Theo tôi, Nhìn Những Mùa Thu Đi của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một nhạc phẩm hay, rất quen thuộc trong giới yêu nhạc chúng ta. Nhớ, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn học khóa 1 Sư Phạm Quy Nhơn (qua những năm 1962 - 1964).
Năm 1962, trong một buổi đại nhạc hội tổ chức tại rạp Kim Khánh (hay Tân Châu?) ở thị xã Quy Nhơn, Ban Văn Nghệ trường Sư Phạm đã trình diễn một chương trình độc đáo chưa từng có ở đây từ trước đến năm này. Sự góp tay chung sức chung lòng của nhiều giáo sinh tài hoa đã gặt hái được sự thành công mỹ mãn cho buổi trình diễn này. Trong đó, nhạc phẩm Nhìn Những Mùa Thu Đi đã được ban tứ ca của trường trình bày với một tiết điệu trong sáng vui tươi – slow rock hơi nhanh và dặt dìu – tôi nhớ mãi, nghe hay lắm. Tôi thích nghe nhạc phẩm này với tiết điệu hơi nhanh và dặt dìu hơn là trong tiết điệu slow chậm rãi mà các ca sĩ khác đã hát, nghe sao buồn quá.
Duy có một điều là khán giả chưa được hài lòng mấy qua vở kịch Người Điên Giữa Kinh Thành. Các giáo sinh diễn rất khá, nhưng tiếc cái là có đoạn sân khấu bị bỏ trống trong một khoảng thời gian khá lâu - thời gian… chết - không thấy diễn xuất mà chỉ nghe tiếng vọng diễn giải từ sau cánh gà nên khán giả lần lượt bỏ về khá đông. Một tuần sau, trong chương trình phát thanh của Sư Phạm hằng tuần trên đài phát thanh Quy Nhơn, trong bài tường thuật về buổi văn nghệ đó, có đoạn chê trách là “khán giả Quy Nhơn không có trình độ xem kịch”. Theo tôi, lời chê trách này thật là quá đáng, và ban Văn Nghệ Sư Phạm thời đó nên xem lại cách thực hiện vở kịch ấy để rút kinh nghiệm thì tốt hơn.
° ° °
Tôi vẫn thích làm sao nhạc phẩm Mùa Thu Mây Ngàn của nhạc sĩ Từ Công Phụng:
Chiều nay có mùa thu đi về
buồn vương mây ngàn giăng khắp lối
Mùa thu bơ vơ đến bên trời
ru tóc em suối nguồn
gọi hồn hong gió thu buồn
Vâng… Nay, đất trời Cali đang vào Thu, tôi nghĩ mình cũng thử làm đôi câu thơ về mùa Thu xem sao. Mà tôi thì chẳng biết làm thơ - nói trắng ra là không biết làm thơ - nên tôi chẳng có bài thơ nào để ca tụng mùa Thu cả; trong khi thế giới này đã có biết bao nhiêu thi - văn - họa - nhạc sĩ sáng tác biết bao nhiêu tác phẩm ca tụng mùa Thu, cái mùa tuyệt vời nhất và lãng mạn nhất của bốn mùa trong năm.
Có những chiều Thu lang thang trên con đường vắng đầy lá vàng rơi, tôi nhặt một chiếc nâng niu mân mê trên tay hay ngồi thẩn thờ bên cửa sổ nhìn trời Thu với mây Thu lãng bãng cũng chỉ để xem có “nàng thơ” đến với tôi không; nhưng rồi chịu thua thôi, chẳng có “nàng” nào đến cả. Vậy đó, cái chuyện tôi không biết làm thơ ấy là một thiệt thòi lớn cho tôi hay cho mùa Thu đây? (sic!).
Thôi thì tôi xin “phiếm” đôi chút về… bên lề mùa Thu vậy.
Năm 1962 hồi học Đệ Ngũ, sau buổi đại nhạc hội nói trên của Sư Phạm Quy Nhơn, một người bạn cùng lớp chìa ra một bản nhạc khoe với tôi:
- Nè… Có bài ca Nhìn Những Mùa Thu Đi mới nhất của Trịnh Công Sơn, có muốn coi không, tui cho mượn đó.
Nói về nhạc thì trúng ý tôi lắm rồi, mừng quá, tôi nói:
- Ừ… Thì cho tui đi.
- Đâu được… Cho mượn thôi. Chép đi rồi trả lại cho tui.
Tôi nằn nì:
- Sao không cho luôn cho rồi?
Bạn ấy cười khảy:
- Đâu được… Đây là bản viết tay của chính tác giả mà… Quý lắm!
- Sao có được bản viết tay, hay vậy?
Bạn ấy mỉm cười “bí ẩn”:
- Về mà chép lại đi… Sau sẽ rõ.
Tối, về nhà, bật đèn lên, gò lưng trên bàn tôi kẽ khuôn âm rồi nắn nót viết lên đó nốt nhạc lời ca. Tôi dò đi dò lại từng dấu ký âm thật kỹ, đọc đi đọc lại từng lời ca. Càng đọc tôi càng thấy lời ca hay quá hay, trau chuốt mà như không trau chuốt; như có ai thầm thì với tôi về mùa Thu rất thân quen tuyệt vời mà bấy lâu nay tôi chẳng hề để ý tới:
Nhìn những mùa thu đi
em nghe sầu lên trong nắng
và lá rụng ngoài song
nghe tên mình vào quên lãng
nghe tháng ngày chết trong thu vàng
Mấy ngày sau, khi trả lại bản nhạc ấy, tôi hỏi, bạn tôi nói:
- Trịnh Công Sơn viết tay bản nhạc này để tặng cô bạn giáo sinh cùng lớp là Tôn Nữ Bích Khê đó.
- Vậy sao? Bích Khê là ai, hiện đang ở đâu?
- Chị Bích Khê từ Nha Trang ra học sư phạm, đang ở trọ nhà anh chị tui đây nè.
- À ra thế, nên bạn mới có bản viết tay này.
- Chị ấy cho tui mượn thôi, tui khoe với bạn đó.
Tôi xin trích ra đây một đoạn từ bài viết Về Một Quãng Đời Của Trịnh Công Sơn của Nguyễn Thanh Ty:
“… Bích Khê không đẹp nhưng rất có duyên, quyến rũ. Bích Khê cũng ở trong ban hợp xướng… Tôi không biết rõ chuyện tình của Sơn và Khê bằng ông Đinh Cường, mặc dù học chung hai năm với nhau. Bởi vì hầu như ngày nào cũng có nhiều cô đến nhà trọ của Sơn. Sau khi bản Biển Nhớ được sáng tác và tập dượt để ra mắt buổi văn nghệ thì giáo sinh sư phạm mới lưu ý tới Bích Khê và bàn tán, vì tình cờ hay cố ý, Sơn đã viết "trời cao níu bước sơn khê" trong lời nhạc… Tôi có hỏi Sơn về sự liên quan giữa nhạc và người. Sơn nói chỉ là bạn như những người bạn khác. Chữ sơn khê chỉ là tình cờ… ”.
và,
“… Trong lớp tôi đã có ba cô Thu rồi. Các lớp khác cũng hai hay ba Thu, nên không biết Thu nào đã đến với Sơn hay Sơn đã yêu Thu nào. Mỗi khi có cô Thu nào đi ngang, bọn chúng tôi hát ghẹo "Nhìn những lần thu đi, anh nghe hồn anh đau đớn...”. Mãn khóa, chia tay. Không ai có thì giờ để ý đến chuyện của ai… ”.
Hồi mới đến Quy Nhơn, Trịnh Công Sơn và Thanh Hải ở trọ tại nhà sách Việt Long cách nhà tôi một căn. Thỉnh thoảng, khuya khuya là tôi leo lên mái nhà bò sang bên đó để nghe Thanh Hải đệm guitar cho Trịnh Công Sơn hát. Từ đó tôi được quen với hai anh, nhưng tôi gần gũi với Thanh Hải nhiều hơn và theo học đờn nơi ảnh. Chừng vài tháng sau thì hai anh đi trọ nơi khác, và tôi vẫn tiếp tục theo ảnh học đờn. Cái đặc biệt của Thanh Hải là khi đờn ở nhà thì chơi nhạc classique và flamenco, nhưng khi lên sân khấu thì lại chơi nhạc modern và kích động. Có thể nói chính Thanh Hải là người đầu tiên đem làn sóng nhạc trẻ nhạc kích động đến cho giới trẻ Quy Nhơn. Hiệu chụp ảnh Hồng Hà ở đường Phan Bội Châu trước công viên Quang Trung có chưng một số hình ảnh của Thanh Hải mặc bộ áo quần bằng da màu đen với nhiều tư thế trình diễn guitar điện thật độc đáo.
Với tôi, mùa Thu cứ đến rồi đi bình thường như mưa như nắng thôi. Quả vậy, có một thời gian dài, rất dài tôi vô tình chẳng để ý gì đến mùa Thu, chỉ nhớ mùa Thu trong bài tập đọc Tôi Đi Học của Thanh Tịnh mà thôi:
“Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.
… … … ”.
Hồi đó, với cái tuổi mười-lăm mười-ba ham vui hơn là ham buồn, có lúc nào tôi “Nhìn những lần thu đi”  tay trơn buồn ôm nuối tiếc… ” đâuTôi cùng các bạn trang lứa chỉ ham vui đùa với sóng biển trước trường Nữ Trung Học, với Bãi Đá Trứng Ghềnh Ráng, vui chơi với Suối Tiên ở lưng chừng núi Vũng Chua, với Vườn Xoài bãi sắn ở Đèo Son Khu Sáu. Hè đến lại đầu trần chân đất dang nắng trên núi Bà Hỏa chỉ để hái những trái sim be bé tim tím xinh xinh, hay lấy đất sét ướt về nặn hình con chim con chuột…, vo thành mấy viên bi tròn tròn để bắn chim.
Nói tới bắn chim, tôi lại nhớ, ở cuối sân sau nhà tôi có mấy cây keo, đến hè thì hái những trái keo chín hườm ăn, thích lắm. Vào năm mười / mười-một tuổi, có lần thấy có chú chim non đậu trên cành keo thấp ngang tầm tay, tôi chỉ cần vói tay một chút là bắt được ngay; nhưng tôi lại tra viên đạn đất sét vào cái ná (bằng nạng ổi do ông ngoại tôi làm cho) rồi giương ná lên, nheo mắt nhắm ngay chú chim, kéo căng dây thun rồi bắn. Chú chim rớt ngay tại chỗ, tôi lượm lên thì thấy chú mất cái đầu. Thấy tội quá, tôi chôn chú ngay dưới gốc cây keo, vun đất lên thành một nấm mồ bé tí xíu rồi thắp lên đó một cây nhang, môi mấp máy khấn vái cầu xin… Tôi hối hận lắm, cất kỹ cái ná dưới gầm giường, chia tay nó, không rờ tới nữa.
Thưa các bạn, năm ấy vì thích lời ca nét nhạc của bài hát Nhìn Những Mùa Thu Đi quá nên tôi đã thuộc nằm lòng bài đó. Và cũng chính từ nhạc phẩm này mà mỗi khi ghé các nhà sách hay quán nhạc là tôi tìm mua những tờ nhạc rời viết về mùa Thu. Thậm chí bài Mùa Thu Chết tôi chẳng thích gì mấy (vì mùa Thu chẳng phải đang sống trong tôi đó sao) mà nó vẫn có mặt trong xấp sưu tầm nhạc Thu của tôi. Vậy là tôi đã có chút “chuyển biến” rồi đó.
Căn gác nhỏ sau nhà của tôi đã hân hạnh đón nhận hai người anh cũng là giáo sinh khóa 2 Sư Phạm Quy Nhơn đến ở trọ. Người thứ nhất là anh Mang Viên Long (quê cùng xã Nhơn Hưng với tôi), hồi đó anh đã viết văn làm thơ rồi với bút hiệu là Huyền Linh. Năm 1971 anh tặng tôi tập truyện ngắn Mùa Thu Trống Trải; tập truyện này luôn theo gót chinh chiến ngược xuôi đó đây với tôi và đã trôi mất theo dòng suối chảy xiết ở Dakto / Kontum rồi. Anh Long thường viết lách rất khuya, đôi khi để chống lại cơn buồn ngủ ảnh phải ngâm chân mình trong thau nước lạnh. Tiếng sáo của anh nghe cũng rất có hồn, tôi thích lắm khi nghe anh thổi bài Giọt Mưa Thu của Đặng Thế Phong:
Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi
Trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi
Nghe gió thoảng mơ hồ trong mưa thu
Ai khóc ai than hờ!
Người thứ nhì là anh Phạm Văn Quảng (quê ở xã Đập Đá), anh họ của tôi. Anh Quảng chơi mandolin thật nhuyễn thật réo rắc. Ảnh chơi bài Thu Vàng của Cung Tiến quá hay trong tiếng đệm guitar non nớt của tôi:
Chiều hôm qua lang thang trên đường
hoàng hôn xuống, chiều thắm muôn hương
Chiều hôm qua mình tôi bâng khuâng
có mùa Thu về, tơ vàng vương vương
Chẳng biết có “tâm sự” gì không mà ảnh thường hát bài Tấm Ảnh Ngày Xưa với tiếng rung nhẹ của chiếc đờn mandolin:
Ngày nao em đến chơi tặng tôi một chiếc hình
Ghi nhớ ngày chúng mình vừa quen nhau
Năm tháng dài ngày sau ghi nhớ mãi
° ° °
Đó rồi đất trời chuyển mình:
Gió heo may đã về
chiều tím loang vỉa hè
và gió hôn tóc thề
rồi mùa thu bay đi
Rồi mùa Thu bay đi… bay đi… Bay đến Thu 1974 thì tôi được gặp và quen em tại thị trấn thời chiến bên bờ Lại Giang đó. Em là cô giáo vừa tốt nghiệp Sư Phạm Quy Nhơn khóa 11. Hỏi ra mới biết em là cô hàng xóm gần xịt của tôi trên đường Gia Long quen thuộc, kẻ xóm trên người xóm dưới cách nhau chừng một / hai trăm thước chớ có xa xôi gì đâu. Ra ngoài này, em và một cô bạn rủ nhau ở trọ tại một quán bi-da đối diện với đơn vị của tôi trên quốc lộ 1.
Những ngày xuống ca trực tôi và Lê Du Miên - người bạn có máu “văn chương ngầm” - thường kéo nhau đến đánh bi-da ở quán đó. Tôi thường bỏ dở “đường cơ” để đến chuyện trò với em. Tội nghiệp… Tôi bỏ mặc Miên chơi bi-da một mình… Thông cảm nghen bạn!
Nhớ hoài có lần em nói, em sẽ làm mai cô bạn ấy cho tôi và em sẽ là “bà mai được ăn cái đầu heo”. Rồi cuối cùng, ai nào ngờ, có phải nhờ ép-phê ngược không mà cô dâu chính là… cái bà mai đó. Vậy là em và tôi được “ăn chung cái đầu heo của mình”.
Thôi nhen các bạn, “phiếm” như thế cũng khá dài khá mệt rồi.
Hẹn “phiếm” sau đi nghen!
Phạm Lê Huy
(Los Angeles, Oct. 2011)

Xem Tiếp: ----