à Vận đã nhẩm tính rồi. Thế nào thì tháng tới, cô giáo Tâm cũng phải đem em bé mới sinh từ nhà mẹ đẻ ở quê lên thành phố để bắt đầu trở lại nhà trường, và chắc chắn thế nào cô giáo cũng phải nhờ cậy đến sự giúp đỡ của bà.
Làm sao mà không cậy nhờ bà được, vì chồng cô, anh đại úy công an ở bộ phận chống tội phạm ma túy liên tục đi công tác xa. Nhẩm tính của bà Vận còn chậm hơn thực tế nhiều. Mới ở cữ được hai tháng, còn những hai tháng nữa mới hết thời hạn nghỉ, đã thấy cô giáo từ quê lên. Và lên hôm trước, hôm sau đã thấy gõ cửa, ghé vào:
- Bà ơi, cháu có câu chuyện muốn trình bày với bà.
Rồi tiếp đó là vân vi, dè dặt ướm hỏi vòng vo mãi mới dám đặt vấn đề.
Bà Vận giấu cái khấp khởi trong lòng, rót chén nước đưa mời cô giáo, rồi làm mặt ngơ ngẩn:
- Ơ, tôi cứ tưởng bà cụ ở quê lên cùng cô?
- Mẹ cháu cũng muốn lên đỡ đần cháu lắm, ngặt cái mẹ cháu dạo này đau yếu luôn. Ở dưới đó lại còn việc đồng áng và học hành của mấy đứa em cháu.
- Thế bà cụ bên nhà chú ấy?
- Ôi, bà nội cháu mấy năm nay liệt giường liệt chiếu, nhúc nhắc thân mình còn chả nổi nữa là. Thôi, mọi việc cháu cứ dựa cậy nhờ vả ở bà tất đấy!
Được lời như cởi tấm lòng, bà Vận vui vẻ hẹn ngày. Và chỉ hôm sau, cu Lợi con cô giáo Tâm đã ở trong vòng tay bế ẵm của bà. Mấy năm nay, bà Vận ở nhà, chân tay rỗi rãi quá. Thì có việc gì mà làm, khi về hưu, quanh vào quẩn ra chỉ có hai ông bà già, con cái không, cháu chắt không. Lại nữa, vợ chồng chỉ là anh công nhân đơn thuần, lương vừa đút miệng, gia tư đồng tiền, đất đai vườn tược không, buôn bán thì một trinh một chữ không, lại cũng không quen thớ lợ, lòng dạ thật thà như đếm. Xí nghiệp làm đồ chơi trẻ con bằng sắt tây, lương thợ có hồi chỉ đong được hơn yến gạo, lại ứ đọng sản phẩm vì đồ chơi cao cấp ở nước ngoài tràn vào. Đã thế, ông giám đốc lại xài sang, lại vung tay quá trán và sống chết mặc bay, tiền thầy cứ việc bỏ túi. Vốn liếng toàn xí nghiệp có chừng một tỉ, ông giám đốc sắm cái ô tô nửa tỉ cho cá nhân sử dụng, hỏi còn tiền đâu mà làm ăn, bươn chải trong cơ chế thị trường. Về nghỉ tuy sớm hơn tuổi tí chút mà cũng chẳng tiếc nuối là vì vậy. Nhưng về nghỉ rồi mới thấy trống trải quá! Mình là người lao động chân tay, từ đầu hôm sớm mai đến xẩm tối, bận rộn nó quen rồi. Nay tay thừa chân thừa, ngày hai bữa vào ra, thấy mình như người dôi dư, người thừa. Người thừa, người vô tích sự thật, vì mình có cần cho ai nữa đâu, vì mình có làm ra được việc gì sinh lợi nữa đâu. Nghĩ mà buồn!
Nhưng bây giờ thì bà Vận có công có việc rồi. Đón cu Lợi từ tay cô giáo Tâm, bà chằm bặp rối rít như đón khách quý. Thằng bé mới hai tháng tuổi được sữa mẹ tốt, tròn như cục bột, hồng như trứng gà bóc. Mặt nó xinh, mắt nó sáng. Thấy bà nó loe loe làn môi, hở cái lợi đỏ hỏn, cười toe toét. Bà xoa đầu nó âu yếm bảo rằng: Đầu em còn tí cứt trâu, để bà đun nước đậu ván gội cho sạch nhé. Rồi đang rung rung nó trên tay, thấy ông chồng to béo phục phịch tay cầm cái vợt cầu lông từ ngoài sân đi vào, liền nâng nó lên, cao giọng như hát:
- Ông ơi, tôi vừa bắt được cục vàng cục bạc đây này.
Ông Vận đi tới, cúi xuống, đưa ngón tay to sều gại gại vào má cu Lợi, mắt nheo nheo, miệng tậc tậc. Bà Vận liền gạt tay ông, áp vào má cu Lợi, hít hà:
- Ông đi tắm đi rồi cháu mới chơi với ông. Cháu ngoan lắm. Cháu sạch sẽ lắm, ông ạ.

*

Cũng là về hưu mà ông Vận có đâu rỗi rãi. Cánh đàn ông họ đều như vậy cả. Một là, dứt khoát từ trong tư tưởng, đã hết thời hạn làm việc, đã nghỉ là nghỉ, không lằng nhằng. Hai nữa, họ tự bày ra lắm việc thật. Hết hội cầu lông lại đến câu lạc bộ thơ ca và nhiều nhất là... họp.
Họp tổ dân phố. Họp chi bộ. Họp chi hội cựu chiến binh. Họp chi hội người cao tuổi. Họp! Họp có nhẽ còn hơn cả hồi đương chức. Họp như thích họp, như thèm họp, như không họp thì nhớ. Và đã họp thì lê thê dài dòng, ông nào cũng tràng giang đại hải, nói như sợ không bao giờ được nói nữa.
“Bà này, công văn triệu tập các cụ họp tôi soạn rồi đây, bà giúp tôi sao làm tám bản, gửi cho tám cụ, rồi tôi ký”, một bận, ông Vận nói. Bà Vận đây đẩy kêu chữ tôi xấu lắm cũng chẳng được với ông, đành hì hụi viết để ông ký rồi đi gửi. Nào ngờ vừa gửi đoạn về đến nhà, đã lại thấy ông chồng già thảo xong cái công văn khác báo hoãn họp, yêu cầu bà chép lại hộ cũng tám bản như lần trước. Bà nói để bà đi báo miệng, nhưng nói mãi cũng không được. Thì hóa ra, ông chồng bà thích được ký tên. Ôi, đàn ông chẳng anh quái nào mà không thích danh. Già cốc đế rồi còn thích chức vị, thích lên mặt dạy bảo mọi người!
Ấy thế, tám cụ họp, mỗi cụ phát biểu một lần mà hết trọn cả buổi sáng. Vào họp, biết nhau cả rồi mà cứ xưng danh kể lể hồi ức cái đã, ấy cái hồi ấy tôi chỉ huy ở Đắk Lắk, ở Khe Tre, ấy cái hồi ấy tôi còn là cấp trên của ông thứ trưởng nọ, ông tướng kia... Rồi tiếp đó là chuyện trên giời dưới đất. Hết chuyện Mỹ sa lầy ở Irắc đến chuyện chó dại ở phường; việc giá điện tăng cao vô lý; nhà nọ vợ chua ngoa chửi chồng, nhà kia anh em ruột thịt đánh nhau vì đất cát; hôm kia, thằng nọ mới ở tù ra cần nêu cao cảnh giác với nó; tối qua, nhà ấy để cửa không khóa mất cái xe máy Cyrus, vậy phải loan báo nhau ngay thủ thuật mới của bọn ăn trộm, vân vân và vân vân.

*

Nhưng, hồi này cuộc họp của tám cụ ở nhà bà Vận xem ra chẳng còn hăng hái như mọi khi. Nó chủng chẳng, đứt đoạn ngay từ khi mới bắt đầu, từ lúc bước vào nhà, cụ nào cụ nấy sà ngay đến cái cũi gỗ cu Lợi nằm ngủ ở bên trong, và ngây người cả lượt: Ơ, ông bà có thằng cu hay nhỉ!
Cu Lợi ngủ khì khì. Cu Lợi múm mím cười trong mơ. Cu Lợi tỉnh dậy, dụi mắt, ngáp rõ tròn. Rồi cu Lợi đạp tung cái tã ướt dầm và khóc hè hẹ. Các cụ ngắt cuộc họp, mon men đến với nó, nhìn nó hất hàm ầu ơ với nó. Bà Vận ở ngoài sân vội chạy vào, bế phắt cu Lợi lên, vừa thay tã cho nó, vừa luôn miệng: Bà xin lỗi em. Bà xin lỗi em. Bà không biết! Rồi bế nó ra cái võng ở góc nhà, đánh võng lên, ngoảnh về phía các cụ, xoa xoa tay, lắc đầu quầy quậy: Bà xin lỗi em. Ông không được trêu cháu. Ông không được nói cháu hư. Cháu có tè dầm đâu. Đấy là con chuột chí nó tè đấy chứ. Cháu ngoan lắm cơ, ông à.
Cu Lợi ngoan thật. Tỉnh ngủ rồi, nó bắt đầu ăn bột. Ăn hết đĩa bột to tướng xong là nó ngồi trong lòng bà Vận. Nó ngồi im, nó nghe các cụ nói. Nó nhìn các cụ. Có cụ vừa phát biểu vừa nháy mắt với nó. Thấy vậy, nó cười hấc một tiếng rồi ô ê hòa theo. Thế là kìm chẳng được, bỏ dở câu nói, có cụ xán đến nó, tậc tậc lưỡi và giơ hai bàn tay xin bế nó.
Cu Lợi không biết lạ. Cụ nào đưa tay, nó cũng nhoài ra liền. Ba tháng nó đã cứng cáp ra dáng. Bốn tháng nó đã nhu nhú hai cái mầm răng cửa. Nhìn răng nó sắp mọc, các cụ mới nhớ rằng răng mình đã rụng mấy cái rồi. Có cụ đang bế nó, bị nó tè ướt vạt áo, lại lấy làm khoái trá vì coi đó là phước lành, cụ đang mong có cháu trai.
Cu Lợi khôn dần từng ngày. Năm tháng, buồn đi tiểu nó đã biết kêu è è để bà Vận xi. Cũng là do bà Vận chăm xi nó và tập cho nó thói quen tốt vậy. Có ngày chẳng phải thay một cái quần. Nó khỏe mạnh và phổng phao hơn hẳn bọn trẻ cùng lứa. Cổ chân, cổ tay ngấn hằn như buộc chỉ. Tóc nó tốt bời bời và chân tóc thì trắng hếu. Các cụ khen bà Vận chăm chút nó tận tình và mát tay. Bát sạch ngon cơm. Em sạch nhiều người thích ẵm bế. Quả nhiên là thế. Nhìn nó, ai cũng thích bế bồng và trò chuyện. Sáu tháng nó đã biết vung tay “đi chợ”, lại biết nhăn mũi làm mặt xấu, nắm hai bàn tay chim chim. Và khi các cụ xúm quanh nó, giục: “Em làm mưa đi”, nó liền mím môi phì hơi lẫn tí nước bọt từ miệng ra. Nhưng, đó cũng là thời kỳ nó ngứa răng. Nó đút tay vào mồm liên tục và vớ được cái gì nó cũng đưa ngay vào miệng. Cụ Tốn bế nó vừa kêu ối, cái bút bi ở túi cụ đã bị nó rút ra đưa vào miệng. Tiếp theo, cái kính viễn của cụ Liễn, cái ví của cụ Lực... trở thành đối tượng tấn công của nó. Thấy nó vậy, các cụ thích lắm. Các cụ khen nó thông minh, sáng ý. Lại càng thích thú khi thấy cụ Hoan vừa kêu ối ối vừa khẽ khàng gỡ tay nó ra khỏi chòm râu cằm rậm như một búi cỏ của cụ. Nó bắt đầu sờ mũi, sờ tai các cụ và ít lâu sau khi bà Vận dạy nó thơm má, thì các cụ nhiều hôm như là xếp hàng lần lượt đến trước nó, chìa má ra: “Em thơm ông cái nào!”. Rồi thích thú cười ha hả. Rõ một già một trẻ bằng nhau.
Mối quan hệ giữa cu Lợi và các cụ đã thiết lập. Không thể ngờ, ở hai đầu mút của tuổi đời, con người lại bó bện với nhau đến thế. Trông thằng bé đẹp đẽ sáng láng thế kia, làm sao mà không tin tưởng vào hậu vận của nước nhà, các cụ nhỉ! Chính là một hôm, một cụ trong hội đã buột miệng nói vậy. Và tất cả tám cụ đều lặng im như tờ giấy thấm.
Hóa ra chẳng hề vô tình tí nào. Đứa trẻ hiện diện như một lời nhắc nhở về sự kế tục, về bổn phận. Gần nó, mới nhận ra rằng, chẳng phải chỉ là trẻ cần đến già, mà ngược lại, thiếu đứa trẻ thì đời người già cũng chênh vênh buồn tẻ lắm. Ấy thế, trẻ và già, nào đã biết ai cần thiết hơn cho ai! Vắng Lợi ngày chủ nhật ở với mẹ, thứ hai đến có cụ đã giằng phắt nó từ tay bà Vận, rối rít kêu rằng nhớ nó. Các cụ tranh nhau bế nó. Đưa nó ra sân chỉ cho nó biết con chim sâu đang lích rích, con mèo đen đang bò trên giàn mướp. Rồi mặc bà Vận ngăn, có cụ còn nhông nhông đưa nó ra trụ sở phường để nó nghe các cụ... bình thơ.

*

Sau cai sữa, Lợi bước vào thời kỳ phải tự đề kháng chống trả bệnh tật từ bên ngoài. So với thời kỳ trước, nó ốm đau nhiều hơn. Tuy chỉ là viêm họng, căn bệnh thường phát sinh mỗi khi thời tiết thay đổi. Hoặc hu hi nghề ngà mỗi khi mọc răng. Những hôm ấy nó ngồi trong lòng bà Vận, mặt xì xị, mắt gà gà, đầu nép vào ngực bà bảo mẫu tận tụy. Nó tỏa ra không khí vẻ buồn thiu, ảo não. Vẫn là các cụ hưu trí hay tranh cãi, đa sự như mọi khi mà bỗng dưng như đổi tính đổi nết, chậm mồm chậm miệng ít nói hẳn đi. Đến cả đi lại cũng ý tứ khẽ khàng. Còn ánh mắt nhìn nó thì rõ ràng là thương mến và ái ngại lắm. Đến nỗi mà bà Vận chốc chốc lại phải xua xua tay khỏa lấp át đi: Cháu cám ơn các cụ. Các cụ thương cháu. Cháu sắp khỏi ốm rồi. Chỉ nay mai là cháu khỏe lại thôi ạ.
Bà Vận nói chẳng sai. Lợi vượt qua những căn bệnh vặt của trẻ con thật nhanh. Uể oải chỉ đến hai hôm là cùng, ngày thứ ba nó lại tỉnh táo, cười nắc nẻ từng hồi và bi bô nói theo các cụ hàng thôi dài.
Nhưng sáng ấy sẽ là một thời điểm bà Vận, cô giáo Tâm chẳng bao giờ quên được, cái phải đến đã đến. Nghĩa là, gần như là một quy luật phổ biến của trẻ con xứ ta, đứa nào rồi thì cũng một phen bệnh tật hành hạ cho xơ xác, rồi thì có nên người mới nên.
Sáng ấy, nhận Lợi từ tay cô giáo, bà Vận đã giãy nảy: Chết, sao em nóng thế này? Vừa nghe vậy mẹ nó đã mếu máo, phân trần rằng nó bắt đầu nổi cơn sốt từ chín giờ đêm qua, đúng lúc bố nó nhận lệnh phải lên ngay biên giới Móng Cái bắt một tổ chức buôn ma túy lớn; còn cô hôm nay là ngày phải đi coi thi, chẳng biết phải làm thế nào, ngoài việc phó thác cho bà.
- Thôi, cô cứ đi đi. Để cháu cho tôi!
Bà Vận nói, bế Lợi vào buồng trong. Bật đèn, bà thấy mắt nó nhắm nghiền và những nốt li ti đỏ như muỗi đốt lấm chấm đầy ở mặt nó, bà liền kêu trời. Ông Vận đi đánh cầu lông về, nhao vào: Làm sao mà bà biết là nó lên sởi? Bà Vận ngẩn người, nhưng đưa đứa nhỏ cho chồng, đứng dậy, bà liền xắm nắm bước đi. Chưa nuôi con bao giờ thì bà phải đi hỏi. Hỏi ai? Chính là các cụ trong tổ. Tám cụ đã đến sờ trán nó, xem lưng nó, xem mắt nó và đều bảo rằng: Sởi thì lành thôi, nhưng phải kiêng gió, kiêng nước hai mươi mốt ngày và phải đề phòng biến chứng.
Đó là những ngày u buồn của ông bà Vận. Cửa đóng màn buông, căn buồng kín như buồng tằm. Liền mấy ngày trời, Lợi sốt xình xịch, nóng như hòn than. Sởi mọc thuận. Bắt đầu từ đầu, mặt, các nốt sởi lan ra khắp lưng bụng rồi xuống chân Lợi. Bà Vận không rời tay bế ẵm em, hễ thấy em cựa mình, è ẹ khóc là vội vàng ru dín, nựng nọt. Ông Vận lập cập vào ra. Chốc chốc hỏi được các cụ bạn phương thuốc gì lại về mách bà Vận và hì hụi thực hiện. Ông đốt bồ kết. Ông ra bờ hồ tìm lá nhọ nồi. Đang giã mớ lá nhọ nồi, nghe bà gọi: Lấy cho tôi cái khăn ướt, ông lại vội bỏ cái chày đó, chạy vào. Cả một đời giờ mới như được làm bố làm mẹ, làm ông làm bà hay sao mà nhìn đứa trẻ ốm đau hao gầy từng giờ, từng ngày, ruột gan thấy xót đau như bị cào xé.
Chao ôi! Đó là những ngày âu lo, chia sẻ và giao hòa. Những ngày mỗi người nhận ra mình ở chiều sâu bản thể tâm tình. Nhất là khi bệnh sởi của Lợi đi qua không trót lọt êm thuận. Đứa nhỏ xinh đẹp khỏe mạnh thế mà phải chịu đựng một thử thách nặng nề quá sức. Biến chứng của căn bệnh lành nọ gây bệnh tiêu chảy ác hiểm và sau đó Lợi mắc chứng sốt phỏng dạ. Lợi ở hẳn nhà ông bà Vận cùng với mẹ nó. Bố nó từ Móng Cái về, vội vàng xin nghỉ phép, nhưng cũng chỉ làm được mỗi một việc là trông nhà và thở ngắn than dài. Vả, Lợi có chịu theo ai đâu mà bảo là bế ẵm. Đêm nó nằm cạnh bà Vận sờ tai bà, nghe bà ru, bà kể chuyện Tấm Cám, chuyện Sọ  Dừa... Suốt ngày nó ở trong lòng bà. Mỏi quá thì nó nằm vắt trên vai bà. Nhìn nó xanh rớt, chỉ còn xương bọc da, khắp người lở loét, tóc tai bơ thờ, lờ ngờ đôi mắt, nhiều lúc bà Vận ứa nước mắt mếu máo kêu trời. Nâng nó trên tay, nghe nó rên rỉ, nước mắt bà ròng ròng:
- Cháu ơi, cháu san sẻ cái đau cái mệt cho bà đi, cháu ơi!
Thấy nó buồn bã, lại như là thở dài, bà vội lau nước mắt, cứng cỏi bảo nó rằng: Bà đã cúng mụ cho cháu. Mụ sẽ phù hộ, chỉ nay mai cháu lại khỏe mạnh trở lại thôi, cháu ơi đừng buồn khổ, cháu ơi. Cháu mà buồn khổ thì bà xót xa lắm!

*

Trận ốm kéo dài ba tháng trời. Ngày Lợi cất tiếng cười đầu tiên khi một cụ cù khẽ vào nách nó, là một ngày vui tưng bừng. Dựng Lợi đứng trên đầu gối mình, bà Vận cất tiếng vui vẻ:
- Dạ, cháu chào các cụ. Cháu là con mẹ Tâm. Bố cháu là đại úy công an chuyên đi bắt bọn buôn lậu đây ạ. Cháu khỏe rồi! Không bị lần ốm vừa rồi thì cháu đã biết đi rồi đấy ạ. Cháu biết đi rồi cháu sẽ đi học mẫu giáo, các cụ ạ.
Nói hết câu cuối cùng, bà Vận chợt nín thít và lòng dạ bỗng nao nao. Đứa trẻ sẽ chẳng bao giờ bé mãi cả, chuyện bình thường là thế đó mà tự nói ra sao bỗng thấy là lạ.
Lợi phục sức từng ngày. Trong nó tiềm ẩn lực trỗi dậy của ngọn măng. Nó đã ăn cơm hạt. Mới tênh tênh tháng trước, tháng sau nó đã vịn tường đi dò dẫm và tháng sau nữa nó đã đi được cả một đoạn dài. Khác những đứa trẻ khác, nó biết đi nhưng không chậm nói. Và như vậy mỗi một khôn lớn của nó với bà Vận đã trở thành dấu hiệu của cuộc chia tay đến gần.
Rồi đây, bà Vận sẽ không trông nom Lợi nữa. Nghĩ vậy, bà Vận bỗng ngẩn ngơ. Không có Lợi, bà sẽ không có việc làm. Bà sẽ thành một người thừa thãi như trước khi Lợi đến với bà. Nhưng, không phải chỉ có thế. Cũng không phải không là bà giữ trẻ tư gia nữa thì bà mất đi một khoản thu nhập, mặc dầu là không nhỏ, những một triệu đồng, gần bằng nửa lương hưu của bà. Cô giáo Tâm rất quý bà. Tháng đầu tiên cô đưa bà số tiền ấy, bà run rẩy không dám nhận. Bà chỉ xin một nửa thôi. Cô không nghe. Cô bảo: cháu còn kiếm được. “Thôi thì coi như bà vay của cô”. Cuối cùng bà nói vậy và đành nhận, phần để mua sắm cho Lợi. Phần nữa là để dành. Để dành được ba tháng thì mua được cái nhẫn vàng. Giơ cái nhẫn vàng một chỉ trước mặt Lợi, bà khoe: “Em ơi, của em tặng bà đây này”.
Đứa trẻ đã tặng bà một vật báu. Vật báu đó là chiếc nhẫn vàng.  Không! Vật báu đó còn quý hơn cả chiếc nhẫn vàng. Đứa trẻ đã cho bà những ngày sống bận rộn, lo âu, vất vả. Nó đã khơi lên từ bà khả năng yêu thương con người và tình yêu con trẻ. Sống là để san sẻ cho người khác, sống là để  tận tụy cho tình yêu thương trẻ nhỏ, điều đó, kỳ lạ thay lại cũng chính là niềm hạnh phúc lớn lao, là báu vật  bất ngờ ở ngoài dự tính mà bà đã được nhận và bây giờ bà mới được biết.
Một lần nữa, dự tính của bà Vận chậm hơn thực tế. Lợi được mười tám tháng, bố nó được phân nhà mới và mẹ nó được chuyển công tác về một trường nội thành. Nó phải theo bố mẹ nó chuyển chỗ ở. Một chiều heo may thổi ràn rạt vào ngõ nhỏ, cô giáo đến đưa bà Vận một gói quà lớn, đón Lợi từ tay bà, rồi ngồi xuống, tay ôm con, tay xoa mặt, giọng nghẹn ắng:
- Con chắp tay lạy bà đi, con...
- Con lạy bà ạ!
Lợi ngọng nghịu. Mẹ nó rưng rưng tiếp:
- Con thơm bà đi. Lạy bà, nhờ bà, đận nuôi con gian khó nhất của con qua rồi!
Bà Vận choàng tay ôm cả cô giáo và Lợi, giọng nấc nghẹn:
- Tôi thật tình tôi chẳng muốn xa cháu đâu, cô ơi! - Rồi xoa xoa mặt, bà ngập ngừng: Cô giáo ơi, tôi nói thế này, nếu không phải cô bỏ qua nhé. Tôi trông cháu, cô tốn kém cho tôi nhiều quá. Bây giờ tôi chỉ muốn được trông cháu mãi mãi thôi.
Không để bà Vận nói hết câu, cô giáo đã cầm tay bà, nước mắt chan chan:
- Bà ơi, cháu hiểu tấm lòng bà, cháu hiểu chứ, bà ơi. Tiền bạc là cái gì so với công ơn bà, hả bà? Xa bà, Lợi chắc nó sẽ buồn lắm. Thật là cực chẳng đã mới phải thế này, bà ơi!

*

Lợi không đi nhà trẻ của bà Vận nữa. Mẹ nó vào kỳ nghỉ hè. Ngày ở nhà không nói làm gì.
Ngày phải đi họp, đi học, mẹ đi đâu cũng cắp con đi theo đấy.
Nhiều lúc muốn đưa nó đến bà Vận cho mẹ con cùng đỡ khổ, nhưng muốn mà không được, vì xa quá, những hơn ba cây số. Mà bố nó thì vẫn cứ biền biệt, nay Móng Cái, mai Lạng Sơn, kia Lào Cai, tít mù vào công việc.
Với mẹ, Lợi chẳng được cưng chiều. Động một tí là mẹ nó gắt. Nào, có nghe không! Không nghe thì que vào đít! Đêm nằm, nó lân la đến sờ tai mẹ theo thói quen là mẹ nó phát đen đét, rồi quát đùng đùng: Không cho người ta ngủ à. Nó nghịch nước, mẹ nó giật tay nó, kéo lên nhà: Ướt hết quần áo rồi, có muốn cởi truồng không! Nó ngồi chơi đồ chơi một mình. Chơi chán thì thôi. Không hơi sức đâu mà bế ẵm được. Mẹ nó bảo thế. Nó khóc èo ẹo, có lúc miệng mếu xệch, gọi: Bà ơi! Mẹ nó cáu: Bà đang ốm ở nhà quê. Không biết thương ai sất cả là thế nào! Nó nguẩy: Bà Vận cơ! Rồi ti tỉ liên hồi: Bà Vận ơi. Bà Vận ơi. Mẹ nó kêu: Sao mà dai như đỉa thế!
Một hôm, đang ti tỉ như thế, bỗng nó im bặt rồi reo to và cười thành tiếng. Mẹ nó đang ở trong bếp, ngoái ra, hỏi: Cái gì thế? Thì thấy nó đứng dậy đi ra cửa, miệng gọi: bà bà...
Ngoài cửa ngó vào một gương mặt phụ nữ tròn đầy phúc hậu, hai con mắt già nheo nheo, trìu mến:
- Em đấy à?
- Bà, bà...
- Lợi có nhớ bà không?
Mẹ Lợi bỏ quần áo đang giặt đấy, chạy ra, hai tay ướt rượt vẩy vẩy, thất thanh:
- Bà! Bà Vận. Kìa, lại các cụ nữa.
Sau bà Vận là ông Vận, là các cụ Liễu, Tốn, Lực, Hoan... Tất cả đang ngó nhìn Lợi, mắt già tươi cười thân thiết. Ông Vận giơ cao bàn tay thợ dày dặn, nhay nháy mắt:
- Lợi ơi, nhân tiện ngày đầu tháng lên quận lĩnh lương, các ông đến thăm cháu đây. Có nhớ các ông không? Về với các ông, với bà Vận đi.
- Về với bà đi.
- Về với các cụ đi, cháu.
Cô giáo Tâm đẩy cánh cửa gỗ, mời bà Vận và các ông vào nhà, nước mắt nhòe nhoẹt mi trong khi Lợi lon ton chạy ra, ôm chầm lấy bà Vận. Bà Vận nước mắt cũng nhoèn mi.   
Ma Văn Khấng

Xem Tiếp: ----