ôi ngồi trước máy điện toán. Màn hình của computer trắng xóa, trống trải nhưng không rỗng, và chờ đợi. Chờ một điều gì đó sẽ xảy ra, ở đằng sau cái màu trắng lạnh lẽo câm nín kia. Tôi không làm chủ màn hình trước mặt. Tôi chỉ tuân phục và kiên nhẫn chờ một bí ẩn sẽ được hé lộ. Những thôi thúc trong tôi chỉ là những háo hức chờ đợi chứ không tìm kiếm. Một hình ảnh, một khung cảnh, khuôn mặt, con người, sự vật sẽ đến làm thành một cuộc phiêu lưu kỳ thú. Tôi sẽ được sống trong một không gian, thời gian khác với hiện tại, mọi sự đều khác, tất cả đều biến đổi như dưới nhiều lăng kính khác nhau. Bước ra khỏi mình, đi vào một thế giới khác. Điều gì đang chờ đợi tôi ở sau màn hình kia? Ngày hôm nay chưa gặp, có thể ngày mai, hay một tuần, một tháng sau đó. Rồi như một sự chọn lựa đã định sẵn, một hôm tôi nhìn thấy không phải trên screen computer, mà xuyên qua đó, dội ngược vào đầu tôi, len lách, khuấy động như có chút kích thích, một khuôn mặt, nhiều khuôn mặt chưa bao giờ gặp lẫn với những cảm thông lạ lẫm tưởng như tôi đang không chỉ gặp mặt đối mặt mà còn bước hẳn vào trong những con người ấy, không chiếm đoạt nhưng lục lọi tìm tòi những ký ức, tình cảm, cuộc đời.. Đây không phải là một sự xâm phạm có tính cưỡng bức mà là một đầu hàng của phía bên kia mang tính tình nguyện chẳng khác gì một sự dâng hiến trọn vẹn của một người con gái. Thế là câu chuyện tôi sắp viết sau đây bắt đầu từ đó. Tôi có cần phải giải thích thêm nữa vì sao những nhân vật đó lại mang tên này hay tên kia mà không phải là một tên gì khác? Có lẽ không, bởi vì chính tôi cũng không hiểu những cái tên ấy đến từ đâu? Nhưng điều đó có gì quan trọng? Những con người và cuộc đời ấy mới là chuyện. Những căn nhà một từng là những villa thời Pháp thuộc cũ còn sót lại nằm trên ngọn đồi không cao lắm, cách nhau bằng những rặng thông quanh năm không đổi mầu. Cái màu xanh đậm không đổi thay rì rào trong gió như những tiếng rên nho nhỏ nhàm chán, để rồi đổi giọng rên xiết khi vào mùa mưa dưới những cơn mưa dai dẳng buồn tẻ có khi kéo dài hàng vài tuần lễ làm sũng những lớp đất thành lầy lội. Những giòng nước tuôn như suối làm con dốc nhỏ trải nhựa nứt ra, xẻ phần thịt đất đỏ bên dưới, nước tuôn vào kẽ nứt tung hoành những đường xoáy và con đường duy nhất dẫn xuống dưới chân đồi không được tu sửa lại càng trở thành một thứ chướng ngại cho xe cộ lên xuống. Dưới chân đồi những thửa ruộng nối tiếp nhau liền liền làm thành những khoang vuông vức đủ loại. Người dân ở đây trồng đủ thứ loại rau, trái, quanh năm không lúc nào thấy đất trống phơi mình dưới nắng hay mưa. Thái lấy khuỷu tay di di trên mặt kính trước nhà nhìn ra ngoài. Cơn mưa hình như đã bị đóng chốt ngay tại đây, không còn thể di chuyển đi đâu khác nữa. Nẹp gỗ quanh những ô kính cửa sổ ẩm như nước bắt đầu rỉ ra từ những thớ gỗ len vào đến tận trong. Chàng ngửi thấy cả cái mùi ẩm ướt, thoang thoảng có mùi mốc, không biết từ bên ngoài hay ở trong nhà. Tiếng gió rít lùa qua những rặng thông, tạt những màn mưa trắng đục như những màn luân vũ ngoạn mục, thoạt đầu mơn trớn êm tai, dần dà sắc và veo véo nghe rợn người. Những thửa ruộng xa xa dưới kia đã ngập nước. Nước từ những triền đồi đổ xuống và với cơn mưa triền miên mấy ngày qua đọng lại ngập hết những luống rau. Tội cho dân ấp Hà Đông! Chàng nghĩ đến bể nước mưa sau nhà hẳn đã ngập, khéo mà tràn vào trong nhà! Chiếc bể xi măng đựng nước mưa cao đến hai phần ba thân người trung bình được xây ngay trong căn phòng sát bếp để chứa nước uống cũng như tắm giặt vì hệ thống dẫn nước của cả vùng này đã bị hỏng từ lâu, không được sang sửa. Thái mở nắp bể nhìn vào trong rồi leo lên nắp bể nước, đẩy cái ống dẫn nước nối liền với máng xối để nước mưa tuôn ra ngoài. Ngay cả thành bể nước cũng ẩm. Chỉ có mình là khô, khô không khốc, Thái thở dài! Tiếng thở dài từ đâu bên trong, tình cờ ghé ngang rồi cư ngụ luôn không đi nữa. Từ bếp lên nhà trên chỉ được nâng lên một chút nhờ năm sáu bậc xi măng. Mới 3, 4 giờ chiều mà trời đã sâm sẩm tối. Trên này không sợ lụt! Đi ngang phòng Tiến, chàng nhìn vào. Căn phòng nhỏ và tối. Tiến không thích để đèn. Nó sợ ánh sáng và sợ cả người. Tiến đang ngồi ở chiếc bàn nhỏ kê sát cửa sổ nhìn ra vườn. Ngày xưa chiếc bàn bề bộn đầy sách vở. Giờ, vắng tắp, sạch gọn. Thỉnh thoảng Thái vào lau chùi cho em. Có lần đang lau mặt bàn học, Thái cứ chùi mãi, chùi đến mỏi tay như tìm sau mặt gỗ chút bóng dáng của thời gian đã qua. Vẫn không quay lại, Tiến nói: “Chim ăn hết mận rồi!” “Không đâu. Hết mùa rồi. Phải chờ sang năm” “Anh lộn rồi!” Thái chẳng cãi. Nó mở miệng là tốt rồi. Nói gì cũng được! Khi Tiến xoay người lại, trong cái mầu ảm đạm và tôi tối của căn phòng, Thái thót ruột và đột nhiên hơi hoảng sợ! Chàng như đang nhìn vào tấm gương, một khuôn mặt giống hệt chàng, chỉ khác ở cái vẻ ngây dại. Hay có ngày mình cũng sẽ như thế trong căn nhà cũ rích và heo hút này? Bản năng mạnh mẽ trong Thái giơ tay chụp ngay lấy cái ý nghĩ đen tối này và dìm xuống. Phải như thế thôi! Phải triệt! Không biết có đọc được những ý nghĩ đó trong Thái hay không, Tiến lại xoay người nhìn mông ra vườn, đầu nó nghiêng nghiêng. Chiếc màn cửa vén sang một bên hở ra những giòng mưa trắng đục sáng ở bên ngoài như miệng của một đường hầm. “Chiều thích ăn gì để bà Tư làm?” “Anh có thấy bà ấy nấu dở quá không?” “Bà Tư chỉ biết làm có thế!” Tiến không nói gì thêm. Nó còn biết chê bà Tư nấu không ngon. Mọi khi nó chẳng nói gì. Đúng là trời mưa cóc mở miệng! Tối hôm đó, trong cơn mưa rả rích chừng như đã nhạt, trang sách được mở ra ở một chương đọc mãi không xong. Thái gấp sách. Ý tưởng bán nhà, bán hết những thửa ruộng đang cho người thuê dưới kia và dọn đi một nơi khác cứ dục giã như một thứ đòi nợ, trong khi nhiều thứ khác trong căn nhà mà anh em chàng đã sinh ra và lớn lên cứ níu chặt lấy Thái lôi lại như đòi phần của nó. Đó là những gốc rễ chằng chịt với muôn ngàn kỷ niệm của nhiều năm tháng, những chiếc rễ lằng ngoằng cứ thế mà lớn lên, lớn hơn Thái và Tiến gộp lại! Nhưng có lẽ càng bị níu kéo thì Thái càng vùng vẫy vì không còn gì ở đây cho mình. Thái muốn sống một cuộc đời khác, mọi sự khác, muốn biết, muốn với, muốn những thay đổi mỗi ngày.. muốn một hơi ấm, một gần gũi nào khác không phải là những ruột thịt. Chàng cần một cái gì khác lạ.. Tiếng ho của Tiến ở phòng bên làm Thái chợt dừng lại ngay trong những ý nghĩ của mình. Tiếng ho của Tiến làm Thái mắc nghẹn. Chàng muốn hết thở trong một thứ gì đang tuôn ra từ lồng ngực, lớn hơn mình. Thứ gì đó đang dâng lên và đánh thức chàng tỉnh giấc. Lại phải tỉnh thôi! Mẹ sinh Thái ra trước Tiến có 2 phút. Hai phút đi trước mà khác biệt nhiều quá. Thể chất hai đứa giống hệt nhau, nhưng tâm tính khác hẳn. Thái mạnh bạo, Tiến nhút nhát và yếu đuối. Thái cởi mở, Tiến khép kín. Hai đứa trẻ là hai nửa của một khối. Đấy là một vòng tròn với hai mặt đối chọi. Bởi chính là một khối nên không thể tách rời theo một nghĩa hiểu nào đó. Lìa nơi này, bỏ Tiến, chàng không bao giờ làm được. Lôi nó đi, nó không đi. Nó đã bắt rễ ở đây từ ngày sinh ra đời. Cái rễ ấy cột cứng với thế giới riêng của Tiến, và cho nó sự yên ổn. Những xáo động mà Thái thèm muốn cũng là những khác biệt quá đáng, không có trong thế giới tĩnh lặng của Tiến. Thái biết mình đã bị một xiềng xích vô hình trói buộc ngay từ nhỏ.. Bỗng dưng Thái nhớ đến cây khuynh diệp khổng lồ ở dưới chân đồi. Nó mọc từ bao giờ không biết nhưng cao ngút ngàn. Lúc nhỏ đứng ở dưới nhìn lên, Thái không thấy ngọn cây và vẫn hình dung là chót đỉnh của nó lẫn với trời. Cuối hè khi những bông hoa khuynh diệp rụng đầy gốc, Thái và chúng bạn thường nhặt về, gỡ sạch những tua của nhụy hoa khuynh diệp để trơ lại cái núm và cuống, rồi xoay, rồi thảy như những con vụ tí hon thoang thoảng có mùi khuynh diệp nồng nàn trong gió. Thân cây sần sùi tróc những lớp vỏ màu gụ lộ phần thân trắng như vôi. Toàn cây khuynh diệp đó, từ thân, từ vỏ, từ lá, từ hoa đều tiết ra cái mùi dầu khuynh diệp không hắc mà ngan ngát. Lần nào Thái trèo lên cây khuynh diệp được một đoạn cũng bị Tiến đứng ở dưới gốc cây gọi. Nó sợ Thái trèo lên cao, cao nữa rồi mất tiêu luôn, Và lần nào khi nghe tiếng em gọi Thái cũng tiếc rẻ, nhưng rồi trèo xuống. Đang chơi trò gì mà Tiến không tham gia được, Thái cũng bỏ để về nhà với em. Chàng đã phải theo nó ngay từ nhỏ. Không có chỗ nào đứng riêng lẻ cho Thái, ngay cả trong những ý nghĩ của mình! ° Những cơn mưa cứ vơi dần rồi biến. Trời đất vẫn còn ẩm và lạnh. Cả mấy ngày nay chú Bình không đi chợ và mang lên cho bà Tư được vì mưa quá. Nhà chú bên dưới chắc cũng ngập! Rau cỏ rồi ra rẻ thối! Chú ấy không lên được thì mình phải xuống thôi, Thái cũng muốn ra khỏi nhà. Cơn mưa giữ chân chàng cả tuần. Tiếng bà Tư nói sau lưng làm Thái giật mình: “Thầy! Hết cái ăn rồi! Chú Bình không thấy đâu. Chắc dưới lụt lắm” “Để tôi lo. Tôi đi bây giờ đây”. Một tuần lễ chỉ thấy mưa và những bức tường, không cần phải đi mua nhu yếu phẩm thì Thái cũng đi. Thái đẩy cổng gỗ ra ngoài. Phải cả tuần chắc đất mới khô. Thái chọn những chỗ nhiều cỏ hay xen với đá để đặt chân vì mặt đất mềm và nhão thành bùn. Triền dốc trải nhựa nứt nẻ nên nước không đọng nhưng sau những ngày mưa phần đất đỏ quạch như tươi hơn. Chàng chợt thấy có người đi lên dốc. Một cô gái, có lẽ? Cái bóng người đi lên ngược chiều với chàng mỗi lúc một rõ. Cô ta bước đi thoăn thoắt như người thuộc đường lối và với cách ăn mặc, cô gái phải ở vùng này, có lẽ ở dưới kia vì trên đây có bao nhiêu người Thái đều biết cả. Khi khoảng cách đối nghịch thu ngắn hơn, dáng người ấy cho Thái một phỏng định: cô ta chừng 15, 16, nước da ngăm ngăm khỏe mạnh, tóc cột gọn. Cô gái cúi đầu cắm cúi trèo dốc, cũng chẳng nhìn Thái nên chàng cũng không trông rõ mặt. Cô gái xách một cái giỏ mắt cáo nylon. Khi đi ngang, Thái thoáng nhìn thấy vài bó rau chìa ra ngoài, nải chuối và vài gói bọc giấy dầu. Cô gái chỉ ngửng đầu lên nhìn Thái rồi tiếp tục đi lên đồi. Xuống gần đến gần chân đồi, Thái quay lại nhìn lên. Cô gái đang mở cổng vào nhà chàng. Lạ, ai? Thái phân vân, nửa định đi tiếp xuống đồi, nửa lại muốn đi lên xem cô gái nhỏ là ai. Và chàng đi lên thật. Thái đi nhanh chứ không thong thả như lúc đi xuống. Vào đến nhà, Thái nghe thấy tiếng người nói lao xao ở dưới bếp. Con cháu bà Tư? Chắc thế. Chẳng dính líu gì đến mình, nghĩ vậy nên Thái chẳng thắc mắc và chuyện đón xe lam xuống phố mua ít đồ như đã dự định làm chàng thoải mái hơn. Phải xuống chân đồi, đi ngang hồ Vạn Kiếp, mặt hồ càng ngày càng bị thu hẹp bởi những lớp bèo tràn ngập cạn nước, đất từ bờ đổ xuống. Qua cái cầu gỗ ọp ẹp, thêm một cái dốc ngắn nữa mới ra đến đường chính để đón xe lam. Nắng đã lên nhưng không gắt, làm như hãy còn e lệ sau cơn mưa suốt tuần. Chàng đứng chờ xe dưới gốc cây ổi ngay sát cổng nhà ông Bá. Trước mặt chàng hàng hàng lớp lớp những ngôi mộ san sát nhau trên đồi của nghĩa địa thành phố vươn lên trong nắng như nhắc nhở sự có mặt của những người đã từng hiện diện trong thành phố này, dĩ nhiên có cả cha mẹ chàng,.. và cả Quỳnh Thi! Chiếc xe lam chật ních đưa Thái ra phố. Chàng ngồi chen không chỉ với người mà cả với những chuồng gà, mùi hôi xông lên ngai ngái. Chiếc xe gắn máy của chàng đưa chú Hiển sửa chưa lấy về được. Thái cũng lười chẳng nhắc. Có chú Bình ở trong ấp Hà Đông đi chợ cho rồi mang lên nên Thái chẳng bao giờ quan tâm. Vài hôm nữa khi dưới ruộng bớt ngập chắc chàng phải ghé thăm chú Bình, có lẽ đau ốm sao đó. Xe ngừng ở bến, gần chợ. Từ một vùng ngoại ô ra đến phố chính, cũng xa nhưng không phải xa lắm mà thấy diệu vợi vì những khoảng cách không người, không nhà, vắng xe cộ. Những nhộn nhịp của phố phường đẩy Thái vào giòng người đầy sinh khí. Những chộn rộn đâu đâu cũng len vào Thái, chàng thấy vui vui. Thái ghé chú Hiển ở cuối dốc Minh Mạng xem cái xe mình tới đâu rồi. “Ê, Thái! Xe vẫn chưa xong vì chưa tìm được đồ thay, cháu chịu khó đợi vài hôm” “Chú khoẻ không chú? Cháu ghé chơi thôi. Xe bao giờ được thì được, chẳng sao cả” “Mấy anh em thường hả? Bà Tư còn ở đó không?” “Vẫn còn chú, không có bà ấy chắc tụi cháu chết” “Bán nhà, ra phố ở đi. Thanh niên mà ở trong đó đèo heo hút gió quá” “Cháu cũng tính mà chưa được” “Tính gì mà tính, ruộng trong đó vẫn cho thuê, nhà thì bán. Có điều cái nhà đó bán hơi khó. Quanh đó còn đủ cả không?” “Cũng có vài gia đình dọn về Sài Gòn, còn tựu trung ở lại cả” “Khi nào gặp ai cho chú gửi lời thăm nghe?” “Được, chú. Tuần sau cháu ghé lại chắc xe xong chú hả?” “Ờ, chắc tuần sau xong đó. À, mấy bữa mưa, trong ấp chắc lụt hết?” “Vẫn như xưa, chú. Người ta quen rồi” Việc ra phố của Thái loanh quanh ghé thăm người này, người kia, mua bán chút đỉnh, rồi về. Chàng không muốn ở lâu, sợ bị giữ chân, sợ tự gây khó khăn cho mình. Đi về, buồn, nhàm chán nhưng yên ổn. Xe lam cũng chỉ thả chàng xuống ở đầu đường chính, Thái đi bộ về nhà. Cổng gỗ vào nhà vẫn còn mở. Ai đó quên không đóng hay cô gái nhỏ khi nãy vẫn còn đây? Vừa mở cửa, Thái giật mình! Tiến ngồi lù lù ở phòng khách. Đã lâu lắm nó không ra khỏi phòng mấy khi ngoài chuyện đi làm vệ sinh. Thái nhìn em không biết nói gì. Dưới ánh sáng của căn phòng khách nhiều cửa sổ, trông Tiến lạ, như một người khách lạ. Có một cái gì thay đổi trong nó, Thái chắc chắn như thế. Không phải vì căn phòng nhiều ánh sáng làm chàng thấy Tiến rõ hơn, cũng không phải vì bộ râu đã được cạo sạch –điều này lạ vì thường Thái phải dục- cũng không phải vì một vẻ ngời ngời trên toàn gương mặt Tiến lúc ấy, nhưng một cái gì khác nằm khuất bên dưới mà Thái chỉ có thể bắt gặp bằng cảm nhận của một nửa này nối kết nhìn suốt sang nửa kia. Chàng thấy rợn người và không muốn để những ý nghĩ của mình đi ngược về xa hơn. “Anh ra phố?” “Ờ, anh đi chợ. Chú Bình đau sao không thấy lên?” “Con gái chú lên đây” À, cô bé ấy là con chú Bình! “Chú ấy không sao chứ? Anh lại không có nhà để trả tiền cho họ” “Té gẫy chân” “Thế à? Tội nghiệp!” Anh em không nói gì với nhau thêm, nhưng cả buổi chiều ấy Tiến không vào lại trong phòng. Nó ngồi ở phòng khách như chờ ai, chờ một cái gì. Từ sau hôm đó, cái thế giới riêng tư của Tiến bắt đầu mở rộng hơn, nó ra sân, bắt đầu hay hỏi chuyện đây đó, lại phụ giúp Thái, không nói cộc lốc. Nó như một người vừa tỉnh thức sau cơn mộng dài và đang làm quen dần với đời sống. Đến giữa tuần, con gái chú Bình lại mang thức ăn lên. Lần này Thái mới có dịp nhìn kỹ cô bé. Mới thoạt nhìn Huyền, chàng thấy nét quen quen, không phải vì cô giống cha. Lần gặp gỡ sau Thái mới biết vì sao chàng thấy Huyền quen thuộc. Đó cũng là lúc Thái hiểu vì sao Tiến thay đổi. Huyền có đôi mắt giống hệt Quỳnh Thi! Cũng đuôi mắt dài, hơi xếch, con ngươi không đen hẳn mà có ánh xanh tím, một màu xanh tím huyền bí đến lạ lùng làm người đối diện không chỉ nhìn lâu hơn mà còn như ngỡ ngàng với những thu hút tự nhiên không kìm hãm được. Sự thay đổi trong Tiến vừa là một nỗi vui mừng vừa là một sự đe dọa. Dĩ nhiên đó chỉ là những linh cảm mơ hồ. Thái quan sát những thay đổi ấy trong trạng thái lo âu. Lắm lúc chàng có cảm tưởng Quỳnh Thi đang có mặt trong ngôi nhà này, không phải nằm ở nghĩa địa trên kia. Quỳnh Thi đang chi phối Tiến. Thật lạ lùng, Thái nhớ về Quỳnh Thi như những dính líu với Tiến, như là nguyên do đưa Tiến đến tình trạng tâm thần bất định hiện tại, mà không tìm thấy một vướng mắc tình cảm nào với chính mình hay đó chỉ là một sự lừa dối? Hay chính sự tự lừa gạt mình đã tách chàng đứng riêng rẽ, hoặc là một chối bỏ cho rất nhiều nghi vấn lẫn với đau thương? Hình ảnh Quỳnh Thi hồn nhiên đứng bên cổng gỗ nhà Thái, những cành mimosa lá bạc với những chùm hoa vàng mềm như nhung làm nền sáng rực dưới nắng một buổi chiều mây đen nghịt mà ánh nắng hừng lên vội vã là một êm đềm trong trí nhớ chàng cũng mượt mà như những tình cảm đầu đời. Thái chỉ muốn nhớ về Quỳnh Thi như thế, cho mình. Còn vì sao nàng lại ngã xuống chiếc giếng cạn hết nước cạnh tu viện bỏ hoang cách nhà Thái chừng non 1 cây số là điều Thái không muốn tìm hiểu hay không dám tìm hiểu. Cái miệng giếng ấy như một cái miệng của một con quái vật há ra, sâu hun hút với thang sắt dài từ bờ giếng xuống đến lòng giếng. Người Pháp đã đào và xây giếng này từ lâu lắm, và đến khi giếng đã cạn nước, nơi này thành một bí ẩn cho những đứa trẻ sống trên đồi này. Đứng ở trên, thò đầu xuống la hét và chỉ thấy một mầu đen tối thui. Chiếc thang sắt đóng hẳn vào thành giếng là một mời gọi cho những đứa nhỏ thích phiêu lưu thám hiểm. Thái đâu tha những cơ hội như thế. Cái đứa nhỏ 8 tuổi là chàng đã háo hức trèo xuống tận đáy giếng với nhiều sự tưởng tượng, nhưng nó không tìm thấy gì ngoài những cành củi mục và rác. Tiến đứng ở trên hỏi vọng xuống: “Có gì dưới?”. “Chẳng có gì hết!”. Câu trả lời với nhiều sự thất vọng nhưng khi trèo lên hết những nấc thang, chú nhỏ 8 tuổi thấy mình lớn hơn vì nó đã vượt qua một thách thức. Đó cũng là một trò chơi với Thái, còn Tiến, nó chỉ có mặt mà không tham dự. Cái giếng bỏ hoang hầu như chỉ có những người sống trên đồi này lâu năm, hay những đứa trẻ hay nghịch ngợm mới biết đến. Vì sao Quỳnh Thi, ở dưới kia, lại đi lên đến tận nơi rồi ngã xuống giếng, chết, là điều Thái không hiểu được. Người ta nghi là Quỳnh Thi bị kẻ nào đó giết, nhưng tại sao và kẻ đó là ai thì đến 5 năm qua những câu hỏi này không được giải đáp và rồi cũng chẳng ai còn nhớ đến. Nhưng đã có những lúc Thái thấy người ta xầm xì sau lưng chàng chỉ bởi vì hai người có liên hệ tình cảm. ° Thái đẩy chiếc xe gắn máy trên chiếc ván ép đặt trên những bực thang xi măng dẫn xuống cổng gỗ. Có chiếc xe, Thái thấy thoải mái hẳn ra. Chàng nghĩ đến việc đi dậy học lại theo lời mời của anh bạn mở một trường tư thục ngoài phố. Dựng xe, khép cổng, quay lại Thái thấy Huyền đang đi lên dốc tiến về phía chàng. “Chào chú” “Chào cô. Ba khoẻ chưa?” “Ba cháu vẫn còn đi nạng. Chắc cháu phải giúp ba cháu còn lâu” “Bây giờ mùa hè cô còn giúp được, chứ đến lúc đi học thì sao?“. Thái định bảo để chàng lo lấy nhưng nghĩ đến việc giúp đỡ chú Bình nên thôi. Huyền có vẻ băn khoăn: “Cháu cũng chưa biết nữa, nhưng cháu muốn giúp ba cháu” Thái đề nghị: “Cô đổi ngày đi, cô mang lên cho chúng tôi vào ngày cuối tuần cũng được mà” “Vậy tốt quá, cám ơn chú” Khi Thái mở cổng cho Huyền vào chàng chợt thấy Tiến đang đứng ở cửa trước nhìn ra. Sau những ô cửa kính nho nhỏ, hình dáng Tiến như bị cắt ra làm nhiều mảnh, như những câu đố chưa có lời giải đáp. Bỗng dưng một cảm giác lạ lùng dấy lên trong chàng. Đó là những băn khoăn vu vơ mà không hiểu sao lại lẫn lộn cả bóng dáng Quỳnh Thi trong đó. Có lẽ cả đời Thái sẽ không quên được nàng, không phải vì Quỳnh Thi, cũng không phải vì mối tình đầu, nhưng cái chết của nàng! Tại sao nhìn những người sống mà cứ nghĩ đến cái chết? Thái không muốn nhớ tới, nghĩ tới, ngay cả em chàng! Hãy đi ra khỏi vùng trí nhớ tôi! Niên học mới trở lại, Thái dậy học bán thời gian cho đỡ buồn. Ngày thứ năm tuần lễ đầu, Huyền không lên như Thái đã biết trước. Chiều thứ năm khi Thái trở về nhà, Tiến hỏi ngay với một giọng gay gắt: “Anh không thuê cô Huyền nữa sao?” Ngạc nhiên trứơc cái giọng có vẻ gây hấn của em, Thái trả lời: “Anh vẫn thuê họ đấy chứ. Cô ta đi học nên xin đổi ngày. Cuối tuần nghỉ học cô ấy mới lên” Tiến dịu lại nét mặt. Hôm nay nó lại còn lấy áo của Thái mặc. Độ này Tiến hay vào phòng Thái. Nó đổi nhiều. Tối hôm đó trong bữa cơm chiều, Thái chợt buột miệng khơi chuyện: “Tiến này, hay mình bán nhà dọn ra phố. Ở đây buồn quá mà đi lại cũng khó khăn.” Đang ăn, Tiến bỏ bát đũa xuống trừng mắt nhìn anh: “Anh tính gì đây?” Thái thở dài thầm, nói vuốt: “Chẳng qua thấy ở đây chán quá nên anh mới nói vậy.. còn nếu như em..” Thái không nói hết câu được trong nỗi ngậm ngùi, có lẽ là dành cho mình. “Em không đi đâu hết, anh muốn đi thì đi đi. Ở đây có bà Tư.. và cô Huyền được rồi..” Thái nhìn Tiến, nhìn suốt qua nó. Huyền là lý do. Không gì khác. Câu nói của nó phủ nhận sự có mặt của Thái. Nó đang yêu hay sao đây? Chỉ có tình yêu mới làm thay đổi Tiến. Hay nó đang mở cửa cho chàng đi. Đã đến lúc mà Tiến muốn tách rời với chàng. Hai anh em không nói gì với nhau thêm nữa. Bà Tư ngồi ăn cùng cũng không nói gì. Bữa ăn sượng ngắt trong sự u tịch vốn sẵn có của ngôi nhà chỉ có ba người với ba thế giới riêng lẻ. Đêm đó Thái mất ngủ. Thức trắng trong những dằn vặt rất buồn cười của mình. Khi thấy Tiến giận dỗi đẩy mình đi, Thái lại muốn ở lại dù rằng trước đó chàng chỉ muốn đi. Cái ý tưởng bỏ đi và ở lại cứ thế mà giằng co. Mà không chỉ có thế, lại nhiều điều không muốn nghĩ đến lại ùn ùn kéo tới chỉ làm cho Thái thêm mệt mỏi nhức đầu! Bóng dáng bé nhỏ của Huyền thấp thoáng mỗi cuối tuần trong căn nhà như một cánh bướm bay lượn, đậu đó rồi vụt mất như nỗi reo vui ngắn ngủi, không phải cho Thái mà cho Tiến. Trông Tiến mất đi vẻ si dại, có còn chăng nữa chỉ là vẻ si dại do tình yêu mang đến với những háo hức đợi chờ thấy rõ. Đến khi Thái bị ép dậy học toàn thời gian cũng là lúc ý tưởng rời khỏi nơi này đã trở thành một sự thật phải làm. Thái nói với bà Tư: “Công việc dậïy học toàn thời gian quá nhiều thì giờ, mà ở đây lại xa xôi, hàng ngày cứ đi đi về về mệt quá, tôi chắc phải dọn ra phố. Bà cứ ở đây chăm sóc hộ nhà cửa như thường nhé. Không có bà, không biết phải làm sao..! Hay bà có con cháu gì, kéo về đây ở cũng được cho thêm người” Bà Tư rưng rưng nói với Thái: “Thầy cứ đi đi, vài hôm lại về nhé. Thầy đừng đi luôn” Bây giờ lại thêm níu kéo của người đầy tớ trung thành. Bà Tư như một vú em của cả Thái và Tiến. “Không, không có đi luôn đâu. Ở đây cũng còn nhiều việc phải lo chứ. Bà cứ xem như tôi phải ra ngoài ở trọ vì công việc, rồi thỉnh thoảng tôi lại về. Tôi về để còn lo cho bà với em tôi nữa chứ.” Sự thỏa thuận có vẻ như tốt đẹp và nhẹ nhàng hơn Thái nghĩ. Và Tiến đã tách rời khỏi chàng thực sự. Bóng dáng của Huyền đã mang lại cho Tiến một sinh khí, một niềm hy vọng mới. Trong trạng thái tâm lý thay đổi của Tiến, một bộ mặt mới cho căn nhà đang ngoi ngóp cũng bừng sáng hẳn. Cứ giữa tuần thì Thái về thăm nhà, thăm lại người thân, mua bán những thứ cần thiết. Thực phẩm, chợ búa đã có Huyền. Tiến cũng vui vẻ hơn và Thái thầm mong một tình cảm nào đó sẽ nẩy sinh giữa hai người để đưa đến một kết thúc tốt đẹp. Hai, ba tháng trôi qua đều đặn, những người, những sinh hoạt, những phố phường, làm Thái không còn nghĩ đến căn nhà của mình ở ngoại ô, và cả Tiến. Còn Quỳnh Thi, hình như đã lui vào một bóng tối nào đó trong tâm tưởng chàng với nhiều tầng nhiều lớp của đời sống mới đè khuất. Lần nào về nhà Thái cũng mong được nghe bà Tư hay Tiến nhắc đến Huyền trong một vẻ khác như một sự tiến triển, nhưng không, hình như căn nhà quanh năm thiếu nắng! ° Đến mùa hè năm sau khi Huyền ghi tên học thêm để sửa soạn kỳ thi Tú Tài, nàng chọn trúng trường và ngay lớp Thái dậy tư, là lúc mà những đám mây đen bắt đầu kéo đến cùng với mùa mưa của Đà Lạt. Huyền cũng chỉ như những học trò khác học với Thái, có đặc biệt hơn thì cũng chỉ vì nàng là người giúp đi chợ búa cho anh em Thái. Khi Thái về nhà vào ngày thứ năm như mọi tuần, chàng thấy Tiến gầy hẳn. “Em đau ốm gì không Tiến? Có một hai tuần mà thấy em gầy hẳn đi” Thay vì trả lời vào câu hỏi của Thái, Tiến lại hỏi anh với vẻ nửa như gây sự nửa như tra hỏi: “Anh dậy Huyền học à?” Thái hiểu ngay: “Ờ, nó học thêm. Mùa hè mấy bọn nhỏ ghi danh học thêm nhiều lắm. Anh cũng chẳng để ý nữa” Tiến nhìn Thái như muốn dò tìm câu nói “chẳng để ý” của Thái thực hư như thế nào. Thái nhìn thẳng vào mặt Tiến. Họ không chỉ nhìn nhau mà còn đang đối đầu với nhau. Ở giữa Tiến và Thái như có một bức kính trong suốt đang dựng lên. Họ nhìn thấy nhau nhưng phân cách. “Em yêu Huyền.. như yêu Quỳnh Thi!” Tiến nói như một lời thú tội hơn là một cởi mở tấm lòng. Những chữ những lời rất xác quyết được ném ra như ném vào mặt Thái dội lại vào mặt kính vô hình, rung chuyển với những chấn động ngân vang trong tai chàng. Ba chữ đầu làm Thái dễ chịu vì những phỏng đoán của mình là đúng, nhưng ba chữ sau như một nhát dao chém vào ngực chàng làm vỡ những mảnh bọc bên ngoài mà trước giờ Thái thấy an toàn, lộ ra những nghi kỵ đớn đau khắc khoải làm chàng không nói nổi một lời nào. Vẫn giọng điệu đó, Tiến trước mặt Thái như đang hóa thân thành một kẻ nào đó mà chàng chưa từng biết đến. Tiến không còn là đứa em yếu đuối nương dựa vào chàng nữa. Cái con người đó đang trồi lên, rũ bỏ cái lớp ngoài khờ dại nhút nhát. Mắt Tiến long lên sáng ngời và thách đố: “Em mất Quỳnh Thi rồi, em không muốn mất Huyền nữa” Thái như đang bơi trong những nhận chìm của giông bão, chàng cứ vừa cố ngoi lên lại bị những cơn sóng từ ngay trong tim mình trào ra phủ chụp lấy. Cái chết của Quỳnh Thi hơn lúc nào hết hiện lên rõ ràng giữa khoảng cách của hai anh em. Thái không nhìn thấy Quỳnh Thi đứng cạnh bên cây mimosa với hoa vàng trong nắng. Giữa Thái và Tiến là Quỳnh Thi với khuôn mặt dập nát, đôi mắt mở lớn đầy vẻ hoảng sợ và kinh ngạc. Đó là hình ảnh cuối cùng của nàng mà Thái muốn tìm cách xóa hẳn khỏi trí nhớ chàng. Thái đứng đó, nhìn Tiến như trong một giấc mơ với sự bất lực của mình. Chàng không muốn những hồ nghi của mình được giải đáp. Đấy là những nghi kỵ cần phải diệt bỏ như một thứ thuốc độc đang tìm cách len lỏi vào trong Thái. “Anh đừng để em mất Huyền nữa” Câu nói của Tiến nghe mơ hồ như ở nơi nào xa lắm giống như trong một cơn mộng dữ nửa thật nửa giả. Thái hình như có mấp máy miệng mà không nghe thấy chút âm thanh nào. Chàng đứng đó với những mảnh vụn của tấm kính vô hình ngăn đôi hai anh em rơi vỡ phủ đầy chân như muốn chôn chàng xuống mặt đất. Những mảnh kính sắc nhọn vô hình ấy đang châm chích Thái như bắt chàng phải nhỏ từng giọt máu, nhưng chàng bất lực ngay cả trong cử động của mình. Tiến bỏ đi vào phòng, không nói thêm lời nào. Nó đã nói hết. Còn gì phải nói nữa? Khi đã trấn tĩnh hơn, Thái nói qua loa với bà Tư mấy câu, không dùng cơm và đi về ngay. Chàng muốn chạy trốn những điều đang ám ảnh và bóp nghẹt chàng. Làm như hành động rời khỏi căn nhà ngay lúc này là một việc đường đột nhưng dứt khoát mà ở vào thời điểm khác Thái không đủ can đảm để vượt qua. Căn gác trọ mới tinh chưa mang một dấu ấn và kỷ niệm nào trống rỗng và lạnh lùng lại trở thành một cái phao để Thái bám lấy. Thái cũng không ngờ là mình lại khóc được giữa những vách tường hãy còn trắng xóa. Hay những giọt nước vừa ứa ra đó đã theo một lỗ hổng nhỏ xíu trong trái tim chàng nhỏ ra? Chàng rũ ra như một thân cây đã bị rút hết nước. Thái muốn xua Quỳnh Thi ra khỏi đầu mình, đẩy hình ảnh đó xuống lòng giếng trên đỉnh đồi và dùng nắp đậy chặt kín lại. Nhưng Tiến đang gỡ tung cái nắp ra trong sự ngạo nghễ đầy tuyệt vọng của nó! Có phải Tiến đã đẩy Quỳnh Thi xuống giếng để chiếm đoạt riêng cho mình? Câu hỏi này sẽ không bao giờ được trả lời như những lần vừa chớm lên đã bị Thái gạt ngang. Đó là những hồ nghi đáng bị nguyền rủa và không thể chấp nhận được. Nhưng nó cứ nằm đó, chỉ chờ cơ hội là lại dấùy lên. Thái muốn nguyền rủa cả chính mình! Lần này nước trong trái tim chàng ứa ra nhiều hơn, hay vì lỗ thủng càng lúc càng lớn hơn? Đến sáng, không biết có phải là ngày hôm sau hay không vì Thái mất đi ý niệm về thời gian, chàng thấy không còn chỗ nào cho mình ở thành phố này nữa. Phải đi thôi. Đi để sống và làm một cuộc đời, con người khác, đoạn tuyệt với những gì đã qua. Hay đấy chỉ là những giả trá đau thương biến hình? Hãy gọi đó là bất cứ thứ gì nhưng đừng nhân danh tôi để tự đày đọa tôi nữa! Thái lẩm bẩm với những bức tường trống trơn đang câm nín kia. ° Mấy tuần sau Thái mới trở lại về nhà khi đã thu xếp xong mọi sự cho việc di chuyển về Sài Gòn. Bà Tư buồn rầu nhưng không giữ Thái. Tiến không tỏ phản ứng nào rõ rệt, làm như đấy là chuyện không dính líu gì tới nó. Khi Thái bảo: “Có lẽ chúng ta đã ở bên cạnh nhau quá lâu. Em cũng cần một đời sống riêng, anh cũng vậy. Thỉnh thoảng anh sẽ về. Công việc ruộng nương cho thuê thu góp thế nào, anh nhờ cả hai bố con chú Bình. Họ sẽ lo và mang lên cho em, chỉ trả công cho chú ấy” Tiến chỉ đáp: “Anh tính sao cũng được” Thái không mang theo một cái gì thuộc về chàng trong căn nhà này. Chàng để lại hết như muốn chôn vùi mọi sự. Thái cũng không ở lâu, làm như sợ rằng một chuyện gì đó sẽ đột ngột xảy ra làm chàng thay đổi hết mọi dự tính. Khi ra cửa, Tiến đi theo. Cái bóng im lặng đó đi bên cạnh Thái xuống đến tận cổng gỗ. Tự dưng Thái thấy thương em. Suýt nữa chàng đổi ý! Vài giây chần chờ giữa một khoảng cách hẹp, bỗng dưng Tiến nắm vai Thái, một đụng chạm nhẹ nhưng bất ngờ làm Thái muốn chết ngộp trong bao tình cảm mâu thuẫn. Chàng không tìm được lời nào nói với em. Miệng môi chàng như câm nín. Rồi một cái gì thật thiêng liêng, thật ấm áp từ trong Thái làm chàng cũng quàng tay bóp mạnh vai em như truyền hết cả những tình cảm và sức mạnh cho Tiến. Cả hai không nhìn nhau. Trèo lên xe, rồ máy, Thái lái xe gắn máy thẳng xuống dốc. Gió tạt vào mặt Thái như mơn trớn giã từ. Chàng cầu mong Huyền sẽ yêu Tiến để không có một thảm kịch nào sẽ xảy ra trên khu đồi núi hoang vu này. Hay tất cả chỉ là sự tưởng tượng hồ nghi của Thái? Có lẽ vậy! Hãy mong thế! Mặc Bích