áu đi như chạy. Phải dằn lòng lắm nó mới không chạy u về nhà nằm trùm mền để gặm nhắm sự vui mừng của mình. Hồi sáng này, anh Nhiên Tây rủ nó vào trong vườn, miệt Thủ Ngữ chơi. Nó nhận lời liền, hí ha hí hửng được đi theo người anh bà con mà nó thích và nể phục. Khác với trai tráng trong làng và các vùng lân cận, anh Nhiên Tây to con cao lớn như tây, da trắng như con gái, chắc vì vậy mà dân làng mới gọi anh là Nhiên Tây. Anh vui vẻ, có duyên, cử chỉ điềm đạm và ăn nói có vẻ hiểu biết nên dân trong làng ai cũng mến phục và nể nang. Nó biết anh vì thỉnh thoảng anh có ghé nhà đưa thư của ba nó gởi về cho má. Cùng đi với anh có anh Cát, người nho nhã, trầm lặng và đàn hát rất hay. Anh Cát có tài đàn mandoline nghe đã cái lỗ tai lắm. Nghe lén má và chị hai nói chuyện với nhau thì hình như anh Cát để ý tới chị hai và chỉ cũng chịu ảnh lắm. Hai người hình như đã hứa hẹn gì đó, chắc hẹn khi nào đất nước hết bóng kẻ xâm lăng thì sẽ làm đám cưới. - Em thích đánh giặc hông Sáu? Sáu gật đầu không do dự. Đánh giặc thì cũng như quánh lộn vậy mà. Dễ ợt… Thằng nào ăn hiếp nó thì nó quánh. Đứa nào ăn hiếp bạn bè, em út của nó thì nó quánh. Nhiều khi thấy đứa mạnh ăn hiếp đứa yếu, đứa giàu ăn hiếp thằng nghèo, nổi máu anh hùng nó cũng quánh luôn. Ở trong cái đầu còn thơ dại của nó quánh lộn hổng phải là chuyện xấu, dù sau mỗi lần quánh lộn với đứa con nít nào trong xóm nó đều bị má rầy la hoặc bị bà bắt nằm dài trên bộ ván quất mấy roi đau điếng. Đánh xong bà ôm lấy con khóc, khuyên nó đừng có đánh ai, có chuyện gì nên nói năng trước. Sáu dạ dạ nhưng cũng không đồng ý với má. Đọc trong sách sử, người ta nói đối với những kẻ chuyên bắt nạt người khác thì mình phải quánh nó. Cũng như đối với kẻ dùng sức mạnh để xâm lăng nước mình thì mình phải quánh nó. Bác ba Học, cô giáo Thâu có kể cho nó nghe về chuyện ông vua Quang Trung quánh quân Mãn Thanh chạy rớt quần luôn vì sang xâm chiếm nước ta. Họ còn kể chuyện ông Phan Tôn, Phan Liêm gì gì đó ở Bến Tre đã đánh nhau với tây vì tây là kẻ đã chiếm nước mình. Từ khi nghe chuyện đó nó đâm ra hổng có ưa tây. Nó nghĩ khi lớn lên nó sẽ quánh tây vì nghĩ tây ỷ mạnh ăn hiếp yếu. - Quánh giặc có khó hông anh? Anh Nhiên Tây trả lời lấp la lấp lửng. - Khó thì cũng khó, mà dễ thì cũng dễ… Chắc khó hơn đánh lộn chút chút… Sáu nghe mà khoái trong bụng. Nó bắt đầu nản quánh lộn với mấy thằng con nít vì chẳng có đứa nào dám quánh lộn thật tình. Mới dọng có mấy cái là sò rồi. Đứa nào gan hơn chút thì xịt máu mũi đã la làng và mếu máo rồi. Nó muốn làm việc gì khó khăn hơn và thích hợp với tính hiếu động của nó hơn là những trò chơi con nít. - Má em biết em đánh giặc thì má em có rầy em không anh? Đó là điều nó lo nhất vì không muốn má nó buồn và giận nó. Nhiên Tây cười cười. - Anh nghĩ má của em không có nói gì đâu. Nhưng tốt hơn em đừng có nói cho má em biết… Anh sẽ nói với má em là anh rủ em đi đánh giặc chơi cho biết. Ba của em bảo anh làm như vậy mà… Nghe nói ba bảo mình đi theo anh Nhiên Tây đi đánh giặc thì Sáu yên lòng không sợ má rầy nữa. Đi lòng vòng trong vườn hồi lâu, Nhiên Tây mới dừng lại trước căn nhà lá cất giữa khóm cây rậm rạp. Mở cửa cho Sáu vào trước xong anh ta mới vào sau khi khép cửa lại cẩn thận. Sáu thấy trong nhà có hai người đàn ông và một đàn bà. Hai người đàn ông thì trẻ, còn đàn bà cở tuổi má nó. Ba người này đều mặc bà ba đen và quấn khăn rằn trên cổ. Khi thấy anh Nhiên Tây họ đều đứng dậy chào hỏi. - Hai chú và chị ba biết cậu Bảy Minh rồi chứ gì? Ba người trong nhà đều gật đầu. Sáu biết ba của mình tên Minh, thứ bảy, như vậy cậu Bảy Minh mà anh Nhiên Tây nói chắc là ba của mình. Chỉ Sáu, Nhiên Tây giới thiệu. - Sáu là con của cậu Bảy… Khi biết Sáu là con của cậu Bảy Minh thì ba người trong nhà đều tỏ vẻ niềm nở, vui vẻ và không còn nhìn nó với ánh mắt như lúc ban đầu. Anh tư Nhiên nói cho nó biết người đàn bà tên Định mà sau này nó gọi là Chị Ba. Còn hai người kia là Tư Ân và Tám Mốc. - Tôi giao Sáu cho chị ba đó nghen. Chị dạy cho Sáu những gì tôi đã bàn với chị. Bây giờ tôi phải đi qua Lương Phú có chuyện cần. Nhớ đưa Sáu về nhà sơm sớm để mợ Bảy khỏi lo… Nói qua loa vài lời với Sáu xong anh tư Nhiên bỏ đi mất. Suốt ngày hôm đó Sáu được Chị Ba huấn luyện để đánh giặc. Đầu tiên nhân danh '' Kháng Chiến '' Chị Ba phong cho Sáu chức liên lạc viên. Hể nghe được tin gì mới, lạ thì nó có bổn phận chạy vào vườn báo tin. Như thấy xe nhà binh và lính tây xuống ở chợ trước khi đi vào vườn lùng bắt và bố ráp thì nó phải chạy vào báo cho Chị Ba biết. Cái này thì dễ ợt. Nhà nó ở ngay chợ nên hể lính tây xuống là nó thấy trước hơn ai hết. Sau khi chỉ dẫn cặn kẽ điều gì nó phải làm xong Chị Ba dẫn nó ra lộ, chỉ cho nó nhà của ông hai Hào để khi có tin tức gì thì vào đó sẽ có người đợi để nhận tin. Nhận nhiệm vụ rồi, đi một mình về nhà Sáu cảm thấy mình lớn lên và quan trọng hơn. Ít ra nó cũng làm việc gì có ích hơn là chơi trò chơi con nít. Đó là lý do khiến cho nó cảm thấy kích thích và nôn nóng chờ được dịp để làm liên lạc viên. Sau khi xúc miệng và thay quần áo xong Sáu chớp lấy đồng bạc mà má đã dằn trên bàn. Đó là tiền ăn sáng và tiêu vặt cho nó nguyên cả ngày. Cơm thì có cơm nguội cá kho hoặc gặp thứ gì ăn nấy. Con nhà nghèo nên nó dễ ăn. Hôm nay má dẫn chị năm và Sơn về thăm ngoại. Bà muốn nó đi nhưng nó nói dối là nhức đầu nên bà cho nó ở nhà. Thực ra thì nó có bịnh hoạn gì đâu. Ba cái thứ nhức đầu, nhức mình mẩy tay chân đó thì còn thua rít cắn hay ong vò vẻ chích. Đầu nó thì ký lủng sọ còn chưa nhức nữa kìa. Nó muốn ở nhà vì lý do quan trọng hơn. Đã làm liên lạc viên cho kháng chiến thì nó phải có mặt ở chợ để dò xét và nghe ngóng tin tức chứ. Đi vắng rủi có lính tây bố thì làm sao. Dù nhỏ nó cũng biết phải làm tròn nhiệm vụ của mình. Chị Ba đã dặn đi dặn lại nhiều lần ngày hôm qua. Nhét đồng bạc vào túi áo sơ mi, nó bắt đầu đi rảo một vòng quanh chợ. Muốn lượm được tin tức sốt dẽo thì nó phải đi rảo để nghe người ta nói và bàn tán chứ. Chợ càng lúc càng đông. Nằm tại ngã ba đường về Phong Nẫm, Phong Mỹ, Châu Phú, Châu Thới, Châu Hoà và Châu Bình vì vậy Lương Quới là nơi các người dân trồng trái cây, rau cải đủ loại đem ra bán tại chợ hoặc các bạn hàng từ trên tỉnh xuống mua. Chấp tay sau đít, Sáu vừa đi vừa ngó quanh quất. Đột nhiên có một dáng người lạ lọt vào con mắt do thám của nó. Người này là một cô gái tóc thật dài, dáng thon gọn chứ hổng có ục ịch như mấy bà già, hổng như mấy chị vừa có con được ba lứa là đã xồ xề ra, mà cũng hổng có ốm như cò ma nữa. Cô ta cũng mặc áo bà ba, quần đen như mọi người nhưng Sáu biết cô ta hổng phải là dân trong làng. Nó biết mặt hết mấy cô gái vì con gái tuổi như cô này hay như chị hai nó thì hổng có bao nhiêu. Còn một điều nữa cho nó biết cô gái này là dân xứ lạ vì cô ta mặc áo bà ba trắng tinh và mang guốc vông. Các cô gái ở đây hổng có ai mặc áo bà ba trắng đi chợ vì dễ bị dơ. Họ chỉ mặc trong những dịp như giỗ quảy, tiệc tùng mà thôi. Dân ở đây cũng hổng có ai mang guốc hết trơn hết trọi. Trời mưa, đường đất trơn trợt mà mang guốc là chụp ếch lia lịa, còn qua cầu thì cắm đầu xuống mương dừa. Thấy cô gái lạ Sáu bám theo liền. Nó mỉm cười khoái chí vì có chuyện mới để báo với Chị Ba rồi. Đi rảo một vòng chợ, cô gái nhận ra một điều lạ là có đứa con nít cứ lẽo đẽo theo sau lưng của mình. Thằng nhỏ mặt mày sáng sủa dù ăn bận có hơi luộm thuộm. Muốn hù thằng nhỏ chơi cô gái giả vờ khom người lựa mấy bó bông bí mà mắt liếc chừng thằng nhỏ. Thấy nó tới gần, cô cười tiếng nhỏ. - Em đi theo chị làm gì vậy? Đang theo dò, bị cô gái hỏi một câu Sáu đớ người ú ớ hổng biết trả lời ra sao. Mặt nó nghệch ra, miệng há lớn mà ấp úng hổng thành lời. Cũng may nó sáng dạ nên sau một lúc bí nó cũng rặn ra câu trả lời mà khi nghe xong cô gái cười hắc hắc. - Dạ em thấy chị lạ nên theo coi chơi… Trả tiền bó bông bí, cô gái đứng thẳng người nhìn Sáu. - Em tên gì vậy? - Dạ em tên Sáu… Chị tên gì vậy chị? Nghe đứa con nít độ bảy tám tuổi trả lời xong còn hỏi lại, cô gái mỉm cười. - Chị tên là Thục Trâm. Em nói chị lạ mà lạ làm sao? Sáu gãi gãi đầu. - Dạ chị đẹp… Tướng của chị sang… Má em cũng đẹp và có tướng sang như chị… Thục Trâm cười hắc hắc có lẽ vì câu trả lời của Sáu. Cô ta cười cũng phải. Ai đời thằng con nít hỉ mũi chưa sạch mà biết coi tướng cô đẹp và sang. Cô thầm nghĩ. - Thằng nhỏ này mai mốt lớn lên chắc lẽo lự lắm… Dù vậy cô lại tỏ ra thích vì được con nít khen đẹp và sang. Má cô thường nói với cô là con nít ngây thơ, thật thà, hồn nhiên và chất phác nên nói thật hơn người lớn. - Nhà chị ở đâu vậy? Sáu hỏi dò. Thấy Thục Trâm chưa kịp trả lời nó cười tiếp. - Chắc chị ở trên tỉnh mới dọn về đây chứ gì. Hồi trước em cũng ở trên tỉnh. Má em mới dọn nhà về đây chừng một năm… Thục Trâm cười nhỏ nhẹ thốt. - Vậy à… Hèn chi chị thấy em cũng có cái tướng sang như chị vậy… Sáu khoái chí cười hắc hắc khi được Thục Trâm khen. Nó không biết đó là câu nói châm chọc của cô gái. Có lẽ biết mình vừa nói câu không được lịch sự đối với đứa trẻ đáng tuổi em út mình, Thục Trâm bèn đổi giọng. - Nhà em ở đâu vậy? Sáu giơ tay chỉ dãy nhà lá nằm bên con đường làng từ lộ lớn chạy sâu vào trong vườn, Thục Trâm cười hỏi. - Em mấy tuổi? - Dạ tám tuổi… - Chị 15 tuổi… Em đi học chưa? - Dạ rồi… Em học lớp tư… - Em có anh chị em gì hông? - Dạ có… Em có hai chị và anh trai với đứa em trai… Sáu khai ra hết. Dường như đứng trước Thục Trâm, nó bị chị hớp hồn hớp vía quên mất mình có bổn phận theo dò xét, hỏi han để thu lượm tin tức chứ hổng phải là người bị hỏi cung. - Chị phải đi chợ cho má chị. Em có muốn đi chợ với chị hông? Sáu gật đầu lia lịa như sợ chị Thục Trâm đổi ý. - Dạ muốn… Khẽ gật đầu cười, Thục Trâm bưng rổ đi trước. Vì nhằm giờ đông chợ, người qua lại tới lui đông đảo nên Sáu không thể đi song song với Thục Trâm được mà phải đi sau lưng. Tuy nhiên nó cũng không nói gì thêm mà im lặng bước. Được chừng một lát, sau khi đi chợ xong, Thục Trâm quay lại cười khi thấy thằng nhỏ tên Sáu vẫn kiên nhẫn đi sau lưng của mình mà không hề nói năng tiếng nào. Cô hơi ngạc nhiên về điều đó. Thường thường gặp mấy đứa con nít khác thì đã càu nhàu hoặc bỏ đi chỗ khác từ lâu rồi. - Em đói bụng chưa Sáu? Nghe câu hỏi của Thục Trâm, Sáu mới nhớ từ lúc thức dậy tới giờ nó chưa có cái gì bỏ bụng. - Dạ đói… Từ sáng tới giờ em chưa có ăn cái gì hết… - Chị cũng vậy… Nghe nói như vậy, Sáu liến thoắng lên tiếng. - Em bao chị ăn xôi nghen… Xôi đậu phong ngon hết biết… Sáu làm bộ chép chép miệng. Hơi mỉm cười, Thục Trâm hỏi. - Em có tiền hông mà bao chị? - Dạ có. Em có một đồng, đủ mua hai gói xôi. Chị một gói còn em một gói… Không hiểu nghĩ sao mà Thục Trâm lại gật đầu cười. - Ừ em đi mua đi… Chị đợi em ở gốc me đằng kia… Thục Trâm đưa tay chỉ về hướng gốc cây me già nằm bên vệ đường kề bên cống nước và phía bên kia đường là con rạch nhỏ. Sáu gật đầu bước đi về cuối nhà lồng chợ còn Thục Trâm thong thả đi về gốc cây me. Tại đây có cái băng bằng gỗ mà người ta thường hay ngồi đón xe đò từ Giồng Trôm chạy lên. Ngồi xuống cái băng cây cũ mà trơn láng, Thục Trâm hơi mỉm cười khi thấy Sáu đi tới. Cô không hiểu vì sao mình lại làm quen với thằng nhỏ xa lạ này. Có lẽ vì nó có nhiều điểm giống với đứa em trai của mình đã chết lúc được 9 tuổi vì mắc phải bịnh ho lao. Cô nhớ tiếng ho sù sụ của đứa em trai bạc phước với nét mặt xanh xao và thân hình ốm tong teo. - Chị chờ em lâu hông? Đưa gói xôi đậu phọng cho Thục Trâm, Sáu cười hỏi. Cô gái nhẹ cười trả lời bằng giọng ôn nhu. - Chị mới ngồi xuống chưa nóng ghế mà… Em mua xôi cho chị rồi tiền đâu mua bánh ăn… Miệng nhai nhóp nhép, Sáu trả lời chậm. - Nhịn một bữa đâu có sao chị. Hổng có bánh em ăn trái cây. Chị thích ăn trái cây hông? - Thích… Chị thích ăn xoài tượng chấm nước mắm đường… Xời ơi ngon ơi là ngon… Vú sữa nữa… Thơm mà ngọt ơi là ngọt… Nói xong Thục Trâm chép miệng tỏ vẻ thèm thuồng xong cười nói tiếp. - Ở trên tỉnh chị ăn hoài. Từ ngày về đây chưa ăn lần nào. Xoài tượng ở đây ngon hông em? - Dạ ngon hết biết luôn. Ở trên cây mới hái xuống dòn rụm. Mai em sẽ đem cho chị vài trái ăn ê răng luôn. Mà nhà chị ở đâu? Nuốt xong miếng xôi, Thục Trâm cười quay qua nhìn Sáu rồi đưa tay chỉ về xóm nhà ở cạnh ngôi đồn. - Ăn xôi xong em theo chị cho biết nhà… Chiếc xe đò từ Giồng Trôm chạy lên đậu ngay chỗ băng cây cho khách xuống xong chạy đi. Nhìn theo bóng chiếc xe đò chạy để lại chút bụi mờ, Sáu nói. Giọng của nó chậm và buồn. - Khi nào hổng có gì chơi em hay ra đây ngồi nhìn xe đò, ước gì mình được leo lên chiếc xe chở mình đi xa, xa thật xa… - Đi xa là đi đâu? Thục Trâm hỏi. - Hổng biết… chỉ biết đi xa… Chị có đi xa lần nào chưa? - Có… đi Sài Gòn… Em có đi xa chưa? - Dạ chưa… Ăn xong gói xôi, Thục Trâm nắm tay Sáu dẫn về nhà của mình. Sáu hơi ngỡ ngàng khi bị Thục Trâm nắm tay đi tới ngay cửa đồn mà người ta gọi là bót - Chị ở trong đó… Thục Trâm nói gọn. Nhìn Sáu, cô cười nói tiếp. Giọng của cô nửa như ép uổng mà nửa như năn nỉ. - Em dô nhà chị chơi nghen… chơi một chút rồi dìa… Sáu do dự. Nó có nghe má nó và nhiều người trong làng nói về cái bót hay ngôi đồn của lính '' quốc gia ''. Má nó dặn không được lân la hay chơi với mấy đứa con nít ở trong bót. Bà không có cắt nghĩa tại sao song thỉnh thoảng nó cũng nghe lóm được và lờ mờ hiểu chút chút về chuyện giặc giả. Ở trong làng chia làm hai phe. Ngoài chợ thì theo quốc gia còn trong vườn thì theo kháng chiến. Tuy nhiên ngoài chợ cũng có nhiều người bí mật theo kháng chiến vì liên hệ gia đình hoặc được móc nối để hoạt động cho kháng chiến bằng cách ủng hộ tiền bạc, thuốc men hoặc tin tức. Cũng như gia đình nó sống ở trong vùng quốc gia mà ba thì đi theo kháng chiến. Cô sáu của nó cũng ở ngoài chợ mà chồng và con của cô lại theo kháng chiến. Thấy Sáu dụ dự chưa chịu bước theo mình, Thục Trâm cười hỏi. - Em hổng muốn dô hả? Sáu ngập ngừng. Nó không muốn làm Thục Trâm buồn. Dù mới quen song nó lại thích chị vì chị hiền lành, tử tế và vui vẻ. - Dạ muốn mà em sợ… Thục Trâm cười xiết chặt tay Sáu. - Đừng sợ… Ba chị là sếp bót mà… Ba chị hiền lắm… Em đi theo chị thì hổng có ai bắt em đâu… Vừa nói Thục Trâm vừa nắm tay Sáu đi vào cửa. Sáu cúi đầu bước. Nó quên mất chuyện phải mở con mắt thật to, vểnh tai nghe ngóng để dọ thám như lời chỉ dạy của Chị Ba. Nó chỉ biết là đang bị cô gái lớn gần gấp đôi tuổi mình nắm tay dẫn vào bót. Nó cảm thấy chút chút hồi hộp và lo lắng. Bàn tay của chị Thục Trâm thật ấm áp và mềm mại và như có sức lực gì từ bàn tay của chị truyền sang mà nó cảm thấy khoan khoái và can đảm hơn. Đúng như lời chị Thục Trâm nói. Ba má chị hiền lắm mà cũng vui vẻ và tử tế nữa. Họ đem bánh kẹo ra cho nó ăn đã thèm luôn. Dường như ba má của chị Thục Trâm rất vui khi thấy con gái có người quen dù người đó chỉ là đứa con nít. Ở chơi một lát chị Thục Trâm dẫn Sáu ra tới cổng rồi còn dặn với người lính gác để lần sau cho nó vào thăm chị. - Em nhớ nghen Sáu… Mai mốt nhớ vào thăm chị nghen… Chị thích chơi với em… Sáu dạ bước đi mà khi quay đầu lại nó thấy chị Thục Trâm vẫn còn đứng nhìn theo. Anh Nhiên Tây và Chị Ba im lặng nghe Sáu kể lại chuyện quen với Thục Trâm. Họ có vẻ vui mừng và suy nghĩ khi nghe nó nói Thục Trâm là con gái của ông sếp bót làng Lương Quới. Để Sáu ngồi một mình trong căn nhà, anh Nhiên Tây và Chị Ba đi ra sân nói chuyện. Ngồi trong nhà nhìn ra Sáu thấy, không biết hai người nói chuyện gì mà trông bộ tịch có vẻ như là bàn cãi hăng say lắm. Hể Chị Ba nói thì anh Nhiên Tây gật đầu, trái lại anh nói thì Chị Ba gục gặt đầu cười. Lát sau hai người trở vào nhà. Chị Ba cười hỏi Sáu. - Em thích chơi với chị Thục Trâm của em hông Sáu? - Dạ thích… Chỉ hiền lành, vui vẻ… Liếc nhanh anh Nhiên Tây, Chị Ba cười vỗ nhẹ lên vai Sáu. - Chị cũng muốn em có bạn mà chị cũng thích nghe em kể chuyện về chị Thục Trâm của em nữa. Mỗi lần gặp Thục Trâm em vào đây kể cho chị nghe nghen… Sáu dạ nhỏ. Anh Nhiên Tây móc túi cho nó hai đồng bạc gọi là thưởng cho nó làm việc giỏi. Sáu ra về. Lòng hí ha hí hửng nó nghĩ mình có tiền để bao chị Thục Trâm ăn bất cứ cái gì chị muốn. Đi ngang qua nhà con Ấu, nó chợt nghĩ ra là chị Thục Trâm rất thích ăn vú sữa nên ghé vào nhà con nhỏ này mua hai trái. Quen mặt nó nên má con Ấu cho mà không lấy cắc nào. Mừng rỡ nó hối hả về nhà đem giấu hai trái vú sữa chín vào trong hủ gạo. Sợ mợ hoặc chị Năm thấy nó chôn sâu tận đáy rồi mai sáng mới moi lên để đem cho chị Thục Trâm. Sáu choàng dậy khi nghe tiếng cười nói xôn xao. Mắt nhắm mắt mở, nó nhìn ra cửa thì ra trời đã sáng rồi. Nhảy phóc xuống đất, bước lẹ ra sau nhà rửa mặt và xúc miệng xong thay bộ quần áo coi được nhất của nó để đi gặp chị Thục Trâm. Tuy nhiên nó chưa đi mà ra đứng ở cửa nhìn trong đám người đang đi chợ coi có thấy chị ấy hông. Ngó tới ngó lui hoài mà không thấy cái dáng quen quen của chị, nó ngạc nhiên rồi sau đó lại thắc mắc và cuối cùng hơi buồn buồn vì không được gặp Thục Trâm. Hay là chị ấy bịnh? Hai trái vú sữa ở trong hủ gạo để lâu sẽ hư. Rán đợi tới khi chợ bắt đầu vãn vẫn không thấy bóng chị Thục Trâm, nó quyết định đi vào bót kiếm chị. Trở vào nhà lấy hai trái vú sữa bỏ vào bịch giấy dầu, nó làm bộ đi rảo một vòng chợ rồi men theo dãy nhà của ông Tám Bịch ra lộ lớn tới ngồi nơi cái băng mà hôm qua nó với chị Thục Trâm đã ngồi ăn xôi và nói chuyện với nhau. Đi dọc theo hàng rào kẽm gai nó hồi hộp khi gần tới cửa có người lính cầm súng đứng gác. - Ê nhỏ, mày đi đâu dậy? Người lính hỏi cộc lốc. Anh ta không phải là người lính gác hôm qua nên không biết được lời dặn dò của Thục Trâm. - Tôi đi gặp chị Thục Trâm… Nghe Sáu trả lời như thế, người lính gác thoáng do dự rồi hỏi tiếp. - Mày quen với cô Thục Trâm hả? Cúi đầu xuống Sáu lí nhí. - Dạ… Tôi đem trái cây cho chị Thục Trâm… - Đâu đưa tao coi… Sáu đưa bịch giấy dầu cho người lính. Mở ra thấy hai trái vú sữa, anh ta gật đầu cười. - Cho gì có hai trái vú sữa hổng đủ cổ lủm… thôi đi đi… Người lính ra hiệu cho Sáu đi vào. Mừng rỡ nó men theo lối đi dọc hàng rào kẽm gai về phía nhà của Thục Trâm nằm bên góc đồn sát với con lộ chính. Đi tới cửa nó thấy má của chị Thục Trâm đứng nơi cửa. Bà mỉm cười nhìn nó. - Con Trâm bị bịnh rồi cháu ơi… - Dạ… Chỉ bịnh gì dậy bác? - Bị cảm… Thấy Sáu ôm cái bịch giấy dầu bà hỏi.' - Cháu đem cái gì cho nó dậy? - Dạ vú sữa… Hôm qua chỉ nói thích vú sữa nên cháu đem cho chỉ hai trái vú sữa… Má Thục Trâm cười gật đầu quay lưng bước vào nhà trong. - Nó nằm trong nầy nè… Cháu vào nói chuyện với nó cho vui… Sáu rụt rè theo sau lưng má Thục Trâm. Nhà nhỏ thôi, được ngăn làm ba gian. Phía trước đặt cái bàn nhỏ chắc dùng để cho gia đình ăn cơm và tiếp khách. Chính giữa là chỗ ngủ có hai cái giường, còn phía sau là bếp. Thục Trâm đang nằm đắp mền thiu thiu ngủ. Hơi mở mắt ra nhìn thấy Sáu cô bèn cười hỏi. - Em mạnh hông? - Dạ em mạnh. Chị bịnh gì dậy? Hơi tỏ vẻ ngượng ngùng và bối rối, Thục Trâm liếc má của mình rồi mới cười trả lời Sáu. - Bị nhức đầu và đau bụng… Vừa nói Thục Trâm vừa nhích vào trong vách như có ý bảo Sáu ngồi xuống giường. Thấy nó còn dụ dự, cô cười khẽ lên tiếng. - Em ngồi xuống giường đi… Ngồi xuống mép giường, Sáu đưa bịch giấy dầu ra. - Em đem cho chị hai trái vú sữa… Đỡ lấy bịch giấy dầu, mở ra nhìn xong Thục Trâm cầm lấy trái vú sữa lên mân mê rồi đưa lên mũi hít hít mấy cái. - Thơm quá… Vú sữa chín ngon quá… Con ăn được hông má… Sáu cười hắc hắc vì cử chỉ ngồ ngộ của chị Thục Trâm. - Được… mà con ăn một trái thôi… Để cho Sáu một trái… Nghe má Thục Trâm nói vậy, Sáu cười lắc đầu. - Chị thèm chị ăn hết đi… em ăn hoài hà… Sáu chăm chú nhìn chị Thục Trâm cẩn thận nắn bóp vòng quanh trái vú sữa trắng da căng bóng cho mềm thật mềm rồi sau đó đưa lên miệng nút chầm chậm. Nhìn Sáu, chị nói trong tiếng cười hồn nhiên. - Ngon quá… ngọt quá… Con hết bịnh rồi má… Má Thục Trâm cười nhìn Sáu tỏ ý cám ơn rồi mới quay qua nói với con gái. - Vậy thì con ngồi chơi với Sáu để má đi nấu cơm… Con chịu hông? - Dạ chịu… Nói xong Thục Trâm quay nhìn Sáu. Cô hơi ngạc nhiên vì thấy nó đang ngó ra cửa sổ nhìn ra hàng rào kẽm gai có cây so đũa cao cành lá xanh um. - Em nhìn gì vậy Sáu? - Dạ nhìn ra đường… Sáu quay lại cười. Mặt nó hơi đỏ lên. Thật ra nó không có nhìn ra đường mà ngắm chiếc áo bà ba màu trắng đang phơi trên trên sợi dây phơi quần áo kế bên hàng rào kẽm gai. Chiếc áo bà ba màu trắng bay phất phơ trong gió. Hai vạt áo giống như hai bàn tay đưa lên vẫy chào. Nó đoán chiếc áo bà ba màu trắng đó là của chị Thục Trâm vì chị cũng đang mặc áo giống như chiếc áo đang phơi ngoài hàng rào. Nghe Sáu nói như vậy, Thục Trâm cũng quay đầu nhìn ra cửa sổ và cười nói. - Nhà chị ở gần bên đường lộ đá… Nhìn Sáu giây lát Thục Tâm cười nói nhỏ. - Chị nhờ em ra lấy dùm chị cái áo bà ba trắng đang phơi ngoài sân. Chị sợ gió thổi mất áo của chị… Sáu gật đầu bước nhanh ra nhà sau rồi đi vòng tới chỗ phơi quần áo. Lấy cái áo xuống cầm trong tay, không biết nghĩ sao nó lại đưa áo lên mũi ngửi. Nó cảm thấy như có thứ mùi hương là lạ len vào mũi của mình. Cầm chiếc áo trong tay, nó đứng nhìn về hướng nhà lồng chợ giây lát rồi mới trở vào. Đưa chiếc áo cho chị Thục Trâm, nó cười nói. - Áo của chị thơm quá… Thục Trâm cười hắc hắc. - Chị giặt bằng xà bông Cô Ba đó… Sáu gật đầu cười. Nó chẳng biết xà bông cô ba cô tư gì hết. Thấy Thục Trâm đưa tay lên che miệng ngáp, nó đứng lên cười. - Em đi dìa… Chừng nào chị hết bịnh chị đi chợ nghen. Em có xoài tượng cho chị… Thục Trâm gật đầu nhìn Sáu đi ra cửa. Nắng bên ngoài thật gắt. Trong gian nhà nhỏ và hơi tối chỉ có hai người là Sáu và Chị Ba. Mấy ngày nay nó không thấy mặt anh Nhiên Tây. Hỏi Chị Ba thì chỉ trả lời là ảnh đi công tác cho kháng chiến ở bên cù lao Minh. - Chị Thục Trâm mấy tuổi hả Sáu? Sáu nhìn Chị Ba khi nghe cái giọng hơi nghiêm nghị của chỉ. Cúi đầu xuống nó lí nhí. - Dạ 16 tuổi… - Hồi nãy em có kể cho chị nghe là chị Thục Trâm của em bị bịnh hả? - Dạ… - Bịnh gì? - Dạ em không biết… Nghe má chỉ nói là bị nhức đầu… - Em nói là đứng trong nhà chị Thục Trâm nhìn ra sẽ thấy nhà lồng chợ. Phải vậy hông? - Dạ phải… Nhà của chỉ nằm gần lộ ngó ra ngay cái cống nước. Em với chỉ hay ngồi ở cái băng cây ăn bánh tiêu nhìn xe chạy… Sáu cười như thích thú khi nói về chuyện đó. Nó nhớ lại mới hôm kia, sau khi hết bịnh chị Thục Trâm đã đi chợ và nó với chị ngồi ở cái băng cây ăn mỗi người một cái bánh tiêu ngon ơi là ngon. Chị Thục Trâm có nói là khi nào ba chị đi lên tỉnh chị sẽ năn nỉ ba mua bánh mì thịt về cho Sáu ăn. Nhớ tới ổ bánh mì thịt thơm dòn rụm có thịt xá xíu thơm nó chảy nước miếng. - Vậy à… Em giỏi quá… Chị cho em hai đồng để mua bánh tiêu ăn nghen… Dạ tiếng nhỏ Sáu cầm lấy hai đồng bạc rồi hớn hở ra về quên cả Chị Ba đang đứng nhìn theo cho tới khi nó mất dạng. Đang đứng coi đám con nít trong vườn bắn cu li với nhau, Sáu thấy Chị Ba đang đi trên con lộ đá từ quán tạp hoá của chú Ba về cái bót. Sáu không biết chị đi ra từ ngã nào song chị đi chậm rãi như có ý dòm ngó hay tìm kiếm cái gì. Tới ngay cái băng bằng gỗ chị ngồi xuống. Điều đó khiến cho Sáu đoán là chị chờ đón xe đi về Lương Hoà hay lên trên tỉnh vì vậy nó lại cắm cúi vào trò chơi bắn cu li đang tới hồi gay cấn giữa thằng Hết và thằng Tửng. Nhìn một hồi nó ngước lên coi Chị Ba còn ngồi ở băng cây không. Nó hơi ngạc nhiên khi thấy Chị Ba đang ngồi bỗng đứng lên rồi ngó trước ngó sau xong băng qua lộ rồi đi từng bước chậm rãi. - Chỉ làm cái gì vậy cà? Sáu hỏi thầm khi thấy Chị Ba đứng tại ngã ba đoạn đi từng bước một trên con lộ đất dẫn vào miệt vườn. Nó biết chị đang đo bước đi. Bác Năm Học có dạy cho nó biết cách thức đo bước chân đi này. Ở dưới quê người ta không có thước nên dùng bước chân để đo. Khi Chị Ba đi ngang qua chỗ đám con nít đang đứng chơi, Sáu vội quay đi để không cho chị thấy mình. Đang ngủ ngon Sáu bị má dựng dậy để chui xuống gầm giường. Nó nghe súng nổ khắp nơi. Lẫn trong tiếng súng có tiếng nổ ì ầm như lựu đạn hay mọt chê. - Cái gì vậy má? - Chắc Việt Minh đánh bót… Sáu giật mình. Nó nghĩ tới chị Thục Trâm. Nó biết Việt Minh là phe của anh Nhiên Tây và Chị Ba. Nếu họ đánh bót tức là đánh vào nhà của chị Thục Trâm. - Kháng chiến đánh tây bà con ơi… - Việt Minh đánh bót quốc gia bà con ơi… Tiếng người la ơi ới ngoài đường. Không chịu được Sáu chạy vụt ra sân chợ đứng nhìn về phía ngôi đồn đang bập bùng ánh lửa trong đêm tối thâm u. Ánh lửa sáng cho nó thấy chỗ cháy gần nhà của chị Thục Trâm. Anh hai Ngươn nói nhỏ với má của Sáu. - Mợ bảy biết ai đánh đồn không mợ bảy? Ngần ngừ giây lát má của Sáu trả lời nhỏ. Dường như bà không muốn cho mấy người đang đứng xem bên cạnh nghe được. - Chắc đám của thằng Nhiên… Chỉ có nó mới đánh bót được… Dân ở chợ đứng thưởng thức cuộc công đồn của Việt Minh. Tiếng súng nổ. Tiếng người la ơi ới. Sáu thấy mấy bóng người mặc bà ba đen chạy lăng xăng. Lát sau cuộc công đồn mới chấm dứt. Lính của Việt Minh rút lui vì sợ lính của quốc gia ở trên quận xuống tiếp cứu. Sáng hôm sau Sáu đi vào đồn. Má của chị Thục Trâm mếu máo vừa khóc vừa kể cho nó nghe chuyện gì xảy ra tối đêm hôm qua. Một trái đạn tromblon do phe Việt Minh bắn đã rơi trúng ngay giường ngủ của chị Thục Trâm. Sáu ứa nước mắt. Từ đây không còn có ai chơi với nó nữa. Trên đường trở về nhà nó thấy chiếc áo bà ba màu trắng của chị Thục Trâm vắt lên hàng rào kẽm gai. Chiếc áo trắng tinh của chị bây giờ lấm tấm vài giọt máu đỏ bầm. Sáu buồn lắm. Nó thôi làm liên lạc viên cho anh Nhiên Tây. Nó sợ tham dự vào cái trò chơi giết người. Ngày ngày nó ra ngồi nơi chiếc băng cây bên vệ đường ngẩn ngơ chờ một người. ° Nhân vật thật, cốt truyện thật, chữ viết không thật. chusalan