồi dạy chữ cho mọi người mà hổng dạy cho Giang?… Bây giờ tôi mới hiểu những bài thơ của tôi vô duyên đến dường nào! Hiểu tôi ngốc nghếch đến dường nào! Hiểu suốt gần hai năm qua chính tôi là thủ phạm khiến hai kẻ yêu nhau phải chờ đợi mỏi mòn! Lục bình ơi, tôi sẽ trở lại hôn từng đóa hoa lục bình trôi trên dòng sông ấy! NTH