gười trưởng thành là người ý thức được hành vi, bổn phận, trách nhiệm của mình đối với bản thân và mọi người xung quanh. Sự phát triển của não bộ nhanh giúp con người sớm hiểu được cách xây dựng mối quan hệ với cộng đồng. Việc không ý thức cách xây dựng mối quan hệ tốt với cộng đồng làm cho con người trì trệ chậm phát triển, không tiến bộ, thất bại trong cuộc sống … Làm thế nào để xây dựng mối quan hệ tốt với cộng đồng? Cộng đồng gồm những ai? - Cộng đồng gồm những người thân quanh ta, như Cha mẹ, anh chị em, cô dì chú bác. Và những người có liên hệ với cá thể trong sinh hoạt ở trường học, nơi làm việc, chỗ công cộng mà cá thể lui tới. Dù ở trong nhóm nào thì cá thể cũng sinh hoạt, phục vụ cho nhu cầu cá nhân mình, cho người thân mình và nếu có điều kiện sẽ vươn xa cánh tay để phục vụ những những người không quen biết, không thân thiết đưa tầm giá trị của con người lên đến đúng mức của nó. Con người khi mới sinh ra, hoàn toàn không có một ý thức quan hệ với cộng đồng, trẻ học làm quen với người thân và dù chưa hiểu rõ ngôn ngữ, nhưng đã theo dõi thái độ của người thân để biết hai bên đang có quan hệ tốt hay xấu! Trẻ thể hiện tình cảm bằng nụ cười bằng ánh mắt, bằng cái với tay để tạo mối quan hệ tốt đẹp, sự thể hiện đó rất đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả, đã khiến cho người chăm sóc trẻ bất kể cha mẹ ruột, cô dì chú bác hay người chăm nuôi đều phải hết lòng với trẻ trong công việc chăm sóc phải nói là vô cùng vất vả. Người ta thường nói, “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Câu nói ca tụng công lao to lớn của cha mẹ không ai là có thể chối bỏ, nhưng việc hy sinh cả đời cho con cái này bắt nguồn từ đâu? _ Đầu tiên là huyết thống, kế đến là những nụ cười, ánh mắt ngây thơ mà con trẻ đã đem đến và gieo vào lòng người hoạn dưỡng. Coi như bước đầu tiên xây dựng quan hệ với cộng đồng của trẻ đã thành công. Để hòa hợp với người nuôi dưỡng, trẻ thực hiện những yêu cầu của họ trong cách ăn, ở, mặc, và cách tiếp xúc với mọi người. Ăn thế nào cho tử tế, ở như thế nào cho sạch sẽ và tiếp xúc với mọi người thế nào cho lễ phép. Sự cố gắng hòa hợp này tạo cho người nuôi dưỡng sự hài lòng, làm gia tăng mối quan hệ tình cảm và người nuôi dạy trẻ giúp họ có cảm giác mình đang thành công trong việc sáng tạo một tác phẩm sinh động, một mầm sống tốt cho mai sau. Trẻ dần trưởng thành trong việc giáo dục của gia đình, tôn giáo, nhà trường, nhưng kèm theo đó là những suy nghĩ tự phát của trẻ hoặc những trẻ em đồng trang lứa, và chính những suy nghĩ tự phát này có thể hướng trẻ đi xa nền giáo dục mà trẻ được tiếp thu. Việc này trước đây có giới hạn, nhưng từ khi mạng lưới net trải rộng thì không còn giới hạn. Và bậc làm cha mẹ thật sự khó khăn khi muốn giúp con tránh xa những tư tưởng tiêu cực hủy hoại nền giáo dục mà trẻ đang thừa hưởng, hoặc tránh xa những tư tưởng dẫn đến hành động đi trái lại phong tục tập quán nơi sinh sống. Và chính lúc này trong gia đình xảy ra cuộc đấu tranh, cha mẹ đấu tranh với những suy nghĩ mà mình cho là xấu thâm nhập vào con trẻ, và con trẻ đấu tranh với cha mẹ để duy trì cái suy nghĩ mà với trẻ lúc đó cho rằng đúng. Cuộc đấu tranh này càng lúc càng tách rời con trẻ khỏi gia đình, làm thay đổi mối quan hệ tình cảm mà đáng lý ngày phải một thắm thiết hơn. Đấy là thời kỳ mà gia đình nào cũng phải trải qua. Và đến khi trẻ trưởng thành, tức là lúc trẻ hiểu được bổn phận của mình đối với gia đình, cha mẹ, với những người đã hoạn dưỡng mình trong thời gian qua, Hiểu được trách nhiệm do hành vi gây nên, Hiểu được điều gì nên làm và việc gì nên dừng lại, để có một quan hệ tốt với mọi người. Để bản thân có một kết quả tốt đẹp …! Tuổi nào là trưởng thành? Xã hội xếp ra cái móc tuổi 18 để quy định người trưởng thành, trên thực tế thì sao? Có những trẻ, 10 – 12 tuổi đã ý thức bổn phận đối với gia đình – giúp đỡ cha mẹ, đã biết chịu trách nhiệm cho hành vi của mình – nhận lỗi khi sai phạm, biết tạo mối quan hệ tốt làm cứu cánh cho mình trong cuộc sống _như sẳn sàng giúp đỡ người khác một công việc gì đó vô vụ lợi, khiến người ta có cái nhìn tốt về trẻ và sẳn sàng giúp đỡ trẻ khi trẻ cần. Nhưng có những kẻ dù tuổi đời trên 30 vẫn chưa ý thức bổn phận đối với gia đình, vẫn chưa nghĩ được hậu quả của hành vi hoặc nghĩ không hết được cái hậu quả ắt có. Điều gì đã làm mờ đi lý trí mà vốn dĩ phải có! Họ luôn lừa gạt bản thân khi làm điều sai trái, với suy nghĩ rồi mọi việc cũng sẽ qua thôi. Thực tế thì hành vi tốt, mang lại hiệu quả tốt, người thực hiện được thụ hưởng, hành vi xấu đem đến hậu quả xấu, người thực hiện phải gánh chịu kéo theo sự gánh chịu của những người thân như cha mẹ, anh chị em, vợ con. Một minh chứng hùng hồn là những gia đình con cái ngoan ngoản, ăn học, làm việc tử tế, cuộc sống họ an nhàn, những gia đình con cái bướng bỉnh, làm việc không căn cơ, khuynh hướng nghiêng về cái xấu, gia đình bất hạnh, cuộc sống bản thân người đó không ổn định, cho dù có giai đoạn giàu có, tiền của rủng rỉnh. Suy nghĩ cho họ … Loại người này vẫn có những lúc mong muốn được bình yên, vẫn muốn có cuộc sống ổn định. Vậy thì cái gì đã ngăn trở họ sống cuộc sống bình thường. Cái tôi, cái tôi quá lớn không giúp họ lắng nghe hoặc cảm nhận ý kiến đúng sai từ bên ngoài. Họ sung sướng khi được tâng bốc từ ai đó dù hành vi họ làm là hành vi xấu có hại cho bản thân họ và có lợi cho người tâng bốc. Họ sẳn sàng gạt gẫm người thân, hoặc đối tác để làm một việc theo ý họ với suy nghĩ mọi việc rồi cũng xong, coi như họ không nghĩ đến hậu quả mà họ phải gánh chịu. Một bà mẹ trẻ tuổi ngoài 30, thất học, gia đình nghèo, được tài trợ cho hai con đi học. Theo lẽ thường, cô ta phải vui sướng và chắt chiu số tiền được giúp đỡ để lo cho con ăn học thành tài, nhưng cô ta luôn tìm mọi cách để gạt gẫm lấy tiền mà không sử dụng vào việc học cho con cái. Cô ta luôn biết người giám sát sẽ theo dõi, tìm hiểu cặn kẻ. nhưng với suy nghĩ thiển cận, cô ta nghĩ gạt lấy được đồng nào tiêu theo ý hay lúc đó, cô ta không nghĩ rằng đến một lúc, sự kiên nhẫn của nhà hảo tâm, người giám sát không còn nữa, việc tài trợ sẽ dừng lại và việc học của con cái có thể sẽ chấm dứt. Người thân, đối tác, người có liên hệ, có thể mất mát tài sản do bị họ gạt gẫm, bản thân họ, mất đi quan hệ tốt đối với đối tác, cái mà đáng lý họ phải xây dựng làm cứu cánh cho mình trong cuộc sống để ngày một thăng tiến. Người ta thường nói, tình yêu vô bờ bến, thực tế cái gì cũng có bến có bờ, cái gì cũng có giới hạn của nó, khi vượt giới hạn thì sẽ nổ tung, đổ vở, một ngôi nhà chỉ có thể xây 10 tầng trên nền móng đó, nếu xây 15 tầng thì phải sụp đổ. Một bao bì chỉ có thể đựng 50kg nếu đựng 100kg sẽ phải vở. Tình yêu của con người không mang tính vật chất cố định, nó vô hình nhưng không trừu tượng. Nó không mang tính chất định hình, nó có thể to lớn đến độ người thương có thể hy sinh cả mạng sống cho người mình thương, nó có thể giảm đến độ người thương có thể giết cả người mình thương để giải quyết sự bức xúc trong tư tưởng. Việc gì dẫn đến hậu quả tai hại như thế! Đây là do thiếu sự tương tác. Người được yêu thương lạm dụng cái tình yêu thương mà đối tượng giành cho mình, Thỏa mãn cái tôi bằng mọi cách, mà không nghĩ đến hậu quả mà người yêu thương phải gánh chịu, và khi sự gánh chịu vượt giới hạn thì tình yều thương trở thành căm giận. Dân cư mạng vừa phải đọc một tin đau lòng về cài chết của ca sĩ Nhật Sơn con trai danh ca vọng cổ Minh Cảnh, sự đòi hỏi thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt không giới hạn của Sơn đã khiến anh thay đổi bạn tình và làm đau lòng người bạn tình của mình là Đạt, Sơn chỉ nghĩ không đáp ứng được thì thay đổi, không quan tâm đến cảm nhận của bạn mình và kết quả thật là đáng tiếc cho cả hai. Trong phương diện tình cảm gia đình, đối với những đứa con ích kỷ chỉ biết sống cho ý thích riêng mình, bất chấp hậu quả … cha mẹ không thể giết con như những người bạn tình giết nhau, và chính vì thế, đứa con có cơ hội giết đi lần mòn sinh lực của cha mẹ, của gia đình và tương lai của bản thân mình. Và quan trọng hơn hết là những đứa con đã dần đánh mất tình cảm gia đình giành cho họ, cái mà họ phải tranh đấu để có từ lúc chào đời. Cũng với những mơ ước được bình yên, thong dong trong cuộc sống, cũng với mơ ước có một gia đình tốt đẹp trong tương lai. ° Hãy quan tâm đến cảm nhận của người thân, bạn bè, những người quen biết, khi mình làm điều gì đó sai trái ảnh hưởng đến họ, đến tương lai của mình vì cuộc sống của mình luôn có sự gắn kết với họ. ° Hãy quên cái Tôi đáng ghét, lắng nghe lời của những người thương yêu nhắc nhở, vì đó là một yếu tố giúp mình tránh vấp ngã trong cuộc sống muôn vàn lừa lọc. ° Hãy biết nói không với những quyến rủ thiếu lành mạnh (cờ bạc, rượu chè, tệ nạn xã hội…), những cái tách rời ta khỏi sinh hoạt làm việc bình thường để luôn có cuộc sống bình thường. ° Hãy thật sự trưởng thành để chung vai gánh vác gia đình, trong đó có thể là cha mẹ, anh chị em, hoặc là vợ chồng con cái, để cùng nhau hướng đến một cuộc sống tốt đẹp. Khiêm tốn, chân thành là một đức tính cần thiết để trau giồi chính bản thân mình, tạo quan hệ tốt đẹp với mọi người chung quanh. Huyền Băng