hụy An đưa tay xé lịch. Đã sang tháng 4. Nàng nhìn qua khung cửa sổ rộng không màn che ra phía sau nhà. Cả một dãy chậu bon-sai được Sơn kê lên trên kệ gỗ xếp cẩn thận ngay tầm mắt từ phòng khách nhìn ra vườn, chỉ để nàng ngắm mỗi ngày. Mỗi chậu, mỗi cây, mỗi kiểu, mỗi dáng, mỗi thế. Xa hơn chút nữa sát hàng rào phân đôi với nhà bên cạnh, màu cam thắm đẫm vẻ tươi nhuận của những chùm quít xen kẽ với khóm mía cao vút giơ những thân cành tím đỏ. Hai bụi hoa mẫu đơn đến mùa nở rộ. Cái mầu phấn hồng hơi ẩn sắc tím, mướt như mùa xuân đầu mùa và gợi lên những rạo rực của những nõn nà tươi thắm. Cây táo hàng mười mấy năm, trái đỏ đẹp như trong truyện cổ tích cũng khoe sắc mời chào mấy chú chim sẻ rúc rích suốt ngày. Đẹp như thế mà Sơn đang đòi chặt hết, chỉ để trồng cây xanh cho hợp với dãy bon-sai!
Có tiếng chuông. Tiếng chuông không lớn nhưng trong cái yên tịnh của toàn khu nhà này vào giờ giấc mà mọi người đi làm hết lại trở nên... rộn quá! Thụy An chợt nhớ..
Hai đầu gối vẫn đau làm nàng đi những bước nhỏ và chậm. Chưa mở cửa nhưng nàng cũng biết là ai. Ông Harry T.
Cái se lạnh còn sót lại của mùa đông đang chuyển bước sang xuân ở bên ngoài nhanh chóng luồn vào theo với khuôn mặt khắc khổ với những vết hằn trũng ở hai bên mép. Ông ta theo tập tục cúi đầu thật sát khi thấy chủ nhà:
“Chào Bà! Bà mạnh giỏi?”
“Chào ông!”
Thụy An xem câu hỏi thăm của ông Harry T. như một lời chào hỏi thông thường nên không cần phải trả lời.
Ông Harry T. chỉ vào bình hoa để trên chiếc kệ bằng gỗ nâu bóng có chân quỳ với số tuổi lâu đời gấp bao nhiêu lần hơn Thụy An, khen:
“Lúc nào bà cũng có hoa tươi đẹp thay luôn luôn. Cái mùi hoa này mới ngọt làm sao! Nó đi với mấy món đồ cổ của bà. Vừa có hương lại có sắc”
Thụy An cười. Nụ cười của nàng là một câu trả lời hay là một sự phụ họa? Hiểu thế nào cũng được.
“Tôi thích hoa, thích cây, nhất là loại hoa peony”
“Chồng bà sưu tầm cho bà nhiều thứ cây cảnh thật hiếm. Một sự tương đồng như thế giữa hai người thật là quý”
Thụy An đi trước, mở cửa cho ông ta ra vườn sau, nàng không nói gì thêm. Chẳng phải nàng là người lạnh nhạt xa cách, nhưng phải dùng tiếng Anh để trao đổi câu chuyện với ông Harry T. là điều không thích thú gì.
“Bà đừng lo. Chốc nữa tôi về bằng cửa bên hông, bà không phải bận tâm”
Đây là lần thứ ba ông Harry T. nói câu này. Ông ta có thể vào cửa bên hông khi đến nhưng ông ta không muốn vậy vì muốn cho chủ nhà biết là ông ta đến, không phải tự đến tự đi. Nàng gật đầu:
“Ông cứ tự nhiên”
Ông Harry T. là người đã bán lại cho vợ chồng Thùy An một cây bon-sai rất quý. Đó là lý do tại sao ông ta vẫn lui tới để chăm sóc và “thăm” cây bon-sai đã không còn là của ông.
Từ trong phòng khách phụ gần bếp, ngồi ở ghế bành nàng có thể nhìn thẳng ra vườn. Cái dáng còm cõi già nua của ông Harry T. đang khom người chúi mũi vào cây bon-sai làm Thụy An nhớ đến cái duyên mua được.
Lần đó, Sơn nhất định bắt nàng phải đến xem cây ở nhà ông Harry T., người nổi tiếng về bon-sai. Ông Harry T. được biết đến trong giới sưu tầm cây cảnh vì nhiều lý do. Ông ta có một bộ sưu tập cây cảnh đồ sộ. Tài uốn nắn của ông có thể nói là tuyệt hảo. Nhiều cây bon-sai của ông đã được giải thưởng cao quý. Ngay tại Tòa Bạch Cung cũng có một cây bon-sai do chính tay ông tìm kiếm và không chỉ là uốn nắn mà còn tái tạo để thành một tác phẩm nghệ thuật. Những cây bon-sai đẹp của ông dù có trả giá cao ông cũng không bán. Thụy An nhớ khi nghe kể về ông Harry T. và những cây bon-sai nàng đã buột miệng nói: “Tại chưa trả đúng giá nên chưa bán đấy thôi!”
Nàng nhớ mình đã miễn cưỡng đi cùng với chồng đến nhà ông Harry T. chỉ để xem cây cảnh. Sơn biết được địa chỉ này qua một người Tàu chuyên bán đồ cổ mà chàng là khách hàng lâu năm. Chồng nàng đã say sưa nói về cây bon-sai mà ông Harry không bán với một sự ham thích lạ lùng. Anh thích làm chủ những vật hiếm quý, để rồi khi đã mua được về làm của mình thì chỉ thích được một thời gian rồi lại tìm tòi săn đuổi những vật hiếm có khác, không hiểu vì sự chiếm hữu đã làm Sơn nhàm chán hay vì chưa đủ? Nhưng chưa lần nào Thụy An lại thấy sự say mê ở chồng mình lại mãnh liệt như thế khi tả về cây bon-sai không mua được.
Nhà ông Harry cách chỗ nàng ở đến hơn 1 giờ lái xe. Nhà không lớn nhưng đất rộng, nhiều cây lớn lại ở gần sát chân núi. Điều đầu tiên mà Thụy An thấy ngay khi bước vào nhà ông T. là cái lạnh và âm u như đi vào một huyệt mộ. Trong nhà tối om, cái mầu nhờ nhờ u ám có mang chút mùi của những đồ cũõ vây lại như một bức màn vô hình thập thò xem chừng những bước chân người lạ! Màn cửa trong nhà mầu đậm và kéo kín mít. Đồ đạc toàn gỗ đen với mặt đá xám lạnh lẽo. Nhà không có nhiều đồ đạc. Căn nhà như không có người ở, không sinh khí, hay chỉ là một thứ sinh khí èo uột và thật mơ hồ. Bước vào, ngộp thở, và chỉ muốn đi ra ngay như sợ sẽ bị cầm giữ lại hay lún xuống trong cái tối tăm tưởng chừng đang vươn những cánh tay ra với lấy! Những cánh tay không màu sắc với những con mắt chớp mở theo từng gót chân chậm và nhỏ của Thụy An.
Chủ nhân mở cửa ra vườn sau. Chỉ một cánh cửa ngăn trong và ngoài mà như mở một trang sách mới, của một người khác. Tuy không tưng bừng rộn rã nhưng êm đềm với không gian thoáng hơn. Mọi vật, mọi sự trong khu vườn được xếp đặt với những thứ tự riêng. Riêng mà chung. Riêng trong cách thế của từng loại, nhưng chung trong sự hài hòa làm như phải như thế, không thể khác đi được. Những cây Tùng Ngũ Châm lớn, cao, không theo kiểu bon-sai cũng được cắt tỉa nhiều tầng với những tàn cây thật đẹp. Rễ của cây trồi lên khỏi mặt đất những đường gân mạnh mẽ như móng vuốt chim ưng đang bám xuống mặt đất. Hồ nước ở góc vườn hình vòng cung thu gom một mảnh trời chìm lẫn với lác đác vài cánh sen trắng. Tuyệt đối không thấy một bông hoa màu sắc rực rỡ nào. Làm như chỉ một chút màu vào cũng đủ khuấy rộn cả một không gian lặng như  đang chìm dần vào bóng chiều tà. Những chậu bon-sai được đặt nằm xen kẽ chứ không để riêng xếp loại từng góc. Chúng nằm đấy trong thinh lặng nhưng dường như cũng để chờ đợi bóng đêm xuống như trông ngóng những hạt sương từ trời cao kia nhả xuống êm ả trong một gặp gỡ giữa trời và đất.
Chủ nhân của ngôi vườn, ông Harry T., người thấp bé nhưng rắn rỏi tuy có phần khắc khổ. Hai cánh tay gầy gò thò ra khỏi chiếc áo sơ-mi cụt tay và dứt điểm bằng đôi bàn tay nhỏ nhắn nhưng gân guốc. Ông ta có đôi bàn tay và những ngón tay nhỏ như tay đàn bà. Ông Harry khi đưa Thụy An và Sơn đi xem những cây bon-sai đã hãnh diện khoe với nàng: “Đây là những đứa con của tôi”. Nàng đã nghĩ thầm nếu là con thì làm sao bán được?
Những cây bon-sai với tên gọi mỹ miều do ông Harry đặt mang nhiều ý nghĩa. Ở đây đã là một thế giới thu nhỏ, nhưng cúi gần xuống nhìn những chậu bon-sai được cắt xén tỉ mỉ, những mảnh rêu mướt ở gốc, ở những mảnh thân cây, gốc rồi rễ rồi lá.. chêm một vài hình tượng tí hon, một thế giới khác còn nhỏ hơn, sâu hơn.
“Ông bà xem đây, phải uốn phải nắn phải chăm chút từng li từng tí mới được như thế này. Đây là loại cây Du được uốn theo thế “Long giáng”. Gốc lớn, lá nhỏ nhưng cành tỏa đều trên thân như vẩy rồng. Thân cứng mà hình thể mềm mại uốn khúc như rồng bay. Cành bóng như ngọc. Còn hoa... chỉ là hoa trong tâm tưởng. Gọi đây là Hoa Tâm Tưởng cũng được”.
Thụy An nhìn ông ta bằng một cặp mắt khác. Ông Harry không những đã cho cái cây một cái tên, một hình tượng, mà còn gán cho nó cả một linh hồn theo ý ông!
Ở một cây khác, chủù nhân tiếp tục giải thích:
“Đây là thông Nhật Bản, Japanese white pine. Từ gốc cây nhoài ra lên cao như đỉnh thác, rồi lại đổ xuống nhiều tầng mà ở mỗi chặng cây khúc khuỷa tựa như ghềnh đá, trổ ra lá có tán tròn trịa như nước chảy. Những tán tròn và mập “Trực” đã kéo lại cái thế “Đổ” của bon-sai”.
“Còn núi đá với cây đây ông đặt tên là gì?” Thụy An hỏi.
“À, nó là “Lặng Lẽ Uy Hùng”. Núi đá không phải lên tắp cao như bình thường mà chênh vênh đổ dài. Trên thì nhẵn còn dưới bụng đá thì tôi phải đẽo thêm, tạo cho mấp mô lồi lõm nhiều hơn để tạo sự hiểm trở đối nghịch đồng thời tôn vinh cái vững chãi của núi. Đỉnh núi có tùng xanh do tôi chiết vào, dưới chân núi có lều trúc, ngư ông. Trên có sức sống mà dưới cũng thế. Có cái tĩnh của đá, có cái động của cây cỏ. Bon-sai phải có bố cục hoàn chỉnh. Bố cục càng giản dị càng đẹp”
Sơn nói với ông ta:
“Ông giới thiệu về cây bon-sai mà tôi thích cho vợ tôi nghe đi!”
Ông Harry đưa Thuỵ An và Sơn lại góc vườn nơi có hòn giả sơn, gần suối nước nhân tạo đang róc rách. Cây bon-sai có hình chữ S được ép cho ngắn lại. Cả thân cây khô vàng úa không có một tí vẩy nào cho thấy sự sống. Lên đến hơn nửa đoạn thân mới có nhánh rẽ ngang đâm chồi lá xanh.
Ông Harry giải thích:
“Đây cũng là loại Tùng Ngũ Châm. Loại này lá xanh quanh năm. Lá kim ngắn, sinh trưởng chậm và sống rất lâu. Cái đặc biệt của cây bon-sai này là hình tượng và dáng tự nhiên của nó. Ngoài ra quan trọng hơn cả là tuổi tác của cây. Cây này phải trên 1000 năm tuổi nên không thể uốn hay sửa dáng, thế được. Ông Bà nhìn xem. Giống cây này càng lâu đời thì dáng và thế của nó càng vặn xoắn, cuộn khúc, thế như rồng bơi. Kiểu thân cong thế này gọi là “Long trang”. Nó đúng là rồng. Tôi phải lên núi, vào sâu tình cờ tìm được nó. Nó bám vào gần sát bờ vực. Tôi lấy được mà suýt mất mạng. Bà có thấy phần thân từ gốc không? Phần này đã chết từ lâu. Bà nhìn coi! Khô hết cả. Vậy mà từ đây.. Bà cúi xuống nhìn gần mà xem.. lại sinh ra cành lá mới. Lá mọc ra cũng tự nó. Tôi đã thử chiết hay ghép nhiều lần mà đều thất bại. Hoàn toàn là tự nhiên. Không một vết tích của dây đồng uốn hay bất cứ một vết đẽo hay cắt nào. Nhưng cũng chỉ mọc có thế, không thêm cành mới nào khác. Đẹp ở chỗ có tử có sinh ngay đây.”
Thụy An cúi gần sát vào cây bon-sai. Nàng ngửi được cả mùi hăng hắc từ cây tỏa ra. Ngửng đầu lên, nàng hỏi:
“Tôi sờ vào được không?”
Đôi mắt ông Harry vốn đã nhỏ nay nheo lại như một lằn chỉ nhìn Thụy An. Cái nhìn như một lằn chớp trong đêm tối lướt trên mặt nàng, sắc và lạnh, lóe lên tí ánh sáng rồi khép kín.
Thụy An vẫn nhìn lên chờ đợi câu trả lời của ông ta.
“Được chứ! ù”
Nàng đưa ngón tay sờ vào thân cây khô như thăm dò một sự sống ẩn dấu trong đó. Thân cây khô cứng nhưng có chỗ không ráp mà những mạch gỗ nhẵn như đã hóa thạch. Những ngón tay nàng nhẹ nhàng vờn theo đường cong của thân cây lượn, như vuốt, như làm quen rồi buông ra. Những lằn gỗ khô bóng oằn xuống rồi cong lên nhưng vẫn bám vào nhau như gồng mình chịu một sức nặng. Những chùm lá bé tí tẹo có màu xanh lục đậm đâm ra từ thân cây chết đó như một sự thách đố dịu dàng mà hiển nhiên. Ngay cả cái mùi ngai ngái từ cây tỏa ra như những tiếng chuông nho nhỏ gióng lên diệu vợi râm ran. Cái âm vang chìm đắm đó như những tiếng nói vô hình trao gởi đến Thụy An. Nàng nhắm mắt lại hít cái mùi thơm đó như một thu nhận. Chừng như chưa đủ, nàng lại chậm chạp vuốt phần thân cây khô lần nữa.
Thụy An chợt nhói đau, nàng kêu khẽ!
Sơn giật mình hỏi:
“Em sao thế?”
Nàng đưa ngón tay lên nhìn. Đầu ngón tay giữa có lẽ bị gỗ ở thân cây móc vào nên sướt chảy máu. Để ngón tay vào miệng, nàng mút cho chặt để hút phần máu ri rỉ. Thụy An lắc đầu ra hiệu không sao.
“Bà có sao không?” ông Harry ân cần hỏi Thụy An.
“Không ăn thua gì. Tôi vô ý quá”
“Em đụng vào đâu mà chẩy máu tay thế? Phải cẩn thận”
Ở phần giữa thân cây còn lại một vết đỏ sậm nhỏ xíu. Ông Harry nhìn xuống và chắt lưỡi. Có lẽ ông ta hối hận đã cho Thụy An đụng vào cây bon-sai quý.
 “Ông để cho chúng tôi chậu bon-sai này nhé?” Thụy An buột miệng hỏi.
Sơn đã kỳ kèo mãi từ mấy lần  trước nhưng ông ta từ chối không bán. Lần này ông Harry cũng lắc đầu:
“Những cây nào khác ở đây có thể để cho ông bà được, nhưng riêng cây này thì không. Hiếm khi nào mới gặp được như thế. Có duyên thì gặp.”
Thụy An đứng dậy, nàng loạng choạng suýt ngã. Sơn phải đỡ tay nàng.
“Trong vườn tôi có nhiều cây bon-sai đẹp lắm. Ngay như  cây bon-sai kia. Đó là một tác phẩm nghệ thuật! Tôi đặt cho nó là “Hoang Sơ”. Kiểu này thuần túy là Nhật Bản. Đây là loại Tùng Nhật. Cây đã hơn 400 năm. Thoạt tiên chỉ có một cây, rồi tôi chiết và ghép vào thành một rừng Tùng. Đây là một cánh rừng nguyên sơ trên một đĩa hình hơi dốc. Nhìn vào thấy sự bình an trong cái hoang dã. Cái đẹp ở chỗ “tứ diện”. Ông bà nhìn phía nào cũng thấy nó đẹp cả, nhìn trước, sau, ngang, dọc, đều đẹp. Cây bon-sai này quý lắm, nhưng nếu ông bà thích thì tôi sẽ để lại vì biết là cây sẽ thuộc về người sành sỏi và yêu nó”
Sơn đã mua tác phẩm “Hoang Sơ” mặc dù vẫn tiếc cây bon-sai “Tử  Sinh”.
Nửa năm sau, ông Harry gọi điện thoại cho Sơn. Ông ta bằng lòng bán cây bon-sai “Tử Sinh”. Mang cây về nhà, Sơn khoe với Thụy An:
“Không ai có một cây bon-sai như thế này. Ông ta bán với điều kiện thỉnh thoảng phải để ông ta đến thăm cái cây một lần. Có ăn thua gì đâu, đến nhiều hơn cũng được vì nhiều khi ông ta lại chỉ cách cho mình dưỡng nó, phải không em?”
“Anh mua đắt không?”
“Chỉ hơn chậu “Hoang Sơ” một chút”
“Sao kỳ vậy? Em tưởng ông ta phải đòi giá cao lắm mới phải chứ?”
Sơn nhìn vợ tủm tỉm cười:
“Chắc mình có duyên!”
Khi Sơn đặt chậu bon-sai “Tử Sinh” cạnh chậu bon-sai “Rừng Thưa”, Thụy An ngồi trong nhà nhìn ra ngắm vì dạo này đầu gối nàng đau lên, không muốn đi lại nhiều.
Đến cả tuần lễ sau nàng mới ra vườn. Thụy An kê một cái ghế nhỏ gần dãy bon-sai, ngồi lặng yên. Nàng có cảm giác có thể bầu bạn với tất cả những cây cối trong vườn. Trong cái yên lặng giữa cây và người dường như có một cảm thông. Những đối thoại trong im lặng đó làm Thụy An thấy lòng nhẹ hẳn.
Ngồi ngắm cây bon-sai “mới” giữa bao nhiêu cây cảnh khác, nàng có cảm tưởng cây bon-sai Tử Sinh là một người khách lạ. Nó vẫn chưa thuộc về nàng, phải cần thời gian. Mình phải làm quen với nó mới được, nàng nhủ lòng như vậy. Thụy An lại gần hơn, cúi người xuống không chỉ để nhìn cho rõ hơn nhưng như một sự cận kề làm quen. Nàng chưa muốn bảo với nó về “mối liên hệ mới mẻ” giữa vợ chồng nàng và “nó”.
Nhưng rồi nàng chợt nhìn thấy có điều khác lạ ở cây bon-sai “Tử Sinh” mới mua về. Nàng nhớ cả thân cây uốn khúc hình chữ S không có một ngọn lá, chỉ ở trên quá phần giữa thân cây mới có trồi ra cành và lá. Cành lá đó rủ xuống một bên bềnh bồng như những đám mây lơ lửng. Thụy An lại nhìn kỹ hơn Ở đoạn thân kế tiếp đi ngược lên trên chừng 2, 3 cm, một nhánh cây nhỏ còn non bé tí teo, đâm ra ở một chiều đối nghịch với nhánh cây bên dưới. Lơ thơ  vài chùm lá có màu xanh hơi bạc. Màu lá non khác hẳn những chùm lá khác. Lạ nhỉ?
Từ hôm ấy, Thùy An tự dưng thích cây bon sai “Tử Sinh” hơn những cây khác trong vườn. Nàng ngồi đó, cạnh cây, yên lặng nhưng trong đầu Thuỳ An nói lên trong âm thầm biết bao nhiêu điều mà không hề thố lộ với ai. Trong cái tịch mịch của vườn cảnh, thỉnh thoảng những tiếng rúc rích của côn trùng, tiếng chim kêu lấp ló, nàng thấy được những điều mà vào những năm trước chộn rộn với công việc, quay cuồng với đời sống và lo toan, Thuỵ An không thấy. Ngồi cạnh cây bon sai “Tử Sinh”, nàng có cảm tưởng mình có thể thu nhỏ lại, nhỏ tí tẹo để ngồi dưới gốc cây Tử Sinh rồi trèo lên thân cây vòng vèo của nó, áp mình vào những tàn lá xanh nhỏ li ti ấy cùng hít thở một đời sống mới đầy kiêu hãnh vì cũng như nó, nàng đã vươn lên cao, vượt trên nỗi đau của mình.
Phần Sơn vẫn mê man đi tìm những hiếm quý khác nữa và chỉ nhớ đến cây “Tử Sinh” mỗi khi có bạn quý hay khách xa đến chơi để chàng có dịp giới thiệu về nguồn gốc của nó.
Lần này là lần thứ ba mà ông Harry T. đến thăm cây “Tử Sinh”. Tự dưng nàng muốn ra vườn nói chuyện bâng quơ với ông ta.
Nhìn ông ta cúi sát đầu vào cây “Tử Sinh”, nàng bắt chuyện:
“Ông có thấy gì khác biệt không?”
Ông Harry giật mình nhìn lên. Nắng chiếu vào gương mặt sạm nắng. Đôi mắt của ông ta gần như nhắm hẳn lại.
“Bà có để ý phải không?”
Thụy An hơi thắc mắc  nên chưa trả lời vội chỉ cười. Ông ta nói ngay:
“Vì vậy tôi mới bán cho ông bà”
Nàng tỏ ý không hiểu.
Ông Harry trỏ vào cây bon-sai:
“Bà có thấy nó mọc cành mới không?”
“Có, tôi có thấy. Lạ quá! Tôi nhớ ông kể là ông tìm đủ cách để chiết hay ghép mà không được”
“Bà có để ý cành non mọc ở chỗ nào không?”
“Khoảng giữa thân cây”
“Bà không thấy à? Nó mọc ra nhành mới ở ngay chỗ bà bị cào sướt tay. Từ vết máu khô của bà bám trên thân cây. Từ phần đã chết của nó, từ cái phần già nua cắn cỗi nhất lại sinh ra sự sống mới. Máu của bà, sự sống của bà đã làm nó hồi sinh. Bon-sai là một nghệ thuật do con người tạo nên. Con người gọi đó là nghệ thuật. Tạo ra nghệ thuật, tôi tưởng mình sống với nó, nhưng tôi nhầm! Tôi sống với nó nhưng nó không sống với tôi! Tôi yêu những điều mình làm ra, nhưng yêu không chưa đủ. Đó chỉ là thứ nghệ thuật một chiều! Còn bà? Sự đụng chạm của bà, vết thương của bà... Tôi không biết gọi đó là gì.. Một giao cảm giữa người và cây. Bà đã cho nó sự sống. Bà là người ơn của nó. Tôi phải bán cho ông bà là vì vậy. Trở lại đây nhiều lần, tôi chỉ muốn xem nhành cây mới này phát triển đến đâu. Xem những điều suy nghĩ của tôi đúng hay sai, hay vẫn chỉ là những hoang tưởng?”
Thụy An ngẩn người ra. Nàng cúi thấp xuống nhìn cây “Tử  Sinh”. Những điều ông Harry vừa nói có phải là những hoang tưởng? Hay chỉ là một sự trùng hợp? Nàng chỉ biết mình thích cây Tử Sinh hơn những cây khác trong vườn, và nhánh cây non mới mọc ấy đã trở thành một trung tâm điểm của sự chú ý.
“Có thêm lá non mới nữa đây này! Nó còn sống thêm hàng vài trăm năm hay vài ngàn năm nữa, nhưng cũng có thể..” Ông ta bỏ lửng câu nói chừng vài chục giây đồng hồ rồi lại bàn tiếp “Giữa muôn ngàn chộn rộn trong vườn mà nó vẫn phát triển tốt. Tôi cứ nghĩ phải tạo môi trường sống cho nó, mà không phải vậy. Tất cả những thứ do con người tạo nên, cột nó vào đều sai cả. Bà đúng là có duyên với nó!”
Nói đến đó, mặt ông ta buồn thiu, vừa tiếc vừa ngẩn ngơ. Có lẽ nếu Thụy An không đến, không đụng vào cây bon-sai Tử Sinh thì ngày hôm nay nó vẫn có mặt trong khu vườn của ông, nó vẫn thuộc về ông! Nghĩ đến đó, ông Harry T, chợt nhận ra ông vẫn quanh quẩn trong cái vòng mà ông dựng lên và gọi là nghệ thuật! Bây giờ ông mới thấy mình thua đậm! Cái tự nhiên bộc phát mới chính là nghệ thuật. Những gán ghép dưới bàn tay tài hoa của ông dù khéo léo đến đâu vẫn chỉ có nửa vòng nghệ thuật. Một nửa còn lại trống toang hoác nên mới sổng mất!!!
Ông nói với Thụy An:
“Tôi không có lý do gì để đến đây nữa. Cám ơn bà rất nhiều trong thời gian qua. Cái duyên tự nó đến, muốn cũng chẳng được. Thôi, tôi xin phép bà. Bà là một người may mắn”
Thuỵ An không biết nói gì hơn, nhưng nàng thấy được nỗi tuyệt vọng đang đong đưa cùng với nỗi buồn trên gương mặt ông Harry, trên đôi vai suông đuột đầy vẻ chịu đựng. Nhưng nàng cũng phải nói một cái gì trong lúc này.
“Ông cứ ghé thăm cây Tử Sinh.. bất cứ lúc nào ông muốn. Không có ông thì tôi cũng không có nó trong vườn được.”
Ông Harry cúi thấp đầu chào Thụy An:
“Không những bà là người may mắn mà còn đôn hậu rộng rãi.. Chẳng bù cho tôi!! Nhưng đủ rồi thưa bà. Cái duyên giữa tôi và nó đã hết. Không nên gượng gạo ép buộc làm chi. Cám ơn ông bà.”
Ông Harry lầm lũi mở cửa bên hông nhà ra ngoài. Ông muốn ở lại với cây Tử Sinh lâu hơn một chút nữa vì biết đây là lần cuối, và cũng thừa biết rằng chủ nhà không phản đối, nhưng như một người đã bị tước đoạt mất tình yêu, càng cận kề càng thấy đau hơn.
Nàng nhìn ông ta quay đi, men theo cửa bên hông ra lối trước. Thụy An nhìn xuống cây bon-sai Tử Sinh rồi lại nhớ đến những lời nói của ông ta. Ông Harry quả là một người hết lòng yêu.. cây!
Thuỵ An vào trong nhà. Nàng đưa tay gài cửa. Chắc chắn nàng sẽ không để Sơn chặt hết những cây trái hay hoa khác trong vườn. Nàng không muốn có nguyên một khoảng vườn chỉ toàn màu xanh của những cây bon-sai. Phải có này, có khác, như cuộc đời vậy.
Ngồi trước bàn thờ, Thụy An lần chuỗi đọc kinh nguyện trong ngày. Lúc này mới là tuyệt đỉnh của an bình, hạnh phúc và sự toàn mỹ. Những điều mà ông Harry T. nói nãy giờ đã rơi rụng bên ngoài như những trăn trở suy ngẫm do chính ông ta bày ra và đi tìm câu trả lời. Sẽ không bao giờ có câu trả lời như ý ông ta muốn cả, nàng biết chắc như vậy. Tự dưng nàng thấy tội nghiệp cho người được tôn thờ là bậc “sư” của ngành chơi cây cảnh bon-sai! Sự đau khổ do chính ông ta tạo nên đó sẽ đeo đẳng ông ta cho đến hết cuộc đời. Trừ phi..
Thuỵ An mỉm cười, lắc đầu! Nàng phải lần chuỗi lại từ đầu!! Không dưng bị chia lòng chia trí vì những chuyện không đâu!!

*

Khi những chùm lá mới ở cây Tử Sinh mọc ra nhiều hơn dù rất chậm cũng là lúc đôi chân Thụy An đã hoàn toàn bình phục. Nàng chăm sóc vườn cảnh nhiều hơn và vẫn bầu bạn với cây, với hoa. Sự sống mới không làm nàng thay đổi, chỉ bền vững hơn trong niềm tin của mình
 Mặc Bích

Xem Tiếp: ----