iữa một đêm trời mùa thu dịu mát. Tôi đang vui vẻ chuẩn bị hành lý cho chuyến đi lặn biển sắp tới của mình. Màn hình Laptop chợt nhấp nháy báo có email mới. Mở ra thấy là thư của bạn, trong thư bạn viết: Chào Song Nhi. Bữa nay nghe mẹ mình gọi điện bảo sau mấy ngày mưa liên tục, giờ ở quê nước ngập ghê lắm, còn nói mới làm món bánh xèo bông điên điển làm mình thèm, mình nhớ quê quá xá. Làm bài thơ nhỏ, tặng cho nàng cũng là tặng cho mình luôn thể, vì tụi mình cùng quê Miền tây sông nước mà. Giờ bên nàng chắc khuya lắc khuya lơ rồi. Chúc nàng ngủ ngoan hen! Nằm mơ thấy ăn bánh xèo bông điên điển ha! (N.T) Ngoài dòng chữ ấy bạn còn gởi kèm theo bài thơ nho nhỏ do chính bạn sáng tác từ cảm xúc về mùa nước lũ. Đẩy vali qua một bên tôi ngồi đọc, tôi suy nghĩ vu vơ và cuối cùng là không thể ngủ sớm như dự định. Đong đưa trên cái xích đu trước ban công của căn hộ mới. Nhìn xuống thành phố hiện đại đầy màu sắc ngay dưới chân mình. Tôi nghe những mảnh ký ức cũ cuộn chảy tìm về. Tôi nhớ hồi còn bé tí ti đang học lớp 3 trường làng. Tôi từng hỏi bà ngoại tôi tại sao trong sách tiếng việt viết là nước lũ mà người dân miền tây xứ tôi lại gọi nước ngập, nước nổi. Bà ngoại tôi bảo rằng bởi vì tiếng địa phương từng miền khác nhau. Trên hết người xứ tôi gọi như vậy như một cách tránh né để sự việc nhẹ nhàng hơn. Bởi vì chữ nước lũ ở xứ tôi đồng nghĩa cái gì đó lớn lao, nghiêm trọng hơn. Thời ấy trong khi những người lớn đoán non, đoán già về những đám mưa dầm bất thường nối tiếp nhau vào mùa thu thì tôi mừng lắm. Ước ao mưa càng nhiều càng tốt.Bởi vì tôi biết mưa nhiều đồng nghĩa với nước ngập sớm và kéo dài. Tôi chẳng những được nghĩ học một cách '' hợp pháp '' do trường làng đóng cửa mà còn được tha hồ chơi đùa nghịch nước. Mặc cho người lớn la rầy thậm chí quất vào mông vài roi tre. Tôi và đám bạn vẫn cứ dầm mưa, lội nước hàng giờ liền mà chẳng bao giờ thấy đứa nào bệnh đau gì hết. Chẳng bù cho bây giờ chỉ cần mưa ướt đầu chút xíu là tôi nghe như muốn bị cảm tới nơi. Xóm tôi nằm gần con sông lớn và gần mặt lộ nên địa thế cao hơn so với những vùng trũng ở trong bưng biền. Chính nhờ vậy mà mực nước lên xuống theo thủy triều trong ngày. Đầu mùa mực nước chưa dâng cao nhiều, chúng tôi vẫn phải tới lớp học.Nhưng vì những cây cầu dừa bắt qua các mương, rạch nhỏ bị ngập nên phải ngồi trên xuồng bơi dọc theo con rạch lớn đi ra phía mé lộ nhựa để đi học. Không đi trên lối mòn hay đường làng như thông lệ. Tuổi nhỏ ngây thơ chẳng biết cái gì gọi là cực khổ hay tủi thân chi đâu. Trong khi những người lớn cứ xót xa bảo tội nghiệp đám con nít chứ riêng tôi chỉ thấy vui và vui mà thôi.Đôi ba ông chú, ông bác ước ao trúng số có tiền để xây cầu xi măng. Thời đó cũng chẳng phải trả tiền đò tiền ghe gì hết toàn là chòm xóm quen biết . Những gia đình chia nhau đưa đám con nít đi học. Buổi sáng để tránh ướt quần áo sách vở và đảm bảo an toàn. Đám con nít được người lớn đưa ra mé rạch ngồi chờ đò tới. Nhà tôi toàn đàn bà, cha tôi thì đi làm ăn xa . Trong khi vài đứa bạn được cha, anh trai công kênh trên vai.Thì tôi được dì cõng trên lưng lội bì bỏm trong làn nước phù sa đục ngầu ngập qua đầu gối một chút. May là tôi ngày ấy cũng ốm yếu gầy gò. Tan học vào buổi trưa nước rút xuống bớt chúng tôi có thể tự đi bộ về nhà. Tới nhà thì trừ tập vở còn sạch nguyên do được bao bọc cẩn thận trong túi nhựa còn chúng tôi đứa nào đứa nấy lem nhem bùn sình. Chuyện té ngã ê cả thân người mà người nhà quê tôi gọi là '' chụp ếch '' thường xuyên như ăn cơm bữa. Nhà ngoại tôi ngày đó do tổ tiên hương hỏa để lại.Nền nhà gia cố kỷ lưởng và rất cao nên dù ngay giữa mùa nước ngập thì nước vẫn chỉ ngập chung quanh vườn chứ không tràn được vào trong nhà. Mùa nước ngập đồng nghĩa với mùa cá. Cơ man là cá chỉ cần một cái mùng cũ cùng bốn cái nẹp tre làm thành cái bẫy cá tự chế thêm một ít cám rang rãi xuống nước. Phút chốc là đám cá lòng tong và lũ sặc bướm háo ăn ào ào kéo tới. Chỉ việc kéo mạnh sợi dây và lấy cái rổ xúc lấy chúng. Nước rút bớt chỉ cần cầm một cái rổ tre đi lùng sục phía sau vườn ở khoảng nước trũng tìm những chú cá rô mề mãi ham chơi trú ngụ nơi đó. Chẳng bao giờ có thể ăn hết số cá bắt được nên bà ngoại tôi thường đem chúng làm mắm để ăn dần cho cả năm.Tôi còn nhớ một buổi sáng khi dì tôi đang ngồi giặt đồ ngay trước hiên nhà.Bỗng nhiên dì lật ngược cái thau đựng quần áo và nhảy ào xuống khoảng sân ngập nước. Để rồi cười hớn hơ giơ cao một chú tai tượng khá lớn mà dì đoán thoát ra từ một cái ao nuôi cá nào đó. Chiều mát thì chèo xuồng đi dọc mé rạch hái bông điên điển. Có là dân miền Tây mới thấy yêu làm sao cái màu vàng của loại hoa mọc từ nách mẹ dân dã. Bông điên điển dùng để ăn với mắm kho, đổ bánh xèo cùng nhân tép ruộng, luộc chấm cá kho... Những buổi chiều mưa rả rích trời lành lạnh, ăn tô canh chua bông điên điển nấu với cá linh đầu mùa cùng cá rô non kho tộ thì mới thấu hiểu cái gì gọi là tình quê. Những hương vị ngọt ngào ấy không bao giờ có thể tìm thấy ở bất cứ một nơi nào khác ngoài căn bếp vương vương mùi khói thuở nào. Chẳng biết có phải vì quanh năm ăn cá mà tới tận bây giờ tôi vẫn thích ăn cá hơn hết trong nhóm thực phẩm hằng ngày. Cũng như ăn cơm thì phải có rau như một thói quen bằng không thì khó mà nuốt trôi. Ngày mới sang đây hễ thấy trời mưa là tôi bắt đầu tỉ tê khóc vì nhớ nhà và những trò chơi ngày cũ. Thương tôi Dad và Mom gọi người tới nối dài thêm cái hồ bơi sau nhà. Họ cho sửa lại cong cong, vẹo vẹo, có tiểu cảnh nhỏ nước tuôn róc rách. Đặt kèm thêm đôi ba chậu cây xanh và nuôi hồ cá cảnh trong phòng khách với hy vọng giúp tôi nguôi ngoai phần nào.Tôi ngày đó không đủ khả năng để diễn giải cảm xúc hoặc có thể do Dad và Mom không phải là người Việt nên chẳng thể thấu hiểu hết cái chất quê mà tôi cần. Nước hồ bơi trong veo thấy tới đáy thoảng mùi thuốc sát trùng làm sao mà giống được màu nước phù sa nơi xứ tôi. Những con cá đầy màu sắc đó khác xa thứ cá nuôi sống con người mà tôi biết. Nên tôi xuống bơi lội đôi ba lần chiếu lệ cho đám cá cảnh ăn một, hai bữa rồi thì chẳng thèm ngó ngàng tới nữa. Thời gian trôi đi cuốn theo bao điều thay đổi. Tôi về Việt Nam vài lần nhưng không phải lúc nào cũng đúng vào mùa nước nổi. Theo nhịp sống hiện đại xứ tôi chẳng còn bị ngập nước bởi các con đê kiên cố được dựng lên. Gia đình tôi dọn ra gần chợ cho tiện việc đi lại. Căn nhà cũ nhường lại cho người em trai út của bà ngoại tôi ở để lo nhang khói và cúng giỗ ông bà. Ở tuổi 17 -18 tôi chẳng còn ham hố chi mấy trò nghịch nước của thời trẻ con. Nhưng tôi biết cái gì gọi là cảm xúc tiếc nuối, luyến lưu mà người ta gọi là kỷ niệm. Nên tôi xin mẹ cho qua nhà cậu họ ở gần miệt Đồng Tháp chơi để tìm lại chút gì ngày cũ trong một dịp gần cuối mùa nước nổi. Đắn đo rồi mẹ cũng cho tôi đi sau khi nghe lời hứa của cậu mợ là sẽ không rời mắt khỏi tôi. Gia đình cậu mợ tôi thuộc dạng tam đại đồng đường nên đông người cùng sống chung trong một mái gia đình . Ngày nào tôi cũng được mấy chị, em họ của mình chèo xuồng đưa đi lang thang trong, rong ruổi ở những cánh đồng ngập nước. Chẳng phải phong lưu tài tử gì đâu. Chỉ có riêng tôi là thong thả cắm câu, gở lưới cá, hái trái bình bát, nhổ bông súng vào buổi sáng hay chiều mát. Những chị / em họ tôi ra đó hằng ngày để thay phiên, chia nhau nhìn ngó đám vịt chạy đồng. Nói thẳng thắn hơn là chăn vịt như một cách phụ giúp kinh tế gia đình vào mùa nước nổi. Sáng lùa đám vịt gần hai trăm con cho chúng tự do kiếm ăn, chiều thì lùa về nhốt lại. Mà lạ một chổ là chúng tự biết theo một trật tự như thế hằng ngày, ít khi bị lạc đàn. Những người em họ nhỏ hơn tôi một vài tuổi nhưng khác xa với tôi rất nhiều. Dù học hành trong sách vở ở nhà trường không được bao nhiêu. Nhưng họ rành rẽ việc đồng áng,cây cối, lội dưới nước như rái cá. Chớ không ngơ ngác kiểu '' công nghiệp '' như tôi không biết phân biệt đâu là cây chuối xiêm, đâu là câu chuối sáp. Họ dễ gần, dễ mến sống vui tươi hồn nhiên giữa vô vàn thiếu thốn khó khăn. Bốn bề là nước nổi, đêm tối những cơn gió thổi len qua vách tre luôn làm tôi giật mình thức giấc vì cái lạnh. Chập chờn trong trạng thái mơ ngủ tôi nghe văng vẳng đâu đó tiếng kêu khoắt khoải, buồn bã những loại chim chóc ăn đêm. Gần sáng thì lủ gà được nhốt tạm bên hiên để chờ qua mùa nước gáy um sùm khiến tôi luôn hăm he sẽ cho chúng vào nồi cháo. Dưới gầm giường của tôi luôn có tiếng ủn ỉn của con heo mọi (Một loại heo cỏ nho nhỏ thường thấy ở miền tây.)vì đấy là nơi trú ngụ của nó. Phía dưới góc chân giường là hai ả mèo mướp. Mấy con chó ngủ cách đó không xa trong manh chiếu trải giữa nhà. Quanh năm, suốt tháng tối ngủ không cần phải đóng cửa. Trời còn mờ mờ thì những người đàn bà đã thức dậy lo chuẩn bị nấu ăn. Mùi cơm chín tới, mùi cá kho tiêu tiếng người nói chuyện thì thầm, tiếng nhao nhác của những vật nuôi. Tất cả những thứ đó quyện thành một thứ gì rất đặc biệt rất riêng không phai mờ trong trí nhớ của tôi. Tôi còn nhớ một buổi sáng, tôi muốn ra chợ mua ít đồ lặt vặt và gọi điện thoại về cho mẹ tôi yên tâm. Chị Hai Phương giật xuồng máy đưa tôi đi vì chợ khá xa. Trên chiếc ghe nhỏ còn có một đám em út đủ cở đi cùng. Tôi ngày đó dĩ nhiên là có '' rủng rỉnh '' tiền so với những chị họ khác.Thành ra tôi luôn là mạnh thường quân của đám em ngây thơ. Bằng chứng là chúng có thể ăn uống cùng tôi thoải mái ở chợ. Bất cứ hàng quán nào mà chúng thích.Có lần tôi mua luôn nguyên một thùng cà rem dạo cho đám em của mình ăn cho đã. Hậu qủa là cả đám bị đau bụng vì vấn đề vệ sinh thực phẩm hay do ăn nhiều bị lạnh bụng cũng không biết nữa. Trong lúc chiếc ghe đang êm ả lướt sóng dọc theo mé sông lớn thì chị Hai Phương bỗng nói : ''Mấy đứa nhỏ bịt mắt lại hết nghe chưa, chừng nào chị hai kêu mở mới được mở ''.Lời của chị như một mệnh lệnh khiến đám em út đồng loạt đưa tay lên bịt mắt. Tôi đã đủ lớn để không phải nghe theo lời chị.Nhìn ánh mắt như hỏi lý do tại sao của tôi chị khẽ nhướng đôi mắt về rặng bần phía trước. Tôi nhìn theo hướng của chị và chiếc ghe cũng vừa trờ tới. Một cái xác của một đứa trẻ chết đuối trôi vướng vào gốc bần ven sông. Hẳn là một bé gái bởi tôi thấy mái tóc dài xõa bập bềnh theo sóng nước. Tôi không phải là kẻ nhát gan hay chưa thấy qua xác chết, ngược lại tôi đã vài lần thấy cái không nên thấy ấy . Nhưng giữa màn sương lãng bãng ban sớm nhìn màu da tái mét đang trương sình, cùng mùi tử khí phảng phất thì chẳng thể xem như không có gì. Huống hồ chi tôi còn bị ám ảnh của lần chìm đò trước đó không lâu. Khung cảnh ấy khiến tôi choáng voáng mặt mũi, toát mồ hôi lạnh cả sóng lưng. Chiếc ghe lướt qua khuất đám bần ấy một chút thì chị rẽ lái tấp vào bờ . Dặn dò chúng tôi ngồi yên chị đi bỏ đi lên bờ khá lâu mới trở lại. Cuộc hành trình đi chợ được tiếp tục. Nhưng khác với vẻ mặt vui cười ban nãy mắt chị tôi ngân ngấn nước.Chị nói với tôi mà như thể đang nói với chính mình. Chị bảo năm nào cũng có người bị chết đuối. Chị lên bờ để báo cho những người ở lân cận đó hay mà ra vớt xác. Chị hy vọng người nhà của cái xác ấy hay được tin sớm. Chị thở dài nói thêm, mùa này không thể chôn xuống đất được vì bốn bề là nước. Chỉ có thể tìm đở một cái gò cao nào đó chôn tạm chờ nước rút mới tính tiếp. Không lâu sau thì nước rút cũng nhanh như khi nước lên. Mọi người túa ra dọn dẹp ngôi nhà cùng những mảnh vườn cây trái chung quanh nhà. Nhặt nhạnh lại ít đồ đạc mà nước cuốn trôi và chìm gần nhà. Bàn ghế nền nhà đều đóng một lớp bùn sình nhão nhét lầy lội, vương vãi khắp nơi những rong rêu, rác rưỡi và những thân cây gổ mục. Tôi thấy ánh mắt nhìn vào khoảng không vô định của vài người đàn ông. Khi nhìn khu vườn cây ăn trái xum xuê giờ chỉ còn là những cây khô trơ trọi, đen mốc không còn chút xíu sự sống nào. Tôi thấy đôi ba người đàn bà kéo áo lau nhanh giọt nước mắt vừa mới ứa ra khi nhìn vào ngôi nhà xiêu vẹo như chực chờ đổ xuống. Tôi nghe tiếng thở dài trong đêm khuya của cậu mợ tôi lúc bàn tính sẽ bắt đầu gầy dựng từ đâu. Lúc đó tôi mới hiểu rõ được hai chữ thiên tai ra sao. Mới thấm thía cái lo loan đói no luôn lảng vảng bên ngoài những ngôi nhà nhỏ bé ấy. Mới xót xa được cái cực nhọc vất vả, quần quật với ruộng đồng như cậu mợ tôi mặc dù so với người khác gia cảnh của họ có phần khá giả ít thiếu thốn hơn. Sau chuyến đi ấy tôi không còn hứng thú về nhà cậu mơ chơi nhân mùa nước nổi nào nữa. Tôi không những ghét những cơn mưa mà tôi còn bắt chước mẹ tôi cầu cạnh ông trời bớt mưa dùm cho người dân xứ tôi đở khổ . Tôi biết buồn lây với cái chép miệng của bà ngoại khi nhìn ra màn mưa, lo lắng cho những người trong dòng họ ở vùng sâu. Nhìn dáng đi cong cong của dì, tôi thầm so sánh với người đàn bà ngày cũ cõng tôi đi học. Người đàn bà khoẻ mạnh vác trên vai bao lúa vẫn đi thong dong không thua đàn ông giờ tóc đã chớm vài sợ bạc, gương mặt đầy nét nhăn lo toan, khắc khổ. Tôi nghe thương qúa những ngày tháng cũ và xót xa hơn cái mà người ta gọi dòng thời gian. Cuối cùng là tôi tránh hẳn về việt nam vào mùa mưa.Tôi không muốn gặp đám em thuộc thế hệ kế tiếp ở vùng sâu, được gởi nhờ ra nhà tôi ở tạm vào mùa nước nổi.Tôi sợ những ánh mắt trong veo, thơ ngây ấy như một dấu hỏi vì sao tôi thơm tho, sạch sẽ thế kia còn chúng lại thiếu thốn mọi bề. Tôi sợ cái tính ưa nghĩ lan man của tôi dẩn dắt tôi về những cảm xúc ngày cũ.Những thứ xúc cảm mất mát, buồn phiền mà tôi cố chôn xuống một góc nào đó trong ngăn ký ức. Lớn lên thêm một chút nữa tôi bắt đầu biết thương người nhà mình nhiều hơn. Tôi cũng biết hiếu thuận theo cái kiểu kẻ ở xa. Những mùa nước nổi nghe mẹ nhắc người kia khổ, người nọ khó tôi cũng phụ những cái mà tôi có thể. Dù tôi hiểu dù có bỏ ra bạc triệu cũng không đủ giúp hết những người cần giúp nói chi tới chuyện làm nhẹ bớt sự vất vả mà họ gặp phải. Huống hồ gì chỉ là vài thùng mì gói, năm ba bịch bột ngọt hoặc vài viên thuốc cảm mạo thông thường. Tôi thương mẹ nên phụ giúp để mẹ vui lòng thế thôi chớ chẳng tử tế hay tốt bụng gì. Một năm gần tết tôi về thăm nhà như thông lệ, cậu em trai chở tôi đi chợ ăn sáng. Lúc ra về thấy một chị chắc lớn hơn tôi chừng vài tuổi đang ngồi bán một thúng mận An Phước rất ngon. Tôi ghé vào hỏi mua hai ký, xong xuôi đâu đó khi trao túi mận cho tôi chị cứ nhìn chằm chằm vào tôi, rồi chị hỏi tôi có phải con gái lớn của dì Ba Thơm không? Tôi xác nhận là đúng mặc dù trong lòng không khỏi thắc mắc cũng như không biết chị là ai. Chị vừa cười vừa giải thích chị là con dâu bác Tám nào đó mà tôi cũng chưa từng biết qua. Chị bảo hồi năm ngoái mẹ tôi có ghé tặng thùng mì gói cùng hai hộp sữa bò và đường vào ngay mùa nước nổi. Sau đó chị không chịu lấy tiền túi mận tôi mua. Tôi cò kè, o ép dọa sẽ không lấy túi mận chị mới chịu nhận tiền. Rồi chẳng kịp cho tôi có phản ứng chị cho ngay một nải chuối vào túi mận bắt tôi phải nhận cho bằng được. Trước khi ngồi lên xe cậu em trai, chị còn ân cần nhắn nhủ tết sang nhà chị chơi. Chuyện có bấy nhiêu mà làm tôi suy nghĩ. Tôi nhớ tới những ánh mắt vô cảm hiện diện trên những bộ trang phục lịch lãm. Những ánh mắt ấy lướt qua xác những người vô gia cư chết cóng trên phố vào mùa đông một cách bình thản. So với những ánh mắt lạnh lẽo ấy nụ cười của chị bán hàng nhà quê kia ấm áp biết bao. Chính chị đã dạy cho tôi hiểu một cách tường tận '' Mình ăn thì hết người ta ăn thì còn '' mà hồi trẻ ngoại tôi thường dạy đám cháu. Đôi khi những người nghèo khó, thiếu thốn về vật chất ấy lại rất dư dả về tình người. Cái thứ tình mà chỉ có thể tìm ở xứ sở làng quê. Khi tôi viết tới những dòng này thì bên tôi mưa bắt đầu rơi những hạt lớn hơn. Một cơn mưa đêm nhưng hàng trăm, hàng ngàn cơn mưa đêm bình thường khác ở cái quốc gia quanh năm mát mẻ này. Tôi bấm phone gọi về cho mẹ tôi để hỏi xem bên nhà ra sao có gì lạ không? Dòng họ bà con trong mùa nước nổi này thế nào. Mẹ tôi bảo mấy ngày nay mưa chẳng ngừng từ sáng tới tối mịt.Chuyện nước nổi hẳn là không tránh khỏi trong vài ngày sắp tới.Nhưng không có gì nghiêm trọng. Bây giờ cuộc sống đã tốt hơn phần nào, đường xá nâng cao nên bà con đở vất vả hay bị ảnh hưởng gì nhiều. Những hình ảnh ngày cũ tôi chứng kiến sẽ mãi mãi chỉ tồn tại trong ký ức mà thôi. Nói chuyện với mẹ xong tôi đứng dậy tắt bớt đèn trong nhà và kéo hết tất cả những tấm rèm cửa sổ ra. Từ nơi đây tôi có thể nhìn nguyên một khoảng không rộng lớn từ trên cao. Cả thành phố nhộp nhịp hình như đang chìm đắm ngủ yên giữa cơn mưa. Ánh đèn xe vi vút thoáng qua vội vã trên những con đường vắng người. Tôi khẽ nhắm mắt hình dung về con đò chòng chành ngày cũ đưa tôi đến lớp vào đầu mùa nước nổi. Chung quanh tiếng bạn bè liếng thoắt, cười nói không ngừng. Những bạn bè giờ tứ tán khắp nơi. Ngày xưa học chung lớp ngồi chung con đò đến trường.Nhưng bây giờ nhỡ gặp trên đường chúng tôi chắc không còn nhận ra được nhau nữa. Kỷ niệm mãi mãi là kỷ niệm thôi mà con người thì phải chạy đua theo tương lai mới mong tồn tại được. Thôi thì mở mắt ra để chấp nhận sự thật đang hiện diện. Nhìn vào màn mưa bay bay cùng âm thanh quen thuộc của tiếng mưa rơi.Tôi lại nghe nhớ nhung qúa những cánh đồng ngập nước ở một vùng trắng xóa mờ mịt nào đó. Mùa này quê tôi chắc nước bắt đầu đang dâng lên.... Song Nhi