hanh rảo bước trên những bờ ruộng gồ ghề để đi vào làng. Lũ học trò khép nép lùi lại phía sau. Một làn mưa bụi phủ trắng xóa cánh đồng heo hút. Xa xa rặng tre cằn cỗi dưới cơn gió bấc lạnh lùng càng phô rõ những nét thê lương của một ngày cuối năm.
Người dân quân gác cổng làng thấy Thanh đi tới đứng nghiêm chào và hỏi:
- Hôm nay ông gíao cho các em nghỉ ăn Tết rồi chứ?
Thanh tươi cười gật đầu đáp lại anh ta. Trên một vài mái tranh, mơ hồ làn khói lam nhẹ mỏng của bữa cơm chiều. Đường làng, mấy bác nông dân quần xắn cao trên đầu gối, thong thả dắt trâu ở đồng về. Những tiếng chào thân mật:
- Ông giáo hôm nay về sớm!
- Ông giáo cho các cháu nghỉ ăn Tết rồi chứ?
Cảm tình với Thanh đầy rẫy trong những tâm hồn thôn dã này, cho nên với ai ai, Thanh cũng dọn một nụ cười dễ dãi để đáp lại.
Thanh vừa về đến cổng nhà, thằng Hẩy đang vo gạo dưới ao, reo lên:
-  Thưa ông,vừa rồi có mấy ông giáo bên Hiệp sang chơi không gặp ông lại về. Các ông ấy có dặn trưa mồng Một,mời ông lên Huyện dự cuộc mít-tinh đầu năm của giáo giới.
Thanh mỉm cười ra giếng múc gầu nước rửa chân.
Bà Bá đang ngồi nhà trên, trông thấy anh vội nói chõ xuống:
- Ông giáo ơi, ông đánh chết thằng Xung, thằng Sướng cho tôi. Ai lại chiều nay nó dám trốn học nghỉ ở nhà, nói là ông đã cho nghỉ Tết rồi.   
Thanh lại phải quay lại:
- Vâng, cụ để cháu phạt. Bậy bạ thế thì thôi, phải học nốt chiều nay mới được nghỉ, thế mà các cậu ấy dám trốn trước một ngày.
Thanh nói vậy để bắt chợt cái cười mủm mỉm của cô Nguyện. Cô Nguyện là con gái cụ Bá có nước da trắng hồng, có đôi mắt lúng liếng, có cái nốt ruồi con nơi góc cằm bên trái. Mỗi lần nghe thấy mẹ kể tội em, và Thanh đe bắt phạt, là Nguyện lại tủm tỉm. Nàng thừa hiểu rằng “ông giáo Thanh ấy hiền lắm “ chẳng khi nào “đánh học trò”, nhưng có lỗi gì chỉ cần mách thế cũng đủ khiến chúng sợ rồi.
Ngoài sân, mấy người làm đang giã chầy thình thịch xuống chiếc cối giã giò. Cái Tâm đang hí húi đem mấy cái mâm, cái đỉnh ra sân đánh bóng lại. U Thái đang giơ cao cành đào mua ở chợ Huyện về, và khoe rằng vừa rẻ vừa đẹp đúng mùng một Tết thì hoa sẽ nở bung đẹp lắm. Bác cu Tạo đang sắn cao tay áo, chọc tiết con lợn đang trói chặt trên chiếc chõng tre kêu eng éc. Thằng Xung, thằng Sướng, đứng bên cạnh để tranh phần cái bong bóng. Chợt thấy Thanh đi tới,chúng ù té chạy để lại những chuỗi cười ròn tan của đám người nhà.
Sự tấp nập của gia đình này càng khiến Thanh thấy cảm thấy nỗi buồn riêng. Anh đẩy mạnh cửa buồng và nằm vật mình trên chiếc giường gỗ mun. Cái ý nghĩ sầu hoài một Kinh thành lìa bỏ khiến Thanh cảm thấy lạc lõng với hiện tại quanh đây, tuy anh đã may mắn hơn mấy ông giáo làng bên được làm “gia sư” cho gia đình ông Bá Vân này, nhà ngói cây mít, ruộng cả ao sâu. Một căn buồng khang trang khá rộng có cửa sổ mở ra một khu vườn trĩu đầy hoa quả, có tia nắng vàng buổi sớm, có những cánh bướm chập chờn trên mấy khóm hoa, có tiếng chim hót lảnh lót vui tai trên cành xoan, cành bưởi. Cuộc sống thời ly loạn cũng đầy đủ tạm yên, nhất là hàng ngày căn buồng này và cơm nước hai bữa thường được đôi tay khéo léo của cô Nguyện kín đáo chăm sóc tỉ mỉ và ngon lành.
Những ngày cuối năm bên sự vui vẻ rộn rịp của gia đình Nguyện sửa soạn đón Xuân, Thanh càng cảm thấy mình lẻ loi.
Anh nhớ lại những cái Tết thanh bình trên phố phường Hà Nội, anh đang cùng mấy người bạn trai, gọn gàng và duyên dáng trong những bộ quần áo rét đắt tiền, đi dọc suốt các phố Hàng Ngang, Hàng Đào để ngắm nhìn các cô thiếu nữ tươi như hoa  và rộn ràng đủ màu sắc, say sưa đi sắm Tết. Anh thèm thuồng nhớ đến cái thú chen chúc đi mua hoa ở chợ Đồng Xuân lất phất mấy hạt mưa bụi phủ trên vai.
Xuân năm ngoái – một mùa xuân tưng bừng nhất của những ngày khởi nghĩa- anh và Mai Chi cùng đi mua hoa – Vì Mai Chi đã mua nhiều thứ quá: nào mứt, nào hạt bí, nào cam lại thêm mấy tờ tranh Tết nên khi mua được cành đào cao lênh khênh, Mai Chi phải nhờ Thanh đỡ hộ. Mà Thanh thì từ trước đến nay có quen khuân vác gì đâu, cứ lóng nga lóng ngóng, len lỏi trong đám đông thế nào mà Thanh làm rụng mấy cánh đào rơi lả tả trông thật tiếc. Thế là Mai Chi phụng phịu hờn dỗi.
-  Anh Thanh làm rụng bao nhiêu hoa. Mai Chi chẳng nhờ cậy gì được ở anh cả.
Thanh cũng thấy bực mình:
- Khốn nhưng “cô” bắt “tôi” phải ôm cành đào to thế này, “cô” không thấy sao. Thôi, nếu rụng nhiều để “tôi” mua đền “cô” cành khác.
Thế là Mai Chi rơm rớm nước mắt:
- Thôi, nếu khó anh Thanh đưa đây cho Mai Chi vậy. Chi biết chỉ khi nào đi với các “cô ấy”, anh Thanh mới nhiệt tình giúp đỡ mà thôi.
Thấy Mai Chi sắp giận, Thanh lại phải làm lành và xin lỗi ngay.Khổ quá, Mai Chi hãy còn trẻ con lắm hay dỗi, hay phụng phịu rất khó chiều. Chẳng biết ai đúng ai sai nhưng bao giờ Thanh cũng phải là người xin lỗi và làm lành.
Rồi sáng mồng một đầu năm Thanh quên sao được cái bàn phủ khăn trắng toát, trên đặt một cái bát thủy tiên thanh tao trang nhã, anh cùng các bạn ngồi cắn hạt dưa và dõi theo làn khói thuốc lá thơm cùng ôn lại những mẩu chuyện bay bướm năm qua. Buổi trưa, khi vài sợi nắng mỏng làm hoe hoe mặt đường, cả bọn rủ nhau đi ngả nghiêng trong mấy rạp chiếu bóng hay dạo qua các phố vắng vẻ để ngắm những xác pháo đỏ thắm phủ đầy mật đường bên những cánh cửa khép hờ thấp thoáng bên trong mấy sợi tóc mây óng ả xen rộn tiếng cười tin cậy ròn tan… Những tâm hồn chưa hề biết một mùa xuân tê tái.
Thanh càng nao nao nhớ cái cảnh dâng nhang ở đền Ngọc Sơn, nơi e ấp bao điều mơ ước, bao giấc mộng lành. Thanh nhớ cái bóng nước xanh mát Hồ Gươm khẽ gợn rung rinh những tà áo nhịp nhàng uyển chuyển của các cô gái đi hái lộc cầu duyên. Tết năm đó, Thanh đã dẫn Mai Chi đi trên cầu Thê Húc vào bên trong đền. Ông thầy bói mù ngồi ở đầu cầu phía trong sau khi đốt mấy thẻ hương ngào ngạt miệng lâm râm khấn, tay thì soát mấy đồng tiền kẽm xấp ngửa vừa gieo trên chiếc đĩa đã quả quyết nói rằng:
- Thế nào sang năm cô cũng lấy chồng. Số này dạy: Chồng cô là một nhà thơ, nghèo thôi,nhưng mà yêu cô lắm, chiều cô lắm…
Đủ khiến Mai Chi đỏ mặt nhìn anh.Nhưng mà thôi, Thanh nghĩ lại, khe khẽ thở dài
Cuộc chém giết một năm sau – do những kẻ cố tình đi ngược bánh xe lịch sử chưa thôi giấc mộng xâm lăng- đã làm nhào đổ bao dự định tốt đẹp của chàng trai. Hòa theo đám đông ra khỏi kinh thành, Thanh bắt đầu những ngày phiêu dạt.Những người thân thích vắng hết. Người mẹ già và hai em nhỏ về trước bên quê ngoại. nhưng rồi chiến sự lan tới một ngày 27 cuối năm đã phải chạy lên vùng Chợ Trâu ( Phủ Khoái) có đông họ hàng, anh tạm yên tâm. Còn Mai Chi nghe đâu cũng theo gia đình lên mạn phố Cò ( Thái Nguyên). Thanh bùi ngùi ghi trên sổ tay “ Muỗi rừng xanh, nước rụng lông chân với chứng bệnh sốt rét vàng người không biết Mai Chi của anh có phải trong số ấy không?” Trời ơi! Thanh không còn dám viết tiếp …
Những ngày nặng nhọc kéo dài và Thanh được tin nhiều người đã “dinh tê “( rentrer –tiếng Pháp)về Hà Nội- Hà Nội bây giờ đông lắm,gấp hai ba khi trước, đêm đêm ánh điện sáng trưng, các cô gái thì cứ ngời ngợi nõn nà như tiên. Và rồi “Mai Chi một tuổi thơ” của anh cũng đã trở về theo tiếng gọi của ánh đèn và màu áo, nghĩa là buồn thay,Mai Chi về để sửa soạn lễ cưới linh đình với một người đàn ông khác không cần phải biết làm thơ ( như ông thày bói mù quả quyết) nhưng lắm tiền, nhiều của, có cửa hiệu đồng hồ to tướng ở giữa phố Hàng Trống- Phải lắm, công bình một chút mà xét thì cũng không nên trách. Thanh thì cứ mù mịt mãi ở đây, còn Mai Chi thì cũng phải nghĩ đến cái tuổi trẻ nhất thì của mình chứ.
Còn Thanh, theo sự lan tràn của những đám cháy,cứ lang bạt ở hết thôn ổ nay đến khóm tre khác. Tấm áo đã nhiều chỗ phải vá víu, đôi giầy vẹt gót,há mõm phải nhờ một thợ giầy phố huyện khâu kín lại, và rồi số phận an bài đã dắt anh tới cái làng quê yên tĩnh này, bên cạnh cái bến Hiệp ngày đêm rì rào sóng vỗ. Lần đầu tiên trong đời anh đột nhiên trở thành “ông giáo”( điều anh chưa hề nghĩ tới trong những ước mơ của tuổi hoa niên).Hơn sáu chục con người vừa lớn vừa bé, đủ các trình độ, đủ các lứa tuổi, đủ các cỡ người và đủ các cái tên gọi vừa văn vẻ thơ mộng như hoa như bướm, vừa dân dã trần trụi củ sắn củ khoai.
Sự niềm nở của gia đình cụ Bá với nụ cười tươi như hoa hàm tiếu của cô Nguyện chỉ làm Thanh thấy dìu dịu phần nào tâm sự trống trải chứ không thể quên được cái sầu ly hương.
Cánh cửa buồng khẽ mở, thằng Hẩy bưng mâm cơm đậy chiếc lồng bàn vào:
- Ông giáo ơi, mời ông dậy xơi cơm.
Nhìn mâm cơm ngào ngạt tinh khiết với những món ăn thôn dã mà anh ưa thích ( bát canh riêu cua, mấy khoanh đậu rán ròn tan, đĩa chả xương xông thơm phức thêm đĩa thịt gà luộc có rắc mấy sợi lá chanh mỏng tang) do bàn tay ý nhị của cô Nguyện chế biến. Giá như mọi khi, Thanh đã ngồi vào mâm ngay. Nhưng lúc này, đang có tâm sự riêng Thanh bỗng buông một câu nói sẵng không có chủ định:
- Thôi cất đi, không ăn đâu  .
Thằng Hẩy len lét bưng mâm cơm lủi xuống sân, anh nghe tiếp theo là tiếng nó trả lời Nguyện: “ Ông giáo bảo là cất đi không ăn”. Và tiếng Nguyện lo lắng:
- Mày thử hỏi xem, hay là ông ấy mệt.Nếu vậy nấu ít cháo cá ông ấy xơi vậy. Chắc hẳn sáng nay mưa to, ông ấy đến trường bị mưa ướt cảm lạnh đây…
*
Thanh vừa gấp trang sách đã nghe tiếng người hỏi ngoài sân:
- Ông giáo có nhà không?
Và tiếng thằng Hẩy: “ Có, ông ấy ở trong buồng “.
Bức màn khẽ vén lên, bác Nhiêu Tích khệ nệ ôm cái lồng con đựng đôi chim câu bước vào :
- Thưa ông Giáo, nhân ngày Tết nhất, chúng tôi có cháu học ông, gọi là có chút quà, mong ông Giáo vui lòng nhận cho!
Giá như năm ngoái thì Thanh đã sửng sốt với những câu chuyện tết nhất này. Nhưng một năm qua, anh đã quen với phong tục ở thôn quê, vốn rất coi trọng đạo lý thầy trò “ nhất tự vi sư”, hơn nữa vùng đất này nghe đâu xa xưa cũng đã từng sản sinh ra nhiều Bảng nhãn, Thám hoa.. Do đó Thanh chỉ từ chối lấy lệ bởi vì nếu không nhận cũng không được – người dân quê hiền lành chất phác sẽ thấy ân hận không vui nếu mang đi lại phải mang về.
Bác Nhiêu Tích vừa đi thì cụ Đồ Nhu đến cùng với thằng Dần trịnh trọng đội trên đầu một cái quả nhỏ. Cụ Đồ hạ xuống, trong có 5 gói chè tầu, và 5 gói thuốc lá. Cũng lại một lập luận như trên, nhân ngày tết nhất có chút quà để biếu ông giáo.
Rồi đến chi Phó Lầm đến người không – chị khép nép dứng bên bàn Thanh mặc dầu đã mấy lần anh giục chị ta ngồi. Chị lần ruột tượng lấy ra một tờ giấy năm chục, cẩn thận đặt vào chiếc đĩa thân hành mang từ nhà đi rồi đặt lên bàn trước mặt Thanh. Tự nhiên Thanh cảm thấy mặt nóng bừng. Anh đẩy trả cái đĩa:
- Chết chị thu về.Chị làm thế này không tiện, tôi không bằng lòng đâu.
Thì giọng người đàn bà thiết tha:
- Chúng cháu cũng biết là làm thế này, ông Giáo không bằng lòng,nhưng chúng cháu đàn bà quê mùa, không biết mua gì để Tết ông Giáo. Thuốc lá với chè tầu thì ông Giáo đã có nhiều rồi,nên “cháu nó” cứ giục phải đem thế này để tùy ông muốn mua gì thì mua. Chẳng lẽ với bao nhiêu người khác, ông đã vui lòng nhận,đến chúng cháu đây, ông lại chê không nhận hay sao?
Chị ta đã khôn khéo nói thế để ngăn trước mọi sự từ chối ồn ào của Thanh. Anh rưng rưng cảm động. Cái cảnh nghèo túng của mẹ con chị Phó Lầm ở xóm này ai còn lạ gì. Thường là bữa sáng lo bữa tối, cái Hiền sau giờ học vẫn phải đi mò cua bắt ốc thêm và có hôm nó phải nghỉ cả buổi học để làm cái công việc mò mẫm có lẽ còn cần thiết hơn.Vậy mà, người đàn bà này có lẽ đã phải khó nhọc lắm mới lo đủ tờ giấy năm chục này để không muốn thấy mình lỗi đạo với ông thầy. Từ chối e làm cho chị ta tủi, Thanh đành nhận, nhưng định bụng sẽ dùng số tiền này mua giấy bút cho cái Hiền, như thế sẽ kín đáo hơn. Chưa hết, ngày hôm sau anh Nhiêu Bảo lon ton đi vào, giấu một cái gì sau vạt áo dài. À, thì ra một chai rượu ngang, anh cất công đem đến gọi là “rượu nhà nấu nguyên chất gạo nếp”các ông trên huyện vẫn hay về lấy mỗi khi có liên hoan.Rồi đến hai anh em thằng Cối, thằng Pháo với mấy chục quả cam vỏ đỏ chót- bà Hai Bành “văn minh” hơn cả với một cân mứt sen đầy đặn, mà bà hẳn đã phải mất công nhờ người mua ở phố Huyện. Cụ Ký Tân nhũn nhặn hơn cả  ngoài mấy bao chè Tầu gửi kèm theo cho Thanh đôi câu đối nét chữ mực Tầu óng ả tươi nhánh trên hai mảnh giấy hồng điều:
“ Vui câu đèn sách, thầy răn trẻ
Đón hội thanh bình, đất nở hoa “
Cho đến chiều ngày 30 căn buồng của Thanh đã bừa bộn những quà Tết. Đưa mắt ngắm, anh không khỏi có một ý nghĩ trào lộng.
Thời loạn lạc lắm cái bất ngờ! Đang là một anh con trai tếu táo của cái đất Hà Nội, tự nhiên biến thành ông gia sư đạo mạo của cái làng này. Lòng Thanh vẫn còn là những sớm, những chiều bâng khuâng vì một cơn gió heo may xào xạc, một sắc trời Thu bảng lảng nhưng ở xóm quê này, khung cảnh này anh đã tự phải khoác cho mình một bộ mặt khô khan nghiêm chỉnh, đó là điều anh hoàn toàn chẳng muốn tí nào mong được sự cảm thông.
*
Sáng mùng một, sau khi rửa mặt tỉnh táo trong thau nước nóng ướp lá mùi, Thanh muốn gây lại cái không khí trịnh trọng của ngày đầu năm. Anh lấy trong ba-lô bộ “com-lê”may mắn còn lại đem ra mặc. Ngắm trong chiếc gương con, anh nắn đi nắn lại mãi mới thật ưng ý về chiếc ca-vát.Mấy năm tản cư quen với sự ăn mặc xuyềnh xoàng, bữa nay Thanh cảm thấy lòng hân hoan, khi cảm thấy mình như trẻ, đẹp hẳn lên. Tuy không bao giờ biết ăn trầu, nhưng sáng hôm ấy Thanh cũng nếm thử một miếng. Anh thèm cái mầu đỏ tươi thắm trên đôi môi các cô thôn nữ làng này, nhất là cô Nguyện.
Thanh lên nhà trên. Cụ ông đã ra đình họp mặt trận Liên-Việt bàn về kế hoạch:”Chống giặc dốt cũng như chống giặc ngoại xâm”. Cụ bà đương lúi húi thắp hương trên bàn thờ, Thanh nhanh nhảu:
- Đầu năm mới,cháu xin chúc hai cụ vạn thọ khang ninh, làm ăn tấn tới bằng trăm bằng nghìn năm ngoái.
Bà Bá cũng nhanh nhảu chúc lại:
- Chúng tôi cũng xin chúc ông Giáo đông học trò, khỏe mạnh vui vẻ đón ngày Kháng chiến thành công.
Bà Bá rót rượu và mở hộp mứt mời Thanh. Nhấm nháp vài hớp Thanh thấy lòng say say. Anh khẽ đưa mắt sang buồng bên qua bức mành; thấp thoáng hình Nguyện đang thay quần áo mới cho mấy đứa em. Nguyện mặc chiếc áo lương, cái quần lĩnh bóng có giải thắt lưng điều. Má Nguyện đỏ hồng hồng hơn cả những khi gội nắng ở đồng về. Tự nhiên thấy má Nguyện đỏ hồng, Thanh chợt nhớ đến Mai Chi một sáng xuân nào anh chuốc rượu say, má Chi cũng đỏ hồng hồng như thế.
Thanh thừa hiểu hôm nay cô Nguyện “làm đỏm-xinh tệ”vì chiều sẽ có Vinh đến. Vinh là chồng chưa cưới của Nguyện, con cụ Cửu Hội ở làng trên, đã Sêu - Tết gần ba năm nay định ra giêng này sẽ cưới. Anh con trai cũng khí khái lắm,kỳ thi tháng sáu vừa qua đã đỗ xong cái bằng Bổ túc nên đến tháng xuân này, anh muốn “đại đăng khoa” rồi phải nghĩ đến cái “tiểu đăng khoa”.Tuy vậy, cô gái quê vẫn thẹn thùng khi nghe nói đến chuyện vợ chồng, cho nên mỗi bận Vinh đến chơi là Nguyện hay tìm cách lảng tránh hoặc chỉ ngồi trong buồng không ra.
Chúc Tết cụ Bá và vài gia đình học sinh xong, vừa về đến buồng chưa kịp nghỉ lâu Thanh đã thấy từ ngoài sân tiến vào một xâu dài đám học trò của anh. Dễ chừng đến hơn bốn mươi đứa đủ cả giai lẫn gái. Mặt mũi chúng trông sáng sủa, sạch sẽ hơn trong năm. Đứa nào cũng mặc quần áo mới, có đứa khi cử động còn nghe tiếng sột soạt nguyên nếp hồ chúc bâu. Hình như bữa nay, đứa nào cũng ngoan ngoãn hẳn lại. Đứt dây từ trên giời rơi xuống như thằng Sử, thằng Thẩm mà lúc ấy điệu bộ cũng hiền lành lễ phép tệ. Chúng ùn ùn kéo vào làm chật cả gian buồng:
- Lậy thầy ạ!
- Lậy thầy ạ!
- Lậy thầy ạ!
Thanh trỏ chiếc tràng kỷ dài.
- Các em ngồi xuống kia.
Nhưng chẳng đứa nào dám ngồi.Chúng đăm đăm nhìn thằng Thầu,là thằng lớn nhất và khá nhất lớp, hình như đang được chúng ủy nhiệm cho điều gì. Quả nhiên thấy thằng Thầu, chỉnh tề hơn cả trong chiếc áo len xanh và chiếc quần trắng, tách ra khỏi chúng bạn.Nó tiến đến trước mặt Thanh, mở rộng một tờ giấy cuộn tròn cầm ở tay. A! thì ra một bài chúc từ. Hai tay cầm ngang mảnh giấy, nó nghiêm trang lấy giọng đọc:
Thưa thầy,
Bữa nay gió xuân về cửa ngõ,vườn sau hoa nở rộn ràng,mừng Xuân, Xuân đã đến ngày, mừng Tuổi trẻ sắp dang tay cùng vũ trụ.
Trước án sách thư, ngày đầu năm mới, chúng em trân trọng dâng thầy những lời chúc Tết tâm thành tự bao trái tim non nớt của chúng em.
Thưa thầy!
Phải lúc vận nước gặp buổi điêu linh, cảnh chiến chinh làm héo rầu cây cỏ,nhưng cũng nhờ vậy mà thầy trong bước đường trôi dạt đã về đây với chúng em. Gắng quên cái sầu binh lứa, gắng làm dịu nỗi nhớ cố hương, thấy đã ngày đêm tìm vui trong việc rèn luyện chúng em để trở thành những tiểu-công-dân xứng đáng của nước Việt Nam độc lập sau này. Bao nhiêu công phu giảng giải, bao phen rát cổ mỏi họng ; nào những đêm tối thầy ngồi còm cõi dưới ánh đèn dầu để chấm từng tập vở dầy ; nào những ngày mưa lầy lội thầy cũng xắn quần lội bùn đến trường với chúng em. Lại những bữa hốt hoảng lẩn tránh máy bay hoặc khi vui vẻ họp Đội, họp Đoàn, lúc nào thầy cũng gần gũi săn sóc chúng em như một người Anh kính mến…
Thảng hoặc đôi khi, chúng em lười biếng đã làm thầy phải giận dữ trừng phạt,nhưng dù thầy có giận, có phạt,cũng là cốt uốn nắn chúng em khỏi những thói hư tật xấu, chúng em đâu dám phàn nàn.
Tết năm nay giữa bao nhiêu cảnh tượng tưng bừng đầm ấm, nhưng chúng em biết thầy đang có tâm sự riêng nghĩ đến mảnh đất quen thuộc phải rời bỏ, nghĩ đến bao người thân thích chẳng ở gần đây. Cái vui chung quanh chỉ gợi lại nỗi buồn riêng của thầy mà thôi.
Bởi vậy chúng em thiết nghĩ không gì hơn là chúc thầy luôn luôn được vui mạnh để chờ ngày độc lập, thanh bình, thầy sớm được trở về mảnh đất cố đô thân thiết với gia đình đoàn tụ…”
Thằng bé đọc chưa hết, Thanh đã giằng lấy tờ giấy, lòng nao nao như muốn khóc. Chao ôi! Không ngờ cái tâm sự u uất bấy lâu nay của anh lại được mấy đứa trẻ giãi bầy hộ trong những giòng non nớt nhưng vô cùng xúc động. Sự bưng bít có người thấu hiểu như được vơi nhẹ đi mấy phần. Tự nhiên,Thanh nhìn lũ trẻ với đôi mắt thương cảm biết ơn. Anh chỉ tay vào mâm cam trên giường:
- Thầy cám ơn các em đã chúc Tết thầy. Bây giờ đến lượt các em ngồi xuống đây và lấy cam lấy mứt mà ăn.
Nhưng lũ trẻ vẫn ngại ngùng, chỉ đưa mắt nhìn nhau. Sự nghiêm khắc hàng ngày của Thanh đã khôi phục lại trật tự trong những tâm hồn vốn sẵn một nền giáo dục buông lơi từ nhỏ.Thanh hai ba lần phải giục:
-  Cam đây, mứt đây là của thầy u các em biếu thầy thì các em ăn cũng thế. Hôm nay là ngày Tết, thầy cho phép các em được vui vẻ cười đùa thoải mái. Thầu, lấy cho các bạn ăn đi.
Lúc ấy, lũ trẻ mới rụt rè theo thằng Thầu. Tiếng ríu rít cùng với những vỏ cam đỏ mọng rơi trên nền nhà tạo cho gian buồng một không khí vui tai vui mắt. Thanh quờ tay ôm lấy cái Điềm, cái Bé vào lòng. Hai đứa bé gái xinh xắn nhất lớp mà anh yêu hơn cả.Anh thân hành bóc từng múi cam, nhón từng viên mứt cho chúng ăn. Nhìn lũ trẻ ngoan ngoãn do mình dày công dạy dỗ,Thanh thấy lòng mãn nguyện,vui vui. Ít nhất anh thấy rằng trong cuộc tranh đấu chung của dân tộc,anh cũng đã đóng góp được một chút chi gọi là công sức. Ở đây không ồn ào sắt thép –ngọn bút và trang sách có một tác dụng mãnh liệt hơn, hiền hòa và vĩnh cửu hơn,bởi luôn rọi sáng trong tâm hồn ngay tự những tuổi ấu thơ kia: lòng Thiện và mọi điều Nghĩa Nhân đạo lý – đức tính cơ bản của con người để muốn được trở thành người theo đúng nghĩa- chuẩn bị tốt cho hành trang vào đời trong tương lai.
Tự nhiên trong có một phút, lòng sầu hoài Đất Cũ vợi hẳn. Và Thanh tưởng đâu mình chính là người gốc rễ nơi thôn ổ này đang ăn một cái tết vui vẻ với đàn em nhỏ xinh ngoan…
Thôn Sơn, Thái Bình, 1950

Xem Tiếp: ----