uối cùng, từ tư thò qua hai cánh màn bộ mặt đầy nếp nhăn ngang dọc, giãn hết ra khi thì vui thích, khi thì vì thống khổ, và đầy vết bánh mỳ như đóng dấu niêm phong – của một thằng bé cao ngất ngưởng gồm ba phần ghép vào nhau khá vụng về, bụng co rúm như đang bị tháo dạ, chân bước trên đầu ngón như do quá thừa sợ hãi và thận trọng, hai bàn tay thì vướng víu trong hai ống tay áo quá dài quét lê thê trên sàn diễn. Giờ đây, tôi không khôi phục lại được nữa chủ đề màn kịch câm. Tôi chỉ nhớ rằng, vừa ra sân khấu, cố đứng một cách vô ích và tuyệt vọng, chú hề đã ngã sóng xoài. Chú gượng đứng dậy nhưng uổng công. Định mệnh mạnh hơn chú: chú vẫn ngã. Chú loay hoay muốn ngồi lên cả bốn cái ghế tựa cùng một lúc. Thế là chú lại đổ nhào, kéo theo một cái bàn to kềnh vừa được đưa ra sàn diện. Chú lăn ra bên kia hàng rào chắn sân khấu, nằm lăn dưới chân khán giả, phải khích lệ mãi, rồi nắm lấy chân chú mà lôi, và sau nhiều cố gắng giả vờ, mới đặt chú đứng lên được. Nhưng chú lại ngã, lại được vực dậy. Mỗi lần ngã, chú thốt ra một tiếng kêu nhỏ, tiếng kêu nhỏ nhẹ không chịu nổi, nghe đau đớn và mãn nguyện như nhau. Đến phần cởi nút, trèo lên một chồng ghế tựa, chú trình diễn một cuộc ngã mênh mông và rất chậm chạp, kèm một tiếng cú kêu mừng thắng lợi cứ xói vào tai nghe thật là bi thương, tiếng kêu kéo dài suốt cuộc ngã, hòa vào tiếng khán giả nữ rú lên khiếp sợ. Trong phần hai của tiết mục kịch câm, tôi lại thấy mà chẳng hiểu vì đâu, chính “chú hề hay ngã đáng thương”, chú lôi ra khỏi một tay áo một con búp bê nhỏ nói được, và với nó, chú trình bày cả một màn bi hài kịch. Kết cục, chú làm cho con búp bê nhả hết âm thanh trong bụng nó ra. Tiếp theo, với những tiếng tỉ tê đáng thương hại, chú nhồi cháo sữa vào miệng búp bê. Vào lúc hấp dẫn nhất, khi người xem ai cũng trề môi, dán mắt vào con búp bê vỡ tung, bê bết đầy cháo, chú đột ngột nắm tay nó, ném vút qua đầu khán giả, vào mặt Giacxmanh Đơlusơ, nhưng nó chỉ dây bẩn tay thằng này thôi, rồi rơi bộp lên cái dạ dày của bà PinhoÔ, ngay bên dưới cằm. Bà hàng bánh gào lên, ngửa mạnh người ra sau, các bà cùng ngồi cũng làm vậy, cái ghế gãy rắc, thế là bà hàng bánh, Phecnăngđơ, bà góa Đơlusơ sầu não cùng khoảng 20 người khác ngã ngửa xuống nền, chân chới với trên không, trong lúc cả rạp cười la ầm lên và hoan hô nhiệt liệt. Còn chú hề, do mất đà, vừa ngã ấp mặt xuống sân khấu, đã đứng lên chào đáp lễ: - Chúng tôi rất vinh sự được cảm ơn quý ông quý bà! Chính lúc đó và giữa bốn bề ồn ã, Môn Sếu, yên lặng xem từ đầu tiết mục kịch câm và mỗi lúc một tỏ ra chăm chú hơn, đột ngột đứng dậy, khoác tay tôi, tuồng như không nén được nữa, và thốt ra: - Cậu nhìn tay Bôhêmiêng kia! Nhìn xem! Nhìn xem! Tớ nhận ra rồi! Chưa nhìn, tôi đã hiểu cả, cứ như từ lâu lắm rồi, một cách vô ý thức, ý nghĩ ấy đã ấp ủ torng tôi, chỉ chờ thời cơ để nổ ra thôi. Đứn gần một cái đèn dầu ở lối vào nhà xe, nhận vật không quen biết đã gở bỏ băng đầu và khoác lên người một áo choàng du lịch. Trong ánh đèn dầu vằn khói, cũng như mới đây torng ánh nến ở căn phòng tòa lâu đài, chúng tôi lại thấy một khuôn mặt không ria mép rất bầu bĩnh, rất khôi ngô. Xanh xao, môi hé mở, chàng thoăn thoắt lật giở một quyển album nhỏ màu đỏ, chắc là một tấm bản đồ bỏ túi. Trừ một vết sẹo ngang thái dương bị tóc trùm kín, đấy chính là vị hôn phu của lâu đài bí mật, y như Môn đã miêu tả tỉ mỉ cho tôi hay. Hiển nhiên, chàng bỏ băng đi là để chúng tôi nhận ra. Nhưng vừa hành động vừa kêu lên như vậy xong, chàng đã đi vào nhà xe, sau khi trao cho chúng tôi một cái nhìn cảm thông và một nụ cười đượm buồn vốn quen thuộc nơi chàng. - Còn người kia – Môn hào hứng nói luôn – sao tớ không nhận ra ngay nhì. Anh hề ở cuộc lễ đằng ấy chứ ai! Anh bước theo các bậc ghế đi xuống để đến gặp chú hề. Nào còn đâu, Ganasơ đã cắt hết các mối liên hệ với sân khấu. Chú lần lượt tắt cả bốn cây đèn dầu. Đành phải theo đám đông đang nhích ra ngoài rất chậm và chen chúc giữa các hàng ghế song song trong bón tối, chúng tôi sốt ruột giậm chân hoài. Vừa ra đến ngoài, Môn đã nhào đến cái nhà-xe, trèo lên gác, gõ cửa, nhưng cửa đóng im ỉm. Không nghi ngờ gì nữa, trong cỗ xe treo ri-đô, cũng như trong cỗ dành cho con dê cái thông minh, con ponây và bầy chim rừng, tất cả đều đã trở vào và bắt đầu ngủ.