Tháng Tư năm một ngàn chín trăm bảy mươi tư. Cước xe lôi hai chục đồng đưa tôi ra bến Ninh Kiều. Từ khu văn hóa ra tới đây không xa mấy, nhưng bụi cơ hồ bít kín hết lỗ chân lông trên da mặt. Bước xuống xe, nhẹ hẳn người, chạy vòng vo tý nữa có lẽ đầu tôi nổ tung ra vì gió. Cần Thơ nhiều gió, nắng ác và bụi dữ. Chiều sót muộn vài đợt sóng qua sông, ráng hồng trên trời trông quyến rũ như những mớ sầu riêng, mận, ổi, hột vịt lộn bày bán dọc dài bên lề đường. Bàn ăn kê rải rác dưới những tàn dù xanh đỏ sặc sỡ, và khách ăn, dạo mát hứng gió, đông như đám lục bình trôi ngoài mặt sông Ninh Kiều, cái tên đẹp là tên con gái. Cái tên nhiều lần chị Pha nhắc nhở trong bao lá thư: chú vào Cần Thơ chơi một chuyến với các cháu, các cháu mong chú lắm. Cần Thơ có bến Ninh Kiều, ê hề món nhậu và nhiều cái lạ lắm. Về nhé, hứa mãi chẳng thấy về... Tôi về, nhậu nhiều món miền nam ngon lành do chính tay chị làm. Về không quên mang theo hũ ruốc, một lọ tôm chua, những món Huế mà chị Pha kêu là thèm quay quắt sau hai năm xa xứ. Lênh đênh theo bước thâm trầm của anh Hòa, chị và ba đứa cháu nhỏ di tản hoài hoài, từ Huế vào Sài Gòn, rồi giờ dừng lại ở Cần Thơ. Mới đây, anh Hòa theo học chương trình canh nông ở một nước ngoài, chị Pha lại càng nhớ quê nhớ xứ dữ, nhưng vẫn phải cột chân ở lại vì đời sống lỡ mọc rễ ở đất lạ này rồi. "Chú biết không? Về Huế bỏ nhà cửa, cho thuê sau này còn lâu mới lấy lại được, thà cứ bấm bụng ở, đợi anh Hòa về hẵng tính, vả lại, đời sống ở đây dễ thở hơn ngoài mình nhiều"... Ngoài mình, hai tiếng ngọt bùi lặp đi lặp lại trong mỗi câu chuyện kể, nhớ về. Mấy hôm liền, ba đứa nhỏ quấn lấy chân tôi không rời nửa bước. Tình chú cháu cũng đậm đà gần bằng tình bố con. Thằng cháu lớn năm tuổi, khoái chí nhại giọng Huế của chú; con cháu thứ hai bập bẹ nói giọng nam ngọt lịm. Tên tôi bắt đầu bằng vần Q, chúng phát âm thành H. Chú Hoảng, nghe lạ hoắc. Bố Huế, mẹ Huế, những đứa con nói giọng nam. Chị Pha khôi hài: may là anh Hòa đi Phi không mang đứa nào theo, dắt theo một đứa, ít bữa về ngọng nghịu thêm một ngôn ngữ mới nữa, tức cười phải biết! Chiều nay sắp nhỏ đi học, chị Pha đi làm, tôi đi chơi một mình. Ði một mình trong phố lạ cũng là cái thú, ta sẽ lãnh hội, thông cảm với thành phố ta vừa đến vài ba điều nho nhỏ hay hay, không qua sự chỉ dẫn của ai cả, ngoại trừ mấy lão cảnh sát phải mất công chỉ đường, nếu ta đi lạc. Tôi thanh thản đi dạo và trong túi có mấy miếng giấy ghi rõ mấy món đồ mua cho bọn nhỏ. Thằng cháu lớn hai cây kiếm nhựa; con cháu nhỏ gói xí muội, ít chùm ruộc, đại khái mấy món lỉnh kỉnh, thằng cháu ngại chú quên, lấy bút chì nắn nót viết rồi nhét vào túi áo cho chắc ăn. A! Thằng nhỏ mới tý tuổi đã biết lo. "Chú quên, cháu hổng chịu đâu." Lớn lên chắc nó lo kỹ, chẳng lơ đãng mơ hồ như tôi, chú nó. Thả bộ loanh quanh, chẳng thấy có gì lạ. Cần Thơ cũng nằm trong kiểu thức kiến trúc chung chung, tương tự những phố thị miền nam khác. Tôi ghé uống ly nước rau má rồi nhắm hướng tới chợ. Chợ họp tràn ra tới ngã ba, kéo dọc dài lai rai suốt bến Ninh Kiều. Chen chân qua những dãy hàng trái cây, tôi lom khom tìm mua ít chùm ruộc. Một bà già toét miệng cười mời. Tôi ngồi xổm, lùa tay vào rổ trái cây lựa. ở Huế, đàn ông con trai ra chợ mua đồ rất hiếm, trừ chợ trời. Còn ở đây không thiếu gì đàn ông, tay xách giỏ miệng trả giá hết sức hồn nhiên, tôi lây cái hồn nhiên ấy lúc nào chẳng hay, ngồi xổm trước đống trái cây không biết đi. Nhặt một chùm ruộc rậm trái lên, tôi cười với bà già bán hàng: - Bao nhiêu đây dì Hai? - Bảy chục, anh Hai. Tôi và bà già cũng ngước lên, tiếng "bảy chục không do bà thốt mà là của người khác. Một cô gái vừa đi trờ tới, nhanh miệng bật hai tiếng ấy ra dí dỏm. Cô gái mặc jupe xếp mầu nâu sậm, áo chemise mầu vỏ lúa cắt ngắn, vẻ khỏe mạnh, hơi nghiêng đầu đón cái nhìn ngạc nhiên của tôi, môi gắn nụ cười tơi sáng như mắt. - ở Huế thèm của chua lắm hay sao, vô đây mua chùm ruộc? Tôi đứng lên, không giấu được nỗi vui bất ngờ: - Nhiệm phải không? ở đây à? Cô gái đong đưa chiếc xắc nhỏ trên tay: - Không ở đây thì ở đâu, lâu lắm mới gặp, anh vẫn ngớ ngẩn như hồi nào. Cả hai cùng cười. Bà già bỏ chùm ruộc vào bao ni-lông, nhận tiền. Tay cầm bọc chùm ruộc, tôi nhìn Nhiệm từ đầu đến chân: - Càng ngày càng đẹp ra! Nhiệm chế giễu: - Nghe anh khen mát cả ruột. Này, vô đây làm gì thế? Tôi đưa ngón tay trỏ lên môi, đùa: - Bí mật. Tình cờ gặp nhau ở một thành phố chẳng phải là quê quán, kẻ đồng hương là cô bạn xinh xắn, lòng tôi vui rộn. Nhiệm cũng hân hoan cảm động không kém. Hai đứa mon men tìm lối ra khỏi chợ, vừa đi vừa kể lan man kỷ niệm thời xa cũ. Thuở ấy tôi và Nhiệm ở chung một thành phố, thở chung một khí hậu tiết mùa, chung nhìn một cái bảng đen, chung thầy chung lớp. Và có một dúm bạn bè chung. Tán lạc, bây giờ gặp, kể lể: - Con Liên mập bây giờ hai con rồi đấy. - Lẹ ghê, lấy chồng chắc nó tiêu bớt mỡ. - Còn Thông vồ? Lâu nay anh gặp anh ấy không? - Ði lính đóng ở Pleiku. - Xa nhỉ! Giọng Nhiệm ướt sũng hoài niệm. Thời gian tấp lên vai mỗi đứa một số tuổi. Ngày nào, trước khi tới lỗ huyệt, có rất nhiều buổi sáng mọi người soi gương, tỉ mỉ ngắm những nếp nhăn kín đầu đuôi mắt, phơi lộ liễu cuối chân mày hay một nét cười. Nhiệm khéo trang điểm, hẳn là chịu khó nuôi da nựng thịt nên trông không thay đổi mấy tí, dáng dấp Nhiệm hơi đẫy ra chút tí, duyên hàm tiếu xa xa giờ đã mãn khai và vẻ đẹp mang nhiều nét hình cung, đường tròn, rất đàn bà. - Nhiệm còn giữ những lá thư tình ướt át của Thông vồ không? Có cái gì đó làm giọng Nhiệm bỗng chùng, đầy cảm xúc: - Phải chi hồi đó Nhiệm lấy anh Thông vồ, đâu có điêu linh thỉnh độ đến đây. - Giờ sao? Mấy tí nhau rồi? Nhiệm nhún vai: - Cha mống nào cả, lạ không? - Nhưng chắc phải có đức ông chồng rồi phải không? Nhiệm không trả lời, hỏi lảng: - Còn anh thì sao? - Vẫn một mình chứ sao. - Hiên ngang nhỉ? Ra tới đại lộ Hòa Bình, tôi kéo Nhiệm vào một tiệm bán đồ chơi trẻ con, nàng ngơ ngác chong mắt nhìn những con búp bê chưng trong tủ kiếng và vô số đồ chơi bằng nhựa treo trong gian hàng. - Vào đây làm gì, anh? - Mua đồ chơi con nít. Nhiệm lườm tôi, ranh mãnh: - Thế mà dám cả gan dấu quanh, mua đồ cho con hả? Mấy mống rồi ông mãnh? Ông chủ tiệm đầu hói rời quầy, bước ra vui vẻ mời: - Ông bà mua thứ gì? Toàn là hàng mới về, ông bà tha hồ lựa. Bộ tịch đon đả của ông chủ tiệm trông thật ngộ. Tôi tinh nghịch quay sang Nhiệm: - Em có nhớ lũ trẻ dặn mua thứ gì không? Anh quên biến mất. Nhiệm chớp mắt cời chúm chím, nàng thừa thông minh đoán hiểu trò đùa quái gở vừa bày, đánh lừa ông chủ tiệm cách ngon lành: - Ông coi nhà tôi hay chưa. Thế mà làm cha cả một bầy trẻ. Tội nghiệp lão đầu hói, ông ta vui vẻ góp chuyện. - Dạ, có lẽ ông nhà nhiều việc nên quên, còn bà chắc phải nhớ bọn trẻ ưng thứ đồ chơi nào chứ. Nhiệm cời hiền in như bà mẹ đảm, lườm tôi, khóe mắt nhìn trách móc âu yếm. - Em nhớ rồi, mình mua cho cu Tuấn chiếc xe chạy pin và con Cẩm Lai con búp bê. Những cái tên và những món đồ chơi do Nhiệm tưởng tượng làm tôi suýt toát mồ hôi, vì tiền mang theo trong túi không nhiều, tôi chỉ định mua cho thằng cháu lớn đôi kiếm nhựa. Ðã tới lúc nên phanh trò đùa "ông bà"lại. Tôi làm ra vẻ một ông chồng biết tiết kiệm ngân sách gia đình, bảo Nhiệm: - ba cái thứ đó tụi nó chơi ít bữa là quăng xó, thôi mình mua cho nó cặp kiếm nhựa đi, vừa đỡ tốn vừa để bọn nó đấu với nhau vui cửa vui nhà. Nhiệm nhất định không chịu, ngỡ tôi mua đồ chơi cho con thật, nàng bảo ông đầu hói gói chiếc xe pin, con búp bê và cặp kiếm lại, Nhiệm nằng nặc giành trả tiền sau khi nói nhỏ vào tai tôi: Nhiệm mua đồ chơi tặng các cháu ở nhà không được sao? Tôi suýt ôm bụng cười lăn, nếu không có lão chủ tiệm đầu hói đứng đó. Rời tiệm bán đồ chơi hai đứa vào một quán nước cách đó mấy bước. Vừa ngồi xuống ghế, Nhiệm đa tay che miệng cười rũ: - Anh quỷ quái thật, khi không bắt Nhiệm đóng vai bà xã, ngượng thấy mồ. Tôi nhìn đôi má rớm hồng của người bạn gái: - Tội nghiệp gã đầu hói, chắc ông ta ngỡ tụi mình là cặp vợ chồng đẹp đôi. Nhiệm vờ nghiêm trang, nạt nhẹ: - Bộ anh thích trò đùa ấy lắm hả? - Hồi xưa, ở trường Nhiệm đóng kịch hay lắm mà. - ở trường đóng kịch hay nhưng ra đời chính thức nhận vai trò, Nhiệm dở ẹc, chẳng đóng vai trò nào cho ra hồn cả. Thằng nhỏ hầu bàn mang thức uống ra. Nhiệm vòng mời ngón tay sơn móng hồng đào ôm ly nước cam vàng óng. Khuôn mặt vụt im trầm, thoáng xa vắng. - Giờ Nhiệm sống thế nào? Thoải mái chứ? Chẳng dính dấp gì tới câu hỏi của tôi, Nhiệm ngước lên, nói rời rạc: - Anh nghĩ thế nào về những đứa con gái lấy chồng Mỹ? Câu hỏi của Nhiệm đối với tôi là cả một bất ngờ, làm tôi hơi bối rối: - Mỹ hay Việt đều tốt cả, miễn là hạnh phúc. - Chắc anh không thể ngờ từ hơn hai năm nay Nhiệm có một ông chồng Mỹ. - Có gì lạ đâu, mấy cháu rồi? Nhiệm lắc đầu, mắt thoáng ướt, giọng tâm sự: - Từ dạo rời Huế, bỏ trường luật, Nhiệm sống bất chấp mọi thứ, kể cả gia đình, gặp John lấy nhau ở Sài Gòn. John làm ở một cơ quan dân sự. Hạnh phúc có. Nhưng con thì không? - Khỏe chứ sao? Càng rảnh tay rảnh chân. - Ðồng ý vậy, nhưng lắm lúc cũng nôn nao ghê chứ. Mỗi lần ngang qua mấy tiệm bán đồ chơi trẻ con trông John thật buồn tội nghiệp, hai vợ chồng chẳng ai bảo ai cùng bước nhanh, ngại chứng kiến cảnh con cái người khác hí hửng ôm đồ chơi quấn quýt bên chân bố mẹ. Tôi ái ngại nhìn Nhiệm. Cô bạn gái ưa phá phách thời nào, hôm nay lại ngồi lẩm cẩm nói chuyện chồng con một cách trơn tru, ngọt lịm. Nhiệm trước mắt tôi, đại diện cho một loại đàn bà sinh ra để được đàn ông nuông chiều. Loại đàn bà biết sử dụng nhan sắc mình in một thứ bùa ngải, khi vui cười đùa giống trẻ nít, lúc buồn giận có thể lồng lộn như sư tử hú cầu. Nhiệm đó, cô học trò áo dài tóc kẹp ngày xa đã rũa mài nhẵn trụi những nét thùy mị, chỉ giữ lại vẻ đoan trang sắc sảo. John là người thế nào? Chắc hắn cưng quý vợ lắm. - John đâu rồi, sao Nhiệm đi một mình? - John lên Sài Gòn lo thủ tục giấy tờ, mười ngày nữa về nước. Ðáp lại tia nhìn dò hỏi của tôi. Nhiệm cười: - Dĩ nhiên là Nhiệm theo anh ấy về Mỹ. Chiều nay Nhiệm vừa từ Sài Gòn về một mình, định thanh toán mấy đồ lỉnh kỉnh ở nhà trước khi mình đi thì gặp anh. Tôi bỗng đùa: - Gặp anh hên hay xui đây? Nhiệm lấy lại vẻ tươi tỉnh lúc gặp tôi ở chợ: - Hên chứ anh. Còn bẩy ngày nữa John mới trở lại đón Nhiệm lên Sài Gòn. Bẩy ngày thật dài, có anh tới lui đỡ buồn. - Nhiệm không nghĩ anh sẽ từ chối à? - Biết đâu vì anh mà Nhiệm bỏ ý định theo John về Mỹ cũng nên, có điều anh dám bỏ vợ theo gái xề này không? Tôi bật cười thành tiếng: - Vợ đâu mà bỏ hở cưng? Nhiệm đẩy mấy gói đồ chơi tới trước mặt tôi, nheo mắt trêu cợt: - Còn cái này để chi hở ông?- Cho con bà chị, không được sao? Cả hai cười xòa, tiếp tục thóc mách vào những hóc hiểm tâm sự rối bời khác. Nhiệm hỏi về đời sống hiện tại của tôi, vài ba chuyện vụn vặt của dúm bạn bè còn ở Huế hoặc đã thất tán bốn phương. Ðèn trong quán và ngoài lộ bật sáng, nhắc nhở giờ về. Nhiệm hẹn tới kiếm tôi, ngày mai, ở nhà bà chị. Những ngày còn lại ở Cần Thơ, tôi dành hết cho Nhiệm. Khoảng thời gian đem lại nhiều thích thú bất ngờ, bất ngờ như việc gặp lại nàng. Ði với Nhiệm, tôi có dịp biết thêm nhiều nơi chốn quanh Cần Thơ. Những vườn chôm chôm, mận ổi, cam, xoài trĩu trái dọc đường về Cái Răng, Ô Môn, bên này bến bắc và cồn nổi bên kia bến Ninh Kiều. Mùi trái chín, hương mật cỏ cây, nắng gió, tất cả đều như tiết ra thứ men nồng kỳ diệu, tôi và Nhiệm cũng say mê ham hố hương vị này, mơ hồ nghe chất men ngấm tan vào máu biến thành rượu mạnh, rậm rực, sôi réo. Giờ giấc của chúng tôi không một chút hoang ru, trừ lúc mệt, ngủ. Ðôi khi người nọ chợt nhận ra vẻ hấp tấp vội vã của người kia, không nói, nhưng cả hai cùng ngầm tiếc sao ngày vui qua nhanh, trong khi, ngày trở lại Cần Thơ của John mỗi phút gần kề, John vừa là chiếc bóng nhạt nhòa, vừa tựa một nhân vật trong cuốn phim cũ kỹ nào đó, tôi và Nhiệm coi qua một lần, không ai buồn nhớ. Ngày và đêm trống trải, tôi lấp đầy bằng Nhiệm. Hàng hàng lớp lớp tế bào tôi nhất tề vùng dậy, bởi Nhiệm. Tôi nấn ná ở lại, không về Huế sớm nh dự định vì Nhiệm. Bằng Nhiệm, bởi Nhiệm và vì Nhiệm, tôi vừa là kẻ bị dẫn dụ, vừa là tên a tòng chóng mặt với những ngày đêm nồng nhiệt bên nàng. Nhiệm vồ chụp tôi in hệt hổ cái vồ mồi, nàng lăn xả vào tôi hăng quá, mạnh quá làm tôi cảm tưởng "vồ chụp" là thú tiêu khiển nàng ưa thích, nhưng sự thật trái ngược. - Trước anh, Nhiệm cha bao giờ rời John nửa bước. Nghĩ cũng tức cười, sao hồi ở Huế tụi mình không tán nhau, yêu nhau, rồi lấy nhau có tiện hơn không? Giờ hai đứa mỗi quê, mỗi cảnh xáp lại nhau rụp rụp. - Tức cười thật. ừ! Sao hồi đó anh không theo Nhiệm nhỉ? - Rõ ngớ ngẩn, anh mải mê tít thò lò con Lạc, còn cần biết Nhiệm, cứ đẩy người ta cho chàng Thông vồ hoài à. Những chuyện kể, lời thì thầm, những giọt mồ hôi, nước mắt của Nhiệm trong chiều nắng, sớm mưa, khuya lắng, dọc dài những con đường bụi bặm, ở quán ăn, khách sạn, khuất che sau góc tối vườn cây hoặc trên mặt giường, đã bám cứng lấy tôi như là một cơn sốt mỏng, dịu dàng quấn quýt, đôi khi ngây ngất gay gắt. Nhiệm đặt chân lên nấc thang ngoại tình một cách tỉnh táo. Tôi, hầu như mê hoặc bởi sự tỉnh táo ráo hoảnh ấy của Nhiệm, lao cuốn theo. Như lao vào cụm rừng ngợp lửa. Thỉnh thoảng đi ngoài đường, bước chân vào một quán ăn, tôi khẽ giật mình lúc thoáng thấy những anh chàng người Mỹ, người Mỹ nào cũng có thể là John, chồng Nhiệm, trong trí tưởng tôi. Từ hôm cuộc ngoại tình bắt đầu leo thang, Nhiệm không hề nhắc đến John lần nào. Tôi nửa đùa nửa thật bảo nàng. - Này Nhiệm, thình lình John về, bắt gặp bọn mình đi với nhau, Nhiệm tính sao? - Anh sẽ là ông anh họ dưới mắt John, đừng thèm nghĩ tới John mất vui. Anh chỉ có Nhiệm trong vài ngày, John có Nhiệm một đời. Rõ ràng là nàng đã phân định cho cuộc vụng trộm này: vài ngày. Sau vài ngày là chấm dứt, bật đèn đỏ, ngừng. Quả thật Nhiệm rất tỉnh táo, tới độ tôi nóng mắt nghĩ mình chỉ là đứa trẻ con mắc bẫy. Khi John về tôi bị loại khỏi trò chơi vụng trộm là lẽ tự nhiên. Và Nhiệm có lẽ nàng quên chóng vánh, coi như chẳng có gì xảy ra trước đó. Tôi nói ý nghĩ này cho Nhiệm nghe, nàng cười rũ: - Anh thật vớ vẩn, chúng ta đâu có tới với nhau vì tình chân, ngay từ đầu. Nhiệm đã nói chỉ gặp nhau cho đỡ buồn, không ai có trách nhiệm hoặc lỗ lãi sau "mặt trận" này cả. Tôi đuối lý. Nghĩ cho cùng, tôi không yêu nàng thật. Dẫu sao, vì tò mò, tôi cũng đặt Nhiệm và John lên cán cân đo lường chơi: - Thế Nhiệm có yêu John không? - Ðừng có tò mò, anh. Lạc đề rồi, đó lại là chuyện khác. Như thế, đối với Nhiệm, việc tôi gặp gỡ nàng chỉ là trò "ăn vụng" cho đỡ buồn, không hẳn là một cuộc ngoại tình ăm ắp ý nghĩa bi hài như tôi tưởng. Ðã không yêu, tôi cũng chẳng thể ghét được Nhiệm. Có điều, tôi nhẹ nhõm người, yên chí sẽ quên nàng dễ dàng. Trở về với đời sống bình lặng cũ. Ðôi khi tôi nhẹ nhàng nhớ Nhiệm, như nhớ một kỷ niệm đã thiêu đốt, bốc hơi thành khói nhạt. Nhớ không quay quắt đến nỗi mất ngủ, chỉ nhẹ nhàng. Vâng, rất nhẹ nhàng. Thoáng nhớ Nhiệm khi đi rong tình cờ bắt gặp một dáng dấp đàn bà, một nụ cười khóe mắt, cái nhún vai hao hao giống, tựa tựa in. Thoáng nhớ Nhiệm lúc ngửi thấy mùi nước hoa nàng thường dùng phảng phất từ ai đó, ngoài đường, ở những chỗ tôi hay lui tới, sau đó là bặt, là quên. Ðại khái vặt vãnh thế. Nỗi nhớ không đậm. Ðiều ngoài dự tưởng là, không ngờ có một ngày hình ảnh Nhiệm lại trở về chiếm ngự tâm trí tôi mãnh liệt. Từ lâu, tôi vẫn ngỡ Nhiệm đã thuộc về đời sống khác, với bao rắc rối bận bịu thông thường của một người đàn bà. Xa ngái và dửng dưng. Sự cách biệt có thật mà cả hai đều hân hoan chấp nhận. Sau cuộc vụng trộm, còn cái giữ lại ở tâm khảm mỗi người vẫn là chút êm đềm của tình bạn. Không hơn, không kém. Nhiệm trở về xâm chiếm tôi bằng vài tờ giấy mỏng manh, ít dòng chữ hình như là viết rất vội, trong cơn xúc động bàng hoàng hoặc giữa khuya khoắt chìm nổi nào đó. Không thể mường tượng thấy lúc viết thư Nhiệm thế nào, nhưng hẳn là nàng không vui. Theo từng lời như thế, trí tưởng của tôi cũng rộng cơ hồ cái màn ảnh trắng xóa, trên đó lần lượt xuất hiện nhiều hình ảnh chập chùng, nối khít hoặc rời rạc. Mỗi hình ảnh lồng một Nhiệm khác: Nhiệm tung tăng cời đùa trên hè phố tươi ướt đèn màu, trong hồ bơi, trong những hội quán sang trọng, trên những cánh đồng cỏ rợn chân trời miền viễn tây... nhưng hình ảnh đậm nét nhất vẫn là khuôn mặt thảng thốt lo âu của Nhiệm những ngày đầu khi khám phá ra điều ngoài sức tưởng tượng của nàng, điều ấy, qua các dấu hiệu hết sức thông thường, báo động có một đời sống khác đang âm thầm phôi dựng trong nàng. "... Anh, Nhiệm bối rối không biết làm sao bây giờ? Nhiệm chỉ nghĩ: định mệnh chơi khăm mình. Lần đầu tiên Nhiệm biết nhìn cuộc đời bằng đôi mắt nghiêm trang. Trước kia, Nhiệm ưa đùa cợt phá phách, coi thường mọi điều. Trước kia, Nhiệm cóc cần biết nghĩa của chữ "trớ trêu" là gì, nay chẳng cần tra từ điển, Nhiệm cũng quá rõ nó rồi. Vâng, trớ trêu quá hở anh? Nhiệm chưa nói gì với John về "biến cố" này cả. John sẽ mừng đến ứa nước mắt nếu biết bây giờ Nhiệm đang mang thai, hơn hai năm nay, John hằng mong điều ấy đến. Anh có tưởng tượng nổi không? Ngày nào đó John cúi xuống chiếc nôi, hăm hở nhìn đứa trẻ chẳng có nét nào giống mình, từ làn da tới mái tóc. Một đứa trẻ da vàng mũi tẹt vài tháng nữa sẽ ra đời trên đất Mỹ, một nơi không phải là quê hương ruột thịt của nó, cha nó, mẹ nó...". Tôi băn khoăn thật tình lúc đọc hết mấy trang thư của Nhiệm. Thư gửi từ Mỹ, chừng ba tháng sau ngày chúng tôi chia tay nhau và tôi rời Cần Thơ. Tôi chẳng bao giờ ngờ có ngày máu huyết mình lại được mang đi xa tới thế, tận miền viễn tây đất Mỹ mịt mù. Chút máu huyết đang dần dần kết tinh thành xương thịt ấy nếu Nhiệm chùng lòng, yếu đuối, nó sẽ chẳng khác gì hòn đá nhỏ nhoi lăn trở lại cõi vô cùng, nơi mà trước đó nó khởi sự hành trình tới nhân gian mơ được làm ngời, nhưng bị từ chối. Hoặc giả, nó được chào đời bình thường như mọi đứa trẻ khác, sẽ hồn nhiên lớn, hồn nhiên mang một tên gọi, ví dụ Bob, Johnson, Ann gì gì đó, cái tên không giống bất cứ tên nào trong gia phả nội ngoại họ hàng cật ruột nó. Liệu John có bao dung chứa chấp Nhiệm, sau khi hắn phát giác sự trớ trêu kia? Hay sẽ xua đuổi nàng như xua một con chó ghẻ? Tôi rùng mình không dám đẩy ý nghĩ đi xa hơn, e rằng tôi sẽ nổ tung ra vì vô số liên tưởng hắc ám, nhầy nhụa. Và, với những trang thư mỏng manh của nàng trên tay, lòng tràn đầy hối tiếc ngậm ngùi, hình ảnh Nhiệm chợt phóng lớn loãng tan thành khói trong trí tưởng rối bời của tôi. Tôi tự hỏi không biết mình phải làm gì bây giờ. Làm sao bây giờ, Nhiệm? Mọi tiên tri đều ở ngoài khả năng chúng ta. Cuộc gặp gỡ vài ngày không chỉ là trò chơi vụng trộm cho đỡ buồn như chúng ta tưởng, mà là một cuộc ngoại tình đầy tính chất bi hài. Vài ngày hương mật ở Cần Thơ cùng mọi hạnh phúc trong đời ta gom lại, không lớn rộng bằng nỗi ngậm ngùi hối tiếc của anh lúc này, và chắc chắn nhỏ hơn niềm lo âu bàng hoàng của em, ở cõi mịt mùng xa khuất ấy.