ũ đọc lại tập bản thảo hai lượt trước khi gói lại mang đi. Đây là tác phẩm đầu tay của chàng với cái tựa
"Thang Mây", kể lại câu chuyện một chàng thanh niên có mộng trở thành văn sĩ, nhưng trãi bao khổ cực gian nan hy sinh cho việc viết lách cuối cùng chàng bỏ bút làm nghề buôn bản nhỏ, sống một cuộc đời bình thường vô vị kéo dài kiếp người.
Vũ mới tập tành viết lách, chưa phải là nhà văn nổi danh, vì thế mà cả năm nay chàng vẫn chưa tìm ra nhà xuất bản chịu in tác phẩm của mình.
Tình cờ hai tuần trước đây chàng đọc báo biết nhà xuất bản «Việt Phâp» ở Paris sẵn sàng đón nhận những tác phẩm Việt hay ngoại ngữ của những nhà văn mới, bất cứ quốc tịch nào. Vũ nghĩ, có lẽ chủ nhân là người Pháp, liền viết một thư tiếng Pháp giới thiệu tác phẩm của mình và nói rõ tác phẩm của mình viết bằng Việt ngữ.
Một tuần sau chàng nhận được thư của nhà xuất bản «hẹn ngày giờ» mời chàng đem bản thảo đến văn phòng Giám Đốc. Và điều khiến Vũ lưu ý là Giám Đốc mang cái tên Viêt Nam: «Trần Ngọc Tâm». Thư mời của ông này viết tiếng Việt.
Chàng ở ngoại ô, cách Paris cũng hơn 100 cây số, lái xe ít nhất phải mất 1 giờ, nhưng vì trong dạ vừa nôn nao, vừa lo lắng, đầu óc nghĩ ngợi lung tung, thoáng một cái xe chàng vào trung tâm thành phố hồi nào chàng không hay?
Địa điểm nhà xuất bản ở quận 16. Chẳng mấy chốc Vũ dừng xe trước tòa cao ốc 5 tầng, có nhiều văn phòng thương mại ở mấy tầng trên, nhà xuất bản «Việt Pháp» chiếm trọn tầng dưới, trông có vẻ đồ sộ.
Chàng xuống xe đi vào tòa nhà với bước chân không hăng hái lắm, vì nhớ cả năm qua chàng cũng đã từng ôm tập bản thảo đi các nơi, nhưng rốt cuộc vẫn bị từ chối.
Nhà xuất bản «Việt Pháp» mới mở, chắc họ còn lựa chọn kỹ hơn nơi khác, không dễ gì chịu nhận tác phẫm của một kẻ vô danh như chàng.
Dù sao Vũ quyết định lần này là lần chót, nếu bị từ chối chàng sẽ dẹp luôn mộng làm văn sĩ. Và tuy chàng không bắt chước nhân vật của mình chọn nghề mua bán để nuôi thân, nhưng chắc chàng phải tìm một việc làm ở hãng xưởng nào đó.
Tưởng tượng đến cái nghề tầm thường, ngày hai buổi kéo cày để kiếm tiền, rồi ngày qua ngày cho đến hết cuộc đời, Vũ nghe lòng chán nản vô cùng!
Chàng xô cửa bước vào tòa nhà, thấy văn phòng rộng lớn có rất nhiều nhân viên, người nọ đánh máy điện tử, người kia đang điên thoại, người khác đang xem tài liệu v.v... Thiên hạ lăng xăng với công việc và ồn ào như trụ sở tòa báo vậy.
Lạ một điều nhân viên gốc Pháp chiếm đa số. Nhân viên Việt Nam thấy chỉ ba người. Điều này khiến chàng hơi ngạc nhiên. Vì khi nhận được thư mời thấy ký tên Giám Đốc là Trần Ngọc Tâm, chàng đinh ninh chủ là người Việt.
Ngần ngại một lúc chàng lên tiếng hỏi cô đầm ngồi phía ngoài:
- Xin lỗi, có phải đây là trụ sở nhà xuất bản Việt Pháp không?
- Lẽ dĩ nhiên rồi! Ông không đọc bảng hiệu ngoài cửa trước khi vào đây sao?
Dĩ nhiên chàng có đọc cái bảng đồng trước cửa ghi rõ «Nhà xuất bản Việt Pháp» mới xô cửa bước vô, nhưng không hiểu sao chàng lại hỏi một câu lẩm cẩm như vậy?
Vũ hổ thẹn lúng túng nói:
- Xin lỗi cô! Tôi muốn gặp ông Giám Đốc Trần Ngọc Tâm.
Cô đầm bỗng nhìn chàng từ đầu đến chân. Đương nhiên chàng ôm một cái gói trong tay, dù cô không hỏi cũng đoán biết là gì. Cô nói:
- Ông đem bản thảo đến đây lần đầu à?
- Đúng vậy!
- Ông hãy điền vào giấy này tên họ, địa chỉ, tên tác phẩm và gửi lại đây. Khi nào nhà xuất bản chịu nhận xuất bản tác phẩm của ông, ông sẽ có thư báo tin.
Vừa nói cô vừa trao cho Vũ một mẫu giấy in. Vũ nhận tờ giấy nhưng không muốn điền vào, miệng ấp úng hỏi:
- Thật ra tôi đã có viết thư trước khi đến đây... Ông Giám Đốc mời tôi... Tôi vẫn phải làm thủ tục này sao?
- Ông có thư mời?
Chàng gật đầu, moi trong túi áo lấy bức thư của Giám Đốc nhà xuất bản trình ra. Dĩ nhiên thư viết bằng tiếng Việt, cô đầm không đọc được nên lên tiếng hỏi anh chàng Việt Nam ngồi phía trong cùng:
- Ông Hân, cô phải ông đánh bức thư «mời» của Bà Giám Đốc?
Anh chàng Hân lắc đầu đáp:
- Tôi không có đánh thư «mời» nào cả!
Cô đầm liền cầm lá thư chạy đến chàng ta, vừa nói:
- Ông đọc xem có phải thư mời không? Bà Giám Đốc ký tên hẳn hòi mà.
Chàng Việt Nam gật đầu:
- Đúng là thư mời vào ngày giờ này. Cô đưa ông ta vào văn phòng Bà Giám Đốc đi! Tôi nghĩ, bà ấy tự đánh lá thư này đó.
Hai bên trao đổi với nhau bằng tiếng Pháp, dĩ nhiên Vũ hiểu. Chính vì thế mà chàng ngạc nhiên không ít. Vì chàng cứ đinh ninh Giám Đốc là đàn ông. Té ra là đàn bà! Hèn chi khi nãy chàng đòi gặp ông Giám Đốc, cô đầm mới nhìn chàng chăm chăm!
Cô ta phất tay ra dấu mời Vũ theo cô vào phòng trong. Vừa đi Vũ vừa nghĩ trong đầu:
«Cơ sở xuất bản này thật đồ sộ quá sức tưởng tượng của ta! Họ lại tuyển nhân viên hầu hết là người Pháp, mà sao do một đàn bà Việt Nam trông coi? Thật lạ lùng quá! Chắc bà ta «hách dịch» lắm, chớ không dễ chịu gì!»
Chàng tưởng tượng một người đàn bà sồn sồn, mập mạp, phấn sáp dày kịt trên mặt, ăn mặc diêm dúa, nữ trang đầy mình...
- Mademoiselle! Đây là ông Vũ mà cô có thư hẹn giờ này.
Người ấy ngồi trước bàn vết, đang chăm chú xem một tập tài liệu. Nghe tiếng cô đầm, liền ngước mặt lên mỉm cười, nhỏ nhẹ nói:
- Được rồi! Cám ơn cô.
Cô đầm quay lưng đi ra ngoài và khép cửa lại, trong khi Vũ đứng sững như bị trời trồng!
Trước mặt chàng Bà Giám Đốc nhà xuất bản Việt Pháp chỉ là một thiếu nữ tuổi khoảng dưới 30, hình vóc hơi gầy, mặt không đẹp, nếu không muốn nói hơi xấu, nhưng đôi mắt sáng thông minh, cái miệng khả ái, có lẽ nhờ nụ cười và hàm răng đều đặn.
Cô ta mặc đầm kiểu giản dị, màu thanh nhã, không đeo nữ trang, không phấn son... Hoàn toàn trái với sự tưởng tượng của chàng!
Người ấy chỉ cái ghế trước bàn viết mời Vũ:
- Xin ông cứ tự nhiên ngồi.
Câu nói phải nhắc lần thứ hai Vũ mới nghe và ngồi xuống ghế. Thái độ của chàng không hiểu thiếu nữ có lưu ý không? Giọng nói của cô vẫn điềm đạm khã ái:
- Ông có thể cho tôi xem qua bản thảo được không?
Đến lúc đó Vũ mới luýnh quýnh nói:
- Vâng! Thưa bà Giám Đốc. Xin trình bà bản thảo của tôi.
Chàng nói vừa mở gói giấy đưa tập bản thảo của mình ra. Thiếu nữ lấy đọc một hơi chương đầu, rồi ngẩng mặt lên nói:
- Bữa trước nhận được thư của ông có tóm lược cốt chuyện, tôi thấy ý tuởng rất hay. Nay tôi đọc văn thấy lời bóng bẫy diễm lệ. Sáng tác đầu mà viết được như vậy ông quả có thiên tài! Tôi thật không hiểu vì sao các nhà xuất bản Việt Nam không thu nhận tác phẩm của ông?
Trong đời Vũ chưa từng nghe câu nói nào thân ái như vậy! Chàng lấy làm cảm kích, muốn nói mấy lời cảm ơn. Nhưng thiếu nữ đã cười nhẹ tiếp:
- Có lẽ người ta chỉ thích in những tác phẩm của những nhà văn đã nổi danh, không ai chịu khám phá ra những tài năng mới! Thật là một tệ trạng của nghề này! Nhưng ông hãy yên lòng! Tôi sẽ xuất bản câu chuyện của ông và sẽ cổ động độc giả Việt Nam đọc tác phẩm này để thiên hạ biết rằng việc coi thường những cây bút mới là lầm lẫn!
Xúc động trước tấm lòng cao đẹp ấy, Vũ nói bằng giọng cảm kích:
- Tôi thật không biết nói lời gì hơn là cám ơn bà Giám Đốc.
Thiếu nữ cười nhỏ:
- Tôi chưa lập gia đình đâu! Ông cứ gọi tôi là Ngọc Tâm được rồi.
Nàng ấy vừa dứt câu chợt có tiếng gõ cửa. Rồi một ông Tây thân hình cao lớn, tuổi chắc phải trên 60, bước vào, nói với thiếu nữ ra chiều thân thiết, nhưng không kém lễ độ:
- Cô Giám Đốc! Phải chăng cô đã thu nhận bản thảo của ông Pierre Le Grand?
- Đúng vậy! Ông Phó Giám Đốc nghĩ sao?
- Nhà văn này trẻ quá, cô không e ngại sao?
Ngọc Tâm cười nhẹ:
- Tôi chỉ muốn biết cảm nghĩ của ông sau khi đọc bản thảo đó.
- Khá hay!
- Nếu thế thì ông còn e ngại điều gì?
- Tôi trong nghề này 40 năm rồi. Tôi biết sách của những nhà văn chưa nổi danh in ra bán không chạy.
- Vậy thì mình làm cho họ nổi danh. Chủ trương của tôi chắc ông Phó Giám Đốc cũng biết là tìm tác phẩm văn chương có giá trị, giúp đỡ người có chân tài. Những người có tên tuổi trước, đâu hẳn viết hay hơn người thế hệ sau? Vả chăng nghề nào cũng vậy, có người thành công là nhờ may mắn. Vậy bổn phận chúng ta là không để những người thiếu may mắn đó bị mai một tài danh.
- Tôi cũng đồng ý với cô, nhưng...
Ngọc Tâm mỉm cười, nhưng giọng nói thật trang nghiêm:
- Ông Phó Giám Đốc cứ làm theo chủ trương của chúng ta một thời gian xem sao? Nếu nhà xuất bản của mình giống như nơi khác, hóa ra cũng chỉ làm thương mãi như họ. Nếu thế thì thà mở một tiệm buôn có hơn không? Tôi là người quí trọng văn chương, xem nhẹ tiền bạc. Giả như in một tác phẩm hay mà không thu được vốn, tôi vẫn vui.
Ông Tây gật đầu:
- Tôi hiểu ý cô rồi!
Ngọc Tâm đứng lên khỏi ghế tiễn ông đến tận cửa phòng, rồi nói thêm:
- Ông Phó Giám Đốc hãy dặn văn phòng thu nhận bản thảo Việt hay Pháp, Anh ngữ cũng vậy: «Từ đây mỗi khi nhận được bản thảo gửi tới nên cắt tên tác giả cất riêng ra, rồi thay vào một con số, để «Ủy Ban Cứu Xét» khi đọc sẽ không bị ảnh hưởng đến tên tuổi người viết. Khi mọi người công nhận tác phẩm hay thì mình thu nhận phát hành, bất kể là nhà văn đã nổi danh hay nhà văn mới».
- Vâng! Tôi sẽ căn dặn ban văn thư.
Sau tiếng vâng, ông ta bước đi sau khi liếc nhìn Vũ mỉm cười và nói với chàng:
- Cô Giám Đốc của chúng ta rất lý tưởng.
Nghe cuộc đàm thoại giữa Ngọc Tâm và Phó Giám Đốc người Pháp, Vũ biết được cô là người không coi trọng tiền bạc, rất quí trọng văn chương, không riêng tiếng Việt, mà tiếng Pháp nữa!
Cô chủ ý tìm những tác phẩm có giá trị để phổ biến và nâng đỡ người có chân tài, bất luận là nhà văn Việt Nam hay Pháp. Thật là một con người đặc biệt và khác thường!
Trên thế gian này còn có một người có tấm lòng đẹp và cao quí như vậy sao? Hơn nữa người đó lại là một thiếu nữ Việt Nam!
Lòng chàng chợt dâng lên niềm kính phục vô biên người con gái trước mắt vì tài ba, vì nhân cách, vì tấm lòng...
Nhan sắc tầm thường của cô như có ánh hào quang tỏa ra, khiến chàng trông thấy gương mặt của nàng đẹp như thiên tiên ngọc nữ...
Chàng ngây người nhìn nàng… ánh mắt đầy tôn ngưỡng.
Ngọc Tâm tiễn Phó Giám Đốc của mình ra cửa, lúc quay trở lại bắt gặp cái nhìn trân trối của Vũ, mắt nàng chớp nhanh tránh tia mắt ấy, rồi trở lại ngồi xuống ghế nói:
- Ông có thể ra về. Tôi nghĩ, đứa con đầu lòng của ông sẽ ra đời trong vòng vài tuần thôi.
Vũ đứng lên chào từ giã với niềm xúc động, muốn nói cám ơn thêm lần nữa nhưng chưa kịp mở miệng, Ngọc Tâm dường như đoán biết ý chàng nên cười nhẹ bảo:
- Ông không cần phải cám ơn tôi. Từ nãy giờ ông đã nghe câu chuyện bàn bạc giữa tôi và người Pháp cộng sự viên của tôi. Chắc ông cũng biết nhà xuất bản của chúng tôi chú trọng đến giá trị của tác phẩm hơn tên tuổi người viết. Nhà văn có chân tài cần được giới thiệu. Những tác phẩm có giá trị cần được phổ biến. Nếu nói cám ơn thì nhà xuất bản chúng tôi phải cám ơn nhà văn.
Giọng của nàng thật dịu, thật êm, nghe như tiếng đàn tiếng sáo!
Cũng có thể vì câu nói quá tốt lòng tốt bụng, vừa khôn ngoan vừa tế nhị mà Vũ có ảo tưởng như thế!
Câu nói ấy gây thêm nỗi cảm xúc trong lòng chàng... Bỗng dưng Vũ không muốn rời chốn này. Chàng muốn ngồi mãi nơi đó. Nhưng Ngọc Tâm đã đứng lên tiễn khách. Vũ biết mình không thể nấn ná lại đó, đành phải bắt tay từ giã.
Chàng bước đi được vài bước, Ngọc Tâm vụt hỏi vọng theo:
- Ông hiện làm nghề gì?
- Tôi... tôi còn là sinh viên và làm việc nửa ngày cho một sở tư.
Ngọc Tâm mỉm cười:
- Ông về nhà chờ tin vui nhé?
Nàng khép cửa lại. Chàng lìa tòa nhà với tâm trạng luyến tiếc, bùi ngùi.
Vũ không hiểu tại sao chàng không có niềm vui to lớn sau khi được nhà xuất bản thu nhận tác phẩm đầu tay của mình?
Phải chăng vì người con gái không đẹp mặt mà lòng đẹp như ngọc vương vấn mãi trong tâm trí chàng, khiến chàng quên cả niềm vui trong đời?
*
«Thiên Vũ» một ngôi sao sáng trong vòm trời thi văn!
Chỉ trong vòng nửa năm người Việt ở hải ngoại không ai không nghe tiếng nhà văn «Thiên Vũ»! Tác phẩm đầu tay
«Thang Mây» của nhà văn này bán chạy như tôm tươi. Mấy tháng sau đó nhà xuất bản «Việt Pháp» ở Paris đã phải tái bản lần thứ hai. Thiên hạ vẫn còn rần rộ chiếu cố, khiến nhà xuất bản phải in lần thứ ba!
Một năm sau nhà văn này tung ra tác phẩm thứ hai
«Lửa Lòng». Lần này nhà xuất bản đã phải in năm ngàn cuốn cho ấn bản đầu. Thật là một con số kỷ lục, chưa từng có trong văn giới Việt Nam trong thời buổi lưu lạc xứ người này.
«Lửa Lòng» là câu chuyên của một thi sĩ nghèo yêu thầm một cô gái sang giàu. Chàng sống trong thiếu thốn cơ cực, mùa Đông không đủ ấm, nhưng nhờ tình yêu đơn phương lúc nào cũng cháy hừng hực trong lòng, đã giúp chàng quên cái lạnh của trời đất, ngồi bó gối trong căn phòng chật hẹp mà viết được nhiều bài thơ tuyệt vời, trở thành một thi sĩ lừng danh.
Chỉ hai tác phẩm ra đời của nhà văn Thiên Vũ trở thành một «hiện tượng» của thời đại!
Các báo đua nhau đăng lời bình phẩm. Giới văn nghệ sĩ bề ngoài giả tuồng như không nghe biết, mà bề trong bàn tán xôn xao, ganh tị nhiều hơn khen ngợi!
Riêng độc giả nhiệt liệt ủng hộ Thiên Vũ, một phần cũng vì tò mò muốn biết do đâu tác phẩm được thiên hạ chiếu cố, nên ai cũng muốn đọc.
Ở đâu có người Việt tụ họp là ở đó người ta nói đến nhà văn Thiên Vũ. Hầu như nữ độc giả đều «ái mộ» Thiên Vũ! Nhất là từ khi gương mặt đẹp trai của nhà văn này đưa lên mạng, lên sách, lên báo… thì có rất nhiều nàng si tình.
Trong khi ấy người trong cuộc là Vũ, sống trong nỗi chết vì tương tư!
Người yêu của chàng bỗng dưng bỏ kinh thành Paris ra đi biệt tích và hai tháng sau chàng nghe tin nàng đã chết ở Việt Nam.
Cái tin ấy khiến chàng rụng rời tay chân, hồn như lìa xác! Danh vọng và tình yêu đến với chàng vội vàng quá, rồi cũng bỏ chàng ra đi đột ngột quá!
Cuộc tình ấy bắt nguồn từ lần Vũ mang tập bản thảo đầu tay đến trình diện Giám Đốc nhà xuất bản Việt Pháp ở kinh thành hoa lệ BaLê và được thu nhận.
Con người quyền lực ấy là một thiếu nữ có tấm lòng thật đẹp, y như cái tên nàng mang: «Ngọc Tâm».
«Nàng» là con duy nhất của một nhà đại tư bản ViệtNam, cha mẹ đều mất sớm để lại cho nàng một gia sản kết sù.
Vốn yêu thích văn chương Việt và Pháp mà không có năng khiếu viết, Ngọc Tâm quyết thực hiện lý tưởng của mình bằng cách lập một nhà xuất bản để sưu tầm những tác phẩm có giá trị, tìm kiếm nhân tài mới, nhờ vào sự giúp đỡ của một người Pháp quen thuộc trong nghề là ông «René Blandenier».
Sau đó chàng có dịp tới lui nhà in và liên lạc thường xuyên với Ngọc Tâm. Rồi tên tuổi của chàng được nhà xuất bản, tức Ngọc Tâm, lăng-xê quãng bá rần rộ trước và sau khi tác phẩm phát hành. Bởi thế mà từ một kẻ vô danh tiểu tốt, chàng trở thành một cây bút nổi tiếng trong một sớm một chiều.
Sự thành công của chàng quá sức tưởng tượng của chàng và Vũ cũng thừa hiểu rằng nếu chàng không có may mắn gặp Ngọc Tâm có lẽ chàng đã trở thành nhân vật thực sự trong câu chuyện
«Thang Mây» của mình. Có nghĩa là bỏ mộng làm văn sĩ, sống với nghề tầm thường vá áo túi cơm!
Chính ân nghĩa to lớn đó đã nảy sinh tình yêu! Ngay từ buổi đầu gặp gỡ, chàng vốn kính phục tài trí và ngưỡng mộ nàng. Sau vì việc phát hành sách họ gặp gỡ thường xuyên, rồi tình yêu đến từ lúc nào Vũ không hay?
Chàng biết Ngọc Tâm cũng yêu mình tha thiết. Duy một điều là không bao giờ Ngọc Tâm chịu sóng bước với chàng dạo phố BaLê, hay đến chỗ đông người.
Thường thường nàng hẹn chàng ở nhà riêng. Ngôi biệt thự to lớn của cha mẹ nàng để lại ở quân 8. Có khi nàng muốn đến căn hộ (apartment) nhỏ bé của chàng mới thuê ở quận 13.
Cả hai gặp nhau thường xuyên mà tâm tình rất ít, lời yêu đương chẳng bao giờ thốt!
Vũ không dám tỏ tình vì nàng quá giàu, quá tài trí. Sự nghiệp và danh vọng của chàng đều do nàng, nên chàng có rất nhiều mặc cảm. Còn nàng thì dường như cũng có ẩn tình gì đó chưa mở miệng nói yêu chàng?
Đó là nguyên nhân tại sao bề ngoài họ như đôi tình nhân khắng khít, mà bề trong hãy còn xa cách lắm!
Nhiều lần Vũ muốn lên tiếng thẳng với Ngọc Tâm về tình yêu giữa hai người và dự định nếu nàng thú nhận yêu mình, không chê mình là hàn sĩ, chàng sẽ cưới nàng làm vợ, nhưng chàng e ngại mãi.
Một hôm Vũ quyết định thực hiện ý định của mình, nên chiều đó lúc tới nhà nàng, chàng lên tiếng ngay:
- Bữa nay anh không muốn em làm bếp. Anh chờ em thay quần áo rồi đi ra ngoài ăn với anh.
Ngọc Tâm không hoan hỉ đề nghị ấy, nhỏ nhẹ nói:
- Em đã mua sẵn thức ăn cho chúng mình. Hay là mình ở nhà ăn như mọi khi anh nhé?
Vũ cười:
- Thức ăn em cất vào tủ lạnh có sao đâu? Chúng mình đi ra ngoài ăn một lần cho vui, cũng để thay đổi không khí. Một bà Giám Đốc như em cứ phải cực khổ làm bếp, anh thật đau lòng!
- Em làm bếp đã quen rồi mà.
Vũ nài nỉ:
- Đi đi em! Đi ra ngoài ăn một lần với anh. Thật ra anh có chuyện muốn nói với em.
Ngọc Tâm vẫn khăng khăng từ chối:
- Có chuyện gì anh cũng có thể nói ở nhà mà?
- Thực tình anh không muốn chúng ta lú hú mãi trong nhà.
- Nếu vậy anh nên đi ăn bên ngoài nhé? Xin lỗi, em không thể chiều ý anh.
Giọng nàng nghe có chút hờn lẫy. Vũ thấy nàng phật ý, vội nói:
- Sao em lại nói vậy? Nếu em không muốn đi ra ngoài thì anh cũng đâu muốn đi?
Ngọc Tâm cúi mặt buồn thiu. Vũ ngồi xích lại gần nàng, nắm tay nàng ve vuốt nhè nhẹ, sắc mặt cũng dàu dàu...
Cả ngày chàng cậm cụi trong văn phòng chật hẹp, thỉnh thoảng cũng muốn dạo chơi đây đó với người yêu. Nhưng Ngọc Tâm ngoài thời gian làm việc chỉ muốn về nhà.
Dường như trên đời này không có thú vui nào cám dỗ được nàng? Vũ không hiểu tại sao nàng lại thích cuộc đời trầm lặng gần như tẻ nhạt như vậy?
Chàng thở dài. Ngọc Tâm nghe tiếng thở dài cùa chàng liền nói:
- Anh còn trẻ... Lý ra em không nên trói buộc đời anh.
Đã đến lúc Vũ không muốn đè nén những ấp ủ trong lòng nữa! Chàng nói:
- Ngọc Tâm! Dù anh không nói ra, chắc em cũng biết anh yêu em từ lâu? Anh chỉ ngại anh nghèo, tài trí tầm thường không xứng đáng với em, nên bấy lâu...
Ngọc Tâm ngắt lời chàng bằng giọng thật thểu não:
- Không! Kẻ không xứng đáng chính là em! Em xấu, em già, em không xứng đôi với anh. Đó là lý do tại sao em không muốn cùng anh sóng bước trên khắp nẻo đường. Em không muốn người ta xầm xì anh có một người tình vừa già, vừa xấu.
Vũ chưng hửng nhìn nàng…
Té ra bấy lâu nàng có mặc cảm về tuổi tác và nhan sắc mà chàng không biết! Quả thật Ngọc Tâm không đẹp, lại lớn hơn chàng 6 tuổi. Nhưng chàng yêu nàng không vì bề ngoài, nên không để ý đến hình dung và sự chênh lệch tuổi tác. Trước mắt chàng, nàng là người con gái có tấm lòng thật đẹp, có lý tưởng cao vời, có lối hành sự đặc sắc hơn người, đã khiến chàng trông thấy dung nhan tầm thường ấy thật yêu kiều mỹ lệ.
Thật ra nàng là cô gái có rất nhiều ưu điểm. Nàng cần biết điều đó để không phải tự ti mặc cảm.
Chàng mỉm cười, âu yếm nói:
- Em biết không? Em có vẻ đẹp đặc biệt hơn người, mà không cô gái nào sánh được! Anh yêu em là vì điểm khác thường đó.
Ngọc Tâm như không tin lời chàng, cười nhẹ:
- Nếu không phải vì lịch sự mà nói lời an ủi em thì anh vì quá yêu em mà có cái nhìn mù quáng, thiên vị. Hoặc giả anh chế nhạo em!
Vũ nghiêm giong:
- Không đâu! Anh nói thật lòng anh đó. Em không xấu, mà trái lại là một cô gái yêu kiều duyên dáng...
Ngọc Tâm bật cười lớn, giọng chua chát:
- Trên thế gian này nếu em được liệt vào kẻ yêu kiều duyên dáng thì có lẽ hết thảy đàn bà con gái đều trở thành giai nhân!
- Quả đúng như vậy! Trời sinh ra người nữ giống như loài hoa. Mỗi hoa hình sắc khác nhau, dù hoa dại ở đồng nội vẫn có cái đẹp riêng của nó.
Giọng Ngọc Tâm càng cay đắng hơn:
- Nhưng thảm thay em không được liệt vào hạng thứ củ hoa, mà chỉ là loài cỏ dại làm gai mắt người nhìn.
Nàng nói câu đó, nước mắt ứa ra trông thật tội nghiệp! Vũ ôm nàng vào lòng, nhỏ nhẹ bảo:
- Em không nên có nhiều mặc cảm như thế! Điều quan trọng là anh yêu em, em yêu anh. Chúng ta yêu nhau, xây dựng hạnh phúc cho nhau. Em có bằng lòng làm vợ anh không?
Không nghe nàng đáp, Vũ lập lại:
- Em có chấp nhận lời cầu hôn của anh không?
Ngọc Tâm không nhìn chàng, giọng nói đầy cảm xúc:
- Anh thật có tấm lòng quãng đại! Nhưng anh ơi! Con người văn nhã anh tuấn như anh không thể cưới một cô gái già xấu xí như em làm vợ. Dù anh không nhìn bề ngoài, nhưng xã hội quanh ta, ban bè anh, người đời... Rồi có một ngày thiên hạ đàm tiếu chê bai em. Lúc ấy anh sẽ thấy khổ sở!
Vũ lắc đầu:
- Cưới một người mình yêu, sao có thể nói khổ sở được chứ? Còn lời đàm tiếu của người đời mà đáng kể gì? Huống chi anh cưới vợ cho anh, chớ không cưới cho thiên hạ.
- Phải rồi! Nhưng trong cuộc sống của con người thường bị xã hội ràng buộc. Người ta sẽ chê cười anh, nói anh ngu si lập dị.
Vũ lắc đầu:
- Ai nói anh ngu si hay lập dị cũng được, miễn em yêu anh và không nghĩ rằng anh vì thấy em giàu mà yêu em.
Nàng cười nhẹ, mai mỉa với chính mình:
- Một người con gái xấu xí như em mà có người vì tiền dám yêu được sao? Còn anh đối với em ra sao, tất nhiên em biết. Cũng vì anh cao quí như vậy nên em thấy mình không xứng đáng. Em yêu anh và muốn anh được hãnh diện khi chung sống với em, nên em không thể nào làm vợ anh.
Nàng vụt đứng lên đi chầm chậm đến bệ cửa sổ nhìn ra ngoài trời, nói tiếp bằng giọng trầm trọng:
- Ngoại trừ em không còn là... em nữa!
Vũ châu mày nhìn nàng… Chàng quả thật không hiểu Ngọc Tâm muốn nói gì?
Chàng hỏi:
- Em nói thế nghĩa là gì?
Nàng mím môi lắc đầu:
- Không! Không có gì!
Bỗng nhiên nàng cười nhỏ, hỏi:
- Độ rày chắc anh nhận được thư nữ độc giả ái mộ gấp đôi?
- Anh có đọc và có đếm bao giờ mà biết?
- Anh không lưu ý đến họ thật sao? Nàng Mộc Lan đến văn phòng em nhiều lần thố lộ tâm tình. Nàng rất yêu anh...
Vũ không để nàng nói hết câu, nghiêm giọng bảo:
- Trên trời đất này anh chỉ yêu một người và người đó là em! Anh không để ý đến ai khác! Anh giao thiệp với Mộc Lan như bạn đồng nghiệp, chắc em cũng biết mà?
- Giữa văn nhân và thi sĩ tâm hồn rất gần gủi, dễ cảm thông, dễ si tình. Mộc Lan không những là một nhà thơ có tài, lại có nhan sắc hơn người, anh có thể vô tình trước một người đẹp tài hoa yêu anh hết lòng hết dạ sao?
- Phải! Nàng ấy đẹp, tài hoa! Nhưng tim anh đã có em ngự trị rồi. Anh không yêu ai được nữa!
Hình như Ngọc Tâm xúc động lắm khi nghe chàng nói thế. Nàng trở lại ngồi xuống ghế đối diện với chàng, giọng nói có phần nghẹn ngào:
- Em biết anh yêu em thật nhiều. Chính vì thế mà em chưa muốn kết hôn với anh. Em muốn... anh cưới một người vợ có đầy đủ điều kiện...
Bỗng dưng nàng đổi giọng vui tươi, vừa cười vừa nói:
- Chúng ta nói chuyện quá lâu rồi! Giờ nếu anh chịu ở nhà ăn với em, phải để em làm bếp chứ?
Tối đêm đó câu chuyên lòng của họ không còn giấu kín, nhưng cũng chẳng đi đến kết quả!
Mấy hôm sau Vũ không có dịp gặp lại Ngọc Tâm. Chàng cũng bận nhiều việc nên không có giờ điện thoại cho nàng.
Đến ngày thư tư trong tuần là ngày hẹn hò thường xuyên của hai người, Vũ nhận được cú điện thoại của ông René Blandenier cho hay Ngọc Tâm đã rời Paris hai hôm rồi. Nàng có việc khẩn cấp gia đình phải về Việt Nam nên ra đi bất thình lình không kịp từ giã chàng. Nàng nhờ ông báo tin dùm.
Vũ không rõ thực hư? Vì một năm qua có bao giờ chàng nghe Ngọc Tâm kể lại nàng còn thân quyến ở Việt Nam đâu? Nàng rời BaLê không một lời từ giã, gây cho chàng nhiều thắc mắc.
Chàng nghĩ:
«Gấp thế nào nàng cũng có thể điện thoại báo tin chàng trước giờ đi kia mà? Phải chăng vì đêm trước chàng tỏ tình, Ngọc Tâm không muốn tiến tới hôn nhân nên mới bỏ đi?»
Chàng nhớ lại những lời trao đổi của hai người đêm đó... Tuy nàng chưa nhận lời cầu hôn của chàng, nhưng cũng không từ chối. Nàng có nói mấy lời khó hiểu và hình như muốn giấu chàng điều gì?
Vũ có cảm tưởng như Ngọc Tâm trốn tránh mình, chớ không phải về Việt Nam thật sự!
Từ khi nghe tin Ngọc Tâm rời Paris, Vũ hoài nghi không là thật nên ngày nào cũng đến nhà Ngọc Tâm nhận chuông gọi cửa, vẫn không có nàng ra mở! Ban đêm chàng đến nhà nàng chú mắt nhìn vào, vẫn không thấy ánh đèn! Chàng điện thoại đến văn phòng nàng mỗi ngày để dọ dẫm, nhưng chỉ nghe tiếng cô thư ký ở đầu dây bên kia…
Xem thế nàng đã đi thật sự rồi! Vũ chỉ còn hy vọng nhận được thư Ngọc Tâm báo tin ngày trở lại. Nhưng một tuần, một tháng... rồi hai tháng trôi qua... Ngọc Tâm vẫn bặt vô âm tích!
Cho đến một hôm chàng nhận được điện thoại của ông René báo tin Ngọc Tâm đã chết ở ViệtNam, mà không nói trường hợp nào, nguyên do bởi đâu?
Nhà xuất bản Việt Pháp chính thức đổi Giám Đốc là René Blandenier!
Cái tin như sét đánh ngang tai ấy khiến Vũ tưởng mình chết đi phân nửa hồn xác. Chàng bỏ sở làm, ngưng sáng tác, suốt ngày lang thang trong các quán nước, nốc cà-phê đắng cho vơi tâm sự, mượn rượu đốt cháy tâm can để giải mối sầu tình!
Có hôm say lước khước, chàng ngã gục trên hè phố. Và mỗi lần như vậy chàng đều may mắn được ông René đem về nhà chăm sóc, an ủi, khuyên răn. Y như lúc nào ông cũng rình sẵn đâu đó để cứu chàng!
*
Hôm ấy là đã ba tháng kể từ ngày Vũ được tin người yêu đã chết, nỗi đau thương trong lòng chàng đã nguôi ngoai phần nào, Vũ đang ngồi ăn trưa trong quán ăn nhỏ gần nhà. Bỗng có một cô gái ăn mặc thật sang, tóc hớt ngắn, gương mặt xinh đẹp như người mẫu, bước vào. Không hiểu vô tình hay cố ý cô chọn cái bàn đối diện với bàn Vũ.
Điều khiến Vũ lưu ý đến cô ta không phải vì cô đẹp, mà vì dáng dấp cô giống hệt như Ngọc Tâm, từ vóc người mãnh khãnh, đến tướng đi, điệu ngồi… Nhất nhất mỗi cử động đều không khác người yêu của chàng tí nào cả! Nếu cô ta có chút khác biệt đó là lối ăn mặc tân thời, mái tóc ngắn và gương mặt xinh đẹp trang điểm rất hoàn mỹ.
Phút đầu Vũ chăm chú nhìn cô ta, nhưng sau đó chàng không để ý đến nữa. Con tim chàng đã có Ngọc Tâm ngự trị, thì trên đời này không cô gái nào có thể làm chàng động tâm!
Chàng ngồi ăn, sắc mặt thật ảm đạm. Thức ăn nước uống y như bị chàng tống vào bao tử để cầu no, nên lúc cho vào miệng thật vội vàng, mà khi ăn chừng như ngán ngẩm nuốt không trôi! Chốc chốc chàng vụt buông nĩa dao, ngớ ngẩn nhìn lên trần nhà như nghĩ đến điều gì… rồi buông tiếng thở dài.
Cử chỉ của chàng người bồi của quán ăn có lẽ quen thuộc lắm, nên hắn cứ để chàng mặc tình!
Thực khách phần đông là nhân viên các hãng sở gần đó. Họ ăn trưa vội vã để trở về sở làm, nên chẳng có ai có thời giờ lưu ý đến Vũ.
Riêng cô gái từ lúc vào ngồi xuống ghế, cô thầm lén liếc nhìn Vũ nhiều lần. Bất thần cô lên tiếng bằng Pháp ngữ:
- Xin lỗi ông, cho tôi mượn hủ tiêu.
Vũ giật mình đánh thót, vì giọng nói quá quen thuộc vang bên tai. Và lạ lùng hơn nữa, giọng nói ấy từ thiếu nữ ngồi trước mặt chàng mà chàng lưu ý khi nãy. Chàng ngạc nhiên đến độ sững sờ, ngồi đờ ra…
Cô gái mỉm cười với chàng, lễ phép nói lần thứ hai, cũng bằng Pháp ngữ:
- Xin ông vui lòng cho tôi mượn hủ tiêu. Bàn tôi thiếu món này.
Vũ trao chai tiêu cho thiếu nữ, tâm thần càng chấn động thêm, vì chàng vụt nhớ lại Ngọc Tâm hay rắc tiêu trước khi ăn, gần như là thói quen chớ không phải nhu cầu. Có lần nàng quen tay lấy chai tiêu rắc lên đĩa bánh ngọt mà không hay! Hôm đó cả hai cười đến ra nước mắt. Sau này để tránh «tai nạn» ấy Vũ đã phải dẹp hủ tiêu muối trên bàn ăn.
Sau khi hoàn trả chai tiêu cho Vũ và nói cám ơn, cô gái ăn uống một cách tự nhiên. Trong khi Vũ không còn là kẻ vô hồn vô tâm như lúc nãy.
Chàng chăm chú quan sát thiếu nữ...
Cô ta có đôi mắt to đen, hai mí, làm nổi gương mặt. Đôi mắt ấy đẹp một phần cũng nhờ đường vẽ trang điểm thật khéo. Còn Ngọc Tâm mắt nhỏ, một mí, lại không bao giờ vẽ. Mũi cô cao xinh, đôi má thanh thanh, làn da mịn màng. Ngọc Tâm có má bầu, mũi thô… hoàn toàn khác hẳn cô ta! Nhưng một điều hết sức kỳ dị là càng nhìn gương mặt ấy càng thấy có cái gì của Ngọc Tâm mà Vũ nhận chưa ra?
Bỗng chàng kêu trong cỗ họng:
«- Cái miệng và nụ cười!»
Phải rồi! Khi người Bồi mang đến món tráng miệng, thiếu nữ mỉm cười cám ơn, Vũ nhận ra chính cái miệng và nụ cười của cô gái là của Ngọc Tâm! Dù rằng đôi môi ấy có đường vẽ trái tim và mộng đỏ qua lớp son, nhưng hàm răng đều đặn, nụ cười thật giống!
Bắt đầu từ phút đó Vũ không còn bình tĩnh được nữa! Thiếu nữ ăn xong trả tiền rồi đứng lên đi ra cửa. Vũ cũng luýnh quýnh trả tiền nhanh bước rượt theo.
Không hiểu cô ta cố ý hay không, lúc ra đường cô đi chậm lại như chờ Vũ? Chừng khi Vũ bắt kịp cô, chàng bỗng nghe cô hỏi một câu tiếng Pháp:
- Xin lỗi, anh là người Việt Nam?
Vũ trả lời bằng tiếng Việt:
- Cô đoán đúng! Chắc cô cũng là người Việt?
Cả hai vừa đi vừa trò chuyện. Cô gái gật đầu đáp lời Vũ, rồi hỏi tiếp:
- Anh sống ở Paris lâu chưa?
- Nhiều năm rồi! Còn cô?
- Tôi từ Hoa Kỳ mới đến hai hôm thôi.
- Cô đi du lịch à?
- Không! Tôi ghi tên học về thời trang ở đây và sẽ lưu lại một năm. Anh có biết nơi đâu có phòng cho sinh viên cho thuê không?
Vũ nghĩ thầm:
«À thì ra cô gái muốn gợi chuyện làm quen với ta để hỏi thăm nhà thuê!»
Chàng làm gì có quen biết ai mà giúp cô tìm phòng?
Chàng lắc đầu đáp:
- Xin lỗi cô! Tôi rất ít giao thiệp nên không quen biết nhà nào có phòng cho thuê để giúp cô.
Cô gái mỉm cười:
- Không sao! Hàng ngày tôi có đọc báo tìm nhà. Chắc là sẽ tìm được không khó. Chỉ vì tình cờ thấy anh là người Việt nên tôi hỏi thăm, sẵn dịp làm quen luôn thể. Tôi tên Thúy Ngọc, sinh viên.
Thấy Vũ lặng thinh y như không mấy hoan hỉ làm quen với mình, cô gái chớp chớp mắt hỏi:
- Chắc anh không thích làm quen với người lạ như tôi?
Vũ ngượng nghịu đáp:
- Không! Tôi... rất ái ngại làm quen với những cô gái đẹp.
Thiếu nữ tên Thúy Ngọc cười nhỏ:
- Tôi nghĩ, chắc anh chê tôi là gái mà dám sỗ sàng làm quen với trai, phải không?
Vũ vội vàng cãi chính:
- Thời đại này trai gái làm quen trò chuyện là thường mà? Huống chi chúng ta đang sống trong xã hội Âu Mỹ? Xin lỗi, tôi chưa kip giới thiệu tên vì tôi thấy mình tầm thường quá. Tôi làm việc cho một hãng tư của người Pháp, tên tôi là Vũ.
Chính vì Vũ không muốn cô gái biết mình là nhà văn Thiên Vũ, nên mới ngần ngừ không muốn nói tên họ ra.
Từ khi Ngọc Tâm chết, chàng không thiết đến văn nghiệp. Chàng bỏ bút, mà cũng không muốn nhớ đến nghề cầm bút của mình.
Thư từ của độc giả ái mộ khắp nơi gửi đến chẳng bao giờ Vũ đọc! Thi sĩ Mộc Lan theo đuổi Vũ bấy lâu nay, cũng không khiến chàng động lòng!
Khi còn Ngọc Tâm, Vũ còn tiếp xúc hoặc thư từ qua lại với Mộc Lan như tình văn hữu. Giờ thì chàng lánh mặt nàng, cũng không liên lạc. Chàng không muốn ai nhắc đến tên tuổi mình, nhất là nhận diện ra chàng.
Bị cô gái lạ ép khai lý lịch, chàng đành phải nói tên ra. Cũng may cô ta không phải là độc giả ngưỡng mộ Vũ! Cũng có thể cô không theo dõi giới văn nghệ nên không biết đến tên tuổi của nhà văn Việt.
Cô điềm nhiên hỏi:
- À, thì ra anh làm tư chức? Bữa nay anh không đến sở sao?
- Tôi đang nghỉ thường niên hai tuần.
Thúy Ngọc bỗng cười cười:
- Tôi may mắn quá! Làm quen với anh nhầm lúc anh đang rảnh rỗi.
Giọng cười của nàng khiến Vũ chấn động tâm thần, đứng sựng lại nhìn nàng trân trối...
Dáng đi, thân người, giọng nói, tiếng cười… của Thúy Ngọc đều là của Ngọc Tâm! Nhưng nàng vẫn không phải là Ngọc Tâm! Chỉ vì lối ăn diện và gương mặt đẹp của cô ta hoàn toàn khác người yêu của chàng!
Phải chi Thúy Ngọc có hình hài tầm thường của Ngọc Tâm thì giây phút ấy chàng là người hạnh phúc nhất, vì được sóng bước bên cạnh người yêu dạo phố kinh thành hoa lệ.
Thuở trước chàng yêu Ngọc Tâm, chỉ mơ ước được cùng nàng bát phố mà vẫn không thực hiện được. Giờ bất ngờ được đi bên cạnh cô gái có ba phần Ngọc Tâm, khiến Vũ có chút bồi hồi.
Rồi không hiểu có phải vì nỗi cảm xúc tăng thêm hay không, Vũ chợt lên tiếng mời:
- Tôi ngụ không xa nơi này lắm. Nếu cô không chê chỗ ăn ở của tôi chật hẹp nghèo nàn, tôi mời cô đến căn nhà của tôi uống ly càphê.
Thúy Ngọc vui vẻ nhận lời:
- Cám ơn anh lắm lắm! À, mà anh đừng thấy tôi ăn mặc đẹp mà tưởng tôi giàu nhé? Tôi học ngành thời trang nên ăn mặc lịch sự mà không phải mất tiền mua. Tôi tự may y phục cho mình. Sự thật tôi không giàu, tôi còn là học trò mà?
Nàng cười nói tiếp:
- Ở xứ này tôi không có người quen, được anh mời về nhà uống ly cà-phê là tôi may mắn làm quen với người tốt. Cám ơn anh.
Cả hai sóng bước bên nhau trong im lặng…
Không hiểu Thúy Ngọc đang nghĩ ngợi điều gì? Phần Vũ chàng cảm nghe chút hạnh phúc len lõi vào hồn, vì mường tượng cô gái đi bên cạnh là người yêu Ngọc Tâm của mình.
Nhà Vũ là một căn hộ tầng thứ 5 của toà chung cư 12 tầng, có đầy đủ tiện nghi, phòng ngủ, phòng khách và nhà tắm, nhà bếp.
Lúc cả hai về đến nhà, Vũ lấy chìa khoá mở cửa và nói:
- Cô chịu khó đứng ngoài chờ tôi dọn dẹp sơ sơ phòng khách. Từ lâu rồi tôi bỏ bê nhà cửa, đồ đạc vứt tứ tung.
Thúy Ngọc không nghe lời chàng, bước theo vào trong, nói:
- Anh hãy để tôi phụ giúp dọn dẹp. Nếu anh coi tôi là khách quá trang trọng tôi không dám ở lại làm phiền anh đâu!
Không thể cản bước chân Thúy Ngọc, Vũ đành để cô ta vào nhà. Chàng luýnh quýnh chạy tới nhặt mấy trang báo có hình ảnh mình đem giấu vào buồng ngủ, vì sợ Thúy Ngọc nhận ra mình.
Lúc trở ra thấy Thúy Ngọc đang cầm quyển sách
Thang Mây của chàng để trên kệ sách ngấm nghía chân dung tác giả ở bìa sau. Vũ nghĩ phen này cô ta đã biết mình là ai, nên bối rối không biết sẽ phải nói gì với cô ta?
Không ngờ Thúy Ngọc cất sách lại chỗ cũ, nói:
- Tôi làm biếng đọc sách lắm, nên tên tuổi các nhà văn xưa nay tôi không biết tên biết mặt.
- Thế à? Vậy cũng tốt!
Chàng quả thật không muốn Thúy Ngọc biết mình là nhà văn Thiên Vũ, nhưng thấy nàng hời hợt không thèm lưu ý đến tác phẩm của mình, lòng nghe bất bình nhưng không nói ra.
Để che giấu nỗi khó chịu, chàng xin phép khách vào bếp pha cà-phê. Lúc trở ra bỗng thấy các thứ sách báo bừa bãi trong phòng khách được sắp xếp đâu đó gọn gàng, đúng chỗ của nó, y như cô ta đã từng nhìn qua lối bày biện trong nhà chàng?
Vũ ngạc nhiên trố mắt nhìn sững Thúy Ngọc. Cô ta tránh cái nhìn của chàng, giả vờ lau chùi kệ tủ. Bụi lất phất bay lên…
Vũ ngượng ngùng chữa thẹn:
- Mấy tháng qua tôi vì buồn khổ chán nản mà bỏ bê nhà cửa không lau chùi dọn dẹp. Mời cô tới chỗ ở như vậy thật là vô lễ thất kính. Mong cô tha lỗi cho.
Thúy Ngọc mỉm cười thân thiết:
- Thành phố này em không quen biết một ai, may mắn được làm quen với anh là người đứng đắn em thật vui mừng. Nếu anh không chê em sổ sàng, cho phép em lưu lại ít phút, giúp anh dọn dẹp nhà cửa. Đàn ông dù tài trí cách mấy việc trong nhà chắc không thể hơn đàn bà.
- Tôi vừa mới quen với cô, đâu thể nào lợi dụng cô?
- Không đâu! Đây là em tự nguyện làm mà? Huống chi hiện tại em ở khách sạn, ngoài giờ học em không phải làm gì. Đi lang thang ngoài phố một mình cũng buồn. Nếu anh cho phép mỗi chiều sau giờ học em tới đây nấu nướng dọn dẹp nhà cửa giúp anh. Nhân đó em có được chỗ nấu ăn, mà không phải hao tốn tiền bạc ngày hai buổi ăn ở nhà hàng trong thời gian chưa tìm được nhà thuê. Anh sẵn lòng giúp em chứ?
Nàng đã viện cớ như thế đương nhiên Vũ không thể từ chối. Chàng đáp:
- Nếu căn nhà lượm thượm của tôi có thể giúp được cô, tôi sẵn sàng để cô xử dụng.
Thúy Ngoc cám ơn rối rích. Sau khi uống xong cà-phê nàng giành việc mang tách dơ vào bếp lau rửa. Vũ có cảm tưởng như việc Thúy Ngọc làm quen với chàng không do một sự tình cờ? Y như ai đó đã an bày, nếu không muốn nói chính nàng?
Nhưng chàng nghĩ mãi cũng không hiểu «vì sao một cô gái đẹp như nàng nếu muốn làm quen với trai, muốn có chỗ ăn ở, hay muốn được đàn ông cung phụng… cần gì cô ta phải tìm một hàn sĩ như chàng?»
Không tìm ra nguyên nhân, Vũ đành phải tin lời Thúy Ngọc nói. Có nghĩa là vì nàng chưa thuê được nhà để có chỗ nấu ăn, nên mượn đỡ chỗ ở của chàng chớ không có hậu ý nào khác!
Và quả đúng như vậy! Ba tháng liên tiếp, hầu như mỗi chiều Thúy Ngọc đem thức ăn mua ngoài chợ đến nhà Vũ nấu nướng.
Nàng là cô gái vui vẻ đứng đắn, tính tình cỡi mở. Mỗi khi Vũ buồn nhớ Ngọc Tâm thường hay rũ nàng đi dạo phố cho khuây khỏa. Thúy Ngoc không bao giờ từ chối!
Và cũng nhờ ba tháng qua nàng làm bếp, chàng không phải đi lang thang ngoài phố mượn rượu giải sầu. Căn nhà vô trật tự đã trở lại gọn gàng sạch sẽ như xưa.
Mà ba tháng qua cũng nhờ có Thúy Ngọc tới lui trò chuyện, nỗi đau thương của Vũ chừng như đã lắng xuống, cuộc đời ổn định trở lại.
Bây giờ Thúy Ngọc cũng đã thuê được căn hộ khá đẹp, không xa chỗ Vũ ở. Họ đã là đôi bạn chí thân. Thúy Ngọc giờ đã biết chàng là nhà văn nổi tiếng Thiên Vũ.
Chàng cũng không giấu nàng về mối tình si bất tận của mình đối với Ngọc Tâm. Lạ một điều mỗi khi Vũ nhắc đến Ngọc Tâm, Thúy Ngọc làm lờ như không nghe, hoặc giả nói lãng chuyện khác.
Ngay từ đầu nàng nói nàng không biết văn giới, không thích văn chương, nhưng nàng khuyên Vũ sáng tác trở lại. Cũng nhờ sự cổ vũ của Thúy Ngọc mà tám tháng sau Vũ cho ra đời tác phẩm thứ ba:
«Trường Tương Tư».Câu chuyện này là câu chuyện thật của đời chàng, kể lại cuộc tình của chàng với Ngọc Tâm tuy yêu nhau ngắn ngủi, mà thương nhớ bất tận.
Tác phẩm này Vũ thành công dễ dàng vì chàng viết bằng tình yêu cuồng nhiệt của mình đối với Ngọc Tâm. Chàng là nhân vật thực sự trong truyện, nên sống trọn vẹn với vai trò mình. Nhờ đó tác phẩm gây xúc động tột cùng người đọc.
Thêm một lần nữa số sách bán ra ồ ạt! Nhà xuất bản Việt Pháp vô cùng hoan hỉ và ưu ái đặc biệt Vũ. Không rõ vì lợi tức thu được, hay vì liên hệ giữa cũ của Vũ với cựu Giám Đốc Ngọc Tâm thuở trước, ông René tổ chức buổi dạ tiệc khoản đãi văn giới và độc giả để ăn mừng sự thành công của nhà văn.
Buổi tiệc tối hôm đó đãi hàng trăm người tại nhà hàng khách sạn Inter-Continental rất lịch sự sang trọng. Ai nấy ăn uống no say vì nhà xuất bản hết tình chiêu đãi khách. Thiên hạ lúc nào cũng bu quanh Vũ. Bạn bè tới chúc mừng... Độc giả tỏ lòng ngưỡng mộ...
Trong khung cảnh vui vẻ ấy… không ai lưu ý Thúy Ngọc rời bàn tiệc, đi qua phòng đợi của khách sạn ngồi trên băng ghế dài y như hẹn hò chờ đợi ai đó? Ít phút sau người đến gặp nàng không ai khác mà chính là ông René Blandenier, giám Đốc hiện tại của nhà xuất bản Việt Pháp!
Cả hai ngồi chung nơi ghế dài thì thầm to nhỏ điều chi đó… y như quen biết lâu đời? Gương mặt đẹp của Thúy Ngọc hết sức âu sầu buồn bã. Gương mặt của ông René nhiều suy tư...
uộc nói chuyện kín đáo của họ kéo dài trên 10 phút. Rồi ông René đi trở lại bàn tiệc, sau khi hôn trên trán Thúy Ngọc một cái hôn hết sức từ ái.Thúy Ngọc còn ngồi lại nơi đó một lúc mới trở vào chỗ ngồi của mình.
Nàng đến dự với tính cách bạn gái của Vũ. Còn ông René là nhà xuất bản chủ tiệc. Cả hai ngồi cùng bàn, đối diện với nhau. Nếu không có điều bí ẩn, họ có thể ngồi tại chỗ trò chuyện. Nhưng ở bàn tiệc cả hai lại làm như không quen thân thiết, chỉ nói lời xã giao bề ngoài. Thật lạ lùng!
Đến khuya khách khứa ra về, Thúy Ngọc cũng theo khách về trước. Khi ấy chỉ còn lại ông René và Vũ về sau cùng. Ông René vụt vỗ vai Vũ, nói:
- Anh ở lại với tôi một tí. Tôi có điều muốn hỏi anh.
- Tôi cũng thế.
- Vậy anh nói trước đi.
- Tôi muốn hỏi thăm ông biệt thự của Ngọc Tâm hiện ông đã bán hay còn giữ?
- Tôi còn giữ. Anh muốn mua chăng?
- Không! Tôi chỉ muốn hỏi thăm ông. Nếu nhà không bán cho người khác mà, cũng không có người ở, tôi xin phép được thỉnh thoảng ghé qua đó…
Ông René ngắt lời Vũ bằng tiếng thở dài:
- Trở về đó để sống lại với dĩ vãng mãi sao? Tốt hơn anh hãy quên nàng đi!
- Tôi không thể nào quên được! Mà tôi cũng không muốn quên!
- Không có mối tình nào vĩnh cửu cả! Anh bám víu kỷ niệm với người chết làm gì? Cô bạn gái Thúy Ngọc của anh, tôi xem chừng cô rất yêu anh. Sao anh không thực tế một chút?
Vũ cúi đầu lặng thinh… Một lúc ngẩng mặt lên nói:
- Vâng, tôi sẽ cố gắng nghe theo lời khuyên của ông. Giờ tôi chỉ muốn ông cho phép tôi thỉnh thoảng ghé qua nhà Ngọc Tâm...
Ông René lắc đầu thở ra:
- Nếu anh nhất định muốn trở về đó…! Được! tôi giao chìa khóa nhà cho anh.
Vừa nói ông vừa moi xâu chìa khóa trong túi quần, lấy ra một chìa trao cho Vũ, nói thêm:
- Nhưng dù sao anh cũng nên nghe lời khuyên của tôi là quên nàng, cưới vợ, sống cuộc đời bình thường, sáng tác hăng hái.
Vũ gật đầu, sắc mặt buồn thiu. Ông René vỗ vai chàng nhè nhẹ bảo:
- Thôi chúng ta về.
- Khi nãy ông nói, có điều gì muốn nói với tôi kia mà?
- Tôi đã nói rồi! Chính là lời khuyên của tôi vừa nói đó. Tôi hy vọng anh bình tâm sáng tác và sống thực tế.
Vũ lặng im. Ông René kéo chàng đi ra cửa, nói:
- Thôi chúng ta chia tay ở đây nhé? Chúc anh ngủ ngon đêm nay.
- Vâng! Tôi cũng xin chúc ông ngủ ngon.
Trên đường về nhà, lúc xe chạy qua tòa cao ốc chỗ của Thúy Ngọc, Vũ trông thấy các phòng của nàng đèn sáng choang. Giờ ấy đã 1 giờ khuya, các phòng trong căn hộ của nàng đền đều cháy sánb. Quả là điều bất thường!
Lo sợ có điều gì xảy ra cho Thúy Ngọc, Vũ thắng gấp đậu xe bên đường, rồi phóng nhanh vào nhà lấy thang máy. Trong lòng hồi họp lo âu, chàng nhấn chuông một cách khẩn trương.
Thúy Ngọc mở cửa 1ó mặt ra thấy chàng mà không ngạc nhiên lắm, chừng như nàng đoán biết chàng sẽ tới!
Vũ hấp tấp hỏi:
- Em không có việc gì chứ?
Thúy Ngọc lắc đầu, nhường chỗ cho chàng vào nhà. Vũ thấy đồ đạc sắp xếp vào các thùng carton thì không khỏi ngạc nhiên, châu mày hỏi:
- Em định dọn nhà sao?
- Ngày mai em trở về Mỹ.
- Sao em đi thình lình vậy? Chẳng phải em đã từng nói với anh, em rất thích sống ở thành phố này sao?
Thúy Ngọc nhìn thẳng vào mắt chàng, nói:
- Phải! Em đã từng nói em thích sống ở đây. Nhưng tốt hơn em nên lìa thành phố này.
- Vì sao?
- Vì chính anh không thích em ở lại.
Nói xong câu ấy nàng ngoe nguẫy đi vào phòng ngủ, tuôn quần áo trong tủ ra sấp vào va-li. Vũ luýnh quýnh giật mớ y phục trên tay nàng treo lại vào tủ, nói giọng khẩn cầu:
- Em! Đừng bỏ anh đi! Anh van em!
Nàng nhìn chàng bằng ánh mắt hờn lẫy:
- Vì sao anh muốn em ở lại?
- Vì... anh cần em! Anh muốn cưới em…
Không hiểu là mỉa mai hay trêu ghẹo, Thúy Ngọc cười lớn:
- Anh muốn cưới em là vì em có nhiều điểm giống Ngọc Tâm của anh chớ gì?
Vũ không đáp, quàng tay ôm nàng vào lòng, hôn nhẹ trên tóc. Thúy Ngọc ngước mắt lên nhìn chàng thật sâu, nhẹ nói:
- Hãy quên Ngọc Tâm đi anh! Yêu em anh!
Vũ vẫn lặng câm với cái nhìn đờ đẫn... Thúy Ngọc vụt nhắm mắt lại, đôi môi he hé đợi chờ...
Men rượu của buổi tiệc còn chứa chất trong người, Vũ không nhớ mình đã làm gì?
Chỉ biết rằng khi chàng tỉnh rượu thấy mình nằm trên giường ngủ trong phòng Thúy Ngọc. Nàng không có nơi đó, trên gối bên cạnh có mấy dòng chữ nguệch ngoạc viết tháo trên tờ giây trắng:
«Đêm vừa qua em đã là vợ anh. Em sẽ trở về với anh khi nào anh quên hẳn người tình cũ, vì em không chịu đựng được lúc yêu em anh gọi mãi cái tên Ngọc Tâm. Tạm thời em còn ở thành phố này, nhưng anh không cần tìm hiểu em ở đâu. Ngày nào em biết anh thật sự quên dĩ vãng, tức khắc em sẽ xuất đầu lộ diện. Căn hộ này sẽ có người tới dọn trong nay mai. Anh cứ khóa cửa và bỏ chìa khóa nhà vào tủ hộp thư là được. Yêu anh. Thúy Ngọc».Bức thư của Thúy Ngọc khiến Vũ tỉnh hẳn, phóng xuống giường, mặc nhanh quần áo. Chàng chạy ra phòng khách như muốn níu giữ nàng lại.
Mấy va-li hành lý của nàng soạn tối qua không còn nữa! Nàng đã đi thật sự rồi! Vũ gọi lớn:
- Thúy Ngọc, em hiện ở đâu?
Căn nhà vô chủ im lìm không có tiếng hồi đáp, song ngoài đường tiếng xe chạy ì ầm. Vũ ngồi đờ trên ghế bành trong phòng khách, một lúc thở dài đứng lên bước ra cửa, khóa cửa căn hộ lại, rồi lấy thang máy xuống lầu bỏ chìa khóa vào tủ thơ...
Mọi cử động của chàng y như người bằng máy!
Chân bước ra đường tới chỗ đậu xe, chàng lên xe ngồi thừ trước tay lái, chẳng biết mình phải làm gì, đi đâu?
Giờ ấy trên đường phố người người qua lại, mà Vũ hình như không trông thấy người? Bất chợt đôi mắt chàng nhìn thấy kim đồng hồ trong xe chỉ 10 giờ, chàng mới giật mình biết là ban ngày, là giờ phải ở sở làm việc.
Bỗng chàng sực nhớ hiện chàng đang nghỉ phép. Giờ này nếu chàng không đi lang thang ngoài phố thì chỉ ở nhà năm lì một chỗ. Bữa nay tâm trạng thẫn thờ, đầu óc rối loạn, chàng cũng chẳng biết đi đâu nên quyết định về nhà.
Chỗ ở chàng không xa chỗ ở của Thúy Ngọc, xe chạy chưa tới 5 phút đã đến nơi. Xe vào bãi đậu, Vũ xuống xe bước đi vài bước bỗng quay trở lại lên xe rồ máy vọt đi.
Chàng đổi ý không muốn về nhà, vì trong lòng nghe ray rức khó chịu khi nhớ lại những gì xảy ra đêm qua...
Chàng nhớ mình cùng Ngọc Tâm đang say sưa ân ái... Chàng thì thầm gọi nhỏ tên nàng, bỗng nhận ra Thúy Ngọc trong vòng tay mình chớ không phải Ngọc Tâm, nên buông nàng ra. Nỗi tuyệt vọng làm hồn chàng tê dại, thể xác rã rời... Rồi chàng thiếp đi, bên tai dường như có tiếng khóc thút thít của Thúy Ngọc?
Quả đúng như vậy! Thì ra Thúy Ngọc trong vòng tay chàng đêm qua, mà chàng cứ ngỡ là Ngọc Tâm, khiến nàng đau khổ bỏ đi.
Chàng thật có lỗi với Thúy Ngọc! Từ đây dù quên được Ngọc Tâm hay không chàng phải có trách nhiệm với cuộc đời Thúy Ngọc. Chàng phải tìm kiếm nàng để tạ tội và tính viêc hôn nhân.
Nhưng biết Thúy Ngọc ở đâu mà tìm? Nàng đã nói rõ trong thư:
«Ngày nào anh quên được người tình cũ, em tức khắc sẽ xuất đầu 1ộ diện».Quên Ngoc Tâm ư? Có lẽ suốt đời chàng không thể quên nàng!
Nhưng chàng phải tìm Thúy Ngọc, xin nàng tha thứ. Thúy Ngọc còn ở lại thành phố này, nếu chàng cố tâm tìm kiếm ắt sẽ gặp.
Xe chạy phon phon trên đường với tay lái bất định một lúc dừng trước toà biệt thự vô cùng quen thuộc. Vũ giật mình không hiểu sao mình lại đến chỗ này?
Chàng đi tìm Thúy Ngọc chớ nào phải Ngọc Tâm mà đến biệt thự đó? Hoá ra tim óc chàng lúc nào cũng nghĩ đến Ngọc Tâm, nên bất cứ làm điều gì chàng cũng hướng về nàng mà không hay!
Chàng ngồi trên xe nhìn ngôi biệt thự của Ngọc Tâm với nỗi buồn mênh mang vô tận… bỗng sực nhớ tối qua ông René có đưa chìa khóa nhà này cho chàng. Giờ vô tình đến đây Vũ cũng muốn vào trong một lúc để hồi nhớ kỷ niệm với người yêu đã chết.
Chàng xuống xe đi đến cổng rào, vừa cho tay vào túi quần để lấy xâu chìa khóa, chợt thấy cổng không khóa. Chàng xô cửa rào đi vào sân, mà trong bụng không khỏi ngạc nhiên không hiểu kẻ nào đã đến đây? Chẳng lẽ là kẻ trộm?
Ý nghĩ ấy khiến Vũ phóng nhanh tới trước cửa nhà. Cửa nhà cũng không khóa! Cửa mở he hé… chứng tỏ hiện tại có người đang ở bên trong?
Chàng đứng yên bên ngoài cửa, lắng nghe động tĩnh... Hình như có tiếng khóc thút thít của người con gái? Rồi có tiếng một người đàn ông vang bên tai chàng:
- Tôi xin cô, đừng khóc nữa! Lúc trước tôi đã khuyên cô không nên làm thế, vì khi người ấy yêu cô, tức là yêu con người cô như thế đó. Cô thay đổi hình hài khác, tức nhiên cô không phải là người anh ta yêu. Giờ việc đã như vậy rồi, cô nên bình tĩnh tìm cách giải quyết.
Câu nói ấy bằng tiếng Pháp, giọng nói nghe quen tai mà nhất thời Vũ không nhớ là ai? Câu khuyên nhủ của ông ta với cô gái kia là ý gì? Ngôi nhà này của Ngọc Tâm, vì sao họ lại đến đây?
Bao câu hỏi vang lên trong đầu khiến Vũ muốn xô cửa bước vào trong gặp họ cho rõ sự tình. Chợt chàng nghe giọng nói của cô gái bằng tiếng Pháp:
- Tôi thật không ngờ anh ấy yêu tôi sâu đậm như thế! Bây giờ tôi không biết phải làm thế nào để anh ấy quên hẳn dĩ vãng, yêu con người tôi hiện tại? Ông nói đi! Tôi phải làm gì?
Tiếng nói của cô gái khiến Vũ chấn động tâm thần, vì rõ rằng là giọng nói của Ngọc Tâm! Vũ kêu trong cỗ họng:
«- Trời ơi, chẳng lẽ nàng còn sống?»
Không chần chờ, Vũ xô cửa chạy vào...
Nơi chiếc ghế dài trong phòng khách, trước mắt Vũ là Thúy Ngọc đang lấy khăn thấm nước mặt! Người đàn ông ngồi bên cạnh nàng, mà giọng nói Vũ nghe quen, chính là ông René!
Ông đang ôm vai Thuý Ngọc, ra chiều thân ái dỗ dành:
- Cô đừng khóc nữa! Chỉ cần nói ra tất cả sự thật thì mọi sự sẽ giải quyết êm đẹp được mà.
Vũ không để tâm nghe ông René nói gì, vì quá vui mừng tìm gặp Thúy Ngọc. Mà cũng vì chàng hết sức thắc mắc không hiểu vì sao nàng có mặt trong ngôi nhà của Ngọc Tâm và ông René sao lại thân thiết với nàng?
Chàng đứng sững nhìn hai người họ với ánh mắt lạ lùng ngạc nhiên, môi miệng không thốt ra lời.
Ông René và Thúy Ngọc nghe tiếng động phía cửa cũng giật mình nhìn ra... Và khi trông thấy Vũ đứng đờ đẫn trước mặt họ, cả hai cùng đứng lên…
Có lẽ ông René không ngạc nhiên lắm về sự xuất hiện đột ngột của Vũ. Ông mỉm cười đưa tay ra dấu bảo chàng đến gần, cùng với câu nói:
- Anh bạn Vũ! Anh tới đây! Tới đây nhìn kỹ cô ấy.
Vũ bước tới như cái máy... Thúy Ngọc đứng yên lặng nhìn chàng với đôi mắt ướt lệ...
Vũ xúc động lên tiếng từ xa:
- Thúy Ngọc! Tha lỗi cho anh!
Ông René vụt cười lớn:
- Anh bạn của tôi! Nàng chính là Ngọc Tâm đó. Anh hãy nhìn kỹ lại coi.
Vũ nhìn ông René bằng ánh mắt ngơ ngác, không tin lời ông nói. Ông René nghiêm giọng:
- Anh không tin lời nói của tôi à? Ngọc Tâm vì quá yêu anh mà sang Nhật ba tháng, chịu nhiều cuộc giải phẫu để cãi sửa nhan sắc trở thành Thúy Ngọc. Nàng lầm tưởng rằng khi trở thành mỹ nhân, anh có thể yêu nàng nhiều hơn. Nhưng nàng và cả tôi cũng không ngờ là anh mãi mãi yêu người tình cũ Ngọc Tâm. Giơ đây mọi sự rõ ràng. Tôi mong anh đừng có thái độ phụ phàng với Thuý Ngọc.
Vũ đứng yên như tượng đá…
Tai chàng nghe rõ từng lời từng tiếng của ông René. Mắt chàng trân trối nhìn Thúy Ngọc...
«Ngọc Tâm còn sống! Nàng là Thúy Ngọc trước mắt…»
Thật là một tin vạn hỉ!
Ngọc Tâm không chết! Nàng trở thành cô gái đẹp Thúy Ngọc mà chàng đã giao tình! Còn hạnh phúc nào hơn? Chàng bước tới quàng tay ôm nàng, gọi sẽ:
- Em!
Chàng không còn lời gì để nói thêm! Nước mắt ứa ra...
Những cảm xúc trong lòng chàng hiện hữu Vũ không hiểu là vì vui mừng gặp lại người yêu đã chết? Hay vì Ngọc Tâm đã trở thành Thúy Ngọc, thì vĩnh viễn trong đời chàng ôm mối tương tư với người con gái không còn tồn tại nữa?