Đánh máy: Phương Nhi

Tôi được người bạn cho biết anh có cô em gái rất "căm thù" thơ. Tôi đã tò mò đi tìm hiểu tại sao em có lòng "căm thù" đó. Vì đối với tôi thơ rất cao quý và thơ mộng. Nó có làm hại ai đâu?
Cuối cùng cô bé đã dạy cho tôi biết: Hoa ô môi không có hình dấu môi mà có hình dấu răng.
Hình như giữa thơ và thực tế cũng giống vậy?
°

*

Họp mặt bạn đọc Áo Trắng ở Long Xuyên xong, tôi nhờ Lộc - thổ công ở đây - chở tôi bằng xe Honda đến thăm một người bạn văn nghệ ở huyện Ô Môn. Lộc nói:
- Cũng dễ thôi, huyện nằm trên đường chúng ta trở về Cần Thơ. Anh gặp ông bạn có chuyện gì vậy? Lấy bài đăng báo hả?
Tôi cười lắc đầu:
- Không. Ông ấy viết thư hẹn sẽ chiêu đãi tôi một món ăn đặc sản địa phương.
Lộc cười:
- Anh lúc nào cũng vậy. Chỉ món ăn mới quyến rũ được anh.
Qua một cây cầu, xe quẹo trái vào huyện Ô Môn. Tôi biết được là nhờ nhìn tấm bảng xanh chữ trắng gắn ở bên đường. Lộc vừa lái xe vừa kể chuyện tình bà Sử người Việt với ông Trăng người Khơme, đã tạo nên tên đất này. Hai người đã phải vượt qua nhiều khó khăn cách trở mới gặp được nhau. Nên họ đã "ôm-em-ôm-anh" thắm thiết không rời thành tên Ô Môn. Tôi bật cười thích thú với chuyện cười dân gian giải thích tên địa phương theo Lộc kể. Và tôi nghĩ thầm miền đất nào có tên gắn liền với một chuyện tình, miền đất đó sẽ rất có... tình.
Tôi nói địa chỉ của người bạn và Lộc lái xe chạy thẳng đến một bến sông. Dưới bến có những chiếc "tắc ráng" đậu san sát. Lộc dừng xe lại, hỏi tôi:
- Ông bạn anh tên gì?
- Văn Thành Duy.
- Ở đây hỏi bút danh không ai biết đâu. Anh có nhớ ông ấy nói ba ông ấy tên gì không?
Tôi cố nhớ địa chỉ người bạn đã viết trong thư: "Đến bến đò hỏi nhà ông Năm Thành ai cũng biết." Tôi nói lại với Lộc. Anh đến hỏi một thanh niên lái đò đang đứng rước khách trên bờ. Anh thanh niên gọi lớn xuống bến sông:
- Ê, út Hường. Có người hỏi thăm ba mày nè.
Một cô gái mặc áo bà ba màu hồng đang ngồi ở tắc ráng đậu phía xa, đứng dậy. Em nhanh nhẹn nhảy qua mấy chiếc tắc ráng đậu kế bên rồi leo lên bờ. Đi đến trước mặt tôi, em hỏi:
- Ông hỏi thăm ba em có chuyện gì vậy? Ông muốn mua cam hả?
Nhìn cái nốt ruồi trên mép trái của em, tôi nghĩ cô bé này chắc "lẹ miệng" lắm đây. Tôi trả lời:
- Không. Tôi đến thăm anh Duy.
Cô bé hất bím tóc đang đong đưa phía trước mặt ra phía sau rồi nói:
- Anh Duy đi Cần Thơ rồi.
Tôi nhíu mày vì người bạn sai hẹn. Tôi hỏi tiếp:
- Em có biết chừng nào anh Duy về không?
- Ảnh nói lên Hội Văn Nghệ Cần Thơ đón một người bạn ở Sài Gòn về chơi.
Lộc đứng bên nói xen vào:
- Đón ông này nè. Vậy chúng ta về Cần Thơ gặp ảnh.
Cô bé nói:
- Thôi, khỏi. Anh Duy có dặn bạn ảnh đến cứ chở về nhà. Ảnh sẽ về sau. Ông lên Cần Thơ không chừng hai người lại "lật" nhau.
Tôi rủ Lộc cùng đi chơi cho vui. Anh chỉ chiếc xe Honda rồi nói:
- Anh đi đi. Tôi về Cần Thơ báo cho bạn anh biết. Có gì sáng mai chúng ta gặp lại nhau.
Tôi nói:
- Chiều tối, tôi về lại Cần Thơ được mà.
Lộc cười:
- Dễ gì anh về được. Rượu gạo ở đây đâu có thiếu.
Lộc phóng xe chạy đi. Tôi theo cô bé leo xuống một chiếc tắc ráng gần bờ rồi bước qua những chiếc kế bên, để đến chiếc tắc ráng của em. Cô bé giật dây cho máy đuôi tôm nổ, chiếc tắc ráng từ từ lùi ra. Tôi ngồi đối diện với cô bé trong lòng tắc ráng hẹp mà dài. Hơi nước từ mặt sông phả lên mát rượi. Trên sông những chiếc tắc ráng xuôi ngược chở đầy trái cây và vật dụng gia đình bằng nhựa xanh đỏ. Tôi tò mò nhìn những cây mọc hai bên bờ, cố đoán xem cây nào là cây bần, cây tràm, cây ô môi... như đã đọc trong truyện. Nhưng tôi đành chịu thua vì mùa này chẳng có cây nào trổ bông để có thể nhận diện.
- Ông ở tuốt trên Sài Gòn làm sao quen với anh em ở tuốt dưới đây?
Tôi quay lại nhìn cô bé, nói:
- Tôi đã chọn thơ của anh Duy gửi lên đăng báo. Mấy tháng trước anh ấy có lên Sài Gòn nhờ tôi in giúp một tập thơ.
Cô bé la lên:
- Chết ông rồi!
Tôi giật mình, hỏi lại:
- Chuyện gì vậy?
- Ông xúi anh em in tập thơ phải không?
- Đâu có. Anh Duy tự nguyện in mà.
- Ba em cằn nhằn ảnh chuyện đó hoài. Làm vườn không lo làm cứ lo làm thơ. Mấy tháng trước ảnh nói với ba đưa cho ảnh ba triệu đồng làm vốn buôn bán. Ba tưởng ảnh mua cam quýt ở mấy vườn bên, đem lên Sài Gòn bán kiếm lời. Nào ngờ ít lâu sau ảnh đem về nhà một đống thơ.
Tôi bật cười:
- Cứ tưởng anh ấy đem tiền đi đánh bạc thua hết mới đáng buồn, chớ đem thơ về nhà là tốt rồi.
- Tốt gì? Thơ đâu có "ăn" được. Chất cả đống ở nhà đó. Mùa nước nổi vào nhà ảnh bắt em khiêng lên khiêng xuống đống thơ cất giữ. Cực muốn chết. Ông cũng làm thơ như anh em?
Tôi chẳng biết giải thích công việc của mình như thế nào cho em dễ hiểu. Tôi nói gọn:
- Tôi chuyên "mua bán" thơ văn.
Cô bé reo lên:
- Vậy ba em mừng lắm. Ông mua "mão" luôn đống thơ của anh em nghe. Giúp em đỡ cực.
Tôi chưa kịp trả lời thì cô bé lái qua phải, lách tránh một chiếc tắc ráng đang chạy thẳng về phía chúng tôi. Chiếc tắc ráng nghiêng hẳn qua bên phải, sóng tạt vào làm người tôi ướt đẫm. Tôi hoảng sợ nắm chặt hai lườn gỗ. Cô bé đột ngột rú ga bẻ lái qua trái, chiếc tắc ráng ngóc mũi lên khỏi mặt nước và phóng đi như mũi tên, tạo ra một tia nước bắn thẳng vào chiếc tắc ráng vừa chạy ngang qua. Tôi nghe có tiếng la ơi ới, tiếng chửi thề và tiếng cô bé cười khanh khách. Mặc dù vẫn còn hơi run vì sợ rớt xuống sông tôi cũng thầm khen cô bé lái giỏi.
Chiếc tắc ráng chạy từ từ rồi ghếch mũi vào một cây cầu gỗ. Cô bé tắt máy, nói:
- Đến nơi rồi. Mời ông lên nhà.
Ngôi nhà nằm sát bờ sông, mái ngói lợp đỏ tươi. Trước sân có hai cây cau cao vút và một cây dừa lùn với tay có thể hái được chùm trái xanh bóng. Một con chó vện chạy ra sủa vang, cô bé vỗ vỗ lên đầu nó rồi chúng tôi cùng bước vào nhà. Tôi vừa ngồi xuống ghế, cô bé đã chạy đến góc nhà giở một tấm bạt lên và nói:
- Đây đống thơ của anh em. Ông mua hết luôn nha.
Tôi cười nói:
- Từ từ. Đợi anh Duy về rồi tính. Ba má em đâu?
- Ba má em đang ở ngoài vườn.
- Bộ không có ai coi nhà sao?
- Ở đây đâu có trộm cắp mà sợ. Cả đống thơ để đó mà đâu có ai lấy mất cuốn nào.
Tôi thắc mắc chẳng hiểu sao cô bé có vẻ "căm thù" thi ca quá vậy? Chắc tại Duy đã bắt em khiêng đống thơ lên bộ ván ngựa mỗi khi nước vào nhà và bắt em phải canh chừng chuột bọ quậy phá?
- Ông uống nước dừa không để em hái?
- Tôi uống nước trà được rồi. Chúng ta ra vườn chơi đi.
- Ngoài vườn đâu có gì vui đâu mà chơi?
- Tôi muốn biết cây trái ở đây có khác với cây trái ở Lái Thiêu không?
Phía sau nhà là vườn cam rộng ngút mắt. Những lá cam xanh rì và những trái cam cũng xanh rì nằm lẫn vào nhau. Cô bé nói:
- Chừng tháng nữa ông trở lại cam sẽ chín vàng.
- Vườn nhà em rộng bao nhiêu?
- Hơn mười công đất. Trước kia ba em trồng cây ca cao nhưng không bán được nên đã chặt bỏ. Bây giờ trồng cam, quýt và bưởi.
Cô bé dắt tôi vào vườn quýt. Những trái quýt cũng còn xanh lè. Qua vườn bưởi cũng vậy. Những trái bưởi mới lớn bằng nắm tay. Tôi thở dài nói:
- Vậy là tôi vỡ mộng được ăn một bữa trái cây thỏa thích ở vườn.
Cô bé quay qua hỏi:
- Ông thích lạc hậu hay văn minh?
Tôi nghĩ chắc cô bé muốn hỏi tôi thích ở miệt quê "lạc hậu" hay ở thành thị "văn minh"? Sự thật tôi cũng đã ngán ở Sài Gòn ồn ào, náo nhiệt. Tôi thích ở miền quê yên tĩnh và ít xô bồ hơn. Nên tôi nói:
- Tôi thích lạc hậu.
Cô bé vụt chạy đi, mất dạng sau những tàn cây xanh rì. Một lúc sau em trở lại, đưa cho tôi một trái quýt nhỏ, vỏ vàng ửng. Em nói:
- Đó là trái quýt "lạc hậu" mùa trước còn sót lại. Còn trái "văn minh" nửa tháng nữa ông trở lại mới có. Đó là những trái chín sớm, trước mùa.
Tôi lắc đầu cười. Sử dụng ngôn ngữ như em thật hết ý! Tôi bóc vỏ trái quýt, đưa cho em một nửa. Cô bé xua tay:
- Em không thích "lạc hậu".
Tôi bỏ những múi quýt vào miệng nhai, ngọt lịm. Cô bé hỏi:
- Ông đói bụng chưa, để em lấy cơm nguội cho ông ăn.
- Thôi em khỏi mất công. Tôi đợi Duy về cùng ăn cơm cũng được.
- Đâu có mất công. Đây là cơm nguội.
Cô bé móc túi áo bà ba đưa cho tôi mấy trái xanh xanh.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Chúng tên trái "cơm nguội" à?
- Em đâu có nói xạo. Ông ăn cho đỡ đói. Nó hơi chát một chút, vậy ông nên ăn với muối.
Cô bé lại móc túi áo bà ba lấy ra mấy trái bằng lóng tay màu nâu nâu.
- Trái "muối" à?
Cô bé gật đầu cười khúc khích. Nhìn cái nốt ruồi trên méo giật giật khi em cười, tôi biết mình đã đoán đúng. Cô bé này rất "lẹ miệng". Chắc lưỡi em dẻo như kẹo cao su. Tôi nghĩ phải tìm cách "phục thù", để cho em biết Sài Gòn đâu dễ bị qua mặt, chỉ vì không biết tên mấy trái cây miệt vườn.
Chúng tôi cùng đi ra bờ sông để đợi Duy về. Những chiếc tắc ráng vẫn chạy xuôi ngược ở dưới sông như xe cộ chạy trên đường phố. Tôi chỉ một cây có tàn lá rộng rạp sà xuống mặt sông, hỏi:
- Đó là cây ô môi phải không em?
Cô bé lắc đầu:
- Đó là cây còng - Em quay qua bên phải chỉ một cây cao cành lá thưa hơn - Đó mới là cây ô môi.
Tôi nhìn cái cây trầm trồ khen:
- Ô môi nở hoa đẹp quá!
- Ông đừng xạo. Mùa này đâu có hoa ô môi.
Tôi quay lại thật nhanh, chỉ đôi môi đỏ hồng của em và nói:
- Đây là hoa ô môi hay ô răng?
Cô bé đỏ mặt, bậm môi, cúi đầu suy nghĩ rồi em ngước lên hỏi:
- Vậy đố ông giải thích tên Ô Môn quê em?
Tôi mỉm cười nghĩ đây là cơ hội phục thù tốt. Tôi kể lại chuyện tình bà Sử ông Trăng như Lộc đã kể. Để cho em dễ hiểu, tôi minh họa bằng cách ôm chặt vai em và nói:
- "Ôm-em-ôm-anh" đọc nhanh thành Ô Môn... Á!
Tôi xuýt xoa chà bóp dấu răng cô bé cắn đỏ bầm trên cánh tay tôi. Trong khi đó em vừa cười nức nẻ vừa nói:
- Ông giải thích trật lất rồi. Ở đây đâu có vùng đất nào tên Ô-Môn-Á.
 

Xem Tiếp: ----