gày xưa tôi là một con bé đỏng đảnh, hời hợt và luôn mơ những giấc mơ hoang tưởng. Và cũng vì điều đó, đã làm cho cuộc đời tôi trở nên nghiêng ngã... Khi còn nhỏ tôi ở Liên Khương, một ngôi làng cách xa thành phố Đà Lạt ba mươi cây số đường đèo, hẻo lánh, hoang sơ. Chung quanh làng vẫn còn những cánh rừng rậm rạp, phía trước mặt nhà tôi cũng thế, là một cánh rừng nhỏ, gió ngút ngàn bay. Vườn nhà tôi rất rộng, mẹ tôi trồng đủ thứ cây trái. Phía hông nhà là một vườn cam, cam xã Đoài, mẹ trồng để cho ba đỡ nhớ quê hương. Gần Tết, cam chín rộ, lúc lỉu dưới ánh mặt trời, vàng rượm cả một góc vườn. Trong sân, Mẹ để ra một khoảng rộng trồng những cây mận, cây đào Đà Lạt và đủ các loài hoa. Phía sau là một vườn ổi rộng mênh mông, ổi xá lỵ. Cả làng chỉ riêng nhà tôi có giống ổi này. Đến mùa, hương ổi chín thơm bay ngào ngạt Nhà tôi ở gần Sân bay Liên Khương, đó là một sân bay nhỏ, xinh xắn. Mỗi ngày chỉ có vài chuyến bay từ Sài Gòn lên, ở Đà Nẵng hoặc Huế vào. Dì tôi hàng ngày đem những trái cây trong vườn nhà vào sân bay để bán cho khách ngồi chờ bay. Những hôm được nghỉ học tôi thường đi theo dì. Vào đây là cả một thế giới khác đối với tôi. Trước mắt tôi là những tiểu thư con nhà giàu, óng ả trong những bộ áo váy sang trọng, những quý bà, quý ông, lịch lãm, bóng bẩy. Họ nói chuyện với nhau từ tốn, thầm thì, kiểu cách đi tới đi lui trông thật là tao nhã. Mọi cái ở họ đều khác xa với chúng tôi, những cư dân ngoài làng. Tôi say sưa ngắm nhìn rồi ước ao lớn lên mình cũng được như thế. Cũng lịch lãm, sang trọng, kiểu cách và điệu đà như họ. Mỗi khi máy bay hạ cánh, trong khi chờ đến giờ bay, cả đội bay thường leo lên chiếc xe jeep chuyên dụng của phi trường chạy ra nhà tôi, thích thú dạo quanh vườn. Họ ngạc nhiên trước giàn thanh long, thân như những con rồng xanh nhỏ, uốn lượn từ trên cao thòng xuống những trái chín mọng đỏ thắm (hồi đó thanh long chưa có nhiều, chỉ có Nha Trang mới có giống cây này, và ở làng cũng chỉ có mỗi nhà tôi trồng thanh long). Họ thích thú tự tay hái những trái ổi chín, thơm sà ngang trước mặt, nói cười ríu rít. Đứng gần bên những cô tiếp viên hàng không xinh đẹp, hương nước hoa toả ra dịu dàng, quyến rũ. Nhìn họ tôi lại ước mơ sau này mình cũng thế, cũng sẽ làm tiếp viên hàng không, cũng thướt tha trong chiếc áo dài màu thiên thanh, dịu dàng đi trên những đôi giày cao gót và bay trên những chuyến bay đến những vùng trời xa lạ... Sát nhà tôi là nhà của Cu Thuần. Cu Thuần lớn hơn tôi một tuổi. Trắng trẻo, bợt bạt, ẻo lả còn hơn con gái. Suốt ngày ba má nó không cho nó ra khỏi nhà, chỉ đứng bên trong cái lan can nhà thèm thuồng nhìn bọn chúng tôi chơi đùa, nghịch ngợm. Ba nó làm ở văn phòng sân bay, còn má nó không làm gì ngoài việc nấu nướng, đánh bài tứ sắc với mấy bà vợ công chức ở sân bay và đọc những trang tiểu thuyết diễm tình đăng trên những tờ báo thời bấy giờ. Cả hai ông bà đều là dân Sài Gòn, sống có vẻ kiểu cách, ít hoà đồng với những người dân trong làng. Cu Thuần không có bạn nên nó hay rủ tôi qua nhà nó chơi. (Tôi và nó là đôi bạn thân từ thời thơ trẻ vậy mà không hiểu vì sao từ ngày tôi về Nha Trang học mãi cho đến bây giờ, mặc dù mỗi năm tôi đều về nhà vào dịp nghỉ hè và Tết, chúng tôi vẫn chưa hề giáp mặt nhau). Cu Thuần thích chơi bán hàng, chơi nấu cơm..., còn tôi lại thích những trò chơi của đám con trai: đánh trổng, u mọi, quay vụ...nhưng vì mê cái đống sách báo của mẹ nó mà tôi phải chìu lòng nó, chơi với nó những trò chơi của đám con gái, chơi xong tôi bắt nó lấy những tờ báo của mẹ nó đọc, cho tôi xem. Mẹ nó là đọc giả thường niên của tờ Báo Phụ Nữ Ngày Mai, trong đó có đăng những thiên tiểu thuyết diễm tình dài kỳ của bà Tùng Long. Tôi say sưa đọc những câu chuyện này, thút thít khóc khi đọc đến cảnh đời éo le và bắt đầu mơ mộng lớn lên sẽ trở thành những nhân vật trong đó. Sẽ có nhà lầu, xe hơi, có những buổi tiệc sang trọng và những mối tình bi thảm... Sau, tôi chán thành những nhân vật trong tiểu thuyết diễm tình của bà Tùng Long Tôi lại thấy thích mình là một Kiều Giang, hiền lành, ngoan ngoãn, nhân hậu trong Đồi gió hú (truyện phóng tác in thời bấy giờ). Nhưng nghĩ lại, tôi không thể nào trở thành một nàng Kiều Giang được. Tôi không ngoan hiền, mà lại lém lỉnh, tinh nghịch và bướng bỉnh. Tôi nghĩ mình sẽ là một Scarlett trong Cuốn Theo chiều gió. Ừ nhỉ. Tại sao không? Tôi có đủ phẩm chất và tư cách để trở thành một nàng Scarlett kiều diễm. Tôi đẹp, xinh xắn, bướng bỉnh và cũng thông minh. Và nhà Ba tôi, tuy không phải là một đồn điền rộng lớn như O'Hara, nhưng lại có một vườn cây trái xum xuê, bát ngát, có những cánh đồng rộng mênh mông chạy dọc theo hai bên đường băng của sân bay; cũng có một chị giúp việc (chị Sáu) mập không thua gì bà Vú da đen của nàng Scarlett. Và thay vì chở chúng tôi trên những chiếc xe song mã đến dự những buổi tiệc sang trọng trong vùng, Ba tôi, sáng sáng lái chiếc xe "tắc xông" đen bốn chỗ, chở chị em tôi xuống chợ Tùng Nghĩa ăn bánh "giò chéo quảy" chấm sữa đậu nành nóng của mấy bà Ba Tàu bán. Thế thì tại sao không? Tôi quyết định mình sẽ là một nàng Scarlett và bắt đầu mơ tới một Red Butter. Tôi sẽ không bao giờ bỏ chàng Red Butter hào hoa, đa tình, đỏm dáng và giàu có như nàng Scarlett nông nỗi. Tôi sẽ giữ chặt chàng trong suốt cả cuộc đời tôi. Năm 1969 tôi về Nha Trang học... Một hôm, tan học về, tôi cùng các bạn tung tăng dạo phố, gió biển lồng lộng thổi tung bay những tà áo dài của chúng tôi trong buổi chiều nhạt nắng và phố xá xôn xao. Chúng tôi dạo khắp các cửa hàng trên con phố chính. Xin thử cái kẹp tóc, ướm lên người những chiếc áo lụa xinh xinh, xức một chút nước hoa rồi rúc rích cười đi ra trước cái tặc lưỡi và huơ tay bất lực của những anh chàng Chà Và (Ấn Độ - Nha Trang lúc đó có rất nhiều cửa hàng của người Ấn Độ trên phố chính). Đang đi, nói cười rôm rả, bỗng "phựt", chiếc quai guốc của tôi đứt rời ra. Bàn chân tôi rơi ra khỏi chiếc guốc cao gót, trật qua một bên, đau điếng, tôi "á" lên, ngồi phịch xuống, không làm sao bước tiếp được. Thế rồi chàng đến. Red đến. Một Red Butter hào hoa phong nhã nhưng không có hàng "ria con kiến" như chàng Red trong "Cuốn theo chiều gió" xuất hiện trước mặt tôi, xin phép được sửa cái bàn chân nhỏ nhắn xinh xắn của tôi. Chàng nâng bàn chân tôi lên, xoa xoa nhè nhẹ, rồi "rắc" một cái, nước mắt tôi ràn rụa, miệng méo xẹo đi vì đau. Chàng cười, bảo tôi đứng lên đi thử, đưa tôi chiếc khăn mùi xoa thơm phức từ trong chiếc túi quần của chàng cho tôi lau nước mắt. Tôi cười, mấy con nhỏ bạn tôi cũng cười. Chàng xin phép được đưa tôi về. Rồi cười cười xách đôi guốc đứt quai của tôi lên và lặng lẽ đi bên cạnh. Ngày thường tôi là một con bé lém lỉnh, nghịch ngợm vậy mà giờ đây không nói nên lời, e thẹn bước thấp bước cao bên chàng với đôi chân trần và tà áo dài tung bay trong gió, lâu lâu lại tinh nghịch quấn lấy chân chàng trên con phố chiều đông người qua. Chàng vẫn mỉm cười, im lặng đi bên tôi. Tôi làm bộ đi chậm lại, tụt về phía sau để lén nhìn chàng! Ôi! Red của tôi! Chàng mới đẹp làm sao. Giữa đám đông người qua lại, chàng nổi bật lên như một thiên thần; dáng cao ráo, mái tóc bồng bềnh, mũi thẳng, mắt sáng và nụ cười dịu dàng như mời gọi. Tôi đi bên chàng mà lòng bồi hồi, xao động, nhưng vẫn cố làm như xa cách, hững hờ. Đi một đoạn, quay lại nhìn, tôi không thấy đứa bạn nào cùng đi, thấp thoáng thấy bóng chúng nó từ xa đưa tay vẫy vẫy, miệng cười đễu cáng. Đưa tôi đến đầu con hẻm nhỏ dẫn vào nhà, tôi dừng lại từ chối không cho chàng đi theo nữa. Nhưng Red không chịu, nói phải đưa tôi về đến tận nhà chàng mới yên lòng. Đến cổng nhà, Red trả cho tôi đôi guốc chàng cầm trên tay và bảo: "Lần sau đi, nhớ cẩn thận!" rồi mỉm cười quay bước. Tối đến, tôi học mãi mà không sao thuộc được một bài văn ngắn. Tôi cứ mỉm cười nghĩ về Red, hình ảnh của một Red hào hoa len vào giấc ngủ dẫn dắt tôi đi đến những giấc mơ đầu đời của thời thiếu nữ. Chiều hôm sau, tan học, đang chạy ùa ra khỏi lớp cùng mấy đứa bạn, tôi chợt khựng lại, ngạc nhiên vì thấy chàng đang đứng tựa gốc bàng gần cổng trường, ánh mắt nhìn tôi vừa âu yếm vừa giễu cợt. Tôi ngại ngùng bước tới và bối rối hỏi vì sao chàng lại biết trường tôi học. Red không trả lời mà chỉ vào bản tên trường tôi đang đeo trên ngực áo. Từ đó, cứ mỗi chiều thứ bảy, tan trường tôi lại thấy chàng đứng đón tôi nơi cổng trường, bảnh bao và phong nhã. Tôi kiêu hãnh đi bên chàng, mặt nghếch lên, không quên hé mắt liếc nhìn những ánh mắt trầm trồ của đám bạn gái, những bộ mặt thụng ra vì ghen tỵ của mấy đứa bạn trai. Và hàng tuần, chiều thứ bảy, sáng chủ nhật là chàng đến đón tôi, đưa đi ăn kem, uống nước mía và coi xinê. Những lần như thế tôi không quên nháy cho lũ bảy tám đứa bạn gái quỷ sứ của tôi đi theo. Nhìn thấy thế, chàng lắc đầu vô vọng, rồi âu yếm cốc vào đầu tôi như trách móc, giận hờn. Mặc, tôi và lũ bạn cứ điềm nhiên chè chén... Qua những lần nói chuyện, tôi biết Red vừa tốt nghiệp trường Luật, dân Sài Gòn, ba má có một cửa hiệu buôn đồ gỗ lớn ở đường Yên Đỗ, ra đây tập sự ở văn phòng luật sư của ông chú. Ngay ngày đầu tiên đến Nha Trang, Red gặp tôi cùng lũ bạn đang phá những anh chàng Chà Và, chủ các cửa tiệm trên phố, đã thích thú đi theo cho đến khi tôi bị trẹo chân và quyết định làm quen với cô bé lém lỉnh, tinh nghịch là tôi... Một hôm, Red đến nhà rủ tôi đi dạo phố. Chàng ăn mặc thật bảnh bao, chải chuốt đúng một công tử con nhà giàu, quý phái. Bộ đồ tây màu sáng ôm sát người, mái tóc thường ngày bồng bềnh, nay chải ngược ra sau bóng bẩy, và dưới chân là một đôi giày màu đen bóng lộn. Chàng nói, hôm nay chàng muốn nói với tôi những lời đặc biệt, và tôi không được dẫn đám bạn đi cùng, bởi những lời đặc biệt chỉ nên nói khi chỉ có hai người, tôi và chàng. Tôi bồi hồi, xúc động như lần đầu gặp chàng. Tôi đã đợi chờ ngày này và tưởng tượng ra đó sẽ là một đêm huyền dịu trên bãi biển, trong tiếng sóng lao xao và dưới ánh trăng sáng lung linh rơi trên đầu những con sóng, Red tỏ tình cùng tôi. Sao Red lại chọn một ngày nắng nóng như thế này... nhưng thôi, đành vậy. Tôi tung tăng chạy vào thay một bộ váy thật đẹp, chuẩn bị nghe những lời đặc biệt. Nhưng... hỡi ôi! Khi cúi xuống mang đôi giày cao gót, lúc ngước nhìn lên, tôi chợt thấy một sợi râu đen nhánh mọc ngược dưới cằm chàng, trông thật là phản cảm. Và trong đầu tôi bật ra ngay ý nghĩ "Ôi! Sợi râu mọc ngược trong nỗi oan Thị Kính" và liên tưởng nhanh đến việc "đêm đêm tôi ngồi cầm con dao nhíp bổ cau nhổ râu cho chồng". Eo ôi! Tôi thả đôi giày ra, chạy vào buồng đóng cửa lại trước sự lúng túng và ngạc nhiên của chàng. Chàng đập cửa, kêu gọi thảm thiết tôi vẫn nhất định không ra. Và tôi bỏ chàng. Bỏ Red đẹp trai và giàu có của tôi. Tội nghiệp, Red sẽ chẳng bao giờ hiểu lý do vì sao. Scarlett bỏ Red Butter vì sự nông nổi của mình. Còn tôi, tôi bỏ Red vì sự đỏng đảnh của tôi. Sau này nhớ đến tôi lại rúc rích cười và tiếc nuối. Bẵng đi một thời gian, tôi lại cho phép mình mơ mộng. Lần này là Bá tước Montơ Critxtô. Thông minh, dũng cảm, giàu có và nhân hậu. Chưa kịp gặp Bá tước, một buổi chiều (lúc này tôi đang bán sách trong hiệu sách của thành phố), đang sắp xếp lại mấy cuốn sách trên giá, tôi chợt bắt gặp một ánh mắt nhìn tôi. Một thoáng qua thật nhanh, nhưng tôi kịp nhìn thấy ánh reo vui và bồi hồi trong đôi mắt đó. Tim tôi đập mạnh, cố gắng đưa mắt nhìn đi nơi khác để giấu sự xao động của mình. Một ngày, hai ngày rồi nhiều ngày qua, dù nắng, dù mưa, cứ đúng giờ anh lại đến hiệu sách, lật tìm những quyển sách trên giá và lâu lâu đưa mắt nhìn tôi đắm say. Đến khi tôi đã quen với sự hiện diện của anh, anh không đến nữa. Tôi bỗng hụt hẫng, thấy mình giống như con cá chết - Con cá trong câu chuyện "Có một người đàn ông nọ, nuôi một con cá, thay vì để nó trong bể nước bơi lội, vẫy vùng như những con cá khác, mỗi ngày một chút, ông đưa nó ra khỏi bể nước, để xuống sàn nhà, ra sân. Lâu dần nó đã quen ở trên cạn, quấn quýt bên ông, ông đi đâu nó nhảy lách tách theo bên cạnh. Một hôm vì bận việc đi xa, ông để con cá lại trong bể nước, con cá chết vì bị ngộp nước!" Tôi cũng vậy, vắng anh mới có vài hôm tôi đã thấy mình gần chết ngộp như con cá nọ. Rồi anh lại đến, nhìn thấy anh, tôi không giấu được sự mừng vui. Tôi vội vã sà đến bên anh, nói với anh những lời trách móc, nhớ nhung; điều mà tôi chưa nói cùng ai. Nhìn lên tôi thấy anh mỉm cười đắc ý. Mặc kệ, tôi tha thứ cho anh vì anh đã quay trở lại. Tôi như con thiêu thân lao vào anh. Bất chấp việc anh không là một ai trước đây tôi từng mơ tưởng. Bên cạnh những người đàn ông hoàn hảo, anh xù xì như một con cóc xấu xí. Nhưng bù lại, anh thuộc rất nhiều bài thơ tình nổi tiếng, anh hát những bản tình ca thật là sâu lắng và biết làm cho tôi cười với những câu nói dí dỏm, thông minh. Cùng với những món quà nho nhỏ, xinh xinh, anh luôn dùng những lời bay bổng lòng người nói với tôi: -Em là niềm hạnh phúc của đời anh. Em là giọt sương long lanh rơi trên áo anh mát lạnh. Em là vầng dương, là tinh tú trên trời cao toả sáng. Em là mây, là gió ngàn bay thổi vào hồn anh niềm đam mê cháy bỏng. Ôi! Tình yêu của anh... Rồi anh đọc cho tôi nghe những câu thơ xa lắc của Vũ Hoàng Chương: " Anh biết em từ độ Em mới tuổi mười hai Anh yêu em từ thuở Em tóc còn xoã vai" Tôi nghệt mặt ra, say sưa uống từng lời mật ngọt anh rót vào tai, và vô thức đưa đôi bàn tay nhỏ nhắn của mình cho anh dắt vào mê lộ của tình yêu... Đó là những đêm huyền diệu trên bãi cát mênh mông rượm vàng dưới ánh trăng mười sáu và tiếng những con sóng vỗ lao xao, ve vuốt những đôi chân trần của chúng tôi; Đó là những ngày mùa đông chúng tôi dìu nhau đi dưới cơn mưa phùn buốt giá, là những buổi sáng rực rỡ nắng trên con đường đầy hoa mimôsa vàng thơm ngát trên bầu trời Đà Lạt. Và đó là những đêm hoan lạc đến ngất ngây trong tiếng thông reo xào xạc trên đỉnh đồi. Bước ra khỏi cơn mê, mặc nhiên tôi trở thành cô nhân tình bé nhỏ của anh. Anh đã có gia đình, vợ và ba con, các con anh còn nhỏ, anh không thể bỏ vợ và các con để cùng tôi chung sống. Nhưng anh luôn bảo, tôi mới chính là tình yêu, là nỗi khát khao cả đời anh nay mới gặp. Anh luôn tìm mọi cách, mọi lúc, mọi nơi để gặp tôi. Vồn vã yêu, vồn vã nhớ mong... Nhưng tình yêu và sự khát khao ấy cũng dần lụi tắt, khoảng cách giữa những cuộc gặp mỗi ngày một cách xa, lâu dần chỉ còn là những cuộc gặp chớp nhoáng, hối hả, không một lời yêu, không một món quà nho nhỏ, xinh xinh. Chỉ còn một thoáng chau mày, không vừa ý, cái lắc đầu và những lời từ chối khéo léo khi tôi nũng nịu yêu cầu anh làm một điều gì đó cho mình... Tuy vậy anh vẫn giam hãm tôi trong sự ngờ vực, ghen tuông đến vô lý của mình. Anh ghen với tất cả những ai tôi từng quen biết, ghen cả với ánh mắt tôi vô tình nhìn những người đàn ông khác đi trên đường mà anh thoáng bắt gặp. Nhưng trên tất cả đó là tính keo kiệt, bủn xỉn mà mãi đến bây giờ tôi mới nhận ra: chỉ có những lời tán tỉnh, yêu đương anh dành cho tôi là hào phóng, còn tất cả những món quà mà anh tặng cho tôi chỉ là những vật hào nhoáng, lấp lánh đầy màu sắc nhưng không có một chút giá trị nào.Vậy mà trước đây tôi đã nâng niu, trân trọng và yêu quý nó như những báu vật trên đời. Và tôi nhận ra anh cũng chỉ là một gã đàn ông ích kỹ, tham lam, keo kiệt giống như lão "Acpagông" trong "Lão hà tiện" của Môllier: luôn luôn nghi kỵ và sợ người ta dòm ngó túi tiền của mình. Nhưng sao tôi vẫn cứ đắm đuối, si mê. Đến khi tôi nhận ra chính những giấc mơ hoang tưởng, tính đỏng đảnh, hời hợt của mình từ thời con gái đã làm tôi đánh mất mối tình non trẻ mà Red định dành cho tôi. Giờ đây Red Butter đã không còn. Bá tước Montơ Critxtô cũng không có. Chỉ còn mỗi tôi, đang dãy chết trong vòng tay "Lão hà tiện" của Mollier vì sự đỏng đảnh xuẫn ngốc của mình...Và mối tình của tôi cũng có kết cục bi thảm như những mối tình trong tiểu thuyết của bà Tùng Long mà ngày xưa tôi đã đọc và từng ao ước. Tôi chia tay anh... Nhiều năm sau tôi gặp chồng tôi, anh là một người đàn ông chân chất, bao dung, anh không có những lời bóng bẩy, đẩy đưa nhưng anh thật lòng yêu thương tôi. Sống với anh, tôi luôn luôn có cảm giác bình an và tín cẩn. Anh biết và không bao giờ nhắc đến qua khứ của tôi. Chúng tôi đã có với nhau hơn hai mươi năm hạnh phúc, hai cô con gái của chúng tôi giờ đây đã lớn, cũng xinh đẹp, duyên dáng như mẹ chúng ngày xưa. Mới đây, cô con gái lớn của chúng tôi đã dẫn người yêu về ra mắt ba mẹ. Đó là một chàng trai, cao lớn dễ thương, có đôi mắt trong sáng và thông minh. Khi nhìn chúng ríu rít bên nhau ngoài sân vườn, tôi chợt thấy thấp thoáng đâu đó bóng dáng của Red năm nào trong con người của chàng trai, tự nhiên tôi cầu mong đừng cho con gái tôi nhìn thấy có sợi râu mọc ngược nào dưới cằm của chàng trai rồi bật cười khúc khích, làm hai đứa ngạc nhiên hỏi: - Gì thế mẹ...? Dzu Sâ