Chương 1
Lời giới thiệu
của người xuất bản

    

uyển sách này chứa đựng những ghi ghép còn lưu giữ được của một người đàn ông, người mà hai dì cháu tôi gọi là “con Sói Thảo Nguyên” như chính ông thường tự xưng. Tập di cảo của ông có cần được giới thiệu tỉ mỉ hay không là điều hãy tạm để ngỏ. Riêng tôi dẫu sao vẫn có nhu cầu góp thêm vài trang vào cáo bản này của Sói Thảo Nguyên, trong đó tôi cố ghi lại hồi ức của mình về ông. Những gì tôi biết về ông thật quá ít ỏi, quá khứ và lai lịch của ông thì tôi hoàn toàn không rõ. Nhưng nhân cách của ông đã để lại trong tôi một ấn tượng sâu đậm và phải nói rằng dù sau cũng gây cho tôi rất nhiều thiện cảm.
Sói Thảo Nguyên là một người đàn ông tuổi trạc ngũ tuần, một ngày nọ, cách đây vài năm, đã đến nhà dì tôi, nói muốn tìm một căn phòng sẵn đồ đạc. Ông thuê căn gác xép sát mái và phòng ngủ nhỏ bên cạnh (2). Ít hôm sau ông trở lại với hai chiếc rương cùng một thùng sách lớn, rồi ở với dì cháu tôi chín hay mười tháng gì đấy. Ông sống rất lặng lẽ và khép kín. Nếu phòng ngủ của ông và tôi không sát liền, đưa đến những lần gặp gỡ ngẫu nhiên trên cầu thang hay hành lang, thì hẳn hai bên chẳng bao giờ quen biết nhau, vì ông không phải là người thích giao tiếp; ông là người ưa cô đọc tới mưa tôi chưa từng thấy ai như thế; đúng là một con sói thảo nguyên, như thỉnh thoảng ông vẫn tự xưng, một sinh vật xa lạ, hoang dại và nhút nhát, thậm chí cực kỳ nhút nhát, đến từ một thế giới khác với thế giới của tôi. Ông đã sống, do bẩm sinh cùng số mạng, kiếp cô đơn tới mức nào và đã chấp nhận – có ý thức – đến đâu rằng đó là định mệnh của mình, điều này tất nhiên tôi chỉ được biết qua những ghi chép ông để lại. Tuy nhiên trước đấy tôi cũng đã biết đôi chút về ông sau ít lần gặp gỡ và trò chuyện ngắn ngủi để thấy rằng hình ảnh mình có được qua những ghi chép này cơ bản khớp với điều tôi cảm nhận một cách mờ nhạt và thiếu sót, đương nhiên rồi, qua những lần gặp gỡ nọ.
Tình cờ tôi có mặt lúc Sói Thảo Nguyên bước vào nhà chúng tôi lần đầu tiên và trở thành khách trọ của dì tôi. Ông đến vào giờ ăn trưa, trên bàn còn đầy chén đĩa, mà tôi thì nửa giờ nữa mới phải trở lại văn phòng. Tôi không quên được ấn tượng lạ lùng và rất mâu thuẫn mà ông đã gây ra cho tôi ở lần gặp gỡ đầu tiên ấy. Ông bước vào nhà qua cánh cửa kính, sau khi đã kéo chuông. Dì tôi hỏi trong hành làn tranh tối tranh sáng rằng ông muốn gì, còn ông, con sói thảo nguyên, lại nghếch cái đầu với mái tóc ngắn ngủn, quay qua quay lại hỉnh hỉnh mũi đánh hơi một cách căng thẳng, rồi nói trước khi trả lời và xưng danh tính: “Ôi chao, ở đây thơm quá”. Ông mỉm cười nữa chứ và bà dì hiền hậu của tôi cũng mỉm cười theo, còn tôi thấy lời giáo đầu này có vẻ kỳ quặc, nên không mấy ưa ông.
“Đúng ra thì”. Ông nói, “Tôi đến vì căn phòng bà định cho thuê”.
Chỉ khi ba người chúng tôi leo cầu thang lên tầng sát mái, tôi mới nhìn ông được kỹ hơn. Ông không cao lắm, nhưng có tướng đi và diện mạo của một kẻ vóc dáng to lớn; ông khoác chiếc áo măng tôi mùa đông hợp thời trang, vừa vặn, bộ y phục trông tạm được tuy có hơi luộm thuộm, mày râu nhẵn nhụi, mái tóc cắt ngắn đã hoa râm. Mới đầu dáng đi của ông khiến tôi thấy khó ưa vì có vẻ gì nhọc nhằn và cả lưỡng lự, không hợp với những đường nét góc cạnh của khuôn mặt cũng như giọng điệu trong lời nói của ông. Mãi sau tôi mới nhận ra và được biết vì ông bệnh tật (3) nên việc đi đứng khiến ông mệt nhọc. Với kiểu mỉm cười chỉ riêng ông có được, lúc đó quả đã làm tôi khó chịu, ông quan sát cầu thang, mấy bức tường, cửa sổ và những chiếc tủ cao, cổ kính, đặt trên khoang cầu thang nằm giữa hai tầng. Dường như ông hài lòng với mọi thứ này, đồng thời lại thấy chúng nực cười thế nào ấy. Nói chung cả con người ông gây ra ấn tượng như thể ông đến với chúng tôi từ một thế giới xa lạ, chẳng hạn từ những nước nằm bên kia bờ đại dương, nên thấy mọi thứ nơi đây trông xinh xắn thật, nhưng có hơi kỳ quặc. Ông lễ độ, tôi không thể nào nói khác được, thậm chí rất đáng mến nữa. Ông lập tức tỏ ý bằng lòng về ngôi nhà, chẳng kì kèo gì, nhưng quanh người đàn ông ấy dường như bao phủ một bầu không khí xa lạ và gây cảm giác bất ổn, hoặc thái độc kình địch, như tôi cảm nhận lúc đó. Ông thuê căn gác xép kèm cả phòng ngủ, chăm chú và vui vẻ nghe dì tôi giải thích về lò sưởi, nước nôi, chuyện phục vụ và các quy định phải tuân thủ trong nhà; ông đồng ý hết, lại còn đề nghị trả trước tiền thuê phòng, nhưng vẫn có lẻ lạ lẫm, tựa hồ bản thân ông thấy việc mình làm là kỳ quặc và không đáng quan tâm, như thế việc thuê phòng cùng trò chuyện với người khác bằng tiếng Đức là điều gì khác thường và mới lạ, còn suốt thời gian đó thực ra trong thâm tâm ông bận nghĩ đến chuyện khác. Ấn tượng đầu tiên của tôi đại khái như thế, chẳng phải là cảm tưởng tốt, nếu không có bao chuyện nho nhỏ khác khiến nó phải được xét lại và sửa đổi. Trước hết là gương mặt mà tôi có cảm tình ngay từ đầu của người đàn ông ấy; bất chấp vẻ xa lạ nọ, tôi vẫn thấy mến nó; có lẽ đó là một gương mặt khá độc đáo, hơi u buồn, nhưng ẩn một tâm trí linh hoạt, chìm đắm suy tư, luôn chiêm nghiệm sâu sắc những gì quanh mình. Rồi, như để tôi thấy ông đáng mến hơn, ông quả có cố gắng lấy một cung cách lễ độ và lịch thiệp, nhưng hoàn toàn không kênh kiệu; ngược lại còn có chút gây mủi lòng, như thể ông đang nài nỉ van xin, mã mãi sau tôi mới lý giải được, nhưng ngay lúc ấy cũng đã khiến tôi có thiện cảm với ông đôi chút.
Việc thăm thú hai căn phòng và thương lượng chưa xong xuôi thì tôi đã hết giờ nghỉ trưa, phải quay lại nhiệm sở. Tôi cáo từ và để dì tôi tiếp ông. Chiều về, dì kể rằng ông khách lạ đã thuê rồi và nay mai sẽ dọn vào; ông chỉ yêu cầu đừng khai báo việc ở trọ của ông, vì một người bệnh tật như ông thật khó kham nổi phải tới Sở Cảnh Sát làm thủ tục và loanh quanh chầu chực, vân vân. Tôi còn nhớ rất rõ lúc đó chuyện này đã khiến tôi cảnh giác như thế nào và cảnh báo dì đừng đáp ứng điều kiện ấy. Tôi thấy việc e ngại cảnh sát thật quá khớp với vẻ xa lạ nơi người đàn ông nọ, nếu không nói là rất đáng ngờ, khiến người khác thấy thiếu tin cậy. Tôi giải thích để dì hiểu dù thế nào cũng không nên đáp ứng yêu cầu khá kỳ quái của một kẻ lạ hoắc, vì dì có thể sẽ gặp những hậu quả rất không hay. Nhưng hóa ra dì đã nhận lời ông rồi và quả thật dì đã bị một người lạ mê hoặc, vì xưa nay dì chưa hề nhận khách trọ nếu không chớm thấy có được với họ một mối quan hệ giữa con người với nhau, thân thiết như dì cháu hoặc hơn nữa như mẹ con, nên từng bị một vài khách trọ trước đây ra sức lợi dụng. Mấy tuần đầu quả có như thế thật, khiến tôi đã chê trách người khách trọ mới về đôi ba điều, còn dì tôi lần nào cũng đều hăng hái bênh vực ông.
Vì tôi không hài lòng việc tránh khai báo với cảnh sát, nên muốn ít ra được rõ dì tôi biết gì về người khách lạ, về gốc gác và dự tính của ông. Hóa ra dì đã biết được điều này điều nọ rồi, dù ông chỉ nán lại rất ngắn sau khi tôi đi khỏi quãng giữa trưa. Ông nói với dì rằng ông định ở lại thành phố chúng tôi vài tháng, đến làm việc ở các thư viện và đi thăm viếng những di tích cổ xưa của thành phố. Đúng ra việc ông chỉ thuê phòng ngắn hạn như thế không phù hợp với dự tính của dì tôi, song rõ ràng ông đã chiếm được tình cảm của dì, dù cách xuất hiện của ông khá khác thường. Nói tóm lại, hai căn phòng đã cho thuê và lời phản đối của tôi là quá muộn màng.
“Sao ông ấy lại bảo ở đây thơm nhỉ?” tôi hỏi.
Dì tôi, đôi khi linh cảm rất tài, liền đáp: “Chuyện ấy dì biết rõ lắm. Nhà mình toát ra sự sạch sẽ, ngăn nắp và một nếp sống thân mật, đoàng hoàng, điều đó khiến ông ấy hài lòng. Ông ấy trông như thế lâu nay không được sống như thế, nên thấy thiếu thốn”.
À vâng, cứ cho là thế đi, tôi nghĩ. “Nhưng” tôi nói “nếu ông ấy không còn quen với một nếp sống trật tự và đàng hoàng thì sẽ xảy ra chuyện gì đâu? Dì sẽ làm gì, nếu ông ấy ăn ở không sạch sẽ, làm nhơ bẩn mọi thứ hoặc say bí tỉ về nhà lúc đếm hôm khuya khoắt?”
“Thì hẵng để xem sao đã” dì nói rồi cười, và thế là tôi cũng bỏ qua luôn.
Quả thật những lo ngại của rôi là vô căn cứ. Tuy hoàn toàn không có một cuộc sống trật tự và khuôn khép, ông khách trọ không hề gây phiền hà hay phương hại gì cho chúng tôi; tới hôm nay dì cháu tôi vẫn còn nghĩ đến ông với lòng quý mến. Nhưng trong thâm tâm, tận đáy lòng chúng tôi, người đàn ông này đã gây xáo trộn, đã khiến hai dì cháu tôi phiền muộn rất nhiều, và phải nói thẳng rằng còn lâu tôi mới dứt được mối quan hệ với ông. Ban đêm tôi vẫn thỉnh thoảng mơ thấy ông và cảm thấy rằng ông, rằng chỉ riêng sự hiện hữu của một người như ông, đã khiến tôi lo âu và bị xáo trộn hoàn toàn, mặc dù tôi thật lòng quý mến ông.
Hai ngày sau, một phu xe chở hành lý của người khách lạ đến nhà; ông tên là Harry Haller. Một chiếc va li thật đẹp bằng da khiến tôi có ấn tượng tốt và một chiếc hòm lớn phẳng phiu, loại dùng đi tàu thủy, với những dấu hiệu cho thấy dường như nó đã từng viễn du, ít ra nó được dán đầy nhãn hiệu đã ố vàng của lắm khách sạn và hãng vận tải nhiều nước, cả những nước bên kia đại dương. 
Rồi ông xuất hiện và thời kỳ tôi dần dà làm quen với con người lạ lùng ấy bắt đầu. Thoạt tiên, về phần mình, tôi không hề chủ động. Mặc dù tôi đã quan tâm đến Haller ngay từ phút đầu trông thấy ông, nhưng trong vài tuần lễ đầu tôi không làm gì để gặp hay bắt chuyện với ông. Ngược lại, tôi phải thú nhận điều này, ngay từ đầu tôi đã theo dõi ông đôi chút, thỉnh thoảng còn vào cả phòng ông khi ông đi vắng và đã làm trò do thám vặt – chẳng qua vì tò mò.
Về bề ngoài của Sói Thảo Nguyên tôi đã kể đôi điều rồi. Thoạt nhìn, ông gây ấn tượng là một nhân vật đáng chú ý, hiếm thấy và có năng khiếu khác thường; gương mặt ông đầy vẻ sắc sảo; sự biến đổi cực kỳ tế nhị và linh hoạt của nét mặt phản ánh một cuộc sống nội tâm phong phú, hết sức sinh động, vô cùng tinh tế và mẫn cảm, Khi trò chuyện cùng ông, lúc ông – không phải lúc nào cũng thế - bước qua giới hạn của loại ngôn từ đã thành quy ước để nói ra những lời riêng tư từ cõi lạ của ông, thì những kẻ như tôi chịu quy phục ngay lập tức. Ông suy nghĩ nhiều hơn người khác, về những vấn đề tri thức ông tỏ ra khách quan gần như lạnh lùng, một kiểu suy nghiệm và hiể biết đầy tự tin, thái độ mà chỉ những người thật sự trí thức mới có được, những người không còn chút tham vọng nào, những người không bao giờ muốn nổi bật hoặc định thuyết phục người khác, hay quyết giành lẽ phải về mình. 
Tôi còn nhớ một câu nói thuộc loại như thế của ông trong thời gian cuối ông ở đây, thật ra gọi là câu nói thì không đúng, vì nó chỉ diễn ra qua một ánh mắt thôi. Bấy giờ có một nhà sử học, kiêm triết gia và phê bình văn học lừng danh khắp châu Âu, cho biết sẽ có một buổi thuyết trình tại hội trường đại học; tôi đã thuyết phụ được Sói Thảo Nguyên đi nghe, dù mới đầu ông hoàn toàn không hứng thú. Chúng tôi cùng đi và ngồi cạnh nhau trong giảng đường. Lúc diễn giả bước lên bục và bắt đầu bài diễn thuyết, ông ta đa xlamf thất vọng một số cử tọa, những người chờ đợi nơi ông một đấng tiên tri, qua lối xuất hiện khá làm dáng và hợm hĩnh của mình. Khi ông mở miệng bằng đôi lời tán dương thính giả và cảm ơn sự tham dự đông đảo của họ, Sói Thảo Nguyên liền liến nhìn tôi, một cái nhìn ngắn ngủi phê phán những lời nói nọ và toàn bộ con người diễn giả; chao ơi, một cái nhìn đáng sợ, không thể nào quên, và ta có thể viết cả một quyển sách về ý nghĩa của nó! Cái nhìn ấy không chỉ phê phán diễn giả và hủy diệt nhân vật nôỉ tiếng nọ bằng một kiểu mỉa mai nhẹ nhàng; thế là còn ít. Đúng ra ánh mắt đấy hàm chứa ưu sầu hơn là mỉa mai, thậm chí một nỗi ưu sầu tột cùng, đến thành vô vọng. Vẻ tuyệt vọng âm thầm của ánh mắt ấy có thể nói đã trở thành thói quen và cung cách của ông. Bằng độ sáng tuyệt vọng, nó soi thấu không chỉ nhân phẩm nhà diễn thuyết hợm hĩnh, nó châm biếm và kết liễu giây phút ấy, châm biếm và kết liễu sự chờ đợi cùng tâm trạng của công chúng, châm biếm và kết liễu cái tựa đề có phần kênh kiệu của bài diễn thuyết được công bố - không, ánh mắt của Sói Thảo Nguyên còn xuyến suốt hết thời đại chúng ta, xuyên suốt tấn tuồng lăng xăng bận rộn, thái hãnh tiến, hợm mình, xuyên suốt trò đùa hời hợt của đời sống tinh thần khoác lác, nông cạn – ôi chao, khốn khổ thay nó còn nhìn sâu hơn nữa, vượt khỏi những thiếu sót và tuyệt vọng của thời đại chúng ta, quá khỏi đời sống tinh thần và nền văn hóa của chúng ta. Ánh mắt ấy xuyên thẳng đến trọng điểm của tất cả bản chất con người, nó hùng biện diễn tả chỉ trong vài giây hết thảy nỗi hoài nghi của một nhà tư tưởng, ké đó lẽ tỏ tường hơn ai hết về nhân phẩm và ý nghĩa của đời người. Cái nhìn ấy bảo: “Xem kìa, khỉ kia là chúng ta đấy! Xem kìa, con người là thế đấy!” và mọi tiếng tăm, thông thái, mọi thành tựu của trí tuệ, mọi hăm hở vươn tới sự trác việt, sự vĩ đại và trường tồn trong bản chất con người đều đổ ụp, chỉ còn là trò nghịch ngợm của lũ khỉ thôi! 
Thế này là tôi đã nói trước khá nhiều rồi, ngược với dự tính và ý muốn của tôi, đại thể tôi đã nói ra điều cơ bản về Haller mất rồi, trong khi mới đầu tôi định từng bước vén bức màn che phủ chân dung con người ông qua việc kể lại từng giai đoạn của quá trình tôi tìm hiểu ông.
Lỡ nói trước rồi thành thử bây giờ tôi không cần thiết kể thêm nữa về sự “xa lạ” bí ẩn mà Haller, cũng như tường thuật tỉ mỉ bằng cách nào tôi đã dần dà phỏng đoán và hiểu ra nguyên do và ý nghĩa của sự xa lạ này, của hoàn cảnh sống đơn độc khác thường và dáng sợ này. Như thế lại tốt hơn, vì tôi muốn cá nhân mình đứng khuất phía sau càng xa càng hay. Tôi không muốn làm một màn công bó những điều mình tin tưởng, hoặc sáng tác truyện ngắn, hoặc mổ xẻ tâm lý, mà chỉ muốn làm chứng nhân góp đôi chút vào hình ảnh một con người độc đáo, kẻ đã để lại tập si cảo Sói Thảo Nguyên này đây.
Ngay phút đầu tiên nhìn thấy ông, khi ông bước qua tấm cửa kính vào nhà dì tôi, đầu nghếch lên như một con chin và tấm tắc khen trong nhà cô có mùi thơm, tôi đã thấy ngay một vẻ gì khác thường nơi người đàn ông này, và phản ứng khờ khạo đầu tiên của tôi là ác cảm. Tôi cảm thấy (dì tôi, ngược hẳn với tôi, hoàn toàn chẳng trí thức tí nào, cũng cảm thấy gần như thế) – tôi cảm thấy người đàn ông này bệnh hoạn, về tâm thần hoặc tình cảm hoặc tính khí gì đó, nên tôi đã phản kháng với bản năng của kẻ lành mạnh. Với thời gian, thái độ phản kháng này nhường chỗ cho lòng quý mến, dựa trên sự đồng cảm sâu sắc với con người triền miên đau khổ vô cùng tận này, mà tôi là người cùng chứng kiến tình cảnh ngày càng cô độc và cái chết dần mòn trong tâm can ông. Theo thời gian tôi rõ dần rằng bệnh tật này không phải do thể tạng ông thiếu kém gì, mà ngược lại do thiếu quân bình giữa tài năng sung mãn và thể lực của ông. Tôi nhận thấy Haller là thiên tài khổ đau, hiểu theo nghĩa một số câu nói của triết gia Nietzsch (4), ông đã tạo trong con người mình một khả năng thần sầu, khủng khiếp, vô bờ bến để chịu đựng khổ đau, Đồng thời tôi nhận thấy không phải sự khinh miệt thế giới, mà sự khinh bỉ chính mình mới là nền tảng cho sự yếm thế của ông, vì khi ông mạt sát không khoan nhương và tàn tệ về những định chế hoặc cá nhân, ông không hề loại trù mình ra, mà luôn coi mình là đối tượng đầu tiên cho những mũi tên của ông, luôn là người đầu tiên ông căm ghét và bác bỏ…
Tôi phải thêm vào đây một nhận xét về tâm lý. Dẫu chỉ biết rất sơ sài về cuộc đời Sói Thảo Nguyên, toi vẫn có đầy đủ ký lẽ để cho rằng thuở nhỏ ông được mẹ cha cùng các vị thầy đầy nhân ái, nhưng nghiêm khắc và rất mộ đạo (5) dạy dỗ; họ lấy “bẻ gãy ý chí” làm nền tảng của việc giáo dục. Việc hủy hoại nhân cách và bẻ gãy ý chí nọ không thành công ở cậu học trò này, vì cậu quá kiên cường, vững chãi, biết tự hào và có sức mạnh tinh thần (6).Thay vì hủy hoại nhân cách, lối giáo dục kia chỉ dạy được cậu một điều: tự căm ghét mình. Nay cả đời ông hướng mọi khả năng tưởng tượng thần sầu, vận dụng mọi sức mạnh trong suy nghĩ tự chống lại mình, chống lại đối tượng vô tội và cao quý ấy. Trong việc này, dẫu sao, ông vẫn là một người Cơ Đốc giáo hoàn toàn, một kẻ tuẫn đạo đúng nghĩa, nên mọi biện pháp gắt gao, mọi chê bai chỉ trích, mọi hành vi hiểm độc, mọi căm hận – mà ông tưởng tượng ra được – ông đều hướng tất cả vào mình trước hết. Với mọi người khác và thế giới xung quanh, ông luôn luôn cố gắng yêu thương họ bằng những hành động dũng cảm và nghiêm túc nhất, công tâm với họ, không làm họ đau khổ, vì ông ghi lòng tạc dạ câu “Ngươi phải yêu thương đồng loại” giống như luôn tâm niệm nỗi căm ghét chính mình vì thế nên cả cuộc đời ông là một thí dụ cụ thể cho thấy rằng, nếu không tự thương yêu mình thì cũng không thể thương yêu đồng loại, rằng mối căm ghét bản thân cũng tương tự như tính ích kỷ độc tôn, rốt cuộc nó tạo ra cùng một tình trạng cô lập và môi tuyệt vọng kinh hoàng nhất.
Nhưng bây giờ đã đến lúc tôi tạm gác qua một bên những suy nghĩ riêng của mình để nói về những sự kiện đã xảy ra thật. Điều đầu tiên tôi biết về ông Haller, một phần qua việc tôi lén lục soát phòng ông, phần khác qua những nhận xét của dì tôi, liên quan đến lối sống của ông. Tôi sớm nhận ra ông là một chuyên vùi đầu vào những suy tư cùng sách vở và không làm một nghề thực tế nào. Ông luôn dậy rất muộn, thường mãi gần trưa rồi choàng áo khoác lên bộ đồ ngủ, đi vài bước từ phòng ngủ sang phòng khách của mình, phòng khách này, trên gác sát mái nhà, rộng rãi và ấm cúng với hai cửa sổ, chỉ mới dau vài ngày trông đã khác lúc còn những người thuê trước. Đồ đạc chồng chất và càng ngày càng đầy ngập thêm lên. Trên các bức tường được treo tranh, gắn ảnh; vì thường là những bức vẽ cắt từ các tạp chí nên chúng thay đổi thường xuyên. Một bức phong cảnh miền Nam, những tấm hình chụp ảnh ở một thành phố nhỏ vùng quê nước Đức, hẳn là quê hương của Haller, xen vào đấy là những bức họa màu nước rực rõ mà mãi về sau chúng tôi mới biết do ông tự vẽ (7). Rồi hình một thiếu phụ - cũng có thể là thiếu nữa – xinh đẹp. Có thời gian trên tường treo một bức tranh tượng Phật nước Xiêm, sau thay bằng một phiên bản họa phẩm “Đêm” của Michelangelo (8), rồi một chân dung của Mahatma Gandhi. Sách vở không chỉ chất đầy chiếc tủ sách to mà còn nằm la liệt trên bàn, trên chiếc án thư cổ kính xinh xinh, trên đi văng, trên ghế, trên sàn; những mẫu giấy làm dấu kẹp trong các quyển sách ấy thay đổi chỗ thường xuyên. Lượng sách cứ tăng liên tục, vì ông không chỉ ôm từ thư viện về cả lô, mà còn nhận được thường xuyên bằng bưu kiện. Người ngủ trong căn phòng này hẳn phải là một học giả. Mùi khói thuốc bám trên mọi thứ cùng những mẩu thuốc, những chiếc gạt tàn rải rác khắp nơi lại càng phù hợp với hình ảnh ấy. Tuy nhiên phần lớn sách không thuộc loại khảo cứu mà là tác phẩm của cá nhà văn, nhờ thơ thuộc mọi thời đại và của mọi dân tộc. Có thời gian trên chiếc đi văng nơi ông thường nằm suốt ngày, lăn lóc đủ sáu quyển dày cộm của một tác phẩm tựa đề  Chuyến du lịch của Sophie từ Memel tới Sachsen (9) xuất bản vào cuối thế kỷ 18. Một bộ toàn tập của Goethe và một của Jean Paul chừng như được dùng rất nhiều, cũng như Novalis, cả Lessing, Jacobi và Lichtenberg nữa. Vài quyển của Dostoyevsky (10) kẹp đầy những mẩu giấy dày đặc ghi chú. Trên chiếc bàn lớn, giữa các chồng sách và tạp chí, thường thấy có một bó hoa; một hộp vẽ màu nước cũng nằm lăn lóc ở đấy, luôn bám đầy bụi, bên cạnh là những chiếc gạt tàn thuốc và, cũng chẳng giấu giếm làm gì, đủ loại chai lọ đựng thức uống. Một cái chai bọc rơm thường đựng vang đỏ uống. Một cái chai bọc rơm thường đựng vang đỏ ông mua ở một cửa hàng nhỏ gần nhà, thỉnh thoảng có cả một chai Burgund cũng như Malaga và một chai to rượt anh đào mà tôi thấy chỉ trong một thời gian ngắn đã gần cạn, rồi bị vứt ở một góc phòng mặc cho bụi bám, phần rượu còn lại chẳng hề vơi đi. Tôi không muốn bào chữa cho trò do thám vặt của mình và thẳng thắn thú nhận rằng, trong thời gian đầu, tất cả những dấu hiệu này của một cuộc sống tuy đáp ứng những nhu cầu của trí tuệ song lại đi đôi với phung phí thời gian và bê tha, đã khiến tôi ghê tởm và nghi ngại. Tôi không chỉ là một công dân sống điều độ, có thói quen lao động và phân chia thời gian chính xác, mà còn không cả rượu chè, thuốc lá, thành thử những chai rượu trong phòng Haller còn khiến tôi ít thiện cảm hơn là quang cảnh hỗn độn như trong tranh vẽ ở đây.
Trong chuyện ăn uống, người khách lạ này sống cũng rất không điều độ và thất thường, không khác gì trong chuyện ngủ nghe và làm việc của mình. Có những ngày ông hoàn toàn không bước ra khỏi nhà và chẳng ăn uống gì ngoài cà phê buổi sáng, thỉnh thoảng dì tôi thấy một vỏ chuối là thứ sót lại duy nhất của bữa ông ăn; những ngày khác ông lại đi ăn tiệm, khi thì vào quán sang trọng và thanh lịch, lúc lại đến quán nhỏ ở ngoại ô. Sức khỏe của ông có vẻ không được tốt; ngoài chuyện đi đứng khó khăn khiến ông thường khá vất vả lúc leo cầu thang, dường như ông còn bị những chứng tật khác trong cơ thể làm tình làm tội. Có lần ông buột miệng kể đã nhiều năm ông mắc chứng tiêu hóa yếu và ngủ không ngon. Tôi cho rằng chính là tại ông uống rượu. Về sau, đôi khi đi với ông tới một trong những quán quen của ông, tôi thỉnh thoảng chứng kiến ông nốc vang ừng ực lúc tâm trạng thất thường, nhưng tôi và mọi người khác chưa từng thấy ông thật sự say bao giờ.
Tôi không bao giờ quên được lần gặp gỡ đầu tiên, chỉ có ông và tôi. Chúng tôi biết nhau chỉ như hàng xóm ở cạnh phòng trong một ngôi nhà thuê thôi. Một chiều nọ đi làm về, tôi ngạc nhiên thấy Haller ngồi chỗ thềm nghỉ cầu thang giữa tầng một và tầng hai. Ông ngồi ở bậc trên cùng và nhánh sang bên cho tôi đi qua. Tôi hỏi ông không được khỏe chăng và đề nghị đưa ông lên tới tận tầng trên.
Haller nhìn tôi và tôi chợt nhận ra mình vừa đánh thức ông ra khỏi một dạng của trạng thái xuất thần. Nụ cười dần dần nở trên gương mặt ông – kiểu mìm cười khả ái khiến ta thấy tội nghiệp của ông nụ cười từng thường làm trái tim tôi trĩu nặng – rồi mời tôi ngồi xuống bên cạnh. Tôi cám ơn và bảo tôi không quen ngồi trên cầu thang trước ăn hộ của người khác.
“À phải đấy”, ông nói và cười hơn nữa. “Ông nói phải. Nhưng xin ông chờ cho một chút, tôi phải chỉ ông thấy cái lý do đã khiến tôi ngồi đây một lúc”.
Vừa nói ông vừa chỉ vào khoảnh hàng lang trước căn hộ của mộ góa phụ ở tầng một. Trên cái khoảnh nhỏ lát ván nằm giữa cầu thang, cửa sổ và cửa kính ra vào của căn hộ là một chiếc tủ gỗ gụ cao dựng sát tường, trên bày những đồ cổ bằng thiếc, trước tủ là hai chậu cây to, một cây đỗ quyên và một cây bách tán, đặt trên hai bục thấp. Hai cây này thật đẹp và luôn được giư gìn rất sạch sẽ, không chê trách được, như chính tôi từng thú vị nhận thấy.
“Ông nhìn kìa”, Haller nói tiếp, “Cái khoảnh hành lang nhỏ này với cây bách tán thơm thật là thơm, đã bao lần tôi đi qua đây mà không thể không dừng lại chốc lát. Trong căn hộ của bà dì ông cũng thơm lắm, ngăn nắp và sạch sẽ nhất mực, nhưng cái chỗ có cây bách tán này đây thật là sạch bóng, được hút bụi, lau chùi, sạch như li như lau, đến độ thành ra rực rõ. Tôi cứ luôn phải hít đầy phổi – ông cũng ngửi thấy chứ nhỉ? Cái mùi xi đánh gỗ, thoảng chút mùi dầu thông còn đọng lại cùng với gỗ gụ, những chiếc lá được lâu sạch, tất cả toát ra một mùi thơm như thế đấy, mức độ hoàn thiện của việc sạch sẽ tinh tươm trong giới trưởng giả, của tính chu đáo và chính xác, của việc hoàn tất nhiệm vụ và lòng trung tín ở ngay cả trong những việc nhỏ nhặt. Tôi không rõ người ở trong căn hộ này là ai, nhưng đằng sau tấm cửa kính kia hẳn phải là cõi thiên đường của sự tinh khiết và lối sống trưởng giả sạch bong bụi bặm, của trật tự và sự tận tụy giữ gìn những tập quán và chu toàn bổn phận dù nhỏ nhặt, với thái độ kính sợ đến mức khiến ta xúc động”.
Thấy tôi im lặng nên ông nói tiếp: “Xin ông chớ nghĩ rằng tôi mỉa mai! Thưa ông, không đời nào tôi dám cười nhạo lối sống trưởng giả và trật tự. Đúng là chính tôi sống trong một thế giới khác, chứ không phải trong thế giới này, và có lẽ tôi không đủ khả năng chịu đựng nổi, dù chỉ một ngày, trong một căn hộ với cây bách tán như thế kia. Nhưng dù tôi là một con sói thảo nguyên già nua và tệ mạt, song tôi vẫn là con của một bà mẹ và mẹ tôi cũng từng là một người đàn bà thuộc tầng lớp trung lưu, từng trồng hoa, chăm nom phòng ốc, cầu thang, bàn ghế, màn cửa, và hết sức cố gắng giữ cho căn hộ cùng đời bà được sạch sẽ, thanh khiết và ngăn nắp như bà mong muốn. Mùi dầu thông làm tôi nhớ đến điều ấy, mùi cây bách tán gợi tôi nhớ đến điều ấy, nên tôi ngồi chỗ này chỗ nọ, nhìn vào khoảnh vườn con yên ả của sự nền nếp này và thấy vui vui vì nó vẫn còn đây, chứ chưa mai một”.
Ông muốn đứng lên, nhưng hơi vất vả, nên không từ chối khi được tôi đỡ đôi chút. Tôi vẫn lặng thinh, nhưng đã bị khuất phục, giống như dì tôi trước đây, trước sức lôi cuốn nào đó mà đôi lúc con người lạ lùng này có được. Chúng tôi từ từ sóng vai bước lên cầu thang; tới trước cửa phòng ông, tay cầm sẵn chìa khóa, ông quay lại nhiền thẳng vào mặt tôi và với giọng rất mực thân ái ông nó: “Ông mới đi làm về à? Chà, tôi chẳng hiểu gì về những chuyện ấy; tôi sống xa cách những chuyện như thế, đại loại là sống bên lề, ông biết chứ. Nhưng tôi nghĩ rằng ông cũng ham mê sách vở và những thứ cùng loại, có lần bà dì ông bảo rằng ông đã qua bậc trung học và giỏi tiếng Hy Lạp. Ấy, áng nay tôi tìm thấy một câu của Novalis, tôi chỉ ông coi nhé? Ông cũng sẽ thích thú cho mà xem”.
Ông kéo tôi vào căn phòng nồng nặc mùi thuốc lá, rút một quyển từ một trong những chồng sách, lật tìm.
“Cái này cũng hay, rất hay” ông nói, “ông nghe thử câu này nhé: “Ta nên kiêu hãnh trước khổ đau – mỗi khổ đau đều là một nhắc nhở đến đẳng cấp cao của chúng ta”. Tuyệt! Tám mươi năm trước cả Nietzsche cơ đấy! Nhưng đó không phải là câu tôi muốn tìm – ông chờ chút – đây rồi. Cây ấy thế này “Phần lớn người ta đều không muốn bơi, cho đến lúc họ bơi được” Không dí dỏm sao? Dĩ nhiên người ta không muốn bơi! Người ta sinh ra để sống trên mặt đất, chứ đâu phải trong nước. Và dĩ nhiên họ cũng không muốn suy tư, họ được tạo ra để sống, không phải để suy tư! Đấy và ai suy tư, ai coi suy tư là chuyện chủ yếu, người ấy tuy có thể tiến xa trong lĩnh vực này, nhưng chính là người ấy đã hoán đổi đất lấy nước, và sẽ có lúc chết đuối”.
Lúc ấy ông đã thu hút được tôi, khiến tôi chú ý và nán lại một lúc với ông, rồi từ đó việc chúng tôi trò chuyện đôi chút với nhau, khi gặp nơi cầu thang hay trên đường phố, không phải là hãn hữu. Vào những dịp ấy, giống như lần trò chuyện trước cây bách tán, mới đầu tôi luôn có đôi chút cảm giác rằng ông giễu cợt tôi. Nhưng không phải thế. Đối với tôi, cũng như với cây bách tán, ông có thái độ gần như kính trọng, ông ý thức rõ về hoàn cảnh mất gốc rễ của mình, khiến đôi lúc ông có thể cực kỳ hào hứng khi trông thấy một hành động thường nhật của thế giới trưởng giả, chẳng hạn việc tôi đi làm đúng giờ giấc, hay nghe một câu nói của người giúp việc trong nhà hoặc của người soát vé xe điện. Mới đầu tôi thấy điều này có hơi lố bịch và thái quá, đúng là tính khí của kẻ thượng lưu ăn không ngồi rồi, một kiểu đa cảm vờ vĩnh. Nhưng dần dà tôi phải nhìn nhận rằng quả thật ông, từ căn phòng không khí ngột ngạt, từ tình cảnh một kẻ xa lạ và tính chất sói thảo nguyên của mình, gần như đã ngưỡng mộ và yêu thích thế giới trưởng giả nhỏ bé của chúng tôi như một nơi chốn vững chãi và an toàn, như cái gì xa với và không đạt nổi đối với ông, như quê hương và sự thanh bình mà không có con đường nào dẫn ông tới đó. Lần nào ông cũng trân trọng ngả mũ chào người giúp việc của chúng tôi, một người đàn bà đàng hoàng tử tế, và lần nào dì tôi trò chuyện đôi chút với ông, chẳng hạn lưu ý ông việc sửa quần áo hoặc một cái cúc bị sút, ông đều lắng nghe với vẻ chăm chú và trịnh trọng đáng ngạc nhiên, như thể với nỗ lực vượt bậc và vô vọng, ông cố lách qua một kẽ hở, vào trong cái thế giới nhỏ bé, yên bình này, để nó trở thành mái gia đình ấm cúng của mình, dù chỉ được một giờ thôi.
Ngay lần trò chuyện đầu tiên nơi đặt chậy cây bách tán, ông đã tự xưng là Sói Thảo Nguyên, và điều này khiến tôi ngạc nhiên và hơi bối rối. Từ ngữ gì mà lạ lùng vật nhỉ? Nhưng rồi tôi tập chấp nhận nó không chỉ qua việc làm cho mình thích nghi, mà chẳng mấy chốc chính tôi, trong những suy nghĩ của mình, đã không bao giờ còn gọi ông bằng gì khác ngoài cái tên Sói Thảo Nguyên và ngay cả hiện nay tôi cũng không biết có từ nào chính xác hơn cho hình tượng này. Một con sói thảo nguyên lạc lối, tìm đến với chúng tôi nơi phố thị và cuộc sống bầy đàn – không hình ảnh nào khác diễn tả chính xác hơn con người ông cùng cảnh cô đơn đến thành xa cách, chất hoang dã, sự bồn chồn, nỗi nhớ nhà và tình trạng không có quê hương của ông.
Có lần tôi được dịp quan sát ông cả buổi chiều, tại một buổi hòa nhạc, tôi ngạc nhiên thấy ông ngồi gần tôi, còn ông lại không nhận ra tôi. Đầu tiên họ trình diễn nhạc Handel, loại âm nhạc hay ho và quý phái, nhưng Sói Thảo Nguyên ngồi trầm tư, chẳng chút liên quan đến âm nhạc lẫn mọi người chung quanh. Ông ngồi tách biệt, cô đơn và xa lạ, khuôn mặt lạnh lùng nhưng đầy âu lo cúi nhìn xuống. Rồi tới một đoản khúc của Friedemann Bach, tôi hết sức kinh ngạc thấy chỉ sau vài nhịp người khách lạ của tôi đã bắt đầu mỉm cười thả hồn theo tiếng nhạc, đắm chìm vào nội tâm, dễ có đến mười phút trông ông thật say sưa hạnh phúc và mê ly trong những giấc mộng tuyệt vời, khiến tôi chú ý tới ông hoàn là vào tiếng nhạc. Khi đoản khúc này chấm dứt, ông bừng tỉnh, ngồi thẳng lại, chuẩn bị đứng lên, dường như định ra, nhưng lại ngồi và nghe khúc nhạc chót, đó là những biến tấu của Reger (11), thứ nhạc mà nhiều người cảm thấy lê thế và chán ngán. Cả Sói Thảo Nguyên cũng thế, mới đầu ông còn chú ý, hăm hở lắng nghe, nhưng rồi thấy chán, liền thọc hay tay vào túi, lại đắm chìm vào tâm tư của mình, nhưng lần này không hân hoan và chìm trong mơ mộng nữa, mà buồn bã và cuối cùng cau có bực bội, gương mặt ông lại xa vắng, nhợt nhạt và u tối, trông già đi, bệnh tật và bất mãn.
Sau buổi hòa nhạc tôi lại thấy ông trên đường phố, liền bước theo sau. Trùm kín người trong chiếc măng tô, ông chán chường và mệt mỏi bước về hướng khu phố của chúng tôi, nhưng tới trước một quán ăn nhỏ kiểu xưa ông dừng lại, phân vân nhìn đồng hồ rồi bước vào. Tôi bỗng nổi hứng nên cũng vào theo. Ông ngồi tại một chiếc bàn kiểu thị dân, chủ quán và cô chạy bàn chào hỏi ông như một khách quen, tôi cũng chào và ngồi xuống cạnh ông. Chúng tôi ngồi ở đó một giờ đồng hồ. Trong lúc tôi uống hai ly nước suối, ông gọi nửa lít vang đỏ rồi thêm một phần tư lít nữa. Tôi bảo tôi cũng có mặt trong buổi hòa nhạc, nhưng ông chẳng đả động gì tới chuyện ấy. Ông đọc nhãn hiệu chai nước suối của tôi và hỏi tôi không thích uống vang ư, vì ông muốn mời tôi. Khi nghe đáp tôi không bao giờ uống rượu, ông tỏ vẻ chưng hửng và nói “Phải, ông nói đúng. Tôi cũng đã từng sống tiết chế nhiều năm và cả ăn chay (12) một thời gian dài nữa, nhưng bây giờ tôi lại cầm tinh Thủy thần, một chòm sao tối tăm và ẩm ướt”.
Và khi tôi đùa lối nói bóng gió của ông bằng cách trả lời rằng người như oogn mà lại tin vào chiêm tinh thì thật là khó tin đối với tôi, ông liền lấy lại cái giọng lễ độ thường khiến tôi bị xúc phạm và nói: “Đúng quá, kể cả môn khoa học này tôi cũng rất tiếc không thể tin nổi”.
Tôi cáo từ ra về, còn ông mãi rất khuya mới về đến nhà, nhưng bước chân vẫn bình thường, và như mọi khi ông không đi ngỷ ngay (là láng giềng sát vách nên tôi nghe thấy rất rõ), mà còn thức trong phòng khách sáng đèn của ông môt giờ nữa.
Tôi cũng không quên một buổi chiều khác. Lúc ấy tôi ở nhà một mình, dì tôi đi vắng, có tiếng chuông gọi cửa, tôi ra mở, thấy một thiếu phụ rất đẹp, khi nàng hỏi ông Haller, tôi nhận ra ngay nàng là người trên bức ảnh trong phòng ông. Tôi chỉ cho nàng cửa phòng ông rồi rút lui. Nàng ở trên đó một lát, lát sau tôi nghe tiếng họ cùng xuống cầu thang, chuyện trò ríu rít, thích thú và đùa cợt, rồi đi ra ngoài. Tôi rất sững sốt vì nhà ẩn cư này có một người tình, mà lại trẻ đẹp và thanh lịch đến thế, khiến mọi phỏng đoán của tôi về ông và cuộc đời ông lại trở thành không chắc chắn. Nhưng non một giờ sau ông đã trở về, một mình, với bước chân nặng nề, buồn bã, gắng sức lên lầu, rồi rón rén đi đi lại lại trong phòng khách hàng giờ liền, thật y như một con sói trong cũi; suốt đên căn phòng sáng ánh đèn cho đến hừng đông.
Tôi không biết giờ về mối quan hệ này, chỉ muốn nói thêm: tôi thấy ông với thiếu phụ nọ một lần nữa trên một con đường trong thành phố. Họ khoác tay nhau, trông ông thật hạnh phúc và tôi lại ngạc nhiên thấy đôi khi khuôn mặt ưu tư và cô đơn của ông có thể đầy nét phong nhã, thậm chí ngây thơ non dại tới mức nào và tôi hiểu thiếu phụ kia, hiểu cả sự đồng cảm dì tôi dành cho người đàn ông này. Nhưng chiều hôm ấy ông trở về, cũng buồn bã và khốn khổ, tôi gặp ông ở cửa nhà, kẹp dưới lớp áo măng tô chai rượu vang Ý, như tôi đã đôi lúc thấy, rồi ngồi với nó suốt nửa buổi tối trong hang ổ của mình ở trên kia. Tôi thấy tội nghiệp ông, thấy cuộc đời mà ông sống ấy mới buồn thảm, phí hoài và khó xoay chuyển làm sao!
Thôi, tôi kể lan man như thế đủ rồi. Không cần thêm những tường thuật và miêu tả để cho thấy Sói Thảo Nguyên sống cuộc đời của một kẻ tự sát. Tuy nhiên tôi không tin rằng ông đã tự kết liễu đời mình, khi hồi đó ông đột ngột rời khỏi thành phố của chúng tôi mà không lời từ biệt và biến mất vào một ngày nọ, nhưng chỉ sau khi đã thanh toán đủ mọi khoản tiền còn thiếu. Dì cháu tôi không bao giờ còn nghe tin tức gì nữa về ông và vẫn còn giữ vài ba bức thư gửi đến ông sau đó. Ông không để lại gì ngoài tập cảo bản đã viết trong thời gian lưu lại đây cùng vài dòng ngắn ngủi tặng tôi với vài lời ghi chú cho phép tôi tùy ý làm gì với nó cũng được.
Tôi không thể nào kiểm chứng tính chân thực của những sự kiện tường thuật trong tập di cảo của Haller. Tôi không hề hoài nghi rằng chúng phần lớn là tưởng tượng, nhưng không phải theo nghĩa bịa đặt tùy tiện, mà theo nghĩa một thử nghiệm về cách diễn đạt, nhằm thể hiện những diễn biến từng trải sâu sắc trong tâm hồn dưới hình thức những biến cố ai cũng trông thấy được. Những sự cố phần nào kỳ quáy trong sự tưởng tượng của Haller có lẽ xảy ra vào khoảng cuối thời gian ông lưu lại đây, và tôi cho rằng chúng cũng dựa một phần trên những điều ông đã trải qua thực sự ngoài đời. Quả thật trong thời gian ấy người khách của chúng tôi đã có sự thay đổi trong cách cư xử và ngoại hình; ông rất hay vắng nhà, đôi khi suốt nhiều đêm, và không đụng tới sách vở. Qua vài lần gặp gỡ hẵn hữu hồi ấy, tôi thấy ông có vẻ sinh động và trẻ ra khác thường, đôi khi rõ ràng là đang có điều gì đấy khiến ông rất thú vị. Nhưng ngay sau đó là một cơn bệnh trầm uất nặng nề mới, ông nằm cả ngày trên giường, chẳng buồn ăn và cũng trong thời gian ấy nổ ra một trận cãi vã hết sức gay gắt, phải nói là dữ dội với người tình (13) tái hiện của ông, làm náo động cả nhà, khiến ngày hôm sua Haller phải xin lỗi dì tôi.
Không, tôi tin chắc ông không tự sát. Ông còn sống, ông đang lê đôi chân mệt mỏi lên xuống cầu thang những ngôi nhà lạ khác, đăm đăm nhìn đâu đó vào những dàn nhà lát gỗ lau chùi bóng loáng và những cây bách tán được chăm sóc sạch sẽ, ngồi suốt nhiều ngày trong những thư viện và suốt nhiều đêm trong các quán rượu hay nằm trên một chiếc đi văng thuê, nghe thấy con người và thế giới đang sống ở sau những ô cửa sổ, và biết rằng mình bị loại ra khỏi đó, nhưng ông không tự tử, vì mẩu niềm tin còn sót lại bảo rằng ông phải nếm trải nỗi đau khổ ấy, nếm trải cho đến cạn kiệt nỗi đâu khổ tệ hại trong trái tim ông và vì nỗi khổ này mà ông phải chết. Tôi không nguôi nghĩ đến ông, ông đã không làm cho đời tôi được thanh thản hơn, ông không có tài hỗ trợ và khuyến khích sở trường cùng hạnh phúc lẫn niềm hân hoan trong tôi, mà hỡi ơi, ngược lại! Nhưng tôi không phải là ông và tôi không sống theo kiểu của ông, mà của tôi, một cuộc sống trung lưu bình thường, nhưng ổn định và bận rộn vì những bổn phận phải chu toàn. Và như thế chúng tôi, tôi với dì tôi, có thể nghĩ đến ông, bình thản và trong tình bằng hữu. Dì tôi chắc có nhiều điều hơn là tôi để nói về ông, nhưng dì chôn giấu chúng trong trái tim nhân hậu của bà.
Trở lại với những ghi chép này của Heller, về những tưởng tượng lạ lùng, bệnh hoạn có, mà hấp dẫn và đầy ắp tư tưởng cũng có, thì tôi phải nói rằng nếu những tờ giấy này ngẫu nhiên lọt vào tay tôi mà tôi không quen biết tác giả của chúng, chắc chắn tôi sẽ phẫn nội quẳng đi ngay. Nhưng do mối quan hệ quen biết với Haller nên tôi có thể hiêu được chúng phần nào, thậm chí tán thành nữa là khác. Tôi sẽ rất đắn đo trong việc truyền đạt chúng tới người khác, nếu chỉ thấy trong đó những tưởng tượng mang tính bệnh lý của riêng một tâm hồn bệnh hoạn đáng thương. Nhưng tôi thấy trong đó chất chứa điều gì hơn thế, một tư liệu của thời đại, vì bệnh tâm thần của Haller – nay tôi biết điều này – không phải là thói dở hơi của riêng lẻ một ngườ, mà chính là bệnh của thời đại, là chứng loạn thần kinh của thế hệ trong đó có Haller, và dường như không chỉ những cá nhân yếu đuối và thấp kém mới mắc phải, mà đúng hơn lại là những con người giàu thể lực, trí lực nhất, tài ba nhất. Những ghi chép này – bất kể chúng dựa trên trải nghiệm thực tế nhiều hay ít – là một nỗ lực nhằm vượt thắng căn bệnh tràn lan của thời đại, không phải qua tránh né vòng vo hay tô son vẽ phấn, mà bằng cách cố gắng đưa căn bệnh đó lên làm đối tượng để thể hiện thời đại. Chúng đúng là một cuộc hành trình xuyên địa ngục, theo nghĩa đen, lúc thì ta thấy kinh hãi, khi khác lại anh dũng táo bạo, vượt qua sự hỗn mang của một thế giới nội tâm âm u, một cuộc hành trình quyết chí băng qua địa ngục, thách thức sự hỗn mang và chịu đựng bị cái ác hành hạ cho đến giờ phút cuối.
Một lưu ý của Haller đã cho tôi chìa khóa để thấy đạt nhận thức trên. Có lần, sau khi chúng tôi trò chuyện về cái gọi là những điều dã man thời Trung Cổ, ông bảo tôi: “Thật ta những điều dã man này không có thực. Một người thời Trung Cổ hẳn sẽ đánh giá mọi cung cách trong đời sống chúng ta ngày nay một cách khác hẳn; y sẽ kinh tởm cho như vậy là vô cùng tàn bạo, khủng khiếp và man rợ! Mỗi thời đại, mỗi nền văn hóa mỗi tập tục và truyền thống đều có cung cách của nó, xác định mức độ từ khoan dung đến hà khắc, đặt tiêu chuẩn thế nào là thiện mỹ hay tàn ác, coi một số nỗi thống khổ là đương nhiên và nhẫn nại chấp nhận một số hiện tượng xấu xa nào đấy. Đời người chỉ thật sự thống khổ, thật sự biến thành địa ngục khi hai thời đại, hai nền văn hóa và tôn giáo chồng chéo lên nhau. Một người thời Thượng Cổ nếu phải sống trong thời Trung Cổ hẳn sẽ chết ngộp một cách khốn khổ, hệt như một thổ dân vùng hoang dã hẳn sẽ chết ngộp giữa nền văn minh của chúng ta. Có những thời kỳ mà cả một thế hệ lạc loài vào giữa hay thời đại, giữa hai phong cách sống như thế, khiến nó mất đi mọi khả năng thấy mình đương nhiên được quyền hiện hữu, mất đi mọi tập tục, cảm tưởng được bảo bọc, và mất đi tính hồn nhiên vô tư. Tất nhiên không phải ai cũng cảm  thấy điều ấy với mức độ như nhau. Trước đây hơn một thế hệ, một người với bản chất như Nietzsche đã phải chịu đựng nỗi thống khổ của thời bây giờ rồi – nay hàng nghìn người phải hứng chịu những gì Nietzsche từng nếm trải qua cô đơn mà không ai thấu hiểu”.
Tôi thường nghĩ tới lời nói ấy khi đọc tập bút ký này, Haller thuộc vào những người sa chân lạc bước vào giữa hai thời đại, những kẻ bị văng ra khỏi sự được bảo bọc và tính vô tư, ông thuộc những kẻ vướng nghiệp dĩ phải trải nghiệm mọi vấn nạn của đời người bằng nỗi thống khổ của riêng mình ở địa ngục trần gian.
Theo tôi thì ý nghĩa có thể rút ra từ tập bút ký của ông để lại cho chúng ta nằm ở điểm này, vì thế tôi đã quyết định công bố nó, mà không có ý bênh vực phán xét; điều này xin để tùy lương tâm của mỗi độc giả.
Chú thích

(1) Nachwort Zum Steppenwolf (Volker Michels, Materialien zu Hermann Hesse “Der Steppenwolf” – Tư liệu về Sói Thảo Nguyên của Hermann Hesse – Suhrkamp Verlag, Frankfurt a.M., 1972) – Mọi chú thích trong sách đều là của người dịch - LCC
(2) Mùa đông năm 1924, Hesse (lúc ấy 47 tuổi, đã cùng với gia đình cư ngụ tại Thụy Sĩ từ năm 1912) đến thành phố Basel thuê một căn gác sát mái gồm hay phòng để sáng tác Sói Thảo Nguyên; đầu năm 1927 ông hoàn thành tác phẩm này ở Zurich.
(3) Hesse mang trong người khá nhiều bệnh trầm kha (nên năm 1946 ông không thể đến Stockholm – thủ đô Thụy Điển – nhận giải  Nobel).
(4) Friedrich Nietzsche (1944 – 1990): triết gia Đức, mới ngoài 30 tuổi đã phải chịu nhiều đau khổ vì bệnh tật.
(5) Cha và ông ngoại tác giả từng là những nhà truyền giáo đạo Tin Lành ở Ấn Độ, sau đó vẫn tiếp tục các hoạt động liên quan đến tôn giáo ở Đức và Thụy Sĩ.
(6) Trong bức thư của bà mẹ tác giả viết cho chồng vào tháng tám năm 1881, có đoạn: “(…) thằng nhỏ này có (…) một ý chí mãnh liệt và một kiểu hiể biết quả thật khác thường ở tuổi lên bốn của nó”.
(7) Ngoài viết văn, làm thơ, Hesse còn vẽ tranh.
(8) Michelangelo (1475 – 1564): nhà họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư trứ danh của Ý.
(9) Tên bộ tiểu thuyết của Johann Timotheus Hermes (1738 – 1821)
(10) Jean Paul, Novalis, Lessing, Jacobi và Lichtenberg: tên một số nhà văn Đức ở thế kỷ 18 và 19, còn Dostoyevsky là nhà văn Nga
(11) Handel, Friedemann Bach, Reger: các nhạc sĩ cổ điển Đức.
(12) Ăn chay ở đây không có nghĩa toàn “rau đậu” theo kiểu Phật giáo, mà thường chỉ kiêng rượu thịt.
(13)  Nhân vật người tình Erika này ngoài đời chính là nữ ca sĩ Ruth Wenger, vợ thứ hai của Hesse. Họ lấy năm năm 1924, nhưng không hạnh phúc, nên trong thời gian cùng lưu lại Basel mỗi người ở riêng một nơi, và cuối cùng ly hôn năm 1927.