ôi có cảm giác như ban mai ở Trường Sa tinh khiết hơn bất cứ đâu trên Tổ quốc Việt Nam này, nơi được thấy mặt trời mọc sớm nhất đất nước. Buối sáng ở đảo Sinh Tồn Đông cũng vậy. Khi người chiến sĩ nhỏ nhẹ gọi tôi dậy để đi ra bờ biển đón bình minh. Trong tiếng sóng dội về từ biển, tiếng gió lao xao phía hàng cây phong ba, bão táp, bất chợt tôi nghe tiếng chim gù thân thiết cùng đến. Tiếng chim lúc nhặt, lúc thưa khiến tôi ngỡ như đang ở một vùng quê đồng bằng thanh bình, như có cả cánh đồng lúa đang dậy hương thơm ngào ngạt đâu đây. Tiếng gù của chim bồ câu trên đảo Sinh Tồn Đông khiến tôi cảm thấy câu thơ "Thêm một tiếng chim gù, thành ban mai tinh khiết" của nhà thơ Trần Hòa Bình thêm hay hơn. Ở tuyến đảo tiền tiêu này, chỉ có chim hải âu hay loài nhạn biển mới sống được, mới chịu được sóng, chịu được gió ở Trường Sa. Thế mà có những cánh chim từ vùng đồng bằng Bắc bộ đã vượt sóng ra đảo, cùng người lính khắc phục hoàn cảnh, điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở Trường Sa để sống, bảo vệ vùng đất, vùng lãnh hải thiêng liêng, đã trở thành một phần cơ thể của Tổ quốc. Phụ trách đảo trưởng Sinh Tồn Đông là thiếu tá Nguyễn Thanh Ba, quê ở Quảng Xương (Thanh Hóa), một trong những cán bộ có nhiều năm gắn bó với Trường Sa. Anh đã từng ba đợt ra công tác ở đảo. Hai lần trước anh công tác trên những đảo chìm Đá Đông và Đá Lớn. Sống ở đảo chìm quanh năm nghe sóng vỗ, nhìn những cánh chim hải âu bay vờn trên sóng mỗi sáng khiến anh nhớ về những cánh chim quê đến quặn lòng. Hồi còn niên thiếu, Ba cùng bạn bè đồng lứa thường theo người lớn đi bẫy chim. Những con chim ngói mang cả mùa thu và hương lúa chu du khắp chốn chợ quê để đổi lấy bát gạo. Ra đảo công tác mấy năm, năm ngoái, thiếu tá Ba được nghỉ phép về quê cưới vợ. Duyến-vợ anh, một cô gái cùng quê, làm ở khoa Dược, Bệnh viện huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Sau ngày cưới chưa đầy hai tháng, anh lên đường ra đảo Sinh Tồn Đông. Trước khi đi, vợ anh gửi ra đảo đôi chim bồ câu làm quà và bảo: "Chim bồ câu rất thủy chung, chỉ sống có đôi. Ra đảo anh nhớ chăm sóc chúng". Thế là chuyến tàu ra đảo năm ấy, trong hành trang của người lính - thiếu tá Nguyễn Thanh Ba, còn có đôi chim bồ câu, món quà từ quê hương mà anh luôn giữ gìn. Trên đảo Sinh Tồn Đông còn có thêm nữa một món quà đặc biệt, đó là chú chim cu gáy của những người lính cơ yếu thầm lặng. Gần bốn năm qua, tiếng chim cu gáy làm cho người lính thêm niềm vui cùng những thổn thức nỗi nhớ quê nhà, nhớ người thân yêu. Dường như số phận mỗi con chim trên đảo đều gắn với những câu chuyện tình thật lãng mạn. Hồi tháng bảy năm 2004, trung úy Đào Văn Đế, nhân viên cơ yếu Trường Quân sự (Binh đoàn Hương Giang) nhận nhiệm vụ tăng cường cho cơ yếu Trường Sa. Đế ra đảo Sinh Tồn Đông công tác cũng mang theo chiếc lồng tre với đôi chim cu gáy. Anh kể rằng đây là đôi chim do người con gái của một nghệ nhân chuyên nghề nuôi chim cảnh ở Bắc Giang tặng. Từ ấy, anh chăm sóc, giữ gìn đôi chim như báu vật. Đôi chim như hiểu tình cảm của chủ nhân dành cho chúng nên sớm thích nghi với điều kiện sống ở đảo. Hằng ngày, ngoài nhiệm vụ trực nhận và dịch các bức điện mật mã, Đế lại xuống bếp xin gạo, xin đậu cho chim ăn. Tiếng chim cu gáy cùng với tiếng chim gù của bồ câu khiến đảo Sinh Tồn Đông trở nên thanh bình, đằm thắm. Năm 2006, hết thời gian công tác ở đảo, Đế trở về đất liền. Theo nguyện vọng anh em, Đế để đôi chim cu rất thân thuộc ở lại đảo. Đêm trước ngày lên tàu, Đế không sao ngủ được. Anh đến bên lồng chim, giãi bày tâm sự cùng chúng. Dường như hiểu được tình cảm của những người lính trên đảo, trong ngày tàu nhổ neo rời cảng, đôi chim hót vang, khiến không gian của đảo đầy ắp tiếng chim. Chắc biết vì nhớ Đế, nhớ những người lính trở về đất liền mà chim hót đến kiệt sức, sáng hôm sau một con chim cu gáy đã lìa xa mãi tiếng hót của mình. Nhớ những đồng đội đi trước, các nhân viên cơ yếu ra đảo sau này tiếp tục dành công sức chăm sóc cho chú chim cu gáy còn lại. Đại úy Nguyễn Hữu Thái, nhân viên cơ yếu của đảo kể về chú chim cu gáy mà giọng nói rưng rưng xúc động. Tết này, anh đón niềm vui khi vợ anh báo tin đã sinh con trai. Và trong thư, vợ anh còn kể theo lời dặn của anh, chị đã gửi theo chuyến tàu đi Tết ra đảo đôi chim cu gáy để làm bạn với chú chim đang sống trên đảo... Trường Sa Xuân 2008