au mấy ngày bị cảm mạo tối nay tôi cố làm cho xong mớ giấy tờ tồn đọng trong tuần vừa qua. Khi công việc đâu vào đó trời cũng gần khuya, định bụng vào youtube nghe một vài bài bản nhạc thư giản nhẹ nhàng rồi đi ngủ. Nhấp chuột chọn một cái tên ngẫu nhiên trong một dãy có chủ đề hòa tấu nhạc cổ truyền . Những bài hát cứ nối tiếp nhau tan chảy vào không gian tĩnh mịch theo trình tự, cho tới khi một bài quen thuộc được vang lên. Bản nhạc này chẳng xa lạ gì với tôi thậm chí là với tất cả mọi người . Vậy mà vào lúc này đây, khi đang ̣đứng đối diện với khoảng không ở ban công. Những cung bậc tưởng chừng như quen thuộc chợt trở nên rất lạ. Tếng sáo réo rắt điêu luyện của người nghệ sĩ như kéo tôi trôi ngược về một thời xa xôi bé thơ . Ngay thời khắc ấy trong đầu tôi liên tưởng đến khuôn mặt của một người mà từ lâu tôi quên lãng như vô số thứ chẳng cần thiết phải nhớ giữa cuộc đời bề bộn. Tôi không nhớ năm đó mình bao nhiêu tuổi cũng như tới tận bây giờ không biết người đàn ông đó tên họ đầy đủ là gì, từ đâu đến. Dễ hiểu thôi bởi ông ta là một kẻ khùng. Ông sống bằng những thức ăn thừa của hàng cơm, hủ tiếu ngoài chợ. Có nơi tốt bụng để những dĩa thức ăn mà người ta ăn không hết ở một góc phía sau bếp cho ông lại lấy ăn. Cũng có những nơi chủ quán vừa thấy bóng ông từ xa là họ xua đuổi vì lo ông làm thực khách của họ sợ hãi . Buổi tối ông ngủ trong ngôi nhà mồ của ông Cả Thượng nằm ở cuối xóm tôi .Ông không có mối liên hệ nào với gia đình tôi nhưng tên ông được nhắc nhở hằng ngày. Chắc hẳn những bạn bè tôi cùng tuổi ở quê vẫn còn ấn tượng cái tên ấy. Ông ta từng là nỗi khiếp sợ của lủ trẻ con trong xóm. Ngày đó vào những buổi chiều khi tôi ỏng a, ỏng ẹo ngậm cơm trong miệng mà không chịu nuốt. Chỉ cần Dì tôi bảo một câu: Không ăn gọi ông Á vào cho ổng ăn hết . Tức thì tôi nuốt lấy nuốt để, ánh mắt sợ sệt cứ ngó ra ngõ như thể nhân vật đó sẽ xuất hiện . Em trai tôi đang khóc tỉ tê chỉ cần mẹ tôi bảo: ông Á tới kìa , đảm bảo em nít khóc ngay. Không riêng hai chị em nhà tôi mà đám con nít đứa nào đứa nấy sợ ông Á như sợ cọp. Chẳng phải ông ta có ba cái tay hay bảy cái đầu chi hết. Giống bao người điên khùng khác ông ta thường lảm nhảm khi đi ngoài đường. Trên người luôn khoát những cái áo mà chẳng ai dám mặc, đầu tóc thì nhếch nhác, bẩn thỉu, hôi hám. Ngay cả cái tên Á là do thỉnh thoảng ông ta hay gào thét âm thanh ấy trong lúc lên cơn khùng nên người ta lấy tên đó mà gọi. Nhưng ông Á hiền lắm nhiều lúc đám con nít lớn một chút chạy theo la hét chọc ghẹo ông khùng ông cũng không làm gì phương hại chúng. Chỉ cố bỏ chạy thật nhanh mà thôi. Vậy mà một lần đám thanh niên choai choai uống ba mớ rượu gọi '' đồ khùng '' thì ông nhào vào đấm đá, cào cấu. Hậu qủa ông bị mấy thằng nhóc đó xúm lại đánh hội đồng một trận tím mình tím mẩy. May thay lúc đó cha tôi đi ngang thấy vậy mới can ngăn và kêu ông Á đi theo mình về nhà tôi. Bữa đó mặc kệ mẹ tôi cằn nhằn cha tôi vì nhiều lý lẻ nguyên do. Mẹ bảo nhà toàn đàn bà nhỡ ông ấy lên cơn xách dao chém chết thì làm sao. Hoặc lỡ đêm hôm ổng trúng gió chết trước nhà thì mình mang họa hay lo xa ổng quen tật sẽ tìm tới vào lần khác . Cha tôi vẫn lẳng lặng soạn một cái gối và mềm cũ kêu ông ta ngủ ở cái chỏng che nằm phía trước hiên nhà tôi. Lạ một điều cha tôi gọi ông Á bằng anh hẳn hoi và rất nhỏ nhẹ, ân cần với ông trong cách nói chuyện.Đúng thôi nhìn cũng biết ông nhiều tuổi hơn cha tôi dù tôi không biết chính xác con số hơn ấy là bao nhiêu. Cha tôi đưa thuốc xức vết thương cùng gói thuốc lá cho ông . Dặn dò thêm đôi ba câu gì đó trước khi vào nhà trong đi ngủ . Ông rút lấy điếu thuốc vừa hút vừa trả lời cha tôi bằng cái giọng cụt ngủn, nhát gừng nhưng không hề ra vẻ bị khùng điên như thường ngày . Sáng hôm sau, Dì tôi thập thò mở cánh cửa trước để quét sân như thường lệ thì ông Á đã bỏ đi từ khi nào. Mền gối được xếp ngăn nắp và để một góc rất gọn gàng. Sau lần đó ông Á ghé nhà tìm cha tôi thường xuyên. Thỉnh thoảng ông ta chẳng nói câu gì có khi mấp máy hỏi mẹ tôi '' Tư...? '' khi nghe mẹ tôi trả lời đi làm chưa về ông lẳng lặng bỏ đi. Vài lần sau chẳng biết cha tôi dặn dò thế nào hễ thấy bóng ông thì mẹ tôi liền lấy bao thuốc lá của cha tôi để trên đầu tủ và đưa cho ông. Ông mở ra và rút một hai điếu và bỏ đi không bao giờ lấy hết chổ thuốc mẹ tôi đưa. Thỉnh thoảng thấy ông đứng chần chừ mẹ tôi biết ý chạy vô nhà bếp bới cho ông một tô cơm cùng món ăn mà nhà tôi đang ăn hôm đó. Ông ngồi góc thềm ăn xong rồi lại bỏ đi, đôi ba lần tôi nghe tiếng cám ơn lí nhí từ ông. Dần dà như thế hai chị em tôi bớt sợ ông, dù vẫn núp ở cột nhà nhìn nhất cử, nhất động của ông. Một lần cha tôi về mang theo một ống trúc dài dài thon thon mà sau này tôi mới biết là cây sáo . Không lâu sau những đêm thanh vắng trong không gian yên tĩnh vang lên những giai điệu rất réo rắt, da diết. Vùng quê nghèo đã đủ buồn bã bây giờ hòa với tiếng côn trùng nỉ non tiếng réo rắt đó nghe càng nao lòng. Có lần tôi hỏi Dì những âm thanh đó xuất phát từ đâu Dì tôi bảo là tiếng sáo trúc do ông Á thổi. Tôi ngày đó còn nhỏ qúa không biết chi về nhạc, càng không biết phân biệt hay dở. Hoặc làm cách nào có thể khiến ống trúc đó phát ra âm thanh . Chỉ mơ hồ thắc mắc là sao ông khùng đó lại có thể tạo ra thứ âm thanh kỳ lạ như vậy. Từ lúc nào những giai điệu ấy đi vào giấc ngủ thời con nít của tôi, đọng lại trong tôi cái gì đó rất đặc biệt ấn tượng. Đến tận khi lớn tôi mới hiểu sở dĩ như vậy là do ông ta thổi đi, thổi lại chỉ duy nhất vài bài hát như nhau trong suốt ngần thời gian. Tôi rời khỏi Việt Nam rồi tôi lớn lên như một lẽ tất nhiên. Cuộc sống gia đình tôi vẫn yên ả trôi. Ông Á thỉnh thoảng vẫn ghé tìm cha tôi nhưng do tôi ở xa lâu lâu mới về nên cũng chẳng mấy nhớ tới ông ta nữa. Một đêm khi cha tôi ngồi uống trà trước hiên nhà. Chợt tiếng sáo quen thuộc ngày cũ trỗi lên. Tôi đã 18 tuổi xem như hiểu biết chút ít về chuyện người, chuyện đời . Tôi lúc đó biết một ít nhạc lý nên tôi nhận ra được tiếng sáo ấy chưa hẳn hoàn hảo về mặt kỷ thuật. Tôi cũng dễ dàng nhận ra đó là những bản nhạc Con Thuyền Không Bến, Giọt Mưa Thu, Tiếng Xưa...những bài hát thuộc dạng xưa cũ khởi điểm cho dòng tân nhạc của Việt Nam. Tôi bèn đem những thắc mắc ngày cũ ra hỏi cha mình. Trầm ngâm một chút cha tôi kể lại câu chuyện của người đàn ông ấy . Ông Á có cái tên rất đẹp là Hải Đăng, con út của một gia đình giàu có trên Sài Gòn. Ông vốn là cháu chắt của ông Cả Thượng, cha tôi nói ngày xưa những đất đai chung quanh đều là của dòng họ ông ấy. Ông Á ngày trẻ chẳng những được ăn học hẳn hoi mà còn học rất giỏi . Ông đẹp trai biết nhảy đầm, rành âm nhạc là một tay chơi sành điệu khiến bao cô tiểu thư Sài thành mê đắm. Một lần ông về thăm quê Ngoại ở Bến Tre. Trời cao xui khiến thế nào ông gặp được cô thôn nữ con ông thầy giáo làng nơi miệt vườn Cái Mơn . Chẳng biết cô ấy nhan sắc ra sao, dịu dàng tới đâu mà ông đâm ra say như điếu đổ rồi thì không buông được ra. Lúc đầu gia đình ông nghĩ hẳn đây là một trò chơi ái tình mới của ông, tìm chút hương vị lạ đồng quê rồi ông sẽ nhanh chán chê. Nhưng tới khi ông ngỏ lời xin má mình cưới cô gái đó thì gia đình mới bật ngữa. Dĩ nhiên với những người theo lề lối môn đăng hộ đối ăn vào máu như gia đình ông thì làm sao mà chấp nhận một cô con dâu nhà quê nghèo hèn như thế được. Ông lại còn là một cậu con trai xuất sắc nhất mà họ kỳ vọng khi mà tương lai đi du học ở Tây ở Mỹ của ông sẽ đến vào nay, mai. Sóng gió nổi lên ngay, người nhà ông làm theo những phương cách cổ điển thường thấy. Ngoài cấm cản những chị gái của ông còn kéo nhau xuống tận nhà xỉ nhục, mạt sát gia đình cô gái kia bằng những lời lẽ khó nghe. Nhưng mặc kệ mọi sự phản đối ông vẫn nhất quyết bảo vệ tình yêu của mình. Cuối cùng họ nghĩ ra được một cách xưa cũ nhất là ép gia đình vào chuyện đã rồi theo cái kiểu nhà quê gọi chém trước tâu sau . Ông dẫn thôn nữ bỏ trốn đi đâu không ai biết, chỉ biết khi ông dẫn về thì bụng cô ta lùm lùm không thể nào che giấu vào đâu. Chẳng cần hỏi đầu trên xóm dưới cũng hiển nhiên hiểu tác giả cái bụng là ai. Trước sức ép đàm tiếu của dư luận, gia đình ông không thể nào xoay mặt ngó lơ. Cái bụng đã qúa lớn xóm làng đều biết nên dù cho họ nghĩ tới những phương pháp ác độc nhất như loại bỏ cái thai cũng không thể thực hiện được. Má ông nhượng bộ đồng ý nhìn nhận cô gái đó cùng đứa bé trong bụng với điều kiện. Sau bữa tiệc nhỏ gọi là ra mắt thay cho lễ cưới ông vẫn phải sang Mỹ du học như đã định. Không được vì tình cảm riêng tư mà gián đoạn con đường tương lai họ đã dọn ra. Ông sang Mỹ được ba tuần một đêm mưa gió cô gái kia quyên sinh bằng một liều thuốc chuột ngay trong căn phòng cưới còn ấm hơi hướng tình yêu . Có người bảo cô tự vẫn do không chịu nỗi sự cay nghiệp theo kiểu thâm cung nội chiến, của mẹ và những bà chị chồng với miệng lưỡi ăn nói như thể đâm vào tim người khác. Có người nói tại do nhất thời tuyệt vọng mà nghĩ quẩn. Cũng có người bảo cô ta bị bức tử, bằng chứng là gia đình cô đã vác đơn đi kiện cáo. Nhưng rồi cũng lâm vào cảnh con kiến mà kiện củ khoai. Làm sao mà có thể giành được phần thắng trước gia thế và tiền bạc của gia đình ông . Thật hư ra sao chắc chỉ có những người trong cuộc là biết rõ..Khi nhà chức trách bát bỏ đơn và phán rằng cô ta chết do tự sát.Gia đình cô cũng bỏ làng bỏ xứ mà đi. Một tháng sau ông được đưa từ Mỹ trở về với lý do bị thần kinh. Khác với ngày đi vui vẻ phong độ trong niềm hân hoan đưa tiễn của mọi người. Ngày về ông không còn nhận biết là ai, ngoài lảm nhảm cào cấu xé quần áo. Những lúc lên cơn ông như con thú hoang gào thét đập phá lung tung khiến người nhà phải trói ông lại. Người ta lại tiếp tục đặt ra những nghi vấn mới về bệnh trạng của ông. Có người nói ông phẩn uất, đau thương vì cái chết của người vợ trẻ. Có người lại bảo ông bị chích một loại thuốc độc cho thành khùng điên. Kẻ thủ ác không ai xa lạ vốn là tình địch ngày cũ của ông, đang sinh sống tại Mỹ, để trả mối hận lòng. Người ta đồn đãi lúc trước người đàn ông thủ ác đó si mê một cô tiểu thư đài các con nhà danh giá. Nhưng cô gái ấy được nhắm cho ông Á vì gia thế ngang vai phải lứa.Trên hết là cô ta mê đắm anh chàng con nhà giàu đẹp trai, hào hoa hơn một kẻ thường thường bậc trung .Nên thẳng tay chà đạp mối tình si được dành cho mình. Câu chuyện đó có thật hay chỉ là thêu dệt cũng không ai biết chính xác. Nhưng có một điều ông Á bị khùng là sự thật. Gia đình ông chạy thuốc nhiều nơi từ đông sang y, cầu cạnh nhiều vị bác sĩ, lương y nổi tiếng, tốn nhiều tiền của công sức. Sau một thời gian bệnh tình giảm bớt phần nào . Đầu năm 1975 trong chuyến về thăm viếng bên nội ở miệt Tam Bình, Vĩnh Long nhân dịp tết cổ truyền. Chiếc xe hơi của cha mẹ ông bể bánh trước lao xuống một ụ dốc ven đường rồi bốc cháy. Ba ông chết tại chổ, mẹ ông cũng qua đời vài ngày sau vì vết thương qúa nặng. Không lâu thì tới tháng 4/1975 cùng với những biến chuyển thay đổi. Người nhà ông hòa vào dòng người di tản đi khỏi Sài gòn và biệt tích từ đó . Nhà cửa bị biên chế, tịch thu .Ông được hai người em họ tốt bụng cưu mang đem ông theo cùng về quê nội. Sau đó những người em của ông cùng gia đình họ lần lượt vượt biên đi tìm vùng đất mới.Họ còn sống hay đã chết, tới được nơi họ muốn hay ngủ yên dưới lòng biển, cũng không một ai biết được hay có tin tức chi . Ông bị vứt ra lề xã hội như một lẽ tất nhiên. Do họ đưa ông tới xứ tôi và bỏ lại trước khi họ ra đi. Bởi họ nghĩ dù gì nơi đây cũng là khu dân cư gần chợ. Chí ít ông có nơi trú thân tránh được mưa nắng ở ngôi nhà mồ của tổ tiên là ông Cả Thượng . Kế tiếp ông có thể tìm được miếng ăn không bị chết đói thay vì ở tận trong đồng ruộng hoang vắng như bên Tam Bình. Hay ông Á tự lần mò đi tới vào những lúc trí óc tỉnh táo cũng không ai biết. Cha tôi biết được câu chuyện trên do từng học chung vài lớp với em họ xa của ông Á thời còn trẻ. Người em họ của ông Á cuộc sống cũng đủ ăn, đủ mặc đôi khi xót chút tình thân muốn đem ông Á về cưu mang nhưng lực bất tòng tâm. Ông ta sống bên nhà vợ, bà vợ thuộc dạng miệng bằng tay, tay bằng miệng. Đàn bà có những cái nhỏ nhặt ích kỷ rất riêng của họ khó mà trách được. Người em ấy đành nhờ cha tôi nhìn ngó giúp ông Á. Vào dịp thanh minh ông ta qua tảo mộ ông Cả Thượng. Ngoài xách theo một vài món ăn hay ít thịt heo quay cùng vài xị rượu chén tạn chén thù với anh họ mình thì ông ta không giúp đỡ được gì hơn. Lúc đầu người xứ tôi còn e dè nhưng thấy ông Á không phá phách hay làm hại ai nên họ an tâm phần nào . Những lúc trời nắng hay lên cơn ông ta đi lang thang lảm nhảm hoặc gào khóc ngoài mả ông Cả Thượng chứ không làm phiền gì chòm xóm. Dần dà có cái quần, cái áo cũ họ mang cho ông, nhà ai có đám tiệc cũng cho ông ta một ít đồ ăn. Ông sống mười mấy năm như thế bằng tình người của những kẻ xa lạ. Vài ngày sau vào buổi xế chiều khi cha tôi ngồi trên chõng che trước hiên nhà còn tôi đang nằm đọc sách ở cái võng cách đấy không xa . Thấy bóng ông Á thoáng qua đầu ngõ cha tôi gọi với vào kêu ông ta ghé hút điếu thuốc. Được chừng một chút cha tôi vào nhà mang hai lon bia và một ít đá cục rót ra hai cái ly nhỏ và cùng uống với ông. Thời đó bia là thứ xa xỉ và đắt đỏ so với thu nhập của người nhà quê dù chỉ là những thương hiệu trong nước chớ chẳng phải chi cao sang. Tôi ở xa lâu lâu về thương cha muốn tỏ chút hiếu thuận nên tôi thường mua hẳn một thùng để tặng cha uống cho vui vào những dịp nông nhàn . Ông Á bưng ly bia cha tôi mới rót đầy uống ực phân nửa, khi để ly xuống chõng tre ông vẫn nói cái kiểu từng chữ như ngày cũ: '' Ngon ''. Mới vừa nghe cha kể câu chuyện của ông vào mấy hôm trước nên tôi bắt đầ̀u quan sát ông bằng sự tò mò của mình. Tôi nhìn mái tóc có rất nhiều sợi bạc, gương mặt sạm sương gió, thân hình gầy gò khắt khổ. Tuy bây giờ ông ta không ăn bận lôi thôi, hôi hám như xưa. Nhưng vẫn là cái cách ăn bận không đành cho người bình thường. Tôi cố hình dung người đàn ông sắp lên hàng lão trước mặt mình một thời từng là bạch mã hoàng tử của nhiều cô gái. Nhưng đành chịu chẳng còn sót lại gì cả dù một chút đường nét như tôi tưởng tượng. Đúng lúc đó có tiếng mẹ gọi cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi . Mẹ nhờ tôi bưng dĩa khô nướng lên cho cha, do mẹ đang lỡ tay dưới bếp. Bưng tới chõng che sau khi đưa dĩa khô cho cha . Tôi bỏ cuốn sách trên tay mình xuống với tay rót ly nước trà ở cái bình đặt gần bên. Ngay lúc đó tôi thấy ông Á nhìn chầm chầm vào cuốc sách tôi vừa bỏ xuống. Không nén lòng được tôi hỏi ông là biết truyện đó hả. Ông ta lắc đầu nhưng miệng vẫn đọc một cách rành rọt The Thorn Birds khiến tôi rất ngạc nhiên.Tôi nói thêm vài câu là cuốn sách ấy rất hay và được nhiều người yêu thích . Ông hình như không quan tâm lắm lời tôi nói, chỉ đưa bàn tay có những móng cáu bẩn lật trang sách đầu tiên . Ông đọc chầm chậm vài câu ngay ở phần giới thiệu tác giả, tác phẩm. Không suông sẽ lắm về phát âm cũng như sai khá nhiều chữ . Chợt ông xếp lại không đọc nữa ngước mặt lên nhìn cha tôi và tự chỉ vào đầu mình cùng câu nói: '' nhức đầu lắm ''. Cha tôi nhìn tôi như ngầm hỏi những cái ông đọc có đúng không. Tôi gật đầu xác nhận mặc dù không chuẩn xác, không lưu loát gì cả nhưng bấy nhiêu cũng đủ chứng minh ông từng có học Anh Ngữ. Bao nhiêu năm mà ông còn nhớ được mặt chữ như vậy thì khả năng ngoại ngữ ngày trước của ông hẳn là không hề tồi. Vài năm sau cha tôi mất vì căn bệnh ung thu. Do ỷ y vào sức khoẻ của mình cha tôi không mấy khi đi kiểm tra hay tới bác sĩ. Để rồi từ ngày phát bệnh tới ngày mất không được một tháng. Gia đình tôi dĩ nhiên là tìm mọi phương cách tốt nhất để cứu vãn tình hình. Tôi cũng cấp tốc làm thủ tục để đưa cha mình sang nước ngoài với hy vọng y tế có thể kéo dài sự sống cho ông. Nhưng tất cả mọi phương pháp đều không thể giúp ích được gì. Tế bào ung thu phát triển rất nhanh không gì ngăn cản được. Đám tang cha tôi đông người tới viếng, chia buồn, tôi cũng tổ chức đúng nghi lễ kèn trống cần thiết như một sự an ủi chuyện ra đi sớm của cha. Ông Á có tới mỗi ngày nhưng ông không vào cúng như nhiều người , cũng không vào thắp nhang dù được vài ông bác dạy là nên làm thế. Ông chỉ đứng ngoài ngõ nhìn vào di ảnh, la hét gào hú những âm thanh vô nghĩa. Một người dì họ của tôi ngoắt ông vào phía sau bếp và múc thức ăn cũng như cơm bảo ông ăn như thông lệ. Ông không nói không rằng sớt phân nửa chén cơm vào tô canh. Phân nửa cơm còn lại ông gác đũa ngang hướng về phía nhà trên đang có linh cữu của cha tôi xá xá. Rồi thì ông vừa ăn vừa sụt sùi khiến mấy người họ hàng nhà tôi mủi lòng đồng thời khóc oà lên. Đêm cuối cùng chờ sáng để đưa cha tôi đi an táng. Khi những người lễ nhạc đã đi ngủ, tôi một mình ngồi cạnh quan tài canh chừng những ngọn nến đang cháy chung quanh không để chúng tắt đi. Tôi nghe lẫn trong gió từ hướng mộ ông Cả Thượng tiếng sáo réo rắt quen thuộc. Tôi đã nghe qúa nhiều lần những bản nhạc đó do ông Á thổi hằng bao nhiêu năm nên chẳng thấy lạ lùng gì. Nhưng đêm hôm đó trong khung cảnh tang chế tôi nghe sao mà nó thảm thiết nó đau xót tới như vậy. Tôi từng đi chia buồn nhiều đám tang cũng chứng kiến không ít cái chết. Nhưng chỉ khi đối diện với nỗi đau mất đi đấng sinh thành người ta mới thực sự nếm mùi vị của sự mất mát.Mất đi một người mình yêu qúy mới hiểu có những nỗi đau như thấu tận tim gan. Tôi đưa mắt nhìn mẹ nằm co ro mõi mệt ở một góc nhà sau bao ngày nuôi bệnh chồng. Tiếng khóc nho nhỏ của mẹ tôi vẫn vang lên đều đều, cậu em trai hốc hác ngồi cạnh, nước mắt không ngưng chảy. Tôi thấy mình hiểu hơn bao giờ hết những thứ người ta gọi sầu nhân sinh hay đời phù du. Người mất không biết họ có tới được chốn cực lạc, thiên đường như người ta hay nói không. Nhưng ít nhất họ chẳng chịu đau buồn nữa. Chứ người ở lại còn thở thì thống khổ vô cùng khi nỗi đau được nhân lên gấp đôi, gấp ba. Tôi nhớ khi còn sống cha tôi thường bảo ông Á chỉ thổi sáo những khi thấy buồn hoặc khi đầu óc thoáng tỉnh táo trong phút giây. Tôi thầm hỏi đêm nay ông thổi do thấy buồn vô tình ngẫu nhiên trùng hợp vào đêm cuối của cha tôi. Hay là ông thổi có chủ ý như đưa tiễn một người đã chia sẽ với ông năm, ba điếu thuốc cũng như chưa bao giờ coi ông là một kẻ khùng. Vài năm nữa lại trôi qua theo trình tự thời gian, những lần về Việt Nam tôi ít nghe thấy tiếng sáo ngày cũ. Năm khi mười họa thoáng nghe một đoạn chừng nửa bản thì tắt lịm. Giai điệu rời rạc khác xưa, tôi cũng ít thấy ông Á đi ngang ngõ nhà mình như thuở trước. Tôi hỏi mẹ thì mẹ bảo ông già rồi,thêm vào những bệnh tật thông thường của kiếp người sao bao năm phong sương thiếu thốn. Mẹ bảo ông chỉ quanh quẩn ở trong nhà mồ ông Cả Thượng thôi ít đi lang thang như trước. Chòm xóm thương tình ngày hai buổi mang ra cho ông khi tô cơm lúc chén canh hoặc vài viên thuốc thông dụng. Người em họ của ông từ lâu rồi không qua tảo mộ nữa vì lý do chi chẳng ai biết. Tháng năm vẫn tiếp diễn tôi chạy đua với cuộc sống như bao nhiêu người giữa những cơm áo, ước mơ, mục tiêu. Theo lẽ tự nhiên tôi quên lãng nhiều người nhiều điều trong vòng quay đời. Cho tới một hôm lúc tôi gọi điện thoại về Việt Nam trò chuyện thăm hỏi mẹ và ngoại. Sau khi kể đôi ba câu chuyện mẹ tôi nói với tôi ông Á chết rồi, mới chôn vào tuần trước. Mẹ nói ông chết vào thời gian nào hay bị bệnh gì thì không ai biết. Buổi trưa như thường lệ một người trong xóm mang tô cơm ra cho ông thì thấy xác ông nằm còng queo nơi mả ông Cả Thượng kiến bu đầy hai con mắt. Xóm làng mỗi người góp một chút hảo tâm mua cái quan tài loại rẻ tiền rồi mang ra chôn ở nghĩa địa đầu làng , không kèn, không trống cũng chẳng ai đưa tiển. Mẹ tôi thở dài bảo rằng lúc ghi mộ bia cho ông, không ai biết ông tên họ thật là gì sinh năm mấy. Khi bên kia đầu dây mẹ tôi tiếp tục ca cẩm số kiếp gì mà khổ thế thì tôi lại nghĩ khác. Tôi cho rằng sự chết ấy là giải thoát là nhẹ nhàng của một kiếp người phải chịu nhiều đau khổ như ông. Ít ra ông vẫn không chịu đau đớn nhiều như một vài tình trạng mà tôi biết theo cái kiểu chết không xong mà sống thì chẳng ra sống.Nếu có niềm hy vọng vào đức tin tôi mong là có kiếp sau và tự an ủi ở kiếp đó của ông sẽ tốt đẹp hơn. Đêm nay, khi những cơn gió đầu Đông đang thổi làn hơi lành lạnh trong không gian. Tiếng nhạc lãng bãng như muốn hoà quyện vào sương đêm. Với khả năng điêu luyện, nhạc lý vững vàng người nghệ sĩ đã phả toàn bộ linh hồn vào từng bài hát một cách thuần thục . Cộng thêm sự trợ giúp của vài thiết bị điện tử về âm nhạc thời nay khiến giai điệu như mê hoặc, quyến rũ hơn.Sẽ rất khập khễnh nếu tôi đem ra so sánh với những tiết tấu mà tôi nghe ngày xưa từ cây sáo trúc của ông Á. Nhưng sao tôi vẫn thấy hình như nó thiếu một cái gì đó mà tôi không tài nào lý giải nổi hay gọi thành tên. Phải chăng là nó thiếu cái mà cố nhạc sĩ tài hoa Đặng Thế Phong từng viết vào những tháng ngày hấp hối của cuộc đời: Dương thế bao la sầu... Song Nhi