ho John và người đã cưu mang anh Người đàn bà đưa tay lần mò tìm nút bật đèn ở đầu giường. Ánh sáng vàng leo lét từ ngọn đèn 40 watts tỏa một ánh sáng yếu ớt nhưng làm ấm căn phòng lạnh lẽo. Bà ta chậm chạp chống tay ngồi dậy. Hơi rùng mình và so vai lại, người đàn bà nheo mắt nhìn chiếc đồng hồ treo trên vách tường: 1 giờ sáng! Chiếc kim đồng hồ chậm chạp nhích từng khoảng trên mặt tròn của đồng hồ như những chuyển mình của bà lão 80 tuổi. Dù trong ánh sáng lù mù của ngọn đèn nhỏ người ta vẫn có thể nhìn thấy những vách tường dán giấy hoa cũ kỹ, nhiều chỗ đã bong ra để lộ những khoảng trống trơ trẽn và tồi tàn. Mặc dù ở trong nhà nhưng lúc nào bà Rosado cũng mặc hai ba lớp áo để tiết kiệm bớt tiền sưởi trong mùa Đông. Máy sưởi chỉ thỉnh thoảng mới chạy sịch sịch, hà chút hơi ấm như con ngựa già lẽo đẽo trên đường vắng cố lê tấm thân còm cõi để chốc chốc lại thở phì ra, trút bớt gánh nặng nhọc trên lưng. Bà quơ chân tìm dép trên mặt thảm cứng nhắc. Bà đặt chân một lúc trên đôi dép để bàn chân ấm áp quen dần với cái lạnh. Không biết hôm nay trời có tuyết không? Tối hôm qua bà không muốn xem mục tiên đoán thời tiết vì nó chỉ làm bà mất ngủ nếu chẳng may gặp thời tiết xấu. Mỗi sáng sớm Thứ Năm bà đều thức dậy vào lúc 1 giờ để sửa soạn đi thăm John. Bà dường như quên hẳn những đau nhức đêm qua do chứng tê thấp gây ra suốt bao năm nay. Ngày Thứ Năm trong tuần là ngày bà vui nhất. Bà vừa rửa mặt vừa nhìn bóng mình trong gương. Hình ảnh phản chiếu trong tấm gương kia là mình đó à? Ngày hôm nay đột nhiên bà thấy như mình đang nhìn một kẻ xa lạ nào đó! Hai đuôi mắt bà sụp xuống, những phần da hai bên má đổ tụ lại cả về chính giữa khuôn mặt được phân ra bởi cái mũi hơi lớn làm thành hai vệt dài mệt mỏi. Còn cái miệng nữa kìa! Bà cố nhếch mép để tạo một nụ cười. Nhưng nụ cười không ra cười, mà nó cũng chẳng làm cho khuôn mặt bà tươi lên chút nào trái lại chỉ làm khuôn mặt già nua thêm gượng gạo buồn phiền! Bà đưa tay kéo làn da hai bên mang tai để thử tìm lại một hình ảnh nào quen thuộc thuở xưa nhưng vô vọng! Những bắp thịt trên mặt đã chai lì đi theo với với 80 năm lê lết nặng nhọc. Tám mươi năm có như một chớp mắt phù du! Đau đớn, sầu não đến đâu của những ngày đã qua có lẽ cũng chỉ như những mơ hồ viển vông của kiếp người. Bà vén màn nhìn bên ngoài. Trời tối om nhưng không có đến một bông tuyết bay. Bà mừng thầm. Đường phố vắng tanh. Tất cả còn say ngủ. Đến trước bàn thờ kê trong góc phòng, bà đốt nến và đọc kinh sáng. Trong ánh sáng lung linh của ngọn nến, đôi mắt tuyệt đẹp của tượng Đức Bà long lanh như muốn nhỏ lệ. Bà cúi đầu đọc kinh cầu nguyện cho John, mọi sự cho John, đứa con trai duy nhất còn lại của mình. Bà cúi mình khẽ hôn chân tượng. Như có một sức mạnh thiêng liêng truyền vào khắp châu thân, bà thấy mình phấn khởi hẳn lên. Mọi sự dù khó nhọc đến đâu, nỗi đau kinh hoàng đến chừng nào rồi cũng tự nó phải cởi bỏ để mặc vào một lớp vỏ mới hầu có thể đương đầu với tương lai, để sinh tồn. Trước khi ra cửa, bà nhìn vào tấm hình của John trong bộ quân phục. Ngày ấy con trai bà còn trẻ. Trông John bảnh bao biết bao nhiêu! Trong đầu bà luôn luôn nhớ đến hình ảnh ấy. John, đứa con trai duy nhất còn lại của bà trên cõi đời này. Bà đã mất Lilian, rồi đến Thompson, và cả người bạn đường yêu quý. John trở nên to lớn, vĩ đại vì nó đã chiếm hết mọi khoảng trống còn lại. Đúng hai giờ sáng bà rời khỏi nhà. Theo thói quen, sau khi khóa cửa bà vẫn lắc lại cửa để chắc chắn rằng cửa đóng chặt. Với chiều cao không quá 5 feet, bà Rosado như lùn hẳn đi trong chiếc áo dạ rộng thùng thình. Đôi giầy thể thao La.A. Gear làm bà có thêm trọng lượng, nhưng vững chãi. Cả 80 năm đổ dồn xuống đôi chân nhỏ bé nhưng lòng thương yêu và nhung nhớ John đã cất đi gánh nặng và làm cho bà thấy mình tràn trề sinh lực để đối đầu với quãng đường dài 18 tiếng đồng hồ, cả lượt đi và lượt về –đôi khi mất 20 tiếng tùy theo thời tiết tốt xấu- đến nhà tù giam giữ con trai bà. Như thường lệ, chiếc xe van chỉ chứa được có 14 hành khách, không kể người tài xế. Cuối tuần số lượng xe van và xe bus chở hành khách từ Nữu Ước đến thăm trại tù Elmira Correctional Facility rất đông đảo, nên bao giờ bà cũng chọn đi thăm John vào ngày giữa tuần cho thưa người. Đám đông, chen lấn làm bà mệt mỏi. Ngày nay người ta không còn nhường chỗ cho những người lớn tuổi nữa mà chỉ tranh đua dành chỗ ngồi nào tốt nhất, chuyến xe nào sớm nhất để khỏi mất thì giờ chờ đợi. Suốt 18 năm nay đều đặn như vậy, hãng xe van mang tên Operation Prison Gap đã quá quen thuộc với bà Rosado nên người chủ hãng đã tự động giảm giá vé xuống còn 20 đô la. Những người tài xế của hãng này đã quá quen mặt bà. Ngay đến chỗ ngồi của bà, bao giờ cũng là mé ngoài để có thể nhìn qua cửa sổ và gần cửa lên xuống nhất. Làm như ngày Thứ Năm nào mà không có mặt bà, ngày ấy trong tuần không thể gọi là ngày Thứ Năm. Trong 18 năm liền, bà chỉ mất có 3 ngày Thứ Năm. Hai lần do việc bà phải đi giải phẫu và bác sĩ bắt bà phải nghỉ ngơi. Lần thứ ba thì tại thời tiết, không phải tại bà. Lần đó tuyết ngập phủ quá cao, không xe cộ nào đi lại được. Chuyến xe bà đi hôm nay như mọi lần cũng đầy chật người. Lance, tài xế xe van, lên tiếng chào bà, giọng anh lúc nào cũng vui vẻ: “Bác mạnh giỏi?” Hỏi xong Lance tự trách mình, dĩ nhiên là bà lão phải khỏe mới có mặt đây ngày hôm nay, còn giỏi thì dĩ nhiên là giỏi rồi. Bà nhếch mép cười lộ hàm răng mấp mô đã đổi mầu theo với thời gian: “Phải mạnh chứ? Còn cậu?” Lance cười ha hả: “Cháu mà đau thì vợ nó cũng tống ra khỏi nhà bắt đi làm. Không làm lấy đâu mà ăn?” Bà cười như đồng tình và nặng nhọc trèo lên xe van. Bàn tay gầy guộc có những gân xanh nổi vồng lên hiện rõ theo cử động mạnh bám lấy thành xe để đu cả người lên. Bà luôn luôn đến sớm hơn giờ khởi hành nên bao giờ cũng chọn được đúng chỗ ngồi như ý. Phải đến lúc đặt hẳn người người ngồi vào ghế bà mới thở ra một hơi dài khoan khoái. Đệm ghế còn lạnh ngắt nhưng chả sao, một lúc nữa đây là ấm ngay. Trong lúc chờ đợi, bà tìm trong túi, xách ra một chiếc hộp nhỏ trong có đựng kim chích và thuốc. Bà phải chích insulin hàng ngày do bệnh tiểu đường gây ra. Dù chậm chạp nhưng mọi cử động đã thành quá quen thuộc. Làn da bà đã chai cứng và dầy lên lốm đốm những dấu kim chích. Những ý tưởng về bệnh hoạn không bao giờ bà để tâm. Phải loại nó đi! Bà thường nhắc nhở chính mình như vậy. Mấy thứ lặt vặt này chẳng nghĩa lý gì! Có lẽ nhờ thế mà bệnh thì có đó nhưng chẳng mảy may làm bà lo âu hay khó chịu. Ai chẳng phải bệnh, không bệnh này thì bệnh khác, ăn thua gì! Cái quan niệm: Mọi sự khó khăn hay không may xẩy đến đều chẳng ăn nhằm gì, như con đường đi phải có lúc bằng phẳng, có lúc nhồi xóc, cứ thẳng tiến mà bước, làm đôi môi bà luôn luôn mím lại như một thách đố cương cường với cuộc đời. Nhưng có lẽ vì cứng rắn như thế nên đời lại càng thích trêu chọc và thử thách bà nhiều hơn. Đấy là may hay rủi? Bảo rằng may cũng được mà bảo rằng không may cũng chẳng sao! Bởi vì chuyện không may có đến hay không, con người bà vẫn y như thế, không thay đổi. Chuyến xe van chuyên chở 14 trái tim nhiệt tình đi vào trong đêm tối theo con đường đến trại giam. Những trái tim nhiệt tình thật đấy, nhưng cũng có đau khổ nữa chứ? Chỉ khác là những đau khổ được gói ghém rất kỹ. Chẳng ai nói với ai một lời nào, dù là lời than vãn hay câu chuyện nắng mưa. Nhưng trên từng gương mặt đăm chiêu người ta có thể mường tượng được từng thảm kịch đã đến với họ. Một người thân yêu nhất bị xã hội lên án, giam giữ trong tù là một thảm kịch chứ gì nữa? Nhiều người ngủ gà ngủ gật trên xe suốt cuộc hành trình. Riêng bà Rosado vẫn không chợp mắt. Bà nhìn quang cảnh hai bên đường trong đêm và kiên nhẫn chờ tấm màn đêm ấy từ từ nhích dần lên. Trong cái mầu tăm tối đó, bà vẫn nhìn thấy thấp thoáng hình tượng cậu bé John từ những ngày chập chững bước đi đến lúc mũ áo ra trường. Đó là những hình ảnh sáng lấp lánh trong đêm như những vì sao trên trời kia. Nó ở đó những xa quá, chập chờn như một bóng ma, như không phải sự thực. Nó nằm đó với ước mơ thầm kín yếu đuối trong bà: Phải chi thời gian ngừng ở ngay đó và đi vào bất diệt! Năm 1957 với cuộc hôn nhân đầu đời đổ vỡ, bà ly dị. Cuộc đời đẩy đưa bà cùng John sang Hoa Kỳ. Ở vùng đất phì nhiêu nhưng lạ lẫm này bà lập lại cuộc đời với người chồng thứ nhì. Những thất bại liên tiếp đã thay đổi tính tình chồng bà và những trận đòn vô cớ đổ lên bà, lên John. Bà vẫn tự oán trách mình là nguyên nhân đã làm John đi vào đường tội lỗi. Ngày ấy có lẽ bà còn quá trẻ nên mới đi bước nữa, một bước nhầm mà không thể lùi lại được với sự chào đời của Lilian và Thompson. Bà đã tập cho tâm trí mình chỉ hướng về những ngày vui đã qua. Những quá khứ u buồn có hiện về bất chợt liền bị bà thẳng tay chối từ phủ nhận như thể những sự việc đó chưa bao giờ xẩy ra. Bà là người cương quyết phấn đấu hay bà chỉ là kẻ hèn nhát không dám nhìn nhận những điều đã xảy ra? Câu trả lời có lẽ chỉ tóm gọn một cách giản dị: Phải đặt tình yêu lên trên tất cả. Tình yêu đã làm bà tô mầu đè lên những phần tăm tối tủi nhục đã qua. Và có lẽ tình yêu đã làm 80 năm trôi qua trót lọt. Thế thôi! Khi chiếc xe van ngừng trước cổng trại giam, nắng đã lên chan hòa từ lâu. Nắng vàng và trời trong xanh làm những vòng kẽm gai đen xì chung quanh trại giam càng nổi bật. Sự nổi bật kinh khiếp, sắc nhọn và làm cho ánh mắt của bất cứ ai cũng phải khựng lại. Chiếc xe thở phì phì, nhả vài làn khói xám nhạt rồi giật nhẹ và ngừng hẳn. Mười bốn người hành khách đứng dậy, thu dọn đồ và nối đuôi nhau bước xuống. Cuối cùng họ đã đến nơi mong đợi trong suốt chặng đường dài lê thê. Còn phải mất nhiều thì giờ qua nhiều trạm canh gác và kiểm soát trước khi gặp được người thân. Ngày Thứ Năm tương đối số người đi thăm cũng thưa hơn cuối tuần, bà Rosado nhìn quanh đám người đang từ những chiếc bus và xe van khác đang lục tục nhập vào đám đông và tính nhẩm: phải đến hàng 2 tiếng đồng hồ nữa bà mới có thể gặp được John. Những phỏng đoán của bà chỉ sai lệch chừng mươi phút đồng hồ vì số người đi thăm tù vào ngày Thứ Năm cũng khá đều đặn. Mọi người xếp hàng nối đuôi, chậm rãi qua các cổng kiểm soát. Chẳng ai nói với ai tiếng nào. Bên ngoài đời người ta xếp hàng ở tiệm ăn, ở rạp hát, ở chỗ xin việc.. v…..v.. để trông đợi một niềm vui, một niềm hy vọng. Ở đây, những người đang nối đuôi lần lượt nhích từng chút một để được gì? Đối với bà Rosado, sự thu ngắn lại khoảng cách dần dần này là một sự cận kề với tình yêu. Cái tình yêu kỳ diệu mà chỉ có người mẹ mới cảm thấy hết được từ giây phút đứa trẻ được hình thành trong bụng mẹ, tăng trưởng dần và chào đời, rồi khôn lớn.. Tình yêu mà người mẹ chỉ cho đi mà không đòi hỏi sự đáp lại. Đó là tình yêu một chiều duy nhất trên thế gian mà con người biết cảm nhận và thụ hưởng. Cũng vẫn những khuôn mặt, cảnh trí quen thuộc, nhưng lao xao trong bà một niềm vui rạng rỡ hơn bình thường vì năm nay ngày Thứ Năm này rơi đúng vào sinh nhật của John. Người gác khám xét cẩn thận, bắt bà bỏ mọi sự mang theo vào một hộc có khóa, có số và bắt bà ký nhận. Bà chỉ được phép vào thăm John tay không. Nhưng hôm nay là ngày sinh nhật của John, bà muốn xin được một đặc ân. Bà nài nỉ người gác ở trạm cuối cùng: “Hôm nay đúng là ngày sinh nhật con tôi. Ông cho phép tôi được mang cái bánh cho nó” Người gác mặt lạnh băng lắc đầu như không mảy may xúc động trước sự nài nỉ của bà lão. Ông ta giật lấy chiếc bánh nhỏ có nho khô trên tay bà và bỏ vào hộc khóa. Bà Rosado vẫn lải nhải, và rồi thì nước mắt ở đâu xô đến, ràn rụa trên gò má nhăn nheo của bà, làm mờ cặp kính bà đang đeo. Bà phải dựa vào tường như tìm một điểm tựa cho khỏi ngã xuống. Lâu lắm bà không để mình phải chảy nước mắt, nhưng lần này bà không tự ngăn cấm mình nữa, bà cần phải được buông thả những cảm xúc của mình. Và như một dòng nước chảy mãi không ngừng, bà cứ đứng tựa vào tường và khóc, mặc những người đang xếp hàng sau chờ đợi. Cũng chẳng ai lên tiếng. Chung quanh chợt im lặng một cách kỳ lạ, chỉ có tiếng sụt sùi nho nhỏ của bà Rosado. ta thở dài: “Thôi được! Nhưng bà phải chờ cắt chiếc bánh ra xem có dấu gì trong đó không. Không được phép đốt nến gì cả. Chỉ ngày hôm nay và trường hợp bà thôi!” Bà Rosado run rẩy nói với người gác: “Cám ơn ông.. cám ơn ông nhiều lắm.. Vâng, ông cứ cắt ra, không có gì trong đó đâu..” Bà Rosado đặt cả bàn tay lên làn kính nhựa trong suốt ngăn cách giữa người tù và người đi thăm như muốn truyền hơi ấm sang cho bàn tay John ở bên kia. Cả hai người nói chuyện với nhau qua chiếc điện thoại máng bên cạnh bàn. Người gác mang chiếc bánh muffin đã bị cắt làm nhiều miếng nhỏ vào cho John. John nhìn đĩa bánh, nhìn người gác rồi hỏi mẹ: “Hôm nay có gì đặc biệt?” Mắt bà Rosado sáng lên với một niềm vui thích vô bờ bến: “Sinh nhật con, không nhớ à?” John nhìn bà Rosado. Mười tám năm đã trôi qua, đã biết bao nhiêu lần John nhìn mẹ qua làn kính nhựa ngăn cách có màu trong suốt, nhưng chưa lần nào anh thấy gương mặt mẹ mình lại tươi sáng như vậy khi nhắc đến ngày sinh nhật của John. Mẹ không bao giờ hỏi John về tội ác anh đã gây ra và John cũng cứ tảng lờ như việc mình bị giam giữ trong tù này là một sự việc phải xảy ra, như hai cuộc đời ở hai đời sống khác nhau. Và sự khác nhau đó dĩ nhiên chẳng bao giờ gặp gỡ thực sự vì bao giờ cũng có lằn ngăn cách. Bà Rosado lại tiếp tục nói bằng một giọng vui vẻ: “Người ta không cho đốt nến nhưng cần gì, mẹ sẽ hát bài hát chúc mừng sinh nhật con nhé, John” Và bà cất giọng hát. Giọng bà ồ ề và khàn đục vang lên đơn lẻ trong phòng thăm. Bà chỉ không vỗ tay thôi. Bên kia John ngồi yên, cúi đầu. Anh ước gì có thể ôm được mẹ vào lòng và nói một câu giản dị: “Con yêu mẹ” như lúc còn nhỏ John thường làm. Cổ họng anh nghẹn cứng, John không nói được lời nào và cũng không làm được một cử chỉ nào. Anh ngồi yên như hóa đá, chỉ có tâm hồn John là rạt rào yêu thương. Mắt John nhắm chặt không dám mở ra mặc dù có hai giọt lệ ứa ra ở khóe mi. Bà Rosado ngừng hát từ lúc nào anh cũng không hay. Như có một cảm nhận thiêng liêng huyền bí nào đó làm bà Rosado cũng yên lặng. Dù qua làn kính nhựa, bà Rosado cũng nhìn thấy giọt nước ở đuôi mắt của John. Bà chắc chắn giọt nước đó có vị mặn y như lằn nước đang chẩy qua bờ môi bà. Dù có bao sự khá biệt giữa bà và John nhưng chắc chắn những giọt nước này là một, dù không thể hòa chung bởi sự ngăn cách. Bà nhắc nhở John: “Ăn bánh đi con! Bánh sinh nhật con!” John xúc từng thìa bánh đưa vào miệng, khó khăn như trẻ con mới tập ăn một mình. Nhiều lúc anh tưởng chừng như mắc nghẹn. Có tiếng đập cửa phòng, người gác nói vọng vào: “Hết giờ thăm!” John nhìn mẹ. Mẹ anh già đi nhiều lắm. Lần này hai mẹ con anh chưa nói với nhau được nhiều. Dường như thời gian đã cướp đi cả những giây phút ngắn ngủi gần gũi này của John. Trong sự xúc động dạt dào vẫn còn đọng lại, John không muốn đứng dậy theo chân người gác. Nhưng rồi John cũng phải đứng lên và đi ra. Anh ngoái lại và nói với bà Rosado: “Con yêu mẹ!” Bà Rosado nhìn những cử động trên miệng John và đoán những lời gửi gấm của con trai mình. Đó không chỉ là một lời tỏ lộ tình yêu không thôi mà còn là một lời xin lỗi của John. Bà hiểu như vậy. Bà cũng chẳng muốn biết về những việc John đã làm trong quá khứ. Quá khứ đã trở thành những đám bụi mốc màu thời gian và đi vào quên lãng từ lâu, chỉ có tình yêu của mẹ con bà là tất cả, là quá khứ, là hiện tại và là tương lai. Mãi đến khi người gác vào dục bà lần nữa, bà mới chậm chạp đứng dậy đi ra. Trong tai bà còn vang vang tiếng cười nói hồn nhiên của John lúc nó còn nhỏ xíu và lồng vào đó câu nói “Con yêu mẹ” chỉ nhìn thấy mà không nghe được bên tai. Lúc đi vào bà nhanh nhẹn bao nhiêu thì bây giờ bà thấy nặng nề bấy nhiêu khi đi ra. Đoàn người đi thăm lại lục tục nối đuôi nhau ra xe bus, xe van trở về. Chỗ ngồi quen thuộc của bà đã bị người khác chiếm. Chuyến trở về bà ngồi mãi ở tận ghế sau cùng. Bà cũng không quay lại nhìn nhà tù như mọi lần. Hình ảnh John đi theo người gác và lời nói trên môi John vẫn còn lao xao trong tâm hồn bà như bà vẫn còn ngồi trong phòng thăm và trước mặt đĩa bánh chỉ còn vài mảnh vụn trơ trọi của một ngày sinh nhật không biết là lần thứ bao nhiêu của John. Chiếc xe lại lắc lư trở ngược về thành phố. Những tiếng động rì rì của máy sưởi trong xe bus và những cái xóc nhẹ nhàng của sự chuyển động đưa bà Rosado vào giấc ngủ nhẹ nhàng. Khi chiếc xe dừng ở trạm cuối cùng, bà Rosado chậm rãi bước xuống, không quên chào từ biệt anh tài xế quen. “Đi cẩn thận nhe Bác. Trời tối lạnh, đường trơn trượt lắm đó! Gặp bác tuần tới nhé!” Cái lạnh đột ngột bên ngoài làm bà hơi run rẩy. Bà cẩn thận dò từng bước trên đường về căn gác trọ của mình. Ánh sáng ấm áp của từng trụ đèn đổ xuống đường và vỉa hè làm thành những vũng tròn màu sắc trong đêm tối. Đến chân bậc cầu thang căn gác trọ, bà Rosado dừng chân thở mệt nhọc. Chiếc túi xách dường như nặng hơn lúc ra đi. Một bên vai bà trĩu xuống. Bà hơi rùng mình khi cơn gió lùa qua chân cầu thang. Bà tự nhủ thầm: “Ráng chút nữa. Lên hết cầu thang là vào đến nhà!” Với hết mọi cố gắng, bà níu tay lên thành thang gác rồi từng bước, từng bước bà trèo lên thang. Lạ thật! Mọi khi đâu có mệt thế này? Chắc vì trời lạnh nhiều! Khi leo hết bậc thang cuối, bà thở phào nhẹ nhõm. Bà Rosado ngồi bệt xuống bậc thang thở dốc. Bà vẫn còn thấy lạnh, và hình như lạnh hơn cả lúc nãy. Người bà như đông cứng lại nhưng mồ hôi lại vã ra đầm đìa. Bà muốn đứng dậy, mở cửa vào phòng nhưng đôi chân vô tri giác của bà cứ ỳ ra, cả thân người như không còn theo sự điều khiển của cái đầu bà nữa. Bà có cảm tưởng như cái đầu mình và thân xác nay thuộc về hai người khác biệt. Bà muốn nghĩ đến một điều gì đó nhưng vô ích, đầu óc bà quay cuồng và tối đen.. tối hơn màn trời đêm, tối hơn góc cầu thang không một bóng đèn này. Bà nghiêng hẳn người về một bên cầu thang có tay vịn. Cả thân hình giật nhẹ vài cái. Bà ngã ngửa ra sau. Bàn tay bà thoạt tiên còn nắm lại, rồi co giật và sau cùng thì từ từ doãi, mở hẳn ra, bất động. Lòng bàn tay trắng nhờ nhờ ngửa trong bóng tối như một lời vĩnh biệt của bà Rosado, như một lời thầm thì trong đêm: “Xin trả lại nhân gian!” Mặc Bích