Nguyên tác: In Cold Blood
Dịch giả: Trần Đĩnh
Giới Thiệu

    
iếm có “chuyện có thật” nào đầy máu và nước mắt như vậy lại được tái hiện bằng sức mạnh nghệ thuật lớn lao sánh ngang bất kỳ cuốn tiểu thuyết kinh điển nào đến như vậy. Và, không chỉ vượt ngoài khuôn khổ một tác phẩm “báo chí”, cuốn sách dường như buộc người đọc phải tự trả lời một câu hỏi quan trọng, cốt tử: Rốt cuộc thì những kẻ gây ra thứ tội ác ghê gớm này, chúng có phải là người không? Nếu ta nhìn sâu, nhìn kỹ chúng, liệu ta có vẫn sẽ nhìn ra ở chúng những con người không khác gì nhiều với chúng ta không?
“Vô cùng mạnh mẽ… cuốn sách hay nhất kể chuyện thật về một tội ác kiểu Mỹ… Cuốn sách làm lạnh máu và làm căng trí óc.”

The New York Review Of Books
 
trumanTruman Capote sinh tại New Orleans ngày 30/09/1924. Thời thơ ấu của ông không êm thắm, cha mẹ ly dị, cha ngồi tù, phải sống xa mẹ một thời gian dài và chuyển nơi ở nhiều lần. Ông phát hiện ra thiên tư của mình vào năm 11 tuổi và sớm thành danh vào đầu tuổi đôi mươi với nhiều truyện ngắn đăng trên tạp chí Harper’s Bazaar, trong đó có truyện Miriam (1945) được giới phê bình đánh giá cao. Sau truyện ngắn này, nhà văn trẻ tuổi được ký hợp đồng với nhà xuất bản lừng danh Random House để cho ra tiểu thuyết đầu tay Other Voices, Other Rooms (1948).
In Cold Blood (Máu lạnh, 1966) là tiểu thuyết lừng danh nhất của ông, được viết trong suốt bốn năm với sự cộng tác chặt chẽ của Harper Lee, tác giả Giết con chim nhại. Kiệt tác này tường thuật một sự kiện có thật: vụ ám sát tàn bạo cả bốn người trong một gia đình trại chủ ở Kansas ngay tại nhà họ. Nhà văn, trong khi bám sát các sự kiện và con người có thật, tuyệt đối tôn trọng sự thực, không hư cấu, vẫn dành trọn tâm huyết và trí lực mình để dấn sâu đến tận cùng vào trái tim khối óc các nhân vật liên quan, đặc biệt là hai kẻ tội phạm Richard Eugene Hickock và Perry Edward Smith, đồng thời hết sức dụng công khắc họa khung cảnh, sự việc, diễn biến tâm trạng và hành động với rất nhiều chi tiết, một cách sinh động, bằng thứ ngôn ngữ chính xác, hàm súc, nghiêm khắc, sắc gọn, đầy cảm xúc, đẹp như khối pha lê đẽo thô. Bằng cách “xử lý một sự kiện có thật bằng những kỹ thuật của văn chương hư cấu”, nhà văn muốn tạo ra một thể dung hợp mới, một thứ nằm giữa “chuyện thật trăm phần trăm” và tác phẩm nghệ thuật. Tác phẩm tiêu biểu và xuất sắc khó lòng vượt qua của cái gọi là “báo chí kiểu mới” (new journalism), Máu lạnh là thành tựu lớn nhất, đỉnh cao sự nghiệp của Capote mặc dù không phải tác phẩm cuối cùng của ông.
Tác phẩm khác đáng chú ý của ông gồm có truyện vừa Breakfast at Tiffany’s (1958) và tập truyện ngắn A Tree of Night (1949). Capote hai lần đoạt giải O. Henry Memorial Short Story Prize và là thành viên của Viện Văn chương Nghệ thuật Quốc gia Hoa Kỳ (National Institute of Arts and Letters). Ông mất ngày 25/08/1984 sau nhiều năm nghiện rượu và ma túy, ít hôm trước sinh nhật lần thứ sáu mươi.