hanh kéo cà-vạt cho ngay ngắn và sửa soạn bộ điệu trước khi vào lớp cho ra vẻ oai oai với lũ học trò.
Khi chàng vừa ló đầu đến cửa thì cái «ổ ong» vụt im thin thít. Thanh chịu lắm! Kể ra dạy học trò gái cũng thích thật! Các cô có tật hay nhõng nhẽo, nhưng bù lại rất dễ dạy và không du côn.
Thanh sợ nhất là vào lớp toàn con trai. Chúng nghịch ngợm không thể chịu nổi! Ban đầu chàng còn la hét tức giận, nhưng lâu dần chàng cũng quen cái bất trị của chúng.
Đôi khi Thanh cảm thấy bực bội, không muốn gặp lại lũ học trò cứng đầu khó dạy đó… để thì giờ làm cho xong luận án «triết học Đông Phương» của chàng. Song lần nào cũng như lần nào, nghỉ dạy Thanh đâm ra buồn chán và cuối cùng cũng chường mặt đến trường! Để rồi mỗi khi bước chân vào lớp chàng phải giả vờ đóng vai cụ non để làm oai với lũ học trò, mặc dù tuổi chàng năm nay mới 27.
Thanh vẫn còn độc thân và chưa có người yêu. Trong khi những thằng bạn của chàng đưá nào cũng có bà xã, nếu không cũng đã có nhân tình!
Chính Thanh cũng không hiểu sao mình vẫn còn độc thân? Không phải chàng lập dị hay kén chọn khó tính, nhưng trước mắt chàng, gái Âu chàng chán ngấy, gái Việt kiêu ngạo khó chịu, khó thương! Đó là lý do tại sao tim chàng vẫn còn chai đá trước phái đẹp.
Những năm qua «Hội Người Việt» ở thành phố Ba Lê có tổ chức các lớp dạy Việt ngữ cho con em đồng bào vào hai ngày cuối tuần. Thanh cùng với một vài người bạn bỏ chút thì giờ đến trường của Hội, dạy tiếng Việt cho các em thanh thiếu niên vì rời quê hương lúc còn bé, hay những em sinh ra và lớn ở nước ngoài sau này.
Trường có tất cả mười lớp học, trình độ khác nhau. Bốn lớp cho trẻ em từ vỡ lòng đến biết đọc biết viết Việt ngữ. Sáu lớp dành chonam nữ cấp trung, đại học, muốn tìm hiểu văn hoá dân tộc và triết học Đông phương.
Vì số học trò khá đông nên trường chia ra bốn lớp nam, hai lớp nữ. Mới đầu Thanh dạy nam sinh, song các cậu nghịch phá không chịu nổi, Thanh bực mình đổi dạy lớp nữ sinh.
Nay là đã bốn năm rồi! Chàng giảng dạy triết học Đông phương cho các nữ sinh viên Việt Nam. Các cô tuổi khoảng 17, 20, nhưng thích làm nũng, nhõng nhẽo lắm, nhất là khi biết chàng còn độc thân!
Bao lần Thanh cố ý tìm trong số học trò của mình xem có cô nào làm tim chàng rung động không? Nhưng quả thật là nản!
Trước mắt chàng cô nào cũng nhạt nhẽo vô duyên, hoặc giả họ không khác gì trẻ con và Thanh có cảm tưởng như chàng thuộc vào thời đại trước.
Thật là kỳ cho trạng thái già trước tuổi của chàng! Suy nghĩ cạn cùng Thanh tự bào chữa cho mình: «Có lẽ chàng thường đóng vai cụ non với đám học trò, nên tâm hồn chàng cằn cỗi!»
Bất ngờ cách đây không lâu, lớp chàng có thêm một cô học trò mới. Cô này có lẽ trẻ nhất lớp, tuổi khoảng 15, 16. Vẻ đẹp thanh thoát, ánh mắt long lanh… khiến Thanh lưu ý ngay và biết tên là Mai Lan.
Những lúc chàng đọc bài hay giảng bài… mỗi cử động của Mai Lan, mỗi sắc mặt của Mai Lan, đều biểu lộ nét ngây thơ một cách dễ thương. Khiến Thanh muốn bẹo vào đôi má Mai Lan nưng nịu cưng ciu như con gái hay em út của mình, mặc dù chàng chưa có vợ, mà cũng không có em!
Buổi nay cũng như thường lệ, vừa bước vào lớp, chàng chiếu đôi mắt xuống mấy dãy bàn… Bỗng chàng giật mình, vì bàn đầu… thiếu một cái đầu! Cái đầu ấy không ai khác hơn là con búp bê của chàng vắng mặt!
Thanh hơi ngạc nhiên vì thấy mình mất hứng trọn buổi dạy. Chàng tự hỏi:
«- Phải chăng ta đã yêu Mai Lan?»
Rồi chàng tự đáp:
«- Không! Chắc chắn là không!»
Sư thật chàng chỉ mê Mai Lan, chớ không yêu. Chàng mê vẻ đẹp của Mai Lan, mê nét ngộ nghỉnh xinh xinh của Mai Lan mà chàng thích chiêm ngưỡng. Y như cái chiêm ngưỡng của cô bé lên năm, chơi búp bê bằng cao su. Mà có lẽ Thanh còn thú vị hơn, vì búp bê của chàng bằng xương bằng thịt, biết nói, biết cười.
Đến cuối giờ, học trò thoát nạn buồn ngủ, vì ông Thầy dạy chán quá! Trong khi Thanh lò dò đến bên Liên, cô gái ngồi cạnh Mai Lan, dọ dẫm:
- Vì sao Mai Lan vắng mặt bữa nay hỡ cô Liên?
- Thưa anh, Mai Lan đau.
Học trò trường này gọi Thầy bằng anh, bằng chú, bằng bác… tùy theo tuổi tác, chớ không gọi Thầy như ở ViệtNam.
Nghe Liên nói Mai Lan đau, Thanh hoảng hốt hỏi dồn:
- Cô ấy đau bệnh chi? Bộ đau nặng lắm sao không đi học?
- Thật ra không phải đau, mà bị xe đụng!
- Trời ơi!
Tiếng kêu thảng thốt của Thanh làm bọn con gái bu quanh Liên nhao nháo lên hỏi việc gì xảy ra? Liên chưa đáp lời các bạn, Thanh đã hỏi:
- Bị thương có nặng lắm không? Em tới nhà thăm chưa?
- Em chưa tới thăm. Nhưng nghe nói cô bé bị thương cũng không nhẹ.
- Ai báo cho em biết tin này?
- Mẹ của Mai Lan điện thoại cho em, bảo em đi học một mình, đừng đến nhà đón Mai Lan như mọi khi.
Thanh lại hỏi:
Lâu chưa?
Liên châu mày nghĩ ngợi một giây mới đáp:
- Có lẽ… cách đây bốn ngày.
Thanh kêu lên:
- Sao em tệ quá vậy! Đã bốn ngày mà chưa đến thăm bạn?
- Cũng vì em nghe nói Mai Lan còn nằm ở nhà thuơng, em ngại vô nhà thương một mình nên chưa tới gặp MaiLan.
Các cô gái đua nhau nói:
- Vậy sao Liên không cho tụi này biết để chúng ta cùng vào nhà thương thăm Mai Lan?
Thanh không đếm xỉa đến các cô gái bu quanh Liên, lýnh quýnh hỏi:
- Mai Lan nằm nhà thương nào?
- Dạ, em không có hỏi.
Thanh lắc đầu, giọng hơi gắt:
- Em thật tệ quá!
Thấy mình gắt gỏng một cách vô lý, Thanh giả lả:
- Nhà Mai Lan ở đâu? Em biết chứ?
- Thưa ở số 234 đường Liberté.
Thanh lập lại:
- Sao? 234 đường Liberté à?
Thanh lẩm bẩm trong miệng về cái địa chỉ dễ nhớ quá! Chàng xoay người bước đi vài bước, chợt quay lại hỏi Liên:
- Em biết tên họ của cha mẹ Mai Lan chứ?
- Dạ, em biết. Cha của Mai Lan tên Dupont.
- Sao? Em nói tên gì?
Chàng tưởng mình nghe lầm nên châu mày hỏi lại. Nhưng Liên mỉm cười nói:
- Em không nói bậy đâu! Cha Mai Lan tên Robert Dupont.
- Vậy cô ấy lai Pháp à?
- Không!
Thanh nhăn mặt hỏi:
- Vậy là người Việt mang tên Tây à?
- Nghe nó kể, ba nó có lai, nhưng hai đời rồi. Ổng nói tiếng Việt như mình vậy và mặt mũi cũng giống Việt Nam.
Thanh không chờ nghe câu chót của Liên, phóng nhanh ra đường, chạy tới chỗ đậu xe, leo lên xe rồ máy vọt đi, không kịp gắn dây nịch.
Chạy một lúc đến ngã tư chàng bỗng nghe tiếng tu hít của cảnh sát thổi «hoét hoét». Chàng còn đang ngơ ngác không hiểu vì sao mình bị cảnh sát chận đường ra dấu bảo dừng xevà tắt động cơ.
Hắn ta chào chàng một cách lịch sự và nói:
- Xin ông vui lòng trình bằng lái xe.
Thanh lấy bằng lái trao cho hắn ta, trong lòng có chút bực bội vì bị chận đường làm chậm trễ việc đi thăm cô học trò. Viên cảnh sát xem bằng lái của chàng rồi hỏi:
- Ông có biết luật giao thông từ lâu nay buộc người lái xe phải gắn nịch an toàn chớ?
Thanh chợt nhớ ra lúc lên xe, vì nóng lòng tới nhà thăm Mai Lan nên vội vàng đạp ga phóng nhanh trên đường, quên mất phải nịch dây an toàn.
Chàng cười nhỏ:
- Xin lỗi ông. Tôi quên… Chỉ vì có chuyện phải đi gấp nên tôi quên.
- Từ đây đừng quên nữa nhé?
Cùng với câu nói, người cảnh sát công lộ trao cho chàng một mãnh giấy, bảo:
- Xin ông vui đóng tiền phạt 50 euro và ký vào giấy này.
Biết cảnh sát công lộ chỉ làm bổn phận của họ, nhưng khimóc ví lấy tiền đóng tiền phạt Thanh ấm ức trong lòng và tức giận mình.
Đóng phạt xong Thanh vào xe chạy một lúc lâu vẫn chưa hết bực bội. Xe chạy trên đường Liberté hồi nào chàng không hay? Đến khi lưu ý thì thấy mình đã chạy qua khỏi số nhà 234, chàng quày trở lại và đậu xe chênh chếch bên kia đường.
Đoạn đường này chỉ thấy dinh thự với hàng rào sắt cao ngất, che kín bên trong. Thanh gần ngại một giây mới bấm chuông.
Thoáng sau có một thiếu phụ ăn mặc khá đẹp ra mở cổng. Thanh đoán là mẹ của Mai Lan nên cúi đầu chào rồi cung kính giới thiệu:
- Thưa bà, tôi là… là Thầy dạy tiếng Việt của Hội Người Việt ở Paris. Tôi vừa hay tin Mai Lan ái nữ của bà bị tai…
Người đàn bà mỉm cười, ngắt lời:
- Tôi không phải là mẹ của Mai Lan. Mời Thầy vào nhà. Bà Mộng Ngọc đang kẹt trong nhà tắm, nhưng bà cũng sắp xong rồi.
Theo chân thiếu phụ đi dọc theo hành lang trải đá sỏi, Thanh được đưa vào phòng khách thật tráng lệ và nên thơ. Chiếc màn the trắng toát bên trong khung cửa sổ nhìn thấy thấp thoáng vườn hoa ngoài kia… Cảnh vật nơi đây thật thanh thoát và trầm lặng. Quả là một chỗ ở thoát tục!
Nhà có lót thảm, thứ thảm quí của xứ Arập Ba Tư. Bàn ghế toàn bằng gỗ quí, nệm ghế bọc da… Ngôi biệt thự xinh đẹp với vườn hoa rộng lớn, đồ đạc trang hoàng trong nhà đều quí giá đắt tiền, cũng thấy được chủ nhân thuộc hạng giàu sang quí phái!
Người thiếu phụ khi nãy đưa chàng vào phòng khách, mời chàng ngồi nơi ghế salon, rồi đikhuất vào trong. Thanh còn lại một mình đưa mắt quan sát đó đây…
Chàng lưu ý chiếc đàn dương cầm và những bức tranh phong cảnh treo trên tường màu sơn còn mới, nên bước tới gần để xem cho rõ, mới thấy chữ ký của người vẽ tranh là Mộng Ngọc.
Lúc tới trước ngõ, người đàn bà đã nói với chàng tên của mẹ Mai Lan là Mộng Ngọc. Hoá ra người vẻ tranh là nữ chủ nhân của ngôi nhà sang trọng này!
Chàng không nghiên cứu về hội họa, song với đôi mắt trần tục chàng phải công nhận giá trị nghệ thuật của những bức tranh trước mắt...
Đang lúcsay sưa ngắm tranh, Thanh giật mình vì người thiếu phụ khi nãy trở ra, với cái sắc trên tay. Bà cười thật tươi và nói với chàng:
- Tôi cũng là khách như Thầy. Tôi có việc phải ra về. Chủ nhân là bạn tôi. Chị ấy sẽ sớm ra đây tiếp đón Thầy. Thầy chịu khó ngồi đợi thêm tí nữa nhé?
Thanh mỉm cười, điềm đạm:
- Xin bà yên tâm! Tôi chờ chủ nhân bao lâu cũng được.
Người đàn bà nghe chàng nói «chờ chủ nhân bao lâu cũng được» thì chúm chím cười rồi quày quả ra cửa. Thanh không hiểu nụ cười ấy có ngụ ý gì? Nhưng chàng cũng không thắc mắc!
Người ấy đi rồi Thanh còn lại một mình, ngả người trên ghế, đôi mắt như thu hút bởi bức tranh vẽ một chiều nắng vàng có những con nai đứng ngơ ngác bên bờ suối…
Chợt có một mùi hương loang ra, cùng với bước chân thật nhẹ vào phòng… Thanh đang ngồi quay lưng ra cửa sổ nên không trông thấy người đi tới. Song chàng thầm đoán là chủ nhân nhà này nên đứng lên quay mặt lại chào:
- Trời ơi!
Chàng kêu trong cổ họng như thế, và có cảm giác toàn thân nhũn ra, không đứng vũng được nữa!
Bởi vì… Người đàn bà trước mắt nếu không phải là tiên thì cũng chẳng phải người thường! Một sắc đẹp mê hồn huyền hoặc khó thể tả bằng lời!
Thanh đứng trân trân một chỗ, thần sắc đờ đẫn.
Người đàn bà cất giọng êm như mơ:
- Xin lỗi, ông là ai? Ông tìm tôi có việc chi?
- …
Không nghe chàng trả lời, người đàn bà cảm thấy lạ lùngnên chăm chăm nhìn Thanh. Một chốc chừng như đoán ra điều gì, người ấy nhỏ nhẹ hỏi:
- Cậu là bạn của con gái tôi? Mời cậu ngồi.
Thanh vâng lời nữ chủ nhân ngồi trở lại xuống ghế như một cái máy, song miệng vẫn chưa nói được lời nào. Người đàn bà lập lại câu hỏi lần nữa, kèm với nụ cười tuyệt đẹp:
- Cậu là bạn của Mai Lan, phải không?
Thanh lắp bắp:
- Không… thưa cô… xin lỗi! Thưa bà… tôi là Thầy dạy Triết học ở Hội Người Việt.
Miệng thoát ra được tiếng nói… hình như đã giúp Thanh lấy lại bình tĩnh, vội vàng nói thêm:
- Tôi nghe tin Mai Lan bị tai nạn xe nên… tới để hỏi thăm tình trạng ra sao. Cô bé đã đỡ chưa?
Chàng sợ chủ nhân nghi ngờ chàng si tình Mai Lan, tới tận nhà thăm viếng, nên nói giọng kẻ cả, gọi Mai Lan là cô bé.
Nhưng người đàn bà khi nghe chàng nói thế chỉ cười thầm, vì anh chàng si tình ngơ ngẩn này không che giấu được đôi mắt nhận xét của bà.
Người mẹ nào khi biết con gái mình có chàng trai để tâm lưu ý đềurất vui mừng, nhất là khi thấy chàng ta mặt mày anh tuấn, học thức cao, lại có vẻ rất si tình con gái mình mới lặn lội tới nhà thăm hỏi. Đó là lý do khiến nữ chủ nhân vui vẻ đón khách, ngồi đối diện với Thanh ân cần hỏi han:
- À, thì ra Thầy là Thầy dạy học của Mai Lan ở Hội Người Việt! Thầy rời Việt Nam lâu chưa?
- Tôi và gia đình sinh sống ở Pháp từ lâu. Tôi sinh đẻ ở Pháp.
- Thầy lớn lên nước ngoài sao còn nói tiếng Việt giỏi vậy?
- Dạ, cha mẹ tôi bắt buộc anh em tôi nói tiếng Việt, họcviết tiếng Việt từ nhỏ. Tuy tiếng Việt tôi không giỏi lắm, nhưng khi lên Đại học đã chọn môn triết học Đông Phương nên nhờ đó mà nói và viết cũng khá hơn một chút.
- Vậy ngoài việc dạy ở «Hội Người Việt», Thầy còn dạyở trường nào khác không?
- Tôi hiện đi làm nửa buổi, vì phải dành thời giờ viết cho xong luận án tiến sĩ Triết học. Dạy ở «Hội» chỉ là dạy thêm cho vui, cũng để có dịp trò chuyện tiếng Việt với các em.
Nữ chủ nhân hỏi câu nào, chàng trả lời câu đó, y như học trò trả lời câu hỏi của Thầy! Người đàn bà bỗng dưng ngưng hỏi, ánh mắt mơ màng nghỉ ngợi đâu đâu…
Thanh ngất ngây nhìn giai nhân trước mặt và chàng có nhận xét Mai Lan giống mẹ như hai giọt nước. Chỉ khác nhau là Mai Lan là con búp bê ngây thơ, còn người phụ nữ này cực kỳ quyến rũ.
Nhất là đôi mắt của nàng. Đôi mắt có thể làm tê dại con tim người đối diện, khiến Thanh như ngây như dại, hồn pháchkhông còn.
Trong y phục màu xanh thẫm gần như màu đen, làn da trắng mịn trên gương mặt xinh đẹp của nàng càng nổi bậc nétmỹ lệ cao sang. Vóc người nàng thon nhỏ, tóc búi cao lên, trông thiếu phụ không khác gì một nữ vương đài các và cũng không thể nhận ra là một người đàn bà đã có con 17-18 tuổi đầu.
Phút yên lặng của cả hai trôi qua, nữ chủ nhân cũng đã tìm hiểu rõ ràng người đàn ông trẻ trước mắt, nên vào đề chính:
- Con gái tôi hiện còn ở bệnh viện. Nhưng đã không sao rồi! Bác sĩ cho phép ngày mai về nhà.
Tai Thanh vẫn nghe giọng nói thanh tao uyển chuyển của nữ chủ nhân, nhưng tâm trí y như không hiểu nàng nói gì? Hồn phách thẫn thờ nửa mê nửa tỉnh.
Thiếu phụ thấy sắc mặt chàng đờ đẫn ngỡ chàng ví quá xúc động khi nghe nói về con gái, nên cảm thương đi tới tủ rượu lấy ly rót ra mang tớilấy trao cho Thanh và nói lời an ủi:
- Thầy hãy dùng chút rượu ngọt này cho ấm lòng! Mai Lan sẽ không sao đâu! Ngày mai nó có thể về nhà và ít hôm nữa sẽ đi học trở lại.
Thanh nhận ly rượu trên tay nàng đưa lên môi, mà có cảm tưởng như trong men rượu có cả men tình khiến chàng chất ngất say say…
Buổi chiều này đẹp quá và hạnh phúc quá với cuộc đời tẻ nhạt của chàng. Nay là lần đâu tiên chàng thấy khung trời chàng đang sống là thiên đường!
Bấy lâu chàng vẫn cho cuộc đời này vô vị và trước mắt chàng đàn bà con gái đều nhạt nhẽo vô duyên. Nhưng lần này, lạ lùng làm sao, con tim chàng bỗng xúc động mãnh liệt trước một nguời đàn bà xa lạ chỉ mới gặp lần đầu.Tuy mới gặp, mới đối mặt chuyện trò, nhưng chàng có cảm tưởng như quen nhau từ kiếp nào?
Trớ trêu thay lần thứ nhất trong đời con tim chàng biết rung động, lại nhè một đoá hoa có chủ, một thiếu phụ sang giàu!
Tiếng sét aí tình đến cùng một lúc với tiếng kêu tuyệt vọng, làm chàng nghe con tim đau đớn nhức nhối! Hạnh phúc của tình yêu chàng chưa kịp hưởng, thế mà cơn đau ái tình đã dày vò!
Thanh chua xót cho mốt tình si vụng dại, khép mắt lại để không trông thấy giai nhân trước mắt, để tiêu tan những cảm xúc trong lòng. Nhưng hồn xác chàng y như đang vật vờ bên khung trời tình ái, khung trời kỳ thú tuyệt vời, vừa đớn đau u uất, vừa ngây ngất đê mê…
Thiếu phụ lặng im nhìn chàng quan sát… Chừng như cảm thông được nỗi lòng của kẻ tương tư, nàng nhỏ nhẹ nói:
- Thầy đừng lo lắng quá! Mai Lan nhất định không sao! Thầy yên tâm nhé?
Thanh như không nghe câu nói của nữ chủ nhân, đôi mắt ngây dại nhìn nàng… Ánh mắt đỏ ngầu lờ đờ của kẻ si tình chất ngất đảo điên, với đôi môi run run mấp máy…
Hai tay thiếu phụ chợt nắm tay chàng nhẹ kéo đứng lên, ngọt ngào bảo:
- Mai Lan sẽ hạnh phúc lắm khi biết Thầy tới thăm nó.
Nàng nói kèm với nụ cười và cái nhìn hết sức thân thiết.
Thanh run rẩy trong mười ngón tay thon nhỏ của đôi tay mềm mại của nàng, muốn sụm dưới chân nàng tỏ muôn vàn lời thiết tha yêu dấu, nhưng toàn thân tê dại, cổ họng nghẹn lại, âm thanh không thoát ra được!
Nàng tiễn chàng ra cửa, vỗ về:
- Thầy về nhà vui vẻ nhé? Mọi việc sẽ tốt đẹp. Đừng tuyệt vọng! Tôi bảo đảm Mai Lan sẽ… Hôm khác Thầy trở lại thăm nó nhé?
Nàng quay trở vào nhà… Thanh thẫn thờ bước ra đường như một thằng người bằng máy, đôi chân di động đều đều…
Bất thình lình toàn thân chàng bị dội ngược trở lại, đồng lúc với tiếng «két». Tiếng kêu của thắng xe từ xa chạy tới làm kinh động khách qua đường, nhưng Thanh không nghe thấy gì cả! Chàng đã bất tỉnh.

*

- Mẹ à! Anh Thanh dạy triết ở Hội Người Việt đã nghỉ dạy rồi mẹ à.
Mộng Ngọc, mẹ của Mai Lan đang nằm trên ghế xích đu tắm nắng ngoài vườn hoa, nghe con nói liền ngồi bật dậy hỏi:
- Thanh nào? Có phải thầy Thanh bữa trước tới nhà thăm con không?
- Chính anh ấy đó.
- Vì sao Thầy không dạy ở Hội nữa?
- Chẳng ai biết vì sao? Có lẽ sau vụ tai nạn anh buồn chán không muốn dạy học trò.
Mộng Ngọc châu mày:
- Tai nạn gì? Hồi nào? Hèn chi mẹ mời cậu ta đến nhà thăm con mà không thấy trở lại.
Mai Lan trố mắt ngạc nhiên, hỏi mẹ:
- Té ra mẹ không hay biết vụ tai nạn xảy ra trước ngõ nhà mình vào cái hôm anh ấy đến nhà gặp mẹ?
- Hả? Con nói sao?
Thấy sắc mặt mẹ có vẻ hoảng hốt, MaiLan vội vàng tường thuật:
- Con nào hay biết gì đâu? Tuần qua con nghỉ học mà! Bữa nay đến lớp mới hay hôm đó anh tới nhà để thăm con, và đã gặp me, chừng ra về bị xe đụng ngay trước ngõ nhà mình. Người ta chỡ anh vào nhà thương, nhưng cũng may thương thế không nặng lắm, chỉ chút trầy trụa ngoài da. Anh được rời bệnh viện ngay hôm đó.
Nghe tin anh chàng si tình con gái mình bị xe đụng mà không hề hấn gì, Mộng Ngoc thở ra nhẹ nhỏm. Từ buổi đó nàng vẫn mong chàng trai nọ tới lui với con gái. Nhưng nàng chờ mãi không thấy anh ta tới nhà, nên nghĩ rằng anh ta không còn tha thiết với con mình. Rồi nàng cũng quên đi.
Mai Lan kể tiếp:
- Tuần rồi anh có đến trường, nhưng chỉ để giã từ mọi người, vì anh sẽ nghỉ dạy ở Hội. Nghe nói anh định đi xa. Cũng có thể qua xứ khác.
- Đi xa? Vì sao chứ?
Mộng Ngọc hỏi con bằng giọng tiếc rẻ, gần như tuyệt vọng. Mai Lan đáp:
- Tụi học trò không hiểu vì sao? Ngay cả ông Chủ tịch «Hội Người Việt» hỏi lý do, anh cũng lắc đầu không nói.
Bỗng Mai Lan moi trong cặp sách một bức thư trao cho mẹ:
- Anh ấy có nhờ Liên bạn con, trao cho con thư này. Nhưng vì con thấy bì thư dán kín. Thư đề tên mẹ, nên con không mở ra đọc.
Mai Lan trao thư cho mẹ rồi chạy vào nhà. Mộng Ngọc vẫn còn ngồi nơi ghế xích đu trong vườn hoa. Nàng đinh ninh anh chàng kia si tình Mai Lan sẽ nói với mình về con gái...
Bỗng sắc mặt nàng thay đổi đột ngột, y như trông thấy một việc «kinh thiên động địa»…
Bức thư như vầy:
Ngày…
Thưa bà,
Tôi quyết định gửi thư này đến bà, dù biết rằng bà sẽ vô cùng khó chịu, mà cũng có thể bà sẽ cười nghiêng ngữa vì cho tôi là một thằng điên!
Phải! Quả thật tôi đã điên, hay nói đúng ra lòng tôi điên đảo vì ôm mối tình si cuồng vọng ngay buổi chạm mặt đầu tiên với bà trong gian phòng sang trọng chiều nào… Có thể nói đây là lần đầu tiên trong đời tôi biết yêu, tim tôi biết rung động trước phái nữ!
Gặp bà tôi có cảm tưởng như đang sống trong mơ, vì trước mắt tôi gương mặt mà quá quen thuộc mà tôi đã gặp, đã yêu từ bao giờ!
Sự thật tôi với bà nào có quen biết nhau từ trước mà tôi có cảm giác lạ lùng như thế? Suy nghĩ mãi tôi bỗng tìm ra nguyên thủy và biết rằng tôi đã yêu bà từ một năm qua, từ khi là Thầy của Mai Lan.
Bấy lâu tôi thích trò chuyện và nhìn ngắm Mai Lan mà không hiểu tại sao? Dung nhan của Mai Lan có điểm siêu phàm thoát tục thu hút tôi, tôi thích chiêm ngưỡng. Y như một nghệ sĩ chiêm ngưỡng nàng tố nữ trong tranh, rồi bị một người tranh mê hoặc thu hút, chớ hoàn toàn không phải tình yêu trai gái.
Chừng đến khi giáp mặt bà, tôi bàng hoàng xao xuyến, tưởng như nàng tố nử trong tranh mà tôi từng mường tượng qua hình bóng Mai lan đã hiện ra với con người thật bằng xương bằng thịt. Tôi chới với đảo điên và nhận ra tôi đã yêu bà từ lâu, yêu qua hình bóng của Mai Lan.
Tình yêu kỳ lạ này không khác gì sấm sét đem phong ba bão tố vào tâm tư tôi. Bởi tôi biết là vô vọng! Một kẻ hàn sĩ như tôi làm sao có quyền thương tưởng một đoá hoa có chủ? Làm sao tôi có được tình yêu của một thiếu phụ sang giàu?
Yêu trong tuyệt vọng, trong đau khổ, mà muốn đừng, muốn quên cũng không được! Tôi chỉ còn cách duy nhất là bỏ thành phố này đi thật xa. Đi để không còn gặp Mai Lan, để không nhìn thấy dung nhan bà, để không con tim không triền miên cảm xúc nhớ thương… Để quên!
Nhưng mà…biết có quên được không?
Vỉnh biệt.
TVThanh
Mộng Ngọc ngã xuống ghế từ bao giờ? Trong tay nàng bức thư bị vò nát!
Một phút trôi qua… Cơn xúc động chừng như lắng dịu, nằng đứng lên khỏi ghế, đưa mắt thẩn thờ nhìn cảnh vật chung quanh…
Trong vườn hoa có một com bướm bay lạc loài…
Mộng Ngọc theo dõi cánh bướm với ánh mắt bâng khuâng, rồi bỗng nhiên thở ra một hơi dài.
Mai Lan từ trong nhà chạy ra đón mẹ, thấy trên mặt mẹ vương vấn nỗi buồn, liền hỏi:
- Anh Thanh viết thư nói gì với mẹ vậy? Sao trông mẹ buồn vậy?
Mộng Ngọc không trả lời câu hỏi của con, ánh mắt mơ màng nhìn ra xa… Bỗng dưng nàng chỉ Mai Lan con bướm đang bay, nói bằng giọng xót xa:
- Này, Mai Lan, con nhìn xem. Có một con bướm bay lạctrong vườn nhà ta. Trông thật đáng thương!
Mai Lan vẫn với nụ cười hết sức ngây thơ, vẫn với đôi mắt nai tơ ngẩn ngơ nhìn theo hướng tay mẹ chỉ…
Một con bướm trắng tuyệt đẹp vừa bay vút ra đường cái… Mai Lan tiếc rẻ kêu lên:
- Mẹ ơi! Nó bay đi rồi! Bướm bay mất rồi, mẹ ơi!

Xem Tiếp: ----