ào những buổi chiều nhạt nắng bên bờ sông Bạc Liêu, dưới hàng cây dương xanh thẳm rì rào, tôi hay ngồi nghe đôi nghệ sĩ gieo tiếng hát giọng đàn lên mảnh vườn của gió. Anh chồng mù với khuôn mặt vàng đen màu đất ngồi ôm đàn kìm, gác chân lên chiếc song lang gõ nhịp một hai bên người phụ nữ vén mái tóc tơ mịn rối nhòe nhòe trên trán, nhả từng thanh âm trầm dài xuyên qua đôi môi quệt màu đỏ bạc thời gian.
Người nghệ sĩ có đôi mắt lẩn trốn hút sâu sau cặp kính râm màu đen bắt thả hai dây đàn kìm thuần thục theo điệu Dạ cổ hoài lang. Hò lìu xang xê cống, líu cống líu cống xê xang. Những vực âm réo rắt bồng bền trôi đằm đằm theo hướng gió vẽ hình cung nhạc lượn lượn quanh hàng cây. Điệu tình ca của người thiếu phụ chờ chồng năm xưa được khảy lên trong buổi chiều phố bận rộn nhưng cũng đủ làm người nghe buồn héo hắt, bởi cái tê mê hẩng hơ trong đợi chờ - dù cũ kỹ chắc ai cũng đôi lần nếm thử. Với chất giọng thấm dầm và trộn lẫn giữa ngậm ngùi của cô đơn, mờ mịt của tương lai, u uẫn của tuyệt vọng và những dạt dào của tình yêu con gái, người ta tưởng chị đồng cảm với phận người vợ chơ vơ tựa cửa chờ chồng nhưng ít ai biết, thật ra, chị còn đang hát với tất cả rung cảm về cuộc đời son trẻ của chính mình.
Những năm 90, trên mảnh đất Vĩnh Hưng xanh màu lúa mới, bên ngôi nhà lá nhỏ nhuộm đầy những bông rau muốn rừng màu tím. Cô gái Xuân thường trải lòng mình theo những điệu cải lương, nước mắt hay đẩm ướt, chị khóc cho những phận người hẩm hiu của Lan và Điệp, của Đời Cô Lựu… Rồi một ngày, trong lúc chị đang ngồi gội đầu và vuốt ve những sợi tóc mịn màng bên lu nước bên nhà, chiếc xuồng máy đuôi tôm chạy ngang sông rao dồn dập tin đoàn cải lương Bông Mù U đến diễn, danh ca Minh Tâm sẽ vào vai chính trong vở tuồng Mùa Thu Trên Bạch Mã Sơn. Lau vội mái tóc bên những tia nắng vàng nhảy múa trên bông rau muốn màu tím. Lòng chị bâng khuân như cây lúa đang vào độ chín, mềm yếu và thèm ngả tạm vào một nơi nào đó để bắt đầu một cuộc đời mới.
Câu chuyện về một hiệp khách giang hồ có mối tình không như ý nguyện vừa kết thúc, hai tấm màn nhung đã khép lại trên sân khấu dựng chơi vơi ngoài sân bóng. Khách đã về hết chỉ còn chị nán lại. Cầm trên tay những bông rau muốn phủ sương đêm ướt mềm, rụt rè bước ra sau cánh gà sân khấu chị đảo mắt tìm một người.
- “Tìm ai vậy em?”. Người đàn ông còn trong bộ dạng hóa trang của một ông già nhìn ra và hỏi.
- “Dạ!!!...nghệ…sĩ…M.i.n.h..Tâm”. Sau khi lắng tai nghe xong những lời ấp úng của chị thì ông ta thì bật cười. “Nhìn là biết liền à!”. Rồi quay vào trong gọi to. “Ê, Minh Tâm có người tìm”.
Chị cuối cuối đầu nhìn đất, ngó những ngón chân nhuộm vàng màu của phèn chua đất mặn, ngượng ngùng đếm đi đếm lại vài lần.
- Tìm anh hả cưng. - Người thanh niên với mái tóc dài ngang vai, đôi mắt màu nâu sáng điểm trên khuôn mặt phong trần đầy thu hút đang đứng đối diện và mĩm cười nhìn chị. Thấy cô gái đang vân vê chùm hoa tím, anh chủ động kéo bàn tay nhỏ bé đặt giữa đôi tay mình, chị bối rối hờ hững rút tay lại. Giữa bầu trời đêm sương giăng phủ đầy lên những ngọn cỏ bẹp dưới bàn chân người, bất chợt có ngọn lửa được đốt lên ấm áp.
Đoàn hát dọn đi sau bảy ngày lưu diễn cũng là lúc chị kẹp lá thư lên bộ ván trước nhà với vỏn vẹn vài câu “Ba má yên tâm. Con đi theo đoàn hát một thời gian rồi sẽ về”. Tình yêu của chị như cây lúa được gieo trên mảnh đất màu mở hiền hòa. Đâm chồi. Nảy mầm. Và lớn phăng phăng cho đến khi ngậm sữa, trổ đồng rồi chín hẵn.
Vài mươi tháng chạy theo mối tình nghệ sĩ, lênh đênh sông hồ trên chiếc ghe bầu xuyên từ miệt này qua vùng khác, chị thấy ồn ào xô bồ chẳng có gì vui vẻ, ngược lại mệt mõi đang thấm dầm vào da thịt. Nhưng rồi chị vẫn lẳng lặng đứng sau sân khấu hằng đêm, tay cầm sẵn chén nước chiếc khăn chăm sóc người tình mỗi sau lớp diễn hoàn thành. Trong giấc ngủ cằn cỗi chị mơ thấy mình ở trong gian nhà nhỏ lặn yên soi bóng bên dòng nước ngọt ngào, mơ thứ tình yêu được nuôi dưỡng bằng cọng rau hạt gạo trồng trên mãnh đất Vĩnh Hưng ngày cũ.
- Tụi mình về nhà má đi anh! - Người đàn ông liếc nhìn người phụ nữ mang bầu mệt nhọc ngồi tựa bên chiếc bàn trang điểm, rồi anh hướng mắt ra ngoài sân khấu im vắng, tấm pa-nô “Nghệ sĩ tài danh Minh Tâm” bị gió giật tung rơi một góc xuống bãi cỏ màu vàng xanh. Thời ế ấm của sân khấu kéo đến, có đêm đèn được mở lên rồi tắt vì không có mấy khán giả, những nghệ sĩ trong các đoàn hát nghèo như anh bắt đầu lo chạy ăn từng bữa.
- Ừ, đi thì đi.
° ° °
Một hôm, trong lúc chị đang cấy lúa trên mảnh ruộng bên nhà trong tiếng đàn kìm lạc giọng lờ đờ “xừ xang xừ cống xế” thì chiếc xuồng máy chạy rao tin đoàn cải lương Hương Bưởi về đến lướt qua. Bỏ cây đàn nằm chỏng rọng bên góc ván, anh  chạy xuống bến sông, đưa bàn tay che nắng cố nhìn theo chiếc xuồng máy chạy khuất xa chỉ còn chút bọt nước nổi nhợt nhạt trên mặt nước lăn tăn.
Mấy ngày sau không thấy chồng đâu chị tất tả đi tìm nhưng vô vọng, chị lo anh không kiềm chế được rượu chè rồi rơi xuống dòng nước lạnh căm ngoài kia. Ngược xui mấy bận mới hay tin chồng chạy theo cô đào Lệ Ướt Mi trong đoàn hát Hương Bưởi. Ngồi bên con chị thẩn thờ ngó ra bụi rau muống bên hè thấy những cái bông trỗ màu tím đen. Chị nhớ lại lời sư cô bên chùa Từ Ân dạy mà thấy đúng, mỗi người được cột lại với nhau bằng sợi dây mầu nhiệm, có sợi làm bằng tình yêu, sợi làm bằng lòng lòng tin, sợi làm bằng sự vui vẽ, có sợi làm bằng tiền bạc, danh vọng. Và đến khi nào không còn nguồn sống để nuôi dưỡng nữa thì nó đứt lìa, mối liên hệ sẽ kết thúc chóng vánh như lúc nó chưa từng bắt đầu. Vợ chồng hết yêu thương nhau thì chia tay, bạn bè không còn tìm ra điều vui vẽ chung nữa thì đoạn tuyệt, cạn tàu ráo mán nhau vì tiền bạc là điều thường thấy ở cõi ta-bà này.
Nằm ôm con trên võng, nhìn cây tre lã ngọn in dấu trên bầu trời xám ngắt thầm trách sao trời nỡ gieo sâu nổi buồn cho chị.
“Ầu ơ, gió đưa bụi chuối sau hè
Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ”
° ° °
Bảy tám mùa nước lũ dâng cao rồi rút. Đám rau muống bên hè vẫn trỗ bông màu tím như chị vẫn giữ được sợi dây nối liền với tình yêu cũ dù anh vẫn bặt tăm. Chị treo chiếc đàn kìm ngay cửa ra vào để đi ra thì tưởng có người còn đang đứng ở sau lưng, bước vào thì thấy người kia vẫn còn đang tồn tại. Chị sợ một ngày bận rộn nào đó quên mất anh, hễ thấy khuôn mặt anh lù mù trong ký ức thì bắc ghế lấy cây đàn xuống lau bụi. Như nghệ sĩ phết màu lên giấy, chị tô vẽ cho đến khi khuôn mặt chồng hiện lên sống động và rạng rỡ trong tâm trí thì mới yên tâm lên giường nằm ngủ.
- Nghe nói báo đăng nghệ sĩ Minh Tâm bị tạt a-xít ở Rạch Giá bây hay chưa? – Đi chợ về vừa ghé xuồng vô bến, ông Tư Thời Sự đạp xe đi qua thấy chị dừng lại báo tin. Chị thẫn thờ đứng lặng thinh ngó vô nhà, đôi chân nặng như đeo đá. Rồi chị lao vào nhà, gom quần áo bỏ vào chiếc giỏ đệm sờn, chèo xuồng ra Bạc Liêu, xong đón xe đò đi Rạch Giá.
Xóm Rọc Lá bàn nhau coi ông trời cũng có mắt, một kẻ dứt bỏ con thơ đi lấy vợ năm vợ sáu rốt cuộc rồi cũng phải chịu nạn vì ghen. Dầu có phong lưu đến đâu nay với đôi mắt mù lòa ắt hắn cũng phải nằm ân hận co ro. Ngày chị chở anh về trên chiếc xuồng nhỏ hàng xóm kéo đến phàn nàn, thương gì kẻ ruồng rẫy phụ tình biền biệt bao năm mà không chút đoái hoài. Chị cười. Đánh kẻ chạy đi chứ ai đánh người chạy lại, huống hồ cũng tình nghĩa vợ chồng bao năm, chị không đành nhìn anh bơ vơ khi đến bước đường cùng. Và cũng chắc là ông Tơ đã kết nối chị với anh bằng sợi dây tình thương se cùng sợi dây bao dung bền chặt. Yêu thương trong tấm lòng bao dung làm cho tình cảm của chị dành cho anh luôn được tươi rói. Như chiếc đàn kìm chỉ có hai dây, tám phím mà có thể réo rắt được không biết bao nhiêu khúc nhạc tài tử, hà cớ chi tình cảm con người cứ mãi đóng khung trong cái tâm sân hận buồn chán.
° ° °
Chị giải thích mình không phải diễn để kiếm tiền mà chỉ giúp chồng xóa đi nỗi nhớ nhung sân khấu, nghệ sĩ hát cho người chứ không phải hát cho mình, cho nên mỗi khi rãnh rỗi chị chở chồng trên chiếc xe máy cũ vượt vài mươi cây số ra đây.
Chia tay đôi vợ chồng nghệ sĩ khi dưới ánh đèn đường vàng hiu hắt, tôi nghe đâu đó còn vang vọng lại lời ca thâm thẩm của chị được đệm trong tiếng đàn kìm đầy cắn rứt.
“…Đường dù say ong bướm,
Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang…”
NGUYỄN VĂN HIẾN (Bạc Liêu)

Xem Tiếp: ----