au năm giờ chiều khách bắt đầu đến. Công tước Vaxili Lơvôvich về dẫn theo: người chị gái Liutmila Lơvôpna, họ chồng là Đuraxôva, một bà goá to béo, tốt bụng và ít nói kì lạ; chàng quý tộc trẻ tuổi Vaxiutrốc, một kẻ vô công rồi nghề giầu có và ưa nhậu nhẹt mà cả thành phố đều biết đến với cái tên suồng sã đó, rất dễ chịu trong giới vui chơi với tài hát và ngâm thơ, cũng như tài dựng các vở kịch, các hoạt cảnh và tổ chức các phiên “chợ” từ thiện; nữ nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng Gieni Reite, bạn của công tước phu nhân Vêra hồi còn học ở nhạc viện Xmoni; và em trai vợ là Nicôlaevich. Tiếp đó chồng của Anna đến bằng xe hơi cùng với giáo sư Xpesnikôp, một người to béo quá mức, râu cạo nhẵn, và Fônzek phó tỉnh trưởng sở tại. Đến sau cùng là tướng Anôxốp, đi trên một chiếc xe ngựa bốn chỗ ngồi cùng hai sĩ quan tháp tùng là đại tá tham mưu Pônamarep, một người già trước tuổi, gầy gò, cau có, mệt mỏi vì công việc văn phòng quá sức kham, và trung uý khing kị binh cận vệ Bakhơtinxki, vốn nổi tiếng khắp Pêtecbua là tay khiêu vũ giỏi nhất và người điều khiển các vũ hội không ai sánh nổi. Tướng Anôxoop, một ông già tóc bạc to béo và cao lớn, nặng nề bước xuống xe, một tay nắm chặt thanh vịn của ghế ngồi, tay kia chống vào thành phía sau của cỗ xe. Tay trái ông giữ cái ống nghe, còn tay phải cầm chiếc gậy bịt cao su. Ông có khuôn mặt đỏ hồng, to và thô, với chiếc mũi lớn bè, ánh mắt nhìn oai nghiêm và hiền từ nhưng hơi có vẻ khinh mạn trong đôi mắt nheo nheo như hai nửa hình cầu sáng rực và hơi sưng mọng, cái nhìn thường có ở những con người dũng cảm và giản dị, đã từng gặp nhiều và rất gần, ngay tận trước mắt mình, những nỗi hiểm nguy và cái chết. Cả hai chị em, trông thấy ông từ xa, vội chạy tới bên cỗ xe vừa vặn kịp để vừa đùa cợt vừa nghiêm túc, đỡ lấy tay ông từ hai phía. - Cứ làm như ông là một tổng giáo chủ ấy! – Viên tướng già nói bằng giọng trầm âu yếm hơi khàn khàn. - Ôi ông, ông yêu quý! – Vêra nói bằng giọng có vẻ trách móc. – Ngày nào chúng cháu cũng mong, mà ông thì chẳng thấy bóng dáng đâu cả. - Ông của chúng ta xuống miền Nam đã đánh mất hết cả lương tâm rồi. – Anna cười nói. – Đáng ra cũng phải nhớ đến đứa con gái đỡ đầu chứ? Đằng này ông Đông gioăng lắm, thật không biết xấu hổ, và quên hẳn là có chúng cháu trên đời này… Viên tướng già, bỏ mũ ra để lộ mái đầu vĩ đại của mình, lần lượt hôn tay, má rồi lại hôn tay cả hai chị em. - Ôi các cháu gái… khoan đã… đừng mắng ông thế. - Anôxốp vừa nói vừathở khò khè. – đã từ lâu ông bị chứng bệnh suyễn khó thở. – Ông thế là … các ông lang băm khốn khổ… suốt mùa hè chữa khớp cho ông… bắt ông tắm bằng… một thứ nước bột quả nào đó… bẩn và hôi kinh khủng… và không cho ông đi đâu cả… Các cháu là người đầu tiên ông đến… Ông mừng lắm… được gặp các cháu… Các cháu sống thế nào?... Cháu, Vêreska… đúng là ledi … Giống mẹ như đúc… Khi nào gọi ông đến làm lễ đỡ đầu cho con đấy? - Ôi, ôi, cháu sợ là không bao giờ cả ông ạ… - Cháu đừng buồn… tất cả còn ở phía trước… Hãy cầu Chúa… Còn cháu, Anna, hầu như cháu không thay đổi gì cả… Đến sáu mươi tuổi… cháu cũng sẽ là một con chuồn chuồn kim hệt như bây giờ. Mà khoan đã nào, để ông giới thiệu các ngài sĩ quan đây với hai cháu… - Tôi đã có được vinh hạnh này từ lâu rồi ạ! - đại tá Pônamarep nghiêng người chào, nói. - Tôi cũng đã được giới thiệu với công tước phu nhân ở Pêtecbua, - viên sĩ quan khinh kị binh tiếp lời. - Nếu thế để ông giới thiệu với cháu Anna, đây là trung uý Bakhơtinxki. Một nghệ sĩ khiêu vũ và một kẻ hay làm ồn ào, nhưng là một kị binh xuất sắc. Nào Bakhơtinxki, lấy hộ tôi ở trong xe… Ta đi thôi, các cháu… Vêrôsca, cháu sẽ cho chúng ta thưởng thức món gì đấy? Còn ông sau khi ở nhà nghỉ về … sức ăn cứ như một cậu thượng sĩ mới ra trường ấy. Tướng Anôxốp là bạn chiến đấu thân thiết và trung thành của công tước quá cố Micza – Bulat – Tuganôpxki. Sau khi công tước qua đời, toàn bộ tình yêu thương dịu dàng của mình ông dành cho các cô con gái của công tước. Ông biết họ từ khi hai chị em còn bé tí, thậm chí ông đã làm lễ rửa tội và là cha đỡ đầu cho cô em Anna. Hồi đó – và cho đến tận bây giờ - ông giữ chức chỉ huy trưởng một pháo đài lớn nhưng gần như đã bị phế bỏ, không còn tác dụng ở thành phố K. và hầu như ngày nào cũng có mặt ở nhà Tuganôpxki. Bọn trẻ mê ông vì những trò nghịch ngợm, vì các thứ quà, vì những buổi đi xem xiếc và vào nhà hát, vì rằng không có ai biết chơi với hai chị em say sưa như Anôxốp. Nhưng cái làm họ thích thú và in sâu vào trí nhớ của họ nhất là những câu chuyện ông kể về các cuộc hành quân, những trận chiến đấu, những lần trú quân dã ngoại, về những chiến thắng và thất bại, về những lần bị thương và những đem giá rét khủng khiếp - những câu chuyện chất phác, bình thản, chậm rãi và hùng tráng được kể lại sau bữa uống trà tối và trước cái giờ buồn tẻ nhất khi lũ trẻ bị bắt phải lên giường ngủ. Ngày nay cái mẩu còn sót lại của thời xa xưa ấy quả là một hình tượng vĩ đại và rực rỡ đến mức khác thường. Ở trong ông trộn lẫn với nhau những nét tính cách giản dị nhưng cảm động và sâu sắc - những nét mà ngay cả vào thời của ông cũng thường gặp ở những người lính nhiều hơn so với ở các sĩ quan - những nét nông dân đặc Nga mà kết hợp với nhau chúng tạo ra một hình tượng cao cả nhiều khi làm cho người lính của chúng ta không chỉ thành vô địch mà còn là một con chiên vĩ đại quyết tử vì đạo, gần như là một vị thánh, những nét được tạo ra bởi đức tin thơ ngây, chất phác, cách nhìn cuộc đời vui vẻ, hiền hậu và rõ ràng, tinh thần dũng cảm tháo vát và lạnh lùng, thái độ nhẹ nhàng khi giáp mặt cái chết, lòng thương hại đối với sự nhẫn nhục vô tận của kẻ chiến bại, sức chịu đựng bền bỉ về tinh thần và thể xác đến đáng kinh ngạc. Bắt đầu từ cuộc chiến tranh Ba Lan, Anôxốp đã tham gia tất cả các cuộc chinh chiến, chỉ trừ một lần với Nhật Bản. Có lẽ trong cuộc chiến tranh này ông cũng đã ra trận không do dự, nhưng người ta không gọi tới ông, mà ông thì bao giờ cũng tuân theo một nguyên tắc rất vĩ đại vì rất khiêm tốn: “Không chui đầu vào chỗ chết nếu người ta không yêu cầu”. Suốt cả cuộc đời tại ngũ của mình, ông chưa phạt đòn, thậm chí chưa hề đánh tát một người lính nào. Trong thời gian xảy ra cuộc bạo loạn ở Ba Lan, một lần ông đã từ chối bắn những người tù binh mặc dù có lệnh của trung đoàn trưởng. “Nếu họ là gián điệp, tôi chẳng những sẽ bắn chết, mà còn tự tay bóp cổ, một khi ngài ra lệnh. Nhưng đây là tù binh nên tôi không thể”. Ông nói điều đó một cách giản dị, lễ phép, không có một thoáng khiêu khích hoặc tỏ vẻ kiểu cách nào, nhìn thẳng vào mặt cấp trên bằng cặp mắt sáng, cương quyết. Và đáng lẽ phải xử bắn ông, người ta đã bỏ qua, để cho ông yên. Trong cuộc chiến tranh năm 1877-1879, ông được thăng rất nhanh lên đến cấp đại tá, mặc dù ít học, hay như ông thường nói, chỉ mới tốt nghiệp “học viện của gấu”. Ông đã từng tham gia cuộc vượt sông Đanuýp, đi xuyên qua Bancăng, đóng quân ở Sipca, có mặt trong cuộc tấn công cuối cùng vào Plepna. Một lần bị thương nặng, bốn lần bị thương nhẹ, ngoài ra còn bị mảnh lựu đạn làm dập thương ở đầu. Rađetxki và Xcôbêliep quen biết ông và đối xử với ông đặc biệt kính trọng. Có lần chính Xcôbêliep đã nói về ông như sau: “Tôi biết có một sĩ quan dũng cảm hơn tôi nhiều – đó là thiếu tá Anôxốp”. Sau chiến tranh, ông trở về gần như bị điếc bởi lần dập thương ở đầu, với một chân đau đã cắt mất ba ngón vì bị giá cóng trong lần vượt qua Bancăng và bệnh thấp khớp rất nặng mà ông mắc phải ở Sipca. Sau hai năm phục vụ trong quân đội thời bình, người ta muốn đưa ông về hưu, nhưng Anôxốp không chịu. Vừa vặn lúc đó ông được sự giúp đỡ rất kịp thời bằng sự can thiệp của mình của viên tư lệnh quân khu, người đã tận mắt chứng kiến lòng dũng cảm đến lạnh lùng của Anôxốp trong cuộc vượt sông Đanuýp. Vì vậy, ở Petecbua người ta quyết định không làm phiền muộn viên đại tá già có công lao này, và phong cho ông đến hết đời chức chỉ huy trưởng ở thành phốK, - cái chức danh dự nhiều hơn là cần thiết cho mục đích phòng thủ quốc gia. Trong thành phố, tất cả mọi người từ già đến trẻ đều biết ông, họ vui vẻ và hiền lành cười nhạo những cố tật, thói quen và cách ăn mặc của ông. Anôxốp không bao giờ mang theo vũ khí, thường xuyên mặc lễ phục may theo lối cũ, đội mũ nhà binh với lưỡi trai rất lớn và thẳng, tay phải cầm can, tay trái cầm ống nghe, và nhất thiết bao giờ cũng dắt theo hai con chó bông lười biếng và béo núc ních, lưỡi luôn luôn thè ra ngoài mõm. Nếu trong những cuộc dạo chơi buổi sáng thường ngày ông gặp bạn quen, thì những người đi đường cách đó mấy khu phố vẫn nghe thấy tiếng ông oang oang và tiếng hai con chó của ông đồng thanh sủa theo. Như rất nhiều người nghễnh ngãngkhác, ông đặc biệt say mê ôpêra, và đôi lúc. Khi trên sân khấuđang đến đoạn song tấu mùi mẫn nhất, khắp cả nhà hát bỗng vang lên giọng trầm mạnh mẽ của ông: “Ôi, nó bắt cái nốt đô mới ngon làm sao. Chu cha, cứ hệt như cắn hồ đào ấy”. Trong phòng rộ lên tiếng cười cố nén lại, nhưng vị tướng già thậm chí không nghi ngờ gì cả: ông vẫn ngây thơ nghĩ rằng mình chỉ thì thầm chia sẻ với người ngồi bên cạnh cái ấn tượng mới mẻ của mình. Theo trách nhiệm của người chỉ huy trưởng pháo đài, ông khá thường xuyên, cùng với hai con chó bông lười biếng của mình, xuống thăm phòng phạt giam chính, nơi các sĩ quan bị bắt được giải phóng khỏi những gánh nặng công việc nhà binh hàng ngày đang nghỉ ngơi bên ván bài, chén chè và những câu chuyện tiếu lâm. Ông cẩn thận hỏi từng người: “Họ tên? Bị bắt theo lệnh ai? Thời hạn bao lâu? Vì sao?” Đoi lúc, rất bất ngờ, ông khen một viên sĩ quan nào đấy vì anh ta đã có hành động ngang tàng dũng cảm, mặc dù hành động đó là trái với pháp luật; đôi lúc ông bắt đầu quát mắng la hét đến nỗi người đi ngoài đường cũng nghe thấy. Nhưng, quát mắng chán rồi, ông lại hỏi ngay, không hề chuyển tiếp hoặc nghỉ lấy hơi, rằng ai mang bữa ăn đến cho viên sĩ quan bị giam và anh ta phải trả bao nhiêu tiền. Có lần, từ một vùng xa xôi hẻo lánh, nơi thậm chí không có cả phòng phạt giam riêng, người ta gửi đến một viên thiếu uý bị mắc lỗi nào đó để phạt giam lâu ngày. Anh ta thú thực rằng vì không có tiền nên phải bằng lòng với suất ăn của lính. Nghe xong, Anôxốp lập tức ra lệnh mang đến cho anh ta suất ăn của nhà chỉ huy trưởng - từ trại phạt giam đến đó chỉ khoảng chừng hai trăm bước chân. Ở thành phố K, ông kết thân với gia đình Tuganôpxki và gắn bó với mấy cô con gái nhà này, đến nỗi việc chiều nào cũng phải gặp họ đối với ông đã trở thành một nhu cầu tinh thần không thể thiếu được. Nếu như hai chị em có việc phải đi đâu vắng, hoặc viên tướng già bận việc gì đó quan trọng không đến được, ông thật sự buồn nhớ, không thể ngồi yên chỗ trong những căn phòng rộng rãi của khu nhà chỉ huy trưởng pháo đài.Mùa hè năm nào ông cũng xin nghỉ phép và về sống hàng tháng ở khu điền trang Êgôrôpxki của gia đình Tuganôpxki cách thành phố K. chùng năm mươi vexta. Toàn bộ sự dịu dàng yêu thương thầm kín cuả tâm hồn mình và nhu cầu được yêu thương người khác ông đành trút cho lũ trẻ này, đặc biệt là cho hai chị em gái Vêra và Anna. Bản thân ông trước đây cũng đã từng có vợ, nhưng việc đó đã lâu đến nỗi bây giờ thậm chí ông không còn nhớ được nữa. Trước chiến tranh, vợ ông, bị quyến rũ bởi chiếc áo khoác nhung và những cổ tay áo có vòng thêu, đã bỏ ông đi theo một tay diễn viên nào đó. Ông vẫn đều đặn gửi tiền trợ cấp đến cho vợ, mãi tới khi bà ta chết mới thôi, nhưng nhất thiết ông không cho phép con người phản bội kia quay trở lại nhà mình, mặc cho bao nhiêu những bức thư đãm nước mắt và những lần khóc lóc hối hận của bà ta. Còn con cái thì họ không có. V Trái ngược với sự chờ đợi, buổi tối hôm đó lặng gió và ấm áp, những ngọn nến thắp ngoài hiên và trong phòng ăn cháy thành ngọn thẳng đứng bất động. Trong bữa ăn, người làm cho mọi người vui cười nhiều nhất là công tước Vaxili Lơvôvich. Anh có một năng khiếu kể chuyện rất độc đáo. Từ những tình tiết có thật nào đó, mà nhân vật chính là một trong những người có mặt hay người quen chung của tất cả mọi người, anh tô vẽ thêm màu mè, nhưng lại với một vẻ mặt nghiêm chỉnh và giọng nói trang trọng làm cho tất cả phải cười rũ rượi. Hôm nay anh kể về đám cưới không thành của Nicôlai Nicôlaiêvich với một mệnh phụ rất giàu có và xinh đẹp. Mà việc không thành chỉ là vì chồng cô ta không chịu li dị. Trong câu chuyện của công tước, thực hư lẫn lộn với nhau một cách tuyệt vời. Anh “bắt” Nicôlai Nicôlaiêvich, một người bao giờ cũng nghiêm trang, hơi kiểu cách, phải chạy trong đêm khuya giữa đường phố, mình chỉ mặc độc quần lót, giày cắp dưới nách. Tại một góc phố, chàng trai trẻ bị cảnh sát giữ lại; và mãi sau hồi lâu giải thích, Nicôlai mới chứng minh được rằng mình là phò uỷ viên công tố chứ không phải là một tên cướp đêm nào đó. Đám cưới, theo lời người kể chuyện, thiếu tí nữa thì được tổ chức thật, nhưng vào đúng giây phút cốt tử nhất, một bọn táo tợn những nhân chứng giả tham gia vào vụ này bỗng nhiên trở chứng đòi tăng thêm tiền thù lao. Nicôlai vì keo kiệt (mà quả là anh cũng có hơi keo kiệt thật), đồng thời lại là người phản đối kịch kiệt các cuộc đình công và bãi công, liền viện dẫn các điều khoản trong bộ luật do phúc thẩm viện thông qua, từ chối thẳng thừng việc trả thêm tiền. Lúc đó, những nhân chứng giả liền nổi cáu, và khi được hỏi: “Có ai trong số những người có mặt ở đây biết các chứng cớ có thể ngăn cản cuộc hônnhân này không?”, họ đồng thanh trả lời: “Có, chúng tôi có biết. Tất cả những gí chúng tôi đã khai ở toà vừa rồi là hoàn toàn giả dối; chúng tôi bị ngài uỷ virn công tố cưởng bức và đe doạ phải làm như vậy. Còn về người chồng của bà này thì chúng tôi, với tư cách là những người biết rõ ngọn ngành, chỉ có thể nói rằng: đó là người đáng kính nhất trên đời này, sáng suốt như thánh Iôxip và tốt bụng như thiên thần”. Khơi lên câu chuyện về các cuộc hôn nhân, công tước Vaxili không thương tiếc cả Guxtap Ivanovich Phơriexe, chồng của Anna, và kể rằng ngay ngày hôm sau lễ cưới chàng đã phải đến đòi cảnh sát giúp đỡ trục xuất cô dâu ra khỏi nhà bố mẹ đẻ với cớ là cô ta không có sổ hộ chiếu riêng và như vậy là bắt buộc phải đến chỗ ở của người chồng hợp pháp.Cái có thực trong câu chuyện buồn cười này chỉ là trong những ngày đầu tiên sau khi cưới, Anna buộc phải ở lì bên cạnh bà mẹ đang ốm, bởi Vêra lúc đó vội về nhà ở mièn Nam, và chàng Guxtap Ivanovich thì buồn chán và thất vọng không để đâu cho hết. Mọi người đều cười, Anna cũng cười mỉm bằng đôi mắt nheo nheo. Guxtap Ivanovich cười rất to, đầy thán phục; khuôn mặt của ông gầy, bọc căng trong làn da nhẵn bóng loáng, với những sợi tóc màu bạch kim lưa thưa, hai hố mắt trũng sâu, trông giống như một chiếc đầu lâu nhe hàm răng thô ra cười. Đến tận bây giờ ông ta vẫn say đắm Anna hệt như những ngày đầu mới chung ssóng với nhau, bao giò cũng tìm cách ngồi gần nàng, kín đáo chạm vào người nàng và săn sóc nàng với một vẻ đắm đuối và mãn nguyện sung sướng đến nỗi nhiều khi người khác phải cảm thấy thương hại và ngượng ngùng thay. Trước khi rời bàn đứng dậy, Vêra vô tình đếm lại số khách. Tất cả mười ba người. Vốn mê tín, nàng nghĩ thầm: “Ôi, thật chán quá! Tại sao mình lại không tính trước nhỉ. Mà lỗi là của cả Vaxia nữa, không gọi điện về cho mình biết”. Mỗi khi những người thân quen tụ tập nhau lại ở nhà Sein hoặc nhà Phơriexe, sau bữa ăn thường tổ chức những cuộc đánh bài pôke, vì cả hai chị em đều rất thích những trò may rủi và vui nhộn. Ở hai nhà về khoản này đã có một lệ riêng như sau: tất cả những người tham gia chơi đều được phát đều nhau số tấm thẻ xương với một mức giá nhất định, và buổi chơi sẽ kéo dài cho đến lúc tất cả những tấm thẻ đều lọt vào tay một người nào đó - đến đấy buổi chơi kêt thúc, dù cho ai có đòi tiếp tục cũng không được. Việc mua các tấm thẻ thêm lần thứ hai bị nghiêm cấm. Những luật lệ khe khắt như vậy đựoc đặt ra là xuất phát từ tình hình thực tế để ngăn chặn nữ công tước Vêra và Anna Nicôlaiepna, những người khi đã lên cơn say mê là không còn biết tự kiềm chế mình lại nữa. Toàn bộ số tiền thua cuộc ít khi đến một – hai trăm rúp. Và lần này mọi người cũng ngồi vào bàn chơi bài pôke. Vêra không tham dự vào cuộc, đang định đi ra hien, nơi tiệc trà đã dọn sẵn, thì một cô hầu đến gọi nàng ra khỏi phòng khách với vẻ hơi bí mât. - Đasa, có gì thế? – Vêra khó chịu hỏi và đi về căn phòng làm việc nhỏ xíu của mìnhở cạnh buồng ngủ. – Cô làm điêuk bộ gì ngu ngốc thế? Cái gì trong tay đấy? Đasa đặt lên bàn một vật hình vuông nhỏ được bọc rất cẩn thận trong tờ giấy trắng và thắt kỹ lưỡng bằng dải băng màu hồng. - Dạ, thưa bà, con không có lỗi ạ. – Cô gái hầu phòng đỏ mặt lên vì bị mắng oan, lắp bắp nói. - Ông ta đến và nói… - Ông nào? - Ông đội mũ đỏ, thưa bà… người đưa thư. - Thì sao nữa? - Ông ta vào bếp và đặt cái này lên bàn: “Nhờ cô đưa họ cái này cho bà chủ. Nhưng phải tận tay đấy”. Con hỏi: “Của ai gửi thế?” Ông ta đáp: “Ở đây có viết hết cả rồi”. Nói xong chạy đi liền. - Đuổi theo gọi ông ta lại. - Dạ không đuổi kịp đâu ạ, thưa bà. Ông ta đến vào đúng giữa bữa ăn, con không dám gọi bà ra. Đã quá nửa giờ rồi ạ. - Thôi được, đi ra đi. Vêra dùng kéo cắt dải băng và ném nó vào sọt cùng với tờ giấy ghi địa chỉ của nàng. Trong lớp giấy là một hộp nhỏ bọc nhung đỏ, có lẽ vừa mới mua ở hiệu. Vêra mở nắp hộp bọc bằng lụa xanh nhạt và trông thấy một chiếc vòng vàng đeo tay hình ôvan gắn lên nền vải nhung đen, ở giữa vòng là một lá thư gấp rất cẩn thận thành hình bát giác xinh xắn. Nàng vội mở tờ giấy ra. Nét chữ trông có vẻ quen quen; nhưng cũng như mọi người đàn bà khác, nàng bỏ bức thư sang bên cạnh để ngắm chiếc vòng đeo tay trước đã. Chiếc vòng làm bằng vàng tỷ lệ thấp, rất dày nhưng rỗng, và toàn bộ mặt ngoài gắn kín những viên ngọc thạch lựu nhỏ và lâu đời, mài thô. Nhưng bù vào đó nổi lên giữa chiếc vòng là năm viên ngọc thạch lựu tuyệt đẹp cỡ bằng hạt đậu, chúng bao quanh một hòn ngọc nhỏ màu xanh rất kỳ lạ. Khi Vêra bằng một cử động ngẫu nhiên xoay chiếc vòng trước ánh đèn điện, thì trong những viên ngọc đó, ở sâu phía dưới bề mặt hình cầu nhẵn, bỗng cháy lên những tia lửa nhỏ lung linh huyền diệu màu đỏ tươi. “Hệt như máu!” – Vêra chợt nghĩ với một cảm giác bồn chồn bất ngờ. Rồi nàng nhớ tới bức thư và mở ra. Nàng đọc những dòng sau, viết bằng nét chữ nhỏ, nắn nót rất đẹp: “Thưa Công tước phu nhân Vêra Nicôlaepna vô cùng quý mến! Tôi xin kính cẩn chúc mừng công tước phu nhân, nhân ngày lễ thánh trong lành hạnh phúc này, và dám mạo muội gửi đến Nàng một món quà nhỏ mọn để tỏ lòng trung thành tận tuỵ”. “Ôi, lại cái anh chàng này đây!” – Vêra nghĩ thầm với một cảm giác không hài lòng, nhưng nàng vẫn đọc tiếp lá thư: “Có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ dám cả gan gửi tặng Nàng một vật gì tự tay mình mua lấy; để làm việc đó tôi không có quyền, không có khiếu thẩm mĩ tinh tế, và xin thú thật – không có cả tiền. Hơn nữa tôi thiển nghĩ trên thế giới này tìm đâu ra một vật báu nào có thể xứng đáng cho nàng trang điểm. Nhưng chiếc vòng này là của bà cụ tổ dòng họ tôi để lại, và người cuối cùng mang nó là mẫu thân đã quá cố của tôi. Trên mặt vòng, giữa những viên ngọc lớn, Nàng sẽ trông thấy một viên màu xanh. Đó là loại ngọc thạch lựu rất hiếm gặp - ngọc thạch lựu xanh. Theo những lời truyền lại trong gia đình tôi, viên ngọc này có phép lạ làm cho người phụ nữ nào mang nó sẽ có tài tiên đoán và giúp họ tránh khỏi những ý nghĩ nặng nề, nó còn giữ cho đàn ông thoát khỏi những cái chết bất đắc kì tử. Tất cả các viên ngọc này được chuyển gắn sang đay, rất chính xác, từ chiếc vòng đeo tay cũ bằng bạc, và Nàng có thể tin chắc rằng trước Nàng chưa hề có một người nào mang nó. Nàng có thể ngay bây giờ đem vứt cái thứ đồ chơi nực cười xấu xí này đi, hoặc tặng nó lại cho một người nào khác, nhưng tôi sẽ rất hạnh phúc rằng nó đã được chạm tới bàn tay ngà ngọc của Nàng. Tôi cầu xin Nàng đừng nổi giận. Chỉ cần nghĩ tới việc làm táo tợn của mình bảy năm về trước khi tôi đã cả gan viết cho Nàng – lúc đó còn là một tiểu thư - những lá thư ngu ngốc, hoang rợ, và thậm chí còn dám chờ được trả lời, là tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ. Bây giờ trong tôi chỉ còn lại một lòng sùng kính, một sự ngưỡng mộ muôn đời và một lòng trung thành nô lệ. Tôi bây giờ chỉ biết từng phút từng giây cầu chúc cho Nàng hạnh phúc và vui mừng nếu như Nàng được hạnh phúc thật sự. Tôi thầm cúi mình đến sát đất chào nhữnh chiếc ghế Nàng ngồi, sàn nhà Nàng đi, những cây cối Nàng tình cờ chạm tay đến và những người tôi tớ mà Nàng chuyện trò, ra lệnh. Ở tôi nay thậm chí không còn cả sự ghen tị đối với con người cũng như đối với các vật vô tri vô giác nữa. Và một lần nữa, tôi cầu xin được xá tội vì đã làm phiền Nàng bằng một lá thư dài và không cần thiết. Kẻ đầy tớ của Nàng, người nguyện trung thành với Nàng cho đến chết và cả sau khi chết. G.X.G”. “Có nên đưa cho Vaxia xem hay không? Nếu đưa thì bao giờ? Bây giờ hay sau khi khách khứa về? Không, tốt hơn là để sau khi khách về - bây giờ thì mọi người chẳng những sẽ cười nhạo cái anh chàng bất hạnh này mà còn cười cả mình nữa”. Nữ công tước Vêra vừa ngẫm nghĩ vừa nhìn không thể rời mắt khỏi năm ánh lửa đỏ thắm như máu lung linh trong năm viên ngọc thạch lựu.