Tôi đã đến Huế hai lần, lần nào cũng vội vã vì bận công việc nên chỉ ở lại một hai ngày. Huế vốn thâm trầm, thầm lặng, nên chẳng thể hiểu vội vã được. Tôi đã liều viết cái phần mình chưa hiểu về Huế nên không tránh khỏi sự hiểu lầm. Rất mong bạn đọc gốc Huế lượng thứ.
°
*
Tường dắt tôi đi thăm lăng Tự Đức. Vốn là dân Huế nên Tường rành rọt, chỉ cho tôi biết nơi nhà vua xem hát bộ, nơi cung nữ ở... Khiêm Lăng to lớn này được xây dựng trong ba năm và vua thường đến đây vừa nghĩ ngơi vừa chiêm ngưỡng nơi sẽ chôn cất mình.
Ngồi nghỉ chân dưới bóng mát một cây sứ cổ thụ, bên ngôi mộ xây bằng đá cẩm thạch của vua, tôi tò mò đọc bài thơ chữ nôm của vua Tự Đức in trên tấm vé bán vào thăm lăng. "Khôn dại cùng chung ba tất đất, Giàu sang chưa chín một nồi kê". Tôi thầm hỏi: "Vua đã viết được như vậy, sao còn làm khổ người dân xây chung quanh "ba tấc đất" của vua nhiều ngôi nhà to lớn như một cung điện? Phải chăng từ xưa đến nay, giữa viết và làm thường khác xa nhau?"
Trưa hè ở Huế trời nắng gắt. Khi rời khỏi lăng vua Tự Đức, tôi cảm thấy đói bụng. Tôi nói Tường chở tôi đi ăn một món ăn Huế. Tường nói sẽ chở đến quán bánh khoái. Nơi đó cô gái bán hàng biết mười ngoại ngữ.
Tôi tin là Tường nói thật. Người Huế vốn ham học. Cô gái hàng ngày phải giao dịch với nhiều khách du lịch nước ngoài nên có thể em đã học được một số ngoại ngữ. Nhưng biết được mười ngoại ngữ thì cũng đáng nể, tôi hối thúc Tường chạy xe Honda thật nhanh để được gặp mặt cô gái. Vừa "no mắt" vừa no bụng.
Tường dừng xe trước một quán bán bánh khoái gần chợ Đông Ba. Khách ra vào tấp nập. Nhiều nhất vẫn là khách du lịch nước ngoài mặc quần soọc vai mang balô. Phải đợi một lúc, chúng tôi mới có ghế ngồi. Những chiếc bánh khoái nóng hổi được đem đến. Chúng giống như bánh xèo ở Sài Gòn nhưng chỉ nhỏ bằng lòng bàn tay và được chiên vàng rụm. Đặc biệt bánh khoái ăn với tương chứ không phải nước mắm chua ngọt. Ăn xong một chiếc bánh khoái mùi rau húng quế còn thơm ngát trong miệng, tôi hỏi Tường:
- Cô gái biết mười ngoại ngữ đâu?
Tường cười chỉ cô gái mặc áo thun đỏ, váy trắng (điều hiếm thấy ở các cô gái Huế) đang đứng nói chuyện với một ngoại kiều cách chỗ tôi ngồi hai cái bàn. Em đứng quay lưng lại nên tôi không nhìn thấy khuôn mặt em. Hai người đang trò chuyện vui vẻ, rất tiếc họ đứng hơi xa nên tôi không nghe rõ họ nói tiếng nước nào.
Một khách nước ngoài ngồi gần bàn tôi, gõ đũa vào miệng chén. Cô gái quay lại nhìn rồi bước đến tính tiền. Lúc này tôi mới nhìn rõ khuôn mặt em. Một khuôn mặt thanh tú với đôi mắt to đen láy và cái miệng luôn cười. Người khách chỉ những đĩa thức ăn trên bàn. Cô gái gật đầu nhẩm tính rồi ghi vào phiếu tính tiền đưa cho ông ta xem. Người khách chỉ vào một cái đĩa và giơ hai ngón tay. Cô gái cười ghi thêm vào phiếu tính tiền. Người khách móc tiền ra trả và cười nói: "How old are you?". Đáp lại, cô gái xòe hai bàn tay ra hai lần, lần sau em cụp lại một ngón cái.
Bây giờ tôi mới hiểu Tường đã "chơi chữ". Cô gái bị câm và phải nói chuyện bằng 10 ngón tay. Uống một ngụm bia Huda, tôi hỏi Tường:
- Cô gái bị tật hồi nhỏ à?
Tường gật đầu rồi nói:
- Cả ba chị em đều bị câm.
- Bệnh di truyền?
- Không, ba mẹ mấy cô đều nói năng bình thường. Người ta đồn rằng mộ ông nội của mấy cô táng trúng lưỡi rồng nên gia đình làm ăn phát đạt, bù lại con cháu đều bị câm. Nếu dời mộ đi chỗ khác, các cô sẽ nói được nhưng bù lại gia đình sẽ nghèo mạt ba đời. Cô chị đang đứng đổ bánh khoái đó. Cô thứ hai đi tính tiền, còn cô út ở trên lầu lâu lâu xuống phụ việc. Cũng may ba chị em tuy không nói được nhưng vẫn nghe được và họ viết chữ rất đẹp.
Tôi không biết đấy có phải là điều "may" hay càng khốn khổ hơn khi người ta nghe được mà không nói được?
Đợi quán thưa khách, tôi gọi cô gái đến tính tiền để có dịp trò chuyện. Cô gái đếm những đĩa bánh khoái và hai chai bia trên bàn rồi em viết phiếu tính tiền. Tôi hỏi:
- Em tên gì?
Cô gái cười nhìn quanh rồi chỉ bức tranh vẽ hồ sen Tịnh Tâm treo trên tường.
Tôi nói:
- Em tên Liên?
Cô gái gật đầu. Tôi hỏi tiếp:
- Nhưng gì... Liên?
Em viết trên phiếu tính tiền chữ Diệu.
- Diệu Liên! Tên hay quá. Đóa sen huyền diệu.
Cô gái e thẹn cúi đầu. Tôi bắt đầu kể lể: Tôi ở Sài Gòn mới ra thăm Huế lần đầu. Đến một nơi nào xa lạ, tôi nghĩ không phải chỉ đi xem thắng cảnh hay đi dạo phố xá mà hiểu được nơi đó. Cần phải thưởng thức những món ăn đặc sản và nhất là phải làm quen với một cô gái, nhờ vậy mình sẽ hiểu nơi đó hơn. Tôi đã ăn bánh khoái Huế rất ngon. Tôi muốn em giúp tôi hiểu Huế thêm một chút nữa được không?
Cô gái nhìn thẳng vào đôi mắt tôi. Cũng may vì vội vã khi ra Huế, tôi đã bỏ quên đôi kính cận một độ của mình ở Sài Gòn nên nhìn đôi mắt tôi lờ đờ như đôi mắt cá ươn rất "vô tư", cô gái đã thương hại gật đầu.
Buổi tối mùa hè, Huế đã mát nhờ những hàng cây hai bên đường rì rào tiếng lá. Tôi chở Diệu Liên trên chiếc xe Honda mượn của Tường. Em ngồi sau chỉ đường bằng cách vỗ vai phải, vai trái của tôi và tôi sẽ quẹo phải hay quẹp trái.
Nhờ em tôi mới biết hồ Tịnh Tâm với ngôi nhà ngồi hóng mát bị sụp đổ một bên, không còn nguyên vẹn như trong bức tranh vẽ treo ở quán em. "Đường phượng bay" xanh rì bóng lá vì mùa hoa phượng đã tàn. Bánh cuốn ở Kim Long khác hẳn bánh cuốn ở Sài Gòn. Và chè thịt heo quay ngon hơn chè sâm bổ lượng ở Chợ Lớn.
Tôi hỏi: Em hãy chỉ tiếp cho tôi biết nơi nào bán cơm hến, bánh ướt, chè bắp?
Em che miệng cười khúc khích. Tôi đưa cuốn sổ tay cho em và em viết: Ông tham ăn quá. Những món ăn ngon, ông ăn cùng một lúc, chúng cũng sẽ hết ngon.
Tôi nói: Nhưng ngày mai tôi phải về Sài Gòn rồi. Làm sao tôi có thể thưởng thức những món ăn kia?
Em viết: Chúng sẽ mãi còn ngon khi ông còn háo hức muốn ăn?
Tôi nói: Thôi bây giờ chúng ta đi uống càphê. Tôi muốn biết cà phê ở Huế ngon cỡ nào.
Em gật đầu và tôi tiếp tục chở em đi. Cầu Tràng Tiền đang sửa chữa lại, em chỉ tôi chạy xe qua cây cầu mới. Chúng tôi vào một quán cà phê lộ thiên ở sát bờ sông Hương, ngay phía trước trường Quốc Học.
Tôi chọn một cái bàn đặt ngay dưới bóng đèn điện sáng choang. Chẳng phải tâm hồn tôi ưa thích sự trong sáng mà vì ngồi ở nơi sáng sủa, tôi mới có thể đọc được những câu em viết trả lời.
Tôi gọi cho em một ly đá chanh và cho tôi ly cà phê đen. Rất bất ngờ tôi được nghe lại giọng ca Tuấn Ngọc với bài "Chiều một mình qua phố" của Trịnh Công Sơn ở quán cà phê này. Diệu Liên mấy máy đôi môi hát theo. Tôi hỏi:
- Em cũng biết bài hát này à?
Diệu Liên gật đầu và môi em tiếp tục mấy máy. Tôi buồn muốn khóc khi thấy em say sưa hát một bài ca không thành lời. Im lặng là vàng, đúng vậy. Nhưng im lặng mãi sẽ là đất đá. Tôi không muốn em là đất đá. Tôi thầm cầu mong cho em một lần được nghe giọng hát của chính mình. Bài hát dứt, môi em vẫn còn run run vì xúc động hay vì lời ca "ngoài kia không còn nắng mềm, ngoài kia ai còn biết tên?"
Không ngăn được tò mò, tôi hỏi em câu chuyện người ta đồn về gia đình em mà Tường đã kể cho tôi nghe lúc trưa.
- Chuyện đó có thật không?
Em gật đầu. Ôi "ba tấc đất" của người chết đã làm khổ người sống quá nhiều! "Giàu sang chưa chín một nồi kê". Tại sao người ta bắt im lặng mãi? Tự nhiên tôi nổi sùng nói:
- Em hãy cho tôi biết mộ ông nội em nằm ở đâu? Tôi sẽ thuê người ta dời mộ để em nói được. Em cần phải nói, phải hát.
Em khẽ nắm tay tôi lắc lắc. Rồi em cúi xuống viết vào cuốn sổ tay tôi để trên bàn: Ông cần em phải nói, ông mới hiểu? Sông Hương có nói chi mô mà người ta cũng hiểu nó.
Viết xong, em ngẩng lên nhìn dòng sông Hương lấp lánh ánh trăng. Mặt nước phẳng lặng không gợn sóng. Gió từ mặt sông thổi lên mát rượi. Tôi nhìn vào đôi mắt em đang mở lớn. Đôi mắt cũng lấp lánh ánh trăng nhưng có nói chi mô. Đôi mắt đó câm hay tâm hồn tôi điếc?
Huế 7-1993
Đoàn Thạch Biền