ôi có một người bạn gái tên là Nhọ. Nhọ là bạn thân của ba đứa: tôi, em chồng tôi và một cô bạn gái nữa. Nó chính ra là Huyền Nhọ, để phân biệt với một Huyền nữa là cô em chồng tôi. Hồi trước, chúng tôi đều học ở A. Chúng tôi sang đây từ năm học lớp 5. Đến khi học hết đại học thì tôi về Việt Nam lấy chồng. Mẹ Huyền Nhọ thua bài bạc, nhà cửa từng cái mua được ở Việt Nam cũng bán dần đi. Mẹ nó cứ tha lôi nó hết sang buôn bán, rồi lại đi về, một năm mấy bận. Trong không khí ở thủ đô B. giá lạnh, với băng tuyết cùng với những buổi đi lùng sục của cảnh sát, chúng tôi lớn dần lên. Chồng tôi vẫn còn sợ những buổi đi trên đường cùng bố, bị cảnh sát bắt lên xe, có cái máy ảnh xịn mới mua cũng bị lấy mất. Chồng tôi gọi đó là bọn cướp đường, và sau này thì về hẳn, cạch cái nơi ấy. Nhưng với tôi, B. vẫn là một nơi thật nên thơ, trong trẻo của tuổi thơ. Chốn này về đêm mà vẫn sáng như ban ngày. Hai chị em tôi mải mê đi nghịch tuyết. Những ngày tết âm lịch thì nhớ Việt Nam kinh khủng. Nhưng Nô en thì lại cực vui. Quán bar mà chồng của em chồng tôi vẫn thường hát nằm dưới tầng trệt của tòa nhà. Ở đây, mọi người được hát thỏa thích và em rể chồng tôi tha hồ thể hiện giọng hát trời phú của mình thời sinh viên. Cũng nhờ đó, mà cậu em rể quen cô em chồng tôi, rồi sau này nên duyên chồng vợ. Nhưng thôi, lạc đề như thế là đủ. Tôi xin trở lại câu chuyện chính về cái Huyền Nhọ. Phải nói rằng, ở thủ đô B., lực lượng xã hội đen cũng chiếm một phần nhỏ trong khu dân cư. Chúng thao túng một phần công việc kinh doanh của mẹ chồng tôi, và các cô, các bác. Tôi không hiểu sao cái Huyền Nhọ lại quen được một tên trong đám xã hội đen. Đó là một tên nước ngoài cao lớn, mái tóc vàng bạch kim và râu ria xồm xoàm. Gã đó rất giàu có. Mấy lần, cái Nhọ giới thiệu với chúng tôi một anh bạn trai người Việt Nam đang là lao động trong một nhà máy dệt may ở B. Anh chàng này trông có vẻ gày gò, thư sinh, hiền lành. Thỉnh thoảng rủ chúng tôi đi chơi, Lương - tên của hắn - phải rút những đồng cuối cùng trong số tiền lương nghèo hèn mỗi tháng. Vậy mà không hiểu con Nhọ lấy đâu ra một cái thẻ tín dụng dùng để thoải mái chi tiêu, mua sắm. Hỏi nó thì lần nào nó cũng bảo của mẹ nó cho. Nhưng chúng tôi nhìn trộm tên trên thẻ, là một tên nước ngoài, thấy cũng nghi ngờ, mà không dám hỏi. Và rồi thì, Huyền Nhọ đột ngột mời cưới. Đến đám cưới nó, chúng tôi mới ớ người ra. Bụng nó đã to quá, mặc cái váy cưới thì chật ních. Lúc đó, nó đã có bầu được 4 tháng rồi. Lâu rồi không gặp nhau, vì tôi và em chồng tôi đã về Việt Nam từ 2 năm trước, trong khi gia đình nó vẫn còn ở lại. Lần này, nó về Việt Nam tổ chức đám cưới với Lương, một anh chồng Việt, chứ không phải một anh Tây mũi lõ mà ngày xưa nó vẫn thường bảo. Thôi thì chúng tôi cũng mừng cho nó. Đó cũng là một cái kết hạnh phúc, so với những cô gái Việt kém may mắn lỡ có bầu trước hôn nhân. Nhưng có vẻ như, Lương vẫn còn nghèo lắm. Để tổ chức đám cưới cũng không phải là quá hoành tráng này, anh chàng đã phải dùng hết số tiền bao nhiêu năm vất vả lao động được nơi đất khách quê người. Thế nhưng, tự mình làm thì tự mình chịu thôi. Khi yêu, cũng không chỉ mỗi người con gái sung sướng. Sau khi hai vợ chồng lấy nhau thì ở hẳn Việt Nam. Cái Nhọ chỉ ở nhà, chăm sóc cái thai đang ngày càng lớn lên. Một mình anh chồng nai lưng ra kiếm tiền, mặc dù kiếm tiền ở Việt Nam lúc này đâu phải là dễ, còn khó hơn ở B. gấp vạn lần. Lúc ấy, tôi cũng đã lấy chồng. Mẹ chồng tôi vẫn một năm hai lần đi về giữa nước A. và Việt Nam. Cô em chồng tôi lại theo mẹ sang bên ấy buôn bán, nối nghiệp kinh doanh của gia đình. Chỉ còn hai vợ chồng tôi ở nhà chăm chỉ làm ăn. Tôi có bầu được vài tháng thì cái Nhọ đẻ. Khỏi phải nói, chồng nó hạnh phúc lắm. Đó là một thằng con trai rất đỗi khôi ngô, tuấn tú. Chúng tôi đến thăm nó ở bệnh viện, chỉ muốn ôm ấp, hôn hít thằng bé đó mãi thôi. Lúc đầy tháng, mẹ chồng tôi phán một câu xanh rờn: - Này, Huyền ơi, sao bác thấy, càng nhìn thằng bé càng thấy giống Tây cháu ạ. Lúc này thì cái Huyền Nhọ hơi hoảng, mặt tái xanh. Tôi bấm mẹ: - Mẹ ơi, mẹ nói gì thế? Thằng bé trông giống cả bố lẫn mẹ mà. Lương có vẻ hơi ngạc nhiên: - À, ờ… - Mẹ chồng tôi ậm ừ. Lúc về nhà, bà vẫn nói với tôi: “Rõ ràng là mẹ trông nó giống Tây mà. Cái tóc xoăn xoăn, vàng vàng, mắt to, tròn xoe, mũi cao chứ không tẹt như bố, mẹ.” - Mẹ, ai chẳng biết là vậy. Mẹ đâu có nhất thiết phải nói thẳng với người ta như thế. Mấy ngày sau, chúng tôi hốt hoảng vì nghe tin mẹ con cái Nhọ bị bắt cóc. Anh chồng Việt như người mất hồn, không dám nhìn chúng tôi, cứ cúi gằm mặt xuống khi gặp chúng tôi. Tôi hỏi làm sao, thì mẹ anh ta mếu máo kể. - Trời ơi là trời. Tôi đang giặt quần áo trong nhà thì bỗng có một lũ đầu trâu mặt ngựa xông đến. Bọn nó bắt con dâu và cháu tôi đi, con Nhọ còn không kịp thay bộ quần áo đang mặc ở nhà. Mấy hôm nay, chẳng có tin tức gì về nó rồi. Bọn đầu trâu mặt ngựa đó dọa nếu báo công an thì sẽ đốt cả nhà, dọa chặt chân thằng Lương, cấm nó sang nước A. tìm vợ. Ôi trời đất ơi! Sao số con tôi lại khổ thế này! Lương đỡ mẹ ngồi xuống cái ghế phía sau lưng, dòng nước mắt lăn dài trên má. Hoàn cảnh của anh chàng đúng là đến tội nghiệp. Mất bao nhiêu tiền của, công sức bao năm để lấy vợ, cuối cùng lại mất cả vợ lẫn con. Lúc này, chúng tôi chỉ biết trách con Nhọ ăn ở hai lòng. Ít tháng sau, con Nhọ mới gọi điện về cho chúng tôi, dặn là không được nói với Lương. Nó bảo ở đây nó vẫn sống tốt, và gửi lời xin lỗi tới mọi người. Vì nó cũng không biết thực ra cái thai là của ai, cho đến lúc đẻ ra; nó cứ nghĩ lấy chồng Việt Nam thì sẽ sống hạnh phúc, ai ngờ lại xảy ra sự việc như vậy. Anh chồng Tây của nó thì mừng như bắt được vàng, con của nó thì được chăm sóc như một ông quý tử, còn nó được dùng thẻ tín dụng thoải mái, muốn ăn gì thì ăn, sắm gì thì sắm, tiêu gì thì tiêu, chỉ có điều không được rút tiền làm của riêng. Lúc tôi hỏi chồng nó làm gì thì nó bảo kinh doanh, nhưng kinh doanh gì thì nó không biết. Cuộc sống nay đây mai đó, nay ở thành phố này, mai ở thành phố khác, nó đã quen và tự lấy làm hạnh phúc. Tôi nghĩ, rủi may chồng nó có vấn đề gì thì nó về Việt Nam thế nào đây, khi toàn bộ số tiền chồng nó nắm giữ hết. Con Nhọ cưởi bảo, lúc ấy sẽ có cách. Mẹ cái Nhọ được trang trải tiền nợ nần thua cờ bạc ở Việt Nam. Chiều nào tôi đi qua, cũng thấy bà đang ngồi chiếu bạc ở đầu làng. Tôi tự hỏi, không hiểu người mẹ này có còn nghĩ đến con, đến cháu không mà lại làm như thế. Thế rồi cái tin sét đánh cuối cùng cũng đến. Chồng cái Nhọ bị chết trong một vụ nổ súng. Mẹ con cái Nhọ không biết đi phiêu tán nơi nào, hay là đang trốn tránh sự truy kích của cảnh sát, hoặc là của các băng đảng xã hội đen khác. Hôm trước, vào nhà cái Nhọ chơi, tôi thấy tên Lương cười sung sướng từ trong đó đi ra. Nghe đâu, hắn đang chuẩn bị lấy vợ. Hắn thấy tôi thì tiện thể mời đi đám cưới luôn. Hắn cười chắc chỉ vì đám cưới của hắn chăng? Chúng tôi ráo riết nhờ cảnh sát Việt Nam và cảnh sát bên đó tìm tin của cái Nhọ. Cách đây không lâu, họ báo tìm thấy xác của hai người, một phụ nữ và một trẻ em, nghi ngờ không biết có phải mẹ con nó không. Bố cái Nhọ ngất lên ngất xuống, thương con gái. Mẹ nó bấy giờ mới bỏ hẳn cờ bạc. Thế rồi, trong đám cưới của Lương, chúng tôi vô cùng bất ngờ vì sự xuất hiện của Nhọ. Trông nó tiều tụy, trên tay bế đứa bé chừng 3 tuổi… Hết đám cưới, và thế là, nó bế đứa bé ra đi, rồi không biết đi về phương nào. Chúng tôi bảo Lương đuổi theo, nhưng anh ta ngần ngừ. Chúng tôi đành bắt xe đi theo cái Nhọ. Cái xe ở phía trước phóng quá nhanh. Tin tức của cái Nhọ từ đấy mất hút. Cuộc sống ở A. đối với tôi bây giờ không còn nên thơ như lúc bé. Nhưng tôi vẫn nhớ những chiều hai chị em đi nghịch tuyết, nhớ ngày đầu tiên gặp cái Nhọ. Nhưng cái ngày ấy đã xa xôi lắm. Cái màu da bánh mật, nâu nâu của cái Huyền, chúng tôi vì thế mới gọi là Nhọ. Cái màu da ấy đỏ dần lên theo thời gian. Và bây giờ trước mắt tôi chỉ là một màu trắng, trắng màu thương nhớ. Huyền ơi, bây giờ Huyền ở đâu? Dẫu bên cạnh cậu không còn ai, thì vẫn còn có chúng tớ. Hà Nội, tháng 11, năm 2012