Chương 9

Dịch giả: NGUYỄN VĂN QUANG
Chương V
NGƯỜI ĐI GIÀY ĐẾ VẢI CÓI ĐAN

    
êm ấy, khoảng ba giờ sáng, bà góa Đơlusơ, chủ quán ở trung tâm thị trấn, trỗi dậy nhóm lửa. Ông em chồng Đuyma, vốn ở nhà bà, có việc phải đi lúc bốn giờ, và bà già tốt bụng mà u sầu có bàn tay phải đã co quắp lại do một vết bỏng, hối hả chuẩn bị cà phê trong căn bếp tối mò. Trời lạnh. Bà đắp một cái khăn bịt đầu cũ lên trên cái áo chẽn, rồi một tay cầm cây nến đã thắp, tay kia – tay bị tật – nâng vạt tạp dề để che cho ngọn lửa, bà đi qua mảnh sân lủng củng những vỏ chai, hòm đựng xà phòng, đến mở cửa cái chòi chứa củi, cũng làm chỗ nhốt gà luôn, để lấy củi vụn… bà vừa đẩy cửa, thì một người hiện ra trong bóng đêm, vứt mạnh cái mũ cát-két đánh soạt để tắt ngọn lửa, khiến bà ngã bổ chửng, rồi hắn ba chân bốn cẳng chạy dài, khiến gà mái sống tao tác ầm lên và di động.
Người ấy đã mang đi trong một cái đẫy, như bà Đơlusơ lồm cồm bò dậy kịp nhìn thấy và biết rõ sau này, mười hai con gà mái ghẹ đẹp nhất.
Nghe chị dâu kêu, ông Đuyma chạy ra. Ông nhận thấy rằng để lẻn vào, thằng đểu đã dùng một chìa khóa giả mở cửa vào sân, và bỏ chạy cũng qua lối đó, không kịp khép cửa lại. Tức thì,, với tư thế của một người chẳng lạ gì với bọn ăn cắp và săn bắn trộm, ông thắp cái đèn gương đeo ở xe của mình, rồi tay đèn tay súng, ông gắng lấn theo vết chân thằng trộm, vết rất khó xác định – thằng này đi giày vải đế cói đan – nhưng vẫn còn in dấu suốt trên đường ra ga, sau đó mất hút trước một hàng rào chắn một bãi cỏ. Buộc phải dừng cuộc truy tìm ở đấy, ông ngẩng đầu, đứng lại… và nghe xa xa trên đường tiếng một cỗ xe phi nước đại chạy trốn…
Phần mình, Giaxmanh Đơlusơ, con trai bà góa, cũng trỗi dậy, rồi trùm vội lên vai tấm khăn bịt đầu, đi giày vải, ra kiểm tra ngòai thị trấn. tất cả ngủ yên, tất cả chìm trong bóng đêm căm bặt thường ngự trị ngay trước ánh bình minh hé rạng. Đến chỗ Bốn Đường, cũng như ông chú, hắn chỉ nghe rất xa trên đồi Đề Riết tiếng một cỗ xe phi như bay, chắc ngựa chân không bén đất. Vốn ma lanh và tự cao tự đại, hắn tự nhủ như sau này hắn nhắc lại cho chúng tôi nghe với cách phát âm hỏng chịu nổi âm “r” theo kiểu của các làng ở Môngluyxông:
- Bọn tớ đã chuồn ra ga. Nhưng thế không có nghĩa là mình không đem “nướng” bọn khác đang ở phía kia thị trấn.
Hắn quay gót, đi về phía nhà thờ, vẫn trong cái im lặng sâu thẳm của đêm.
Có ánh đèn trong cái nhà xe trên quảng trường. Nhất định có ai ốm. Hắn toan lại gần xem cơ sự ra sao, thì một bóng người lặng lẽ, giày đế vải cói đan, hiện ra ở đầu phố Góc Nhỏ, và chạy mải miết về chiếc xe, chẳng hề biết trời đất thế nào…
Quen dáng đi của Ganasơ, Giacxmanh đôt ngột tiến ra vùng ánh đèn và hỏi nhỏ:
- Sao, chuyện gì vậy?
Vẻ dữ tợn, tóc tai bù xù, mồm móm mém, người kia dừng chân, nhìn hắn với cái nhếch mép thảm hại do sợ hãi và hụt hơi, rồi hổn hển trả lời:
 - Ông bạn bị ốm… Tối qua cậu ấy đánh nhau và vết thương bị hoác ra… Tớ vừa đi tìm bà xơ.
Thực tế, trên đường về ngủ tiếp, Giacxmanh, vốn khá thâm hiểm, đã gặp ở trung tâm thị trấn một nhà nữ tu đang rảo bước.
Đến sáng, nhiều bà con ở Xanhtơ-Agat ra ngưỡng cửa, mắt ai cũng thâm quầng hay mộng lên vì một đêm mất ngủ. Nhà nào cũng la lên phẫn nộ, khắp thị trấn xao xác như có bão.
Ở nhà Girôđa, khoảng hai giờ áng, nghe tiếng một cỗ xe ngựa có mui dừng bánh, rồi chất lên xe những bao tải khá mềm. Trong nhà chỉ có hai phụ nữ, đều không dám động đậy. Sáng ra, mở cửa nuôi gà vịt, hai người mới hiểu các bao tải kia toàn là gà vịt và thỏ.
Trong giờ ra chơi thứ nhất, Mili nhìn thấy nhiều que diêm cháy dở trước cửa phòng giặt. chúng tôi kết luận rằng chúng không biết mấy về chỗ ở của chúng tôi nên không vào nổi…
Ở nhà Pero, Bugiăcđông và Giêmăng, thoạt tiên, ai cũng tưởng bị mất lợn, nhưng đến sáng thì thấy đàn lợn đang bới rau trong nhiều khu vườn. Chúng lợi dụng thời cơ và cửa mở để túa ra đi kiếm ăn đêm…
Hầu như chỗ nào cũng bị mất gia cầm. kẻ gian chỉ dừng ở đó thôi. Bà hàng bánh Pinhô suốt ngày ngoác mồn than thở rằng kẻ gian lấy mất của bà một cái bàn đập đồ giặt bằng gỗ và một livrơ thuốc nhuộm màu chàm, nhưng sự việc không bao giờ được xác minh, cũng không được lập biên bản.
Suốt buổi sáng, cả thị trấn cứ phát rồ, cuống cuồng và tào lao như vậy. Trong lớp, Giacxmanh thuật lại cuộc “tuần tra” của hắn hồi đêm:
- Cha, chúng xỏ lắm! – hắn nói – Giá gặp thằng trộm nào, chú tớ chẳng bảo: tao bắn nó chết tươi như một con thỏ rồi ấy ư!
Nhìn chúng tôi, hắn tiếp:
- May chú không đụng Ganasơ, chú dễ cho một phát lắm. Một giuộc cả thôi, chú bảo vậy. Bác Đêxenhơ cũng bảo vậy.
Tuy nhiên, chẳng ai nghĩ đến chuyện quấy rầy những người bạn mới cua chúng tôi. Mãi tối hôm sau, Giacxmanh mới lưu ý chú hắn rằng Ganasơ, như kẻ trộm nhà hắn, đi giáy vải đế cói đan. Hai chú cháu thỏa thuận là nên báo cho cảnh sát biết chuyện này. Hai người quyết định và hoàn toàn giữ kín, rằng hễ rỗi ra là phải lên thị trấn huyện mời trước ông cảnh sát trưởng.
Những ngày tiếp theo, bị đau do vết thương hơi há miệng, chàng Bôhêmiêng trẻ măng cũng không xuất hiện.
Tối tối, chúng tôi lảng vảng trên quảng trường, chỉ để nhìn ngọn đèn của chàng sau tấm mành cửa xe màu đỏ. Chúng tôi hết sức bồn chồn, nhưng chỉ đứng xa, không dám lại gần cái nhà-xe xoàng xĩnh, nó có vẻ như lối vào huyền bí và phòng đợi của xứ sở mà đường đi tới đó chúng tôi đã lạc mất.