gày thứ tư là một trong những ngày lạnh nhất mùa đông năm đó. Từ sáng sớm, các học sinh đến trước nhất chạy đuổi nhau quanh giếng cho ấm người lên. Chúng chờ trong trường đốt lò sưởi để nhào đến. Nhiều học sinh chúng tôi thập thò sau cửa, rình chờ các bạn từ nông thôn đến. Bạn nao đến cũng mặt mày rạng rỡ vì đã xuyên qua những phong cảnh phủ sương giá, đã nhìn thấy những cái ao đóng băng, những khu rừng được phát quang luôn, ở đó bọn thú thấy người là lủi mất… Áo blu của các bạn thoang thoảng mùi cỏ khô và mùi chuồng bò, hai mùi này trở nên nồng nặc khi các bạn chen quanh lò sưởi cháy hồng rực. Sáng hôm ấy, một bạn mang theo trong giỏ một con sóc chết giá mà bạn ấy phát hiện trên đường đi. Tôi nhớ rằng bạn ấy đã cố móc móng của con vật dài ngoẵng đã cứng đơ để treo nó lên cái cột trong nhà chơi. Rồi buổi học mùa đông nặng nề bắt đầiu… Một tiếng gõ đột ngột vào ô kính cửa khiến chúng tôi ngẩng cả lên. Chúng tôi nhìn thấy Môn cao kều đứng sẵn ở cửa, giũ giũ giá bám trên áo trước khi đi vào, đầu ngẩng cao và dáng vẻ kiêu hãnh! Hai học sinh ngồi gần cửa nhất vội vàng nhào ra mở cửa cho anh. Ba người se sẽ trao đổi với nhau gì đó mà chúng tôi không nghe được, rồi kẻ đi trốn quyết định bước vào. Luồng khí lạnh ùa vào từ cái sân hoang vắng, những cọng rơm vương trân quần áo Môn, và nhất là vẻ mặt mệt mỏi, đói khát nhưng ngây ngất của anh, tất cả gợi lên trong chúng tôi một niềm thích thú và tò mò kỳ lạ. Chỉ hai bước là ông Xơren bước xuống khỏi cái bục giảng nhỏ mà ở đó ông vừa đứng đọc chính tả cho chúng tôi. Môn đi về phía ông, vẻ khiêu khích. Tôi nhớ lại rằng vào giờ khắc đó, tôi thấy anh bạn cao lênh khênh của tôi đẹp vô cùng, bất chấp khuôn mặt võ vàng và đôi mắt đỏ ngầu vì những đêm ngoài trời chắc chắn không ngủ được. Anh tiến đến tận cái ghế tựa và nói bằng giọng điềm nhiên của người chỉ dẫn gì đó cho người khác: - Thưa thầy, em đã về. - Tôi biết rồi – ông Xơren đáp, mắt xoi mói nhìn anh – Về chỗ đi. Chàng trai quay về phía chúng tôi, lưng hơi còng, mỉm cười vẻ chế giễu, như các học sinh lớn vô kỷ luật thường làm lúc bị phạt. Một tay nắm lấy mép bàn, anh ghé ngồi xuống ghế băng của anh. - Anh sẽ đọc một đoạn sách mà tôi chỉ cho – người thầy nói, còn chúng tôi nhất loạt quay nhìn Môn – trong khi các bạn viết nốt bài chính tả. Buổi học lại tiếp tục. Thỉnh thoảng Môn quay nhìn tôi, rồi nhìn qua cửa sổ, từ đó chúng tôi có thể nhận thấy cái vườn trắng xốp như bông, im lìm, và những cánh đồng vắng ngắt hay đôi lúc có một con quạ đỗ xuống. Trong lớp bắt đầu ngột ngạt vì cái lò sưởi đỏ lừ. bạn tôi, hai tay ôm lấy đầu và chống cùi lên bàn để đọc. Hai lần tôi thấy anh díp mắt lại và tin rằng anh sắp ngủ thiếp đi. - Thưa thầy, em muốn đi ngủ - cuối cùng anh nói, một cánh tay giơ lên nửa chừng – Đã ba đêm em không ngủ ạ. - Đi đi! – ông Xơren nói, chủ yếu là vì muốn tránh một sự cố bất ngờ. Tất cả chúng tôi ngẩng lên, bút vẫn trong tay chống trên bàn, lưu luyến nhìn anh ra đi với cái áo blu rách ở lưng và đôi giầy đầy đất cát. Buổi sáng sao àm lâu thế! Gần đến trưa, tôi nghe tiếng động trên căn gác xép, đó là nhà du lịch chuẩn bị đi xuống với chúng tôi. Đến giữa trưa, tôi thấy anh ngồi trước lửa, gần ông bà tôi vẫn còn đang sửng sốt, trong lúc đồng hồ treo tường buông 12 tiếng, học sinh lớn bé tỏa ra cái sân phủ tuyết, rồi nối đuôi nhau như những cái bóng trước cửa phòng ăn. Về bữa ăn này, tôi chỉ còn nhớ một sự nín thinh bất tận và một nỗi ngượng ngùng không che dấu được mảy may – tất cả đều lạnh giá: mặt bàn ăn phủ giấy dầu, nhưng không có khăn trải bàn, rượu lạnh ngắt trong mấy cái cốc, những mảnh gạch vuông đã nung đến nóng lên, trên đó chúng tôi đặt bàn chân mình lên… Chúng tôi quyết định không ỏi gì người đi trốn, để tránh đẩy anh đến cãi lộn, nổi loạn. Anh lợi dụng cuộc hòa hoãn đó để chẳng hé một lời. Cuối cùng, ăn tráng miệng xong, cả hai chúng tôi được phốc ra sân. Sân trường, sau buổi trưa, nơi guốc học sinh đã hất gần hết tuyết, cái sân đen sì, trên đó băng tan từ mái nhà chơi rỏ giọt xuống… cái sân đầy ắp trò chơi và tiếng kêu đinh tai. Môn và tôi chạy dọc các ngôi nhà. Vừa thấy chúng tôi, hai ba bạn người thị trấn đã bỏ cuộc chơi, ba chân bốn cẳng phóng về phía chúng tôi, làm bùn bắn tứ tung từ dưới guốc. Các bạn thọc tay trong túi, khăn quàng cổ bay tung. Nhưng anh bạn cao kều của tôi nhảy bổ vào phòng học lớp lớn, tôi bám theo sau, và chúng tôi đóng sập cửa kính lại, đúng lúc mấy bạn kia chạy đến ra sức đẩy. Tiếng kính rung loảng xoảng, tiếng guốc giậm lách cách trên ngưỡng cửa. các bạn đẩy mạnh đến nỗi cái lanh-tô bằng thép cong đi. Môn xô trở lại, cái nhẫn trên tay vỡ tung suýt nữa bắn vào mặt, và khóa trái được cửa. Cách xử sự ấy, chúng tôi coi là rất đáng bực mình. Mùa hè, những bạn bị chặn ngoài cửa thường chạy nhào ra vườn, và leo lên qua một cửa sổ trước khi tất cả cửa sổ kịp đóng hết. Bây giờ đang tháng 12, cửa giả đều đóng sạch. Các bạn còn ráng sức đẩy cửa một lát nữa, và chửi chúng tôi ầm ĩ. Rồi từng bạn, từng bạn bỏ đi, đầu cúi gục, tay quấn lại khăn quàng. Trong phòng học thoáng mùi hạt dẻ và rượu pikêt, chỉ có hai người trực nhật đang chuyển dịch bàn ghế để quét nhà. Tôi đến bên lò sưởi để chờ buổi học chiều, trong lúc Môn lục lọi ngăn kéo bàn thầy giáo và các bàn học sinh. Ít phút thôi, anh đã tím thấy một tập bản đồ nhỏ, anh liền đứng tì hai cùi tay lên bục giảng, hai tay ôm đầu, say sưa nghiên cứu nó. Tôi đã sẵn sàng lại gần anh, định ôm vai anh và chắc chắn cùng theo dõi trên bản đồ quãng đường phiêu lưu mà anh đã đi, đúng lúc đó cửa cái thông với phòng học lớp bé đột ngột bị đẩy mạnh, mở toang ra, và Giaxmanh Đơlusơ, theo sau là một bạn ở thị trấn và ba bạn ở nông thôn, hiện ra với một tiếng reo thắng lợi. Chắc hẳn một cửa sổ ở phòng học lớp bé đóng không chặt, các bạn đẩy ra được và nhảy qua đó mà vào. Dù còn khá nhỏ, Đơlusơ đã là một trong những học sinh nhiều tuổi nhất của lớp cao học. Nó ghen tị với Môn ghê lắm, tuy vẫn tự coi là bạn của anh. Trước khi anh bạn cao kều của tôi đến, Đơlusơ là con gà trống của lớp (có nghĩa là được cả lớp yêu quý). Mặt nó xanh xao, khá đù đờ, tóc thì bôi nhẫy sáp. Là con của bà góa Đơlusơ chủ quán, nó đóng vai ông chủ trong nhà. Nó huênh hoang nhắc lại những lời nó ưng nói với đám đến chơi bi-a hay uống rượu véc-mứt. Thấy nó vào, Môn ngẩng lên, cau mày và vừa lắc lư vừa kêu với mấy tay đi theo ùa tới lò sưởi. - Ở đây chẳng được yên lấy một phút! - Nếu không hài lòng, hãy cứ ở nơi nào cậu đã ở - Giaxmanh Đơlusơ không ngẩng đầu đáp, hẳn là biết có tụi bạn đi theo bênh mình. Tôi hiểu Môn rơi vào tình trạng mệt mỏi đến cáu kỉnh không sao kìm nổi. - mày – anh vừa nói vừa đứng lên, và khép sách lại, mặt hơi tái đi – Mày hãy ra khỏi đây! Đơlusơ cự lại: - Chà – nó thét lên – trốn thoát ba ngày, mày tưởng mày sắp là ông chủ hả? Rồi lôi kéo mấy cậu kia vào cuộc cãi lộn: - Không phải mày có quyền đuổi chúng tao ra khỏi đây! Mày rõ chưa! Nhưng Môn đã đè lên nó. Thoạt tiên, hai người vật lộn. tay áo blu của cả hai kêu xoạt và bục chỉ. Trong ba bạn ở nông thôn, chỉ có Mactanh xen vào thôi: - Buông nó ra! – nó nói, lỗ mũi phồng to, đầu lúc lắc như một con cừu đực. Mactanh bị Môn hất tung ra giữa phòng, hai tay chới với, người lảo đảo. Rồi, một tay tóm cổ Đơlusơ, tay kia mở cửa, anh toan tống cổ nó ra ngoài. Giaxmanh bấu lấy bàn ghế, miết chân xuống nền nhà lát đá, khiến đế giày đóng cá kêu kin kít, trong khi Mactanh đã lấy lại thăng bằng, lừng lững tiến lại, đầu giơ ra trước, vẻ hung dữ. Môn buông Đơlusơ để dồn sức cho cái thằng ngu ngốc này, và có lẽ anh sắp rơi vào tình thế bất lợi. Vừa hay cửa lớp hé mở, ông Xơren hiện ra, đầu vận ngoái về phía nhà bếp nói nốt chuyện gì đó với ai đấy, trước khi đi vào… Tức thì cuộc đấu ngừng lại. Các bạn khác xếp hàng quanh lò sưởi, đầu cúi gằm, tỏ vẻ không hề giây chuyện. Môn ngồi xuống chỗ của anh, hai ống tay áo bật chỉ và giãn hẳn ra chỗ gần vai. Giaxmanh thì toàn thân thâm tím. Nó còn hét trong mấy giây, trước khi vang lên tiếng thước gõ trên bảng báo hiệu buổi học bắt đầu. - Bây giờ thì nó hết chống chế. Đầ láu cá! Nó tưởng chúng ta không biết nó vừa ở đâu ra phỏng! - Đồ ngu! Chính tao cũng không biết tao vừa ở đâu – Môn độp lại, trong lúc cả lớp đã khá yên lặng. Rồi nhún vai, hai tay ôm đầu, anh bắt đầu học bài của mình.