ình yêu ấy, khi em hai mươi tuổi,
Anh dịu dàng và thanh lịch như thơ,
Em cô bé hay mộng mơ, hờn dỗi,
Lấy nhau rồi, hai đứa xứng đôi chưa!
Chúng tôi đi dọc theo bờ sông, gió buổi chiều nhẹ lay động những ngọn cỏ ven bờ. Nhà anh ở bên kia sông, qua cây cầu Tứ Quý, bên ấy có những vựa củi, nhưng nhà anh không có vựa củi nào cả, cha mẹ anh chỉ đi làm thuê cho người ta, bổ củi hay khuân vác củi cho những khách hàng.
Đến chân cầu anh dừng lại, bảo tôi:
- Thôi em về đi!
Tôi chần chờ chẳng muốn chia tay:
- Còn sớm mà!
- Muộn rồi đấy, em nên về kẻo ba má em lại la.
- Vậy anh cho em tiễn anh thêm một đoạn cầu!
Anh nắm tay tôi, hai đứa đi lên cầu, dòng sông ở dưới không sâu, không đủ soi bóng hình hai đứa, nhưng tôi đoán là xứng đôi lắm, dáng anh gầy thanh tao, và khuôn mặt có đôi mắt sáng đã làm tôi say đắm, tôi luôn yêu những người đàn ông có nét hao gầy, có nét phảng phất buồn như thế. Vậy mà ba má tôi đã chê anh, nói anh không xứng với tôi, có lẽ vì anh xuất thân là con nhà nghèo nơi xóm củi, còn tôi ở trong phố chợ, dù nơi tôi ở chỉ cách anh một cây cầu, mà hai cảnh sống, hai cuộc đời khác biệt.
Đến giữa cầu thì anh cương quyết nói như ra lệnh:
- Em quay về đi!
Nước mắt tôi lung linh như mặt sông đang gợn sóng vì gió ở dưới chân cầu:
- Anh ráng đợi em nhé, em sẽ thuyết phục ba má, trình bày cho ba má hiểu chuyện của chúng mình.
- Anh luôn yêu em và mong được cưới em làm vợ, chỉ còn đợi quyết định phía nhà em thôi. Ơ kìa! Sao em lại khóc? Lúc nãy em đã hứa với anh là không bao giờ khóc nữa mà.
Tôi quay lưng và bước đi, chỉ sợ mình lại khóc oà lên như một đứa trẻ con, rồi cả anh và tôi sẽ chẳng ai đủ sức cất bước về hướng nhà mình.
Về đến nhà, tôi nhất định sẽ tìm cách nói chuyện với ba má tôi, chắc phải nói với má trước, vì đàn bà bao giờ cũng dễ xiêu lòng hơn. May quá ba đi vắng, chỉ có mình má ở nhà, má đã hỏi tôi trước:
- Con đi đâu mà giờ này mới về? Chắc lại ra bến sông phải không? Má nghe người ta nói nhiều lần con đã hẹn hò với trai ở nơi đó.
Má đã khơi ra nên tôi dễ dàng đi ngay vào câu chuyện:
- Má biết rồi mà, tụi con thương nhau, anh muốn xin cưới con.
- Cái thằng bên xóm củi ấy hả?. Trời ơi, bao nhiêu đám tươi tốt con không lấy, lấy chi cái thằng con nhà nghèo đó?
Tôi khẩn khoản, năn nỉ:
- Nghèo giàu không thành vấn đề, con yêu anh ấy. Tương lai ở trong tay mình má à, con bảo đảm sau này tụi con sẽ ăn nên làm ra, giàu có như ba má đây. Vả lại nhà mình giàu rồi cần chi tiền bạc nữa mà phải lấy chồng giàu?
Tôi cãi ngang cả làng cãi không lại huống hồ gì má tôi, rồi tôi khóc lóc và… đe doạ:
- Nếu không lấy được anh ấy, con sẽ nhảy xuống sông bên xóm củi tự tử, để được gần anh ấy suốt đời.
Hiệu nghiệm không ngờ, má tôi hoảng lên, và phải… năn nỉ lại tôi:
- Thôi để từ từ má bàn với ba rồi lo cho con. Đừng có làm gì bậy nghe con?
Thế là ba má tôi đồng ý, còn bên anh lo… đi vay nợ để cưới vợ cho anh. Chúng tôi được công khai gặp gỡ nhau và tha hồ bàn tính chuyện tương lai. Anh muốn chúng tôi sẽ có hai đứa con, một trai một gái là đủ, tôi “xung” hơn, tha thiết hơn:
- Không, em muốn chúng mình sẽ có 10 đứa con cơ, 5 đứa con trai giống hệt anh, 5 đứa con gái giống hệt em, nhìn vào lũ con, ai cũng sẽ thấy tình yêu của chúng mình, hạnh phúc của chúng mình.
Anh mắng yêu tôi:
- Em làm như em là bà mẹ Âu Cơ của huyền thoại Việt nam ấy, đẻ 100 đứa con, 50 đứa lên non, 50 đứa xuống biển. Đẻ nhiều con, cho nên dân tộc Việt nam mới điêu linh ba chìm bảy nổi. Đẻ ít con để còn thì giờ mà chăm sóc chúng, em ơi.
Những giấc mộng, những ước mơ không mất tiền thì tội gì không…phung phí cho thoả lòng? chứ tôi cũng không thể tưởng tượng làm cách nào để nuôi được 10 đứa con với tính cách tiểu thư của tôi.
Ngày đám cưới đã đến, tôi chỉ trang điểm sơ sơ cũng đủ đẹp, vì tôi đã… đẹp sẵn rồi. Hồi còn học trung học đã có mấy thằng bạn cùng lớp thích tôi, trong số đó có một thằng học giỏi môn Toán nhất lớp, nó là “thần tượng” của bao nhiêu đứa con gái…dốt toán như tôi. Mỗi lần gặp tôi, thằng giỏi toán đâm ra vụng về, bối rối, không biết… tính toán gì cả. Nhiều khi không biết làm gì, nói gì, nó chỉ đưa tay lên…gãi đầu, dù rằng đầu nó không hề ngứa. Tôi tin chắc thế, vì chẳng lẽ tôi làm nó… dị ứng đến thế sao?
Có lần nó vừa phóng xe đạp ra phía cổng trường thì gặp tôi đang bước vào làm nó… mất phương hướng, lái xe tông ngay vào tường, ngã cả người lẫn xe và đầu sưng u lên một cục, nó “tổn thất” vì tôi như thế mà tôi vẫn chẳng hề xót thương. Hôm nay tôi ngang nhiên đi lấy chồng, chẳng biết nó sẽ… sống ra sao nếu không có tôi để mà thương nhớ?
Trong tiệc cưới, ai cũng khen vợ chồng tôi đẹp đôi, xứng lứa. Tôi đã đạt được ước vọng, lấy người mình yêu, người chồng đẹp trai, thanh tao như trong tiểu thuyết, mà tôi, con bé lãng mạn ngay từ thuở mới lớn đã mê thơ văn, nên mê cả người tao nhã, đầy tính chất thơ văn như anh.
Đêm tân hôn, trong ánh đèn ngủ màu hồng ấm cúng, anh đã nhìn tôi bằng ánh mắt sâu thẳm chứa chan tình, anh kéo tôi lại gần anh, tôi chưa kịp đáp lại ân tình ấy thì… một cảm giác hụt hẫng làm tôi giật mình mở bừng mắt……
Trong bóng đêm tôi mơ màng tự hỏi anh đâu rồi? người tôi yêu đâu rồi? Tại sao ánh đèn màu đêm tân hôn vụt tắt, trời tối om thế này?
Tôi định thần lại, mắt đã quen dần với bóng tối và nhìn kỹ chú rể đang nằm cạnh tôi, là một gã đàn ông trung niên đang nằm ngủ, ngáy khò khò, không hề biết mình đang bị dòm ngó, anh ta cởi trần mặc quần đùi, cái bụng to kềnh vì mỗi ngày nốc mấy chai bia và mỗi weekend thì không thể đếm nổi bao nhiêu chai.
Tôi thử sờ vào người anh ta xem đây là mơ hay thực thì anh ta… động đậy và trở mình ngủ tiếp, ngáy khò khò tiếp, lưng anh quay về phía tôi, nguyên một cái lưng to bè bè như tấm phản, núng nính những mỡ.
Tôi rên rỉ âm thầm “Anh ơi, thơ văn muôn đời vẫn đẹp, còn anh sao đổi thay thê thảm thế này?”
Thì ra cái thời mà tôi yêu anh, chàng trai thanh lịch ở xóm củi bên kia cầu Tứ Quý của hơn 20 năm về trước, chẳng hiểu sao đêm nay tôi vừa mơ lại, vừa sống lại??
Hay thượng đế thấy cuộc đời trần trụi quá, nên thỉnh thoảng…biếu tặng con người những giấc mơ đẹp để…an ủi.? Tiếc rằng giấc mơ không dài hơn, để bây giờ tôi tỉnh giấc nửa đêm, nhìn thấy sự thật phũ phàng của đời mình là đây.
Tôi xót xa tiếc thương thời quá khứ, người chồng hay uống rượu và quát tháo tôi mỗi khi say xỉn đã thay thế cho chàng trai hiền lành tao nhã như trong văn thơ thuở ấy.Nhưng tôi cũng chẳng vừa, cũng chanh chua đanh đá quát lại anh ta, sẵn sàng cãi nhau tay đôi với anh ta bất cứ lúc nào khi cần, cho nên những “ cuộc chiến” giữa hai vợ chồng tôi luôn cân bằng ngang sức, bất phân thắng bại.
Sau khi lấy nhau, chúng tôi chẳng hề làm giàu được như tôi đã… ba hoa hứa hẹn với má tôi, chúng tôi chỉ có 2 đứa con mà còn nghèo rớt mồng tơi, không đủ tiền nuôi con. Cũng may, nếu mộng ước nào cũng thành sự thật, tôi đẻ 10 đứa con thì chắc đàn con tôi… phải tự đi bán vé số để mà nuôi thân, chứ tôi nuôi gì nổi. Nhờ có ba má tôi đỡ đần, vợ chồng con cái tôi mới đỡ khổ và vượt biên sang đến Mỹ.
Tôi trở mình qua lại mấy lần cố dỗ giấc ngủ, may ra gặp lại giấc mơ lúc nãy, nhưng vô ích, mà còn làm anh ta thức giấc theo, giọng anh ta lè nhè vì còn mê ngủ:
- Làm gì mà cục cựa hoài vậy, không cho người ta ngủ?
Tôi thở dài, nuối tiếc:
- Em vừa thấy một giấc mơ.
Anh ta cằn nhằn:
- Dẹp giấc mơ của cô đi, để yên cho tôi ngủ.
Ôi, người chồng vô tâm, người chồng ích kỷ, anh ta chỉ lo giấc ngủ cho mình mà không hề quan tâm, thắc mắc xem tôi đã mơ thấy gì, đã trăn trở điều gì? Để trong bóng đêm, khi cuộc đời ngoài khung cửa chưa kịp vươn mình thức dậy, tôi sẽ tạm quên đời, tôi sẽ chia sẻ cho anh giấc mơ với những cảm giác êm đềm, những tình cảm thuở ban đầu thánh thiện của cả hai người. Tôi thất vọng nhìn anh ta và ước gì mình đủ sức mạnh và đủ can đảm…đạp anh ta rớt xuống giường cho rồi!
Anh ta vẫn tiếp tục ngủ và ngáy khò, dễ dàng như con thuyền tách bến đương nhiên trôi ra sông. Đêm tĩnh lặng, buồn chán, tôi cũng mệt mỏi dần thiếp đi lúc nào không hay.
Khi cả hai vợ chồng cùng thức giấc thì đã 6 giờ sáng, cả hai vội vàng vùng dậy để chuẩn bị đi làm. Tôi và anh ta cùng vào bathroom một lượt, vì chẳng ai chịu nhường ai cả.
Giấc mơ lúc nửa đêm vẫn còn ám ảnh tôi. Tôi xịt kem đánh răng, anh ta cũng xịt kem đánh răng, cả hai cùng lo đánh răng thật nhanh cho kịp giờ. Tôi nhìn vào gương, không thấy hai khuôn mặt, một đẹp trai, một xinh gái, như trong giấc mơ, như trong quá khứ, mà chỉ thấy hai khuôn mặt lạ lùng trong đó, gương mặt anh ta to tròn, cằm có nọng phệ xuống, dân nhậu mà, uống bia rượu nhiều, ăn đồ nhắm nhiều, nên thân thể tự do phát triển.
Còn gương mặt mụ đàn bà kia, có những nét cau có… ẩn tiềm qua những nếp nhăn nơi khoé mắt, khoé môi, hình như bao nhiêu khó khăn, gian nan của cuộc đời đều đổ dồn lên khuôn mặt. Phải, mụ ta cau có, nhăn nhó vì cuộc sống tất bật, quay đi quay lại đã hết ngày hết tháng và hết cả tuổi thanh xuân mà đời vẫn chưa được nghỉ ngơi, vẫn một gánh lo âu trên vai, nếu chẳng may bị thất nghiệp thì lấy gì trả tiền nhà, tiền xe?
Tôi vừa đánh răng vừa đau đớn tự hỏi có phải đây là gương mặt xinh tươi của cô bé tuổi học trò năm xưa đã làm cho thằng bạn học giỏi toán nhất lớp si mê đến khù khờ không? Giá thằng bạn đó có dịp nào đến đây, gặp lại khuôn mặt này, liệu anh ta có còn bối rối, vụng về đến tối mày tối mặt mà đâm xầm vào vách tường ngã lăn ra như ngày xưa không? Ngày đó, tôi đi lấy chồng, nó đau khổ quá, năm sau thi rớt Đại học, tôi đã xinh đẹp thế đấy, tôi đã “tác hại” đến người khác như thế đấy.
Tôi chợt nhớ tới bài báo mà hôm qua tôi đã đọc trong hãng lúc giờ lunch, tôi chỉ đọc vài dòng đầu giới thiệu câu chuyện, chứ chẳng có thì giờ đọc cả bài báo dài, nhưng cũng đủ hiểu đại khái là, có một ông cựu chiến binh Mỹ xưa chiến đấu ở Việt Nam, đang đi tìm người yêu ở Mỹ sau 40 năm biệt tăm biệt tích. Thuở ông 20 gặp cô 18, ông lên đường sang Việt Nam chiến đấu, trở về Mỹ, ông đã hai lần lấy vợ và hai lần… chôn vợ. Bây giờ ông cô đơn, muốn tìm lại người xưa, ông đã đăng lời nhắn, đăng hình cô trên báo, nghe có vẻ lãng mạn đấy, nhưng mà cũng không kém phần…dở hơi. Nếu yêu nhau sao không tìm nhau thuở còn thanh xuân, nay ông đã 60 còn tìm bà 58 tuổi làm gì? Để…khoe nhau tóc đã bạc, da đã nhăn, để dìu nhau những bước đi… loạng quạng đến chốn hẹn hò xưa? Vì tụi Mỹ, ở lứa tuổi 60 trông đã già ngắc rồi, đã run rẩy rồi. Cái tin nhắn trên báo không biết kết quả ra sao, nhưng nếu tôi là bà kia, thì chẳng đời nào liên lạc với ông đâu, vì ông đã 2 lần hớn hở lấy vợ, số ông sát thê, ngu gì tìm ông để tôi sẽ trở thành bà vợ thứ 3 cho ông mai táng. Nếu ông yêu tôi thì tại sao không đi tìm tôi ngay từ khi ông trở về Mỹ? khi ông còn trai trẻ để tôi sẽ là người vợ đầu tiên của ông, dù có vắn số, chết sớm cũng đành.
Tôi bỗng bật cười vì câu chuyện này, chồng tôi ngừng đánh răng tò mò hỏi:
- Tại sao đang đánh răng mà cô lại cười như… con mẹ dở hơi thế?
Tôi đã quen với những lời nói cộc cằn của anh ta.Tôi nghênh mặt đáp lại:
- Em không dở hơi mà một câu chuyện dở hơi làm em buồn cười thôi.
- Đã dậy trễ rồi mà còn “rảnh” nghĩ chuyện lung tung!
- Anh khỏi phải lo cho em, chốc nữa lên highway em sẽ chạy 75 miles một giờ để rút ngắn thời gian và đến hãng còn sớm hơn nhiều người nữa kìa. Anh lo cho anh đi, chỗ anh làm còn xa hơn em.
- Anh cũng… như em, chạy 80 miles một giờ là xong ngay.
Ít ra cũng có những lúc chúng tôi giống nhau, hợp nhau. Vợ chồng tôi luôn khắc khẩu, mở miệng ra là cãi nhau nhưng rồi đâu cũng vào đấy, có lẽ tình yêu mộng mơ thuở ban đầu, thuở son trẻ đã… bốc hơi, chỉ còn lại tình vợ chồng trần trụi và thực tế, vì những hệ luỵ của cuộc sống, những ràng buộc của con cái, nên đã quen dần và chấp nhận.
Người Việt Nam mình dù gì cũng còn tình còn nghĩa, còn biết chịu đựng. Tụi Mỹ, chỉ được cái bề ngoài, luôn có những lí do để tặng hoa cho nhau, tặng quà cho nhau, để ôm hôn nhau ngay trước công cộng, lúc nào cũng “I love you” và “I love you too”,vậy mà tỉ lệ li dị càng ngày càng cao. Thà… cãi nhau thường xuyên như vợ chồng tôi mà vẫn ở với nhau mới là một … tình yêu bất diệt.
Tôi lấy khăn rửa mặt và anh ta cũng đang rửa mặt. Tôi thấy hai khuôn mặt trong gương cùng già đi, cùng xấu đi, nỗi thất vọng vì anh ta không còn nữa, vì tôi cũng…. chẳng khá hơn gì, biết đâu anh ta cũng đã ngao ngán, thất vọng hình ảnh tôi, cô bé mơ mộng ngày xưa đã “biến dạng”.
Ôi, ngày xưa! chàng trai trẻ thanh lịch bên xóm củi xứng đôi với cô gái dịu hiền xinh đẹp bên phố chợ bao nhiêu, thì ngày nay cái khuôn mặt to tròn có nọng của người đàn ông và khuôn mặt đầy nét cau có, nhăn nhó của mụ đàn bà trong gương kia vẫn còn xứng đôi bấy nhiêu.
Nguyễn thị Thanh Dương.

Xem Tiếp: ----