âm Thanh kéo màn nhìn ra ngoài trời. Đã hơn 7 giờ. Chưa có nắng nhưng đã sáng. Trời âm u như muốn chuyển mưa. Có tiếng động khẽ. Nàng quay lại. Bà đang lê từng bước ngắn. Cả thân hình nghiêng về một bên gậy chống. “Chắc sắp mưa bà ơi!” Hiểu ý cô cháu, bà lão lắc đầu: “Kệ! Cứ đi! Mưa thì về. Đem theo cây dù.” Định ngăn bà, nhưng rồi lại thôi. Bà lão đã chuẩn bị sẵn sàng. Hai ba lần áo trên tấm thân cao lớn lòng khòng xương xẩu. Chiếc mũ len trên đầu che bớt mái tóc bạc. Tâm Thanh đỡ bà ngồi vào xe lăn. Như mọi lần, nàng trùm chiếc chăn len mỏng lên chân bà cụ. Đặt hai chân bà lên bàn đạp. Hai tay bà lão níu lấy thành dựa hai bên. Bỗng dưng nàng chăm chú nhìn bàn tay to lớn với những ngón dài mà từng đường gân máu cuồn cuộn nổi sau làn da dầy nâu sẫm đã lốm đốm đồi mồi của tuổi già. Nàng lại chợt nhớ đến những lần bà níu lấy tay nàng đau điếng. Cái sức mạnh tiềm tàng trong thân xác già nua kia vẫn còn đó, mạnh mẽ lôi kéo hơn 75 năm dài. Đôi bàn tay như tay của một người đàn ông! Xốc vác, cứng rắn và đầy sức mạnh! Nàng rất giống bà ở khuôn mặt, nhất là đôi mắt nhỏ, dài có đuôi, đen thui như không còn thấy lòng trắng đâu cả và sâu như muốn tuột hẳn vào bên trong hốc mắt mà có lần con Liên, bạn Tâm Thanh đã bảo: “Đôi mắt của đáy vực linh hồn”. Đó phải chăng là một sự chê bai hay chỉ để nói lên một sự đặc thù không ai có? Bướng bỉnh, lạnh lùng và kiêu căng! Cũng toàn là những thứ nàng thừa hưởng ở bà! Tâm Thanh ghét những điều này quá đi, nhưng làm sao thay đổi được khi nó đã là một phần cấu trúc của toàn bộ con người nàng! Cứ mỗi buổi sáng Tâm Thanh đưa bà đi một vòng ngoài trời quanh khu hai bà cháu ở, chào xã giao với vài người hàng xóm Mỹ gần đó, chừng nửa giờ lang thang rồi quay trở về và bao giờ cũng ngừng ở sau nhà, bên cạnh con sông để bà ném bánh mì vụn cho đàn vịt hoang. Sau đó Tâm Thanh đến sở làm. Nàng có nguyên ngày làm việc, giao tiếp với bạn bè. Tối về, lại hai bà cháu trong căn nhà nhỏ mà cha mẹ Tâm Thanh đã để lại với thật nhiều kỷ niệm để đôi lúc nàng cứ ngỡ cha mẹ mình vẫn còn sống, chỉ đi đâu vắng. Con đường hôm nay rộng hẳn ra với quá nhiều khoảng trống do đám lá dưới đất để lại. Tâm Thanh cẩn thận chọn những chỗ bằng phẳng để đẩy xe. “Không lạnh lắm nhỉ?” “Vâng. Chắc thể nào hôm nay trời cũng mưa.” “Mưa giống ở nhà!” Hai chữ “ở nhà” bà hay nhắc đến phải hiểu là quê nhà ở mãi bên kia địa cầu mà Tâm Thanh chưa bao giờ thấy, nhưng nghe kể rất nhiều đến nỗi có những khi nói chuyện với bạn bè, quen miệng nàng cũng dùng hai chữ này trong cùng một ý nghĩa. Ở xứ này 20 năm, bà chỉ biết có hai câu: “Good morning” và “Good bye”. Sáng nào bà cũng dùng từ “Good morning” dăm lần. Chữ “Good bye” thì thỉnh thoảng khi Tâm Thanh dừng chân trên đường trao đổi vài câu với những người trong xóm, để lúc tiếp tục đoạn đường quen thuộc bà được dịp thực hành câu “good bye”. Ti Vi bà không xem, sách báo Việt ngữ thỉnh thoảng Tâm Thanh mang về bà cũng không màng. Lúc còn khoẻ bà làm vườn suốt ngày. Những giàn hoa hồng leo mà cánh hoa nhỏ xíu ngoài cổng trước, cây cam trĩu nặng trái gần hiên nhà, những nhánh hoa ngọc lan thơm sực nức vươn tay dài lùa sát rặng thông, từng bụi hoa trồng dọc theo lối vào... đều có bàn tay của bà. Ngay đằng sau vườn cảnh, thoai thoải xuống bờ sông, từng gộp đá, bụi cây không phải tự nhiên mà có, cũng phải có bà mà để đến bây giờ tuy vườn cảnh thiếu bàn tay chăm sóc nhưng cái trật tự được tạo nên vẫn được giữ nguyên vẹn. Con đường đất dẫn xuống đến sát mặt sông đã phẳng lì, chẳng còn mấy ngọn cỏ chịu nổi sức nghiến của bánh xe lăn mỗi ngày. Cánh tay của Tâm Thanh cũng nhờ những động tác kéo, đẩy mỗi ngày, dù chỉ là một đoạn đường ngắn cũng trở nên rắn chắc. Và đó là điều duy nhất mà nàng có thể làm cho bà mỗi ngày, trừ những ngày mùa đông tuyết phủ hay mưa gió hoặc bà hay cháu đau ốm. Ngoài ra bà cũng không thích đi đâu khác. Những con vịt hoang hầu như cũng tự động chui vào cái khuôn khổ nhất định quen thuộc của bà. Chúng đã chực ở ngay đúng góc bờ sông đó mỗi sáng. Tâm Thanh gài thắng, để bà ngồi trên chiếc xe lăn cách bờ khoảng ba bốn sải tay. Nàng nhìn đồng hồ, còn 10 phút nữa. Để mặc bà ngồi đó với bầy vịt và gói bánh mì vụn, nàng đi lại quanh quẩn ven sông, lòng thoáng như một ngôi nhà mở toang cửa. Gần sát bờ rào, một khoảng sông chợt hũng vào một đường vòng cung. Nước sông ở khúc này chẩy xiết, đẩy những vạt nước vỗ vào bờ chao đi đánh lại nhìn mà chóng mặt. Mùa hè nàng thường ngồi đây, thả chân xuống nước rồi nghĩ những chuyện không giống ai. “Tâm Thanh! “–Tiếng bà gọi nghe khàn đặc. Nàng quay vội, loạng choạng suýt ngã. Bà kêu lên: “Cẩn thận!... Chỗ đó nước sâu lắm. Hụt chân hay đẩy nhẹ là rơi xuống ngay”. Chỗ đó nước sâu lắm! Làm sao bà biết chỗ này nước sâu? Nhưng... hình như nàng không để tâm lắm. “Về hả bà?” “Ừ, đi về thôi!” Gói bánh mì đã sạch bách. Tiếng vịt kêu quang quác chói tai như tiếng đàn lạc giọng. ° Nửa đêm chợt tỉnh giấc. Không thể nhớ nổi vừa mơ những gì. Chung quanh tối om, chỉ có một vệt sáng nhờ nhờ do chiếc màn khép không kín để hở ra. Tiếng côn trùng vẫn rỉ rả như nhắc nhở về sự có mặt của chúng. Trời chưa lạnh đủ để cướp hết sự sống của những con vật với tiếng kêu đều đặn vang lên rõ mồn một trong đêm khuya. Phải 1, 2 tháng nữa mới thấy bặt tăm để trả lại cho đêm cái mênh mông yên tĩnh đến phát sợ! Tâm Thanh cố không nghĩ đến một điều gì để dỗ giấc ngủ. Nhưng trong bóng đêm hình như con người nàng càng nhỏ bé hơn và muôn ngàn vật thể, sự kiện của ban ngày đua nhau kéo về quấy rối không yên. Từng thứ, từng vật tiếp nối chồng lên nhau, dầy cộm, hỗn độn. Bỗng dưng đâu câu nói của bà lúc ban sáng bên bờ nước lại trở về. Hình như trong thời khắc chạng vạng nửa đêm nửa ngày, người ta tỉnh hơn, và Tâm Thanh cũng thế. “...Chỗ đó nước sâu lắm. Hụt chân hay đẩy nhẹ là rơi xuống ngay”. Tại sao bà biết chỗ đó nước sâu lắm? Tại sao lại nói là đẩy nhẹ? Ai đẩy ai? Giọng bà thảng thốt một cách lạ! Những câu hỏi này choán hết mọi hình ảnh khác quanh nàng. Chập chùng đan vào những câu hỏi là đôi mắt đen thui sâu hun hút của bà mà dù thời gian có tàn nhẫn đến đâu vẫn không làm phai nhạt đi được cái màu đen và chiều sâu huyền bí đó. Đôi ngươi đen chiếm gần hết màu trắng còn lại. Nàng lại chạnh nhớ đến cặp mắt mình. Cũng y hệt như thế, làm như cái màu đen kia đã vỡ ra, tràn kín bên ngoài. Nếu nàng có đôi mắt to có lẽ cái màu đen kia sẽ bớt đi. Chỉ vì đôi mắt mình nhỏ quá! Đó là những câu hỏi vớ vẩn. Tâm Thanh tự bảo mình như thế và cố nghĩ đến những điều khác hay trở lại với giấc ngủ. Nhưng làm như giấc ngủ của đêm nay thế là đủ và những câu hỏi kia cứ trở tới trở lui. Nàng mong cho trời mau sáng. Khi trời he hé sáng cũng là lúc những tiếng râm ran ngoài kia thưa dần. Nhà im phắc. Không nghe thấy tiếng bà húng hắng ho hay khua khoắng gì. Chắc bà còn ngủ say. Những động tác thường nhật được nàng làm rất khẽ khàng. Từ cái vòi nước chảy cũng ri rỉ, đánh răng, rửa mặt, rón rén như kẻ trộm! Tại sao mình lại buồn cười thế nhỉ? Tâm Thanh không muốn đánh thức bà và nàng cũng chán cái giờ giấc quen thuộc như cái đồng hồ của mỗi sáng. Chán những con đường quen thuộc, chán đến từng ổ gà, từng khoảng không gian tụ lại ở góc đường, con dốc sau nhà, xuống hồ... Đấy, đấy, nàng lại sắp sửa bị mấy câu hỏi hồi đêm quấy rầy! Tâm Thanh cứ dùng dằng trong phòng riêng của mình, hết thử cái áo này rồi lại cởi ra, thay áo khác. Vất đầy trên giường. Nàng thấy thích quá. Không giống như mọi ngày. Không trang điểm. Sau một đêm mất ngủ, trông nàng giống con ma. Này! Lạ quá! Điều gì, ý nghĩ nào rồi cũng dẫn dắt đến những thắc mắc đó? Không nên tưởng tượng một điều gì! Không ăn sáng, nàng định đi làm sớm. Nhưng ra đến gần cửa, nghĩ sao nàng rón rén đến cửa phòng bà nhìn vào. Bà nằm trên giường. Vừa thấy bóng Tâm Thanh, bà nhấc tay lên ra hiệu. Tâm Thanh định bảo: “Cháu đi làm”, nhưng chợt nhìn thấy gương mặt tiều tụy khác hẳn của bà,nàng hơi hoảng hốt kêu lên: “Bà không sao đấy chứ? Bà mệt ư?” “Mệt quá... không dậy được! Không cử động được... sao ấy!” Bà như một người khác hẳn. Tâm Thanh cuống lên: “Để cháu gọi xe cứu thương!” Bà chẳng nói gì. Nằm yên, nhắm mặt lại. Làm như sự hiện diện của Tâm Thanh đã quá đủ. Mái tóc xô lệch càng làm sự tiều tụy tăng lên gấp mấy lần. Ngay đến con số cấp cứu 911 mà mãi nàng mới nhớ ra. Nàng chưa tỉnh hồn. Nỗi lo âu choán ngợp làm mắt nàng mọng lên. Bà nằm yên, không mở mắt. Chẳng nói thêm lời nào. Tâm Thanh sợ. Tiếng còi xe cứu thương rúc lên từng hồi, nghe xa xa, rồi cứ rõ dần. Tâm Thanh vội cất những giấy tờ vào ví rồi ra cửa ngóng. Tiếng còi xe, đèn chớp nháy. Buổi sáng sớm mai khét lẹt mùi khói xe, những tiếng động inh tai. Nhưng bà vẫn nằm yên trên giường, không thèm mở mắt ra gọi Tâm Thanh. ° Bà bị stroke lần nữa. Nặng hơn những lần trước. Hy vọng sống chỉ chừng 20%. Lúc này khi nghe thế, Tâm Thanh tha hồ khóc. Nàng khóc cho bà, cho cả mình nữa. Cho nỗi hiu quạnh mà tất cả mọi người bỏ lại cho nàng. Ba. mẹ, rồi lần này đến phiên bà. Nàng ngồi bên cạnh bà và nước mắt cứ thế mà chảy ra. Tưởng đâu những giọt nước mắt như mưa ấy sẽ đánh thức bà dậy. Để Tâm Thanh đưa bà về lại nhà, mỗi sáng lại đẩy xe trên đoạn đường quen thuộc mà mới sáng nay nàng chán ngắt khi nghĩ đến những bổn phận! Bà vẫn nằm đó, bất động trong giấc ngủ với hàng bao nhiêu dây cắm trên đầu, trên tay. Có lúc mệt quá, nàng thiếp đi trong giấc ngủ vật vã. Tiếng ú ớ làm nàng tỉnh dậy. Mở choàng mắt. Nàng nhìn bà, trông đợi một điều gì. Bà mấp máy miệng. Những lời gì Tâm Thanh nghe không rõ. Nàng áp mặt sát gần bà, lắng nghe. Chỉ có thế rồi bà mất. Giản dị, nhanh chóng và bất ngờ. Nàng đứng trơ ra đó, không làm gì được. Nàng nhấn nút ở đầu giường. Nhiều người lắm, ra, vào, làm đủ thứ mà bà vẫn cương quyết không trở lại. ° Căn nhà dường như rộng hơn theo với nỗi hiu quạnh. Tâm Thanh chưa thấy tình yêu đâu cả. Quay đi quay lại chỉ thấy mình. Tất cả những quen thuộc của thời gian trong ngày đều thay đổi. Nàng không còn theo một thứ tự như lúc sống với bà. Những quen thuộc nhàm chán giờ lại trở thành một thiếu vắng lắm lúc đến rợn người. Cái mùi dầu xanh, mùi salonpas bà hay dùng vẫn còn thoang thoảng bám vào đâu đó, không chỉ trong phòng bà mà hình như còn đọng lại trong bếp, phòng khách và có những lúc đứng ở bờ sông sau nhà nàng cũng có cảm tưởng ngửi thấy đuợc cái mùi đó. Tâm Thanh đã nghĩ đến chuyện phải trang hoàng lại nhà cửa, thay đổi hết đi. Điều này chắc có lý và sẽ làm nàng bận rộn. Tốt thôi. ° Căn nhà sực lên mùi sơn mới. Tâm Thanh phải mở hé cửa vào những ngày cuối tuần khi nàng ở nhà. Màn cửa sẽ thay nhưng phải để dành tiền đã. Nàng tự sơn lấy lại tường và cửa nhưng không may được màn. Nàng gọi Salvation army tống khứ khá nhiều đồ. Căn nhà rộng hẳn ra, mang một vẻ đồng nhất của chỉ một bàn tay và một ý thích, không táp nham như trước. Một khuôn mặt mới, thanh xuân hơn với những decor trẻ trung và Tâm Thanh thấy lòng vui hẳn lên. Đã sang tháng giêng mà trời đất vẫn làm nũng quá này, chẳng nóng chẳng lạnh, chẳng ra làm sao cả. Hôm thì lạnh, rồi đùng cái ngày mai lại nóng hực lên. Tâm Thanh cứ nhấp nhổm nghĩ đến chuyện ra vườn cây khuân một lô hoa hoét về trồng trước nhà cho... ra vẻ mới luôn thể. Và nàng đã đi mua bao nhiêu là hoa về thật. Sáng thứ bảy, trời không mưa nhưng âm u, Tâm Thanh đã định sẵn trong đầu sẽ trồng những thứ nào ở đâu, thế mà khi xỏ tay vào đôi găng vải thô nàng lại cởi ra và quăng đi. Có bao giờ nàng trồng cây đâu, chỉ có bà. Đã bao lâu nay, nay mới nhớ đến bà! Nỗi nhớ mông lung và xa vời, thoắt ẩn thoắt hiện như một điều gì đã qua lâu lắc nhưng không biến hẳn. Rồi nàng cặm cụi trồng hoa, không găng tay, đầu óc trống không, chỉ thấy đất, hoa và màu sắc. “Này cô!” Tâm Thanh giật mình nhìn lên. Tiếng Việt! Rõ ràng là tiếng Việt từ một người nam. Ai vậy? Chưa hề gặp trong đời. Nhưng lại thấy nét quen. Lạ thật! Người đàn ông chắc cũng trạc tuổi nàng. Nàng đứng lên, cái nhìn của nàng có đầy đủ ý nghĩa của một câu hỏi không cần phải thốt lên. “Đây có phải nhà bà Đắc không cô?” Anh ta là ai mà lại nhắc đến tên bà? Tâm Thanh tò mò nhìn anh ta nhưng khi định trả lời nàng hơi phân vân... Nhưng bà cũng đã từng ở đây nhiều năm? Nhà của bà đúng rồi! “Vâng.” “Có bà ở nhà chứ?” Điều gì làm anh ta xác định là bà ở nhà? Anh ta phải là người quen? “Bà tôi... không có nhà! “ –Tâm Thanh không muốn nói đến chuyện ra đi của bà khi chưa biết rõ mục đích của anh ta. Suốt bao năm nay có bao giờ thấy ai tìm bà đâu? Sự thất vọng lộ hẳn trên gương mặt hơi thô của anh ta. Đôi mắt lồ lộ như của một ai mà nhất thời nàng chưa nghĩ ra. “Thế ông bà Huyến có nhà không hả cô?” Lần này không thể nói lung tung nữa được rồi. “Ba má tôi... không còn nữa...” Sự ngỡ ngàng làm anh ta bối rối hẳn lên. Có lẽ khi đến đây anh ta không sửa soạn cho những bất ngờ như thế. Nhưng anh ta vẫn tiếp tục hỏi thêm như vớt vát: “Vậy... chắc cô là con ông bà Huyến?” Ơ lạ quá đấy nhé! Tại sao anh ta lại biết rõ rành mạch thế? Nhưng cũng chính những câu hỏi này làm Tâm Thanh bạo dạn hơn, nàng hỏi lại: Anh ta chỉ tay vào hai chiếc ghế sắt để dưới hàng hiên: “Nói chuyện một lúc được chứ? Tôi tên là Trí. Có bà con với ba cô. Cô tên gì vậy?” Trở lại với con người cố hữu, Tâm Thanh hơi tủm tỉm cười: “Tôi là Tâm Thanh. Tôi phải xưng hô thế nào?” “ Tôi là em của ba cô.” Em của ba? Chưa bao giờ nghe thấy nói đến? Chắc em họ của ba? Trông chẳng lớn hơn nàng bao nhiêu mà Tâm Thanh phải gọi bằng chú ư? “Mời... chú vào trong nhà.” “Bao giờ bà về hả cô?- Anh ta vẫn gọi Tâm Thanh như thế dù nàng đã đổi cách xưng hô. Mức độ gần gũi và thân thiện đã nhích lại gần hơn bởi mối liên hệ giòng tộc. Tâm Thanh đưa “chú Trí” vào nhà bằng cửa garage vì tay nàng đầy đất. Tâm Thanh xin lỗi đi rửa tay trước khi trả lời. Ngồi xuống ghế đối diện với chú Trí, Tâm Thanh nói không mấy khó khăn: “Bà cháu mất mấy tháng nay rồi!” Chú Trí nhận câu trả lời của Tâm Thanh với một vẻ khó coi, không hẳn là đau buồn. Lúc này Tâm Thanh mới để ý trên tay chú cầm một gói gì bọc khá cẩn thận. Quà chắc? Cả chú và Tâm Thanh đều không nói gì một lúc khá lâu. Giọng chú ta hơi khác khi hỏi nàng: “Bà đau sao? Có lâu không?” “Không! Cũng nhanh lắm. Trước đó bà bị stroke, bị liệt nửa người, nhưng tập một hồi nên cũng khá hơn. Lần cuối cùng này nặng...” “Còn ba má Tâm Thanh?” “Ba má cháu bị tai nạn xe hơi cách đây 3 năm. Cũng nhanh như bà thôi. Chú bà con thế nào với ba cháu?” “Tôi là em cùng cha khác mẹ với ba Tâm Thanh” –Chiếc gói vẫn nằm trong lòng chú khi trả lời. Toàn là những bất ngờ! Lúc này Tâm mới thấy đôi mắt hơi lồi quen thuộc ở chú giống ai. Giống ông, trong bức ảnh trên bàn thờ trong phòng bà. Quá nhiều câu hỏi chợt đến mà không tiện hỏi. Nàng cứ chấp nhận những điều vừa biết như... những điều đã biết từ lâu. Chú Trí đặt gói giấy lên bàn rồi bảo Tâm: “Khi ba tôi chết cách đây 3 tháng, đây là những điều ba tôi dặn dò trong những giờ phút cuối cùng. Tôi tưởng đến đây sẽ gặp bà. Tôi hứa với ba tôi như thế. Lời hứa này...” Nàng không biết phải nói sao. Chiếc ảnh thờ ông đã có từ lâu lắm, phải trước khi nàng ra đời. Bà và ba mẹ nàng đã thờ ông như thờ một người đã khuất từ hàng 25 năm nay, hay có thể hơn nữa chút đỉnh. Cũng nhang khói, hương hoa... nhưng cho một người chỉ vừa mới nằm xuống đây? Tâm Thanh nhìn chú Trí, lòng nặng như những ngày bà mới mất. Tưởng đâu bà, rồi ba mẹ... đã nằm hết cả ở phía đằng sau của ký ức và Tâm Thanh hoàn toàn yên ổn với cuộc đời của mình, Cái quẫy mạnh tuy thuộc về quá khứ nhưng lại mới tinh, hớp hồn nàng bằng những đợt sóng nhồi dồn dập, hết lớp này đến lớp khác. Tự dưng Tâm Thanh buồn nôn. Nước miếng đầy trong miệng nàng. Chẳng thể nói một điều gì. “Bây giờ tôi chỉ biết giao cho Tâm Thanh. Hoặc là cháu cất đi, để bàn thờ hay mang ra mộ bà, sao đó, cho toại lòng người đã ra đi..” Điều này có dính líu gì đến mình? Tại sao Tâm Thanh lại là người duy nhất còn sót lại trong căn nhà này để phải nhận lãnh một gửi gấm của mộït người chết gửi cho một người cũng không còn nữa? Tại sao nàng lại phải bị đu đưa giữa những rắc rối nào đó thuộc về dĩ vãng không phải của mình? Tâm Thanh muốn nói lời khước từ, phủ nhận cái trách nhiệm đó nhưng nàng không tìm được một câu nói nào để nói với người chú chỉ bằng tuổi nàng, vừa nhận họ. Sự im lặng ở Tâm Thanh trong lúc này đương nhiên trở thành một chấp nhận, dù miễn cưỡng. Chú Trí dường như cũng không muốn ngồi nán lại thêm. Chú đứng lên, nhanh nhẹn nói dăm câu gì đó Tâm Thanh cũng không nghe rõ. Nàng chỉ nhớ tiễn chú ra ngoài cửa, cố gắng nói lời chào chú, rồi thôi. Những cụm hoa nho nhỏ vẫn đang chờ Tâm Thanh trước nhà nằm trên thềm xi măng. Phần đất vừa xới có mầu nâu non y như những điều nàng mong đợi ở những đổi thay. Tâm Thanh ngồi sụp xuống, ói ngay trên phần đất nàng vừa xới. Cái mát rượi của bên ngoài trời làm nàng tỉnh táo. Một lúc sau, nàng vun đất chồng lên lớp bẩn từ miệng vừa thải ra. Cũng lại mới thôi! Tưởng rằng sẽ tiếp tục trồng nốt được những đám hoa như đã định, nhưng nàng nhầm. Trên từng chậu hoa, trên từng đám đất nàng đều nhìn thấy cái gói giấy nâu quái ác mà chú Trí để lại. Cũng không thể cất đi đâu được, không thể bỏ ngoài mộ bà, để đâu trong nhà thì nó vẫn có đó. Bỏ đi cũng không được! Chú Trí đã tống được cái lời hứa sang cô cháu, và rồi nàng sẽ làm gì với nó đây? Chỉ có một lúc thôi với sự rắc rối này mà nàng đã không chịu nổi, huống gì kéo dài, phải giải quyết cho xong. Tâm Thanh phải được trả lại về với hiện tại và tương lai của nàng. Tâm Thanh vào nhà, mang theo chiếc gói nọ vào bếp và cẩn thận kéo từng lớp băng keo, dây cột chằng chịt quanh nó để xem thứ gì trong ấy và phải thanh toán ra sao. Bên trong, sau nhiều lần giấy là một chiếc hộp chữ nhật cao, xinh xinh. Trong chiếc hộp có một bình sứ trông như bình hoa nhưng lại không phải, đậy nút cẩn thận. Có thêm một phong thư. Có nên xé thư ra xem? Thư của ông gửi riêng cho bà. Nhưng không đọc làm sao biết ý người chết muốn gì? Đã tháo chiếc hộïp thì bóc cả thư cho tiện việc giải quyết vấn đề, Tâm Thanh thấy mình có đủ nguyên cớ để hành động như vậy. Bức thư chỉ có 2 tờ, viết một mặt giấy. “Lẽ ra phải mặt đối mặt khi nói với em những điều này, nhưng tôi không làm được. Ngay đến chuyện trở lại căn nhà cũ, chỉ đứng ngoài thôi, tôi còn không làm được nữa, huống hồ! Hai mươi lăm năm có làm em nguôi ngoai? Cho tôi tạ lỗi. Em có tin rằng tôi không bao giờ oán giận khi em đẩy tôi xuống sông không? Đúng ra, tôi phải chết lúc đó cho vừa lòng em. Tôi vẫn nghĩ em sẽ giận dữ điên cuồng khi biết tôi đã phản bội em, nhưng không bao giờ ngờ đến hành động cuối cùng ấy. Lúc nhoài người lên khỏi mặt nước tôi còn nhớ đôi mắt và khuôn mặt em. Đôi mắt sâu, nhiều tròng đen hơn tròng trắng và đôi môi mếu xệch hiếm khi thấy làm tôi đau đớn và hình ảnh cuối cùng ấy đã đeo đuổi mãi không thôi. Như thế mặc dù đoạn tuyệt nhưng cái tình giữa đôi ta không tuyệt. Ngay lúc đó tôi thấy mình phải đi thôi, khuất mắt em và con. Đó là một lỗi lầm về phần tôi. Nhưng như em vẫn từng nói ”Thà có hay không có”. Em đã chọn dùm tôi một lựa chọn. Tôi đã dặn dò nguyện ước cuối cùng là được thiêu. Một nửa tro sẽ giao lại cho em. Để làm gì hả em? Tôi mường tượng em sẽ chậm chạp ra bờ sông sau nhà, đúng chỗ mà em đã đẩy tôi và đổ hết đám tro này xuống cho toại nguyện được ý định đoạn tuyệt. Như thế phần nào tôi cũng tạm yên ổn cho những lỗi lầm của mình” “Chỗ đó nước sâu lắm! Hụt chân hay đẩy nhẹ là rơi xuống ngay!” Câu nói ngày nào trở lại. Tâm Thanh thấy thương bà, thương cho sự yếu đuối không ngờ ở bà. Phải yếu đuối đến thế nào bà mới hành động như thế. Phần mềm nhất ở một trái tim cứng rắn là một điểm yếu, yếu hơn người ta tưởng. Có bao giờ tưởng tượng một con người như bà lại lụy vì tình đến thế? Mỗi ngày nhìn giòng sông, bà nghĩ gì? Nhớ gì? Nhớ đến hai chữ “đoạn tuyệt” hay nhớ đến chữ “tình”? Chắc Tâm Thanh sẽ mang bức thư này ra mộ bà đốt rồi trải trên mộ cùng với tro của ông. Chỉ có cái chết mới đưa ông bà trở lại với nhau. Tâm Thanh thấy dễ chịu hẳn. Nàng trở lại ra sân, trồng nốt những luống hoa để mặt tiền nhà thực sự có một cái nhìn khác. Căn nhà ở góc đường cụt này sẽ phải trở nên một căn nhà với mảnh vườn đẹp từ hai bàn tay: bà và cháu. Từ hai người phụ nữ có đôi mắt đen thui, sâu như lòng sông. Mặc Bích