hưa bao giờ tôi đi xa bằng xe đạp. Đây là lần đầu tiên. Dù tôi đau đầu gối, từ lâu, Giaxmanh đã bí mật tập cho tôi đi xe đạp. Nên từ lâu xe đạp đã là một đồ chơi thú vị đối với một thanh niên trạc tuổi tôi, thì hôm nay, ngay từ ki-lô-mét thứ tư, nó còn là hơn thù đối với một chàng trai tội nghiệp như tôi vốn trước đây chuyên đời cuốc bộ!... Từ trên sườn đèo lao xuống thung lũng giữa cảnh trí thiên nhiên; từ xa đã nhìn thấy các ngã đường tác ra và nở hoa thấy như mình đang bay trên trời; chỉ trong chớp mắt, đã xuyên qua một làng và bỏ nó phía sau một cách đắc thắng… Cho đến giờ, chỉ trong mơ, tôi mới trải qua một cuộc đi nhẹ bỗng và diệu kỳ thế này, đạp ngược dốc, tôi vẫn không giảm phần hăng hái. Bởi lẽ, cần phải nói ra, đây chính là đường đến nhà Môn, con đường mà tôi như uống mãi vào lòng. “Cách lối vào làng một đoạn”, Môn từng bảo tôi khi tả làng anh cho tôi nghe, “có một bánh xe lớn có guồng quay trong gió…”. Anh không biết nó dùng làm gì, cũng có thể nah vờ không biết để kích thích thêm tính tò mò của tôi. Mãi xế chiều cái ngày cuối thu ấy, tôi mới thấy chiếc bánh xe lớn quay trong gió trên một cánh đồng cỏ mênh mông, hẳn để guồng nước cho một vùng đất cây rẽ bên cạnh. Đằng sau những cây bạch dương trên đồng cỏ, đã thấy hiện ra ngoại vi cửa làng. Càng đi sâu vào con đường ngoặt vòng quanh con suối, phong cảnh càng mỹ lệ và mở ra thăm thẳm… đến cầu, tôi nhìn thấy phố chính. Thấp thoáng sau những lùm lau sậy của thảo nguyên, lũ bò sữa đang gặm cỏ, tôi đã nghe rõ tiếng chuông cổ của chúng. Tôi xuống xe, tí hai tay lên ghi-đông, ngắm làng quê mà tôi sắp đem vào một tin trọng đại. các ngôi nhà, mà muốn vào phải qua một cây cầu gỗ nhỏ, đều sắp hàng trên bờ một con mương chạy dọc phố, nom như một dây thuyền cuốn buồm buông neo trong cái tĩnh mịch của chiều tà. Đây là giờ nhà nào cũng nổi lửa. Lúc này, tôi mất hết can đảm, vì bỗng nhiên thấy vừa sợ vừa tiếc là mình đến khuấy động cái thanh bình tuyệt đỉnh nơi đây. Cùng lúc, như để tô đậm thêm cái nhu nhược bất thình lình, tôi nhớ ra rằng bà dì Moanen vẫn ở đây, trên một quảng trường hẹp của Laphectê Ănglông. Bà là một trong những bà dì của tôi. Các con bà đều chết cả rồi, mỗi người con út còn sống, đó là cậu Ecnet mà tôi có biết, sắp thành thầy giáo trường làng. Ông chú Moanen, viên lục sự già, không rời cậu nửa bước. Bà dì của tôi trơ trọi trong căn nhà kỳ cục của bà, trong đó thảm lát nền là vô số mảnh mẫu hàng khâu lại, trên các bàn toàn là gà sống, gà mái và mèo bằng giấy, nhưng tường được dán phủ bởi các bằng cấp cũ, các ảnh chân dung những người đã khuất, các trái tim đeo ảnh kết bằng tóc người chết. Với biết bao tang tóc và tiếc thương, bà tỏ ra vừa lập dị vừa phúc hậu. Khi nhận ra quảng trường hẹp nơi có nhà bà, tôi gọi to tên bà qua cửa ra vào hé mở, và nghe bà thốt lên một tiếng kêu nhỏ nhưng chói tai từ cuối ba căn phòng nối nhau. - Ôi, Lạy Chúa! Bà đổ cà phê vào lửa – vào giờ này, làm sao bà pha được cà phê nhỉ? – và bà hiện ra… Lưng như gập làm đôi, bà đội một cái mũ không ra mũ, không ra khăn trùm, không ra mảnh mũ mưa ngay trên chỏm đầu, bên trên cái trán dô rất rộng vừa như phụ nữ Mông Cổ, vừa như dân Hốttăng-tốt. Bà cười lặng lẽ, để lộ những chiếc răng còn lại rất xinh. Nhưng trong lúc tôi ôm hôn bà, bà hối hả và vụng về nắm lấy một bàn tay tôi đang ở sau lưng. Với một sự bí ẩn hoàn toàn vô ích bởi vì chỉ có hai bà cháu thôi, bà lẹ bỏ vào tay tôi một đồng tiền nhỏ mà tôi không dám nhìn, chắc đấy lá một phrăng… Rồi vì tôi làm bộ xin giải thích cho, hay cảm ơn, bà bắt ngờ bợp tai tôi và kêu lên: - Cút đi! Tao biết tỏng đi rồi! Bà suốt đời nghèo nàn, suốt đời vay mượn, suốt đời hào phóng. - Cả đời bà ngốc nghếch và khốn khổ - bà nói không chút đắng cay, nhưng giọng cao vút đến đáng sợ. Tưởng rằng tiền tài cũng khiến tôi bận lòng như mình, bà dì tốt bụng chẳng lo tôi xoáy mất, và bà đã cất trong bàn tay chút tằn tiện mỏng manh trong ngày của bà. Sau đó, bà tiếp tôi với một thái độ như vậy. Bữa ăn chiều cũng kỳ dị - vừa buồn vừa lạ lùng – như sự chào đón. Vẫn là một cây nến vừa tầm tay, khi thì bà cầm đi mất, bỏ tôi trong bóng tối, khi thì bà đặt lên chiếc bàn nhỏ để trên bàn nào bát đĩa, nào bình lọ, tất cả đều sứt mẻ hay vỡ đôi. - Cái bình kia – bà nói – bọn Phổ đã đánh vỡ quai năm bảy mươi, vì chúng không đem đi được. Lúc ấy, khi nhìn chiếc bình lớn với lịch sử bi thảm, tôi chỉ nhớ lại rằng ngày xưa chúng tôi từng ăn chiều và ngủ ở đây. Dạo ấy, cha tôi đem tôi đến Yonnơ, chữa đầu gối trong nhà một chuyên gia về bệnh này. Chúng tôi phải đáp một chuyến tàu nhanh và dài dằng dặc qua đây trước khi trời sáng… Tôi nhớ lại bữa ăn chiều buồn bã thuở ấy cùng tất cả câu chuyện của ông lục sự già. Tôi cũng nhớ lại nỗi khiếp sợ của mình…! Ăn tối xong, ngồi trước lò sưởi, bà dì kéo riêng cha tôi né về phía bà; kể cho cha nghe một câu chuyện ma… “Chao ôi, cháu Lui yêu quý ạ, dì thế gì cháu biết không… Một mụ đàn bà thấp bé, xám xịt…” Bà lục từ trong đầu ra toàn những chuyện nhảm nhí kinh khủng như vậy. Và đêm nay, sau bữa ăn tối, do mệt nhoài sau chặng dài đạp xe, tôi vừa đi vào nằm trong căn buồng rỗng không, với chiếc sơ-mi ngủ kẻ ca-rô của ông chú Moanen, bà đã đến ngồi ở đầu giường và bắt đầu bằng cái giọng kim đầy bí ẩn. - Phrăngxoa tội nghiệp của bà, bà phải kể cho cháu nghe câu chuyện mà bà chưa kể với ai… Tôi nghĩ: “Rõ khéo, mình lại bị quấy rối suốt đêm, như mười năm trước…” Tôi lắng nghe. Bà lắc đầu, nhìn thẳng trước mặt, như thể bà kể cho chính mình. “… Bà cùng ông Moanen đi dự một buổi lễ hội về. Đó là đám cưới đầu tiên mà hai ông bà cùng đến từ khi Ecnet tội nghiệp của bà mất. Ở đám cưới, bà gặp bà em Aden đã bố năm chưa giáp mặt. Một ông bạn già của ông Moanen rất giàu đã mời bà ấy đến ăn cưới con trai ông ta ở lâu đài Xablonnie. Ông Moanen và bà đã thuê một xe ngựa. Tiền thuê đắt lắm. Ông bà ra về lúc khoảng bảy giờ sáng, giữa mùa đông cực rét. Mặt trời đang mọc. Trên đường vắng tanh vắng ngắt. Cháu có biết bất đồ bà trông thấy gì trên đường không? Một người đàn ông nhỏ bé, một chàng trai nhỏ bé đẹp ngời ngời, đứng im trên đường, nhìn chiếc xe của ông bà đi tới. Đến gần ông bà nhận rõ một bộ mặt xinh xắn, không hiểu sao lại trắng và xinh đến phát sợ! “Bà nắm lấy tay ông Moanen, run như chiếc lá. Bà tưởng đấy là Chúa lòng lành, liền bảo ông: “- Ông ơi nhìn kìa, đó là Chúa hiện hình! “Ông cáu kỉnh thì thào đáp lại: “- Tôi cũng thấy. bà lắm lời lắm. Im đi không… “Ông chưa biết đối phó ra ao, thì con ngựa dừng bước… Đến bên, đó là một khuôn mặt xanh xao, trán lấm tấm mồ hôi, một cái mũ nồi bẩn và một cái quần dài lượt thượt. Ông bà nghe thấy một tiếng nói nhỏ nhẹ: “- Cháu không phải con trai. Cháu là con gái. Cháu bỏ trốn, đến đây thì không đi được nữa. Ông bà có vui lòng cho cháu đi nhờ xe không ạ? “Ông bà cho cô ấy lên liền. Vừa lên ghế, cô ấy đã ngất đi. Cháu có đoán được ai đấy không? Chính là vợ chưa cưới của con trai chủ lâu đài Xablonie, Phrăng de Gale, mà ông bà vừa được mời đến dự lễ cưới”. - Nhưng còn cưới xin gì nữa ạ - tôi xen vào lời bà – tại vì cô dâu đã bỏ cuộc. - Ừ, ừm – à ngượng nghịu nhìn tôi, nói tiếp – không còn hôn lễ nữa. Chỉ tại con điên ấy tự nhét vào đầu bao nhiêu chuyện điên rồ mà sau đó nó giải thích cho ông bà hiểu. Nó là con gái một người thợ dệt nghèo. Nó đinh ninh, rằng bấy nhiêu hạnh phúc đối với nó là không thể có, rằng so với nó, thằng kia quá trẻ, rằng tất cả những viễn cảnh tươi đẹp mà thằng này vẽ ra cho nó đều là ảo tưởng, cho nên khi Phrăng đến tìm, Valăngtin đâm ra sợ. Thằng này đi dạo cùng nó và cô chị trong vườn của bà Tổng giám mục ở Buôcgiơ bất chấp trời rét và gió lộng. Do tế nhị, hiển nhiên rồi, và cũng do yêu cô em, thằng ấy tỏ ra rất chú ý lắng nghe cô chị. Bây giờ con bé điên của bà chẳng hiểu đang tưởng tượng cái gì, nó bảo nó về nhà lấy cái khăn bịt đầu. Để chắc chắn không bị đuổi theo, nó cải trang thành con trai, và rảo bước trên đường đi Paris. “Chồng chưa cưới của nó nhận một bức thư trong đó nó viết rằng nó đến đoàn tụ với chàng trai àm nó yêu. Nào có phải như vậy… “- Thà hy sinh tình yêu, còn sung sướng hơn thành vợ anh ấy – nó nói với bà như thế. “Ừ, cháu ngốc của bà ơi, trong thời gian chờ đợi kết quả tìm kiếm, thằng Gale không mảy may có ý nghĩ cưới cô chị. Nó tự bắn một phát súng lục vào đầu. Trong rừng vẫn còn vết máu, nhưng từ bấy có tìm thấy xác nó đâu”. - Thế ông bà đã đối xử như thế nào với cô gái đau khổ đó ạ? – tôi hỏi. - Trước hết, ông bà cho nó uống vài ngụm rượu. Sau đó, cho nó ăn. Và nó ngủ thiếp đi khi ôn bà về đến nhà. Nó ở nhà ông bà gần suốt mùa đông. Hôm nào cũng như hôm nào, trời sáng là nó dậy, cắt và khâu áo dài, khăn, mũ và lau nhà, chăm chỉ lắm. Chính nó làm các thảm trải nến và “treo tường” mà cháu thấy đấy. Từ khi nó ở đây, chim én cũng đến làm tổ ngoài kia. Nhưng tối đến, công việc xong xuôi, bao giờ nó cũng tìm được cớ để đi ra sân, vườn hay hiên nhà, ngay cả khi ngoài trời băng đông đến nứt đá. Bà bắt gặp nó đứng đấy khóc như gió như mưa. “- Sao vậy, còn gì chưa ổn nữa cháu? “- Thưa bà Moanen, không… có… gì… đâu…ạ! “Nói rồi, nó đi vào. “Hàng xóm bảo bà: “- Bác Moanen ạ, bác tìm được một đứa con ở đến kháu. “Dù ông bà khuyên nhủ và van vỉ hết điều, nó vẫn muốn đi tiếp đến Paris, vào tháng ba. Bà cho nó mấy cái áo dài để nó cắt may lại. Ông Moanen mua vé và cho thêm ít tiền. “Nó không quên ông bà. Nó làm thợ may bên cạnh Nhà thờ Đức Bà ở Paris. Nó còn viết thư hỏi xem ông bà có được tin gì về gia đình Xablonnie không. Để nó khỏi bận tâm, bà đã báo cho nó biết rằng lâu đài đã bị bán, bị hạ, cậu con trai đã biệt tích, cô con gái đã lấy chồng. Từ đó, Valăngtin của bà viết thưa dần đi…” Đấy không phải một chuyện ma, mà bà dì Moanen kể với giọng kim vốn rất thích hợp với những chuyện ma quái. Tuy nhiên, tôi đâm vô cùng lúng túng và buồn phiền. Ấy là do chúng tôi đã thề cới chàng Bô-hê-miêng Phrăng de Gale rằng chúng tôi sẽ phụng sự chàng như anh em, và bây giờ, thời cơ đã đến… Liệu đấy có phải là lúc làm hỏng niềm vui mà tôi sắp đem đến cho Môn sáng mai, khi nói với anh điều mà tôi vừa biết chưa? Ném anh vào một việc ngàn lần không thể được phỏng có ích gì? Thực tình, chúng tôi đã có địa chỉ cô gái, nhưng biết tìm đâu chàng Bô-hê-miêng luôn luôn lang thang trên mặt đất này?... hãy mặc bọn điên đi với bọn điên, tôi nghĩ. Đơlusơ và Bugiacđông đã không nhầm. Bao khốn khổ chàng Phrăng lãng mạn đã gây ra cho chúng tôi! Tôi quyết định không hé răng chừng nào Môn chưa cưới tiểu thư Gale! Quyết định thế rồi, tôi vẫn có cảm giác nặng nề về một điềm xấu – cảm giác vô lý mà tôi mau chóng gạt đi. Ngọn nến cháy gần hết. Một con ruồi bay vo ve. Nhưng bà dì Moanen, đầu cúi thấp dưới cái khăn trùng nhung mà bà chỉ rời ra khi ngủ, hai cùi tay chống trên hai đầu gối, bắt đầu kể lại câu chuyện… Đôi lần, bà đột ngột ngẩng đầu nhìn tôi, ý chừng để xem cảm tưởng của tôi ra sao hay tôi có mất ngủ không. Cuối cùng, tôi láu cá hạ đầu gối xuống, nhắm nghiền mắt lại, giả vờ thiu thiu ngủ. - Kìa, thằng ông mãnh ngủ rồi!... – bà thốt lên bằng giọng kém chói và có phần thất vọng. Tôi thương bà, bèn cự nự: - Cháu không đâu, bà ạ. Cháu cam đoan… - Cháu có ngủ - bà đáp – Mới lại, bà hiểu chuyện này chẳng thú vị gì mấy đối với cháu, bà có nói đến những người cháu đã quen biết đâu… Lần này, buồn ngủ thật sự, tôi không trả lời.