ã 5 năm kể từ ngày gia nhập diễn đàn. Hôm nay vào những ngày cuối năm cũ Nhâm Thìn, lục lại trong những hồi ức xưa cũ chợt thấy mẫu truyện này. Khi đọc lại nó bỗng có cảm giác như vừa mới viết hôm qua. Nay đăng lên diễn đàn như một lời chào tiễn biệt một năm nữa sắp qua đi. Và mong ước về một nền giáo dục mà ở đó chữ "Thầy" đúng nghĩa là "Thầy" với tất cả sự cao quý." Người xưa nói "Thức thời là trang tuấn kiệt". Đúng không bạn?(Truyện của VanTienSinh). Hắn ra trường. Việc đầu tiên hắn nghĩ tới là phải xả hơi một vài tháng, sau những ngày vất vả dùi mài kinh sử đầy bận rộn. Hắn hít vào phổi thật sâu no căng không khí trong lành của buổi sáng mai và lòng hắn lâng lâng tràn đầy cảm xúc. Thế là mình đã trở thành ông thầy giáo rồi đấy. Ngày xưa còn đi học, hắn vô cùng ngưỡng mộ những người cầm phấn trắng đứng trên bục giảng, những người thầy thật mực thước và đạo mạo dẫn hắn vào kho kiến thức vô cùng của nhân loại, những cô giáo xinh đẹp và đầy vẻ tôn quý thì lại dẫn hắn vào vườn thơ, vườn cổ tích dân gian...Hắn đột nhiên ước ao làm sao để sau này cũng được như họ và thế là từ đó, trong lòng hắn nung nấu sắt đá một quyết tâm trở thành một thầy giáo, phải trở thành người đáng kính đứng trên bục giảng, miệng thì thao thao bất tuyệt trước những đôi mắt xoe tròn thơ ngây, những cái miệng phải há hốc vì kinh ngạc về kho kiến thức vô bờ của người thầy. Hắn học rất giỏi. Vì thế chuyện thi cử đối với hắn chỉ là chuyện vặt. Nhiều đứa bạn biết ý định của hắn cười khẩy: - Mày ngu quá đi. Học giỏi như mày thì đi vào sư phạm làm gì, gõ đầu trẻ có thích thú gì đâu? Thời buổi bây giờ là tiền, là tiền mày hiểu không? Mà để muốn kiếm được nhiều tiền thì phải là Bác sỹ, kỹ sư xây dựng, kế toán tài chính...Đi dạy thì đói sặc gạch đó ông bạn ơi. - Chúng mày thì biết cái gì? Tao yêu cái nghề này. Cái nghề thật vô cùng thanh cao, cái nghề sẽ đào tạo ra những nhân tài cho đất nước, cái nghề mà đi đến đâu cũng sẽ được mọi người đề cao trọng vọng. Mày không thấy người xưa nói hả? "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư". Còn tiền hả, nếu dạy giỏi thì tiền cũng sẽ từ từ đến thôi, với lại đối với tao thì tiền cũng không quan trọng lắm. Cái bọn tư sản thì tao khinh, chỉ rặt toàn phú ông trọc đầu mà đầy sự ngu dốt thôi. - Hắn cười ha hả chê sự thiển cận của bạn bè. Hắn quả thật như tờ giấy trắng. Các thầy, các cô viết lên đó sự dấn thân không ngại gian khổ vì sự nghiệp chung, sự coi khinh hưởng thụ vật chất tầm thường, sự vĩ đại của nghề dạy học, sự hy sinh cao cả vì mầm non tương lai của đất nước...Mưa dần dần thấm lâu vào đất, hắn chợt thấy mình thật sự là con người cao cả, thật sự là vĩ đại trước những ước muốn ti tiện tầm thường của bạn bè. Hắn cảm thấy thật tội nghiệp cho họ, hắn lại thấy mình như một kẻ bề trên và vô cùng thương hại cho những đứa bạn mê muội trong một thế giới, đầy dẫy sự đua chen vật chất tầm thường. Lúc còn sinh viên, đêm nằm ngủ hắn mơ hắn là người thầy vĩ đại, đào tạo ra những thế hệ vĩ nhân của đất nước. Nào là các vị tai to mặt lớn cũng một tay hắn đào tạo, nào là giám đốc này giám đốc kia cũng một thời là học trò ngoan của hắn. Khi hắn bước ra đường, những chiếc xe hơi bóng lộn đang chạy vội vàng tấp vào lề đường cho dù là không được phép và từ trong xe bước ra là những vị bụng phệ cúi đầu lễ phép chào hắn. Hắn sướng đến độ cười sằng sặc trong đêm, làm cho mấy đứa bạn cùng thuê phòng phải hè nhau trùm mền đập cho hắn một trận về cái tội phá giấc ngủ người khác. Nhưng rồi sau bao năm trời đi học, nhiều lúc hắn cảm thấy xung quanh hắn có quá nhiều chuyện khác với những lời rao giảng của thầy cô. Thậm chí trong mắt hắn, những thầy cô từng cao quí một thời đối với hắn, lại trở nên quá nhỏ bé, khi mà hắn chứng kiến những việc lẽ ra họ không nên làm. Hắn chỉ biết lầm bầm tự an ủi: - Hiện tượng chỉ là nhất thời, bản chất mới là mãi mãi. Và cứ mỗi lần tự an ủi như thế, hắn lại bỗng thấy mình cao hơn, vĩ đại hơn và...yêu đời hơn... ***** Hôm nay hắn tới gặp ông Trưởng phòng tổ chức của Sở. Vốn là một ông thầy chính hiệu, nhưng có lẽ ông cũng đã quên mất nghề nghiệp chính của mình. Ông bây giờ đầy sự tự mãn, ngồi lọt thỏm yên lành trong chiếc ghế bành, trong đầu ông đang nghĩ tới luận án Phó tiến sỹ mà lâu nay, ông đang cho mấy đệ tử tin cẩn đi thu thập tư liệu và viết dùm cho ông. Chúng nó thật tệ quá. Ông ngồi rãnh rỗi giở đọc vài trang mà thúi cả ruột, kiểu này chắc lại phải đấm mõm cho Hội đồng giám khảo rồi. Lâu nay ông cứ như ngồi trên lửa, thiên hạ cứ đồn ầm lên về chuyện bằng cấp của ông, kỳ này bằng mọi giá ông phải quyết lấy cho được cái bằng đó. Cái bằng mà đêm nào ông cũng cứ nằm mơ thấy nó lơ lửng trên đầu. Nó như là một vòng nguyệt quế đeo lên cổ người thắng trận. Nó làm cho ông chợt trở nên cao hơn hẳn so với đồng nghiệp: - Chào Phó tiến sỹ, Trưởng phòng tổ chức. Oai thật đấy chứ chả đùa. Ông chợt khoái chí đến nỗi tay chân múa máy, cười ha hả làm cho bà vợ già nằm kế bên cứ tưởng ông đang mơ ở động thiên thai, nên dựng đầu lôi ông dậy ghen tuông một trận làm cho ông mất hết cả hứng. - Dạ chào thầy. - Hắn bước vào một cách khép nép và kính cẩn cúi đầu chào ông. - À. Em đó hả. Ngồi xuống đây. - Ông chợt sực tỉnh khi thấy hắn bước vào và mời hắn ra bàn ngồi uống nước. - Thầy đã coi qua hồ sơ của em rồi, thật là một học sinh xuất sắc, tương lai của em còn bay cao và bay xa hơn nữa. - Ông hồ hởi. - Dạ. Cám ơn thầy. - Hắn như mở cờ trong bụng. - Hiện nay...hiện nay có một chỗ đang trống ở một trường điểm nổi tiếng của Thành phố. Thầy nghĩ giỏi như em mà về đó thì đúng là hổ mọc thêm cánh. - Ông bắt đầu khơi mào và tâng bốc hắn. - Dạ. Em rất biết ơn thầy. - Hắn nhìn ông xúc động và trong lòng cảm kích vô ngần về một người thầy biết yêu quý nhân tài như ông. - À. Gia đình em thế nào? Ông bà già em đều khoẻ hết chứ. - Ông chợt hỏi thăm gia đình hắn. - Dạ. Cám ơn thầy rất khoẻ ạ. - Hắn bỗng nhiên mắt đỏ lên muốn khóc, hắn là cái gì mà được thầy quan tâm đến thế? - Chắc là ba mẹ em thương em lắm phải không? - Ông hơi nhỏ giọng xuống khi thấy hắn chuẩn bị rơi nước mắt. - Dạ. Thưa thầy lẽ tất nhiên là thương em lắm. - Hắn gật đầu, hai giọt nước mắt theo đó rơi xuống nền gạch. - Ừ. Cha mẹ nào chẳng thương con, nhất là con mình sắp tới sẽ có tương lai rạng rỡ. - Giọng ông chợt run run khi thấy nước mắt hắn rơi xuống. - Dạ. Thầy nói đúng ạ. - Hắn thiếu điều muốn ôm chầm lấy ông mà hôn. - Nhà em kinh doanh dạo này có tốt không? Thời buổi bây giờ làm ăn có vẻ khó khăn lắm nhỉ? - Giọng ông lại khe khẽ như tiếng muỗi vo ve bên tai hắn. - Dạ. Nhà em đâu có kinh doanh gì đâu thầy? - Hắn chợt ngạc nhiên ngẩng đầu lên nhìn ông. - Thế sao trong lý lịch của em, trong phần nghề nghiệp của mẹ lại ghi là buôn bán. - Ông cũng ngạc nhiên không kém. - Dạ. Mẹ em chỉ có cái tủ thuốc đặt ở nhà bán nhì nhằng thôi ạ. - Hắn vội giải thích. - À. Ra là vậy...ra là vậy. Thế còn mùa màng và chăn nuôi của nhà ta năm nay được khấm khá không em? - Ông chợt thẳng người lên, giọng ông cũng to dần lên. - Dạ. Nhà em có làm nông nghiệp gì đâu ạ? - Hắn càng ngạc nhiên tợn. - Thế...thế thì sao trong lý lịch của em, phần nghề nghiệp của ba em lại ghi là chăn nuôi trồng trọt. - Giọng ông đã bắt đầu cứng lại. - Dạ. Không phải đâu ạ. Ba em trước đây vốn dĩ là kỹ sư nông nghiệp. Có điều..có điều sau khi ba em bị đột quỵ thì chỉ còn nằm một chỗ, không đi làm nữa ạ. Đấy là do em thuận tay viết nghề nghiệp trước đây của ba em. - Hắn cuống quýt, không ngờ lại gây ra sự hiểu lầm cho người khác. - À. Thì ra là vậy... - Ông có vẻ đã hiểu. Trầm tư suy nghĩ một lúc ông mới từ từ nói tiếp: - Vừa rồi thầy mới làm nhà, mà em biết rồi đấy, làm nhà là phát sinh ra ghê lắm. Thầy chỉ tính làm be bé thôi, làm gì có tiền, chỉ ba tầng là ở thoải mái rồi phải không em? Ông cha ta nói "Ăn thì nhiều chứ ở bao nhiêu?". Nhưng mà vợ thầy, thiệt là đàn bà, đàn bà thì luôn có tính tham lam phải không em? Vợ thầy cứ cằn nhằn thầy suốt, cả đời mới làm được cái nhà thì làm năm tầng luôn chứ ba tầng bỏ bèn gì? Sau này con cháu lúc rãnh rỗi mà nó ghé chơi thì còn có chỗ mà cho nó ở chơi vài ngày. Do đó nên việc làm nhà của thầy phát sinh ra tùm lum. Một ông bạn của thầy biết chuyện, ông ấy rất hào phóng nên có giúp cho thầy khoảng hai chục cây vàng. Thật là quá may mắn cho thầy, nếu không thì có lẽ thầy...chẳng có nhà mà ở. Em thấy bạn bè như ông ta là quá tốt phải không em? - Dạ... - Hắn gật đầu, trong lòng nghĩ thầy quả là có bạn tốt, nhưng mà thầy ở nhà năm tầng cơ à? Thầy giáo như vậy ai bảo nghèo. Hắn cảm thấy mình chọn nghề thật là đúng. - Ông ấy cũng vừa có đứa con mới tốt nghiệp sư phạm ra, hôm kia ổng mới gọi điện nhờ thầy giúp đỡ. Thầy...thầy thật là khó nghĩ quá, người ta đã giúp mình mà đã làm người thì không nên quên ơn phải không em? - Dạ... - Tâm tư hắn chợt động. Khẽ liếc nhìn dò xét khuôn mặt của ông ta, hắn vẫn không thấy có biểu hiện gì khác lạ. - Mà con của ông ta thầy nhìn vào hồ sơ thì không thể nào bằng em được, em mới thật sự là nhân tài của đất nước, còn con ông ta chẳng qua chỉ là dạng...bình thường thôi. Thầy thật là khó xử quá đi, nếu mà nhận em thì không nhận con ông ta, nhưng thầy thì lại không muốn làm người vô ơn. Em hãy xem thử nếu là như em trong trường hợp này em sẽ giải quyết như thế nào? -... - Hắn đã hiểu, bàn tay hắn chợt nắm chặt lại. Cử chỉ đó không qua được mắt ông. Ông chợt đổi giọng ra vẻ khuyên răn nhưng không kém phần nghiêm nghị: - Thông thường thì trước khi về dạy tại một trường Thành phố, các em phải có nghĩa vụ và đồng thời phải trau dồi kinh nghiệm ít nhất là một vài năm ở những nơi vùng sâu vùng xa. Ngày xưa các thầy cũng thế, phải cố gắng rèn luyện ở những nơi như vậy thì ta mới có bản lĩnh vững vàng về sau này. Ở những nơi đó em sẽ thấy thương yêu và quý những học sinh của mình, những đứa trẻ thật tội nghiệp phải bươn chải kiếm ăn một nắng hai sương, chúng nó nghèo khổ và thất học tội lắm em ơi, chúng nó rất cần những người như em để giúp đỡ. Hãy vì sự nghiệp chung em nhé. -... - Hắn thấy tai mình lùng bùng. - Thôi thì thế này vậy. Em cứ hãy về tạm nơi đó một thời gian đã, trước cũng là tập tu dưỡng và sau cũng là trang bị kinh nghệm cho riêng mình. Còn về phía thầy, sau này có chỗ nào khác thầy sẽ cố gắng thu xếp giúp cho em. -... **** Hai mươi năm sau, cũng căn phòng đó, cũng ghế ngồi đó, nhưng ông Trưởng phòng tổ chức lại là một con người khác. Ông cũng đang nghĩ đến luận án Phó tiến sỹ vừa cho mấy đệ tử đi thu thập dữ liệu. Ông còn đang trầm ngâm suy nghĩ thì có một chàng thanh niên bước vào. - Dạ. Chào thầy. Ông lại nhớ về cuộc nói chuyện hai mươi năm trước và ông cũng bắt đầu: - Hiện nay có một chỗ đang trống ở trường điểm nổi tiếng của thành phố... Trong đầu ông chợt nghĩ vẩn vơ "Hiện tượng chỉ là nhất thời, bản chất mới là mãi mãi"...