uảng trị là quê hương của tôi và cũng là quê hương của ca sĩ Duy Khánh. Ngày còn bé tôi thường hay lang thang cùng người bạn cùng xóm, nói là bạn chứ chị lớn hơn tôi tới năm tuổi, câu chuyện về chị tôi đã viết với cái tựa là Chị Nuôi và đã được diễn đàn VN Thư Quán chọn để đưa vào thư viện. Bây giờ tôi kể về thời gian nơi thành phố tôi được sinh ra và lớn lên, thuở đó tôi biết ba tôi và chú Duy Khánh có chút tình quen biết, thực ra thành phố Quảng Trị rất nhỏ, và hầu như những người cùng chung một thế hệ với nhau thì họ dễ kết bạn, rồi hợp gu với nhau thì đi đến kết thân. Thưở tôi còn nhỏ,tôi nghe ba tôi kể, gia đình của chú Duy Khánh thuộc tầng cấp thượng lưu, cho nên chuyện chú muốn trở thành ca sĩ đã bị phản đối kịch liệt, đến nỗi chú phải bỏ nhà ra đi để đạt thành mộng ước của mình. Chừng khi chú nổi tiếng và không bao lâu chú theo đoàn hát trở về Quảng Trị để trình diễn trong một chương trình đại nhạc hội tại rạp chiếu phim duy nhất của tỉnh nhà.
Ba tôi gặp lại chú Duy Khánh thật mừng và hãnh diện khi thấy bạn mình đã trở thành ca sĩ. Trong trí nhớ của tôi, mỗi khi chú trình diễn trên sân khấu thường hay mặc nguyên bộ đồ vest màu trắng. Ba tôi lúc bấy giờ có mở tiệm chụp hình, thử hỏi bộ đèn đuốc trong tiệm để hành nghề, vậy mà đoàn hát nhờ chú Duy Khánh hỏi mượn, ba tôi ổng không hề chần chừ do dự gì hết, thế là mang tới rạp theo cái kiểu " tình cho không biếu không ". Ai biểu ba tôi, trong dòng máu của ổng cũng văn nghệ văn gừng một cây. Thế là đương nhiên tôi được mấy cô mấy chú nghệ sĩ cho tôi vào coi cọp bên cánh gà. Đoàn diễn bao đêm thì tôi có mặt bấy đêm. Rồi "cuộc vui nào cũng tàn", đoàn hát lại dở phong màn từ giả Quảng Trị để lên đường lưu diễn nơi thành phố khác. Trả lại cuộc sống thanh bình êm ả cứ thế mà trôi qua.
Phải nói hơn mười năm sau gia đình tôi mới gặp lại chú Duy Khánh tại Sài Gòn. Chú vẫn thế, thân gần với gia đình tôi thật dễ thương. Lúc này chú có mở một nơi dạy hát, chú đã ra băng nhạc và hát trên đài truyền hình. Còn ba tôi thì chỉ là ông hạ sĩ quan làm việc trong Nha Chiến Tranh Tâm Lý. Gia đình chúng tôi ở trong một con hẻm nhỏ với một căn nhà gác bằng gổ rất khiêm nhường, vậy mà lâu lâu chú Duy Khánh kéo bạn tới nhà cùng ba tôi bày tiệc nhậu trên cái bàn nhỏ được kéo ra trước hiên, mấy chiếc ghế xếp nhỏ mở ra ngồi cũng chẳng thoải mái gì cho những người trong mắt tôi hiện giờ là những người rất nổi tiếng. Lúc đó tôi được mười lăm tuổi, lăng xăng đi mua đồ nhậu, đứng chờ sự sai bảo, còn không thì ngồi một góc để hóng chuyện, những câu chuyện trong đời sống của những người nghệ sĩ. Tối đó có luôn bác Châu Kỳ, bác kể chuyện bằng tiếng Huế dẻo hơn cả kẹo bạch nha, có câu chuyện mà mỗi khi tôi nhớ về bác Châu kỳ là không sao nhịn được cười, bác kể:" Có một mệ được mời đi ăn giổ, vô tình mệ thấy chiếc nhẫn vàng ở nơi rữa mặt, mệ vội đánh cắp nhét vô trong gói xôi bảo là xin về cho đứa cháu. Bỗng dưng tiệc chưa tan nhưng người mất đã hốt hoảng đi tìm kiếm. Sau khi điểm mặt hết mọi người, thì mệ là người cuối cùng xin được tra xét. Chuyện khả nghi nằm trong gói xôi của mệ và họ đã phát hiện ra chiếc nhẫn vàng trong đó. Để chửa lại chuyện xấu hổ, mệ la làng lên là... mã cha đứa nào dám nhét cái chiếc nhẫn trong xôi của mệ, may mà cháu mệ chưa ăn, chứ mà nó ăn bị mắc cổ thì tau bới cả mồ mã tổ tiên ra tau chưởi, rồi tau đi kiện cho mà tàn mạt cả lũ tụi bây...".
Những câu chuyện cứ thế mà cù cưa chén chú chén anh cho tới đêm sâu khuya khoắc, họ mới kéo nhau ra về. Và rồi hể mỗi khi chú ra cuốn băng nào thì mang tới nhà biếu cho ba tôi cuốn băng đó. Cuốn băng nhạc hồi đó cuộn to như cuộn phim ảnh chiếu trên màn bạc. Tình anh em cùng quê hương giữa ba tôi với chú vẫn như nhất không hề thay đổi.. cho tới khi biến cố đau thương của đất nước.
Chúng tôi hoàn toàn mất tin tức về chú, và rồi gia đình phải chạy cơm hằng bữa, cuộc sống trong niềm khắc khoải âu lo, những kỷ niệm tưởng chừng như đã chết theo ngày tháng hay đã được giấu kín im nằm dưới mộ huyệt tối đen. Thì bỗng dưng có một buổi tối, chú xuất hiện trước cửa nhà, đó là vào năm 1978. Lúc này tôi đã có đứa con thứ hai. Trông chú thật khắc khổ buồn rầu, trái ngược với hình ảnh nụ cười sảng khoái của chú trên bàn rượi và dáng vẻ bề thế trong công việc làm ăn đang trên đà phát triển lớn mạnh.
Gia đình mừng rơi nước mắt khi thấy chú vẫn còn sống sót và chú cũng mừng khi thấy gia đình chúng tôi trải qua cơn biến loạn vẫn còn đông đủ không thiếu một ai. Chúng tôi ngồi xuống bên nhau, kể lễ cho nhau biết bao nỗi niềm. Rồi khoảng thời gian về sau chú không còn lui tới nữa, tôi nghĩ chắc chú đang tìm đường vượt biển để đào thoát ra khỏi đất nước.
Năm 1991 tại San Jose trong hội chợ xuân, tôi gặp lại chú đang đứng trong quầy hàng bán CD tiếng hát của ca sĩ Duy Khánh. Chú cháu nhìn nhau thật bồi hồi xúc động,nhưng trong mắt thực đã nói hết biết bao nhiêu điều cay đắng nghiệt ngả đã từng trải qua khi còn ở lại nơi quê nhà. Vì cuộc sống mới mẻ trên một đất nước lạ xa, chú cùng gia đình của chú lại phải bắt đầu lại từ con số không. Tâm trạng chưa được ổn định, còn phải bở ngở quá nhiều điều trước mắt. Tôi nhìn thấy chú bị bận rộn với khách tới mua CD, không có thời gian để chuyện trò, nên tôi chỉ mỉm cười chào chú sau khi đã ghi lại số phôn cho chú để liên lạc về sau. Cái trẻ trung chú vẫn còn sót lại bấy nhiêu năm qua khi chú nghiêng qua tai tôi thầm thì " nì răng mờ đẹp rứa, đẹp hơn hồi trước nhiều ". Tôi thấy vui và cũng nói nho nhỏ lại:" Thiếp đã năm con rồi " chú ơi...
Không biết có ai tin vào chữ " Duyên " không?. Còn tôi thì tin lắm, tôi tin cái duyên giữa gia đình tôi và chú coi như đã hết. Cho dù chúng tôi đã có cơ hội sống cùng trên một đất nước tự do, nhưng kể từ mùa xuân năm đó, hình ảnh của chú đã lấy lại ít nhiều phong độ trước kia, tôi thật mừng cho chú. Cho dẫu chú chưa hề gọi phôn để hỏi thăm gia đình tôi, nhưng tôi cũng không bao giờ nghĩ rằng nơi chú đã có sự đổi thay trước tình cảm đã vun đắp từ những tháng ngày còn xưa hơn trái đất. Đời sống luôn có những tình huống đôi khi đã khiến cho mình không sao tự chủ lấy bản thân. Tôi lại nằm lòng những điều Phật dạy " Mọi sự tùy duyên, duyên tận, duyên diệt ". Và khi biết tin ca sĩ Duy Khánh qua đời qua radio trong một buổi chiều tôi đang lái xe đi làm về. Trái tim tôi nhói lên bên trong lồng ngực, tôi vội tấp xe vào bên lề đường, ngồi im lặng với những kỷ niệm ngổn ngang cho tới khi đèn đường bật sáng.
Hình ảnh người ca sĩ với gương mặt khôi ngô tuấn tú trong bộ đồ vest màu trắng, với giọng hát mang nặng âm hưởng tiếng nói quê hương, với những sáng tác đẹp đã đi sâu vào lòng người. Và hình ảnh con bé con năm tuổi, từ ngày xa xưa đứng lấp ló bên cánh gà sân khấu để nghe ca sĩ Duy Khánh hát, con bé giờ đây tóc cũng đã hoa râm. Trăm năm con đường trước mặt, chú đã bỏ cuộc giữa chừng, thì thôi để con bé đi tiếp tục quảng đường còn lại... rồi có một ngày nó cũng rũ bỏ hết những nỗi ai bi,tháp cánh bay lên trời cao thênh thang theo mây trôi gió thoảng...
Mầu Hoa Khế
June-2013

Xem Tiếp: ----