OHN Steinbeck sinh ngày 27 tháng hai năm 1902 tại Salinas trong một gia đình nghèo, bố làm thủ quĩ, mẹ làm nhà giáo. Lớn lên ông theo học khoa sinh vật trường Đại học Tổng hợp Standford. Ra trường ông phải làm nhiều nghề để kiếm sống, như công nhân nông nghiệp, phóng viên và một số nghề khác. Với vốn sống phong phú Steinbeck sớm bước vào con đường văn học và liên tiếp cho ra mắt một loạt các tác phẩm, nhưng không gây được sự chú ý của người đọc: "Cốc vàng" (Cup of Gold, 1929), "Đồng cỏ thiên đường" (Pastures of Heaven, 1932), "Gửi vị thần chưa biết" (To a God unknown, 1933)... Trong những tác phẩm này, cũng như trong các tiểu thuyết "Tortills Flat" (1935) và "Trong trận đánh bất ngờ" (In dubious battle, 1936) ông viết về số phận những "kẻ lạc loài", những người lớp dưới của xã hội Mỹ và các công nhân tham gia đình công đã bị đẩy vào tình thế tuyệt vọng. Tác phẩm đầu tiên làm ông nổi tiếng là tiểu thuyết "Về chuột và người" (Of mice and men, 1937), sau này được chính tác giả chuyển thành kịch và phim, nói về những người lập dị, cô đơn, không may mắn và hoàn toàn lạc lõng trong xã hội thương mại. Năm 1939 John Steinbeck cho ra mắt tác phẩm lớn nhất của ông là tiểu thuyết "Chùm nho phẫn nộ" (The Grapes of Warth). Trước đây vốn là một công nhân nông nghiệp, cùng với nhiều điền chủ nhỏ khác, ông đã bị đuổi khỏi mảnh đất mình đang sinh sống, phải rời bỏ Oklahôma để tới California tìm việc làm, như chính các nhân vật ông miêu tả trong tác phẩm. "Chùm nho phẫn nộ" là cuốn sách đau buồn về đất nước Mỹ, về những người nông dân bị bóc lột đến cùng cực, bị chà đạp về tinh thần. Ngay từ khi ra đời nó đã gây nhiều cuộc tranh cãi sôi nổi trong các giới bạn đọc, nhiều người hết lòng ca ngợi, nhưng cũng nhiều người không tiếc lời nguyền rủa. Tuy miêu tả một địa danh nhất định trong một thời gian nhất định, nhờ tính khái quát cao, "Chùm nho phẫn nộ" đã trở thành tác phẩm cổ điển của văn học Mỹ và văn học thế giới hiện đại nói chung. Những năm tiếp theo, Steinbeck vẫn tiếp tục viết về đề tài những người cùng cực trong xã hội với tác phẩm "Một dãy đồ hộp" (Cannery Row, 1945), "Ngày thứ năm tốt lành" (Sweet Thursday, 1954) và cuốn sách lên án chủ nghĩa phát xít "Trăng lặn" (The Moon is down, 1942). Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, Steinbeck chuyển sang viết các tác phẩm có tư tưởng và kết cấu phức tạp, mang tính triết lý cao. Đó là các tiểu thuyết "Chiếc ô tô buýt lạc đường" (The Waywar bus, 1947) nói về loài người phải dò dẫm đi trong bóng tối và cuốn "Phía đông thiên đường" (East of Eden, 1952), một cuốn sách đồ sộ với ý định khái quát lớn, nhưng không được người đọc chấp nhận, nói về lịch sử hai gia đình di cư, tượng trưng cho hai dòng họ lâu đời nhất của loài người, bắt nguồn từ Adam và Eva. Những năm năm mươi, sáng tác của Steinbeck bước vào giai đoạn khủng hoảng. Tuy nhiên năm 1961, cuốn "Mùa đông lo buồn của chúng ta" (The Winter of our discontent) ra đời đã gây được sự chú ý của đông đảo bạn đọc. Tác giả lại quay về với đề tài "vỡ mộng" của văn học Mỹ những năm hai mươi. Truyện được viết bằng giọng châm biếm pha chút hài hước đau buồn, mang màu sắc triết lý và ám chỉ. Năm 1962 Steinbeck bắt đầu những chuyến du lịch dài ngày tới hầu hết các bang của nước Mỹ, lấy tư liệu cho cuốn ký "Chuyến đi tìm kiếm lại nước Mỹ với Charley" (Travels with Charley in seach of America, 1962), phản ánh một cách khách quan hiện thực nước Mỹ với cả hai mặt tốt và xấu của nó. Cũng trong năm 1962, ông được tặng giải thưởng Nobel về văn học. John Steinbeck là một nhà văn lớn của nước Mỹ và thế giới, đồng thời ông cũng là một cây bút phức tạp và đầy mâu thuẫn. Một lúc ông vừa là tác giả của những tác phẩm thực sự có giá trị lớn cả về nội dung tư tưởng lẫn văn học như "Chùm nho phẫn nộ", lại vừa là người viết ra những cuốn sách sơ lược hoặc sa vào triết lý rối rắm. Năm 1966, Steinbeck công khai tuyên bố ủng hộ cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam và đã có một số lời nói, việc làm không xứng đáng với tên tuổi và sự nghiệp của ông. John Steinbeck mất ngày 20 tháng 12 năm 1968 tại NewYork.