hanh học cùng lớp với Phượng. Đôi linh hồn thơ ngây học chung lớp dưới mái trường tiểu học. Nhà Phượng-căn nhà nhỏ đơn sơ một tầng trước cửa có giàn hoa thiên lý, sau nhà là một khoảnh vườn xinh xắn trồng ít rau cải, rau mướp và cây bưởi cây roi. Nhà Thanh cách đấy vài dãy phố- hai quãng đường, ba cái ngõ, một ngã tư. Bố Thanh là một nhà văn đã chết sớm tại một vùng ma thiêng nước độc xa lạ và chỉ sinh ra được một mình Thanh. Bố Phượng là một nhà thơ cũng đã bỏ minh trong nhà tù nơi đèo heo hút gió cũng chỉ có mình Phượng là con. Mẹ Thanh buôn bán tơ lụa bên dãy lẻ phố Huế. Mẹ Phượng có một quầy vải tại chợ Đồng Xuân.Có thể vì hoàn cảnh Thành và Phượng có những nét tương tự giống nhau nên tình thân mật đến với hai đứa cứ tự nhiên như ánh sáng với khí trời, như hoa và lá… Sáng sáng Thanh qua nhà Phượng đứng trước giàn thiên lý gọi Phượng cùng đi học.Nắng mỏng như tơ rún rẩy trên cổ, trên vai áo hai đứa. Năm ấy Phượng mười hai kém Thanh hai tuổi. Mắt Phượng to và đen lay láy.Tóc Phượng trễ nải mượt như tơ. Hàm răng Phượng nhỏ, đều, trắng muốt.Phượng có dáng gày gày, khuôn mặt trái soan hơi xanh,lúc nào trông cũng như đang nghĩ ngợi.Mà tuổi Phượng còn nhỏ thế kia,Phượng đã nghĩ ngợi gì. Những giờ ra chơi trong lúc các chị em chơi đùa tung tăng với các trò nhảy dây,chơi ô ăn quan thì Phượng chỉ trầm mặc bên gốc bàng để đọc truyện hay ôn lại bài vở…Thế rồi Phượng gần Thanh mà cuộc đời cũng đã trầm mặc bên gốc bàng ngay một tuổi nhỏ. Lần đầu tiên,nắng ấm đùa trên những cánh hoa soan,Phược ngước cặp mắt đen láy lên mà hỏi Thanh rằng: Anh Thanh không hay chơi đùa với các anh ấy nhỉ? Thanh lắc đầu: Không! Các anh ấy nghịch ngợm ầm ĩ và hay trêu-chọc lắm không hợp tính Thanh. Rồi Thanh hỏi lại Phượng: Thế còn Phượng sao giờ ra chơi Phượng cũng chỉ ngồi đây?... Phượng trả lời Thanh: Phượng thích đọc truyện hơn là chơi nhảy dây…mấy chị ấy con nhà giàu thích làm dáng lắm, anh Thanh ạ… Lúc ấy Thanh mới kịp nhìn ra.Mấy cô bạn gái kia thường đến trường với những chiếc áo hàng màu,hai bên má lại thoa nhẹ một chút bụi phấn mỏng.Còn Phượng hay mặc chiếc áo vải trắng, đôi má rám nắng tự nhiên. Lần thứ hai một buổi vừa tan học, trời nổi cơn mưa gió Thanh và Phượng không về được phải ngồi đợi bên góc hành lang.Đang tư lự ngắm những hạt mưa, bỗng Phượng hỏi Thanh: Từ khi quen anh Thanh, Phượng cũng chưa kịp hỏi.Cậu mợ anh Thanh làm gì nhỉ? Thanh hợi buồn trả lời Phượng: Cậu Thanh chết rồi. Chết từ khi Thanh mới được mười lăm tháng. Bây giờ chỉ còn độc có mình mợ Thanh thôi. Phượng ngùi ngùi nói: Phượng cũng giống như anh Thanh.Bố Phượng cũng chết từ lâu,mà chết ở đâu ấy xa lắm,không phải ở nhà. Mẹ vẫn kể năm ấy Phượngmới lên bốn, bây giờ mỗi khi kể lại mẹ vẫn khóc. Mẹ nuôi Phượng rất vất vả vì nhà nghèo, nên bây giờ Phượng thương mẹ lắm… Tuổi thơ vô tội, Thanh nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn của Phượng trong tay mình: Nghĩa là chúng ta cùng không có …bố. Ta sẽ gần nhau hơn Phượng nhỉ? Phượng gật đầu hỏi lại Thanh: Thế cậu anh Thanh trước kia làm gì? Thanh hơi ríu lông mày: Cậu Thanh trước làm báo, làm sách. Cậu Thanh là một nhà văn. Phượng kêu lên nho nhỏ: Sao cậu anh Thanh giống bố Phượng quá.Bố Phượng lúc sống cũng thường hay làm thơ. Mẹ nói rằng khi bố sắp mất, mẹ đến thắm,bô còn dặn dò mẹ phải cố giữ lại những bài thơ của bố để cho Phượng sau này, bố còn an ủi mẹ: đời Phượng sau này sẽ đổi khác chứ không khổ như đời bố đâu … Rồi Phượng thầm thì nói nhỏ bên tai Thanh: Anh Thanh ạ. Những người làm văn, làm thơ phần nhiều đều khổ cả, hay buồn và hay chết non. Cậu anh Thanh là nhà văn nên trông vẻ mặt anh Thanh buồn buồn thế nào ấy. Thanh nắm chặt hơn tay Phượng: Và vì Phượng là con bố nên Phượng cũng ít cười mạnh nói to … Phượng hơi gật đầu.Ngớt mưa đôi bạn ra về, lòng vẩn vơ hơn mọi ngày. Lần thứ ba, vào giấc trời đang nhạt bóng nắng, Phượng hỏi Thanh lúc ra chơi: Sau này nhớn lên, anh Thanh định làm nghề gì? Mặt Thanh bừng lên tia sáng: Thanh sẽ theo gương của cậu Thanh ngày xưa. Thanh sẽ làm thơ viết sách.Thanh sẽ lưu lại cho đời một cái tên. Phượng vẻ mặt không vui: Sao anh Thanh không làm ông Tham, ông Phán có phải nhàn và nhiều tiền hơn không? Làm nhà văn nghèo và khổ lắm, Phượng vẫn nghe mẹ nói thế. Thanh vẫn say sưa trong hoài bão tuổi xanh: Thanh không thích làm ông Tham, ông Phán. Thanh thích đi bộ nó rộng chân hơn là ngồi xe nhà trông chật chội bó buộc làm sao ấy! Rồi Thanh nhìn thẳng vào mắt Phượng mà hỏi Phượng rằng: Thế Phượng cho Thanh hỏi câu này Phượng đừng giận nhé. Sau này nhớn lên, Phượng sẽ…sẽ…lấy người chồng như thế nào? Má Phượng hơi ửng đỏ: Phượng không lấy ai cả.Phượng sẽ ở nhà suốt đời để hầu mẹ - Đời mẹ khổ lắm rồi. Mẹ một mình nuôi Phượng từ bé đến nay, Phượng phải đền ơn mẹ đã chứ Phượng không nghĩ đến riêng cho Phượng. Rồi Phượng cười dại dột, Thanh cũng cười theo. Hàm răng Phượng nhỏ và đều, lòng Thanh thơm ngát hoa hương ° ° ° Thanh và Phượng thân nhau đến nỗi nhiều anh phải ganh tỵ. Một buổi chiều, Phượng đến trường mắt đỏ hoe. Phượng bảo Thanh: Anh Thanh ạ,sáng hôm nay lúc tan học, Phượng về một mình, anh Vịnh cứ đi theo chế Phượng mãi. Anh ấy reo ầm ngoài đường:”Phượng Thanh- Phượng Thanh,hai vợ chồng, chông vợ hài”, làm các cô bạn Phượng, các cô ấy cứ cười mãi… Thanh đỏ mặt tìm Vịnh để cự.Anh chàng giơ ngay quả đấm trước mặt Thanh: Ừ “ông” nói đấy – mày lôi thôi, “ông” lại “ chần “ cả mày nữa. Trông thân hình Vịnh to lớn Thanh thở dài cảm thấy nước mắt chạy quanh. Thanh vào mách thầy Hiền. Thầy Hiền rất hiền như tên gọi nhưng lúc cần cũng rất nghiêm khắc.Thầy gọi Vịnh lên bảng răn bảo. Vịnh trả thù. Giờ tan học Thanh đi về với Phượng. Vịnh cứ nhai nhải đằng sau: Ê! ”Phượng Thanh,hai vợ chồng, chông vợ hài”. Thanh nén giận, lặng thinh kéo Phượng đi mau. Vịnh cười to bảo lũ bạn: -Nó sơ rồi chúng mày ạ. Thôi! tha cho nó. Tuy nói thế, nhưng Vịnh vẫn không tha. Vịnh đi sát ngang người Thanh rồi huỵch một cái, anh nghéo chân làm Thanh ngã chúi vào Phượng. Cả bọn vỗ tay cười rộ. Thanh tái người, không nghĩ ngợi đấm Vịnh một cái. Vịnh cười nhạt, dáng điệu rất ngạo nghễ đưa cặp cho một anh cầm: A thằng này anh hùng. Nó dám chống lại ta. Đến cái thế không thể lùi được nữa. Thanh cũng đưa cặp cho Phươgn. Phượng có vẻ sơ, nói nhỏ: Thôi anh Thanh ạ. Họ đông lắm, anh Vịnh lại to lớn, còn anh Thanh gày yếu lại chỉ có một mình, nhịn đi. Đằng kia, Vịnh đã sắn quần, sắn áo xong, vênh váo bảo Thanh: Nào! Xong rồi chứ! Trông Vịnh to lớn mặt mũi đen xì, quả thật Thanh cũng thấy trợn.Nhưng chợt nhìn Phượng đứng bên thì Thanh thấy quên hết, Thanh xông lên. Vịnh đấm mạnh Thanh một quả làm mắt Thanh như nẩy đom đóm. Thanh ngã ngồi xuống, Vịnh hùng hổ đạp Thanh túi bụi thêm mấy cái nữa. Thanh quằn quại, hai tay ôm chặt lấy đầu trong một dáng điệu sa cơ. Bỗng Thanh nghe thấy tiếng Phượng thét lên một tiếng, Phượng thương Thanh quá. Thanh ù cả tai, trợn mắt,vùng ngay dậy. Như con thú dữ, Thanh lao cả thân hình gầy còm vào người Vịnh. Rồi Thanh cũng không nhớ bằng cách nào Thanh đã đánh Vịnh ngã quỵ xuống đất, một chân Than h dận lên bụng Vịnh cón hai tay cứ đấm lia lịa khiến Vịnh kêu oai oái, phải chắp tay van lạy! Kết quả sau trận ấy, Vịnh và lũ bạn trong lớp cạch không dám chế Thanh và Phượng nữa. Sau trận đánh nhau, Phượng dẫn Thanh về nhà Phượng. Mẹ Phượng hôm ấy vì mệt nên nghỉ nhà – quầy hàng ở chợ nhờ bà bạn ngồi bên trông nom hộ. Mẹ Phượng-người đàn bà hiền hậu và còn trẻ đẹp- đã thương và chiều Thanh như con vậy. Mẹ Phượng đun nước nóng dịt vết thương ở mắt cho Thanh. Phượng bổ bưởi cho Thanh ăn. Và Phượng suýt xoa bảo Thanh: Hàng ngày anh Thanh hiền lành yếu ớt mà sao lúc ấy trông anh anh dữ quá. Khiếp hai mắt anh Thanh đỏ ngầy như tiết.Phượng tưởng nếu anh Vịnh không lạy mau dễ thường anh Thanh đánh chết ngay lúc ấy được. Thanh bóc múi bưởi trả lời Phượng: Thanh cũng không hiểu sao tự nhiên lúc ấy Thanh thấy như khỏe hẳn lên, hăng lên không biết sợ là gì nữa. Có lẽ vì Thanh đã nhìn thấy Phượng ở bên cạnh chăng? Phượng cười hơi đỏ mặt.