ất đai bỗng nở rộ mùa tiền. Ông Hai Lấn bỗng chốc trở thành “đại gia”. Năm nay ông đã xấp xỉ ngũ tuần, con cái đều trưởng thành. Có đứa đã lập gia đình, những đứa khác công việc làm ăn ổn định. Nhưng bất kể lớn bé, ông chia cho mỗi đứa vài chục lượng vàng gọi là chia phần phước lộc của gia tộc.
Riêng ông, một căn nhà 5 tầng cao ngất ngưởng, sân vườn trồng toàn cây cảnh đắt giá, hòn non bộ có con suối giả nước chảy róc rách, thả tép kiểng đủ loại. Ông nói với bà Hai, vợ ông:
- Ở nhà lụp sụp chán rồi! Trồng rẫy trồng khoai, nuôi cá tra cá vồ cơ cực hơn nửa đời người, bây giờ ngắm “bon sai khủng”, nuôi tép “rét nô sờ, bờ lu bi” cho nó sướng.
Bà Hai cự nự:
- Nhưng ông xây làm chi căn nhà bự xự quá đỗi, ở sao hết. Tụi nhỏ đã ra riêng trọi trơn, chỉ còn thằng Út Éc. Nhiều khi đêm hôm, thấy phòng ốc thênh thang, tui bắt sợ!
- Sợ gì?”.
- Thì sợ ma chứ sợ gì!”.
Ông Hai Lấn cười ngất:
- Hồi xưa đất rộng nhà thưa, nửa khuya bà xách đèn thùng đi thăm câu thăm lợp còn chưa có con ma nào dám nhát. Bây giờ nhà cửa mọc san sát, đường nhựa dọc ngang như bàn cờ, đèn điện sáng choang còn con ma nào dám ở đây mà bà sợ!
Bà Hai nhìn chồng. Dạo này trông ông trẻ ra hàng chục tuổi nhất là từ khi “tân trang” lại bộ răng, nụ cười của ông trở nên trong sáng, vô tư hẳn. Đúng ra răng ông còn tốt lắm, chỉ mới bể một cái răng cấm ở hàm trên và hai cái ở hàm dưới, ông nhai mía cây rào rào như voi và khoái nhậu món gân bò. Nhưng vì lười đánh răng và hút thuốc rê quá nhiều nên vàng đen cả mặt răng trong lẫn ngoài, do vậy thời gian trước đây ông già trước tuổi. Bộ răng “trẻ” này, ông Hai tốn hàng trăm triệu đồng. Vì thế ông hay cười để khoe đẹp, khoe sang. Nhưng bà Hai lại không ưa bộ răng “lên đời” của ông Hai. Bà nói: “Tui thấy nó giống… quỷ!”. Ông lại cười nhe răng: “Quỷ mà có răng đẹp vậy sao?” Bà quay mặt đi: “Giống như lấy răng của ai đắp vô bộ mặt ông, chứ hổng phải là ông”. Bà nghĩ, giá như lúc này mà ông… hôn bà, chắc bà ớn lạnh mà xỉu mất.
Đã thế, ông Hai còn “mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao”, đầu tóc xịt keo bóng lưỡng. Ông không còn uống cà phê quán cóc, nhậu rượu đế cây nhà lá vườn nữa mà xách chiếc xe máy tay ga đi mãi tận đâu đâu. Có người nói ông uống cà phê “đèn mờ đèn tối”, có người mách ông nhậu “bia bóp bia ôm”. Bà Hai chẳng quan tâm, không phải không ghen mà thật lòng bà đã hơi bị dị ứng với cái hình tướng nửa trẻ nửa già, nửa quê nửa tỉnh của ông. Hơn một năm rồi, từ dạo ông “lên đời”, bà cảm thấy ông lạ lẫm như… người dưng. Sinh hoạt gia đình dường như chỉ là… tình hàng xóm. Thỉnh thoảng con trai, con gái, dâu, rể kéo về ầm ầm tiếng xe máy nổ. Chúng thách nhau mua bia lon, rượu tây, thách nhau uống rồi ngà ngà bàn toàn chuyện làm ăn lớn, chuyện các loại xe đời mới, chuyện những show diễn thời trang, chuyện cho con cháu sang nước ngoài du học, rồi bắt qua chuyện kinh tế chính trị thế giới. Bà ngán ngẩm bỏ vào phòng nằm một mình cho yên thân, chúng cũng quên luôn sự vắng mặt của bà trên bàn tiệc. Thỉnh thoảng có đứa nào đó đi “toa-let” xả bia chợt nhớ ra, ghé vào phòng thăm hỏi vội vã: “Má mệt hả má?”- “Ừ!”- “Bữa nào con mua cho má một mớ trà sâm Hàn Quốc chính gốc, uống vô khoẻ liền!” Nói xong, nó quay ra phòng khách nhậu tiếp.
Bà thèm có một người nói chuyện với bà về ruộng nương mùa màng, về những đoá hoa mướp, hoa bí rợ vàng óng có những con ong bầu to đen như hạt nhãn vo ve vờn lượn rập rờn. Chuyện nửa đêm thức giấc thả câu, ngan ngát mùi cỏ ẩm sương trên bờ ruộng, lách chách tiếng cá đớp mồi trên mặt nước lấp xấp nửa thân cây lúa… Nhưng tình yêu thiên nhiên của bà Hai không thể mãi tồn tại trước sự cuốn rút, thúc đẩy của đời sống đương đại. Cũng giống như hình ảnh của những cánh đồng trên các vùng ven đô không thể tồn tại trước sự bành trướng của nhu cầu nhà ở, của mức sinh hoạt thiên về khoa học kỹ thuật hiện đại.
Ông Hai thì trách vợ:
 - Bà không chịu đổi mới tư duy, sẽ bị bánh xe… thời đại nghiền nát. Đó, bây giờ bà thử dắt bò đi “chơi” hoặc đào ao nuôi cá kiểu “trên ra dưới vô” coi có bị người ta kiện bà về tội làm ô nhiễm môi trường không? Nửa khuya bà thử xách đèn thùng đi “thăm câu” coi, bà sẽ được “mời” vô bệnh viện tâm thần nghiên cứu lại bộ não ngay! Trong xóm này mọi người thay đổi, nhà ta phải thay đổi. Trong nhà này, tui thay đổi thì bà cũng phải thay đổi. Bà đã hiểu chưa?
Thấy chồng giận dữ, bà Hai ngồi xuống ghế, dịu giọng:
- Ông muốn tui thay đổi làm sao?
- Bà năm nay mới xấp xỉ tuổi năm mươi, đâu phải là già. Người ta còn biểu diễn thời trang tuổi bốn mươi trên ti vi kia kìa. Thứ nhất bà phải dẹp cái “cục bướu” trên đầu bà đi, nghĩa là phải cắt ngắn hoặc để dài cũng được nhưng phải đúng mốt và tuyệt đối không bới tóc nữa. Thứ hai, ra đường phải mặc quần “din”, quần “sót”, áo “bun”, váy ngắn, váy dài, giày cao gót cho “mô đen”, ở nhà hoặc trong xóm phải diện đồ bộ đúng kiểu cách, tối phải mặc áo ngủ cho… lịch sự cái giấc ngủ. Thứ ba, điều này phải làm ngay, bà ghi danh học thể dục thẩm mỹ để “tút” lại cái ngoại hình. Làm được không?
 Bà Hai ngần ngừ:
- Riêng về cái chuyện thể dục thẩm mỹ, tui mắc cỡ lắm!
Ông Hai quát lên:
- Mắc cỡ là thế nào? Nói cho bà biết, ngay sáng ngày mai tui đi tập quần vợt. Buổi tối học nhảy đầm. Sống là phải lạc quan và trẻ trung. Nếu bà không… trẻ kịp với tui thì… đừng trách!
Vốn dĩ là một người vợ ngoan. Bà không để chồng phải phiền trách nhiều lần. Thoạt đầu bà ngượng lắm về sự thay đổi tóc tai quần áo, nhưng rồi cũng dần quen, bà thấy mình đẹp và muốn được trẻ đẹp hơn nữa. Thói quen của con người thật kỳ lạ, nó làm cho người ta dễ sống hơn mà cũng dễ làm cho người ta khó sống. Bà đâm “nghiện” vào những nơi cắt tóc sang trọng và mua sắm thời trang, mỹ phẩm. Từ thể dục thẩm mỹ, bà chuyển qua học khiêu vũ và rồi nghiện những buổi dạ hội, vũ trường với không khí màu sắc, hương thơm, tiếng nhạc, bước nhảy và… vòng tay đàn ông. Nhưng điều đặc biệt là bà vẫn chưa bị người đàn ông nào trong thế giới ăn chơi này lôi cuốn. Có lẽ thói quen thôn dã năm nào còn chút tồn đọng trong lòng, bà chỉ thích một con người bình dị chất phác trong cách nhìn tình cảm của bà. Cho đến ngày nọ…
Ông Hai Lấn quyết định mua ô tô. Bà Hai hỏi kháy:
- Ông lái chắc? Xe hơi hổng dễ như xe bò đâu nghen?!
Không hề giận, ngược lại ông còn rộng mở hàm răng “trăm triệu bạc”:
- Khà khà! Bộ bà tưởng mấy thằng tài xế đó nó đánh xe bò được như tui sao? Không biết thì học, dễ ẹc. Nhưng có tiền mua xe hơi mà lại ngồi lái thì coi giống tài xế quá, đâu có ra dáng ông chủ. Tui sẽ mướn tài xế.
Bà Hai lắc đầu:
- Mắc cười, khi không lại nuôi tài xế!
 Ông Hai giải thích:
- Tui tính hết trọi trơn rồi! Không phải mua một mà là ba chiếc. Một chiếc 12 chỗ ngồi, một chiếc 4 chỗ sàng sàng, riêng một chiếc đời mới thứ thiệt. Mình mở dịch vụ cho thuê xe du lịch. Vừa làm ăn mà cũng vừa có xe hơi đi cho nó oách. Lúc này bạn bè của bà, của tui tới chơi hà rầm, thấy nhà của mình bự xự như vầy mà thiếu cái xe hơi, giống như tui mở gói ba số ra mà trong đó trống bốc chỉ có mỗi một điếu, thấy nó dỏm lắm!
Nói là làm, ông Hai mua ngay ba chiếc ô tô, thuê hai tài xế. Nhưng oách thì có oách, còn chuyện dịch vụ du lịch thì lột hết cuốn lịch cũng chưa có ma nào tới thuê xe du lịch du hí gì cả. Điều đó chuyện nhỏ. Chuyện lớn là chiếc đời mới cứ vun vút chở ông đi du hí hết tụ điểm này tới nhà hàng kia, có khi trực chỉ Vũng Tàu, hứng chí thì vút tận Đà Lạt, Nha Trang cho phỉ chí tang bồng hồ thỉ. Trên xe ngoài ông và tài xế, còn có những ai? Đó là chuyện bí mật của ông Hai.
Còn phần bà Hai thì sao? Chiếc bốn chỗ ngồi loại sàng sàng và… ông tài xế cũng thuộc tuýp người tàng tàng - tuổi xấp xỉ năm mươi, quê ở Cần Thơ lên thành phố tìm việc làm, tính tình chất phát, bình dị, nói năng chân chất quê mùa- là thuộc về bà Hai. Nhưng lạ ở chỗ, từ khi có ô tô, bà Hai dần hồi hờ hững với các buổi tiệc đêm với bạn bè, xa lánh các nhà hàng khiêu vũ. Bà mất dần thói quen cũ, bắt đầu một thói quen mới hơn: đi về những vùng quê, nơi có đồng cỏ xanh rì, có lúa vàng bát ngát, có những con cá, có những cần câu và có… ông tài xế tàng tàng!
* * *
Chuyện “tình ngoại” này đã xảy ra từ khoảng hơn 6 tháng trước đây. Đến nay tất cả mọi người trong gia đình ông Hai Lấn vẫn chưa ai phát hiện ra, và có lẽ sẽ chẳng bao giờ phát hiện được khi mỗi người còn mãi đắm chìm trong đời sống hưởng thụ vị kỷ riêng mình, khi bộ răng trăm triệu của ông Hai Lấn vẫn còn toe toét chào đón những thú vui cao sang ngộ nhận, khi tình nghĩa của người chồng còn bận đi chơi xa chưa quay về để tìm lại vợ mình, khi những đứa con còn khư khư trong lòng giấc mộng “tiền đẻ ra tiền” mà quên đi ai là người đã đẻ ra họ, khi họ vẫn còn trông mong tờ di chúc chia phần thừa kế, khi chữ hiếu vẫn còn bị đè bẹp bởi căn nhà lầu năm tấm và mớ tài sản chất chứa bên trong!
Bí mật của bà Hai và ông tài xế còn lâu lắm mọi người trong nhà mới biết, trừ tôi. Tôi là ai và tại sao tôi biết? Xin thưa, tôi là thằng Út Éc của gia đình tôi. Một đêm khuya khó ngủ, tôi loanh quanh khắp nhà và phát hiện mẹ tôi ngủ với ông tài xế trong một căn phòng trống –một trong hai mươi căn phòng bỏ không- trong căn nhà cao năm tầng, rộng tám trăm mét vuông của cha mẹ tôi. Tôi biết họ thường đi những đâu, quan hệ với nhau thế nào. Tuy nhiên tôi sẽ không bao giờ tiết lộ điều bí mật này, bởi vì tôi thương mẹ hơn tất cả những gì thuộc về vật chất trong ngôi nhà này. Tôi hiểu đây là bí mật, là niềm vui gượng gạo cuối cùng của mẹ tôi. Chắc chắn mẹ tôi sẽ ray rức vì sự phản bội của mình, nhưng thà vậy, bà không khô héo chết dần vì sự phản bội của cha tôi, không đơn độc trong ngôi nhà của chính mình, không sống mỏi mòn trong sự hững hờ của những người ruột thịt thân thương nhất.
NTH

Xem Tiếp: ----