Phần I

    
ính dâng hương hồn Ngoại với những câu chuyện kể vẫn còn trong trí nhớ của con.
Công tâm mà nói, mặc dù là dân trôi dạt tới Châu Bình song Ông Thầy Huế rất được dân làng kính phục, nể nang và thương mến. Nếu không kính trọng và nể nang thì người ta đâu có gọi là Ông Thầy được. Thầy mà còn thêm tiếng Ông nữa đủ hiểu dân làng Châu Bình kính trọng và nể phục vị gia sư của dòng họ Lê như thế nào rồi. Tuy không có danh tiếng và quyền hành nhiều như Hương Cả Cọp nhưng ông lại được người ta thích nhiều hơn. Đối với vị hương cả, dân có ba phần kính, ba phần nể và bốn phần mến nên họ ít thân cận hơn là đối với Ông Thầy Huế. Bất cứ chuyện gì không biết họ tới gặp thầy Huế để hỏi và được ông chỉ bảo rành mạch. Đám con nít hoặc mấy cô mấy cậu tre trẻ con cháu của ông hương cả rất mê nghe ông kể chuyện. Ngoài giờ dạy học, những đêm trăng sáng ông hay trải đệm ngoài sân phơi dừa kể chuyện rừng thiêng nước độc, chuyện ma quái, chuyện tình thần tiên của Tiên Dung Chữ Đồng Tử, Tú Uyên Giáng Kiều, Từ Thức Giáng Hương hay Huyền Trân Công Chúa cho học trò nghe làm chúng, trước phục sau đâm ra mến rồi dần dần thương và cuối cùng mê ông thầy trẻ tuổi, đẹp giai và tài hoa. Ngoài cái vốn văn hay chữ giỏi, làu thông kinh sử, thông kim bác cổ, ăn nói có duyên Ông Thày Huế còn biết đàn hát nữa. Cái này mới làm cho học trò mê mệt ông hơn điếu đổ. Người mê ông nhất chính là cô Sáu Hiền, em gái út của Hương Cả Cọp. Cha mẹ mất sớm, nghe nói đâu lúc cô Sáu Hiền mới chừng mười tuổi, hương cả cọp là anh cả do đó ông nuôi nấng và dưỡng dục cô em gái út như con gái của mình. Khi cô sáu Hiền tới tuổi cập kê thì ông tính chuyện gã chồng cho em. Mai tới mối đưa nhiều lần mà cô sáu vẫn phòng không chiếc bóng. Mà cô có xấu xa gì cho cam. Nổi tiếng nết na hiền hậu thêm nhan sắc chim sa cá lặn, làu thông chữ nho, chữ nôm, chữ quốc ngữ và tiếng tây thế mà cô lại chưa có chồng. Hổng phải hổng có ai chịu lấy cô mà vì cô hổng ưng ai hết. Ngặt là ở chỗ đó. Nguyên đám con trai của ba châu và có thể nói nguyên cả mấy tổng trong cù lao Bảo, hổng có ai lọt vào mắt của người đẹp Châu Bình. Anh thì cô chê dốt. Anh thì cô chê tham tiền. Đứa thì cô bỉu môi nói vai u thịt bắp. Ông bá hộ Ác có hai thằng con trai cũng ngang tuổi cô, nhờ bà mai tới hỏi bị cô mắng trọc phú và dê cụ. Nghe tiếng cô, con của cai tổng Linh tới coi mắt bị cô phang một câu '' thà cắm đầu xuống sông Ba Lai còn hơn lấy thằng con nít ngũ đoản đó...'' Rốt cuộc rồi ông hương cả chịu thua cô em gái của mình. Ông biết cô sáu Hiền, tuy tính hiền lành song lại cứng đầu và bướng. Nhiều lần ông khuyên can giải bày hơn thiệt thì cô nói chẳng thà ở giá còn hơn lấy ông chồng không hạp với mình. Những tưởng sẽ không có ai lọt vào mắt mỹ nhân cho tới một hôm...
Hôm nay nhà ông hương cả có tiệc. Chuyện đó hổng có gì lạ đối với đám đầy tớ của một gia đình danh vọng, giàu có và quyền thế mà khách khứa tới lui thường xuyên. Tuy nhiên người khách của chủ nhà này lại khác và lạ hơn. Đó là ông thầy đồ từ kinh đô Huế lưu lạc vào tận cái làng khỉ ho cò gáy này. Đám đầy tớ chẳng có đứa nào biết kinh đô Huế ở mô, ở rứa, chắc là xa lắc xa lơ, lạ quắc lạ quơ. May ra chỉ có vài người biết trong đó có cô Sáu Hiền. Cô em gái rượu của Hương Cả Cọp đứng thị thiền chỉ huy đám đầy tớ làm tiệc đãi khách vì người khách này, nếu được chọn sẽ trở thành gia sư của đám con cháu trong nhà. Ông hương cả nhờ cô coi mắt và coi tướng ông thầy giáo bởi vì cô là người giỏi chữ nhất và biết xem tướng. Giao cho cô sáu thì chắc còn hơn đinh đóng cột. Ông hổng sợ chọn nhằm người có '' tướng học trò mà bộ giò ăn cướp '' thì hư bột hư đường vì nhà ông hương cả cháu nội, ngoại đếm mười đầu ngón tay và luôn mười đầu ngón chân cũng chưa hết. Nhiều đứa cháu gái tới tuổi cập kê do đó mướn gia sư phải cẩn thận. Phải chọn người văn hay chữ tốt mà tâm tánh đàng hoàng. Chọn nhằm ông thầy dạy học mà rủi có đứa nào có chửa rồi ổng quất ngựa truy phong thì còn chi danh tiếng.
 Tay chỉ chỏ, miệng la rầy đầy tớ mà cô sáu mỉm cười vu vơ. Ai đời cô là con gái chửa chồng, tuổi còn chẻ măng lại được ông anh già hai thứ tóc giao cái chuyện coi mắt và coi tướng đàn ông.
- Cô sáu có gì vui dậy cô sáu?
Bà ba Lọn, đầy tớ trưởng vừa cười vừa hỏi cô Sáu Hiền.
- Đâu có gì vui đâu...
- Hổng có vui mà sao tui thấy cô cười hoài dậy cô sáu...
Cười lỏn lẻn Sáu Hiền thì thầm vào tai bà ba Lọn. Hổng biết cô nói gì mà nghe xong bà ba cười hăng hắc.
- Từ thủa cha sanh mẹ đẻ tới giờ tôi mới thấy chuyện con gái coi mắt và coi tướng đàn ông con trai đó nghen cô sáu... Mà cô có ưng tướng của ông thầy chưa?
Mắt sáng long lanh, miệng tủm tỉm cười, cô sáu nói nhỏ với bà đầy tớ trung thành của mình.
- Tôi coi sơ sơ rồi song phải chờ tới lúc ổng ăn nói coi ra làm sao đã... Nhiều khi cái tướng đi đứng lại hổng hạp với chuyện ăn nói...
Tiệc được dọn lên đúng ngọ. Trên mặt bàn làm bằng đá hoa Phủ Quốc bày la liệt thức ăn tuy không phải sơn hào hải vị nhưng cũng là thức ăn ngon lạ được nấu bởi đầu bếp trứ danh là cô Sáu Hiền. Khách thì chẳng ai xa lạ vì toàn người trong nhà. Hương cả Cọp có ba người em trai là Ba Hùm, Tư Hổ và Năm Ó. Họ đều có mặt trong buổi tiệc mừng để xem giò xem cẳng ông thầy dạy học con cháu của mình. Đứng chỉ huy mà cô Sáu Hiền thì một con mắt ở trong bếp, còn một con mắt ở ngoài nhà ăn nơi ông thầy đồ ngồi đối diện với chủ nhà. Thoạt nhìn ông khách lạ tuổi chẻ măng có vóc dáng làm cho cô sáu liên tưởng tới ông sư-tráng sĩ Phạm Thái trong thơ văn cổ xưa cô đã đọc qua. Bộ nho phục bạc màu, vành khăn nhiễu trên đầu, vóc dáng cao gầy của kẻ quen dùi mài kinh sử không làm mất đi dáng dấp hào hùng và ngang tàng của con nhà võ xuyên qua ánh mắt sắc sảo và tinh anh. Càng coi mắt đi coi mắt lại, càng nhìn và quan sát kỹ càng tướng mạo nhiều chừng nào, cô Sáu Hiền càng cảm thấy ông thầy đồ xa lạ có vẻ thu hút và lôi cuốn người khác mà người khác đó chính là mình. Ông ta hổng phải là hạng người vai u thịt bắp, vũ phu chuyên thượng cẳng tay, hạ cẳng chân với đàn bà và con nít. Ông ta cũng hổng phải hạng người mở miệng ra là phun nước miếng và nhả giấy 500, 1000 thay vì nhả ngọc phun châu. Ông thầy đồ này hổng có xổ '' nho đùm '' mà ăn nói từ tốn, cử chỉ ung dung điềm đạm và khoan thai. Cô Sáu Hiền còn nhận thấy thỉnh thoảng ông thầy đồ mỉm cười khi nghe ba người anh của cô pha trò. Nụ cười của ông ta khiến cho cô sáu đâm ra có cảm tình và cô nhất định chọn ông thầy đồ làm gia sư cho các cháu nhỏ của cô tuy biết quyền quyết định do ở ông anh cả của mình.
- Cô sáu thấy ổng được hông cô sáu?
Đang đứng suy nghĩ cô sáu quay lại khi nghe bà ba Lọn hỏi nhỏ. Ở vị thế đầy tớ trưởng của ông hương cả, bà ba Lọn cũng biết chuyện chọn gia sư và có thể còn biết nhiều chuyện khác nữa như ngoài mặt thì chọn gia sư mà biết đâu ông hương cả lại có ý kén rể đông sàng cho cô em gái của mình.
- Ông ta coi cũng được...
Bà ba Lọn cười thì thầm vào tai cô chủ nhỏ của mình.
- Coi cũng được bởi vậy nãy giờ tui thấy cô chăm bẳm vào ổng...
- Dì ba thấy ổng ra sao... Chắc tôi chọn ổng...
Biết cô chủ trẻ đã chọn lựa rồi nên bà ba Lọn cũng phải vuốt theo.
- Tui thấy ổng mặt mày sáng sủa, ăn nói đàng hoàng. Tướng của ổng hổng nằm trong câu '' đừng chơi với thằng lé, đừng ghé nhà thằng lùn, đừng hùn với thằng mập, đừng ăn nói lập cập như thằng cà lăm...''
Cô sáu Hiền phải đưa tay bụm miệng cười vì câu nói của bà ba Lọn.
- Dì coi xấp nhỏ, đứa nào tới tuổi thì cho đi học đi... Tôi sẽ nói với anh Hai cho xấp nhỏ bất kể con ai đều được đi học...
- Thiệt hả cô sáu... Như vậy thì phước quá...
Quay nhìn người đầy tớ già của anh mình, cô sáu Hiền nghiêm giọng.
- Tôi nói thiệt mà... Tôi đã bàn sơ với anh hai và ảnh cũng bằng lòng rồi...
Một tuần lễ sau, đúng vào ngày giờ đã được chọn lớp học bắt đầu. Tuy không có mặt song cô sáu Hiền cũng được xấp nhỏ trong nhà kể lại. Ông thầy Huế đúng là nho sinh tài đức vẹn toàn, thông kim bác cổ. Không những thông thạo chữ nho, tiếng Nôm mà ổng nói tiếng Phú Lang Sa không thua gì tiếng mẹ đẻ. Ngay cả cô sáu Hiền cũng rành tiếng tây mà còn phục lăn kia mà.
- Thầy biết võ phải hông thầy?
Tư Phụng, con trai út của ông hương cả hỏi ông thầy Huế trong buổi trưa ngồi uống trà. Cậu tư, lúc đó mới 17 nên bạo ăn bạo nói. Nghe cậu hỏi ông thầy Huế mỉm cười điềm đạm trả lời. Giọng của ổng trọ trẹ hơi khó nghe một chút. Cô sáu Hiền bảo đó là giọng của người Huệ.
- Thưa cậu tư... Nếu nọi không biết thì không đúng sự thật. Tôi đi đây đi đọ, vì vậy cũng phải biết vài ngón nghề phòng thân...
Hai Lân và Ba Qui liếc nhau rồi tủm tỉm cười. Lớn tuổi, trường đời dày dạn, cho nên khi gặp ông thầy Huế lần đầu họ đã sớm nhận ra tài ba của con nhà võ ẩn giấu trong lớp học trò. Người ta bảo cứ nhìn bước chân là biết người đó có luyện võ. Dù không có thân hình vạm vỡ, bắp thịt nổi cuồn cuộn song điều đó không thể cả quyết là ông thầy Huế không thông thạo võ nghệ. Đó là thứ võ không lộ ra ngoài mà chìm vào bên trong hay còn gọi là võ nội hay nội công.
- Hôm nào thầy chỉ cho tôi vài đòn nghen thầy...
Ông thầy Huế liếc Hai Lân và Ba Qui rồi nhìn về phía ông hương cả đang ngồi nơi chiếc trường kỹ xong mới cười lên tiếng.
- Ông Cạ lừng danh 6 tỉnh về tài đả hổ mà cậu tư đã học hết nghề của ổng rồi thì cần gì học ai nữa...
Liếc hai huynh trưởng rồi hướng mắt về nơi cha già đang ngồi, cậu Tư cười lắc lắc đầu.
- Ba tôi có nói rừng võ mênh mông mà cái sở học bình sanh của mình như lá. Mình biết một thì người khác biết mười. Cái đó là cao nhân tắc hữu cao nhân trị mà thầy...
Ông thầy Huế điểm nhẹ nụ cười trên môi khi nghe cậu tư Phụng xổ nho. Riêng hai Lân và ba Qui không nói lời nào như cố tình để cho đứa em út nhỏ tuổi tìm hiểu thêm về ông thầy dạy học xa lạ.
- Võ của thầy là võ gì dậy thầy. Võ Tiều, Thiếu Lâm, Bình Định hay là võ Bắc. Tôi nghe nói ngoài bắc có nhiều tay giỏi võ lắm. Ông Lê Văn Khôi cũng là dân bắc trôi dạt vào Gia Định...
Đưa tách trà nóng lên nhấp ngụm nhỏ ông thầy Huế ung dung lên tiếng.
- Tôi cũng có nghe đồn về chuyện ông Khôi tay không vật hổ...
- À quên... Hổm rày lu bu nên tôi quên hỏi thầy họ gì dậy thầy?
Tinh ý ông hai Lân thấy ông thầy Huế có chút gì do dự khi bị em mình tra cứu lai lịch.
- Dù mới tới Châu Bình này song tôi rất mến mộ ngài hương cả. Vì vậy mà tôi không dám nói dối. Tôi vốn họ Nguyễn, sinh ra ở Huế. Lớn lên tôi cũng được thân phụ cho đi học chữ quốc ngữ rồi học tiếng tây nữa... Học ở Huế hết bậc trung học thì tôi ra Hà Nội học. Chưa đỗ đạt gì thì tôi bỏ học đi lang thang đó đây cho thoả chí tang bồng. Cũng như cậu Tư tôi thích đi giang hồ...
Tư Phụng cười ròn tan. Cậu mới lớn, thích lang bạt sông hồ cho mở rộng tầm mắt song vì gia pháp rất nghiêm nên cậu ít khi được phép cha ra khỏi nhà. Bây giờ nếu có ông thầy dạy học rủ đi thì cậu mới có hi vọng được cha già chấp thuận. Bởi vậy cậu tìm cách đẩy đưa gợi chuyện với Ông Thầy Huế.
- Tôi nói thật cho thầy nghe. Tôi hổng có ý thách đấu với thầy đâu mà chỉ muốn thấy thầy giở vài miếng ra cho tôi coi... Tôi ngứa tay ngứa chân lắm mà ở đây hổng có ai chịu dợt hết trơn hết trọi... Chỉ có thầy là người mới...
Ông Thầy Huế mỉm cười như hiểu ý của cậu Tư Phụng. Dù mới quen thầy cũng thích tính tình bộc trực và thật thà của cậu. Liếc về phía ông hương cả như ngầm xin phép, thầy gật đầu thốt.
- Tôi chỉ sợ cậu Tư thất vọng...
Tư Phụng cười ha hả vì thích chí. Cậu hiểu nói như vậy là Ông Thầy Huế đã bằng lòng dợt võ với cậu rồi.
- Thầy có cần thay võ phục không?
Cậu Tư Phụng hỏi và Ông Thầy Huế lắc đầu. Hai người song song bước ra sân trước cũng là sân dùng để phơi dừa nên được nện kỹ càng thành ra rắn chắc và phẳng phiu. Nó cũng được làm sân luyện võ của trai gái trong nhà họ Lê.
Đang ở trong phòng riêng thêu thùa, cô Sáu Hiền chợt nghe tiếng Linh, gọi cô bằng bà la lớn ngoài cửa.
- Cậu Tư đánh võ với Ông Thầy Huế bà sáu ơi...
Nghe nói Tư Phụng đánh võ với Ông Thầy Huế, cô Sáu Hiền lật đật bước ra khỏi phòng. Người lớn, con nít, già trẻ trai gái lần lượt trước sau kéo về sân phơi dừa để coi đánh võ. Họ xôn xao bàn tán vì đây là lần đầu tiên họ mới nghe ông thầy dạy chữ dám dợt võ. Nếu hổng giỏi võ làm sao dám nhận lời giao đấu với cậu Tư Phụng. Dù bản lĩnh sánh không bằng cha già hoặc anh hai và anh ba song tài nghệ của cậu Tư cũng thuộc hàng cao thủ. Tuổi của cậu tư mới gần hai mươi, theo thời gian với sự trau dồi cộng thêm kinh nghiệm thì tài nghệ của cậu sẽ vượt trội hơn.
Đứng xen lẫn với đám đông, cô Sáu Hiền chăm chú nhìn Ông Thầy Huế. Bộ bà ba trắng, chân mang giày rơm, mái tóc cắt ngắn, ông thầy dạy chữ với tư thái ung dung nhàn hạ đứng đối diện với Tư Phụng. Mặc dù vai cô của cậu Tư, song cô Sáu Hiền chỉ lớn hơn cháu của mình có hai tuổi do đó hai bên rất thân cận và gần gủi với nhau. Nay thấy cháu của mình đấu võ cô lấy làm thích thú. Bản tâm cô cũng muốn biết ông thầy dạy chữ có phải tài kiêm văn võ hay không. Nếu là kẻ có tài tại sao ông ta không thi cử để ra làm quan mà lại bỏ gia đình đi vào tận trong này. Dường như có điều gì bí ẩn mà ông ta giấu diếm dưới lốt một ông thầy dạy chữ.
Tuổi trẻ nóng tính với lại thiếu kiên nhẫn hơn đối thủ, Tư Phụng ra đòn trước. Là hậu duệ của Bế Khôi, dĩ nhiên cậu phải dùng Hổ quyền lừng danh tứ xứ. Bước chênh chếch tới trước nửa bước, bàn tay trái tống ra một quyền vào ngực còn bàn tay mặt mở khum khum như vuốt cọp chụp vào hông bên trái. Tả quyền hữu trảo, Tư Phụng ra đòn đúng phép để thử tài ông thầy dạy chữ. Hổ quyền nổi tiếng trong làng võ Việt về tính chất dữ dằn, mạnh bạo. Tuy nhiên Hương Cả Cọp và hai người con lớn là Hai Lân và Ba Qui đều nhận thấy hai đòn của Tư Phụng không có ý đả thương mà khoe ra cái đẹp của mình nhiều hơn.
- Hay quá...
Ông Thầy Huế buột miệng khen khi thấy hai đòn đánh ập tới người của mình. Không chậm trễ ông ta bước nửa bước chênh chếch về phía phải rồi bàn tay tả với bốn ngón tay cụp lại chỉ chừa ngón trõ xỉa tới khuỷu tay mặt của cậu Tư. Nếu gặp người thường không biết chút võ nghệ thì đòn của Ông Thầy Huế chẳng có gì đáng quan tâm, nhưng dưới con mắt của kẻ am tường võ nghệ như cậu tư thì đó là thế phá đòn hay tuyệt. Tại khuỷu tay có huyệt khúc trì, nếu bị điểm, đụng vào thì cánh tay sẽ tê liệt ngay không cử động được. Ngoài ra chỉ bằng cách dịch bộ đi nửa bước ông thầy dạy chữ đã phá đòn hổ trảo một cách không tốn sức chút nào.
- Hay dữ a...
Miệng buột tiếng khen, cậu Tư Phụng đình bộ nhìn Ông Thầy Huế xong cười ha hả.
- Ông thầy giỏi à nghen... Phá đòn của tôi bằng cách đó thì ít có ai làm được...
Ông thầy dạy chữ cười nhẹ.
- Hổ quyền của ông Khôi thật đặc biệt...
- Xin thầy chú ý...
Tư Phụng đạp bộ bước dài giở thuật múa quyền gia truyền của dòng họ tấn công đối thủ tới tấp. Ông Thầy Huế ung dung đỡ đòn. Tay quyền của hai người chạm nhau rôm rốp. Đứng cạnh anh hai của mình, cô Sáu Hiền thong thả lên tiếng.
- Anh hai... Em hổng ngờ Ông Thầy Huế giỏi võ như vậy...
Hương Cả Cọp cười nhẹ khi nghe cô em út của mình khen. Không nói ra ông cũng đoán biết cô em gái chưa chồng của mình thầm để ý tới Ông Thầy Huế. Trai tài gái sắc mà. Bản tâm ông cũng nhân dịp này kiếm chồng cho em gái. Mẹ ông trước khi lâm chung đã trối trăn nhờ ông bảo bọc cho đứa em gái mồ côi.
- Anh cũng không ngờ ông ta lại tài kiêm văn võ... Em đúng là có tài coi tướng người...
Ông hương cả cười nói với em gái đang đứng nhìn một cách say mê vào trận đấu võ. Mặt ửng hồng vì e thẹn, cô Sáu Hiền im lặng.
- Hôm nào anh phải nhờ ổng dạy võ thêm cho mấy đứa nhỏ... Thằng Tư đánh không lại ổng đâu...
- Sao anh biết?
Buột miệng hỏi xong cô Sáu Hiền mới biết là mình đã hỏi một câu rất khờ khạo nên quay qua nhìn anh hai rồi bật cười hắc hắc.
- Em quên anh hai rất giỏi võ...
Hương Cả Cọp cười giơ tay vò đầu cô em gái tuổi nhỏ mà ông xem như con.
- Thằng Tư sức vóc thì có mà kinh nghiệm và sự tập luyện còn kém lắm. Ông Thầy Huế chưa trổ tài đó em...
Khi ông hương cả nói tới đó thì mọi người nghe tiếng Ông Thầy Huế hự tiếng thật lớn lảo đảo lùi lại mấy bước xong nói lớn.
- Cậu Tư còn trẻ mà tài bộ hơn người... Tôi rất khâm phục...
Tư Phụng ngưng tay quyền. Thấy Ông Thầy Huế ôm ngực ho khan vài tiếng, cậu vội bước tới vỗ vỗ vào lưng ông ta rồi nói nhỏ.
- Xin lỗi thầy tôi lỡ tay... Thầy có đau lắm không?
- Tôi đau chút chút thôi... Mình ngưng tay nghen cậu Tư...
Cười hà hà Tư Phụng gật đầu. Thấy trận đấu ngưng mọi người lần lượt giải tán. Cô Sáu Hiền do dự giây lát rồi cũng bỏ vào nhà trong. Chỉ có ông hương cả và hai người con trai lớn mới biết Ông Thầy Huế chịu thua chỉ vì muốn ngưng trận đấu. Tư Phụng còn trẻ, thiếu tinh tế nên không biết ông thầy dạy chữ gồng mình chịu trúng một quyền chỉ vì không muốn đánh nữa. Thực ra chiêu quyền của cậu không làm ông ta bị thương gì hết.
Trăng mùng mười rọi sáng hồ nước rộng biến cảnh vật thành lung linh và huyền ảo. Không khí man mát. Tiếng côn trùng rỉ rả. Vì nhà đông người nên ông hương cả cho đào hồ vừa để làm cảnh mà cũng thả cá nuôi nữa. Đứng trong phòng riêng của mình nhân thấy trăng sáng cô Sáu Hiền nãy ý đi ra hồ nước ngoạn cảnh và ngắm trăng. Tuy nhiên khi ra tới nơi cô lại thấy có bóng người đang thong thả bách bộ trên lối đi lát bằng gạch tàu vòng quanh hồ nước. Khi tới gần cô nhận ra người đó chính là Ông Thầy Huế. Nghe tiếng bước chân ông ta quay nhìn và nhận ra cô Sáu Hiền.
- Xin lỗi tôi làm kinh động tới thầy... Nhân thấy trăng sáng đẹp nên tôi...
Cô Sáu Hiền thỏ thẻ phân trần. Ông Thầy Huế từ tốn lên tiếng.
- Tôi vì thấy trăng soi hồ nước đẹp quá nên ra đây ngắm. Không ngờ lại làm phiền cô Sáu...
- Dạ... Thầy dạy quá lời. Tôi cũng vì trăng đẹp nên tính ra ngoạn cảnh chốc lát...
Ngước nhìn khuôn mặt của Ông Thầy Huế nhuộm trắng bởi ánh trăng bàng bạc, cô Sáu Hiền cười nói tiếp.
- Trăng chỉ có một, hồ nước cũng có một; vậy thì tôi xin thầy cho phép tôi được chia nửa vầng trăng ở dưới kia với thầy...
Ông Thầy Huế mỉm cười ý nhị khi thấy cô Sáu Hiền chỉ xuống vầng trăng đang lung linh dưới mặt nước hồ lấp lánh sáng. Hai người không hẹn cùng bước tới đứng cạnh bờ hồ nhìn xuống mặt nước chan hòa ánh trăng.
- Thầy bớt đau chưa?
- Cám ơn cô Sáu có lời hỏi thăm... Cậu Tư thương tình nên đấm cũng nhẹ thành ra tôi chỉ êm ẩm mình một lúc thôi...
- Tôi không ngờ thầy văn đã hay mà võ cũng chẳng sút nhường ai...
Cô Sáu Hiền bật lên tiếng cười vui sau khi dứt câu nói. Ông Thầy Huế dường như cũng vui lây khi được trò chuyện với người đẹp bèn cười thốt.
- Tôi chỉ biết năm ba miếng võ quèn nhưng bị cậu Tư năn nỉ quá bèn đứng ra cho cậu dợt võ... Thời đại bây giờ có võ cũng chẳng làm nên cái tích sự gì hết...
Nghe giọng nói có chiều cay đắng và liếc thấy nét mặt buồn rầu của Ông Thầy Huế, cô Sáu Hiền lên tiếng an ủi.
- Tôi nghĩ cũng có lúc người ta cần tới võ nghệ để tự vệ...
Như muốn đổi câu chuyện, Ông Thầy Huế ngước nhìn vầng trăng sáng trên đầu rồi lại cúi nhìn vầng trăng ở dưới nước đoạn cất giọng ngâm nga một câu.
- Một trăng, một hồ, một cô...
Bật lên tiếng cười trong trẻo, cô Sáu Hiền tiếp theo liền cho trọn nghĩa câu của Ông Thầy Huế.
- Một trăng, một hồ, một cô, một thầy đồ...
Thầm khen cho sự sáng dạ của cô gái quê, Ông Thầy Huế đùa.
- Hai trăng chứ sao một trăng được... Một ở trên kia và một dưới đó. Cô Sáu nghĩ sao?
Cô Sáu Hiền cười tươi trước lời bắt bẻ của người đang đứng bên cạnh mình. Liếc nhanh ông thầy dạy chữ cô thỏ thẻ.
- Tôi biết có tới hai trăng song hồi nãy tôi có nói với thầy là xin được chia nửa vầng trăng thôi. Nửa trên kia với nửa dưới này cộng thành một. Một của tôi và một của thầy...
Ông Thầy Huế gật gù cười thầm khen cho trí thông minh và tài ứng biến của cô gái nhà quê. Hai người không hẹn cùng bước song song trên lối đi vòng quanh bờ hồ.
- Tôi nghe đồn kinh thành Huế đẹp lắm...
Cô Sáu Hiền gợi chuyện. Tuy nhiên Ông Thầy Huế vẫn im lìm không lên tiếng. Điều đó khiến cho cô kinh ngạc. Quay qua cô nhìn thấy ông thầy dạy chữ của nhà mình đang cúi đầu bước như bận tâm suy nghĩ chuyện gì đâu đâu.
- Thầy ơi...
Cô Sáu Hiền gọi nhỏ. Ông Thầy Huế ngước lên nhìn trăng rồi quay sang nhìn cô gái đang bước song song với mình. Trong đêm sáng ánh trăng mông lung, cô Sáu Hiền thấy khuôn mặt của ông thầy dạy chữ có vẻ gì buồn rầu và u uất.
- Lý do gì khiến cho cô sáu chưa chịu lấy chồng?
Cô Sáu Hiền hơi đớ người khi nghe câu hỏi thẳng thừng và đường đột phát ra từ miệng của Ông Thầy Huế. Bấy lâu nay cô biết ông là người nho nhã, lễ phép và lịch sự trong lời ăn tiếng nói. Bởi vậy cô sửng sốt vì câu hỏi đường đột có hơi riêng tư của ông ta.
- Lý do gì thầy lại hỏi tôi câu đó?
Cô Sáu Hiền mỉm cười thích thú vì hổng biết do ông bà xui khiến hay thần linh xúi bậy mà cô lại buột miệng nhái mấy tiếng của Ông Thầy Huế để hỏi lại ông ta. Phần ông thầy dạy chữ cũng cười thầm khen cho cô gái quê mà biết ăn biết nói không thua gì người có chữ nghĩa.
- Tôi có lý do chứ. Ở vùng quê này, con gái tới tuổi cập kê thì cha mẹ đã lo chuyện lấy chồng rồi. Riêng cô, tuổi gần hai mươi, gia thế giàu sang, công dung ngôn hạnh đủ điều lại thêm dung nhan hoa nhường nguyệt thẹn mà lại phòng không chiếc bóng... Điều đó hơi lạ, bởi vậy tôi mới hỏi...
Im lặng giây lát Cô Sáu Hiền mới cười thỏ thẻ.
- Những điều thầy vừa nói ra chính là lý do khiến tôi dù đã hai mươi cũng vẫn còn phòng không chiếc bóng. Châu Bình là vùng hoang vu rừng rú, người vốn đã ít mà thanh niên trai tráng cũng ít. Nếu có người nào trạc tuổi tôi thì tôi lại không ưng...
- Xin cô Sáu cho phép tôi được ngắt lời. Tại sao cô lại không ưng?
- Tôi dù là phận gái quê mùa song cũng được cha anh cho đi học. Dù chữ nghĩa của tôi không bằng thầy...